Trước hết, cần phải nói rằng, truyện ngắn về đề tài đô thị trong bối cảnh hiện nay được hiểu là tác phẩm phản ánh đời sống đô thị từ mọi khía cạnh và phương diện. Bài viết này đặt vấn đề về việc tiếp cận hiện thực đời sống đương đại, đời sống đô thị của người viết từ sáng tác truyện ngắn – thể loại được xem là “xung kích”, linh hoạt trong việc áp sát thực tế đời sống trên tiến trình đổi mới văn học Việt Nam đương đại.
Đời sống đô thị và sự lựa chọn đề tài sáng tác
Văn học những năm sau chiến tranh đã bước sang một quỹ đạo mới, với sự hình thành một đội ngũ viết mới bên cạnh thế hệ cầm bút đã đi qua chiến tranh. Sự thay đổi trong đời sống xã hội, ở đây là đời sống đô thị hiện đại, đã góp phần tạo nên những thay đổi trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
Có một thực tế là trên văn đàn hiện nay dù có thời điểm gia tăng nhưng số nhà văn chuyên tâm viết về đề tài nông thôn, miền núi không nhiều. Ngay cả một số cây bút trước đây từng chọn miền núi, nông thôn làm chất liệu sáng tác thì đến nay cũng đã có những thay đổi, có sự chuyển hướng. Sự thay đổi này một phần liên quan đến sự dịch chuyển môi trường sống từ miền núi, vùng xa về thành phố của chính người viết. Những người viết lựa chọn đô thị làm chất liệu sáng tác được cộng hưởng từ sự hình thành một đội ngũ những người viết trẻ mà đa phần trong số họ đều có thời gian sinh sống, học tập và làm việc ở các đô thị. Đã có những ý kiến cho rằng, người viết trẻ hiện nay không quan tâm, hoặc né tránh những đề tài như nông thôn, miền núi và thường viết về cuộc sống đô thị – trong đó có cuộc sống của chính họ. Bị quy định bởi vốn sống, môi trường sống, sáng tác của các cây bút trẻ thường đi vào những vấn đề của đời sống đương đại, về cuộc sống của những người trẻ ở các đô thị hiện đại. Cũng chính bởi ý thức “đô thị mang trong mình quá nhiều câu chuyện cần phải viết ra” mà đề tài đô thị thường được trở đi trở lại trong các sáng tác. Bên cạnh đó là những người sáng tác ở tuổi đời không còn trẻ, từng sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, từng có những trải nghiệm của đời sống trước đây và đến nay chính họ lại là người chứng kiến những đổi thay của xã hội. Sự xung đột giữa cái cũ và cái mới cũng là đề tài được những cây bút này hướng tới.
Có nhiều con đường để người viết đến với đề tài đô thị: một phần là do vốn sống, sự trải nghiệm (với một số người là do sự hạn định về chất liệu nên chỉ có thể lấy cuộc sống đô thị làm nội dung); sự hứng thú của người viết và đôi lúc cũng rất ngẫu nhiên, đô thị là cái phông, là nguyên cớ để nhà văn xây dựng và chuyển tải những thông điệp khác. Cũng cần phải nói rằng, sự lựa chọn đề tài đô thị trong truyện ngắn một phần còn bị chi phối bởi đối tượng và thị hiếu độc giả. Những tác phẩm viết về cuộc sống và con người đô thị hiện đại giành được sự quan tâm của phần lớn độc giả trong khi khu vực văn học miền núi vẫn được cho là kén chọn người đọc.
