Truyện ngắn của Đặng Văn Sinh
Rút trong tập truyện ngắn KẺ CHIẾM DỤNG THỜI GIAN CỦA THƯỢNG ĐẾ
ĐÒ ĐÊM
Lời tác giả:
Đây là truyện ngắn viết về thân phận một nhà thơ “quốc doanh” thiếu máu kinh niên. Anh chàng thi nhân mắc chứng hoang tưởng này trong chuyến đò đêm tình cờ cứu được cô sư nữ vốn là một gái điếm “quý tộc” bị rơi xuống sông. Hành khách trên chuyến đò dọc này giống như một xã hội thu nhỏ với đủ thành phần phức tạp. Họ đi lễ đền Chúa Liễu bởi những tâm trạng hết sức khác nhau…
Đ.V.S.
Nhà văn Đặng Văn Sinh
Bến đò càng về chiều càng đông khách. Những chiếc thuyền buồm đủ loại chen chúc nhau trên đoạn sông chưa đầy trăm thước. Tháng chín, không còn những trận mưa ngàn trắng trời. Heo may về. Sóng lấp loá nắng xiên khoai. Lần theo từng bậc đá, anh xuống mép nước.
Ở đâu đó bên kia bờ vọng tiếng sáo diều. Những âm thanh xa tít tắp lơ lửng trên cao ấy ngân mãi một giọng trầm đơn điệu khiến tâm trạng anh trở nên nặng nề. Bị tiếng sáo ám ảnh, chỉ chút xíu nữa anh không kịp xuống đò dù rằng đấy là chuyến cuối cùng chở khách trẩy hội đền Chúa Liễu bắt đầu vào sáng sớm ngày mai. Con thuyền cắt chéo dòng nước, lắc lư trườn ra giữa sông. Người lái đò kéo cánh buồm trắng, nó sẽ chao đi rồi hướng mũi về phía bắc. Khi hoàng hôn đổ xuống cũng là lúc thuyền qua khỏi bến Tuần lầm lũi gối sóng ngược về bến Tràng.
Ngồi mũi thuyền, anh có cảm giác như đang đi về phia mặt trời lặn. Hoàng hôn gay gắt nhuộm đỏ cánh buồm. Mặt sông Hoàng Giang vốn đã rộng, dưới ánh chiều, bị ảo giác kéo giãn ra, tưởng như mênh mang vô tận. Anh thích thú ngắm nhìn vầng mặt trời đỏ quạch và quan sát những biến thái của nó cho đến khi nó nhợt nhạt, mất hết sinh khí và đột ngột chìm xuống sau triền đê sừng sững như bức trường thành. Trong đời, chưa bao giờ anh được thong thả ngắm hoàng hôn trên sông. Dòng nước thao thiết chảy. Tiếng sóng rào rào vỗ mạn thuyền. Mặt sông chấp chới những cánh chim nhạn nước. Những thứ vừa lạ vừa quen đó tạo thành một mảng không gian riêng biệt thật êm ả, thanh bình. Lần đầu đi đò trên sông lạ mà anh có cảm giác đã quen lắm, thân thuộc lắm, cứ như suốt cả tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn đã từng gắn bó với nó. Một ký ức tiền kiếp chăng? Hay chỉ là sự liên tưởng thái quá trong tiềm thức đầy những ám ảnh? Điều đó không quan trọng. Với anh, lúc này con sông đang là một dải mờ ảo, mênh mang, và chỉ chốc nữa thôi, khi màn đêm buông xuống sẽ trở thành một thực thể huyền bí. Biết đâu, trong cái chuỗi liên hệ ngược đầy mâu thuẫn ấy sẽ nảy sinh một ý tưởng.
Anh vốn là nhà thơ. Anh yêu thiên nhiên nhưng phải là thiên nhiên đầy khám phá của thi ca. Những mảng không gian tù túng, nhốn nháo quen thuộc với anh là vô cảm. Anh trẩy hội không phải vì mê những huyền thoại về Chúa Liễu. Anh đi săn đuổi cảm giác trong tình trạng gần như bế tắc sau những ngày sống ngột ngạt trong khu chung cư chật hẹp, đầy nhứng toan tính nhỏ nhen cho cuộc mưu sinh của một cộng đồng người đã mất hết niềm tin, ích kỷ, thậm chí vô đạo đức bởi không khí xã hội bị ô nhiễm đến mức báo động đỏ. Danh hiệu nhà thơ và cái thiên chức có vẻ như phù phiếm ấy luôn trĩu nặng trên đôi vai gầy vốn đã không ít mặc cảm. Anh lặng lẽ ngắm đám chúng sinh đủ loại trên thuyền và liên tưởng đến thân phận giang hồ của mình. Một nhà thơ lênh đênh trên sóng nước đi tìm thi hứng chỉ vì nỗi khát khao những bến bờ mới lạ. Trong khoảnh khắc, anh thấy mình hiện diện nhưng rồi lại như đang dần dần hoá thân vào cõi hư vô. Phải chăng cả con thuyền, cả dòng sông và đám lữ hành có vẻ như là rất mộ đạo kia cũng chỉ là ảo ảnh?
Một cánh cò trắng lướt ngang trời rồi mất hút vào dãy núi Thằn Lằn có những chóp đá vôi lởm chởm như răng cưa. Biết đâu cánh cò cô lẻ kia cũng chỉ do anh tưởng tượng ra. Trong cõi nhân gian, những lớp thi sĩ “quốc doanh” thiếu máu như anh, tuy đã được ngành Tư tưởng của Đảng dạy bảo khá nhiều về quan điểm sáng tác cùng với những chức năng như cây cảnh, con cảnh, vậy mà vẫn không thiếu những kẻ hoang tưởng, định chơi trò phỉ báng tín điều, đánh tráo khái niệm, hy vọng được ghi danh vào hàng các vị thánh tử vì đạo.
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết “đầu ra” sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo: “Chúng tôi sẽ vận động các em mua”. Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi: “Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ”. Anh nhăn nhó hỏi: “Thế các em thích cái gì?”. Ông hiệu trưởng vốn là giáo viên văn, thở dài: “Chúng thích đủ thứ, trừ thơ”. Anh ngao ngán bỏ tập sách vào túi đứng dậy. Mấy hôm trước, anh mang thơ đến một sư đoàn bộ binh vốn là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang mới được tuyên dương, đang thành lập thư viện. Nghe anh trình bày, vị chỉ huy phó chính trị, người còn sặc hơi men phán một câu xanh rờn: “Lính của chúng tôi chỉ ưa đọc truyện vụ án hoặc loại tươi mát thuê ở các quầy tư nhân. Hiện trong thư viện có hàng trăm tác phẩm của các nhà thơ trung ương, quân khu mới gửi xuống nhưng không ai đọc, sắp tới có khi phải bán cân cho mấy bà đồng nát”. Anh nhìn viên đại tá có cái cằm chảy xệ xuống, nung núc những mỡ, cười nhạt:
– Ngoài sách vụ án và các khoản tươi mát ra, tôi chắc, lính của ông còn thích một thứ nữa mà có lẽ phải xếp lên hàng đầu…
– Anh… nói thứ gì? – Vị chỉ huy ngẩn người ra hỏi.
Anh nheo mắt điềm tĩnh bảo:
– Cuốc lủi (*)
Bảy triệu. Mối tháng đẻ ra số lãi ba trăm năm mươi ngàn. Đúng là một thứ nợ văn chương. Có thể nói, chuyến đi này của anh là cuộc hành hương về một miền đất lạ. Anh mang trong mình tâm trạng u uất về món nợ không tiền khoáng hậu và nỗi mặc cảm đứa con tinh thần của mình bị người đời ghẻ lạnh. In xong tập thơ, anh tưởng mình là vĩ nhân. Mang tập thơ đi bán rao, anh thấy mình là kẻ khất thực. Thói thường thi nhân hay xót thương cho nỗi đau nhân thế, nhưng lại thường quên đi số phận bản thân mình. Số kiếp nhà thơ trên dải đất hình chữ s này thật đa đoan. Anh suy ngẫm, trăn trở trong niềm cay đắng. Có thật thiên chức của người nghệ sĩ là vinh danh cái đẹp, loại trừ cái xấu, cái ác và nuôi dưỡng khát vọng cao cả trong cùng một con người vốn đầy ắp mâu thuẫn? Có lẽ anh chưa chạm được đến vùng nhạy cảm nhất trong tầng vô thức của con người. Cuộc đời vốn đã không hề đơn giản, và cái phần sâu thẳm tiềm ẩn trong vùng khuất ấy của mỗi con người còn phức tạp hơn nhiều. Đó là một thế giới đóng kín, đầy bí hiểm, ví dụ như trong khoang đò chật hẹp này…
Chủ thuyền, mới nhìn cũng biết là kẻ bần tiện. Từ lúc xuống đò đến giờ anh chưa thấy lão cười mà chỉ gườm gườm cặp mắt cá chày lặn dưới hàng mi màu thiếc bệch bạc như lông chó ghẻ trông rất gian giảo. Một tay lão giữ lái, một tay kéo dây lèo vô cùng thiện nghệ. Thỉnh thoảng lão cho thyền chạy vát, nghiêng buồm đón gió cứ tưởng như lão đang lao thẳng vào bờ. Nhìn lão, khó có thể đoán tuổi. Người lão đậm, lưng to bè như cánh phản. Lão mặc loại quần short “cải tiến”, rộng thùng thình, chẳng biết may bằng thứ vải gì mà dày cộp tựa da trâu. Từ hai ống thò ra đôi cẳng chân vòng kiềng đen xỉn, bẩn thỉu, được gá trên cặp đầu gối củ lạc chẳng khác gì chú Lùn đi cà kheo trong rạp xiếc. Vào lúc nhập nhoạng, lão nhờ người đàn ông rậm râu cầm lái hộ để thắp đèn chai. Lão treo đèn lên mui thuyền rồi bảo mọi người bằng thứ giọng the thé của loại quan hoạn thiến sót thời phong kiến:
– Đoạn sông này có Hà bá, bà con chú ý. Năm ngoái, vào cữ trung thu, ngài đã nổi lên bắt một cô cắt cỏ xuống thủy cung làm vợ.
Người đàn ông rậm râu bật cười:
– Tưởng chỉ thời xưa Hà bá mới lấy vợ?
Lão già lườm gã rậm râu, “hứ” một tiếng rồi lên giọng giảng giải:
– Thời nào cũng vậy, có âm mới có dương, âm thịnh thì dương suy. Đó là lẽ biến dịch của trời đất. Anh đừng tưởng hễ được phong thần là lập tức các vị trở thành đạo cao đức trọng và không phải ai cũng khuôn vàng thước ngọc như các loại sách giáo khoa luân lý viết đâu. Đại loại những chuyện vợ cả vợ lẽ, chuyện thất tình rồi cả tự tử nữa đều là do các bậc linh thiêng ấy đầu têu ra.
Cách nói năng của lão lái đò thật phóng túng chẳng theo một nguyên tắc nào. Nhìn bề ngoài thì có vẻ là vô học nhưng lão triết lý ra trò, mà toàn là thứ triết lý ngược đời, nằm ngoài thứ học thuyết chính thống anh đã được nhồi nhét vào đầu trong trường đại học như một thứ tôn giáo. Anh muốn men theo về phía lái để được nhìn lão thật rõ, nhưng ý định không thành, bởi đúng vào lúc ấy, anh bắt gặp đôi mắt của ngưòi thiếu phụ ngồi bên trái mạn thuyền. Đó là một ni cô. Ngay từ cái nhìn đầu tiên anh đã bàng hoàng trước dung nhan của nàng. Phải, thơ sẽ không là gì cả nếu trên đời này thiếu đi cặp mắt buồn đến nao lòng như thế. Nhà sư có vẻ chưa qua ba mươi nhưng trông già hơn tuổi bởi bộ y phục nâu sồng. Chiếc mũ màu cánh gián có dải trùm kín tai chứng tỏ nàng đã xuống tóc. Đây chính là Cái Đẹp, vì chỉ có Cái Đẹp mới làm ta rung động. Anh thầm nghĩ và xoay người đổi tư thế, lúc này gần như đối diện với nàng.
– Sư thầy cũng đi hội đền?
– A di đà phật! – Ni cô cúi đầu.
– Có phải sư thầy trụ trì ở Linh Quang Tự?
– A di đà phật!
– Ngày xưa đức Thích Ca đã hơn một lần chèo thuyền trên sông Hằng và người dạy đệ tử: Nước làm cho phần hồn trong sạch. – Anh kiên nhẫn thử vận may bằng một Phật tích. – Có phải vì thế mà “nhà chùa” đi thuyền?
– A di đà phật!
Anh thất vọng. Và đôi mắt đẹp mê hồn kia, sau ba lần “A di đà phật” trở thành nhạt nhẽo, trống rỗng. Đã thế, nhà sư lại ngồi dịch ra sát mạn thuyền làm ra vẻ đang chăm chú ngắm một ngôi sao xanh đang tắt dần ở đường chân trời. Phía đằng này, gã rậm râu đang tán cô gái nhà quê có chiếc làn mây đựng vàng hương. Lão lái đò thỉnh thoảng nhìn họ nhếch mép cười. Cô gái có vẻ xí xớn, mồm huyên thuyên toàn những chuyện đầu đường xó chợ. Hồi chiều anh đã nhìn rõ dung mạo cô ta. Mắt lá răm. Mày rậm, sống mũi thẳng, trông khá dễ coi nếu không nói là đẹp tuy cái miệng hơi rộng với cặp môi ướt át trề ra trông rất đĩ thõa. Loại gái như thế, những thằng bợm, chỉ dăm ba câu đưa đẩy là đã có thể kéo được lên giường. Người đàn ông không hề giấu giếm quá khứ của mình kể cả việc gã mới đi tù về và hiện đang làm nghề thiến lợn. Gã bảo, gần năm mươi năm, hội đền Chúa Liễu mới được mở lại, thử đi một chuyến xem bà ấy thiêng đến mức nào. Cô gái xí xớn nhìn gã nguýt dài. Hình như mới được nửa chặng đường cá đã cắn câu. Phải nói gã đẹp mã, đẹp theo kiểu những thằng đĩ đực xoè lông công, uốn éo vũ điệu rẻ tiền chinh phục lũ công cái ngu xuẩn thì ít mà nhẹ dạ cả tin thì nhiều. Dưới cằm trái gã có vết sẹo bằng hai đốt ngón tay, hằn khá sâu, phơn phớt đỏ trông như con đỉa đang co lại. Có điều, vết sẹo không làm gã xấu đi mà trái lại, nó càng tạo ra vẻ phong trần.
Gã nói nửa nạc nửa mỡ:
– Nghề thiến lợn hái ra tiền, đủ tiêu sài nhưng tổn âm đức vì tiêu diệt nòi giống Trư Bát Giới.
Cô gái nhà quê nhắm tịt cặp mắt đa tình cười rung người. ” Đời thường mà lại. – Anh tự nhủ – Và những thi nhân bất phùng thời như ta cần phải biết cái triết lý đơn giản ấy. Không nên tự huyễn hoặc mình bằng những thứ cao đàm khoát luận. Bởi vì, nếu anh lệ thuộc vào nó sẽ đến lúc đánh mất bản ngã, trở thành kẻ hoang tưởng, chân không đến đất, cật không đến giời…”. Đằng kia, câu chuyện vẫn tiếp tục. Gã rậm râu bảo đã từng là viên chức nhà nước, mà là cán bộ có cỡ hẳn hoi. Gã khoe, gã tự nguyện khai báo để đưa bằng được tay phó chủ tịch tỉnh vốn là một tên ăn cắp và lừa đảo có hạng vào nhà đá. Nhưng ván bài bị lật ngược. Sếp của gã có lắm ô dù đã “bắn” đi một nửa cơ nghiệp nên chẳng những thoát khỏi vòng lao lý mà còn được chuyển lên cơ quan trung ương giữ chức phó trưởng ban. Dĩ nhiên, gã trở thành tội phạm, vào trại ngồi bóc lịch vài năm thay chỗ của sếp. Trước mắt cô gái, gã trở thành thần tượng. Thoáng thấy cặp mắt đắm đuối của “người đẹp”, gã thở dài kể, khi gã vào trại được mấy tháng, cô vợ ở nhà lòng thòng với tay thư ký công đoàn có tài kéo đàn accordéon rồi hai người dắt nhau đi biệt xứ. Gã nâng cánh tay như tay vượn đeo cái đồng hồ Thuỷ quân lục chiến to bự, vuốt mái tóc bò liếm, rồi làm như vô tình quờ vào eo lưng cô gái xí xớn. Cô này chẳng những không phản ứng mà còn lim dim cặp mắt đa tình tận hưởng khoái lạc của sự đụng chạm khác giới.
Ngồi ở khoang giữa là một bà trạc ngoại tứ tuần đang độ hồi xuân. Bà này, ngay từ lúc xuống đò đã luôn tay lần chuỗi tràng hạt bằng nhựa đen bóng như mun, miệng lẩm bẩm: “Con nam mô A di đà phật”. Bà ta bảo với gã thiến lợn là tiện chuyến đò, hai người đến xin khước Chúa bà để làm ăn cho “thông đồng bén giọt”. Theo như cách xưng hô thì cô gái kia gọi bà ta bằng “dì”. Chẳng rõ quan hệ họ hàng thế nào, chỉ biết mỗi khi gã rậm râu dò hỏi cô gái chuyện buôn bán thì mắt người đàn bà nạ dòng lại long lên sòng sọc.
Tạng người như bà ta không phải là dân buôn bán thông thường, – Anh nhận xét bằng trực giác, – mà có cái gì bí hiểm ẩn giấu trong đôi mắt nhỏ, sắc như dao cau kia. Bà ta cung cấp các thông tin thương mại vùng biên giới một cách hào phóng mà đáng lẽ ra, dân phe hàng lậu muốn có được phải tự nguyện mở hầu bao. Cách ứng xử của người đàn bà nửa quê nửa tỉnh này vừa khôn ngoan lọc lõi vừa ngu dốt kệch cỡm làm người ngoài cuộc vừa thích thú vừa khinh bỉ. Anh có cảm giác đó là môt mẹ mìn thứ thiệt chuyên dắt phụ nữ và trẻ em qua các cửa khẩu biên giới chứ không đơn giản chỉ là buôn hàng lậu trốn thuế. Chưa bao giờ anh gặp một người đàn bà có sức sống phồn thực đến thế. Cô gái nhà quê xem ra đã đến hồi say gã rậm râu. Mỗi khi gã “vô tình” đặt tay lên đùi, cô lại ý tứ liếc trộm “bà dì”. Bà này xem ra kèm “cô cháu” còn chặt hơn cả các mệnh phụ cả ghen vốn là nòi giống Hoạn Thư, quản lý đức lang quân có máu phong tình.
Đêm đã khuya. Lão lái đò thắp thêm ngọn đèn chai nữa treo lên mui thuyền. Nước sông đang lên vỗ ràn rạt hai bên mạn. Những thuyền trước đã qua bến Đoan, không còn nghe tiếng rì rầm cầu kinh của các vãi già. Nước chảy mạnh mặc dù khúc sông này rộng và lặng gió. Anh không nhìn thấy nhưng anh cảm thấy điều đó qua những âm thanh chới với tựa như tiếng gọi mơ hồ của một lữ khách muốn sang ngang. Khúc sông vắng, âm thầm chảy trong đêm có cái gì như là sự bí hiểm. Chỉ những kẻ giang hồ, từng lên thác xuống ghềnh trên những con đò dọc cô đơn trong đêm thanh vắng mới hiểu được nỗi lo sợ, phấp phỏng trước cái bí hiểm không thể cắt nghĩa đó. Hai bờ sông, đom đóm lập loè thứ ánh sáng lạnh lẽo ma quái dường như đuối sức chỉ đủ rạch bóng đêm dày đặc những vệt mơ hồ. Lão lái đò ngáp dài, tay lái uể oải nhưng mắt đảo loang loáng khắp thuyền làm anh nghĩ đó là mắt của loài mèo hoang có thể xuyên thấu bóng đêm. Lão vấn điếu thuốc to bằng ngón tay cái rồi quẹt diêm châm lửa hút. Mùi thuốc khét lẹt phả ra làm “bà dì” váng đầu bảo lão là “đồ phun ống khói chết tiệt đầu độc khách”. Lão già cười nhạt, hít vài hơi rồi ném “ống khói” xuống sông.
Gió bắt đầu đổi chiều. Đêm có phần lạnh hơn. “Bà dì” bị cảm, đầu nhức, nhìn thấy nước là rùng mình. Lão lái đò trao tay lái cho gã rậm râu, kéo bà ta vào khoang, lấy dầu gió “Phật linh” xoa khắp người. “Bà dì” lim dim mắt. Khi lão “vô tình” miết tay vào vồng ngực đồ sộ như hai trái núi nhỏ đang phập phồng thì bà ta oằn người thở phì phì như rắn hổ mang đến kỳ động cỡn. Đằng này, gã rậm râu cười tinh quái. Không bỏ lỡ thời cơ, tay trái cầm lái, tay phải gã rò rẫm trên đùi cô gái. Cô ta lấy khăn trùm lên tay bạn tình rồi ỡm ờ: “Liều vừa chứ, bà dì…”. Gã thiến lợn giọng tỉnh bơ: “Sợ quái gì. Bà ấy đang được ông lái “đánh cảm”. Nói rồi gã chuyển sang giữ tay lái bằng chân. Con đò từ từ xoay ngang nhưng không ai biết, vì trong đêm, giữa dòng sông rộng chẳng có gì định hướng. Gã rậm râu không cần biết điều đó. Lúc này gã đang bận với hai bàn tay tự do, dù thuyền có đến thăm vương quốc Thủy Tề cũng mặc. Cô gái thì thầm: “Bà ấy không phải là dì mà là người trung gian đưa em sang bên kia. Có một ông Tầu goá vợ nhờ mai mối…”. Gã khẽ gắt: “Sao dại thế, phí cả một đời con gái. Chúng nó lừa lên biên giới rồi bắt đi làm điếm đấy”. Cô gái cúi đầu thở dài: “Trên đời này còn khối thứ quý giá mà người ta còn đem bán rẻ để đổi lấy những thứ hão huyền huống hồ là cái vốn tự có của đàn bà chúng em”. Gã rậm râu ướm hỏi: “Chắc cuộc đời gặp nhiều uẩn khúc lắm hả? Thôi, sáng mai về với anh. Quên mụ ấy đi”. Cùng lúc ấy, mọi người nghe thấy “sạt” một tiếng. Cần lái bật khỏi chân gã rậm râu. Cánh buồm đang nặng gió xoay ngang làm con thuyền giật nảy lên hất ni cô xuống sông. Anh phản ứng khá nhanh, đưa tay nắm được dải thắt lưng, nhưng thắt lưng sư nữ chỉ quấn quanh eo có tính tượng trưng nên bị tuột ra dễ dàng. Anh nhảy xuống sông. Lão lái đò trong khoang chui ra chửi gã rậm râu không tiếc lời. Một ngọn đèn chai rơi mất. Ngọn kia ám khói run rẩy sắp tắt. Vừa chửi lão lái đò vừa cởi áo. Cuối cùng lão cũng nhảy xuống nước. Hai người lặn ngụp chừng dăm bảy phút thì anh vớt được ni cô. “Bà dì” đã hết váng đầu cùng cô nhà quê làm các động tác hô hấp. Ni cô chỉ bị uống ít nước nên chóng hồi sinh. Hai người đàn bà thay quần áo cho nàng và xoa dầu vào thái dương.
