Nhà văn Vũ Đảm sinh năm 1966, quê quán: Năng Tĩnh, Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình. Anh là Cử nhân văn chương, thạc sĩ văn hoá. Nhà văn Vũ Đảm hiện sống và làm việc tại Hà Nội với vai trò Phó tổng biên tập Tạp chí Nhà Văn – Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 7 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, 1 tập phóng sự, Vũ Đảm còn giành nhiều giải thưởng văn học trung ương và địa phương. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu hai truyện ngắn anh mới chọn và gửi đến bạn đọc.


Nhà văn Vũ Đảm

 

CON CHIM LẠ

Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, điện thoại cũng cắt. Ngay cả việc vợ con muốn gặp ông cũng phải đợi tầm mười hai giờ trưa, giờ ông nghỉ ăn cơm mới được gặp, chứ gõ cửa vào đúng lúc ông đang suy tư sáng tác thì thế nào bị ông mắng cho một trận té tát.

Tĩnh lặng gần như tuyệt đối, nghe thấy cả tiếng giọi cafe nhỏ tí tách, ấy vậy mà câu chữ cứ rủ nhau trốn biệt khỏi đầu ông. Ôi cái nghề văn chương khốn khổ, ông nào chọn nó thế mà nó lại chọn ông, mà nó chọn ông chỉ để thử thách, thậm chí cười cợt ông chứ nào nó có đem đến cho ông cái gì. Tiền bạc tiền dứt khoát không rồi, đến như các nhà văn nổi tiếng còn cả đời túng thiếu thì ông, cái kẻ viết văn tỉnh lẻ này làm sao làm giàu bằng văn chương? Còn danh, hơn chục cuốn sách đã in ra, nào mấy ai còn nhớ đến cái tên sách chứ nói gì đến nội dung. Bây giờ thì ông đã nghỉ hưu ở cái tuổi sáu mươi, sau bao năm bị cuộc đời hành hạ mà thật ra là do văn chương hành hạ. Cái truyện ngắn” Những người chân đất” của ông bị tỉnh kiểm điểm vì nói xấu người nông dân quê ông; ông bị oan, nào ông có nói xấu, ông chỉ viết sự thật bằng văn chương. Còn cái tiểu thuyết “ Ngửa mặt nhìn trời” do nhà xuất bản tỉnh in thì um xùm hơn. Á à, ông ta dám phê phán, nói xấu lãnh đạo tỉnh, huyện, xã là những ông quan tham nhũng, mua quan bán chức, hà hiếp người dân để dân đen phải ngửa mặt kêu trời à? Thu hồi, cấm phát hành, theo lệnh của tỉnh, Sở Văn hoá đã cho thu hồi cuốn sách. Còn ông thì bị cảnh cáo về đảng, bị cách chức trưởng phòng xuống làm chuyên viên. Đồng nghiệp, bạn bè xa lánh ông vì sợ liên luỵ, may mà có vợ con ngày đêm chăm sóc động viên chứ không ông đã quỵ ngã. Cũng nhờ vợ con ông năng động bỏ biên chế ra buôn bán thuốc tây dưới cái mác dược sĩ của vợ ông nên bây giờ gia đình ông trở nên giàu có, hai đứa con hai dinh cơ, hai chiếc xe hơi, ông cũng được vợ con mua riêng cho một chiếc có lái xe riêng để phục vụ. Ông đi thủ đô, vào Nam ra Bắc, hết tiền chỉ cần ra chỗ nào có ATM rút thẻ là có tiền, cuộc sống vật chất của ông thật viên mãn.

Nhà văn Ký lấy ba nén hương châm lửa, kính cẩn cắm lên bàn thờ. Mùi hương thơm ngát nhanh chóng tỏa khắp căn phòng. Mặc dù văn chương hạ giới bây giờ rẻ như bèo, ông bán phở, bà bán thịt lợn cũng có thể bỏ tiền ra in thơ nhưng đối với ông văn chương vẫn là thứ thiêng liêng nên mỗi khi bắt đầu ngồi vào bàn viết ông đều thắp hương. Ông không khấn nhưng ông nghĩ khói hương sẽ giao hoà trời- đất, âm- dương, người sống- người chết và hồn chữ nó cũng sẽ nhập vào con tim, khối óc ông. Ông biết mình không đủ tài năng để trở thành nhà văn nổi tiếng nhưng ông muốn là nhà văn tử tế, viết ra có người đọc, có chút gì ý nghĩa cho đời. Hết một tuần nhang nhưng những ngón tay của ông cứ thừa ra, bàn phím im lặng, màn hình vi tính trắng xóa. Nhà văn Ký đứng lên, cầm ly cafe nhấp nhấp, vị cafe đăng đắng có làm cho ông tỉnh táo nhưng không làm cho ông hưng phấn. Ông quyết định đi ra ngoài ngôi biệt thự mà hai người con xây riêng cho vợ chồng ông dưỡng già, thật ra là cho chính ông vì ngày trước, ông hay than vãn rằng, nhà văn phải có phòng viết yên tĩnh, phải có không gian, cây cối, chim chóc thì viết văn mới hay. Nhưng đã ba tháng kể từ ngày chuyển từ nhà mặt phố xuống ngôi biệt thự này để ở, cuốn tiểu thuyết mà ông cho rằng cuốn gối đầu giường của ông vẫn chỉ là những trang màn hình trắng. Thực ra ông có viết được mươi trang nhưng đọc thấy nhạt nên lại xóa đi.

– Cúc cù cu cu!

Có tiếng chim hót ở ngoài vườn, nhà văn Ký đi ra, nhìn thấy ông, người con trai vui mừng:

– Con định mang con chim này lên cho bố nhưng sợ bố đang sáng tác.

– Chim gì vậy con?

– Dạ, con chim cu này quí lắm đấy bố ạ!

Anh con trai chỉ con chim cu đang nhốt trong lồng nói với ông, chim cu biết gáy theo mấy cung bậc, con nào biết gáy bốn tiếng cúc cù cu cu như con này là thuộc vào loại quí hiếm. Đặc biệt con chim cu này còn biết dập hai cánh, cúi lạy người nữa nên càng có đẳng cấp. Biết ông thích chim nên anh phải mua năm triệu con chim này về nó gáy để ông có cảm hứng sáng tác. Anh nói về cảm hứng sáng tác nhưng chẳng biết mùi vị nó thế nào, chỉ thấy bố anh bảo viết văn quan trọng phải có cảm hứng nên vợ ông và con ông luôn luôn chiều ông. Chiều không phải họ thích ông viết văn, cái nghề quá khổ quá bất hạnh mà chiều để chồng để bố được sống với thú vui tuổi già của mình. Ngay cả khi xây biệt thự cho ông ở vì nghĩ rằng cả đời ông khổ nhiều rồi song vẫn nói thác đi xây biệt thự để ông có không gian yên tĩnh viết văn, nghe cho nó sang trọng cho nó hợp với tâm trạng thì ông mới đồng ý chuyển về ở.

Quả nhiên có con chim cu làm bạn, nghe nó gáy cúc cù cu cu, lại nhìn nó dập hai cánh cúi đầu lạy chào mình mỗi khi đi qua chỗ cái lồng nhốt nó, nhà văn K có phần vui vẻ hơn, ông đã nhúc nhắc gõ bàn phím.

Sáng nay nhà văn Ký phá lệ ăn sáng, uống cafe ở nhà, ông nhận lời mời của ông bạn thân đi ra nhà hàng ven sông ăn sáng. Một nhà hàng sang trọng, khách đến cũng toàn những người sang trọng. Ông và bạn ngồi ở cái bàn kê ngay sát bờ sông, hai người đang ăn thì ông chủ quán râu trắng, tóc nhuộm đen đi đến bên có vẻ nhún nhường:

– Xin lỗi có phải ông là nhà văn Ký?

– Dạ phải.

– Thật hân hạnh cho nhà hàng của em hôm nay được tiếp một nhà văn nổi tiếng của tỉnh nhà. Dạ nhân tiện em vừa in một tuyển tập thơ- nhạc, em xin tặng ông một tập.

Ông chủ quán đặt tập tuyển thơ- nhạc đã có sẵn chữ ký vào tay nhà văn Ký. Một tập sách dày 500 trang, giấy trắng, bìa cứng. Bìa bốn in chân dung, tiểu sử tác giả và tên ba mươi tập thơ đã được in ở các nhà xuất bản trung ương và địa phương. Nhà thơ- chủ quá bảo có ngày ông viết được hai lăm bài thơ. Nhà văn Ký trợn mắt nhìn chủ quán tỏ ra thán phục. Chủ quán nói, vậy đã nhằm nhò gì, một ông Phó bí tỉnh vừa nghỉ hưu trong một năm mà in được những bảy tập thơ, ra được hai đĩa VCD thơ. Làm thơ, in thơ ồ ạt đang là mốt thịnh hành của các đại gia và quan chức bây giờ mà. Nhà văn Ký và bạn ông chưa hết ngạc nhiên thì một người đàn bà đẹp, đẫy đà, cổ và tay đeo đầy vàng dắt con chó lông xù từ tắc- xi đi vào. Người đàn bà và con chó đi lại chiếc bàn trống ở cuối, người đàn bà ngồi xuống, con chó cũng nhảy tót lên ghế ngồi một cách thản nhiên như thể đây là chỗ VIP đặt riêng cho nó và chủ nhân của nó. Nhiều người hay đến quán nên đã quen với người đàn bà và con chó nhưng với nhà văn Ký, đây là lần đầu tiên ông đến quán này nên ông cứ trố mắt hết nhìn người đàn bà lại nhìn con chó. Nó cũng được gọi riêng cho một tô phở gà, cũng có trứng đập, cũng có rau thơm, nghĩa là như bát phở của người. Nhưng sáng nay có lẽ con chó bị mệt nên nó chỉ ăn hết lưng bát phở, thế nên chỗ phở thừa của con chó đã khiến cho một người đàn ông ăn mày vừa bước vào nhầm tưởng của ai bỏ thừa. Người ăn mày cầm bát phở thừa của con chó húp đánh soạt. Người đàn bà rít lên:

– Trời ơi! Hôi quá, chủ quán đâu?

Vợ chủ quán, một người đàn đẹp lộng lẫy mặc váy đỏ chạy ra chửi mắng người ăn mày là đồ ngu ngốc, mắt mù hay sao mà không biết thân phận nghèo hèn của mình, dám bước vào cái nơi sang trọng này để ăn xin. Người ăn mày run lên vì sợ hãi, vội vã quay ra. Vợ chủ quán rối rít xin lỗi người đàn bà và con chó, nói sẽ làm một tô phở khác đến cho con chó. Hàng chục con mắt đổ dồn về phía hai người đàn bà đẹp, người ăn mày và con chó nhưng tất cả đều im lặng. Miệng đắng ngắt, nhà văn Ký nhè miếng phở ra rồi đuổi theo người ăn mày đang chống gậy, đeo chiếc túi vải đi trên vỉa hè:

– Cụ ơi! Cụ bao tuổi rồi?

Người ăn mày ngước nhìn nhà văn Ký, mãi sau mới lên tiếng:

– Tôi gần tám mươi tuổi!

– Thế con cháu đâu mà cụ phải đi ăn xin thế này?

– Chúng nó ở quê nghèo lắm, phải nuôi con cái nên còn sức tôi còn đi kiếm ăn được.

Nhà văn Ký móc ví lấy ra tờ bạc một trăm nghìn biếu người ăn mày. Người ăn mày đưa tờ bạc vào sát mắt nhìn kỹ, những một trăm ngàn, chưa bao giờ ông nhận được một món tiền lớn như vậy. Lập tức người ăn mày quì sụp xuống chân nhà văn Ký vái lạy ba lạy. Nhà văn Ký vội đỡ người ăn mày đứng lên, đôi mắt ông cay sè.

Trở về ngôi biệt thự, nhà văn Ký lên phòng viết, nỗi buồn nhân thế mà ông vừa tận mắt nhìn thấy ở quán ăn sáng đã thôi thúc ông ngồi vào bàn viết nhưng than ôi, chữ nghĩa vẫn cứ lẩn trốn ông. Ông đứng dậy đi đến bên cửa sổ, lập tức con chim cu cúi lạy ông:

– Cúc cù cu cu!

Toàn thân nhà văn Ký run lên, hình ảnh cúi lạy của con chim cu khiến ông vui vẻ hàng ngày thì giờ làm ông xúc động, thì ra ông đang liên tưởng đến sự cúi lạy của người ăn mày. Không thể để con chim ở đây nữa, nó sẽ ám ảnh ông, ông cho gọi người con trai đến, nói như ra lệnh:

– Con thả ngay con chim cu này ra.

– Sao thế bố? Nó không hót nữa à?

– Không, nó vẫn hót nhưng thả ngay, thả ngay ra!

Người con trai vẫn còn đang đứng há mồm không hiểu điều gì đã xảy ra với bố với con chim cu thì nhà có khách. Một người đàn bà quí phái xin được gặp nhà văn Ký. Một người bạn học thời phổ thông? Một độc giả hâm mộ văn ông? Hay lại người người trong câu lạc bộ thơ phường mời ông đi sinh hoạt? Không chính là người đàn bà – chủ nhân của con chó trong quán ăn sáng nay. Ông đã toan quay đi không tiếp nhưng người đàn bà đã cúi lạy ông, nước mắt lã chã tuôn rơi. Không đành lòng, nhà văn Ký rầu rĩ hỏi:

– Cô gặp tôi có việc gì?

– Dạ, em muốn mua lại chon chim cu của nhà ông, bao nhiêu em cũng mua.

Con trai ông nhanh nhẩu bảo con chim anh mua năm triệu, người đàn bà đáp ngay, bà sẽ trả năm mươi triệu. Đôi mắt anh con trai sáng lên nhưng đôi mắt của nhà văn Ký thì lại tối sầm, ông bảo ông không bán mà muốn thả con chim ra để nó được bay bổng, tự do trong bầu trời tự do. Người đàn quì sụp xuống chân ông, van xin ông hãy bán con chim cho bà, chỉ có con chim cu nhà ông mới có cái giọng gáy giống tiếng người và cũng chỉ có con chim nhà ông khi gập người cúi lạy nó còn xoè cả hai cánh như thể con người đưa hai tay dập đầu xuống cúi lạy. Sở dĩ bà biết được những điều chi tiết về con chim cu gáy của ông vì bà cũng đã đi lùng mua chim cu gáy, chính chủ nhân bán con chim cu này cho con trai ông đã giới thiệu về con chim còn ông chủ quán kiêm nhà thơ sáng nay biết ông là nhà văn đang sở hữu con chim thì cho bà địa chỉ để bà tìm đến đây. Một lần nữa nhà văn Ký lại bị ám ảnh bởi hình ảnh quỳ lạy, người ông nổi da gà, ông thở hổn hển như đang lên cơn suyễn. Thật quái quỷ, không hiểu cái ngày này là ngày gì mà ông lại bị bủa vây bởi sự quỳ lạy, người ăn mày quỳ lạy, con chim quỳ lạy và bây giờ là người đàn bà quỳ lạy!

Người đàn bà được người con trai của nhà văn Ký nâng dậy, bà lau nước mắt nói với ông, nhà văn là những người nghèo nhưng sống nhân văn, nếu có con chim cu này sẽ cứu được chồng bà thoát khỏi chứng bệnh trầm uất, thậm chí khỏi cả cái chết vì dạo này chồng bà hay có ý định tự tử. Ông hỏi người đàn bà, chồng bà là ai, mắc chứng bệnh gì mà cần con chim để chữa bệnh. Người đàn bà thật thà nói về chứng bệnh trầm uất của chồng mình. Nghe xong nhà văn Ký bảo:

– Thì ra bà là vợ của ông B?

– Dạ, ông cũng quen nhà tôi?

– Không quen nhưng rất nhớ vì ngày trước chính ông ấy ký lệnh thu hồi cuốn sách của tôi.

– Ôi em lạy ông hãy tha thứ cho ông ấy!

Nhà văn Ký chán nản, muốn tống cổ người đàn bà ra về nên bảo tặng người đàn bà con chim này, chỉ dặn phải chăm sóc nó cẩn thận. Người đàn bà sung sướng như vừa trúng số, bà đinh ninh ông sẽ bán cho bà cái giá năm mươi triệu, thậm chí ông sẽ đòi một trăm triệu bà cũng mua nhưng ông cho không bà. Đúng là hâm như nhà văn! Bà xách chiếc lồng chim đi ngay, bà sợ nhà văn K thay đổi quyết định.

Người đàn bà đem lồng chim ra về, bà treo chiếc lồng chim ngay ở cửa ra vào. Ông B, chồng bà đang ngủ, bà đi sang phòng bên cùng với một người con trai và một người con gái bật màn hình lên xem chiếc camera đặt ở phòng chồng quay hình ảnh người chồng đang ngủ. Từ ngày ông B hay có những hành động quyên sinh, vợ con ông đã lắp đặt camera để theo dõi.

Ông B trở mình, ho lên mấy tiếng, ông ngồi dậy đi lại bàn rót nước lọc uống. Chợt ông nhìn thấy con chim, ông tò mò đi lại. Lập tức con chim giang hai cánh, dập đầu lạy:

– Cúc cù cu cu!

Đôi mắt ông B vô cùng kinh ngạc. Con chim lại dập đầu cúi lạy một lần nữa. Ông B thốt lên:

– Tuyệt!

– Rất tuyệt!

Phòng bên, vợ con ông sung sướng reo lên:

– Khỏi bệnh rồi, khỏi rồi!

Người con gái hỏi mẹ làm sao con chim có thể làm cho người bố vốn mấy tháng nay không nói không cười nay lại bật lên thành tiếng được. Người đàn bà thở dài:

– Ngày còn đương chức, bố mày được nhiều người cúi lạy xin chức xin tiền. Về hưu chả có ma nào đến cúi lạy nên ông ấy thấy đời bạc bẽo, sinh chứng trầm uất. Nay con chim này…

– À, …

Người con gái à lên một tiếng, mắt nhìn không chớp vào màn hình. Phòng bên kia, người và chim đang cùng nhau đối thoại:

– Cúc cù cu cu!

– Tuyệt! Rất tuyệt!


TIẾNG CHIM HÓT LÍU LO

Thôi chào bà con, tôi đi đây! Đã chào đến lần thứ ba nhưng ông Giản vẫn chưa chịu bước lên chiếc xe ô tô con đang nổ máy chờ sẵn. Thuyết bực bội, gắt giục bố, ông Giản bước đến cửa xe, ngoái nhìn mọi người. Bỗng ông bật khóc thành tiếng. Cả đời ông, kể cả khi còn bé bị bố đánh, ông chưa bao giờ khóc nghẹn ngào đến vậy cho đến khi vợ ông chết, ông cũng khóc song là cái khóc âm thầm, lặng lẽ. Nhưng bây giờ thì ông đã khóc nghẹn ngào vì phải rời bỏ quê hương, rời bỏ mảnh đất mà ông nội ông, bố mẹ ông và vợ chồng ông đã từng chung sống. Ông chỉ có người một người con trai, lập nghiệp ở Hà Nội. Hai vợ chồng ông sống ở quê, nhiều lần anh con trai bảo bố mẹ bán nhà lên Hà Nội ở với vợ chồng anh nhưng ông và vợ không muốn. Năm ngoái vợ ông mất, ông sống một mình, anh con trai lại giục ông bán nhà, ông bảo ông thích sống ở quê hơn. Con trai ông ra tối hậu thư, nếu ông không lên sống với anh, anh sẽ không sinh con. Nó là đứa con duy nhất, lấy vợ đã ba năm mà vẫn chưa có con, nay tuyên bố không sinh con thì làm sao vợ chồng nó có hạnh phúc, làm sao nhà ông có người nói dõi? Thế nên ông đành phải bán nhà lên ở với con.

Vợ chồng người con trai của ông sống ở khu chung cư cao cấp mười hai tầng, căn hộ ở tầng ba, căn góc nhìn xuống mặt hồ gần đó. Hàng ngày vợ chồng người con đi làm, một mình ông ở nhà hết đọc báo lại xem ti vi, buồn quá, ông mở cửa đi ra hành lang. Ông từ đầu hành lang đến cuối hành lang, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Có lần ông tỷ mẩn đếm xem tầng ông có bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu chiếc bóng đèn chiếu sáng ở hành lang. May mắn sao, ông phát hiện ra căn hộ 306 cửa he hé mở, ông đi lại, ông không quen bấm chuông nên gõ nhẹ vào cánh cửa căn hộ 306:

– Cộc, cộc, cộc!

Một khuôn mặt nhăn nhó ló ra:

– Ông hỏi ai?

– À, ông ở căn hộ số 301!

– Ông thông cảm cháu là ôsin, cháu ông được phép cho người lạ vào nhà.

Nói rồi khuôn mặt nhăn nhó đóng sập của lại, ông sững người trong giây lát, ở quê hàng xóm nhìn thấy nhau từ xa đã mời nhau vào nhà uống chén nước thế mà ở đây thì nhìn thấy nhau cứ như nhìn người ở hành tinh khác mới đến. Có lẽ cô ấy là người giúp việc nên phải nghe theo lời chủ nhà, mình lại mới lên, họ chưa quen mình nên đề phòng với mình cũng phải. À, phải rồi, cái ông Định ở căn hộ số 305, mình đã vài lần nói chuyện với ông ấy ở dưới sân của chung cư, mình sang đấy thăm chắc ông ấy sẽ không sập cửa. Ông Giản đi lại trước của căn hộ 305, ông lại giơ tay lên gõ cửa, gõ tới ba lần mà vẫn không thấy của mở, ông đã định quay đi nhưng chợt nhìn thấy dòng chữ” Xin bấm chuông”, ông lần tay theo mũi tên, ấn chuông. Quả nhiên cửa mở, mà người mở cửa lại chính là ông Định, ông mời khách vào nhà chơi. Hai ông già đang hàn huyên vui vẻ thì hai đứa cháu nội của ông Định từ buồng ngủ lao ra nô đùa ầm ĩ. Ông Định quát chúng be bé cái mồm thôi để ông nói chuyện nhưng chúng vẫn hô toáng lên. Cô con dâu của ông Định đi ra, ông Giản đỏ cả mặt, cô mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn, cái cổ áo trễ xuống lòi cả vú ra, thấy khách, cô gật đầu chào. Bỗng ông Giản sổ ra một tràng hắt xì hơi, cô con dâu lo lắng hỏi:

– Bác bị cảm à?

– Không!

– Bác mới ở quê lên?

– Ờ, bác mới ở Hưng Yên lên.

– Quê bác đang bị dịch cúm gà, không khéo bác bị lây cúm gà thì nguy lắm, phải cách ly đấy!

Thế là người ta đuổi khéo ông, sợ ông bị nhiễm cúm gà H5, H6 gì đó, lây sang nhà họ. Ông Giản đứng dậy xin phép ông Định ra về mặc cho ông Định cứ hồn nhiên, ấy ấy chả mấy lúc ông sang chơi.

Thế là ông Giản lại lủi thủi đi về, ngồi héo hắt trên ghế xa lông. Thi thoảng ông lại đưa tay lên lau nước mắt. Dạo này ông hay khóc lắm, ông nhớ quê, nhớ bà con hàng xóm. Có lần ông bảo con trai:

– Thứ bảy, chủ nhật con không đi làm thì đưa bố về quê, bố nhớ bà con hàng xóm lắm!

– Bố vẽ chuyện, nhà bán rồi về ở với ai? Thành phố văn minh, ăn ngon, ở sướng, bố về cái xứ quê nghèo ấy làm gì?

– Thì con cũng phải cho bố về quê để thắp cho mẹ con nén nhang!

– Ôi dào, nhà con cũng có bàn thờ, bố muốn thắp hương cho mẹ thì cứ vào đấy mà thắp.

Ông không nói gì nữa, chỉ ngồi lặng im, tay mân mê chén nước trà.

Sáng nay, trời thật đẹp, nắng vàng, gió làm lá cây rơi rụng lả tả xuống đất, có nhiều chiếc lá rơi xiên xiên cả xuống mặt hồ, ông đang nhìn lá rơi qua cửa sổ thì chợt thấy con chim chích nhảy nhót tìm sâu trên cành cây ngay sát cửa sổ nhà ông. Ông đi vào phòng bếp, bốc một nắm gạo, rải rải lên bậu cửa sổ rồi lùi ra xa. Con chim chích không nhìn thấy hoặc không hiểu được tấm lòng của ông nên không bay đến ăn gạo. Ông Giản nói với con chim:

– Gạo tám thơm ông mới mang ở quê lên đấy, ăn đi!

– Chích, chích!

– Mày chê gạo đặc sản ở quê à? Hay là mày chỉ thích ăn sâu thôi, ở đây tao không bắt được sâu, giá mà mày ở quê thì tao bắt khối sâu cho mày!

– Chích, chích!

Con chim vụt bay đi, ông Giản nhìn theo cảm thấy có cái gì đó hụt hẫng. Hai hôm sau con chim không đến, ông tưởng nó sẽ chẳng bay đến nữa nhưng mấy ngày sau con chim chích lại bay đến cái cây sát cửa sổ nhà ông kiếm sâu. Ông quan sát com chim, nó nhảy từ cành này sang cành khác, nghiêng ngó tìm sâu. Sâu ở thành phố bây giờ cũng khó kiếm vì sự ô nhiễm của môi trường. Ngay cả đến con người ở thành phố cũng đang xem sâu như một vị cứu tinh, người ta ra chợ không chọn rau non tươi tốt mà chọn những mớ rau có nhiều sâu ăn để mua. Thứ rau bị sâu ăn quá ít chứng tỏ sâu cũng đang bị thuốc sâu làm cho tuyệt chủng. Ông Giản thấy thương con chim, chợt nghĩ ra được điều thú vị, ông vội đi vào phòng khách lấy giò phong lan ra treo lên song sắt cửa sổ rồi lại rắc mấy chục hạt gạo lên bậu cửa. Quả nhiên con chim chích bay đến chỗ giò phong lan, vạch lá tìm sâu. Không thấy sâu nhưng nó nhìn thấy những hạt gạo, nó đậu xuống bậu cửa dùng cái mỏ bé xíu nhặt gạo ăn. Lúc sắp bay đi, con chim chích đã nhìn thấy ông đang chăm chú nhìn nó. Nó nghiêng nghó cái đầu, ra vẻ nghĩ suy điều gì đó. Con chim bay đi, ông Giản thở dài:

– Mày chẳng thèm cảm ơn hay chào tao lấy một câu. Người thành phố sống nhạt hay mày là chim thành phố cũng sống khinh khỉnh cho nó ra dáng quan trọng hơn chim nhà quê?

Trách chim thế nhưng những ngày sau đó, ông lại treo giò phong lan, rắc gạo ở cửa sổ và con chim chích lại bay đến. Bây giờ thì con chim đã quen thân với ông, nó cũng không sống nhạt nữa mà tình cảm, chân thành. Mỗi lần bay đến, đầu tiên, nó cất tiếng hót như thể cất tiếng chào ông:” Chích, chích”. Ông mỉm cười, đáp lại:” Chào anh bạn nhỏ!”. Trong cái thế giới cô đơn này, ông Giản đã tìm cho mình được một người bạn chí cốt, mỗi sáng tầm chín giờ, khi thấy con chim chích chưa bay đến là ông lại thấp thỏm. Nó bị ốm hay con nó bị ốm? Hay hôm nay trời có giông, gió to nó không bay được? Kia rồi, nó đã bay đến:” Chào anh bạn nhỏ!”. “ Chích, chích- Chào người bạn lớn!”.

Hàng ngày hai vợ chồng người con của ông đi làm, thứ bảy, chủ nhật được nghỉ thì hai vợ chồng lại đi đến nhà bà ngoại, đến nhà bạn bè hay đi picnic thành ra ông Giản gần như cả ngày chỉ có duy nhất một người bạn nhỏ đến thăm nhưng nó cũng chỉ đến thăm ông được vài chục phút rồi tất tả ra về với mái ấm của nó. Hôm nay là thứ bảy, như thường lệ, ông Giản và người bạn nhỏ lại gặp gỡ nhau. Có điều khác biệt là con chim bạo dạn hơn dám bay hẳn vào trong phòng khách. Chim và người đang vui vẻ thì đột nhiên hai vợ chồng người con trở về. Chả là Lê – con dâu ông thấy người khó ở, bụng đau vì đến ngày kinh nguyệt nên quyết định không đi Suối Hai nữa. Vừa nhìn thấy con chim, Lê đã thảng thốt kêu lên:

– Chim sa, cá nhảy, độc lắm!

Ông Giản vội vã thanh minh, đây là con chim mà ông vẫn hay cho ăn gạo chứ không phải là chim sa cá nhảy. Đất lành chim đậu, nó đến là mang theo điều may mắn. Anh con trai tức giận:

– May mắn gì, có mà bố rước họa vào nhà thì có.

Thuyết vào nhà vệ sinh cầm cái chổi lau nhà xua đuổi con chim. Con chim hốt hoảng bay đâm sầm vào cả vào song sắt. Khi con chim đã bay vụt đi, anh con trai nói với ông Giản, từ nay ông không được cho con chim ăn gạo nữa, phải đóng cửa sổ lại, không cho nó bay vào nhà.

Ông Giản nghĩ, con chim bị con trai ông đánh đuổi, sợ bạt vía sẽ chẳng dám bay đến nữa nhưng không, sáng chủ nhật hôm sau nó vẫn bay đến bên cửa sổ. Nó bay đến như một sự bắt buộc, bởi nó đã tìm kiếm hàng giờ mà vẫn không bắt được sâu, nó có thể nhịn đói chứ không thể để cho mấy đứa con của nó ở nhà bị đói. Những lần bay đến bên cửa sổ ăn gạo, bao giờ nó cũng dành gạo trong mồm mang về cho đám con. Nó cũng rất sợ trận đánh đuổi của người con ông Giản nhưng không bay đến thì lũ con sẽ đói thế nên con chim chích lại liều mình vì con. Vừa đáp xuống bên cửa sổ, con chim đã cất lời chào: “Chích, chích!”, không thấy người bạn lớn đâu, nó bay ngược lại cái cây gần đó. Người bạn lớn của nó vẫn còn giận vợ chồng người con trai nên đã xuống đất, đi la cà chỗ này chỗ kia.

Thấy con chim bay đến bên cửa sổ, cô vợ bảo chồng nó quen rồi, ngày nào nó cũng sẽ đến. Anh chồng bảo đến khổ, ông già lẩm cẩm lại đi rước cái của nợ này về, không khéo gặp hạn lớn. À, phải rồi đã có cách. Anh con trai dặn vợ vài câu rồi xuống tầng hầm, phi xe máy ra đường Trường Chinh, nơi hay bán thuốc diệt chuột, dán, ruồi , muỗi để mua thuốc chuột. Chả cần phải đến đường Trường Chinh, vừa chạy xe được một đoạn đã thấy một người đàn ông bán hàng rong, hỏi có thuốc chuột không, nghe bảo có, Thuyết mua một gói thuốc chuột Trung Quốc mang về.

Gói thuốc chuột làm bằng gạo có màu tím, Thuyết lấy kéo cắt ra, rắc gạo lên mặt cửa sổ. Con chim chích lúc này đang ở trên cành cây tìm sâu. Nó không để ý đến những hạt gạo mà Thuyết vừa rắc. Lê bảo chồng:

– Nó quen với cảnh bố cho ăn, hay mình nhờ bố!

– Em ngu thế, nó là bạn thân của bố, đời nào ông ấy giết nó!

– À, phải rồi, anh lấy quần áo của bố mặc vào, giả làm bố cho nó ăn, may ra nó bay đến.

Thuyết làm theo lời vợ, vào trong phòng của ông Giản, lấy bộ quần áo của ông mặc vào rồi ra cửa sổ làm động giả rắc rắc gạo lên mặt cửa sổ. Thuyết rất giống bố, lại mặc quần áo của bố nên đã làm con chim nhầm tưởng người bạn lớn của mình đã về. Khi Thuyết và vợ vào trong phòng ngủ, hé mở cửa theo dõi, con chim chích bay đến bên cửa sổ, không một chút nghi ngờ, nó mổ những hạt gạo màu tím nuốt ngon lành. Đúng lúc ấy ông Giản đẩy cửa bước vào, nhìn thấy con chim chích đang mổ gạo, lại nhìn thấy vợ chồng con trai đang thập thò nhìn con chim, ông linh tính được điều chẳng lành với người bạn của mình, ông lại phía cửa sổ. Con chim bị loại thuốc chuột cực mạnh sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu tấn công dữ dội, nó định bay đi nhưng không thể cất cánh được nữa, nó lăn ra giãy giụa, rơi xuống nền nhà. Ông Giản hốt hoảng cầm con chim lên, nó ngước đôi mắt nhỏ xíu nhìn ông lần cuối rồi từ từ khép lại. Từ miệng con chim, một dòng máu đỏ tươi rỉ ra. Ông ôm con chim vào ngực, quay lại phía vợ chồng con trai giận dữ:

– Chúng mày sống độc ác thế này thì làm sao trời cho sinh con đẻ cái!

Thuyết cãi lại bố:

– Bố già nên lẩm cẩm rồi, nó là con vật chứ con người đâu mà xót xa thế.

– Mày câm mồm đi, sống phải lấy cái đức làm đầu, con vật cũng như con người, phải biết yêu thương nó thì cái phúc mới vào nhà.

Ông Giản nói xong, đi vào phòng, lấy quần áo cho vào cái túi du lịch. Ông bỏ thành phố trở về với làng quê, mang theo cả con chim tội nghiệp. Thành phố tất đất tấc vàng, chả có chỗ để chôn con chim, ông mang nó về quê để chôn.

Về quê, ông có lương hưu, cái ăn không phải lo nhưng chỗ ở thì ông chẳng có, mảnh đất và ngôi nhà cha ông để lại ông đã bán đi, tiền bán nhà ông cho hết vợ chồng con trai để nó chạy chữa bệnh vô sinh. Ông nghĩ sẽ vay mượn để mua một mảnh đất nho nhỏ, dựng cái nhà để ở nhưng trước mắt biết ở đâu? Ông đi loanh quanh trong làng, ai cũng thương ông mời ông về nhà mình ở nhưng ông từ chối, đến ở nhà con trai mà ông còn thấy tù túng hơn nữa tính ông không thích nhờ vả.

Ông đi ra rìa làng, nhìn thấy cái nhà để xe tang ông liền đi lại. Ở quê bây giờ nạn nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp cũng được bọn thanh niên tha từ thành phố về nên không còn cái cảnh tối ngủ không đóng cổng, đóng cửa. Mới sẩm tối nhà nào nhà nấy cổng đóng, then cài. Có lẽ duy nhất chỉ có cái nhà để xe của người chết này là không khóa cửa. Hai cánh cửa gỗ khép hờ, ông Giản đẩy cửa bước vào. Được lắm, đêm nay mình có thể ở tạm đây, ở chung nhà với người chết có lẽ dễ chịu hơn. Chiếc xe tang làm bằng sắt, được sơn màu đỏ, có bốn bánh xe. Nó mới được sơn lại thành ra nhà cũ mà lại hóa mới. Ông Giản kiếm được ôm rạ, ông trải vào trong chiếc xe tang tạo thành cái ổ. Ngày xưa ông và bao người làng nghèo khổ, chăn không có mà đắp, ổ rơm ổ rạ đã cứu giúp ông và mọi người đỡ được cái lạnh cắt da cắt thịt. Thời bây giờ, cuộc sống đã khá hơn, người ta dùng đệm ga, ổ rơm ổ rạ đã lùi vào dĩ vãng, thế mà ổ rạ lại trở lại với ông Giản. Có cái gì đó bùi ngùi, thương nhớ lay động lòng ông, ngày ấy nghèo nhưng con người sống với nhau tình nghĩa quá.

Ông Giản lom khom bò vào chiếc xe tang, lựa người nằm xuống. Rạ mới được phơi nắng, thơm mùi dễ chịu, át cả mùi hương của một đám ma mới được đưa cách đây hai ngày. Rạ được ông trải dày nên êm ấm. Ông cựa mình, những thanh lăn di chuyển khiến người ông dịch lên dịch xuống. Ông Giản nhớ lại, năm ngoái chính vợ ông cũng đã nằm ở đây trong chiếc quan tài để người ta đưa ra cánh đồng, ông đưa tiễn vợ ra tận nghĩa trang. Ông thì thầm với vợ rồi cũng có ngày tôi sẽ nằm đây để người ta đưa ra với bà, bà đi trước tôi đợi tôi nhé! Bây giờ thì chính ông đang nằm đây, chỉ có khác vợ ở chỗ ông chưa chết nên chưa được nằm trong quan tài.

Đêm đầu tiên sau bao đêm ngủ ở thành phố, ông mới lại được ngủ ở quê tuy không được ngủ trong ngôi nhà thân quen của mình mà ngủ nhờ nhà của người chết nhưng ông ngủ một giấc ngon lành đến tận khi ánh mặt trời chiếu xiên qua cửa nhà để xe tang. Ông Giản lựa mình chui ra, ông lặng người xúc động khi nghe thấy cả một bầy chim đang líu lo trên cành cây trồng bên cạnh nhà để xe tang mà dưới gốc ông chôn con chim mang về từ thành phố.

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version