Đời sống đô thị và sự thay đổi hình tượng văn học
Ở Việt Nam đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Điều này làm thay đổi không chỉ bộ mặt các thành phố, trung tâm văn hóa – chính trị mà cả với nông thôn, miền núi. Việt Nam từng trải qua một thời kỳ dài của kinh tế nông nghiệp với những thói quen và nếp sống của cư dân nông thôn, kiểu sinh hoạt cộng đồng, văn hóa làng xã và điều này tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa, văn học. Nếu như trước đây hình tượng văn học thường trở đi trở lại là nông thôn, nông dân, rồi chiến tranh, người lính – những khía cạnh được đề cập thường xuất phát từ những vấn đề của nông thôn, của chiến tranh cách mạng và theo đó đời sống của mỗi cá nhân luôn được đặt trong mối quan hệ với tập thể – thì trong những thập niên gần đây văn học lại hướng nhiều đến việc thể hiện đời sống thị dân, đời sống cá nhân trong môi trường của những đô thị hiện đại, bao gồm cả không gian sinh tồn, bầu sinh quyển đô thị và những hoạt động, trạng thái tinh thần của con người trong bối cảnh đó. Trong nhiều tác phẩm, hình ảnh đời sống đô thị đã phần nào được biểu lộ qua nhan đề truyện ngắn, chẳng hạn: Thành phố đi vắng, Thành phố không mùa đông (Nguyễn Thị Thu Huệ), Một chiều xa thành phố (Lê Minh Khuê), Lạc chốn thị thành (Phong Điệp), Vết thương thành thị (Đỗ Tiến Thụy), Huyền thoại phố phường (Nguyễn Huy Thiệp), Giai điệu thành thị (Lý Biên Cương), Mênh mang lối phố (Đỗ Phấn); tên tác phẩm gắn với những địa danh cụ thể của các đô thị: Hà Nội trong mắt tôi, Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), Phố nhà binh (Chu Lai), Hà Nội những ngày trước Tết (Thái Bá Tân),… Những tập truyện ngắn về Hà Nội vẫn được xuất bản đều đặn và trong đó không chỉ là hình ảnh phố xá, cảnh quan đô thị mà còn là cuộc sống và con người với những biến thiên của thời cuộc.
Hiện thực đời sống thị dân trong xã hội đương đại
Trong cảm quan của nhiều người, đô thị có một hấp lực lớn bởi đó là chốn phồn hoa có mật độ dân cư đông đúc, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, điều kiện sống cao hơn trong tương quan với các khu vực khác, và đô thị còn là nơi có nhiều cơ hội thăng tiến. Trong nhiều truyện ngắn đương đại không gian đô thị được khúc xạ qua những hình thái khác nhau, từ không gian địa lý đến không gian tâm tưởng, từ không gian xã hội đến không gian cụ thể (không gian căn phòng, khu chung cư, căn gác trọ). Song hành với không gian xã hội giữa thành thị đông đúc, náo nhiệt, ở đó “trên con phố một chiều xe lúc nào cũng băng băng dòng người như sông mùa lũ” (Quán rượu – Đỗ Phấn), không gian văn phòng, cao ốc (Tháng chạp – Lý Lan), là không gian sống của cá nhân với những căn hộ, khu nhà cao tầng ở “lưng chừng trời” tách biệt với thế giới xung quanh (Vu vơ ở lưng chừng trời – Đỗ Phấn).
Trong nhiều truyện ngắn, người đọc có thể bắt gặp những trang viết về vẻ đẹp của đô thị, về không gian và cảnh quan đô thị: “Hà Nội cuối đông. Đêm xuống mù sương. Tất cả như lấp ló sau một tấm voan mỏng che khuôn mặt xinh đẹp đã hóa trang kỹ của cô dâu chuẩn bị về nhà chồng” (Rượu cúc – Nguyễn Thị Thu Huệ). Hoặc như: “Tháng năm. Những chùm phượng đỏ vít cong cành trên các ngõ phố. Không gian inh inh tiếng ve gợi cảm giác hồi hộp và sôi động. Nàng đứng dưới góc phố chờ chàng” (Tình yêu ơi, ở đâu? – Nguyễn Thị Thu Huệ). Nhưng dường như đằng sau những hình ảnh, cảnh quan đó là một cuộc sống đang từng ngày biến đổi. Nhiều nhà văn đã hướng ngòi bút vào việc chuyển tải những trạng thái biến đổi của đời sống thường nhật nơi đô thị. Từ những góc độ khác nhau, trong mỗi truyện ngắn, người viết đã bộc lộ những cách tiếp cận đời sống đô thị, qua đó có thể thấy được quá trình thay đổi đô thị không chỉ ở phương diện cảnh quan mà còn ở đời sống vật chất và tinh thần của con người. Với Phong Điệp, nhân vật của chị thường là những người trẻ, tạm cư trong những căn phòng chật hẹp, với nhiều băn khoăn khi gia nhập đời sống đô thị. Họ ý thức được giá trị và những mặt trái của đời sống họ đang tham dự, một cuộc sống mà ở đó công việc luôn chiếm phần lớn quỹ thời gian của họ: “Thường thường tám giờ tối mới rũ rượi về nhà. Ăn qua quýt một cái gì đó rồi đổ vật ra giường, ngủ một mạch đến bảy giờ sáng hôm sau. Những ham muốn, đam mê dần bị tước bỏ. Quay quắt mấy chốc đã cảm thấy mình hết đời rồi. Chồng con bây giờ không còn là một cái gì quá cấp thiết” (Ngôi nhà ngập tràn ánh nắng). Đó thường là cuộc sống của những người nhập cư từ các tỉnh lẻ về đô thị với nỗi lo mưu sinh, nhà cửa (Trở về). Nhiều truyện ngắn trong tập truyện Giày đỏ của Dương Bình Nguyên, Mười sáu mét vuông của Vũ Đình Giang tái hiện những góc nhìn của người trẻ về đời sống đô thị. Tập truyện ngắn Vết thương thành thị của Đỗ Tiến Thụy có đề cập đến sự mở rộng đô thị và những “vết thương” ở các làng quê bị đô thị hoá, những thân phận từ tỉnh lẻ tìm cách thích nghi với cuộc sống đô thị, những nhân vật gốc gác nông thôn phải bôn ba kiếm sống ở thành phố lớn. Trong nhiều truyện ngắn của mình, Nguyễn Việt Hà đã dành sự quan tâm tới đời sống và con người Hà Nội, trong đó có những con người thị dân, trí thức sinh tồn. Sáng tác của Đỗ Phấn luôn có sự hiện diện của cuộc sống đô thị, đặt ra nhiều vấn đề của đời sống thị dân hôm nay. Ở truyện ngắn Quán rượu, người viết cho thấy một góc nhìn về nhịp sống đô thị – một nhịp sống hối hả kéo con người vào guồng quay gấp gáp: “Phố đã lên đèn. Ánh sáng yếu ớt hắt trên những gương mặt người thiểu não sau một ngày vật lộn mưu sinh. Những gương mặt giống nhau đến kỳ lạ. Chỉ hở ra một khuôn hình vô cảm trong những chiếc mũ bảo hiểm”.
Hình ảnh đô thị trong truyện ngắn đương đại không chỉ là hình ảnh hào nhoáng, sang trọng, lịch lãm mà còn là những góc khuất, những sự xáo trộn trong đời sống và tâm hồn con người. Không ít truyện ngắn mang đến thông điệp về sự biến đổi của đô thị và những mặt trái của nó. Một nhân vật trong Huyền thoại phố phường của Nguyễn Huy Thiệp được mô tả: “Hạnh sống cô đơn. Cuộc sống thành phố với bao lạc thú gây nên nhiều mơ ước. Nhưng Hạnh biết rất rõ những lạc thú ấy chứa đầy cạm bẫy”. Một hiện thực đáng quan ngại trong đời sống là việc người nông dân bất đắc dĩ phải trở thành thị dân bởi quá trình đô thị hóa cũng đã được các cây bút đưa lên trang viết (Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu – Nguyễn Quốc Trung); rồi sự xâm lấn, mở rộng đô thị làm biến đổi môi trường, cảnh quan (Cả một dây neo theo nhau đi – Hồ Anh Thái, Hoa nở trên trời – Nguyễn Thị Thu Huệ). Những trạng thái nhân tình thế thái của con người trong các đô thị hiện đại cũng được nhiều cây bút truyện ngắn đề cập, chẳng hạn Lê Minh Khuê với truyện ngắn Đồng tiền có màu xanh huyền ảo, hay Nguyễn Thị Thu Huệ với những câu chuyện đời thường của con người ở đô thị, với thực trạng bi hài của đời sống gia đình trong thời kinh tế thị trường (Mi Nu xinh đẹp), sự nghiệt ngã của quy luật cạnh tranh, sự bàng quan với cuộc sống gia đình khi đã quá dư thừa về vật chất, sự xung đột giữa nhu cầu cá nhân với hoàn cảnh (Nước mắt đàn ông).
Tuy nhiên, không phải bao giờ sự ồn ã và cạnh tranh khốc liệt nơi đô thị cũng làm xơ cứng và tha hóa tâm hồn con người. Người đọc vẫn có thể bắt gặp trong truyện ngắn những trạng huống, cảnh ngộ mang nét đẹp văn hóa của con người đô thị, như bà cô trong truyện Nếp nhà, bà Hiền trong truyện Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) – những con người toát lên vẻ đẹp đáng trân trọng với ý thức gìn giữ gia phong, nền nếp trong bối cảnh đời sống xã hội đang biến chuyển bởi quá trình đô thị hóa cùng sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường.