Anh lại ra mũi thuyền ngồi vào chỗ cũ. Anh không buồn ngủ dù phải vật lộn dưới nước khá mệt. Anh xếp bằng trong tư thế nhập thiền. Những mặc cảm trần thế chợt tan biến. Từ trong mỗi đường gân thớ thịt dường như có sự siêu thoát…
Ni cô đã ra ngồi cạnh anh nhưng lần này ở phía trong. Nàng ngước mắt nhìn anh: “Cảm ơn, không có anh thì tôi chết đuối”. Anh chắp tay: “A di đà phật! Chết thế nào được, “nhà chùa” còn phải trụ thế để tụng kinh siêu thăng cho những chúng sinh lạc vào bến mê chứ”. Ni cô im lặng khá lâu, có vẻ như đang cố hình dung xem cõi Cực Lạc ra sao nếu vừa rồi chẳng may nàng không qua khỏi kiếp nạn. Vào lúc anh vừa lờ mờ nhớ đến một đoạn sấm ngôn của Nhiên Đăng phật nói về sự hoà đồng giữa vạn vật trong tam giới thì sư nữ khẽ thì thầm:
– Phật dạy, cuộc trầm luân trăm năm của chúng sinh đã chuộc đủ lỗi lầm khắp ba ngàn thế giới. – Rồi nàng nói tiếp bằng thứ giọng thánh thót như hát – Một nghĩa cử vừa rồi đáng giá hơn ba vạn sáu ngàn lần đọc kinh Vô Thường. Nếu tôi không lầm thì có lẽ anh là nhà thơ?
– Sao ni cô biết ?
– Vì các nhà thơ thường không vụ lợi. Tôi đã thấy điều đó khi anh nhảy xuống sông mà không cần tính toán thiệt hơn…
Anh không dám chắc mình là kẻ không vụ lợi vì rất phiền lòng với mấy trăm cuốn thơ chưa bán hết, nhưng phải công nhận nhà sư có năng lực phán đoán và một linh cảm giống như giác quan thứ sáu.
– Tuy nhiên, hình như nhà thơ đang ở vào tình trạng khủng hoảng đức tin và bão hoà cảm xúc. – Ni cô thản nhiên nhận xét – Anh đang cần một chuyến xê dịch để giải toả những ám ảnh vốn chẳng mấy dễ chịu đối với một thi nhân.
– Ni cô thật thông tuệ. Lẽ ra nàng phải là nhà tiên tri…
– Không đâu. Tôi là một kẻ đã từng bị cuốn vào vòng nghiệp chướng, đã nếm đủ cay đắng ngọt bùi với những đam mê trần thế, chỉ còn nửa bước chân là sa xuống chín tâng địa ngục…
– Thì cũng coi như một kiếp nạn. – Anh lựa lời an ủi thiếu phụ – Xưa nay, những bậc tu hành, trước khi ngộ đạo thường lắm nỗi đoạn trường.
– Anh có nghe thấy tiếng “mèo chuột” trong khoang không? – Nhà sư đột ngột hỏi.
– Ý nhà chùa là…
– Và cả chuyện lão lái đò “bờm xơm” mụ “Tú Bà” ?
– Thì ra ni cô không chỉ là nhà tu hành…
– Bởi vì, anh có tin không ? – Nàng ngừng tay lần tràng hạt, giọng mỉa mai – Trước đây tôi cũng đã từng là một con điếm… có điều là… một con điếm quý tộc. Tuổi trẻ của tôi vô cùng bốc lửa. Tôi tốt nghiệp đại học nhưng không đi làm mà chỉ say mê đến các vũ trường và coi cuộc đời chỉ là chuỗi dài những cuộc dong chơi. Trong một chuyến đi công cán nước ngoài, bố mẹ tôi bị tai nạn máy bay. Tôi trở thành cô đơn trong ngôi biệt thự rộng thênh thang và luôn bị ám ảnh bởi cái chết của những người đã sinh ra mình. Trong hoàn cảnh ấy, có khá nhiều kẻ muốn làm “bóng tùng quân” che chở. Tôi bị bao vây bởi những lời phỉnh nịnh đường mật của đủ loại đàn ông. Trong số họ có một nhà thơ. Anh ấy nói hay nhưng ít nói. Cách biểu hiện tình yêu khác hẳn. Thực ra, những người đến với tôi không phải tất cả đều là đồ bần tiện, đểu cáng, ích kỷ. Có những đối tượng tốt, học vị cao lại giầu sang nhưng trái tim tôi không rung động. Lâu lâu anh không đến tôi lại phấp phỏng. Đêm nằm cứ tưởng tượng ra những điều bất hạnh rồi úp mặt vào gối khóc. Thỉnh thoảng anh tặng tôi một bài thơ. Có bài mới ở dạng bản thảo, có bài đã in báo. Thơ của anh lạ lắm, đọc vô cùng cuốn hút. Nó như một thứ ám ảnh bắt ta phải suy nghĩ, trăn trở chứ không trơn tuột, sáo rỗng như phần lớn những bài thơ in trên các tờ văn nghệ “quốc doanh” mà người ta thường gọi miệt thị là báo “lá cải”. Phải thú thực, trước khi yêu anh, tôi đã yêu thơ anh. Theo đuổi tôi quyết liệt nhất là một người đàn ông luống tuổi. Ông ta đi Tây như đi chợ. Bà vợ không hiểu làm sao bị đột tử sau đợt nghỉ mát ở Đà Lạt về. Cái chết mờ ám ấy hình như được khoanh lại vì ông ta đang giữ một chức vụ khá cao trong bộ máy của Đảng. Một lần ông ấy tặng tôi chiếc nhẫn bạch kim và bảo: “Nếu cô đồng ý, tôi sẽ làm cho ngôi nhà này không phải trả lại sở nhà đất mà là thuộc sở hữu hợp pháp của cô. Hơn nữa, khi đã ở với tôi, không đứa nào dám quấy rầy”. Tôi cười nhạt hỏi: “Còn tình yêu, liệu ông có cái đó không?”. Ông ta nhếch mép cười mũi bảo tôi là trẻ con, thiếu thực tế: “Tình yêu là khái niệm rỗng tuếch và là thứ xa xỉ nhất trên đời. Quyền lực và tiền bạc mới giúp người ta trở thành kẻ mạnh”. Tôi giận dữ chỉ tay ra cửa: “Mời ông ra khỏi nhà tôi!”.
Cuối tuần ấy, nhà thơ của tôi mất tích. Hai ngày sau, người ta tìm thấy thi thể anh ở một góc hồ Tây, ngực trái có những vết dao đâm… Nguyên nhân của cái chết bi thảm đến giờ đã rõ nhưng lúc ấy có vẻ như người ta không muốn tìm chính danh thủ phạm bởi những mối quan hệ nhạy cảm phụ thuộc và chi phối lẫn nhau trước kỳ Đại hội… Tôi có linh cảm, lúc đó nếu mình yêu một người đàn ông nào nữa, chắc người ấy cũng sẽ kết thúc tương tự như thế. Tôi rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, đã có lúc thoáng nghĩ đến những liều thuốc ngủ. Nhưng rồi, anh biết không? Chính giữa cơn vật vã tinh thần ấy, trong đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ kỳ quái, chấp nhận gá nghĩa với con người đã bị tôi tống ra khỏi cửa hôm nào. Thời gian rồi cũng làm dịu đi nỗi đau buồn. Sau một lần ân ái, tôi làm bộ sợ hãi bảo: “Đêm qua nhà thơ Việt Tuấn về báo mộng cho em…”. Lão già giật mình: “Cái gì? Cô chỉ nói lăng nhăng”. Tôi nhoẻn miệng cười, áp vào má ông ta một nụ hôn: “Mà việc gì mình phải giết anh ấy. Làm như thế là thiếu khôn ngoan. Nếu không là vợ mình, em có thể ra quận công an tố cáo”. Ông ta chạm nọc, vùng dậy, nhanh như con mèo đói vừa nhìn thấy chuột, giọng gầm gừ: “Không có bằng chứng, tôi thách cô đấy. Thằng nghệ sĩ vườn ấy là thứ gì mà dám qua mặt tôi”.
Thế là rõ. Để trả thù ông ta, sau ngày cưới, tôi lần lượt bắt nhân tình với bất cứ ai tôi thích. Có những chuyến ông ta sang Đông Âu mấy tháng, tôi ở nhà tha hồ tự do mặc thiên hạ rỗi mồm đàm tiếu. Là nhà thơ chắc anh hiểu tính vụ lợi của những mối quan hệ xác thịt không xuất phát từ tình yêu. Ngay cả điều ấy đối với tôi cũng vô nghĩa. Từ hôm bước lên xe hoa đời tôi coi như đã bỏ đi. Được khoảng hai năm gì đó, tôi đã có trong tay bộ sưu tập đủ các kiểu bồ bịch, từ chàng sinh viên nghèo miệng còn hơi sữa đến các lão già đầu đã hai thứ tóc nhưng lắm tiền thích chơi trống bỏi. Dần dần ông ta cũng biết nhưng không dám làm to chuyện mà chỉ ngấm ngầm đánh tôi, vì sợ mất thể diện. Cho đến một lần ông ta đi công tác miềm Nam. Những ngày ấy, gã lái xe đêm nào cũng mò vào phòng tôi. Tôi chẳng ưa gì gã, nhưng như trên đã nói, để trả thù đời, cần gì phải lựa chọn lũ bồi tình. Ai ngờ đêm thứ ba ông ta đã bay ra, không gọi lái xe mà về bằng taxi, mở cửa bằng chìa khoá riêng. Chúng tôi ngủ mệt, bị bắt quả tang.
Phần tiếp theo anh không thể hình dung được đâu, dù là bằng trí tưởng tượng của một nhà thơ. Vị “công bộc” cấp cao của dân chửi rủa chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ sặc mùi hàng tôm hàng cá rồi đặt tay lên điện thoại định gọi cho ai đó thì gã lái xe thản nhiên bảo:
– Ông nên ỉm chuyện này đi, nếu không, trước lúc vào tù, tôi sẽ đến cơ quan công an tố cáo ông sai tôi và thằng Phi sát hại nhà thơ Việt Tuấn. Băng ghi âm cuộc nói chuyện đã được cất giữ ở một nơi an toàn…
Nghe thấy thế, mặt ông ta bỗng nhiên xám ngoét, lảo đảo bước vào phòng riêng, ở lỳ trong đó cho đến trưa hôm sau. Buổi chiều, cơ quan có cuộc họp quan trọng. Ông ta đang phổ biến nửa chừng về một nghị quyết nào đó thì đột nhiên gục xuống. Người ta vội vàng đưa đến bệnh viên Hữu Nghị cấp cứu nhưng không kịp vì chứng nhồi máu cơ tim.
Tang lễ cử hành xong tôi cũng bỏ luôn cái biệt thự đầy những hồn ma ấy ra đi. Sau những ngày lang thang, tôi tìm đến một ngôi chùa ở miền sơn cước cách rất xa thành phố tự nguyện xuất gia đầu Phật. Từ đấy mới thấy lòng mình thanh thản. Cái quá khứ bi thảm dường như đã được chôn chặt. Tôi tưởng rằng, bằng vào sự thành tâm mình sẽ ngộ đạo, ai ngờ, trong đêm hành hương trên con đò dọc này lại gặp một nhà thơ…
– Hình như ngày xưa nhà thơ và kỹ nữ đã có duyên nợ với nhau… – Anh an ủi nàng.
Nàng im lặng, tay nhè nhẹ lần chuỗi tràng hạt. Anh lấy ra một tập thơ tặng ni cô. Nàng chắp tay, lắc đầu:
– Làm thơ cũng là một nghiệp chướng. Tôi đã lánh cõi trần nương bóng từ bi, trong trái tim không còn chỗ cho các nhà thơ ngoài một nhà thơ đã bị kẻ ác hãm hại. A di đà phật!
* * *
Sáng tinh mơ, Con đò qua một đêm ngược nước đã cập bến Tràng. Lão lái đò mặt hốc hác vì thiếu ngủ khật khưỡng nhảy lên bờ neo thuyền. Gã rậm râu và cô gái nhà quê dắt nhau biến vào dòng người đi hội rất nhanh. “Bà dì” ngủ quá giấc, khi thức dậy thấy “cô cháu” đã bỏ đi liền réo chửi “Thằng ngô con đĩ” bằng những lời thô tục nhất mà chỉ có những loại buôn phấn bán son như mụ mới có thể nghĩ ra được. Lão lái đò ngáp một cái đến sái quai hàm rồi ranh mãnh nhìn mụ nháy mắt:
– Thế là mất toi một “món hàng”.
“Bà dì” mất vốn, xót ruột vặc lại lão lái đò:
– Chỉ tại cái đồ khỉ chết tiệt!
Lão cười hề hề:
– Thì làm chuyến khác. Cứ vào lễ đền thật hậu là thế nào Chúa Bà cũng phù hộ một vốn bốn lời…
Nhà sư khoác khăn gói đứng dậy. Anh cũng xách túi bước lên bến. Hai người men theo bờ sông. Cát mịn dưới chân lấp loá ánh bình minh còn nhoè nước.
Anh nhìn ni cô giọng nhỏ nhẹ:
– Ta lên đền Bà chúa chứ?
Nàng lắc đầu bảo:
– Mình anh lên thôi, tôi đi hành hương…
– Kìa, sao lại thế, tên em là gì?
Ni cô cười buồn:
– Điều đó có nghĩa gì đâu anh. Vĩnh biệt nhà thơ.
Nàng bước nhè nhẹ trên cát. Anh đứng nhìn theo cho đến khi bóng nàng khuất vào hẻm núi trước mặt mới quay lại bến đò. Lão lái đò lấy làm lạ, nheo cặp mắt vẫn còn ngái ngủ hỏi:
– Anh đi lễ đền Chùa Liễu kia mà?
– Không, tôi thay đổi ý định rồi – Anh lắc đầu bảo – Chốc nữa đủ khách ông lại cho tôi xuôi đò…
Bến Tràng, năm Canh Thìn, tháng trọng thu.
Đ.V.S
(*) Rượu nấu thủ công (rượu ngang)