Truyện ngắn lịch sử Uông Triều

– Đoàn Minh Tâm –


1. Khi bàn về nghề, nhà văn Nguyễn Khải có lần nói, đại ý rằng điều quan trọng nhất của người viết là phải tìm được chất liệu phù hợp với “tạng” của mình. Tìm được thì thành, không là hỏng ngay dẫu cho có tài năng đến mấy, dẫu cho có lao tâm khổ tứ đến mấy. Ngẫm vào trường hợp Uông Triều, tôi tin anh đã tìm được “tạng văn” của mình để có tấm “hộ chiếu” trong làng văn: Đó là lịch sử. Xét về số lượng, những truyện ngắn viết về lịch sử của Uông Triều tuy không nhiều nhưng đó là mảng đặc sắc nhất trong sáng tác của anh, là điều đầu tiên tôi cũng như nhiều bạn đọc nhớ đến anh với tư cách  một tác giả truyện ngắn.

Hầu hết các truyện ngắn lịch sử Uông Triều đều lấy điểm tựa thời gian là triều đại nhà Trần. Chỉ có một vài truyện ngắn nằm ngoài lịch sử 200 năm hào khí Đông A như Đôi mắt Đông Hoàng với bối cảnh là cuộc kháng chiến kháng Nhật – Pháp của quân dân ta, Kiếm sắc và hoa đào viết về nữ tướng Lê Chân thời Bà Trưng – Bà Triệu sau công nguyên ít năm. Nhà Trần với chiến công oanh liệt thiên thu ba lần chiến thắng quân Nguyên xâm lược là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhiều thế hệ nhà văn. Uông Triều cũng không phải ngoại biệt. Tuy nhiên, việc Uông Triều viết nhiều về nhà Trần còn xuất phát từ lý do cá nhân. Sinh ra và trưởng thành ở mảnh đất Quảng Ninh, nơi có non thiêng Yên Tử gắn bó mật thiết với Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng và nhà Trần nói chung, nên với Uông Triều, nhà Trần không chỉ là nơi khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo mà còn là điểm khởi đầu cho hành trình hướng về nguồn cội với niềm tự hào sâu sắc.

2. Điểm thú vị (và cũng gây tranh cãi nhất) trong các truyện ngắn lịch sử nằm ở khía cạnh nhân vật. Ở điểm này, có thể nói Uông Triều đã có những thành công nhất định. Tôi đặc biệt hứng thú với những nhân vật phụ nữ trong các sáng tác của anh. Các nhân vật nữ từ những nhân vật lịch sử như Lê Chân trong Kiếm sắc và hoa đào, Huyền Trân công chúa trong Giấc mộng Huyền Trân, Trần Thị Thái trong Mùa xuân kinh thành đến những nhân vật hư cấu hoàn toàn như Nhiên trong Nước mắt sông Cầm, người nữ trinh sát trong Đôi mắt Đông Hoàng đều được Uông Triều ưu ái, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ. Ở họ nổi lên ba đặc điểm sau.

– Thứ nhất, Đẹp. Những người phụ nữ trong sáng tác của Uông Triều đều có vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng. Đó không phải là cái đẹp yếu ớt, mảnh mai, tiểu thư đài các lá ngọc cành vàng mà là cái đẹp khỏe mạnh, cứng cáp của người con gái có da có thịt, có sức khỏe. Đến tuổi dậy thì Nhan (Nước mắt sông Cầm) có cái đẹp mặn mòi của người con gái vùng sông nước. Vẻ đẹp khiến Phạm Nhan mê mẩn, luôn rình rập cơ hội để nhìn trộm nàng…tắm. Điểm Bích (Nàng Điẻm Bích) vừa thông minh, vừa xinh đẹp, chín tuổi đã được vua tuyển vào cung. Người nữ trinh sát trong Đôi mắt Đông Hoàng sở hữu một vẻ đẹp buồn và bất cần với đôi mắt ướt rượi, đa tình và “những ngón tay thon nhỏ mềm mại”.

– Thứ hai, Thông minh. Không chỉ xinh đẹp, những người phụ nữ trong truyện ngắn Uông Triều còn rất thông minh. Nàng Điểm Bích lúc 9 tuổi đã thông thạo thi, thư, lễ, nhạc “đặc biệt giỏi thơ quốc ngữ” được vua xem là “nữ thần đồng”. Cung nữ Lâm Chi đã khéo léo nghĩ ra phương án vẹn toàn cho mình và các cung nữ sao cho vừa giữ được mạng sống lại vừa không làm trái mệnh vua. Bất chấp sự nghi ngờ, rình dập và đe dọa từ viên sĩ quan quân đội Thiên Hoàng, Nhiên (Đôi mắt Đông Hoàng) vẫn diễn rất ngọt vai một người vợ phú hộ ngày ngày lân la bán rượu cho quân Nhật để do thám tình hình. Người phụ nữ (Bạch Đằng hải khẩu) đã khéo léo dùng lời ngon ngọt khiến tướng giặc trong phút lơ đãng đã tiết lộ việc quân cơ. Nàng đã mật báo lên cho Hưng Đạo Đại Vương những điều trọng yếu về quân giặc để Đại Vương có quyết sách dùng binh thắng lợi tạo nên trận Bạch Đằng lưu danh thiên cổ. Nữ tướng Lê Chân (Kiếm sắc và hoa đào) với tài trí và võ nghệ của mình đã giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi đập tan 65 thành trì giặc chiếm đóng, buộc tướng Tô Định phải cắt râu, bỏ ấn tín chạy thoát thân.

– Thứ ba, Tính cách mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt. Những người phụ nữ trong truyện ngắn Uông Triều không chỉ vừa có sắc vừa có tài ấy mà còn ẩn chứa những suy nghĩ khiến những người cùng thế hệ giật mình thon thót bởi sự táo bạo và mãnh mẽ. Mặc dầu bề ngoài vẫn tuân theo những giáo lý cơ bản của xã hội phong kiến nhưng ẩn sâu bên trong họ là mầm mống của sự “nổi loạn”. Sự nổi loạn đến từ những vấn đề nhạy cảm, kiêng kỵ và quan trọng bậc nhất của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: tình dục gia đình. Nhiên (Nước mắt sông Cầm) đã bảo với Phạm Nhan rằng khi nào muốn cô sẽ tắm cho hắn xem chứ đừng nhìn trộm lúc tắm. Hèn lắm. Nàng Điểm Bích trước khi đi nhận nhiệm vụ “mồi chài” bậc thiền sư đức cao vọng trọng đã không ngại ngần xin vua cho mình chở thành… đàn bà. Cung nữ Lâm Nhi trong Người con gái Yên Tử cả gan xin hoàng thượng Nhân Tông cho mình được hầu chăn gối một lần duy nhất trước khi đi… lấy chồng. Công chúa Huyền Trân (Giấc mộng Huyền Trân) trước khi hợp cẩn đã nói thẳng với vua Chiêm Thành xin phu quân “từ tốn”, phải biết “thương hoa tiếc ngọc” chứ không được bạo liệt “hùng hục như trâu”. Phụ nữ chân yếu tay mềm đã vậy, bậc nữ tướng như Lê Chân lại càng có những suy nghĩ táo bạo. Nàng có chí lập danh, lập tiếng trước khi đến với hôn nhân. Lê Chân ba lần từ chối tình cảm của người đô tướng để lô việc nước. Lần đầu vì thù nhà, lần thứ hai vì nợ nước, lần ba vì quốc gia chưa yên. Đó là cái chí mà không mấy người phụ nữ có được. Thiên kim tiểu thư của quan tư đồ Trần Nguyễn Hãn, Trần Thị Thái đã mắng vào mặt người yêu Phi Khanh rằng sao hèn thế khi nghe chàng khuyên hay là bỏ đi đứa con trong bụng để che giấu tội lỗi. Nàng cam tâm bảo vệ giọt máu của mình đến cùng dù cho có thể bị rơi đầu.  Trong thời đại chữ trinh và chuyện thành gia lập thất còn nặng nề và quan trọng đối với người phụ nữ như ngày trước, hơn nữa lại đứng trước mặt đàn ông, trước bậc quân vương chí tôn thiên hạ mà họ dám cất lên những tiếng nói như vậy, xem ra Uông Triều đã cấp cho những nhân vật của mình lá gan không hề nhỏ. Có thể nói, Uông Triều đã thổi cái hiện đại vào trong những người phụ nữ của mình một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Quan trọng hơn qua cái hồn hiện đại ấy, chúng ta thấy ở anh một tình yêu thương, tôn trọng dành cho một nửa của nhân loại.

3. Các truyện ngắn lịch sử được Uông Triều dụng công nhiều về nghệ thuật. Chúng ta bắt gặp hàng loạt những thủ pháp nghệ thuật từ đơn giản đến phức tạp trong sáng tác của anh từ sử dụng những yếu tố huyền ảo mang đậm phong cách thần thoại phương Đông như tái hiện khung cảnh thiên nhiên với tiếng gió gào, vượn hú, rồng ngân, hổ gầm, các phép thuật huyền bí như biến hình, chém đầu không chết trong Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, Nước mắt sông Cầm…đến dòng ý thức miên man của công chúa Huyền Trân trước giây phút lên giàn thiêu, hoặc thủ pháp đồng hiện thời gian xen lẫn quá khứ và hiện tại như trong Mùa xuân kinh thànhBạch Đằng hải khẩu…. nhưng điều làm nên sức hấp dẫn, dấu ấn và “phong cách” của Uông Triều theo tôi nằm ở những câu, đoạn văn ngắn trong truyện. Uông Triều chuộng những câu văn ngắn, chỉ khoảng hai đến năm từ, tạo thành cụm sóng đôi tương hỗ cho nhau. Những câu, đoạn văn ngắn này ẩn chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy xem xét một vài đoạn

–  Lá xoan bay như rắc. Nước sông Cầm vỡ xóa. Trời vặn mình đau đớn.  Đứa con sắp ra đời.

(Nước mắt sông Cầm)

Bốn câu văn ngắn, mỗi câu gồm năm từ, tổ hợp thành một đoạn ngắn có cấu trúc hai tầng về ngữ nghĩa. Tầng thứ nhất ồm ba câu đầu. Ba câu này có nhịp điệu nhanh và mạnh nhờ sự phối hợp hài hòa của vần và thanh điệu. Cái nhịp điệu nhanh và mạnh ấy cùng với hàng loạt hình ảnh được chắt lọc đã miêu tả một cách sinh động khung cảnh trời đất đang chuyển mình dữ dội. Khung cảnh thiên địa xoay vần trong ba câu đầu ấy có chức năng làm ám hiệu cho biết sinh linh sắp ra đời ở câu thứ tư có một số phận bất thường. Quả thật đứa bé đó – Phạm Nhan sau này – đã phạm tội phản quốc bị Hưng Đạo Vương chém đầu, nhân dân đời đời phỉ nhổ. Một đoạn văn ngắn có tính chất dự báo đóng vai trò một mắt xích then chốt trong toàn thiên truyện.

– Mùa hè: dấm cáy.

Mùa đông: mò ốc.

(Nước mắt sông Cầm)

Đoạn văn này cũng đảm bảo tính đối xứng về số lượng từ, về từ loại và về ngữ nghĩa. Hai danh từ “mùa hè”, “mùa đông” đã gói trọn cả nhịp tuần hoàn vô định của trời đất. Hai cụm động từ “dấm cáy”, “mò ốc” làm toát lên tất cả nỗi vất vả, khổ sở của người lao động. Chỉ nội trong tám từ, Uông Triều đã gợi nên cái cực nhọc, cô đơn đằng đẵng của năm tháng của người góa phụ nuôi con thơ.

– Đay, thầu dầu. Nếu ai đó làm thế với nước Nhật?

Phản bội, dù bằng suy nghĩ cũng đáng bị xử tử.

Chờ đợi.

(Đôi mắt Đông Hoàng)

Chỉ trong nội bốn câu là chúng ta thấy tâm trạng của người phiên dịch Katsu thay đổi đến bốn lần. Lần thứ nhất, thoáng xót xa thương cảm khi thấy người dân Việt phải chịu cảnh khổ cực, phải nhổ lúa trồng đay phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của quân đội Thiên hoàng. Lần thứ hai, phút liên tưởng mông lung “nhìn người lại nghĩ đến ta” khi nghĩ đến nước Nhật nếu có một ngày phải hứng chịu cảnh tượng đang hiện ra trước mắt. Lần thứ ba, nỗi xấu hổ khi thấy trong mình xuất hiện ý nghĩ “phản nghịch” với Thiên hoàng. Lần thứ tư, tâm trạng bình thản chờ đợi và chấp nhận những gì sẽ xảy đến với mình sau những cơn sóng lòng trào dâng.

Bằng bốn câu văn gói gọn trong hai mươi tư từ, Uông Triều đã cho nhân vật của mình chuyển đổi trạng thái tâm lý tới bốn lần. Điều đáng nói là bốn nét tâm lý này đều được gợi chứ không được tả. Miêu tả tâm lý nhân vật xưa nay luôn là thử thách với các nhà văn. Gợi tâm lý lại càng khó hơn. Nhưng bằng một thứ ngôn ngữ chắt lọc, Uông Triều đã làm được điều này một cách xuất sắc.

Những đoạn văn ngắn như vừa trích dẫn ở trên xuất hiện nhiều trong các truyện ngắn viết về chiến trận như Đôi mắt Đông Hoàng, Nước mắt sông Cầm, Kiếm sắc và hoa đào… Uông Triều đã khai thác rất đạt những câu, đoạn văn ngắn này trong việc tái hiện bầu không khí căng như dây đàn và những diễn tiến chớp nhoáng trong cuộc đấu trí, đấu lực giữa nhân dân ta với các kẻ thù xâm lược, tạo nên một nét riêng của mình so với những bạn văn cùng trang lứa nói riêng và những người viết truyện ngắn lịch sử nói chung. Và thực tế những truyện ngắn lịch sử của anh sử dụng nhiều những câu, đoạn văn ngắn như tôi đã phân tích ở trên đã đưa anh đến thành công nhất định. (Uông Triều đoạt giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2009 – 2010 với hai truyện Đôi mắt Đông Hoàng, Nước mắt sông Cầm.) Khi anh không sử dụng những câu, đoạn văn ngắn mà dùng những câu, đoạn có trung bình và dài thì sức hấp dẫn giảm sút khá nhiều.

Một vài nhận xét ban đầu về truyện ngắn lịc sử Uông Triều. Bạn đọc chờ đợi những tác phẩm dài hơn hơn của anh ở đề tài này.