Con người cô đơn, con người cá nhân – một dạng thức và tâm thái của con người đô thị
Nếu như trước đây truyện ngắn thường tập trung vào những vấn đề chung của cộng đồng, dân tộc, những vấn đề của văn hóa làng xã thì ngày nay nhiều cây bút truyện ngắn đã đi vào khai thác những vấn đề của con người cá nhân – kiểu dạng con người gắn liền với xã hội đô thị (khác hẳn với kiểu con người cộng đồng của cư dân nông nghiệp trước đó). Nhiều kiểu dạng nhân vật mới như công chức, doanh nhân, giám đốc, nhân viên văn phòng – những con người là sản phẩm của văn minh đô thị – xuất hiện nhiều trong truyện ngắn. Cùng với nó là việc hướng sự quan tâm đến những vấn đề của con người cá nhân, không chỉ ở sự tái hiện những trạng thái đời sống, trạng thái nhân thế mà còn là sự nhận thức và lý giải hiện thực; là nhu cầu phân tích, chiêm nghiệm đời sống của người cầm bút trước hiện thực mới.
Việc thể hiện con người cô đơn trong truyện ngắn đương đại không chỉ cho thấy sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn mà còn là sự thể hiện một tâm thái của con người hôm nay, những con người đang sinh sống và làm việc tại các thành phố hiện đại, bị chi phối bởi cuộc sống và hoàn cảnh. Có muôn hình vạn trạng nỗi cô đơn của con người khi đối mặt với cuộc sống đô thị. Đó có thể là nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp), trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải đối mặt (Tân cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ) và họ không có cách gì giải tỏa, không thể chia sẻ cùng ai: “Tôi cô đơn quá rồi”, “Sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi cô đơn thế này” (Mi Nu xinh đẹp). Đó có thể là nỗi cô đơn của một thế hệ khi những giá trị tinh thần của gia đình truyền thống đang bị mất dần đi trong xã hội hiện đại (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp, Của để dành – Nguyễn Thị Thu Huệ), cô đơn trước không gian đô thị choáng ngợp: “Đường phố rộng và thừa thãi gió, tuênh toang, trống trải lạ lùng” (Cát đợi), là trạng thái trống trải và đơn độc của con người trong thành phố khi chỉ có công việc mà không có người thân bên cạnh (Thành phố không mùa đông – Nguyễn Thị Thu Huệ). Nỗi cô đơn của những thực thể sống trong những tòa cao ốc, cách biệt với con người và thế giới xung quanh: “Đến tận tầng mười sáu. Ở trên tầng cao, sự cách biệt đã dần biến thành nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Cách biệt với thành phố bên dưới. Cách biệt với phần còn lại của tòa nhà bên trên. Và cách biệt với ngay cả hàng xóm láng giềng là căn hộ đối diện chung nhau có một hành lang tối” (Vu vơ ở lưng chừng trời – Đỗ Phấn). Có thể thấy đời sống đô thị với ý thức cá nhân, ý thức về bản thể là một phương diện được các cây bút truyện ngắn hướng tới.
Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới tư duy, chủ nghĩa đề tài trong sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học không còn được đặt ra cấp thiết như trước. Việc lựa chọn không gian thành thị hay nông thôn chưa hẳn đã có ý nghĩa trong việc tạo nên sự thành công của tác phẩm. Tuy nhiên một điều không thể phủ nhận, là tác phẩm trực tiếp hay gián tiếp viết về đời sống đô thị vẫn xuất hiện ngày một nhiều (dù rằng “đô thị” ở mỗi thời đoạn xã hội và văn học có những tính chất khác nhau). Quan sát sự vận động của truyện ngắn đương đại, có thể thấy các nhà văn đã có sự bén nhạy và linh hoạt trong cách tiếp cận, thể hiện và lý giải nhiều vấn đề của đời sống trong đó có đời sống của con người đô thị. Sự mở rộng cái nhìn của người viết về một phạm vi, phương diện mới của đời sống xã hội hôm nay đã cho thấy những thay đổi trong tư duy nghệ thuật, ở đây là truyện ngắn – một thể tự sự năng động luôn đi đầu trong chiếm lĩnh, khái quát hiện thực.
Tiến trình đô thị hóa đã tác động đến đời sống văn học, không chỉ ở số lượng tác phẩm viết về đô thị mà còn ở những vấn đề của đời sống, con người, xã hội đô thị được chuyển tải trong sáng tác. Rõ ràng, văn học Việt Nam đang chuyển động cùng sự chuyển động của đô thị, tuy nhiên, thực tế là vẫn chưa có nhiều tác phẩm sáng giá ở đề tài này. Đây là điều đáng suy nghĩ, cũng là vấn đề đặt ra với người viết hôm nay.
Nguồn: Vannghequandoi