Ở thị trấn Thương Khang chúng tôi, xưa nay không có tập quán nuôi chim, thoạt đầu chỉ có một vài cá nhân chơi chim, dần dà người ta bắt đầu mua bán chim, rồi trở nên thịnh hành, một thời, tiếng đồn lan khắp xa gần. Cuối cùng nó được coi là một nghề phụ của thị trấn. Tập thể cũng làm một cái quán bán chim. Tôi cũng thu xếp thời gian tạm thời ra quán làm người bán chim.

Cái quán nhỏ lắm, được dựng lên ở cổng chợ phía Đông thị trấn cửa quán có một cây hòe cổ thụ, dễ cũng được trăm năm, cành lá xum xuệ Sáng sớm mỗi ngày, chúng tôi đem các loại lồng chim to nhỏ, treo mắc lên đầy những cành cây, xa trông như một chợ chim thiên nhiên, đến gần lại nghe như khúc hát của cây, vì thế mà lôi kéo được khối người tới đó, như: Có người đến bán bánh cuốn, có người bán bánh rán, song nhiều hơn cả vẫn là những người rỗi việc ghé lại chơi, người đánh bài, người đánh cờ tướng, và trăm thứ chuyện trên trời dưới đất.
Ngồi miết trong quán cũng buồn, nên tôi ra đó, nói chuyện tiếu lâm chơi.
Nhưng chuyện nhiều hơn cả là nói về lão Vương “nói lắp” ở ngõ phố Đông. Nhưng khi thấy lão tới, là mọi người lại im re, và tản đi mỗi người một nơi: Chẳng ai muốn lão ló mặt tới đây, vậy mà cứ vài ba ngày lão lại đảo tới một lần.
Lão là một ông lão già đã hơn sáu chục tuổi, sống ở thị trấn này có tới mấy đời rồi, người lớn, trẻ con chẳng ai là người không biết mặt lão. Nửa năm lại đây lão béo phệ ra một cách khủng khiếp, béo đến biến dạng con người lão đi. Mặt lão lúc nào cũng bóng nhẫy, y như trát một lớp mỡ lợn vậy. Lão cứ ngồi xuống một cái là đầu lão toát mồ hôi hột, chiếc quạt lá cọ cứ phì phạch hoài không dứt. Còn miệng lão cứ liến thoắng, hầu như không sao dừng được.
Chưa, chưa bao giờ thấy, thấy, trời đất, lại, lại oi, oi nồng, như thế, thế này! Mà, mà lại lại sinh ra cái, cái giống rận nữa, lắm, lắm quá!
Lão ngồi xuống, cởi ngay áo, lần theo những đường chỉ khâu bắt rận. Quả là nhiều rận thật. Lão bắt đến nỗi không kịp giết, tiện tay lão vứt thẳng chúng xuống đất.
Những người xung quanh thấy kinh kinh, bảo lão:
– Ông chẳng chịu tắm giặt gì phải không?
Lão đáp:
– Trước, trước kia, tôi, tôi có tắm, tắm giặt gì đâu, mà sao vẫn không có rận? Bây, bây giờ thuốc bột cũng, cũng chẳng, chẳng trị được chúng nữa, trước, trước kia cứ rắc một ít, ít thuốc, thuốc bột, là chúng chết, chết sạch, bây giờ, giờ có rắc, rắc cũng chẳng, chẳng ăn, ăn thua gì.
Mọi người chẳng buồn nói chuyện với lão nữa, nên đứng dậy bỏ đi. Nhưng lũ nhóc lại quây lấy lão, vừa xem lão bắt rận ném xuống vừa đếm.
– Bảy con, tám con… mười con, mười một con…
Lão thấy ngượng nên mắng lũ trẻ:
– Cút, cút, xéo ra, ra đằng kia!…
Lũ trẻ con không cút ra đằng kia mà chúng lại lấy đó làm vui, và nhại lại lão:
– Chúng, chúng tôi, không cút, cút, xéo, xéo ra, ra đằng kia…
Lão đứng đó tức giận, nhặt lấy một hòn đá, giơ cao lên khỏi đầu, hét to:
– Cho, cho chúng mày chết.
Nhưng hòn đá đã tuột ra đằng sau lưng lão, tay lão vung ném đi chỉ là tay không. Có đứa sợ bỏ chạy, vấp chân ngã xoài ra đất, lão chạy tới, dựng nó dậy và bảo:
– Tao, tao là tao dọa, dọa thế, thế thôi!
Thằng bé bò dậy, nó chạy được hai thước, đã gào lên:
– Tao, tao là tao dọa, dọa thế thôi!
Tôi cũng bật cười, không thể nào nhịn được nữa. Lão đi lại phía tôi và nói:
– Lũ, lũ trẻ bây, bây giờ, mất, mất dạy! Anh, anh là người tốt, bán chim cũng cũng hay, cái, cái đại đội sản xuất của, của tôi, bầu, bầu bán, cái quái gì, mà lại, lại bầu, bầu một, một thằng trẻ ranh, nó, nó chả hơn, hơn anh mấy tuổi, thế, thế là, là không, không, không được, là là hỏng…
Tôi đáp:
– Sao lại không được? Nếu không được, mọi người còn bầu anh ta làm gì?
Lão nói:
– Ôi! Non, non quá mà! Đến tôi, tôi ngần này tuổi, tuổi đầu, đến nhà, nhà mình, còn không, không quản quản nổi. Vậy anh, anh ta, quản, quản được cả đại đội sao? Bắt, bắt mèo kéo, kéo xe, rồi sẽ bị, bị nó, nó kéo, kéo vào, vào gầm giường ấy…
– Thế thì ông phải vạch đường cho anh ta, ông nên làm tham mưu mới phải chứ!
– Nó, nó đâu chịu, chịu tìm, tìm tôi – Lão nói có vẻ bực bội – Để, để rồi xem, xem nó, nó làm, làm ăn như thế, thế nào.
– Ông đừng có khinh thường lớp trẻ.
– Lớp, lớp người trẻ, chỉ, chỉ bán, bán chim là hợp, hợp thôi.
Tôi khó chịu, bật lửa châm thuốc hút.
Đám trẻ lúc nãy, đã lại vây quanh lấy lão, lại om sòm nhại lão, lão đuổi chúng đi, rồi lắc đầu nói:
– Bây, bây giờ, lũ, lũ trẻ không, không biết ăn lời.
Lão chẳng được ai yêu mến! Mọi người đều muốn lánh mặt lão, chẳng thích trò chuyện với lão, vậy mà lão cứ hay đảo qua đây, rồi vội vã ra về. Tôi thấy tội nghiệp cho lão, nên đôi lúc có chuyện trò với lão một vài câu, nhưng lão lại cứ một mực chửi bới những người trẻ tuổi mới được bầu bán, thế là lão lại làm tôi nổi cáu, tôi ẫtoátữ cho lão một trận. Tôi cứ tưởng từ đó, lão từ mặt tôi, không thèm lai vãng tới đây nữa, vậy mà buổi trưa hôm đó, đã thấy lão chống gậy lù lù tới…
Mắt lão đỏ ngầu, hai cục dử trắng xóa hai bên khóe mắt, lão đi thẳng tới hàng bánh cuốn, ngồi tréo khoeo lên ghế to tiếng gọi bánh ăn. Những con ruồi bay quanh mắt lão, đuổi nó đi cũng không bay, thế là lão lại lầu bầu:
– Ruồi, ruồi, đâu, đâu mà lắm, lắm thế?
Người bán bánh đáp:
– Ông đi thì ruồi khắc đi!
Lão ngượng, không dám đuổi ruồi nữa, chỉ lấy tay phẩy phẩy trước mắt, nói:
– Nào, nào! Cái nước chấm bánh, bánh cuốn, của, của anh, chẳng, chẳng có mùi, mùi vị gì. Trước, trước kia tôi ăn, ăn bánh của, của lão Vương, Vương rỗ, ở, ở phố Đông chao ôi, nước, nước chấm vừa chua, vừa, vừa cay…
Người bán hàng lườm lão, múc thêm nước chấm cho lão. Tôi nhìn mà chỉ muốn bật cười, đảo sang đó, bảo lão, nước chấm cay chua như thế liệu lão có nuốt trôi được không?
Tôi, tôi bị cảm gió, anh nhìn, nhìn mắt tôi, và, và cả, cả đầu lưỡi nữa…
Tôi bật cười to, rồi lại thấy tội nghiệp cho lão: Con người mập ú như thế, lại nóng bức, ngột ngạt, đến khổ, mà lão lại sốt nữa, làm sao mà chịu đựng nổi.
– Thế là ông ốm mất rồi đấy! Đã vậy, thì ở nhà bảo con dâu nó làm cho cái gì ngon ngon một chút mà ăn, chứ sao lại mò đến đây.
Lão đáp:
-Thì thì, chính con, con dâu, nó hại, hại tôi mà!
– Con dâu hại ông?
– Thì tôi đã, đã nói trước rằng, rằng, cái thằng, thằng đội trưởng mới ấy là, là không, không ổn. Nó, nó thực hiện, làm, làm bao nhiêu, hưởng, hưởng bấy nhiêu, rồi lại bình, bình bầu, người tốt, việc tốt, có, có thưởng. Thế là, là con, con dâu tôi, lao, lao vào làm, công nó, nhiều hơn, hơn công tôi. Nó được, được thưởng, mà, mà không không đưa tiền, cho, cho tôi, lại còn giận giận dỗi to, to mồm, cãi, cãi nhau với tôi. Tôi, tôi bực, tôi, tôi tức. Tôi, tôi ăn phá, uống, uống phá… Chúng nó, không, không thèm, thèm nhìn mặt tôi, tôi, tôi cũng mặc, mặc xác chúng nó.
Cái tiếng mặc xác chúng nó của lão, lão làm cho mấy con ruồi đang đậu trên mặt lão bay vụt lên. Ăn xong, lão liền đi đến quán bán chim, ngồi ngay vào chiếc ghế trước cửa quán. Lão tiếp tục hỏi tôi:
– Anh, anh có định lấy, lấy vợ không?
Tôi không đáp lại lời lão. Lão vẫn nói:
– Lấy, lấy vợ, nhất, nhất định phải, phải trị. Cái, cái bọn con gái, ở đại đội tôi, tôi ấy, đừng đừng có động vào… Nó nó, mà làm gì, hưởng, hưởng nấy, đều, đều là lũ, lũ bất tri…
Tôi chán ngán đến nẫu cả ruột, định đuổi lão cuốn xéo, nhưng ngại chẳng dám nói ra, nên đứng dậy, đi ra chơi đùa với lũ chim.
Lão cũng cảm thấy trống trải, ngồi bần thần ra đó một lát rồi vừa lấy tay phẩy phẩy trước mắt, vừa chậm rãi bước đi.
Có một người bảo tôi:
– Bận sau, lão ấy tới, cậu đừng trò chuyện gì với lão ta nữa.
Vậy mà ngay chiều tối hôm đó, khi chúng tôi đang dọn dẹp các lồng chim, chuẩn bị đóng cửa hàng, bỗng có tiếng gọi.
– Này! Này anh, anh ra, ra đây một lát!
Tôi giật thót người:
– Có chuyện gì vậy?
– Cái tay, tay đội trưởng, lại, lại, này, này nói ra một, một trò mới. Hắn nói… sẽ khoán, khoán, ruộng đất, đến, đến tận hộ. Thế, thế có, có láo lếu không, không cơ chứ? Tôi, tôi nói cho anh biết, anh, anh cần lên, lên huyện, báo cáo đi. Tôi, tôi, không đi được, anh, anh thay tôi, chạy, chạy đi mới được.
Tôi cười nói:
– Việc khoán sản, khoán hộ, là chính sách mới về nông thôn, mà Trung ương Đảng đã tuyên bố cho phép, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là cái vùng đất núi của ta đây, việc khoán ruộng đất đến từng hộ gia đình là tốt nhất, mấy đại đội sản xuất quanh vùng ta đây người ta đều làm thế cả rồi.
Lão hỏi:
– Thật, thật thế chứ?
Tôi đáp:
– Chẳng thật thì giả à?
Lão kêu lên, lão lại càng nói lắp nhiều hơn:
– Thế, thế, thế, thế tôi, biết, biết làm sao, bây, bây giờ?
– Thì ông vẫn là ông chứ sao.
– Thế, thế, khoán, khoán đến hộ, tôi làm, làm sao, sao được. Tôi làm gì? Con, con trai, con, con dâu, nó, nó, có chịu, chịu nghe tôi không chứ? Thế, thế là hỏng, hỏng ráo cả!
Tôi chẳng còn nể nang gì lão nữa:
– Ông cứ bớt mồm bớt miệng, ít nói nhăng nói cuội đi là được!
– Tôi, tôi không quản, thì, thì còn, còn ra thế, thế nào.
– Để cho ông quản có mà hỏng bét hết!
Ông nhìn tôi chòng chọc, rồi phẩy tay nói:
– Anh, anh cũng là, một thằng, một thằng hư hỏng! Tôi, tôi quý anh, mà, mà anh, anh còn nói, nói với tôi, như, như thế. Thì, thì ra anh, anh cùng, cùng là một giuộc, với, chúng, chúng nó. Hừ, tôi, tôi chẳng thèm, thèm đến đây nữa.
Lão bỏ đi, tôi bỗng thấy vui vui, mong sao lão đừng có lai vãng đến đây nữa. Quả nhiên đã mười ngày qua đi, rồi nửa tháng trôi xuôi, không thấy lão đến với tôi thật. Tôi hầu như sắp quên hẳn lão đi, thì lão lại mò đến.
Tôi nói:
– Ông đã chẳng thề rằng không thèm đến đây nữa sao.
Lão đáp:
– Tôi, tôi đến, đến mua chim!
Mua chim, điều đó làm tôi vô cùng kinh ngạc, xưa nay lão có bao giờ thích thú cái trò chim chóc gì đâu. Tôi hỏi:
– Ông mua chim? Ông mua chim gì? Ông cứ bảo khoán ruộng đất đến hộ là hỏng, sao bây giờ ông lại nhàn nhã thế, mà lại đi nuôi chim!
Ông bắt đầu nổi cáu:
– Tôi mua, con yểng, tôi sẽ chuyện, chuyện trò với, với con yểng vậy. Bây, bây giờ, chẳng ai, ai chịu nghe tôi, tôi nói, chẳng, chẳng ai, nói, nói với tôi nữa. Tôi mua, mua con yểng, anh, anh chọn cho tôi, con yểng khỏe, thật, thật dẻo mỏ vào.
Tôi chọn cho lão một con yểng, thu tiền xong, lão xách lồng chim ra đi.
Từ đó, tôi chẳng biết lão sống ra sao, chẳng biết lão nói với con yểng những gì, và con yểng đã học được bao nhiêu lời của lão, để giải buồn cho lão. Rồi đột nhiên, tôi lại thấy thương thương lão, thầm mong cho lão không còn bị trống trải cô đơn, và cũng không còn bị ai ghét bỏ nữa. Nếu đúng là như thế, thì tôi thật cảm ơn con yểng dẻo mỏ kia.
Nhưng mươi hôm sau, lão lại dò tới đây, một tay cầm cái lồng vẫn là con yểng lông biêng biếc xanh đỏ. Tôi vừa định tới hỏi thăm xem lão sống ra sao, lão đặt chiếc lồng lên bàn, nói:
– Tôi, tôi trả lại con yểng!
– Nó làm sao?
– Con yểng của anh, rất tồi. Ngày ngày xưa, tôi vào, vào thành phố, nhà ông cậu tôi, người ta nuôi con yểng dẻo mỏ lắm, gì nó, nó cũng nói, nói được, gì nó cũng nói được, được rõ ràng. Bây giờ, con yểng, yểng này hỏng… Tôi trả, trả lại cho anh, tôi ghét, ghét nó, vì nó, nó nói, nói lắp!
Giả Bình Ao


Exit mobile version