(Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

Nhà bà tôi làm nghề thuốc nam. Nghề gia truyền từ bà cố tôi, rồi đến bà tôi, đến cha tôi , đến tôi nữa là bốn đời.

Thuốc thì chỉ có hai thứ . Đó là thuốc cam và thuốc ngứa.

Mỗi ngày đúng phiên chợ chính thì bà tôi đầu đội cái mẹt, nách mang cái bị đi chợ. Khi thì chợ Lược, lúc thì chợ Vực, xa nữa thì chợ Mới, xa nữa thì chợ Neo. Nếu tính nhà tôi ở giữa, bốn cái chợ nằm ở bốn phía đông tây nam bắc. Một tháng bà đi chợ bốn lần. Còn những ngày thường khách đến nhà lấy thuốc. Bà tôi đi chợ cho có lệ thôi. Cả huyện nhà và mấy huyện kế bên đều biết thuốc cam bà Quýt.

Tôi hay hỏi sao bà chỉ làm có hai thứ thuốc. Bà tôi ậm ừ không trả lời. Hai thứ thuốc chỉ có một dạng là thuốc tán. Thuốc tán thì dễ dùng. Ai bị ghẻ lở hắc lào thì mua về trộn với dầu hỏa, bôi vào đó, ghiến răng chịu xót. Tôi có thấy anh Tào trong xóm, ảnh hay bơi dưới mấy cái áo nước đen nghịt do nước từ chuồng lợn cả xóm chảy vào để đặt ống lươn, có lần bị hắc lào ở bẹn . Anh mua thuốc của bà tôi, rồi tụt quần ngồi ở phía hè, ảnh nghiến răng bôi vào, rồi ảnh nhảy cẫng lên, tôi thấy nó giống con chó bị người ta lấy cái bừa xọc vào cổ, bôi dầu hỏa vào rồi thiến đi hai hòn dái, mắt nó long lên sòng sọc, la lên ăng ẳng. Rồi người thợ hoạn lấy cái nồi đen bôi vào sát trùng, xong xuôi thả nó ra, nó len lén ra ngoài xó vườn dưỡng thương. Anh cu Tào nhảy lên, rồi vào xó bếp ngồi yên một lúc. Tuần sau nữa thì khỏi, anh mang qua một xâu lươn cám ơn bà tôi.

Mấy cô mà bị ghẻ ruồi hay ghẻ nước hay lang ben cũng chạy qua. Nhưng len lén giấu giấu diếm diếm như buôn bạc giả. Bà tôi dặn mấy cô trộn thuốc với rượu, loại rượu nước đầu, nặng bỏng cổ, đốt cháy phừng phừng lửa xanh như cồn  bôi vào mấy bữa là khỏi. Bà không quên dặn mấy cô nên lấy lá cây hổng nấu lấy nước tắm, cho da dẻ mịn màng, sáng láng, nếu không da sẽ xám như chì. Thân làm con gái nhất da nhì tóc. Còn thứ thuốc nữa là thuốc cam. Thuốc cam thì đa số dùng cho con nít. Con nít mà bụng ỏng, đít beo, đích thị là cam mòn. Mấy người mua thuốc của bà tôi về trộn với nước, lấy thìa ngạc miệng con ra, đổ vào đó. Thuốc cam vốn đắng, mấy đứa nhỏ không chịu uống nên khóc lóc kêu la. Thế cho uống ba lần thôi thì hết, xổ ra hết cam mòn hay ăn chóng lớn. Nhưng còn một thứ nữa là cam hờn. Đứa nhỏ sinh ra vốn hay quấy khóc, nhưng lớn lên hai ba tuổi  ở quê thì  đã cho là lớn, có khi đã biết giúp mẹ trông em. Thế mà có đứa còn hay khóc lóc. Gặp chuyện chi không đồng ý thì lăn ra ăn vạ. Ai dỗ dành cũng không chịu nín. Có đánh có mắng lại càng làm hơn. Mọi người nói như vậy là bị bệnh cam hờn. Người ta đến nhà bà tôi mua thuốc, ai nhẹ thì uống một hai tuần trăng thì hết, tâm tính bình bình. Con ai không hết thì chắc kiếp trước là con thần, con thánh. Người đó nên bán khoán vào chùa, nam thì lấy họ Mầu, nữ thị đổi thành họ Diệu, cha mẹ người đó siêng năng đi chùa dâng lễ ngày rằm mùng một , hết tuổi hoa đào thì chuộc về, không thì bán khoán cả đời.

Tôi là truyền nhân đời thứ tư. Nên bà tôi dạy tôi từ nhỏ. Có thứ thuốc phải mua từ dưới tỉnh, nhập từ bên Tàu. Có loại thì trồng  ở vườn như cây bưởi ri. Cây bưởi ri giống cây bưởi thường. Nhưng quả nó nhỏ như quả chanh. Vỏ nó rất đắng. Cây nó thì độc, chẳng con sâu nào ăn, thế nên vỏ nó phơi khô tán ra làm thuốc ghẻ. Mấy loại ngải cứu, hương nhu thì trồng ở vườn. Bồ hòn thì mua ở trên miền núi. Cây cà quánh, cà độc dược thì chỉ ra ngoài bãi sông mà hái thôi.

Tôi bị bệnh đái dắt. Lúc đi tiểu thì buốt. Bà tôi kêu tôi đi hái cỏ tranh, rau má đề, râu ngô non. Lại thêm cây cỏ xước. Cây cỏ xước dễ nhận biết khi nó mọc hoa. Tôi đem rang vàng, rồi hạ thổ, tức là đổ xuống nền đất, theo tôi thì làm thế nó nhanh nguội, còn bà tôi thì cho là làm cân bằng âm dương. Rồi tôi tự sắc lên uống. Mỗi ngày năm bát. Uống hết ba thang thì đi tiểu không con buốt, nước cũng hết vàng. Thằng Hiên học cùng lớp tôi, nó nhăn nhó lúc đứng ở đầu hồi lớp học, rặn mãi mà không tiểu được, nó kêu buốt. Tôi nghĩ nó chắc cũng bị giống tôi, tôi là con nhà thầy thuốc nên thấy bệnh nhân không nỡ nào không cứu. Cứ theo thang thuốc của bà tôi, tôi làm cho thằng Hiên nó uống.Nó uống hết ba thang cũng khỏi. Tôi hí hửng khoe với bà tôi. Bà tôi xem chỗ thuốc thừa tôi để trong cái mẹt, bà hỏi tôi hái thuốc ở đâu. Bà nói tôi hái nhầm cây côn nếp, không phải cây cỏ xước. Cây côn nếp chưa mọc hoa thì giống cây cỏ xước, nhưng lá nó bóng nõn hơn. May mà cây côn nếp không độc. Thế mà thằng Hiên nó cũng khỏi. Chắc cu cậu ham chơi quên uống nước nên bị nước tiểu vàng đậm. Uống thuốc nhiều , có khi chỉ cần nhiều nước lã nên tự nhiên cũng hết. Bà mắng tôi một trận, nhưng bà khen tôi là người mát tay.

Bà nói cái cốt chính của người làm thuốc là cái phước, cái tâm. Lúc còn phước thì mát tay, bốc đâu khỏi đó. Khi xưa có ông thầy thuốc được tiếng hay thuốc mát tay. Bữa chợ nọ có chị nạ dòng đến hỏi ông thầy có thuốc gì mà cho chồng ăn mau chết để chỉ đi lấy chồng khác. Ông thầy nói cứ lấy hoài sơn  luộc chấm mật ong cho chồng ăn, ăn mãi sẽ chết. Ba tháng sau chị ta đến tạ ơn thầy, nói rằng chồng chỉ chết rồi. Ông thầy nhủ, trời đất hại mình rồi, củ mài luộc chấm mật ong ăn vào trăm năm chưa chết, cái miệng mình thiêng, nói đâu trúng đấy, nói cho ả ta vỗ béo chồng, thế mà ả ta lại được toại ý. Từ đó ổng đập cả dao cầu, bỏ sách vô rương, ném chìa khóa xuống sông. Ổng hóa điên đi lang thang từ làng này qua làng khác. Ai cũng gọi là ông Xiển Ngộ. Nói cũng không lạ, ông Xiển Ngộ là chít của Trạng Quỳnh, ổng là thầy của bà cố nhà này. Ổng truyền cho bà nhà này hai bài thuốc thôi. Ông bảo ở đời nhất là ngứa ghẻ, nhì là hờn ghen. Hai cái này là đau đớn nhất.

Khi xưa bà cố tôi làm con nuôi quan Phủ Thọ Xuân. Mới năm tuổi đã ở trong phủ. Vợ ba quan Phủ Thọ Xuân bị bệnh kinh niên. Chẳng biết bệnh gì mà người cứ như người giả vờ. Có người nói là bị bệnh ma thuốc độc. Có người ác lấy lông ria con hổ, đem bỏ lên cây tre, chỗ có con sâu nó đã đẻ trứng, mấy hôm chổ đó nở ra mấy con sâu róm thì bắt lấy mang về. Phơi khô tán nhỏ. Nó thành một chất độc. Muốn hại ai cứ cho người đó uống. Đang cười cười nói nói khỏe mạnh, lại mệt mỏi toát cả mồ hôi, thuốc thang mấy năm mà không thuyên giảm.Mấy người nói là bệnh tiểu thư giẫm phải gai mồng tơi. Nên quan Phủ Thọ mới nuôi thầy Xiển Ngộ trong nhà. Thầy ở luôn trong phủ, hàng ngày bắt mạch, bốc thuốc cho bà. Bệnh tình đã ba tháng mà không có tiến triển chi. Một bữa  ông  Xiển ngồi xếp bằng trên giường đọc sách. Bà cố tôi năm tuổi chui xuống gầm giường quét nhà. Ồng lật chiếc chiếu , vạch vạc giường, lấy chân kẹp cổ, rồi la lên : sổ vẹt, sổ vẹt. Chắc ổng chán nên kiếm chuyện đùa vui, vậy mà bà ba quan phủ mắng ổng là đứa ác nhơn. Ổng Xiển giận lắm bỏ về. Mấy hôm sau thì bà phủ lên cơn điên, nhảy múa quay cuồng chẳng khác chi Xúy Vân giả dại. Bả đổ hết cả mấy cái bát hương ra hè, rồi ngất lịm. Một hồi sau thì tỉnh hẳn. Một tuần sau thì khỏi bệnh. Bà tôi thì không nói nguyên do, nhưng cô Sâm nhà tôi nói rằng ổng Xiển Ngộ ổng lấy lông dái cho vô bát hương nhà bà quan, ông giận bà quan mà làm bà quan phát điên, nhưng điên xong thì hết bệnh. Chuyện này thực hư thế nào tôi không dám hỏi bà tôi, cô Sâm đã dặn tôi phải kín miệng, dù sao cụ Xiển cũng là sư tổ của nhà này.

Chiều chiều bà tôi dặn tôi đi dọc theo phía bờ sông Sủ hái cà độc dược. Cà độc dược hoa nở như cái loa lèn, màu trắng, mùi hương nhẹ nhẹ. Bọn trẻ con hay hái hoa cà độc dược, vo vo cho nó nhàu, rồi thổi như cái bong bóng. Quả cà độc dược to như quả chanh, nhưng chi chit những gai.  Cà độc dược mọc đầy bờ sông, tôi rủ thêm thằng Hiên đi lấy lá. Bà tôi dặn cẩn thận đừng để mủ vô mắt sẽ bị mù. Lá cà độc dược phơi khô lên rồi cuộn lại hút như thuốc lá, người hen suyễn từ từ sẽ hết. Nhưng coi chừng ngộ độc, mê sảng, có khi chết người, nên hiếm khi người ta dám dùng. Nhưng tôi không biết bà tôi làm gì, chắc nó độc thì trị được ghẻ ngứa chăng. Tôi cũng không dám hỏi bà. Nhưng tôi thích giúp bà tôi đi hái lá. Cái cốt yếu là được tắm sông với thằng Hiên. Thằng Hiên nó giúp tôi tập bơi. Nó đã chuẩn bị còn chuồn chuồn voi để cắn rốn tôi. Con chuồn voi khỏe ác, nó cắn một cái tôi thấy đau thấu lên óc, thằng Hiên xô tôi xuống sông. Tôi uống mấy ngậm nước, nhưng rồi lấy tay quẫy, chân đạp, tôi từ từ nổi lên, thế là tôi biết bơi. Hai đứa bơi chán chê đợi cho quần áo khô thì đi lên bờ sông hái lá. Chúng tôi đi dọc lên bến Thượng, vòng lên cây gạo làng Yên nhặt hoa.Lúc quay về thì đi qua ngôi nhà Tây. Nhà Tây nó khác hẳn với mấy nhà gói ba gian hai chái ở quê. Nhà Tây có cái cổng gạch cao vượt mặt người, ở ngoài cổng có hai con sư tử bằng  đá trắng, nay đã ngả sang màu vàng ngà. Hai tòa nhà gạch ngang, một dãy nhà dọc. Trên tường có hai con công đang đứng. Hai con công bắt đầu múa. Lần đầu tiên tôi thấy con chim lạ lùng, nó xòe cánh như nghìn con mắt dập dờn. Bọn tôi hay hát bài con công hay múa, nó múa làm sao,nó giụt cổ vào, nó xòe cánh ra, nhưng lần đầu tiên tôi nhìn con công say mê. Tôi và thằng Hiên lại gần tường nhìn cho rõ. Hai con chim giật mình, ngưng múa, rồi nhảy xuống sân mất hút. Hai đứa đứng tiếc ngẩn ngơ. Ở ngoài tường có trồng nhiều cây bạch trà. Hoa nở trắng muốt, hương hoa thơm hơn cả hoa nhài. Chúng tôi hái đầy túi. Mãi sau tiếng chó sủa, hai đứa mới chạy vội về. Về đến nhà đã chiều muộn, bà tôi thấy có mùi hương lạ, thấy cả hoa bạch trà lộn vào mớ lá cà độc dược, bà mắng tôi một trận, dặn đừng bén mảng đến chỗ nhà Tây.

Lớp học của tôi và thằng Hiên có con bé Bạch Lan. Người nó trắng rợ như Tây. Tóc nó trắng, lông mi nó hồng. Giờ ra chơi nó chỉ ở trong lớp, nó không chơi với ai, cũng không ai chơi với nó. Nó sợ nắng. Một bữa trưa nó  nó đánh rơi bút chì giữa sân trường , nó mò mẫm mãi mới nhặt được. Mãi sau tôi mới biết , hình như nó bị mù. Nhưng nó vẫn nhìn thấy được, chỉ mù trong nắng thôi. Nhà nó ở chỗ nhà Tây.

Một bữa tôi đi qua chỗ nhà Tây. Đang lóng ngóng xem có con công nó múa không. Tôi thấy Bạch Lan nó đi ra. Nó thấy tôi nó nhoẻn miệng cười. Nó hỏi xem tôi có muốn xem con công múa không. Nó đẩy cánh cửa lim có đóng nhiều cái đinh tán bằng thép, sơn màu đỏ tía cho tôi vào.  Tôi  ngập ngừng một hồi thì bước vô.  Ba tòa nhà quay mặt ra một mảnh sân. Nó giống như tứ hợp viện ở trong phim đèn lồng đỏ treo cao tôi có xem trên ti vi. Hôm nay Bạch Lan nó mặc một chiếc áo chẽn màu đỏ, có cúc bằng vải hình con bướm, cài nút bên trái, nó đi đôi giày màu đỏ, nhìn nó cứ như một tiểu thư Tây mặc đồ Thượng Hải.  Hai dãy nhà có lợp ngói âm dương, hiên sơn màu xanh thiên thanh, có điểm thêm những hình vân mây  màu tía. Lại vẽ thêm hình chim phụng trên bao lơn. Mỗi căn nhà có ba cánh cửa ghép kính nhiều màu thành hình hoa lá . Tôi nhìn quanh nhà không có ai. Phía trước nhà có trồng hai hàng hoa mộc lan. Giống hoa màu trắng, mùi hương thoảng thanh thanh tao. Tôi ngồi ở dưới cái xích đu ngắm hoa. Bạch Lan vào bếp đem ra một cái đĩa có đựng những chiếc bánh làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân bằng mè đen. Nó cười mời tôi ăn

Tôi về nhà đã quá bữa cơm chiều. Cô Nhung để riêng phần cơm cho tôi trên cái phản ở giữa nhà có đậy cái lồng bàn bằng tre. Cô Thục thì ngồi trên cái ghế ngoài hiên, chân đạp cái chày tán những cái vỏ chanh ri đã phơi khô cho đến khi thành bột.  Tôi chuẩn bị ăn cơm, thì bà tôi chống gậy từ trong buồng đi ra, bà hít hít mũi như con mèo đánh hơi tìm cá rán. Bà phang cho tôi một gậy khi thấy mớ hoa mộc lan, miệng bà không ngừng phun nước bọt.

Tôi không hiểu có sự gì, bà tôi không cho tôi qua lại chỗ nhà Tây. Tôi hỏi cô Qui, cô Thục, mấy cô cũng không trả lời. Chỗ nhà Tây là nhà của ông ngoại con Bạch Lan. Nó sống cùng ông ngoại và mẹ nó nữa. Ở cả cái làng Yên Châu, không ai quan hệ với chỗ nhà Tây. Thật ra nhà Tây có một ông già gốc Hoa ở.  Râu tóc ổng bạc phơ, da ổng đồi mồi. Ổng là cha của mẹ con Bạch Lan. Mẹ con Bạch Lan hơn ba mươi tuổi. Da trắng như trái dưa gang.Mắt màu xanh. Tóc không trắng bằng tóc con Lan nhưng mà cũng he như lông bò. Cả cái làng Yên Châu này mỗi khi nhắc đến nhà con Lan người ta đều nhổ nước bọt. Nhưng nếu có chuyện gì cấp thiết, người ta lại nhờ vả ông ngoại con Bạch Lan. Chả là ông ngoại  nó làm nghề thuốc gia truyền chuyên chữa rắn, rết độc hay bọ cạp cắn hay ăn nhầm hạt củ đậu, hay uống nhầm thạch tín, thuốc trừ sâu . Người ta nói nói ổng nuôi con công là để lấy mật. Mật công độc lắm, uống một miếng nhỏ chấm ở đầu tăm thôi là mất mạng. Không mất mạng thì cũng á khẩu, rụng màng nhỉ. Ổng còn trồng cây đoạn trường thảo trong vườn sau . Cây đoạn trường thảo được bao bọc trong một phòng kính, nếu để hở ra, ngửi thấy mùi lá nó cũng chết vì nhiễm độc. Ở trong lồng kính ổng có nuôi thêm mấy con rắn màu lục, lưỡi le ra như lửa, nếu mà nó phun độc thì đến con trâu mộng cũng chết. Nhưng nó là chúa của các loài rắn. Nên ông lang Tàu mới dùng nọc của nó để trị các bệnh nhân bị rắn cắn. Bình thường bà tôi ghét cay ghét đắng lão lang Tàu. Cứ nhắc đến tên là bà nhổ nước bọt.

Nhưng một bữa tôi đi hái thuốc phía bờ sông với thằng Hiên. Chúng tôi đạp trên đám lá tre đã mục, thằng  Hiên  giẫm phải phải cái gì trơn trơn  nằm trông lớp lá khô. Con rắn quay đầu cắn vào bắp vế. Tôi xé áo buộc chặt vết thương, rồi chạy vội về kêu cha mẹ nó . Cuối cùng cha mẹ thằng Hiên cũng đưa nó lên ông lang Tàu. Ông lang Tàu nhìn vết rắn cắn, rồi lắc đầu. Cha mẹ nó mặt tái xanh vái van ông lang cứu chữa. Ông Lang tháo băng, rồi kêu mang nó về. Cha mẹ nó khóc lóc thảm thiết, biết là vô phương. Ông Lang cười, bảo không phải rắn độc, có con rắn giống con rắn y hệt con rắn khô mộc hay sống trong thân cây khô, nhưng nó không có độc.

Nhà con Bạch Lan chỉ có ba người. Không ai biết cha nó là ai. Ở làng tôi có một cái miếu. Trong cái miếu có thờ thần rắn. Thi thoảng có ông thủ từ vào thắp hương, thì có con rắn bạch quấn tròn lại  nằm trên bàn thờ, thân nó to như cái bắp cày. Ông lái đò ngang mù còn quả quyết, cứ mỗi năm vào lúc giao thừa, lúc ông chùi đò sạch sẽ, thì có tiếng gọi đò bên tả ngạn. Đêm tối như mực, ông lái đò lái đò qua. Thấy không có ai, chỉ nghe hai tiếng bịch bịch. Ông biết là  vị rắn thần đã lên đò quá giang .Ông chỉ nói : Lạy ngài về lại miếu, rồi ông lẳng lặng vội vã chèo đò qua sông. Khi cập bến lại nghe hai tiếng bịch bịch, chắc  ngài về lại miếu. Cái miếu không xa là phía nhà Tây. Người ta đồn rằng, má con Bạch Lan đi lễ ở miếu, lấy bạch xà nên đẻ ra nó, nên nó bạch tạng. Các cụ trong làng thì nói. Con rắn trên là chồng của bà Bạch Thị Lộ. Lúc xử xong án Lệ Chi Viên, người ta ném bà Bạch Thị Lộ xuống biển thì bả hiện nguyên hình con rắn bạch. Còn người chồng xà tinh thì chạy về quê cũ, không tác ai tác quái mà giúp đỡ dân làng. Nhiều ngư phủ lái đò trên sông Sủ Giang hay những người sơn tràng bị lật mảng trên sông thì được một người đàn ông da trắng như tuyết đẩy vào bờ. Dân làng mới lập bàn thờ thờ thần rắn bên sông Sủ. Sau này có một ông lang Tàu đi qua, thấy có cái miếu thờ rắn thần, ông này xin với thần rắn phương thuốc trị muôn loài rắn, ông hứa sẽ dâng lên thần trinh tiết đứa con gái của ông ta. Chính thế mà mẹ con Bạch Lan không chồng mà chửa, sinh ra nó giống như rắn bạch xà.

Chuyện như vậy cứ người này kể cho người kia. Cả làng Yên Châu đều tin như thế,nên không ai quan hệ với nhà ông lang Tàu. Ngày thường có ốm đau, cũng không dám mua thuốc của ông thầy lang, người ta hay đi mua thuốc nam của bà tôi, hay thuốc bắc phố huyện, họ sợ mua thuốc của ông lang tàu, trúng phải dãi rắn thì chết bất đắc kỳ tử. Nhưng mỗi khi bị rắn cắn hay trúng độc, hay có có chị gái lỡ  hoang thai dại dột ăn hạt củ đậu khô để tuẫn tiết, người nhà phát hiện ra cho uống nước trộn ngờn thớt mà ói ra vẫn chưa hết độc thì  lại cầu cạnh ông lang Tàu, ông lang Tàu không từ chối một ai, có tiền hay không có tiền ông đều chữa hết.

Một bữa vào giờ ra chơi. Con Bạch Lan ngồi trong góc tường nhìn ra sân. Thằng Hiên đi qua. Nó giật tóc con Lan. Rồi nó lấy bút giẫy mực lên người con Lan. Da con Lan lốm đốm tím như con chó đốm. Con Lan mắt vằn lên đánh thằng Hiên. Lan đấm trúng vào mắt nó. Đám học tò vây quanh nhao nhao cổ vũ. Thằng Hiên tay che mắt, miệng sùi bọt mép, chửi con Lan:

– Đồ con loạn luân

Tôi thấy trong lớp lao nhao. Tôi thấy thằng Hiên một tay che mắt, một tay không ngừng chửi rủa. Con Lan gục xuống bàn  khóc nức. Tôi chạy vào. Tôi thấy tội nghiệp nhỏ Lan quá. Tôi có nghe lờ mờ, người làng vẫn đồn mẹ nó không chồng mà chửa. Sinh ra nó thì bạch tạng. Chỉ có cận huyết mới có bạch tạng như thế. Nên cả làng không ai quan hệ với nhà nó ở chỗ nhà Tây. Có người ghê tởm, cứ nghe nhắc đến tên nhà nó là nhổ nước bọt. Tôi thấy thương con Lan quá. Tôi quát thằng Hiên câm đi. Nhưng miệng nó không ngừng chửi rủa. Tôi nóng tiết, tôi đấm thằng Hiên một cái, nó lấy hai tay che hai mắt. Nhưng miệng nó chửi tôi

– Đồ con hoang

Hết buổi học cô giáo mang tôi về. Cô mách bà tôi là tôi đánh nhau ở trường. Bà tôi nổi cơn giận, định phang tôi một gậy. Nhưng lì lợm không nói gì, cũng không chạy trốn như mọi khi , đứng trơ ra chịu đòn. Bà tôi giận  tím mặt . Tôi gân cổ họng lên:

– Đánh đi cho chết đồ con hoang

Bà tôi ngả ngửa ra trên sân, bất tỉnh. Cô Sâm vứt dao cầu ra,lê lê một chân vội lại. Cô Thục  ngừng đọc kinh. Ba bà cô lại xúm lại, người thì ấn nhân trung, người thì xoa dầu. Người thì chạy vội đi pha trà gừng. Tôi tưởng bà tôi chết. Tôi sợ quá, đứng trong góc buồng khóc hu hu

Tôi thương bà tôi lắm. Ở trên đời này chỉ có bà tôi thôi. Tôi thích ngồi gần bà để ngửi mùi bà hăng hăng đầy mùi trầu thuốc. Quần áo lúc nào cũng đầy mùi thuốc bắc, thuốc nam. Tôi không quen đi đâu xa khỏi cái làng Yên Châu. Năm ngoái nghỉ hè bà cho tôi lên ông cậu ở Ngọc Lặc chơi, nhưng cũng chỉ ba ngày là tôi nhớ nhà. Tôi nhớ  mùi thuốc cam hay thuốc chữa ghẻ ở nhà. Tôi nhớ mùi trầu thuốc của bà tôi.

Ở nhà tôi có bốn người cô. Mỗi cô là tên vị thuốc quý. Cô Sâm đi thanh niên xung phong mấy năm ở biên giới giáp Lào thì về  giúp bà tôi làm thuốc, cô bị trúng mìn nên cụt một chân. Mỗi ngày cô dạy từ bốn giờ sáng, nấu cơm. Cắt thuốc bằng dao cầu. Tán bột. Rồi lại ngồi trộn thuốc, vo viên. Cái thuốc hoàn này là cô mới nghĩ ra. Cô hoàn thuốc xong rồi lại tẩm đường. Thuốc này cứ như là kẹo, cho con nít nó thích ăn. Chứ không mất công hai vợ chồng đè con xuống, lấy đũa cạy miệng, tống mớ thuốc cam đắng ngắt vào.

Cô Thục là cô út, mắt cô sáng long lanh. Mặt cô đẹp như hoa. Cô hết tuổi hoa đào đã lâu mà bà tôi cũng không đi chùa chuộc về cho cô lấy chồng. Cô cũng không bao giờ đứng gần đàn ông. Tháng tháng cứ đến ngày sóc ngày vọng cô sửa lễ đi chùa. Gặp ai cô cũng nghiêm trang chào hỏi. Đám thanh niên thấy cô xinh gái buông lời tán tỉnh thì cô đứng lại nhắm mắt, chắp tay. Nếu nói lời bất nhã thì cô lại vào chùa lấy nước rửa tai. Cả làng gọi cô là cô Thị Kính. Không đi lễ thì cô vẫn lên chùa, cô lên chùa giúp sư thầy trồng thuốc nam hay làm thuốc tán, bốc thuốc thang,  phát miễn phí ở chùa. Cô xin phép bà tôi đến sang năm thì cho cô vào ở hẳn trong chùa. Bà tôi nghe cô nói cũng không ừ hử chi, cũng không phản đối, sắc mặt cũng không thay đổi gì, lặng lặng như nước  ao bèo trong góc vườn.

Cô Quy thì hay thở dài. Cô vẫn nhìn về phía núi xa xa. Tôi hỏi cô núi xa có chi hay mà cô nhìn. Cô chỉ lên trời. Trên trời có đàn ngỗng bay từ phương Bắc về tránh rét phương nam. Đàn ngỗng bay thành hình cánh cung. Cô đưa đôi mắt lá dăm nhìn theo, đến khi đàn chim chỉ còn là vệt mờ mờ trên nền trời xanh cao cuối thu. Gió thổi làm cô lạnh, đôi môi cô tái tím. Nhưng cô vẫn đứng mãi ở dưới  giàn cây thiên môn trái đỏ như cườm cuối sân. Cô lại lẩm bẩm, chắc trời này bên Bắc Kinh lạnh lắm. Bà tôi lại hắng giọng.  Cô Sâm  tay cắt dao cầu nhanh hơn, cố tạo ra tiếng động lạch cạch.

Cô Nhung thì tôi ít gặp. Cô cắt tóc ngắn như đàn ông. Hay mặc quân phục như công an hay bộ đội. Cô làm chức tước gì ở nhà tù ở dưới tỉnh. Cô cũng ba mươi mấy tuổi mà chưa lấy chồng. Mỗi lần cô về cô lại lái xe cam nhông.Từ nhà đến chỗ nhà tù cũng chỉ hai tiếng lái xe. Cái xe có vẽ dằn di như kiểu áo lính ngụy. Cô về chốc lát. Giọng cô ồm ồm. Cô ăn to, nói lớn. Mỗi cuối tuần cô về như bão về nhà. Cả đám hoa mạch môn trắng ngần, trái màu xanh như lam ngọc cô cũng lái xe xéo lên. Nhưng cả ngày chỉ có tiếng cô nói. Cô hay nói chuyện về chính trị, về cải tạo con người. Bà tôi thì không ngừng nhai trầu. Cô Sâm thì ngồi thái củ đinh lăng, miệng cô ho húng hắng, cô không ho thì lại nhai cam thảo. Cô Quy tha thẩn ra vườn rồi lại nhìn về phương Bắc. Cô Thục thì thường xuống chùa vào cuối tuần.

Thành thử tôi cũng không biết nói chuyện với ai. Tôi ngồi bên mớ bồ hòn tươi mới mua . Tôi mân mê cho bọt ra đầy tay. Trái tròn nhìn đỏ tươi. Mùi thì thơm như đường thắng. Tôi buồn đưa vào miệng, vị đắng nhức cả lỗ tai. Nhưng tôi không buồn nuốt, không không buồn nhổ ra. Nó cũng không đắng bằng mật công nhà ông lang Tàu, tôi nghĩ thế.Ở lớp học không ai nói chuyện với Bạch Lan. Cũng không có nhiều đứa nói chuyện với tôi, bởi chi tôi hay hỏi han nó. Bạch Lan cố đi thật sớm để đến lớp trước nhất mà ngồi trong lớp.Có lần tôi cố đi sớm hơn từ lúc 6h, nhưng tôi cũng đã thấy nó đã ngồi trong lớp rồi. Buổi trưa, nó cũng đợi cho tất cả mọi người rời lớp rồi nó với về.

Một bữa đi học về. Tôi thấy một người tóc dài rối bù, râu ria che kín cả miệng. Ổng thấy tôi thì mắt ánh lên cười. Người đàn ông vẫy tôi lại, tôi ngập ngừng đứng nép bên cây cột ngoài hiên. Cô Thục nhìn tôi mới nói

– Con lại với cha con đi

Từ trước đến nay, tôi ít nghe nhắc đến cha. Có mấy lần tôi hỏi bà, bà tôi nổi cơn xung thiên, mắng tôi lắm lời, hỏi chỉ hỏi lắm, vọt cho tôi mấy hèo. Tôi ở với cả bốn bà cô. Các cô không già, mà cũng không trẻ, các cô thì lặng lẽ ít nói, việc ai nấy làm. Tôi có hỏi về cha thì mấy cô lại lãng qua chuyện khác. Cô Sâm thì lại lấy dao cầu, tay không ngừng thái thuốc. Cô Nhung thì lặng lẽ đi vào buồng, lại mang mớ giấy tờ tài liệu chi đó ra coi. Cô Qui lại tha thẩn ra vườn nhìn lên trời. Cô Thục thì lầm nhầm tụng kinh.

Mười tuổi đầu tôi mới được gặp cha. Cha tôi ôm tôi vào lòng. Nhưng cha tôi có mùi gì lạ lắm. Mùi rừng. Mùi như mùi ngải. Đúng rồi, cha tôi đi tìm trầm ở mạn miền Trung hay bên Lào đã mấy năm nay. Cha tôi lấy ra một cái tượng. một cái tượng nhỏ chừng bằng ngón tay cái, nó được khắc tỷ mỷ, hình như một người đàn bà. Bức tượng bốc ra một mùi hương lạ  đầu tiên nó có mùi như hoa hồng, rồi mùi hoa sen, rồi có mùi như có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Cha tôi ôm tôi vào lòng, như tôi lại xô ra. Tay tôi mân mê bức tượng, cha tôi nói:

– Mẹ con đấy

Tôi cũng chưa bao giờ nghe đến mẹ tôi. Tôi ngắm nghía bức tượng, dù nhỏ như ngón tay thôi, nhưng tôi cũng nhận ra là hình một người phụ nữ đẹp. Đẹp với đứa bé mười tuổi như tôi là hiền hậu và dễ gần. Không cau cau dễ nổi trận lôi đình như bà tôi, hay trốn lãng đi như bốn cô Sâm Nhung Qui Thục. Tôi nhìn bức tượng, mắt tôi nhèo đi, hình như tôi khóc. Cha tôi ôm tôi vào lòng.

***

Bà lang học thuốc từ thủa lên năm với ông thầy Xiển Ngộ. Ông thầy Xiển truyền cho bà lang cả thuốc nam, lẫn thuốc bắc. Lúc ổng hấp hối thì truyền cho bà lang mấy bài thuốc trị độc. Nhà bà lang rắn làng Yên có mỗi một mụn con gái, để cho dễ nuôi bà đặt tên là Quýt. Trái quýt tuy rằng thường nhưng là vị thuốc quý. Người làng ăn quýt ,cái vỏ ăn rồi cũng không nỡ bỏ, đêm xâu treo lên bờ phên nhà bếp cho khô. Vỏ quýt khô gọi là trần bì. Khi cần kíp trị ho thì dùng đến. Bà lang Yên đặt tên con như vậy mong cho bà Quýt cái phước phận về sau.

Quýt đã đến tuổi cập kê mà chưa có ai dạm hỏi. Có chị  anh Đức người làng đánh tiếng đến hỏi cô cho anh Đức, hẹn tết nay sẽ về coi mắt. Nhưng Tết mà cũng không thấy tăm hơi anh Đức đâu. Nghe đâu anh Đức ra ngoài Hà Nội hay Nam Định, ảnh đi theo Việt Minh rồi. Quýt ngày ngày đi theo mẹ bán thuốc chợ Neo.

Chợ không họp trên phố như trước, mà họp trong rừng. Bỗng nhiên hai chiếc máy bay ập tới, Quýt nghe một tràng bom nổ. Quýt tỉnh dậy thấy tay chân quấn đầy băng trắng.  Bên cạnh cô một người thanh niên trẻ, tuổi chừng hai mấy, da trắng, tóc cắt ngắn kiểu tây. Mắt to và nông. Mũi cao. Rõ không phải người làng Yên. Rõ là không giống người ta.

Người đàn ông hiện sống trong nhà Quýt. Anh ta nói tên là Thái Lang. Thái Lang nói tiếng Việt lơ ló như mấy người Mán bán thuốc ở chợ Thạc. Thái Lang nói anh ở bên Nhật qua đây. Năm bốn mươi lăm, Thái Lang đi theo quân phiệt Nhật qua Bắc Kì. Thái Lang là kĩ sư canh nông, gốc từ Đài Loan. Học xong canh nông thì qua Việt Nam giúp người Nhật trồng đay ở Ninh Bình và Thanh Hóa. Lúc quân Nhật đầu hàng quân Pháp thì anh vẫn còn ở  Ninh Bình. Anh không thể về Nhật cũng không biết đi đâu. Vốn là kĩ cư canh nông và thú ý nên anh hành nghề chích thuốc dạo. Chích thuốc cả cho người và trâu bò, lợn, gà. Một bữa anh đến chợ Neo thì lại gặp bom Pháp ném. Vậy nên Anh mới quen cô Quýt.

Bà lang rắn làng Yên mời anh ở lại nhà. Trong nhà cần người đàn ông khỏe mạnh giúp làm thuốc, trồng trầu. Chả bao lâu mà Thái Lang nói tiếng Việt sõi , được lòng bà lang rắn.

Sau nữa bà lang rắn truyền cho Thái Lang tất cả bí quyết gia truyền. Ý muốn gả Quýt cho Thái Lang. Thái Lang tứ cô vô thân nên có thể ở rể. Bà có mỗi một mình Quýt là ái nữ.

Quýt ngày ngày đi ra chợ bán thuốc. Tối tối tán thuốc, hoàn những viên thuốc tròn. Má Quýt hồng như củ nhân sâm. Tóc đen như thục địa. Quýt ăn trầu, môi Quýt đỏ như câu kỷ tử. Lòng Quýt trắng như củ hoài sơn mới thái phơi được nắng mới . Với Thái Lang là ân nhân cứu giúp, nên cô cũng ưng lòng.  Bà lang rắn thấy mình ốm nặng, nên ý muốn cho hai người nên vợ nên chồng. Nhưng có khách dưới tỉnh mời bà đi chữa rắn cắn nên phải  đi gấp. Bà lang sai Thái Lang đi xuống tỉnh. Bà nói tất cả bí quyết gia truyền bà đã truyền hết cho anh. Rắn vốn dĩ độc. Nhưng độc cũng không bằng lòng người. Bà lang rắn hy vọng anh là người sống có trước có sau.  Anh nghe lời nhạc mẫu tương lai, anh đi gấp xuống tỉnh chữa bệnh. Cứu người rắn cắn phải kịp thời, nửa tháng sau nữa là đến ngày cưới, anh sẽ về cho kịp làm lễ tân hôn.

Thế mà Thái Lang đi cả tuần nay vẫn chưa về. Lòng Quýt như lửa đốt. Một bữa bà cô qua thì thầm:

– Tao nghe chị thằng Đức nói Thằng Lang nó bỏ đi rồi. Đúng là Trọng Thủy

Quýt muốn xuống tỉnh gặp Thái Lang. Nhưng ngặt nỗi mẹ ốm nặng. Đường xá xa xôi, lại gặp lúc thời loạn lạc, hòn tên lửa đạn biết đâu chừng. Đã đến ngày cưới rồi mà Thái Lang vẫn chưa về quê. Quýt ngồi trong nhà khóc rấm rức, bà lang rắn nằm trên giường mà không yên, mỗi lần thấy tiếng chó sủa cứ ngóc cổ nhìn ra cổng.

Chị anh Đức đứng gần bờ rào chè mạn quấn đầy dây tơ hồng, nhìn sang nhà Quýt.  Miệng lại lẩm bẩm đọc thơ : con đâu mà gả cho loài trắng răng. Lòng quýt đau quặn, nỡ nào Thái Lang đã thay lòng đổi dạ, học xong được thuốc gia truyền như Trọng Thủy học được nỏ thần thì trốn về Nam Việt.

Một bữa Anh Đức đi về. Anh Đức qua thăm bà lang rắn. Thấy Quýt ngồi bên dao cầu cắt thuốc, ảnh thở dài. Anh Đức nói thấy Thái Lang ở sân ga Thanh Hóa, lên tàu về Hải Phòng, chắc là xuất cảng đi qua Hương Cảng rồi. Thôi Quýt đừng đợi nữa.  Bà lang rắn đang ốm nặng, nghe được chuyện thì ngất lịm đi.

Tuần sau nữa thì đám cưới Quýt. Đám cưới chạy tang. Bà lang rắn muốn Quýt vu quy về nhà chồng trước khi nhắm mắt.

Khi đám rước dâu đã đi khỏi. Hàng mạch môn bị xéo tơi bời trong sân. Xác pháo đỏ rơi đầy trước ngõ. Bà Lang rắn nằm  liệt ở trong buồng. Thái Lang tay bồng một đứa trẻ còn ẵm ngửa, chạy vào nhà gặp bà lang. Bà lang không nói được lời nào, máu phun ra rồi chết.

Bà Quýt vẫn nhớ như in ngày vu quy. Bước chân lên kiệu về nhà chồng mà lòng đau như cắt. Thương mẹ ốm liệt giường. Hận người phụ bạc. Trách số mình hẩm hiu.  Nước mắt ngày vu quy buổi sáng, nước mắt khóc mẹ buổi chiều.

Bà sinh con trai đầu lòng thì đặt tên là Hùng Hoàng. Hùng Hoàng là vị thuốc độc, nhưng trị được rắn cắn,ung thư. Thuốc đắng thì đả tật. Bà vẫn hành nghề thuốc, nhưng chỉ làm có hai thứ thôi, thuốc ghẻ và thuốc cam. Thứ thì trị ghẻ ngứa, thứ thì trị hờn ghen. Thời gian trôi qua bà cũng quên đi.Ngày ngày đi chợ bán thuốc. Bà cũng không còn chữa rắn cắn, chỉ có một một hiệu thuốc cam.  Bà sinh ra bốn cô con gái nữa, nên đặt là bốn vị thuốc quý :  Sâm, Nhung, Quy, Thục.

Năm Hoàng mười bảy tuổi thì bà cũng chừng ba mươi mấy.  Sau khi sinh thục ba tháng, lúc cho con bú bà thấy sữa có mùi hôi. Bà thấy đau ở đầu ngực. Nắm sữa ra coi thì thấy sữa có màu vàng. Bà chú ý cả tuần mà không thấy thuyên giảm. Bà buồn rầu nói với ông Đức. Chắc bà bị bệnh ung thư.  Bà không được mẹ truyền cho các bài thuốc. Chỉ có ông Lang Tàu ở chỗ nhà Tây là biết được bí truyền. Ngày xưa bà có thấy bà lang rắn cứu được mấy người bị bệnh ung nhọt. Nhưng bây giờ chẳng lẽ bà là con bà lang rắn mà chịu chết vì ung thư. Nhưng nếu phải nhờ đến ông lang Tàu thì bà thà chết còn hơn. Bà nói với ông Đức nếu có mệnh hệ gì thì ông gắng gượng nuôi các con.

Hoàng biết ở chỗ nhà Tây có ông lang Tàu. Chả biết có chuyện gì mà mẹ anh không cho mấy anh em  bén mảng đến. Ông lang Tàu sống với cô con gái.  Cô Hoàng Lan con ông lang Tàu, người trắng nõn nà. Tóc không phải màu đen. Mắt cô ta có màu lạ lắm. Cô Hoàng Lan ít ra ngoài giao tiếp với ai. Mấy lần Hoàng thấy cô,  toan nói chuyện làm quen nhưng thôi. Đến nay mẹ anh đang bệnh nguy kịch, nếu không nhờ ông lang giúp thì sẽ chết. Hoàng lo lắng cho mẹ, lo cho cả bốn đứa em. Đến khuya khi cả nhà đi ngủ, anh quyết định ra đi.

Anh đến nhà ông lang Tàu. Trong ánh trăng hạ huyền,anh thấy hai con sư tử đá nhe nanh ra nhìn anh. Ngập ngừng một hồi anh lấy hai vòng sắt gõ cửa. Mấy con ngỗng la to , rồi đám chó sủa ầm lên. Người nhà chạy ra mở cửa. Một lúc sau anh ngồi trong phòng khách. Ông lang tàu sai người pha trà hoa mời anh. Ông lang tàu mới kể

Bà ngoại cháu vốn là ân nhân của ta. Đáng lẽ ta nên duyên với mẹ cháu. Nhưng đợt xuống tỉnh chữa bệnh, ta có gặp một bệnh nhân. Đó là một người nam, vợ ông tây đoan rượu. Ông đoan đã bỏ về Pháp. Bà Đoan thì đang mang thai đến tháng thứ bảy. Bả lại bị rắn cắn. Vết thương đã hoại, cả cái chân đã tím tái, người đã khó thở. Bả đơn thân một mình, bụng mang dạ chửa. Ta phải chữa trị ròng rã cả nửa tháng trời. Chị anh Đức đi chợ tỉnh Vườn Hoa có đi qua mấy lần. Ta cho gửi thư cho chị anh Đức mang về quê. Có gửi mấy lần mà không thấy hồi âm, chỉ nghe chị anh Đức nhắn miệng là ở quê mọi việc vẫn ổn cả. Sau gặp anh Đức ở hỏa xa cảng ,ảnh đi từ Nam Định về quê Thanh Hóa, ta cũng có nhắn tin nhà. Nhưng cứu người như cứu hỏa, bà Đoan thì đơn thân. Không ai đến giúp bà Đoan, ai cũng xa lánh. Chắc bà Đoan lấy chồng Tây, thời buổi đánh tây, không ai muốn dính dáng cả. Ta vốn thương người, biết mình cũng phận tứ cố vô thân, nên cảm thông ở lại tận tình cứu chữa. Nhưng cả tháng mà bà Đoan chỉ có phần bớt đi mà không khỏi hẳn. Sau bà Đoan sinh hạ sinh một đứa con. Rồi bị sản giật. Chắc độc trong người vẫn chưa hết. Ta tận tình cứu chữa mà không được nữa. Bà Đoan có để lại cho ta một số tiền vàng, bả gửi gắm ta nuôi dùm đứa con gái còn đỏ hỏn. Lúc bả trăng trối ta không dám chối từ. Lúc ta về nhà, thì thấy mẹ con đã lấy chồng, lấy ai không xa là anh Đức. Mấy lần gặp bà Quýt muốn nói cho bà ấy nghe , nhưng bà ấy tránh mặt, ta muốn muốn chuyện thì  bà ấy nhỏ nước bọt rồi bỏ đi. Ta biết bả hận ta lắm. Nhưng bà lang rắn là ân nhân của ra, là thầy của ta, nay mẹ con bị ung thư, ta phải lấy bài thuốc gia truyền ra hết lòng cứu chữa. Vì hận ta mà bà Quýt cam lòng chịu chết chứ không chịu lên nhờ ta. Nay may có con đến nói cho ta biết, ta thà hy sinh cả tính mạng này cũng không ngại gì. Nhưng ngặt nỗi, thang thuốc gia truyền trị ung thư của bà lang rắn gồm nhiều thứ thuốc độc. Ngoài lá đoạn trường thảo và cà độc dược  ra, phải có hùng hoàng, mấy chục loại nọc rắn cực  độc. Đặc biệt nữa phải có cả kỳ nam. Liều lượng thế nào phải tùy cơ ứng biến. Cũng có thể cứu người cũng có thể giết người. Nhưng nghẹt một nỗi, mấy vị thuốc kia thì kiếm được. Hùng hoàng thì xuống tỉnh mua. Riêng kì nam thì khó kiếm. Mấy năm nay giặc giã, đường xuống tỉnh vào Trung khó đi, nên không biết tìm đâu ra. Nay ta cho con một số loại thuốc trước, hy vọng nó sẽ kìm hãm sự phát triển của ung thư, còn kỳ nam thì…Nói đến đây, ông lang Tàu ngập ngừng.

Bà lang Quýt bị bệnh sinh lo ngày càng tiều tụy. Bà hận Ông Lang Tàu. Ngày trước sao mẹ bà- bà lang rắn Yên, không truyền cho bà phương thuốc. Để đến nỗi nay bà không những không giúp được ai mà còn không tự cứu được mình. Bà thương chồng, ông Đức. Thương Hoàng và bốn đứa con thơ Sâm, Nhung, Quy, Thục. Chắc là cái nghiệp của bà. Hay cái nghiệp của cha mẹ. Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Làm nghề thuốc cứu người mà lại chết vì tứ chứng nan y.

Nửa đêm bà không ngủ, bà không thấy Hoàng con bà đâu. Hoàng có cho bà uống thuốc hoàn. Bà có gạn hỏi là thuốc mua ở đâu, Hoàng chỉ trả lời là tự đọc sách Tàu mà chế ra. Bà uống vào người càng gầy rộc đi. Sữa không những hôi mà còn có mùi thuốc. Bà nắm sữa ra ngoài cho kiến bu. Nhưng hồi bà thấy kiến nó chết hết. Bà sợ con Thục bị độc chết nên bà không dám cho con bú. Chiều chiều Sâm, Nhung bế em xin bú chực mấy người nạ dòng đang nuôi con  ở xóm Thượng.

Ông Lang Tàu phải bỏ nhà đi lên miền Thượng kiếm trầm. Ông đi ngược từ Thọ Xuân lên Ngọc Lặc, lên Quan Hóa rồi qua Lào. Ông đi theo đường rừng, trèo đèo lội suối. Ông hy vọng bệnh tình của bà lang Quýt có thể kiềm hãm, ông lạy trời may mắn tìm được kỳ nam để cứu bà.  Ông nguyện sẽ ăn chay cả tháng nếu tìm ra trầm cứu bà lang. Việc ở nhà ông đã sắp xếp. Ông muốn cho Hùng Hoàng kết duyên với Hoàng Lan. Ông muốn truyền nghề lại cho Hùng Hoàng, đúng truyền nhân của bà lang rắn làng Yên.

Bà lang Quýt vẫn uống thuốc mỗi ngày. Dù bệnh tật cũng không bỏ nghề làm thuốc cam, thuốc ngứa. Bà gầy rộc đi, sữa tắt. Mái tóc ngày nào  xanh đen dài chấm gối , nay rụng hết chỉ còn lơ thơ mấy sợi. Da xám chì. Ngực bà vẫn đau buốt. Bà không biết phải chịu đựng bao lâu nữa.

Một năm sau bà thấy người mình tóp lại. Tóp lại như cây măng gặp ngày bão bị gãy ngang, gặp nắng sau mưa thì  héo rũ. Ngực bà nhăn nheo như trái thảo quả khô , chỉ còn da bọc lấy xương. Bà thấy không còn đau đớn nữa. Bà nghĩ cái u ở vú cũng từ từ mất đi rồi.

Một bữa bà thức dậy nửa đêm. Cả năm nay bà thấy con trai bà cứ biến mất vào nửa đêm. Bà có gặng hỏi, Hoàng bảo là đi lên đồi hái thuốc. Hoàng nói hái thuốc vào ban đêm để cho nó cực âm. Bà sinh nghi. Một hôm bà rình theo con trai. Bà đi dọc theo sông Sủ. Dọc theo bãi sông vắng lặng. Mấy người vạn chài cặm đò trên bãi giữa. Con đò ngang gối bãi ngủ im lìm. Bà đi vòng qua xóm Thượng. Cây gạo ban đêm trông giống như một con chim đà điều khổng lồ. Bà đi theo Hoàng đến phía nhà Tây, bà nghe tiếng chó sủa, tiếng ngỗng kêu, bà thấy Hoàng mất hút vào cảnh cửa sơn màu tía.

Hoàng thương cô Hoàng Lan, thương ông Thái Lang. Hoàng quỳ xuống xin mẹ cho lấy Hoàng Lan. Nhưng bà nhất định không chịu, bà không muốn nhìn mặt Hoàng nữa.

Vậy là Hoàng bỏ đi bao nhiêu năm nay. Anh không dám về nhà, mà chỉ lang thang ở mạn Lang Chánh, Bá Thước. Anh học nghề của ông thầy Lang Tàu. Anh đi khắp nơi, chỗ nào có bệnh nhân rắn cắn, trúng độc hay ăn lá ngón thì anh chữa. Khi thì anh vào rừng đi kiếm trầm hương. Đã bao nhiêu năm nay anh có nhiều lần về quê, nhưng anh chỉ gặp ông lang Tàu và Hoàng Lan. Anh đi qua nhà mấy lần mà không dám vào. Anh thấy yên lòng vì mẹ anh khỏe mạnh. Sống yên vui từ đó đến nay, ngày ngày vẫn chạy chợ bán thuốc.

Cha đã cạo râu và cắt tóc.  Cha tôi ngồi xếp bằng trên phản gỗ giữa nhà. Cha uống trà  trong cái ly bằng sứ màu xanh lam. Cái nét mặt cha tôi nghiêm nghị nhưng ánh mắt long lanh và hiền từ. Tôi hái hoa nhài đưa cho cha bỏ vào ấm trà. Tôi hỏi cha:

– Sao bao nhiêu năm mà ông ngoại con không nói cho bà nội con biết tất cả?

– Ông ngoại Thái Lang con muốn nói cho bà nội biết, nhưng hiềm nỗi chuyện đã vỡ lỡ rồi, nói ra có ích gì đây, phải đợi cho Ông nội con mất, bà cô con mất, ông Lang mới nói ra. Nhưng nhất là chuyện cô Quy, cô Quy con thương chú Tuấn Anh. Chú Tuấn Anh là hàng xóm của nhà ông ngoại con ở xóm người Hoa Kiều. Sau năm 1979 chú Tuấn Anh về Bắc Kinh. Đáng lẽ cô Quy đi theo chú vào mùa đông năm ấy, nhưng nghẹt nỗi bà nội không đồng ý. Mười lăm năm chú ấy dạy ở Đại Học Thanh Hoa, thư từ qua lại thường xuyên , một lòng một dạ với cô Quy. Cha là anh, không thể để yên như vậy, nên cha phải về.

– Thế còn Bạch Lan?

– Một lần ông Thái Lang đi tìm trầm ở mạn Nậm San, giáp với biên giới nước Lào. Ông có tìm được nhiều trầm. Ông thuê một người đàn bà người Lào ghánh về. Người đàn bà ấy đang mang thai đến tháng thứ sáu. Trên đường về, không biết do dưới tác dụng của trầm hay run rủi, mà người đó lâm bồn, đẻ non. Giữa rừng thiêng nước độc, ông con cố cứu, nhưng cứu được đứa con gái, mà không cứu được mẹ. Ông cũng mang nợ người ấy mà mang Bạch Lan về giao cho mẹ con nuôi.

– Thế còn con? Sao mẹ con lại không nuôi con mà con lại sống với bà? Mẹ con không thương con sao?

– Cha và ông Thái Lang chỉ muốn hóa giải. Hy vọng rằng, chỉ một nụ cười của con, một nụ cười như thiên thần của trẻ thơ sẽ hóa giải mọi thuốc độc của người đời. Nên ta đã nhờ cô Sâm đưa con về sống với bà khi còn tròn ba tháng tuổi.

Gió xuân thổi lạnh lạnh đôi vai gầy của cô Quy trong chiếc áo cô dâu màu trắng có thêu đôi chim trĩ đỏ. Chiếc thuyền gỗ có cánh buồm nâu neo đậu ngoài  bến Hạ .Cô Quy quyến luyến mãi rồi cũng cùng chú Tuấn Anh bước về phía sông Sủ. Chiếc thuyền quay mũi, xuôi theo dòng nước hướng về phía ngã ba Bông. Tôi nhìn theo con thuyền, đến khi chỉ còn một chấm nhỏ mờ xa xa. Tiếng pháo lại nổ ran. Mùi khói lan tỏa bay cao lên trời. Đàn ngỗng trời giật mình quay vòng, rồi định lại phương, hối hả bay mải miết về phương Bắc.

(Truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn)

Exit mobile version