Kim Năng đèn nhang. Trầm ngào ngạt khói lung linh dâng hình bóng cha quyến lên bộ khung nhà tre những cột cái, cột quân đứng thẳng, xà ngang, kèo nghiêng đỡ đòn tay và cây tròng nóc. Bóng cha nghiêng xuống những đồ nội thất bằng tre. Bàn thờ tre ở giữa. Cái chõng tre bên tả. Cái giường tre bên hữu.
Đồ gia dụng cũng là vật trang trí phòng khách. Những đoạn tre lên khung đồ đạc lựa các lóng bằng nhau chằn chặn chuốt bóng óng. Bộ vạt chõng giường nan tre kết phẳng trang khít khao không cần giải chiếu hoa. Kim Năng rưng rưng: Cha nằm đây đi cõi vĩnh hằng.
Có lời vang vọng nhè nhẹ êm êm: “Giường của con gái!”.
Tiếng cha! Tiếng cha hay tiếng chõng tre vậy?
Cha một đời gắn bó với tre trúc từ đọt măng lên cây kết cụm kết rặng tre lũy rồi cây làm nhà làm vật dụng giường chạn rổ rá dần sàng. Kim Năng mơ tỉnh lấy tấm ảnh Hoa Tre treo vách tường. Khói trầm quyến ảnh Hoa Tre. Cha, con là bông Hoa Tre của cha, cha ơi!
Hoa tre (ảnh dantri)
Trong buồng còn cái giường tre nữa giống y hệt giường nhà ngoài này. Cha Phạm Quỳ, mẹ Thị Hiền và bé Kim Năng nằm giường đó. Cô học trò tiểu học sắp đặt: cha nằm ngoài, con nằm trong, mẹ nằm giữa chỉ được quay mặt về phía con.
Một đêm mẹ Hiền la: Nằm im. Kim Năng thức giấc bảo mẹ la dữ vậy. La sao không? Nó nhô nhô nhọn nhọn mày đạp bụng tao tròn tròn lại thì ra con vịt giời nữa. Cha kêu “vịt giời” yêu quý nằm ngoài cha nha. Í, cha tính nằm giữa hả. Em trai! Em trai! Chị nằm im cưng nhô nhô nhọn nhọn bụng mẹ nhe. Kim Năng ngủ lịm. Một hồi lại nghe mẹ la. Thế là cha bế thốc con gái ra ngoài nhà. Kim Năng đập chân xuống giường cái rầm. Mẹ rên rỉ quăng quật con hả trời. Kim Năng bảo không thèm cho cha nằm cùng ở ngoài này.
Sớm mai Kim Năng vào buồng la te te như gà tre (1) báo thức. Ôm qua ôm lại ngáy khò khò bầu to có hai em trai. Mời mọi người tỉnh dậy nghe kế hoạch học hành ở nhà. Từ nay Kim Năng ngủ giường ngoài lo Góc Học Tốt có khẩu hiệu “Con Ngoan Trò Giỏi”, thời gian biểu, thời khóa biểu, bảng điểm như thày hiệu trưởng đề ra.
Cha Quỳ bảo cái chõng bàn trà thuốc thành bàn học tốt.
Mẹ Hiền bảo giường là bàn học luôn. Cha đóng móc dăng mùng màn lớn con học khỏi muỗi đốt.
Buổi trưa từ trường về Kim Năng báo tin nóng kế hoạch ngủ giường ngoài bị dẹp tuyệt vời.
Tuyệt vời?
Kim Năng được chọn vào trường chuyên của tỉnh.
Thế là cô bé văng tới giường trường chuyên lớp chọn, rồi giường tầng trường đại học. Thành thạc sĩ Kim Năng mà đeo bám xin việc dài dài với giường nhà trọ.
Cái vụ học lấy bằng thạc sĩ trần ai thêm cảnh cô thạc sĩ nghèo chạy việc cực lòng. Thời mối mánh, phải cánh phe phẩy đẩy đưa mới vào được sở. Họ chém tay, không tiền văn bằng liệt. Họ chắp tay trên trán xá xá “cúng cáp hậu hĩ”; có chỗ là ra tay lấy lại vốn liền, rồi mấy hồi nóng tay tỉ phú. Muốn có việc vay tiền đưa mối mánh chạy. Đầu cho vay ra lãi xuất cắt cổ và lấy lãi trước. Đầu chạy mánh, đầu nhận việc mà giựt thì vẫn thất nghiệp mà ôm nợ vốn và nợ lãi.
Kim Năng bị dân chạy mánh chiếm dụng tiền chạy việc mấy tháng còn bị nhồi lời bao biện tầm bậy. Cô kiến trúc sư à! Chủ sở không nhận họ biết nhà cô nghèo họ e tiền từ vốn tự có của hai mẹ con cô. Quân miệng lưỡi bẩn tưởi. Kim Năng đâu biết đám manh mối ém, ép thạc sĩ làm “gia sư số hóa”cho đại gia Thị Thịnh cuồng danh chơi trội. Mụ muốn gia sư thạc sĩ, tiến sĩ dạy thêm cậu ấm Lưu Gia. Kiến trức sư Kim Năng được rước tới ngôi biệt thự tráng lệ. Phòng học của ấm con mênh mông. Bộ bàn ghế của thầy và trò đặt giữa phòng mô phỏng lối xếp chỗ các thủ lĩnh ngồi đối diện đàm đại sự. Chỗ thầy chỗ trò đều máy vi tính đời mới. Gia sư gõ máy cho truyền nội dung bài dạy ra màn hình treo tường nhà. Trò gõ máy bài học truyền ra màn hình treo bên màn hình gia sư. Đại gia mẹ hởi dạ. Thạc sĩ tiến sĩ số dzách, gặp máy mới lạ mà gõ rôm rốp liền. Cô thuộc nằm lòng từng bài từng trang sách dạy – học thử nghiệm của Bộ Giáo Dục – Đạo Tạo. Số dzách! Hi hi… Lưu Gia là trò đầu tiên có gia sư số hóa. Hi hí… Ấm Lưu Gia sẽ thành siêu đại gia. Thấy mầm mống chưa? Đó, trò mà ra cách trả tiền công ra phong bì hay. Nó bảo quản gia đặt sẵn phong bì tiền từng buổi học chỗ cô, xong là cô cầm. Học mấy bài là cậu ấm lộ mặt trò học đại. Ấm nắm bài lơ mơ. Bài đang học không hiểu, bài học những hôm trước lơ mơ, bài học lớp trước càng lơ mơ. Thế mà lên lớp học tới.
Cái lớp gia sư số hóa này muốn “hóa” luôn. Cô tới ngồi chờ trò, quản gia cũng chỉ biết dạ cô đợi. Bên phòng học chữ này có phòng nhạc. Phòng nhạc cách âm làm hết bạc tỉ. Ấm Lưu Gia thường khóa trái cửa nối mạng đủ các loại phim ảnh trên đời, ấm coi mê mết bỏ cả ăn.
Cô giáo kì! Biết trò không muốn học mà cứ kêu học. Cô giáo vớ vẩn! Trò bảo dạy kèm, dạy thêm là làm thay. Giải sẵn bài vở để đó, Gia Huy in lại cái một. Tới gõ máy, hết giờ cầm phong bì về. Không biết dậy thì biến để kiếm người khác.
Kim Năng bỏ làm gia sư. Bỏ phố phường luôn đi. Về nhà thôi. Không! Bây giờ con gái mười ba, mười lăm ra tay cứu nhà, hi sinh để cha mẹ các em có chén cháo manh áo và đổi cái tum ra nhà xây cất sáng chưng làng xóm. Ngày xưa binh đao đoạt ngôi chiếm đất, con trai bị bắt đưa ra trận sinh tử, nhà có con gái còn con. Lời người xưa tâm can: “Mới biết sinh con trai chẳng bằng sinh con gái”. Thân gái Kim Năng được học hành nhìn đứa mười bốn mười ba chưa qua tiểu học đi. Nhìn!… Thì làm quán nhậu.
Chủ quán Ngân Ái bảo tuổi này cạn thì tiếp viên, quán xá nào nhận.
Dạ. Em quét dọn lau chùi bếp.
Múa tay xó bếp. Làm coi!
Gặp thời rau cỏ cua ốc nội đồng là đặc sản ẩm thực thượng hạng. Chủ quán, bếp trưởng tròn mắt nhìn Kim Năng lặt cỏ ra rau nõn rau sạch tinh tươm và cầm các con vật ếch nhái nội đồng bẻ ngoe, bấm móng, móc mang, moi ruột, lóc xương cứ loang loáng. Rồi còn thao thao lời bàn ra món sống, món tái, món xào, nón nấu, món hầm, món nướng khói, món bọc đất nương. Mồi bắt. Bắt khách. Bắt… khách du lịch Âu – Mỹ tò mò thăm chừng bếp núc. Kim Năng đối đáp họ nghe hào hứng, họ ăn thích thú. Ngân Ái ôm tiền bộn, mừng vớ được cô lau chùi bếp núc nói tiếng Tây với Tây suon ngọt. Du khách khoái khẩu họ truyền tin cho bạn bè tới thưởng thức. Kim Năng đưa ra cuốn: “Nữ công thắng lãm”. Ba thức rau cỏ rế rắn ruộng vườn cha mẹ chỉ nêm nấu từ nhỏ. Còn ăn uống các loại đó thêm sức, trị bệnh… dân xứ này quá rành và những người như Thần y Hải Thượng Lãn Ông đã viết ra sách đây. Ngân Ái xúc động Kim Năng múa tay hay thì ra chân tới đi. Trời xui Đất khiến đây. Nào bắt tay cùng tôi đảo qua đảo lại coi chừng nhà hàng.
*
Ngân Ái đi công chuyện, Kim Năng dảo bước coi cảnh ăn uống. Nàng tới gần tum góc vườn có cặp khách vừa mới tới. Cậu trẻ dang tay kêu: Nhỏ ôm… Rémy Mertin! Mấy cô tiếp viên cho đi “tiếp viện” nhà hàng bạn chút nữa mới về. Kim Năng đi lấy rượu. Cậu khách lớn hơn bảo Út ngược, nàng cưng cứng tuổi, bậc cô dì mà kêu nhỏ. Anh Hai đây mới kêu Nhỏ… Anh Hai chưa rượu, ngu lâu. Mình tính sao hết số Vợ – Tiếp – Viên. Mình nhậu bao nhiêu lần, bao nhiêu vợ bé vợ nhỏ rồi. Bữa nay Út nhậu Nhỏ chạy bàn cho Hai xài cả cặp tiếp viên luôn.
Kim Năng khui rượu nổ cái bốp, cô nhín ngón tay miệng chai cho rượu mưa hoa, rồi cầm cho lặng ga rót. Ai da! Lần đầu được mưa hoa tửu hớp hồn. Siêu tiếp viên chứ không phải chạy bàn! Khách ngửa cổ nốc rượu oóc óc… óc oóc liên tục. Kim Năng nhắc: chữa lửa!
Chữa lửa? “Cục đá” cưng cứng tuổi mặt sáng sủa, có “một” nở “hai” thắt và “ba đít bọ ngựa” này chữa lửa thì bùng lửa lòng bợm nhậu. Cụng! Cụng! Cụng! Rượu giựt cấp tập. Ghế của hai bợm sáp dần… sáp dần hai bên nàng.
Út lè nhè tụi này ở cơ quan là đấy tớ tôn các tay tạp vụ là thượng đế.
Hai sùi bọt mép: Ta tới đây làm khách, như người đời nói khách hàng là thượng đế. Thượng đế nhậu này nhìn Nhỏ là Thượng Hậu!
Hai bợm nhậu tay này nâng ly đổ rượu miệng nàng; tay kia quờ ngực quào đùi nàng. Tức thì Kim Năng vung tay gạt mạnh văng bắn cả ly đi. Hây. Những cánh tay càng chíu níu tới quờ mạnh móc sâu. Kim Năng nắm cổ chai rượu đập. Choang! Mảnh thủy tinh văng tung tóe. Cuộc vật lộn càng nháo nhào, ghế đổ, người té uỳnh uỵch, quán nhao nhào. Máu phun như rượu xì ga. Cảnh sát suất hiện bắt và đưa cả ba đi… cấp cứu.
*
Rặng tre nhà ông Phạm Quỳ trổ hoa.
Hoa tre hiếm. Người trong nước, người nước ngoài đua nhau tới chiêm ngắm.
Hoa tre đẹp. Trăm tuổi tre hoa là hình ảnh cuối đời của những thân ngay giữa đất trời, lá xanh thầm thì làng mạc. Người ta nhìn ngắm thưởng thức vẻ đẹp cây tre, còn ông chủ dự liệu lần thu hoạch cuối cùng. Cái duyên hoa tre qua những người thăm viếng chụp ảnh quay phim truyền tin nên có chuyện người mua ham hố người bán chu đáo. Ông Quỳ lựa lọc đẵn cây lóc cành chất từng ghe chở ra ngoại ô thành phố giao cho khách hàng. Việc gần xong thì xảy ra tai nạn lạ lùng. Cái ghe chở tre cháy nổ tan tành giữa dòng rạch. Ông Quỳ bị thương phải nặng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ bảo chỉ còn sống giờ sống khắc. Vậy đưa ông về để ra đi có nhà cửa. Về nhà bỗng ông khỏe lại. Ông đứng nhìn cột kèo trìu mến, ông bước tới xoa xoa vạt giường bảo: Chỗ con! Chỗ con! Ông lần bước vào buồng. Mọi người mừng rỡ hối nhau rước thầy thuốc. Ai mà lường người tỉnh thế là về cõi thiên thu.
Ông nói chỗ con là ông nhắc chỗ con gái nằm khi cử lễ đầy tháng.
Bà mụ ẵm bé từ giường buồng ra đặt giữa giường nhà ngoài. Lời mụ bổng trầm như ru: Con gái nằm giường phòng khách. Phận gái trình giống má thiên hạ. Hôm nay trăng tròn sáng, ngày lễ cầu phước cho con. Đời mới, lễ cũng đổi mới. Kim Năng! Cái tên đẹp. Không theo lối ẩn tên xấu. Kim Năng à! Đồ lọt lòng của con đẹp mới tinh khôi. Không theo lối xưa đùm đề tã lót cũ kĩ.
Lạy Trời Đất! Lạy Phật! Lạy Ông Bà!
Xin các linh phù hộ độ trì hài nhi tấn tới người đời mới!
Kim Năng mới tấn tới thạc sĩ. Cô đã ba chục tuổi mà vẫn chưa ra bề gia thất. Cha mất mẹ gọi điện thoại tính kêu con về. Nghe con nói đang nằm bệnh viện. Họa vô đơn chí. Mẹ phải nín tin cha mất sợ bệnh rực lên con nguy khốn.
Mẹ thỉnh trăm bát cơm quả trứng, mâm cỗ hiếu lễ trăm ngày dành con sửa soạn. Dạ con sẽ dâng ẩm thực sinh thời cha thích, một mâm cúng đầy những món măng tre.
Con nhớ lời cha nói công chuyện ở ăn phải có linh vật trấn an. Cha làm nhà ngôi nhà tre quý giá có xen một cây cột quân bằng gỗ đứng góc vách. Vậy mâm cỗ cúng cha phải có một món đứng linh. Móm ấy là món của mẹ. Món ấy không gì khác là món dưa măng chua mẹ muối thường nhật. Cha làm đồng buổi đứng (2) có vắt cơm (3) bịch dưa măng. Tròn bóng trưa cha đứng giữa mênh mông đồng nước nhai cơm dưa măng không vơ bồn bồn năn nác lột nõn chấm mắm cá như người ta.
Kính cha! Mâm cỗ con dâng: dĩa măng dưa chua mẹ muối ở giữa các món con làm. Món chay măng tre xào muối bọt. Món mặn: măng tre nấu vịt, măng tre đầu lòng gà hấp cách thủy, ốc chai vằm nhuyễn thúc trứng nhồi măng bọc đất nướng..
Cha thưởng lễ! Con ra nghĩa trang ngắm cảnh, chụp ảnh để thiết kế xây cho cha ngôi nhà thiên thu.
*
Bà Hiền ngồi chõng tre vấn vương hương trầm. Hoa tre và cuộc sống tre trúc của ông Quỳ thu hút khách thăm viếng. Bà Hiền nhớ cặp khách ngoại nam nữ đeo ba lô cuốc bộ tới khi ông Quỳ đã mất. Họ cầm nhang xá vô hồi trước bát cơm cắm đôi đũa – đũa tre hoa (4) kẹp quả trứng luộc đã bóc vỏ. Đôi đũa chính tay bà vót tre tước sơ giữ sơ tre ở đuôi đũa uốn hình bông hoa ra đũa hoa, để bà dâng chén cơm quả trứng đầu tiên cúng ông. Đũa hoa thờ cúng làm khách suy tư. Họ từ bàn thờ tới bên mâm cơm nhìn bà Hiền dầm đũa vào bát cơm của bà. Miếng thương miếng nhớ nghẹ ngào. Bên kia mâm có lưng cơm xới một đũa cả ( 5). Người đi vẫn mời cùng ăn. Người linh thưởng hương. Đôi khách nước mắt lăn gò má họ sát lại bên nhau nghiêng mình trước bà xẻ chia niềm đơn chiếc. Họ đọc được sự lẻ bóng bên cái mâm tròn, mà người mình bảo “ngồi bên nào cũng lệch”.
Khách xa còn vậy nữa Kim Năng. Mẹ Hiền đã thấy trong giỏ xách con đeo về có cái mùng lớn. Con tính ngủ giường ngoài này. Con tính ở nhà cùng mẹ. Không! Không! Mẹ sẽ ráng như cha lo cho con như lời mụ cầu con thành thân ngoài thiên hạ.
Có người tới cất lời chào chủ nhà. Chào lần thứ ba bà Hiền nghe tiếng thì khách bước tới trước bàn thờ thắp nhang khấn thỉnh dập đầu xuống đất đủ ba lạy. Khách quay lại với bà Hiền em xin có lời chia buồn cùng chị. Em kiếm bao ngày mới biết được quê ông về tới đây lại nghe nói ông mất đã trăm ngày. Sao có sự chia xa đau lòng vầy. Hợp với tan chi mà cùng xa cách cùng trời. Hợp bởi từ em gặp khách du lịch nước ngoài ở bến chợ, họ có ảnh rặng tre hoa và ngôi nhà tre. Ôi đúng nhà này, cái chõng tre này. Có tấm ảnh chụp ông ngồi chõng tay che miệng cái điếu cày ông ngửa mặt tròn miệng thổi khói rồng cuồn cuộn. Chỉ có trời mới biết sao em dời mắt khỏi tấm ảnh của khách và ngó xuống bến nước. Em la lên. Kìa! Ông. Ông chạy ghe vào bến. Thật là hữu duyên. Khách Tây mê tre ông, mê ông. Em chào ông luôn, hỏi han thăm chừng luôn, ông em chịu nhau luôn. Giờ chỉ còn bà với em. Tiền đây bà cầm đi.
Cô… tiền bạc chịu nhau?.
Ôi! Em đường đột quá. Dạ em lo nhà hàng du lịch ẩm thực, may mà gặp khách Tây, ông Quỳ ở bến chợ em vừa kể. Ông bằng lòng bán hết tre hoa cho em và chịu làm nhà cho em, nhà làm không đẹp không ăn công. Ông bảo cần tiền lo cho con gái ra bề gia thất. Ông bà mấy người con?
Mỗi. Mang bầu đứa em của nó mình lội đồng sình đuối nước trụy thai, hết sinh đẻ luôn. Mỗi đứa con mà không lo được.
Trời đất con cái phúc đức tội nợ. Lo bề gia thất là lo chi vậy? Nếu lo nhà cửa thì dư tre trúc. Hay là chạy chữa đường sinh đẻ?
Dài đường hơn cô nghĩ. Nó học hành rồi mà xin mấy năm vẫn không được vào công sở làm việc. Cái bằng mắc dịch chứ bệnh tật đẻ đái chi.
Mắc dịch? Văn bằng giả?
Cô nữa. Bằng thạc sĩ hẳn hoi.
Bằng hẳn hoi đưa ra cho người ta coi hẳn hoi rồi làm việc hẳn hoi. Thạc sĩ? Bữa nay trăm ngày ông chắc tôi gặp cổ? Cổ đâu?
Tôi đây! Chào cô nhà hàng bia.
Là cô! Trời Đất vẫn giữ nguyên ý hợp chúng mình.
Ngân Ái kéo Kim Năng tới trước bàn thờ đốt nhang, châm rượu. Hiếu lễ làm cuộc gặp gỡ cởi mở. Ngân Ái vỗ vai Kim Năng cấp nhỏ cô “chi chi chành chành” dữ, thành kiến trúc sư còn “ú tim” với tôi, cô nhà khoa học xin chùi nhọ đít Ông Táo nhà hàng ăn nhậu. Ngẫm nghĩ hoài cái việc cô trông chừng bàn có hai cậu khách. Cô lơ lơ chập chờn không ra chị chạy bàn chu tất, chẳng là em tiếp viên bất chấp. Bợm nhậu xỉn gặp đàn bà lơ lơ còn chờ gì nữa. Cô lấy lại cứng rắn thì thằng xỉn sa vào liều lĩnh lộn xộn hơn, thế là ra một đám tội lỗi. Thạc sĩ dấu cái bằng vì làm việc dọn dẹp bếp núc? Bảo thủ, thủ cựu. Nước mình giờ có bao nhiêu người sống lối che thân, sống lơ lơ… đời tự tụt hậu. Tôi biết cô nhìn chủ quán bia ôm là kẻ chẳng ra gì. Phải. Tôi tệ nạn kiểu thấy việc có tiền là nhao nhác kiếm chác. Chủ hòa đồng với các tiếp viên, khuyến khích cuộc chung thân móc tiền của con nhậu. Được tiền tính tới, đời loạn ẩu hơn lên. Tôi tội. Tôi không nhớ hết tôi tính bao cách thức làm ăn. tính tiền bạc làm banh bể toác toàng toạc linh thần phàm nhân. Ai da. Mình bơi bải vơ tiền bạc sao không đeo kẻ ôm bạc tiền lội chơi đó đây. Ý tôi là nhìn tới dân du lịch. Bài tính bợm chạo đó ra bài Ẩm Thực Du Lịch. Làm ăn với du khách, nhất là khách quốc tế thì phải tử tế. Thế là có cái duyện gặp gỡ tử tế những du khách Tây, gặp ông Quỳ tre hoa và kiến trúc sư Kim Năng thì đời dấm kí cho mình ở hàng quán bia ôm trước rồi. “Nhà Hàng Ăn uống – Du Lịch Tre Hoa” đã có hơn ngàn mét vuông đất ở ngọi ô thành phố và vật liệu xây dựng tre hoa độc đáo. Kim Năng cô biết hơn tôi Nhà hàng Tre Hoa mọc lên với kinh nghiệm tre trúc gia truyền, bài bản kiến trúc là một công trình nghệ thuật tre hóa từ cột kèo tới tường vách mái lợp những phòng khách, tum khách tới bếp núc.
Cô chủ quán nhậu sẵn máu say trong mình ta?
Say… sao không? Việt Nam tre tốt đẹp, người tốt đẹp hơn. Thạc sĩ ơi! Người hãy nhớ lại cái lần bị bợm nhậu nó quậy quạ ngoài vải áo vải quần mà thương các em kiếm tiền thân phận ê chề nhục dục bia bọt. Thương các em con nhà nghèo xa quê cứu nhà, thương các sinh viên bươn chải tiếp viên để có tiền học hành là chỉ dẫn tụi nó làm tiếp viên ăn uống. Hãy chỉ các em đứng bên những bàn ăn tre hoa hướng dẫn du khách cầm đũa tre hứng thú gắp món măng tre và những món đặc sản bổ dưỡng của xứ tre xanh. Việc này nàng Kim ơi… tôi cũng say…
Không dưng về đây lột xác, dụ người dính ero, dola. Tôi đang thương cha và nhớ rặng tre hoa.
Bà Hiền định góp chuyện nhưng bà nín lời bước đến bên cửa sổ đưa đôi tay chai sạn gió nắng mở liếp cửa tre. Ngoài kia những hốc tre ông Quỳ bứng ươm đã lên những búp măng vàng.
Gió rười rượi lời nước non ngàn đời.
Tre già măng mọc!…
—————————-
(1) Gà tre – một giống gà ờ phương Nam rất nhỏ con.
(2) Làm buổi đứng. Làm đồng thông tầm từ sáng tới xế chiều.
(3) Cơm vắt – cơm nắm.
(4) Đũa hoa. Đũa tre vót thờ phía đuôi có sơ tre hình hoa.
(5) Cơm cúng: Xới bát úp hoặc chỉ một lần ra đũa cả lấy chút cơm vào lòng chén
Lương Minh Hinh
Văn học quê nhà
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài