Đỗ Thị Hường
Ivan Bunin là một nhà văn Nga đặc biệt. Sống trên đất Pháp hoa lệ và sôi động, Bunin vẫn giữ nguyên những nét thâm trầm, kín đáo của một nhà văn ưa hoạt động nội tâm. Không quá cực đoan như Aleksandr Solzhenitsyn xây dựng cho mình một “pháo đài Nga” kiên cố giữa đất Mĩ, Bunin vẫn sinh hoạt, giao lưu, thậm chí dang tay đón nhận những vẻ đẹp văn hóa Pháp. Nhưng điều quý giá nhất ở ông đó là luôn trung thành với tiếng Nga, vẻ đẹp Nga, nỗi đau Nga và tình yêu đậm chất Nga vẫn luôn tuôn chảy như suối nguồn không cạn trong văn chương của ông. Bởi thế, đọc truyện ngắn của Bunin, người đọc có thêm những ấn tượng văn hóa sâu sắc về đất nước Nga đẹp, dịu dàng, quyến rũ nhưng phảng phất nỗi buồn. Và cũng bởi thế cho nên muốn khám phá truyện ngắn của Bunin, người đọc phải đi sâu vào thế giới văn hóa Nga được nhà văn tái hiện trong tác phẩm. Bài viết này bước đầu khám phá thế giới Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga qua Những quả táo Antonov – một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Bunin, từ đó, mở rộng ra những truyện ngắn sau Cách mạng tháng Mười để thấy sự lưu giữ chất Nga trong sáng tác của nhà văn Nga đầu tiên đoạt giải Nobel văn học.
Những quả táo Antonov được viết năm 1900, khá lâu trước khi tác giả rời khỏi nước Nga. Cả tác phẩm là hành trình trở về “nước Nga cổ xưa” trong tâm tưởng của nhân vật “tôi”. Trong cuộc hành trình không có bạn đồng hành ấy, “tôi” đã tận hưởng trọn vẹn những rung cảm các giác quan của mình. Truyện được Bunin chia làm bốn phần, gắn liền với hình dung về nước Nga nông thôn trong kí ức của nhân vật “tôi”. Có một sự mất cân đối rõ ràng trong cách phân chia bố cục (cũng là kết cấu truyện) của Bunin. Trong bốn phần ấy, có đến ba phần nhà văn dành để miêu tả nước Nga xưa cũ với những nét đẹp của thiên nhiên và sinh hoạt văn hóa một thời. Sang phần thứ tư, một nước Nga khác – nước Nga của hiện tại cũng được tái hiện đầy chân thực, từ cảm giác và bằng cảm giác.
Táo Antonov – hương thơm kết nối hai thế giới
Không phải ngẫu nhiên tác phẩm lại có nhan đề Những quả táo Antonov. Không gian trong tác phẩm là không gian làng quê Nga đặc trưng với những trang trại táo rộng lớn. Chúng ta hẳn còn nhớ trong bữa tiệc dì Anna Gheraximovna đã đãi “tôi” những món khai vị toàn làm từ táo (táo Antonov, táo bel barưnia, táo borovinka, táo plodovitka). Mùa thu, thời gian bối cảnh của tác phẩm, là thời gian của vụ thu hoạch táo trong năm. Vì vậy, táo Antonov, hương táo Antonov luôn xuất hiện trong các phần của truyện. Có thể nói, táo Antonov chính là chi tiết quan trọng xâu chuỗi toàn bộ nội dung câu chuyện.
Ở phần một, táo Antonov hiện ra trong không gian mùa thu trong lành: “Tôi nhớ một khu vườn lớn đã khô và thưa lá, toàn bộ màu vàng óng; nhớ những lối đi giữa hai hàng cây phong, mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng và cả mùi táo Antonov, mùi mật ong và mùi của tiết thu tươi mát”. Ở phần hai, táo Antonov xuất hiện trong hồi tưởng về một năm được mùa của nhân vật “tôi”: “Táo Antonov mẩy, cả năm thảy đều vui. Nếu táo Antonov sai quả thì công việc nông thôn sẽ tốt, bởi vì có nghĩa là lúa cũng sẽ được mùa… Tôi hồi tưởng lại một năm được mùa ấy”. Trong phần thứ ba, khi lang thang trong khu vườn vào một buổi sáng đẹp trời ngủ quên đi săn, “tôi” cảm nhận được hương vị đặc biệt của quả táo bị lãng quên: “Trước mắt ta là cả một ngày yên tĩnh trong khu điền trang đã im lìm trong những ngày đông. Ta sẽ thong thả mặc quần áo, đi dạo trong vườn, vớ được trong đám lá ẩm một quả táo, ngẫu nhiên bị bỏ quên, đã ướt lạnh và không hiểu tại sao ta thấy quả táo này ngon khác thường, hoàn toàn không giống như những quả táo khác”. Còn ở phần cuối cùng, khi chỉ còn lại thế giới hiện tại, “tôi” cũng dường như ngậm ngùi: “Trong trang trại của các điền chủ nay đã không còn mùi thơm của táo Antonov nữa rồi. Những ngày ấy cách đây không lâu, mà sao tôi tưởng chừng như từ bấy đến nay hầu như đã qua cả một thế kỉ”. Vẫn là sự xuất hiện của táo Antonov, nhưng là sự xuất hiện đầy nuối tiếc. Không còn táo Antonov cũng có nghĩa là không còn sự sung túc giàu có trước kia, không còn vẻ đẹp của không gian thiên nhiên tràn đầy hương thơm tinh khôi và quyến rũ. Táo Antonov giờ đây chỉ còn là hương thơm của quá khứ tươi đẹp. Như vậy, hình ảnh táo Antonov, hương vị táo Antonov đã trở thành sợi chỉ đỏ kết nối hai thế giới và các phần của thế giới ấy trong tác phẩm.
Có một điều thú vị là, theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, quả táo biểu tượng cho một thế giới khác. Đó là thiên đường, là nơi ở huyền thoại của các anh hùng vua chúa sau khi thực hiện xong nghĩa vụ trên trần thế(1). Không phải ngẫu nhiên ở đầu tác phẩm, Bunin viết: “Nếu táo Antonov sai quả thì công việc nông thôn sẽ tốt”, “Táo Antonov được mùa, cả năm thảy đều vui”. Rõ ràng, trong quan niệm dân gian Nga, táo Antonov là biểu tượng cho sự giàu có, hạnh phúc. Thậm chí, nó còn là biểu tượng cho chính nước Nga bởi đâu đâu trên đất nước này cũng có sự hiện diện của táo. Còn đến phần bốn, nhà văn khẳng định đã không còn táo Antonov. Phải chăng thiên đường trước kia nay đã mất? Hiện thực này càng rõ ràng hơn khi liên hệ với thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thế giới tươi đẹp gắn với táo Antonov chiếm lĩnh cả ba phần không gian, thiên đường đã mất không còn táo Antonov chỉ có mặt trong một phần. Táo Antonov đã không còn, nay chỉ còn lại hương thơm dịu ngọt của chúng. Đó cũng là hương thơm dịu ngọt của quá khứ. Câu hỏi ám ảnh người đọc có lẽ là câu hỏi về tương lai của táo Antonov, về tương lai của nước Nga. Nhưng tác giả không trả lời được câu hỏi ấy. Thời gian sẽ trả lời.
Như vậy, rõ ràng, xét về mặt định tính và định lượng, hình ảnh táo Antonov cùng hương thơm và mùi vị của nó đã mang chức năng của một vật kết nối văn hóa đầy thú vị. Táo Antonov không chỉ gợi ra hình ảnh làng quê Nga với vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng, mà còn giống như hương thơm kết nối thế giới thực tại và tâm tưởng. Hương thơm ấy đặc biệt đến nỗi chỉ cần gợi nhắc là tất cả hồi ức đẹp sẽ hiện về, sẽ dâng trào trong tâm hồn con người. Giống như hương thơm của “mẩu bánh Madeleine nhúng trong chén trà nóng một ngày đông lạnh” trong Đi tìm thời gian đã mất (tập 1 – Bên phía nhà Swann) của M.Proust gợi nhớ đến những kỉ niệm một thời đã thành dĩ vãng, hương thơm của táo Antonov cũng gợi cho Bunin nhớ lại vẻ đẹp một thời vang bóng của nông thôn Nga thuở còn trù phú. Dường như ở Bunin, dòng tâm trạng, dòng hồi ức cũng trở thành một thủ pháp hết sức quan trọng giúp nhà văn xây dựng nên thế giới chân thực trong các tác phẩm của mình. Đó là một trong những yếu tố kĩ thuật đặc biệt quan trọng trong sáng tác của các nhà hiện đại chủ nghĩa.
Từ không gian văn hóa đến sự lưu giữ chất Nga
Trong cuộc đời lao động nghệ thuật, Bunin đã trải qua biến cố lớn nhất cuộc đời mình – Cách mạng tháng Mười. Nhà văn đã rời xa Tổ quốc Nga thân yêu dù trong lòng luôn thường trực niềm thương nỗi nhớ. Và những nỗi niềm thương nhớ ấy được Bunin gửi gắm vào trang viết. Ở Paris, Bunin chỉ viết về nước Nga – nước Nga với những kí ức tươi đẹp và những mối tình ngắn ngủi nhưng rất đậm sâu.
Nếu làm một phép so sánh chúng ta sẽ thấy dường như hình ảnh nước Nga trong Những quả táo Antonov (sáng tác trước khi nhà văn rời Nga) và nước Nga trong những trang viết của nhà văn sau Cách mạng (khi đã sống ở Paris) không thay đổi. Vẫn là một nước Nga với không gian êm lặng, trầm buồn, vẫn là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, dịu dàng. Có chăng, trong những trang văn viết về nước Nga sau này có thêm dáng hình của những người phụ nữ Nga – những cô gái trẻ, đẹp, mang sứ mệnh là “người cứu rỗi”, dù những “người cứu rỗi” ấy chỉ chợt đến chợt đi trên đường đời nhân vật chính.
Không khó để người đọc tìm thấy những bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt mang đậm dấu ấn Nga trong những trang viết sau Cách mạng tháng Mười của Bunin. Đó là những đêm hẹn hò “ấm áp và sáng sủa ở các huyện lị Nga dạo cuối hè” với tiếng mõ cầm canh tươi vui, với hương táo thơm dưới ánh trăng, với “cặp mắt em lấp lánh lóe sáng trong bóng tối lờ mờ” (Canh khuya); là đêm bơi thuyền tự tình trên đầm hoa súng của đôi trai gái mà chàng trai cho đến khi trở thành một ông lão vẫn không thể quên mối tình thơ trẻ (Rusia); là đêm thu ấm áp của chàng văn sĩ với người phụ nữ chàng ngẫu nhiên gặp trên tàu thủy (Những tấm danh thiếp)… Trong những câu chuyện ấy, những mối tình thoáng qua của những chàng trai, cô gái có sức cuốn hút lạ lùng – một thứ tình yêu vụng trộm, đê mê, thứ tình yêu đem lại sự sống thực sự cho tâm hồn.
Nhân vật “tôi” trong Canh khuya “sẽ không bao giờ quên ơn” người con gái đã cho mình biết thế nào là hạnh phúc: “Trời đất ơi, thật là một niềm hạnh phúc không sao tả xiết được! Chính là vào lúc hỏa hoạn vào ban đêm mà lần đầu tiên tôi đã hôn tay em và em cũng đã siết chặt tay tôi để đáp lại, tôi sẽ chẳng bao giờ quên ơn em về thái độ thuận tình thầm lén này”. Chàng văn sĩ trong Những tấm danh thiếp đến với người thiếu phụ lúc đầu vì muốn giải khuây trên tàu, nhưng chính niềm mong mỏi được yêu thực sự, được “biết mùi đời” của cô nàng đã khiến chàng thay đổi: “Chàng hôn bàn tay bé nhỏ và giá lạnh của nàng nó còn ở đâu đó trong trái tim chàng suốt cả đời người…”. Những dấu ấn tình yêu như thế gần như đã trở thành “đặc sản” trong truyện ngắn của Bunin. Và thật lạ lùng, những cô gái trong truyện, dù chỉ xuất hiện ngắn ngủi, nhưng lại làm “thay đổi” cuộc đời của những người đàn ông từng đi qua đời họ. Trong Say nắng, nhờ có mối tình với người thiếu phụ trên cùng chuyến tàu, anh chàng trung úy lần đầu được biết về tình yêu. Và khi người thiếu phụ rời xa, phải chôn vùi mối tình ấy, anh cảm thấy mình “như già đi chục tuổi”. Cô gái Rusia trong câu chuyện cùng tên ám ảnh người chồng suốt cả cuộc đời đến mức người vợ phát ghen bởi Rusia chính là người đầu tiên ban phát hạnh phúc cho anh ta. Đó là thứ hạnh phúc thực sự, vô tư, hồn nhiên, trong trắng.
Trong văn hóa Nga, hình ảnh búp bê Matrioska là một sự biểu tượng hóa người mẹ, cụ thể là người mẹ Nga. Trong ngôn ngữ Nga, từ “nước Nga” cũng là một danh từ giống cái, gợi liên hệ tới tính nữ. Triết học Nga cũng khẳng định đặc tính này. Triết gia Berdiaev đưa ra luận điểm “Nước Nga là mảnh đất lệ thuộc, âm tính”, tôn giáo Nga là thứ tôn giáo nữ tính – “đó không hẳn là tôn giáo của Đức Kitô, mà đúng hơn là tôn giáo của Đức Mẹ, tôn giáo của mẹ-đất, nữ thánh linh soi rọi đời sống xác thịt, thứ tôn giáo phồn sinh và ấm cúng. Mẹ – đất đối với dân tộc Nga là nước Nga. Nước Nga trở thành Đức Mẹ. Nước Nga là đất nước mang vác Chúa”(2). Triết gia Soloviev trình bày ý niệm về Nữ tính Vĩnh hằng, về Thần-Đất “có liên quan sâu kín với quan niệm tôn giáo cổ truyền của nhân dân Nga về Đất-Thánh Mẫu”(3). Nhà tư tưởng B.P.Vysheslavtsev đưa ra quan điểm “sự thống nhất chính diện, vẻ đẹp vũ trụ nữ tính, có hồn”(4) của Eros Nga đã khẳng định điều đó. Vì thế hoàn toàn có thể khẳng định mối liên hệ khăng khít giữa những nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn Nga với nước mẹ Nga, hay cụ thể hơn họ là biểu tượng của nước Nga.
Trong văn học Nga có những nhân vật nữ mang trong mình bóng dáng của Đức Mẹ: Tachiana trong Evgheni Oneghin (Pushkin), Maria Bonconskaya trong Chiến tranh và hòa bình (L.Tolstoy), Olga trong Dusechka (Chekhov), Matriona trong Sân nhà Matriona (Solzhenitsyn), Sonia trongSonechka (L.Ulitskaya)… Họ là những người bao dung, chở che, là người cứu rỗi tinh thần cho các nhân vật trong tác phẩm bằng tình yêu của mình. Xét ở một khía cạnh nào đó, những nhân vật nữ trong những truyện ngắn của Bunin cũng mang phẩm chất ấy. Họ đại diện cho nước Nga, tâm hồn Nga. Hay nói cách khác, trong con mắt của Bunin, họ là nước Nga. Như vậy, rõ ràng, nhân vật nữ của Bunin là sự tiếp nối truyền thống nhân vật nữ cứu rỗi – hình ảnh của nước Nga trong văn chương Nga.
Chúng ta nhớ lại đất nước Nga khi ấy: chiến tranh, cách mạng, chém giết… Con người đối với con người, nhất là những người khác chiến tuyến, dường như chỉ có bạo lực. Chính Bunin đã rất phản ứng với “bạo lực cách mạng”, ông coi những tháng ngày ấy là “những tháng ngày đáng nguyền rủa”. Làm thế nào để tâm hồn con người được “người hơn”, “đáng yêu hơn”? Có lẽ, nhà văn đã thông qua những câu chuyện của mình để trả lời câu hỏi ấy. Với Bunin, chỉ có nước Nga trước Cách mạng, nước Nga của những ngày chưa đổ máu mới thực sự đẹp. Trong Những quả táo Antonov, khi có những biến cố xảy ra thì thiên đường đã mất. Bởi thế, những mối tình được nhà văn viết trong những truyện ngắn sau Cách mạng cũng là những mối tình của quá khứ, của thời trẻ, của những tháng ngày êm đềm, chưa vướng phải “sóng gió cuộc đời”. Hình ảnh của những người phụ nữ “cứu rỗi” gắn liền với “thiên đường” Nga là minh chứng cho sự tiếp nối của không gian văn hóa Nga, là sự lưu giữ chất Nga, tình yêu Tổ quốc Nga khi phải rời xa mảnh đất thương yêu ấy.
Bunin được coi là người kế thừa truyền thống văn chương của Lev Tolstoy, hay nói cách khác là người thừa kế chủ nghĩa hiện thực cổ điển Nga. Giống như Tolstoy, ông đã tái hiện thiên nhiên Nga giàu có, thanh bình, tái hiện hình ảnh những người nông dân Nga hiền lành, chất phác, hồn nhiên với đời sống tinh thần phong phú, tái hiện tâm hồn Nga thuần khiết qua hình ảnh những nhân vật nữ cứu rỗi. Lối viết văn và cách cảm nhận tâm trạng của Bunin tuân theo quy luật dòng sông tâm lí, biện chứng tâm hồn của Tolstoy. Cái nhìn của Bunin, cũng giống như người mà ông tôn thờ là cái nhìn hướng về nông dân Nga, hướng về cội nguồn sự sống, hướng về thiên nhiên, hướng về cái đẹp cứu rỗi. Những quả táo Antonov, Say nắng, Rusia và những truyện ngắn khác của Bunin là minh chứng rõ nhất cho tâm niệm ấy của nhà văn. Đọc truyện ngắn của Bunin, dù theo hướng nào thì cũng sẽ đến cái đích ấy. Và có lẽ, cái nhìn văn hóa chính là một trong những con đường đến đích gần nhất.
Đ.T.H
———
1. Chevalier J., Gheerbrant A. 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr.849 (Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch).
2. Berdiaev A.N. Tâm hồn Nga. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/2003 (Từ Thị Loan dịch).
3. Soloviev V. 2005. Siêu lí tình yêu. Hà Nội: VHTT – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr.38 (Phạm Vĩnh Cư dịch).
4. Vysheslavtsev B.P. 2006. “Đi tìm tính cách dân tộc Nga” (Thiệu Hường dịch). Phân tâm học và tính cách dân tộc. Hà Nội: Tri thức, tr.495 (Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu).
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài