Trong cuộc sống, Vũ Minh Nguyệt luôn hướng tới cái Đẹp (gia đình, công việc, trang phục, nói năng, hành xử…). Nên nếu nói văn Vũ Minh Nguyệt đẹp là đúng. Có đôi chút (chỉ đôi chút thôi) cầu kỳ và điệu đàng, tất nhiên phụ nữ mà! Tôi nghĩ, đôi khi có thể coi nó như là một thứ “gia vị” cần thiết để gia tăng khoái cảm của sự đọc văn. Nhưng cái căn cốt của văn Vũ Minh Nguyệt là cái tình. Một lối văn đắm đuối. Đắm đuối nhưng không mê muội. Một lối văn giản dị. Giản dị nhưng không đơn giản.
BÙI VIỆT THẮNG
“Giờ nếu không may anh bị chết?”. Chị lấy tay bịt miệng anh lại, anh cắn vào ngón tay của chị, chẳng đau tý nào nhưng chị cũng la lên. “Em sẽ chết theo anh”. Họ lại khúc khích với nhau, bốn cánh tay vòng lại siết chặt hơn, rồi chìm vào giấc ngủ.
“Giả dụ bây giờ em bị chết”. “Anh sẽ ở vậy nuôi con”. “Làm gì có chuyện ấy?”. “Thật!”. Họ lại ôm choàng lấy nhau. Đêm nào cũng quấn nhau, họ nghiện nhau.
Hà Nội nóng kinh khủng. Mấy ngày nghỉ những người trẻ đua nhau mua vé máy bay đi du lịch để trốn nóng. Chị không phải người trẻ, không đi trốn nóng. Chị đi thăm chồng chị. Anh đi công tác đã hai tuần. Vợ chồng chị ít xa nhau nên hai tuần cứ như tra tấn.
Minh họa của họa sĩ Hoàng Đặng. |
Mỗi ngày mấy chục phút điện thoại, chỉ hỏi nhau, trong ấy anh ăn gì? Chị kể với anh: “Hôm qua có người biếu con cá chép thật tươi, giá anh ở nhà, thể nào em cũng om dưa chua, cho thật nhiều thì là. Vắng anh, em đem kho, mấy mẹ con chả buồn động đũa…”. Hoặc: “Đêm qua, em mơ vợ chồng mình… tỉnh dậy phải đi tắm…”. Đầu dây kia, anh lại nói, bần thần cả buổi chả làm được việc gì. Có hôm anh chị nhắn tin đến mười hai giờ, vậy mà sáng vừa mở mắt, anh đã nhắn tin: “Mấy mẹ con ăn sáng chưa?”. Nửa buổi, chị nhắn cho anh làm nũng: “Em đói bụng…”. Anh trả lời ngay: “Anh lại đói em!”. Trưa chị nhắn cho anh: “Bố uống ít rượu thôi nhé”. Anh trả lời: “Nhớ vợ, phải uống chứ???”. Chị biết anh đùa nên yên tâm đi ngủ. Đầu giờ chiều anh lại nhắn… tối lại nhắn: “Em về sớm mà nghỉ ngơi…”. 11 giờ đêm chị õng ẹo: “Em chẳng ngủ được”… Cứ như thế, tin đi tin lại chẳng ai muốn dừng. Với cái tính õng ẹo của chị, anh im lặng hoặc giả vờ bảo để anh ngủ, mai còn làm việc là chị thôi ngay nhưng anh lại nhắn: “Anh cũng thế, nhớ vợ con quá trời ơi”… Chị lại nhắn: “Em đã lấy áo của anh phủ lên mặt vẫn ko ngủ được”… Cứ như vậy đến là sốt ruột, chẳng thế mà có một cậu cùng nhóm khảo sát, ở cùng phòng với anh bảo, vợ chồng nhà này tài thật lấy nhau hơn hai mươi năm rồi mà cứ như mới cưới.
Bất ngờ lúc gần hai giờ sáng, anh nhắn tin. Chị đã thiu thiu ngủ, mắt nhắm mơ màng, điện thoại bíp một tiếng, chị bật dậy ngay: “Nhớ em đến chết, cuối tuần bay vào đây với anh!”.
Bầu trời chìm lịm, ánh điện vàng vọt ngoài của sổ, kéo chặt cửa chớp lại, chị nằm ôm chặt chiếc gối của anh vào lòng, khóc chán rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, hai khóe mắt vẫn đọng đầy nước. Sáng đến cơ quan dù đã được phủ một lớp phấn kỹ càng mọi người vẫn nhận ra đêm qua chị đã khóc, bạn bè không lạ gì những lần chồng chị đi công tác họ nhận ra ngay, chị rất hay bần thần, có lúc lại cáu kỉnh rất vô lý.
Chị xin nghỉ phép. Cầm vé máy bay trong tay, chị thấy thời gian từ thứ ba đến thứ sáu sao lâu quá, cứ như mọi thứ lùi lại. Tối nào cũng dán mắt vào màn hình xem thời tiết, miền Trung trời đẹp… Chị tính toán, cái áo này mặc đi dạo buổi tối với anh, cái khăn voan mỏng này quấn tóc tránh sương, tránh gió. Cái váy Hồng Kông màu tím đỏ này để mặc vào sáng thứ bảy đi chơi dự tiệc với chồng, cái quần jeans lửng trẻ trung này thả bộ trên bãi biển Đà Nẵng sẽ khỏe khoắn và đẹp hơn… rồi giày cao gót, giày thể thao, cặp mái, cặp ngôi, cái gì đi với cái gì nhưng tất cả đều phải được anh thích hoặc anh mua cho chị. Hôm nay làm tóc, sáng thứ bảy vừa đẹp, tối thứ bảy tắm biển xong gội đầu. Chủ nhật tóc thẳng, sẽ búi lên cao hở cái gáy trắng ngần, anh sẽ rất thích thú khi cọ hàm râu vào đó. Có mỗi mấy ngày mà tính toán chi ly như trận đồ bát quái. Hết xếp vào rồi lại tháo ra. Chai nước hoa Shiseido mùi xạ hương cho ban ngày, buổi tối tắm gội xong anh thích chị dùng Un Bois Vanilie ngọt ngào quyến rũ. Anh nghiện mùi này và nói chị như viên kẹo hồng. Ổn rồi, quên gì, mai thiết kế tiếp.
Đợi chờ cứ dài ra mãi. Tối ngày thứ năm chị thấy sốt ruột nhắn tin, không thấy anh trả lời. Khuya, chị gọi vào máy, phải đến cuộc thứ năm anh mới ậm ờ, mệt mỏi. Rồi anh tắt nguồn. Chị lại dán mắt vào màn hình, chương trình dự báo thời tiết cuối ngày, cô phát thanh viên hôm nay cũng xinh đẹp hơn. Cũng phải, với chị bất cứ cái gì tiến dần về phía anh cũng hay hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Miền Trung “Trời nắng gió nhẹ”, trời cao, mây tạnh… nhưng lòng chị đang để nơi anh. Có bao giờ anh bận tiếp khách đến mức nói với chị như thế đâu? Có bao giờ? Cả đêm chị trằn trọc không ngủ được. Sao anh lại ậm ờ như thế? Sớm hôm sau, vừa nghe chuông đổ, chị vồ lấy máy, anh bảo: “Miền Trung mưa bão to lắm, em đừng vào nữa”. Chị nghẹn ứ cổ họng không nói được lời nào, rõ ràng chị xem thời tiết mà, làm gì có mưa, làm gì có bão. Bão trong lòng chị, quăng quật ầm ầm, bão xô đẩy đập nát tình yêu của chị. Tấm vé máy bay như nóng rẫy đang cháy bùng trước mặt chị. Kệ mưa, kệ bão, chị cứ vào, có khi anh ốm… Anh gắt lên trong điện thoại, trả lại vé có sao đâu, chịu lỗ mấy phần trăm… để đến hè, hai vợ chồng vào chơi thoải mái. Chị cũng hét lên: “Em vào với anh, em không đi chơi!”. Chị cúp máy xách hành lý ra sân bay. Hơn một giờ đồng hồ trên máy bay, lòng chị như lửa đốt, cứ tự hỏi rồi lại tự trả lời bao giả thiết, phương án, đầu óc chị choáng váng, quay cuồng. Biết không cản được nên anh cũng ra sân bay đón chị.
Máy bay hạ cánh, chị lóa mắt nhìn ra ngoài trời. Chiều Đà Nẵng, nắng vẫn còn gay gắt, trời cao xanh, mây trắng từng đụn bay lơ lửng trên cao. Cơn bão chiều qua, không hề để lại chút tàn dư nào ư? Có thể lắm, anh bảo bão to mưa lớn lắm cơ mà, chẳng lẽ lại như thế, hay đất trời nơi đây có phép lạ? Mưa đâu mà mưa, bão đâu mà bão. Đường phố Đà Nẵng sạch và đẹp, sỏi hai bên đường trắng lấp lóa. Chị như pho tượng, dán mắt qua cửa kính nhìn xuống lòng đường, anh ngồi bên cạnh, đưa tay vén món tóc chị lên, chị hóa đá mất rồi.
“Em mệt à, anh sợ thời tiết xấu, nguy hiểm…”. Chị chẳng biết anh nói gì. Chị giật mình ngẩng lên, gương mặt đượm buồn. Anh nhìn đi chỗ khác… Lần đầu tiên anh như vậy. Chưa bao giờ chị nghĩ khác về anh. Lúc này cũng vậy, anh lo cho chị quá đấy mà… Với chị, anh chưa bao giờ phải bận lòng, anh yêu chị hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Anh lo cho chị là đúng.
Anh gầy hơn và đen nữa, đợt công tác quá vất vả, hay là anh bị mất ngủ vì nhớ vợ, nhớ con? Cũng có thể, có hôm nửa đêm anh còn nhắn tin hỏi chị đã ngủ được chưa cơ mà. Chị đang ở trong phòng tắm, anh đứng ngoài nói với vào: “Tắm xong em ngủ một giấc nhé, anh phải xuống hội ý với anh em”.
Chị vâng dạ nhưng trong lòng thấy vân vi. Tối, anh dẫn chị xuống nhà ăn, chị ngồi chung với mấy chị em cùng hội công tác với anh. Hỏi han chuyện trò, chị hòa vào mấy chuyện bếp núc với chị em như ở cơ quan. Đàn bà, gặp nhau dễ bắt chuyện. Chỉ có cô bé xinh xắn, mắt sắc, da sáng, người cao, tóc xù bông, môi hơi dày đầy nhục cảm là không mặn mà lắm. Chị hơi chột dạ, xem lại cách ứng xử của mình, có kiểu cách quá không? Có điệu đà quá không, có cao đạo quá không? Tất nhiên là không rồi. Chị được thừa hưởng nét tinh tế của cha và sự dịu dàng của mẹ, chưa ai phàn nàn về cách giao tiếp của chị, lẽ nào?
Vừa gặp nhau mà chị thấy thán phục họ quá, cũng là phụ nữ sao họ tài giỏi vậy? Những sáng kiến của họ mang về hội thảo đánh giá rất cao chứ có bếp núc, thường thường như chị. Phụ nữ lao vào con đường khoa học cũng lắm thiệt thòi. Cả năm người phụ nữ đang ngồi với chị đây, đều khắc khổ, gầy gò và đen sạm. Những công trình, những con số đã lấy hết cái mỡ màng, vẻ thơ ngây và tươi tắn của họ. Một mâm cơm sáu người một mình chị ăn mặc chải chuốt, chị như xa cách và lẻ loi.
Ăn xong, chị về phòng, anh pha cho chị ly nước cam lạnh, ân cần và dịu dàng, Kỳ lạ, ly nước cam đắng ngắt, chị uống một hớp rồi dừng lại, sao thế nhỉ, ở Hà Nội anh có tuyệt chiêu pha đồ uống cơ mà, chị mê mấy thứ đồ uống anh làm lắm. Chị nhăn mặt, vị đắng và hơi hăng hắc, nhưng anh ân cần: “Em uống đi, chỗ này xa quán xá, không như nhà mình đâu”. Chị nhắm mắt uống hết ly nước cam, uống hết cái dịu dàng ngọt ngào của chồng.
Tối, anh bận việc, chị nằm cuộn mình trong tấm chăn mỏng, ngoài kia, trăng giữa tháng chiếu xuống bãi biển, những con sóng mơn man liếm vào bờ cát. Trai gái khoác tay nhau dập dìu bờ biển rồi kéo nhau vào những quán cà phê ven đường. Anh vẫn chúi đầu vào laptop, thỉnh thoảng lại ra ngoài rít thuốc. Nửa tháng xa nhau mà thế này ư. Chị thấy đầu nặng trịch, hai mắt díp lại, cơn buồn ngủ kéo đến, chị có bị thế này bao giờ đâu? Chị thiếp đi, trong giấc ngủ mệt mỏi, chị thấy vị đăng đắng của ly cam vắt, và giọng nói ậm ờ của anh qua điện thoại. Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy đã thấy anh đứng ngoài ban công nhìn ra biển cả. Những con sóng vô tình vỗ tràn lên bãi cát, bọt tung trắng bờ. Chị cứ nằm nghiêng nghiêng như đang còn ngon giấc, chiếc váy ngủ không hề xô lệch.
– Đêm qua em ngủ say quá, đi đường mệt lắm phải không?
Chị lặng im, giờ chị mới nghĩ đến cơn bão hôm trước, cơn bão qua điện thoại của anh. Sự xa cách và đôi mắt lảng tránh của cô kỹ sư trẻ mang vẻ đẹp khủng long…
Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo xong, chị xách đồ gọi tắc xi ra sân bay đổi vé… Trưa hôm ấy con trai lớn hớn hở với món quà Đà Nẵng của mẹ, con gái bé cũng xúng xính trong chiếc váy hồng “bố mua ở Đà Nẵng”. Các con của chị tin rằng, mẹ có việc bận, phải ra sớm, bố chưa xong việc nên chưa về.
…Và chị vẫn chưa một lần hỏi về cơn bão chiều thứ năm, cơn bão của riêng anh…
Theo Lao động cuối tuần
VŨ MINH NGUYỆT
Sinh năm 1964
Quê quán: Ninh Giang – Hoa Lư – Ninh Bình.
Hiện nay đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã in 5 tập Truyện ngắn và nhiều truyện ngắn, bút ký trên các báo.
Giải 3 cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (2000 – 2002).