Nhà văn Tống Ngọc Hân
Sinh 1976
Quê: xã Đông Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ.

Đã xuất bản gần 20 tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết.
Có lẽ là một trong số các nhà văn trẻ đoạt được khá nhiều giải thưởng trung ương và địa phương cho các tác phẩm của chị, những tác phẩm luôn được đông đảo bạn đọc đón đợi.

Nhà thơ Trần Hồng Giang từng nhận xét về văn của Tống Ngọc Hân:
Có những cảm giác xúc động và xót xa, khắc khoải và day dứt, đắng đót và tuyệt vọng… nhưng tất cả những yếu tố ấy không làm nên sự bi lụy, đau thương mà dường như nó lại càng làm đầy đặn thêm tình yêu thương đan xen với sự thấu cảm, bao dung dấy lên mạnh mẽ trong lòng người.
Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân ngồn ngộn hơi thở tự nhiên của đời sống. Những lát cắt vụn vặt bên đời đã được tác giả gom góp nhặt nhạnh lại và ghép thành những câu chuyện mang đầy tính triết lý nhân sinh, cũng như đã tạo hình nên những nhân vật mang cá tính biệt lập, nhưng cũng không kém phần sinh động, thú vị. Phẩm cách con người được tạo thành từ những điều giản dị, thậm chí là rất nhỏ nhặt, bé mọn trong đời sống. Cái thiện và cái ác đôi lúc trộn lẫn vào nhau trong một con người, nhưng sau đó lại được tách bạch, giải mã ra một cách rõ nét, minh định.

        

ĐÒ PHIÊN

                                                        Trruyện ngắn Tống Ngọc Hân

Cách cầu ba ki lô mét về phía hạ nguồn là bến đò Phiên. Thuở bà nội Chiêu còn sống, bà kể, bên kia sông, có cái chợ phiên sầm uất và đông đúc nhất vùng. Chợ phiên họp vào các ngày hai, ngày bảy âm lịch trong tháng, người bên này sang đông lắm. Nhất là những ngày giáp tết. Và hầu như bến đò này chỉ có người sang sông vào ngày chợ phiên, nên được gọi luôn là đò Phiên.

         Lúc Chiêu còn nhỏ, Chiêu cũng hay theo bố mẹ đi chợ bán hoa đào bên đó. Có những chuyến đò chỉ có vài người còn lại đầy hoa đào. Con đò như chiếc nơ hồng rực cài trên mớ tóc dài suôn lấp lánh ánh bình minh. Kể từ khi xuống thành phố học, đi làm rồi lấy chồng, tính ra, đến mười lăm năm rồi, Chiêu không đi đò Phiên. Không biết bên ấy, còn phiên chợ không, còn đông đúc không, khi mà siêu thị mọc ra ở khắp mọi nơi và giờ người ta chọn đi cầu cho tiện.

         Trong ký ức của Chiêu, đò Phiên gần như bị vùi lấp bởi bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên, bỗng dưng hôm nay, bến đò lại hiện lên rất lạ. Chuyến xe thưa người, ngồi cạnh Chiêu là một người đàn ông ngoài sáu mươi. Khi lái xe hỏi xuống đâu, người đàn ông nói, cho tôi xuống cổng làng Vân Diệu. Chiêu giật mình, nhưng không nói gì. Chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt người đàn ông, chỉ hở hai con mắt và một vết sẹo dài trên trán, Chiêu đoán ông ta chỉ là khách của làng Vân Diệu, cho dù ánh mắt nhìn Chiêu rất quen.

         Xe dừng gần cổng làng lúc sáu giờ tối, bị chậm hơn mọi khi hai mươi phút. Trời cuối năm, sáu giờ là tối lắm. Ông ta xách chiếc cặp số màu đen xuống trước. Chiêu xách chiếc va ly nhỏ xuống sau. Dù Chiêu cố để đi chậm lại và giữ khoảng cách với người đàn ông thì cũng không tránh được sự tò mò của những người đàn bà đang hái rau muống dưới ruộng ngay sát con đường đi vào làng.

         Người đàn ông đi lệch về một bên như thể một bên chân ông ấy làm bằng bê tông, thẳng tuột, còn bên kia thì ngắn như bị rút bớt lại. Ông cố tình đi chậm và hỏi Chiêu bằng cái giọng méo mó: “Cô cần tôi giúp không?”. Chiêu trả lời bằng một câu hỏi. Bác về nhà ai trong làng? Người đàn ông vui vẻ trả lời. Tôi chỉ ghé qua làng thôi. Tôi ra đò Phiên. Chiêu ái ngại. Giờ này chắc gì đò còn chạy, cháu nghe nói đò chỉ chạy ngày phiên mà. Sáng mai mới mười bảy, nay mười sáu. Người đàn ông cười bằng mắt. Tôi vẫn đi suốt mà. Chắc cô ít về quê thôi. Chiêu không nói gì. Nếp sống ở thành phố đã ngấm sâu vào cô, nó khiến con bé hay nói hay cười, hay bắt chuyện người lạ khi xưa biến mất khỏi Chiêu không để lại một chút dấu vết. Đến cổng nhà, Chiêu rẽ vào, ông xách cặp số nhìn theo Chiêu, cho đến khi bị Chiêu bất ngờ quay đầu, phát hiện, thì ông ấy mới đi tiếp.

        Buổi tối, hai mẹ con ngồi làm măng để sáng mai nấu canh làm cỗ giỗ bà nội, Chiêu hỏi mẹ. Đò Phiên giờ còn chạy không mẹ? Mẹ bảo không. Đường xuống bến đò, người làng dấp rong lại cho trẻ con không xuống sau ngày cụ Phóng mất. Làng mình không ai chạy đò nữa vì không kinh tế. Sắm con đò máy bao tiền, người qua sông thì ít, họ bỏ, đi cầu xa nhưng lại hóa gần, chờ đò cũng lâu. Mà bến đò giờ sâu như vực, trông sợ lắm.

         Rồi Chiêu hỏi mẹ về người đàn ông sách cặp số đi về phía bờ sông. Mẹ ngơ ngác nói, làng này, ngoài bố con, làm gì có ai như thế. Cả đêm, Chiêu cứ trằn trọc vì nghĩ đến chuyện người đàn ông lạ có ánh mắt rất quen. 

        Dòng sông đoạn đi bên cạnh làng Vân Diệu không rộng nhưng rất sâu. Suốt mấy chục năm, dòng sông chỉ lở phía làng, bờ rất chựng, hoăm hoắm. Những mùa lũ lớn người trong làng đêm nghe tiếng đất lở thùm thùm không ngủ được. Người làng vẫn bảo nhau, nếu không có cách gì đó trị thủy, thì chả mấy mà mất làng. Thì thoảng, những người trong làng vẫn chỉ cho nhau một vết nứt mới trên những mảnh vườn mà mọi người đã ra sức trồng tre gai để kè giữ. Mẹ Chiêu kể, tính từ khi mẹ về làm dâu đất này, làng mất đi cả trăm mẫu đất bãi trồng ngô và trồng hoa đào bán cho thành phố chơi tết. Cứ lở thôi, những vết lở sâu toang hoác cáu đầy bọt nước nom như miệng con thú dữ còn để lại dấu tích của những con mồi nó vừa chén xong. Mỗi khi sông ngàu đỏ, nước ói vào đồng mang theo bọt rác, ấy là lúc đất lại cồn cào lở. Năm nay khuyết lũ. Cả mùa nước không thấy trận lũ nào, cũng không thấy bờ lở, dòng sông hiền lành như cô gái quê mới lớn ôm ấp trong lòng khát vọng đi xa nhưng không dám tỏ bầy với ai. Từ làng Vân Diệu nhìn sang bên kia sông, bãi ngô xanh biếc bạt ngàn, làng bên ấy rất trù phú vì mỗi năm lại được bồ đắp thêm. Bên ấy bồi, bên này lở. Bên ấy, làng như hình chiếc mâm, bên này, làng như hình chiếc liềm. Bồi mấy chục năm liền nên chợ phiên gần bờ sông ngày xưa bây giờ đã thành trung tâm thương mại to đùng giữa thành phố. Trông người lại nghĩ đến ta. Những người mê tín trong làng nói tại phước làng mỏng nên vậy. Trị thủy đâu có dễ, làm không đến đầu đến đũa, thì sẽ bị thủy trị.

         Bố Chiêu là ông già cổ lỗ sỹ nhất làng Vân Diệu. Hễ ai đó nói chuyện sông nước, ông lại thao thao kể về trận đại hồng thủy ngày xưa, khi ông còn là cậu bé mười lăm tuổi. Ông nói, năm ấy, chính ông cụ sinh ra ông là người đem công văn hỏa tốc từ tỉnh về huyện, yêu cầu phá đê để cứu thủ đô. Cả năm sáu xã vùng hạ huyện, nước sông phăng phăng lao vào từ chỗ đê bị phá làm ngập lụt mất bao nhiêu hoa màu, gia súc, gia cầm, chỉ người dân do được lệnh sơ tán chạy lên đồi cao là không ai thiệt mạng cả. Với chiếc thuyền nhỏ, ông bơi lần lượt từ gò này sang gò khác để phát thuốc tiêu chảy cho bà con vì vì toàn bộ các giếng nước đã bị ngập hết. Bố bảo, “quen mui bén mùi ăn mãi”. Nước đã được rước vào đồng như thế một lần, thì từ sau, nó vẫn nhớ lối cũ mà vào thôi. Làng Vân Diệu là cửa ngõ của nước nên không tránh khỏi. Giờ sông không còn lũ to như xưa, nhưng cứ đến mùa, nước vẫn thúc vào sườn làng Vân Diệu, tạo thành những vết thương đỏ ối, gớm ghiếc. Mỗi lần bố nói, mẹ Chiêu đều gạt đi. Ông lẩm cẩm rồi. Ông rành về nước thế thì tại sao không chiêm luôn một quả gò mà làm nhà cho cao ráo lại cứ bám mạn sông làm gì để vợ con cả đời thấp thỏm. Mỗi lần bố mẹ có dấu hiệu căng thẳng là mấy anh em Chiêu lại bắt đầu can ngăn. Anh trai sẽ bênh mẹ. Đúng đấy, mẹ nói có lý. Ở bờ sông tổn thọ vì lo lắng. Còn chị gái Chiêu sẽ bênh bố. Ai mà cũng bỏ làng đi vì sợ thì bây giờ, chỗ này thành giữa sông rồi. Mấy lại, mới chỉ lở mất bãi làm hoa màu, chứ đã lở nhà ai bao giờ đâu. Làng mình xưa giờ không ai làm lúa, chỉ làm ngô, làm hoa nên mới đổ thừa cho nước. Người trong đê bỏ hoang ruộng đầy kìa, muốn làm lúa thì vào mượn, có sao đâu.

        Đêm thứ hai ở nhà mẹ sau hơn nửa năm không về, Chiêu ngủ ngon, bù cho hôm trước. Khoảng gần sáng, Chiêu nghe thấy tiếng gọi đò rất rõ vọng từ bến vào. Đò ơi, ơi đò ơi, có ai đò không? Chiêu nhỏm dậy, xỏ dép, bật điện, đi ra giường ngoài, thấy mẹ nằm quay mặt vào trong, không thấy bố đâu cả. Chiêu ngạc nhiên xen lẫn lo lắng. Khuya khoắt như này bố đi đâu rồi? Chiêu lay mẹ. Mẹ ơi, mẹ…Mẹ Chiêu tỉnh giấc. Ơ hay, con bé này, ngủ đi, sao lại gọi mẹ giờ này? Mẹ à, con vừa nghe tiếng gọi đò. Ôi giời, cứ nghe vớ nghe vẩn. Làm gì có ai gọi. Tôi chả nghe thấy gì sất. Thôi, con vào buồng con. Mà bố đi đâu thế mẹ? Khuya thế này. Ơ hay nhỉ cái con bé này. Con mày lên mấy rồi, mày biết không? Bảo ngủ ngoài đây thì cứ chui vào trong ấy, kêu muốn ngủ phòng cũ. Chăn gối lâu không ai nằm hôi mù. Tôi thì bận không mở mắt ra được. Lúc này thì Chiêu mới tỉnh hẳn. Cô như người mộng du trong ký ức của mình. Rất nhiều lần, trở về nhà, Chiêu hỏi, bố con đâu hả mẹ. Rất nhiều lần gọi điện thoại, Chiêu nói mẹ cho con nói chuyện với bố tí. Trong ký ức của Chiêu không có sự ra đi đột ngột của bố. Không có bất cứ sự khuyết vắng nào trong căn nhà cô từng sinh ra, lớn lên. Bố mẹ cô và những người làng Vân Diệu cả đời lam lũ cặm cụi bám đất bám làng kiếm sống và sống một cuộc đời thanh đạm. Lứa của Chiêu, những đứa đi xa quê thì phần lớn ít trở về. Đứa lấy chồng thành phố, đứa lấy vợ rồi ở lại thành phố, nơi sinh ra lớn lên, nghiễm nhiên trở thành quê cũ, thành cố hương mà câu hát “quê hương là chùm khế ngọt” lâu lắm mới lảng vảng trong đầu một lần.

         Tuần thứ ba mươi bảy của thai kỳ, bác sỹ nói ối vẩn và cạn quá mức cho phép dù mỗi ngày Chiêu uống đến ba trái dừa tươi. Bác sỹ trưởng khoa quyết định mổ bắt con sau khi tự tay ông siêu âm và xem hình ảnh. Đây là đứa con trai đầu lòng của Chiêu nên đứa bé nhận được rất nhiều sự quan tâm yêu thương của cả gia đình hai bên nội ngoại. Sau liều gây tê vùng, bác sỹ véo vào bụng Chiêu, cô kêu ầm lên. Đau quá. Bác sỹ gây tê lẩm bẩm, ngày nay là ngày gì không biết, đây là ca gây tê thứ ba không thành. Chiêu bị gây mê toàn thân.

         Cô mở mắt ra trong căn phòng sáng choang, nhìn quanh ngơ ngác. Cô khẽ gọi. Anh Quang ơi. Chồng cô từ ngoài bước vào nhìn cô ân cần. “Em đau lắm phải không!? Chiêu lắc đầu. Quang lại hỏi. Làm sao em khóc? Anh thấy em khóc à? Con đâu anh? Ừ, anh vào hai lần, em chưa tỉnh nhưng nước mắt cứ chảy quanh, anh biết là em khóc. Để anh đưa em về phòng hậu phẫu nhé. Con ngoan lắm. Bà nội đang bế.

        Phòng hậu phẫu có sáu sản phụ mổ sinh, Chiêu ít tuổi nhất và là người tỉnh dậy sau cùng. Ai cũng bảo họ tỉnh ngay sau khi sinh con vài chục phút, chỉ có Chiêu mê man suốt năm giờ đồng hồ. Chiêu nghiêng người nhìn về phía con trai đỏ hỏn, bé tí. Mẹ chồng cô đặt đứa trẻ vào cạnh cô và nựng cháu. “Nằm cho có hơi mẹ thôi, chứ mẹ chưa có sữa đâu nhá”. Chiêu không ngừng đưa mắt tìm kiếm khắp căn phòng. Nhưng Chiêu không hỏi. Chỉ tủi thân ứa nước mắt. Thuốc gây mê đưa Chiêu vào cơn mê lạ lùng. Chiêu chạy giữa một triền sông đầy hoa cải vàng để đuổi theo hai con bướm trắng. Đến khi cô ra sát bờ sông thì đất bất ngờ lở xuống, cô rơi xuống sông và chới với giữa dòng tuyệt vọng. Nước cuốn cô đi rất xa. Chiêu mắc vào một chiếc vó bè rất lớn và một ông già kéo cô lên. Ông hỏi cô người đâu, cô nói người làng Vân Diệu. Ông già bảo tôi sống gần hết đời người ở bến sông này mà không nghe tên làng Vân Diệu bao giờ. Và Chiêu bật khóc nức nở.

         Chiêu được chuyển về phòng riêng theo yêu cầu của gia đình. Lúc ấy đã mười giờ đêm, nhà cô thì không gần bệnh viện lắm. Nhưng khi cô chuẩn bị lên bàn mổ, chính bố gọi điện thoại bảo bố mẹ đang trên đường đến bệnh viện cơ mà? Sao giờ không thấy ai? Cả các anh chị nữa?

         Mười giờ ba mươi phút đêm. Có tiếng bước chân người đi vào phòng. Chiêu quay cổ nhìn ra. Là bố chồng cô. Ông mang theo một bình sữa nóng và nói cô uống cho lại sức và sữa chóng về.

         Khuya, lại có tiếng bước chân, Chiêu nhìn ra. Là ông trưởng khoa. Ông ân cần hỏi han và xem mắt thằng bé rất kỹ. “Vàng da sơ sinh thôi. Ba bảy tuần mà hai cân bảy là ngon lành rồi, khi nào có sữa phải cho cháu bú ngay nhé”.

         Gần sáng lại có tiếng bước chân, Chiêu nhìn ra cửa. Không có ai cả, có lẽ là cơn gió thốc từ đầu hồi dọc hành lang, va phải cánh cửa phòng nào đó không khép thôi. Đêm dài thế không biết. Không nhịn được nữa. Chiêu hỏi chồng. Sao bố mẹ em không tới, cả chị dâu và chị gái đâu? Mọi người đâu cả rồi? Hay em vẫn đang mơ?

         Chồng Chiêu mỉm cười. Mọi người ngồi ngoài kia, không ai được vào đâu? Vân cãi. Sao ông bà nội vào được? À, do ông bà đến sớm và đăng kí từ trước. Tiêu chuẩn chỉ có hai người thôi mà. Mẹ chồng cô nhắc con trai: “Vợ đã hay nhìn ra cửa, mày còn cứ lượn ra lượn vào”.

         Ngày thứ hai, cơn đau co tử cung và đau từ hai vết rạch khiến Chiêu tái mặt. Nhưng Chiêu không ngừng thắc mắc và chồng cô tìm cách dối quanh. Đến ngày thứ ba thì chồng cô buộc phải nói thật. Bố cô bị tai nạn trên đường đến bệnh viện do một chiếc ô tô mất lái đâm vào. Cả hai người và chiếc xe bị văng ra xa nhưng mẹ cô chỉ thương nhẹ.

         Chiêu cắn răng vào chiếc khăn tay chặt đến nhức nhối, đến mức tự cô không lấy cái khăn ra được. Máu tươi từ vết mổ rỉ ra, thướm qua băng gạc ngấm vào chiếc tã chéo màu hồng mẹ chồng cô buộc ngang bụng cô làm hèm. Chiêu khóc bằng hai bàn tay nắm chặt vào nép giường và nước mắt cô chảy ướt mái tóc dày xổ ra, màu đen chảy lai láng trên nền đất khiến mẹ chồng cố cứ lát lại gom tóc con dâu để lên giường. Tóc cô bết lại như một dải rêu bị người ta vớt lên khỏi nước và vắt lên tảng đá hong nắng. Nếu cô không sinh con ngày hôm nay, thì bố cô có bị tai nạn không? Nếu cô chịu khó uống thêm hai trái dừa nữa một ngày. Nếu cô bảo bố mẹ đừng đến, mẹ chồng con ở đây rồi. Nếu cô đừng lấy chồng xa. Nếu cô đừng sợ dòng sông chỉ lở mà không bồi. Nếu…Chiêu tự dằn vặt đến mụ mị. Mẹ chồng cô ngồi tựa vào tường bất lực nhìn con dâu vật vã trong cơn đau đớn mà đời bà sáu lần sinh nở không bao giờ phải chịu như thế. Chồng cô nói như van nài. “Em cố gắng bình tĩnh đi. Con đang cần sữa mà. Em nhìn này, sữa em trong như nước mắt ấy”. Chiêu cũng không hiểu tại sao nước mắt mình lại đi ra bằng con đường ấy. Chả phải mọi người không muốn cô khóc hay sao? Hay là mắt cô đã mờ mịt rồi?!

         Ngày Chiêu ra viện về nhà. Bố cô chìa tay đón cháu ở cửa, nhưng cô không đưa. Ông sẽ làm ngã cháu đấy. Không hiểu sao Chiêu lại nói thế. Bố cô có vẻ giận. Ông bỏ đi. Ông bỏ đi khỏi Chiêu và giấc mơ của cô đến tận bây giờ. Giá như bố biết, cháu trai của bố giờ đã năm tuổi, thông minh, nghịch ngợm nhưng rất biết vâng lời.

        Mẹ đến bế cháu ngoại đúng vào chiều ba mươi tết. Mẹ hỏi Chiêu, có nên hóa cái cặp số đen cùng toàn bộ đơn từ của bố con không? Nhìn thấy nó, mẹ mất ăn mất ngủ. Đơn gì hả mẹ? Ô hay, mẹ tưởng mẹ đã kể cho con nghe rồi. Bố con kiện kẻ đã làm lở đất làng mình ấy. Là ai hả mẹ? Con tưởng do trời thôi chứ. Không. Là do con người. Những cái tàu hút cát sỏi phía chân cầu ấy. Chính bọn họ làm dòng sông trở nên hung ác dữ tợn như thế. Bố con cứ xách cặp tài liệu đơn từ đi khắp nơi, gặp hết người này người khác, xin chữ ký khắp lượt người trong làng. Cái xe đâm vào bố mẹ gây tai nạn rồi bỏ chạy ấy, để lại trên áo bố con rất nhiều cát. Mẹ nhận ra những hạt cát làng mình. Chiêu vội vàng. Theo con, mẹ nên hóa cho bố, để bố tiếp tục thực hiện những tâm nguyện dang dở. Nói xong, Chiêu mới thấy mình vô lý. Mấy chục năm, bố đi khắp đây khắp đó, tìm cách, tìm nơi cứu làng, cứu dòng sông mà chưa đâu vào đâu. Tất cả chỉ là lời hứa hẹn. Bố đã gõ bao nhiêu cánh cửa, đến bao nhiêu cuộc họp. Thậm chí, bố còn nhảy lên xuồng cát, cãi nhau tay đôi với bọn phá hoại, nhưng rút cục, bố đã đạt được điều gì? Giờ về bên kia, nếu muốn bố an nghỉ, thì nhẽ ra không nên hóa đi chiếc cặp số. Nhưng để lại thì mẹ sẽ mãi bị ám ảnh.

         Chiêu xuống xe ở bến chính. Chồng cô đợi sẵn. Trên đường về, cô thủ thỉ. Tết này vợ chồng mình đưa con về ngoại ăn tết nhé. Ngồi sau xe, Chiêu đưa mắt nhìn khắp phố xá hối hả những dòng người. Bỗng chồng cô bảo. Nhìn cái ông kia kìa, giống bố thế. Giật mình nhìn theo tay chồng chỉ, Chiêu thấy người đàn ông vác một cành đào rất to chi chít hoa đang trôi trên phố như chuyến đò hoa làng Vân Diệu ngày xưa. Chiêu nói như người ngủ mê. Bố vứt cái cặp đi rồi hả bố? Hoa đào làng mình đẹp nhất bố nhỉ!

Exit mobile version