Trung Trung Đỉnh – Văn nghệ Quân đội

Bây giờ cả hai người đàn ông của H’Gươnl đều đã không còn! Sau khi chia tay với H’Gươnl, Hiêng lấy cô y tá huyện đội, đẻ được thêm một em bé gái thì cả hai người cùng hi sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến dưới chân Chư Mố. H’Gươnl hay tin liền đến huyện đội xin cho cô được nuôi con gái, cho hai đứa con nít có anh có em.

Tin Thịnh chết do chất độc hoá học của Mĩ từ mấy anh H15 với một cú điện thoại của ai đó đã đánh gục bà K’Sorh H’Gươnl. Nhiều năm qua K’Sor H’Gươnl sống bằng tình yêu của bà với anh Thịnh. Không đêm nào bà không mơ thấy anh. Bà mơ thấy Thịnh đang ôm bà, đôi môi hai người vừa chạm vào nhau thì cánh quạt trực thăng quất vù vù và Thịnh bỗng dưng giật thót người vùng bỏ chạy. Trong mơ bà cố sức đuổi theo nhưng đôi chân cứ quấn vào nhau không sao gỡ ra được. Tỉnh dậy đôi chân vẫn cứng, dáng Thịnh sấp ngửa chạy lẩn quất đâu đó trong rừng. Rồi bà lại chìm vào giấc ngủ nặng nề với giấc mơ dang dở. Bà thấy anh Thịnh dẫn bà đi dọc con suối cạn, gặp vạt bướm nhiều màu bay túa lên, H’Gươnl bỗng thấy mình nhẹ bẫng bay biến vào rừng bướm để mặc anh đứng ngẩn ngơ. Rồi lại thấy anh Thịnh ngồi trên cái cối gỗ trước cửa bếp, tay cầm quyển sách dạy cho cô học cách đọc chữ “con Kinh”, chợt các con chữ như những con ong bay từ miệng anh bay ra, đậu lên khắp người cô. Cô nhột quá hét toáng lên, miệng cứng lại, tiếng hét bị chận nơi họng làm cô tỉnh dậy. Tỉnh dậy cứ tiếc ngẩn ngơ, người lại lịm đi, mắt vừa nhắm ngủ là đầu lại mơ thấy cánh rừng tình yêu của hai người, khi thì gùi nặng làm đôi vai Thịnh trẹo hẳn sang một bên vì leo dốc mưa, khi thì thấy anh chạy dưới trời nắng nóng bị bom na-pan máy bay Mĩ thả xuống thiêu rần rật, lửa cháy cuồn cuộn, dựng trời. H’Gươnl thấy Thịnh bị lửa ăn xèo xèo, quay tròn trên bãi cát Ia Mơ… Ôi Jang ơi, không thể như thế được. Anh Thịnh ơi, nhảy xuống suối Ia Mơ, nước suối giúp tắt lửa trên người anh ngay mà. Thịnh nhảy ào xuống suối, anh hiện ra lì lợm bên bến nước, nơi H’Gươnl đang ngồi một mình chờ cho cơm chín, trời sáng chưa rõ mặt người. Một quả bom Mĩ hất tung cả soong chảo nồi niêu, hất tung cả cô và Thịnh bay lên ngọn rừng. Thịnh ho sặc sụa và không hiểu sao anh chẳng mặc gì mà người thì cứ bay bay mãi trên rẫy lúa, cô đang hái rau bí gặp lúc máy bay Mĩ phun chất độc, khói từ hai cánh máy bay vàng khè phun ra rây rây thả xuống như mưa bụi, như sương mù trùm kín Thịnh. Anh không có khăn mặt ướt để ngậm như cô. Thế là Thịnh chết lăn quay ra đất. H’Gươnl khóc mà sao đôi chân dài như người đi cà kheo của anh lại co lên, đôi tay gầy dài ngoẵng của anh cũng cong queo cố đưa ra kéo cô đứng dậy. Chạy! Lại chạy! Thịnh cao nghều đang gùi gùi sắn hay gùi củi gùi rau từ ngoài rẫy về, cũng giống như mọi người trong đơn vị, vậy mà chỉ riêng H’Gươnl là thấy khác, thấy thương. Cái cách anh chỉ cho cô học chữ đơn giản mà sao dễ hiểu, mau thuộc quá. Cái cách anh nói chuyện cứ thấy nó sao sao kì kì, nhưng mà cô thấy dễ thương hơn hết thảy mọi người. Cái gì ở Thịnh cũng toát lên vẻ bình thường, thủng thẳng, đơn giản, mà sao cứ khiến H’Gươnl nao nao. Cái cửa bếp bình thường với mọi người nhưng thấp với Thịnh, vì anh cao quá mà. H’Gươnl thấy Thịnh mỗi lần đi gùi hàng về phải quỳ xuống khó nhọc mới hạ được gùi hàng nặng, rồi trợn con mắt lên bê gùi vào trong bếp cho cô. Cô thương anh đứt ruột nhưng không dám nói ra miệng đâu. H’Gươnl lặng lẽ làm riêng cái giàn ở ngay cửa bếp để tiện cho anh mỗi lần có gùi đồ đoàn gì về, đặt xuống đấy, không phải quỳ. Thịnh thì vô tình cứ coi cô như con nít, lại còn xoa đầu người ta khen thông minh nữa, quên chuyện người ta đã có chồng có con. Mỗi lần ở phía trước về anh đều khi thì cho cô cái vòng đeo tay bằng gỗ K’rắc, anh bảo anh tự làm lấy lúc rảnh; khi thì cái lược bằng sắt máy bay Mĩ. Có lần anh cho cô cả một chuỗi dây cườm bằng hạt gỗ nhỏ li ti đẹp đến mức không bao giờ cô dám nghĩ đời cô lại được đeo cái vòng quý hiếm đặc biệt thế này. Mà làm sao bàn tay con người ta lại có thể làm ra được thứ hạt óng ả và nhiều màu chỉ bằng một loại lõi gỗ K’Rắc, thứ lõi gỗ lâu nay đều đã bị bỏ đi ngoài rừng. Thịnh cho cô xem cái giũa bé tí xíu với lại cái khoan cũng bé tí xíu, những thứ “đồ nghề” của anh. Anh bảo đó là hai cái dụng cụ gia truyền cũng giống như hai thứ bất li thân của người trai JRai, đó là con rựa và cái gùi. Không phải, đó là cây ná và con rựa! H’Gươnl bảo cũng không phải, đó là khẩu súng và con rựa. Nhớ lần chiến dịch Chư Mố vừa xong, anh em phía trước về chỉnh huấn, không thấy có Thịnh về, H’Gươnl ngồi ngoài bờ suối cả buổi sáng, quên nhiệm vụ nấu ăn, quá trưa anh em tìm được cô ngồi khóc một mình. Hoá ra anh Thịnh không về vì công tác chứ không phải chết. Vì công tác thì phải có tin riêng cho cô như mấy lần trước chớ. Mấy lần trước có ai từ trận địa về anh cũng gởi quà cho cô mà… Sau đợt công tác ấy Thịnh trở nên khác, anh giữ ý ít dám gặp cô, thậm chí mỗi lần về anh không dám đưa quà cho cô như mọi khi. H’Gươnl buồn không nói. Cô không nói một lời nào đã đành, cô không nhìn anh nữa. Có ai đó trêu Thịnh với cô, cô cũng giả lơ cho họ lạt câu chuyện trêu ghẹo. Thịnh gùi rau gùi củi gùi củ mì về bếp, cô cũng giả lơ làm gì đó “không quan tâm”. Có lần Thịnh nán lại hơ áo, cô không thể không vào bếp. Thịnh tranh thủ lúc vắng người, hỏi:

– H’Gươnl giận anh à?
H’Gươnl không trả lời. Cô chất củi vào đầy trong bếp. Cô đổ nước vào nồi quân dụng rồi đổ một gùi sắn băm vào nấu cho heo… Anh lủi thủi bước ra khỏi bếp với cái áo khô cong khô queo. Mọi lần H’Gươnl đã hơ áo cho anh rồi đấy.

Anh Thịnh nó chưa có vợ có con ngoài Bắc, cả đơn vị ai ai cũng biết. H’Gươnl có chồng là anh Kơ Pá Hiêng, huyện đội trưởng, ai ai cũng biết. Kơ Pá Hiêng lấy H’Gươnl ở làng, có con với H’Gươnl được ba tuổi thì anh yêu cầu cô ở nhà, không du kích du kiếc gì hết. Cô ở nhà đâu được mấy tháng thì anh về đưa vợ vào rừng căn cứ cho làm chị nuôi huyện uỷ. Ở bên huyện uỷ được nửa năm thì anh liên hệ được cho cô về H15 đây. H15 là lính chủ lực toàn anh em miền Bắc, có trình độ văn hoá cao hơn, có tác phong chính quy hơn, có ý thức tổ chức kỉ luật cao hơn, tất nhiên vì thế cho nên độ yên tâm cũng cao hơn. Đó là Hiêng suy diễn tính toán theo cái cách của anh thế. H’Gươnl yêu Hiêng vì cô choáng ngợp bởi vẻ đẹp oai phong của anh mỗi lần về làng triển khai cho du kích đi phục vụ bộ đội vào chiến dịch. Lại càng thương yêu anh hơn khi biết anh đã có vợ hai con, nhưng vì vợ con anh ở trong ấp đã không chịu nổi địch o ép, phải theo người khác phía bên kia để giữ thân. Cả đội du kích làng PLei Dịt giật mình thấy H’Gươnl quấn quýt với Hiêng, mới đầu chú chú cháu cháu, sau anh anh em em, sau nữa là không giữ ý gì hết, cứ nhơn nhơn bá vai bá cổ. Cha mẹ H’Gươnl ở trong làng xa đâu có ai biết gì mà có phản ứng. Cả huyện đội cũng giật mình vì thấy thủ trưởng yêu cô du kích trẻ quá, xinh quá, liệu có bình thường không. Bình thường quá đi chớ, Hiêng nói khi trong cuộc họp chi bộ có người đưa vấn đề “quan hệ nam nữ” của thủ trưởng ra hỏi. Nó ưng mình trước mà. Thế là cưới nhau. Thế là có con. Có con rồi H’Gươnl càng đẹp hơn. Chiến tranh dường như không hề hấn gì đến cô. Da thịt cô nở bung ra, đã trắng càng trắng hơn. Môi cô đã đỏ tươi roi rói giờ càng thắm hơn, tươi hơn, gợi tình hơn. Trước đây cô hát hay một, bây giờ cô hát hay mười. Trước đây trong đám đông có một hai người chú ý đến cô. Bây giờ không ai không nhìn cô vì cô nổi bật lên như bông hoa rừng nở hết mình trước muôn loài cây, muôn loài ánh mắt… Một là Hiêng phải bỏ chức Huyện đội trưởng đưa vợ con về làng thôi. Hai là cô phải bỏ đội du kích tập trung để về làng với cha mẹ thôi. Hai con đường ấy chỉ được chọn một cho cả hai người! Tất nhiên là cô đành thôi sinh hoạt du kích. Cuộc sắp xếp đầu tiên gọn nhẹ hợp lí không chê vào đâu được. Nhưng rồi Hiêng vẫn không đủ yên tâm công tác. Anh được các đồng chí bên huyện ủy gợi ý đưa cô lên, cho làm chị nuôi một thời gian, sau đó đi học văn hoá, rồi học ngành y… Đó là tương lai gần của cô do các đồng chí và anh vạch ra, cũng đơn giản gọn nhẹ như sự thể tất nhiên phải thế. Nhưng ở huyện uỷ một thời gian anh còn cảm thấy không yên tâm hơn. Để vợ ở nhà, mấy chú du kích còn biết sợ cái uy của thủ trưởng huyện đội, chứ còn bên huyện uỷ có nhiều người nói chuyện rất hay. Họ ca hát văn nghệ cũng rất hay. Họ ít phải đi phía trước, ít phải đi phía trước tức là ít chết, lại ăn ngon mặc đẹp hơn du kích, hơn lính bên huyện đội nhiều… Tóm lại là không yên tâm công tác được. May mà có H15 mới chuyển về đây phối thuộc, anh nói chuyện với thủ trưởng Hàn, thủ trưởng Hàn nó vui tính quá, nhận luôn cho vợ anh về, vừa làm chị nuôi vừa làm quản lí. H’Gươnl mới đầu dùng dằng định không đi. Công việc ở đây vừa quen đã phải chuyển đi thế này là thế nào? Đây là công tác cách mạng, Hiêng nói, em phải chấp hành. Nhưng còn con nhỏ ở nhà thì sao? Thì nó đã có ông bà, có anh. Một tháng anh về một lần hai lần thăm con mà. Em chuyển đơn vị mai mốt anh cho em về thăm con được không? Được chớ sao không? Em nhớ con hung rồi. Làm cách mạng không nói chuyện nhớ nhung đâu, từ từ anh lo. Trời ạ, cái gì anh ta cũng bảo làm cách mạng phải thế. Phải xa con. Phải chuyển đơn vị. Phải theo sự sắp xếp của tổ chức. Mà tổ chức đều từ anh ta mà ra. Cho vợ đi khỏi huyện uỷ rồi, Hiêng vẫn không tài nào yên tâm công tác nổi, ý nghĩ vợ anh đang có kẻ nào đó rình rập sắp bắt đi mất luôn ám ảnh anh. Bộ đội chủ lực miền Bắc vừa trẻ đẹp vừa có văn hoá cao, nó không ưng vợ mình thì vợ mình cũng ưng nó mất. Mà đúng là thế thật. H’Gươnl bây giờ không còn là H’Gươnl du kích ngây ngô nữa. Cô mặc quân phục chính quy trông càng đẹp và khoẻ hơn. Lại ăn nói đi đứng sinh hoạt có nhiều thay đổi trông thấy. Trong lán ở có gương lược, dầu thơm, có cả lọ hoa, có cả tranh ảnh treo trên vách. Cô nói tiếng Kinh đã thạo bây giờ càng thạo hơn. Không những thế cô còn được đơn vị bố trí cho học văn hoá. Hiêng không tiện hỏi ai dạy cho vợ anh. Nhưng lúc nào anh cũng canh cánh không yên. H’Gươnl không còn thấy Hiêng đẹp, không còn thấy anh ta oai phong một tí, chỉ thấy anh lúc nào cũng hầm hầm hừ hừ như muốn ăn thịt cô. Những đêm tranh thủ vợ chồng gặp nhau, rừng H15 yên tĩnh đến mức nghe rõ tiếng suối róc rách, tiếng cành cây khô rớt, tiếng con gì đó tắc lưỡi và cả tiếng muỗi râm ran ngoài mùng… Anh không nói không rằng, uống cạn bi đông rượu cần mang theo, không mời vợ uống cùng như hồi mới đưa cô đi thoát li, rồi lao vào giật áo váy cô ra không phải để ái ân mà là để soi đèn pin xem xem có gì thay đổi! Lần đầu tưởng anh đùa, cô cười rinh rích khoái chí trêu anh: “Nó mốc hết rồi”. Anh gầm gừ không nói. Có lần hai người đang “lên đến đỉnh dốc” như cách nói của anh hồi mới yêu nhau, thì bỗng dưng Hiêng giật thót người vùng dậy. Anh ta lao đầu ra khỏi cửa. Trời tối như bưng. Anh ta lại lao đầu vào nhà. Sợ gây tiếng động, anh ta run bắn lên ôm riết lấy cô, khi ấy cô đã nguội lạnh, đã cảm thấy sự ghê tởm. Từ bé đến giờ chưa bao giờ H’Gươnl cảm thấy vô cảm đến mức ấy. Anh ta vày vò cô. Dựng cô dậy. Vật cô ra. Cô như một cái xác không hồn.

 

Một lần. Hai lần. Ba bốn năm lần… Cho đến cái lần mới nhất gần đây, anh đành bất lực nói với cô:
– Tui có còn là chồng của mày nữa không, H’Gươnl?
– Không! – Cô nói – Mình không là vợ Hiêng nữa đâu. Bỏ mình đi.
Anh gầm lên bằng tiếng JRai:
– Không là vợ tui thì là vợ ai?
– Tui không là vợ ai hết!
Hiêng giật khẩu súng K59 ra khỏi bao.
H’Gươnl nói:
– Bắn tui thì dễ nhưng ai nuôi con? Anh để tui về quê tui nuôi con tui!

Ngay sáng hôm sau Hiêng làm việc với thủ trưởng Hàn và cũng ngay trưa hôm đó anh đưa vợ về quê. Cứ tưởng thế là hết, thế là chẳng bao giờ gặp lại anh Thịnh và các anh H15 nữa. Hiêng càng lồng lộn ghen tuông, H’Gươnl càng lạnh lùng xa cách. Hai người về làng mà vẫn còn cãi cọ nhau, già làng và cán bộ làng phạt Hiêng một con heo ba nắm cúng Jang để làm lành…

Ba ngày sau cái bữa uống rượu cúng Jang ấy, Hiêng về đơn vị chỉ huy chuẩn bị đánh đồn Chư Mố. Lần này có H15 phối thuộc, phải nhổ cái gai độc này mới giải phóng được mấy xã vùng ven Cheo Reo. Tổ trinh sát của Thịnh được thủ trưởng Hàn chỉ định đi trinh sát cùng huyện đội. Huyện đội trưởng Hiêng cho anh Pui Bế, người cùng quê dẫn ba anh chủ lực về làng “cắm”. Tổ trinh sát gặp lại H’Gươnl. Thịnh và H’Gươnl đều quá bất ngờ… Và cái đêm đầu tiên liên hoan cùng đội du kích, Thịnh chếnh choáng say. Anh về lán nằm. H’Gươnl đem cháo gà cho anh. Cứ như có sự sắp xếp. Hình như đồng đội có biết tình cảm của hai người nên hai anh kia đều nán lại uống rượu cần, ăn cháo cùng du kích làng. Và Thịnh đã hôn H’Gươnl như chưa bao giờ được hôn. H’Gươnl cũng đáp lại, cô hôn anh, ngã nhào vào lòng anh.

Anh không còn đủ lí trí nữa rồi. H’Gươnl cũng không còn lí trí. Họ quấn vào nhau. Nhưng người Thịnh bỗng dưng run lên bần bật khi H’Gươnl đã sẵn sàng trao cho anh tất cả. Thịnh vùng dậy vơ áo váy cho cô rồi vội mặc áo quần, không nói không rằng chạy biến vào rừng…
Từ hôm đó đội trinh sát của Thịnh cũng lao biến mất vào chiến dịch…

*
* *

Bây giờ cả hai người đàn ông của H’Gươnl đều đã không còn! Sau khi chia tay với H’Gươnl, Hiêng lấy cô y tá huyện đội, đẻ được thêm một em bé gái thì cả hai người cùng hi sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến dưới chân Chư Mố. H’Gươnl hay tin liền đến huyện đội xin cho cô được nuôi con gái, cho hai đứa con nít có anh có em. Cô đặt tên cho con gái theo họ mình là Kor H’Liên. Bây giờ thằng anh nó làm huyện đội trưởng còn con gái nuôi H’Liên thì đã là bác sĩ bệnh viện tỉnh rồi. Nghe câu chuyện tình buồn thương của mẹ, H’Liên đã cùng chồng mua vé tàu xe đưa mẹ ra tận Thanh Hoá dự đám giỗ đầu bác Thịnh. Nào ngờ bác Thịnh đã mất mà phía sau bác vẫn còn nguyên gánh nặng chiến tranh, ấy là hai người con của bác đều bị dị tật bẩm sinh, không những không làm ăn gì được mà còn thỉnh thoảng điên điên khùng khùng. Người vợ bác gầy như que củi không đủ sức lo toan, gặp H’Gươnl cũng chỉ khóc. H’Gươnl gạt nước mắt bảo con gái nuôi và con rể, thôi, để mẹ về làm thủ tục xin chuyển gởi cho bác gái và các em cái sổ hưu và cái sổ thương binh của mẹ, gùi đỡ cho bác Thịnh đoạn đường cuối con dốc của cánh rừng mà bác lúc nào cũng gọi là cánh rừng tình yêu…
Hà Nội, tháng 6/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài