Tên thật: Nguyễn Thanh Phong Sinh năm: 1989, tại Hà Nội. Có truyện ngắn đăng trên một số báo, tạp chí.
Vấn đề hoàn toàn không mới. Vẫn là chuyện các thế hệ không có một tiếng nói chung. Lối sống ngày càng ích kỷ của một lớp trẻ ở đô thị, người mẹ chồng từ nông thôn ra phố không thể nào hòa nhập được kiểu sống phố phường, lại bất lực trước con dâu và cháu mình để rồi họ hoàn toàn xa cách nhau, chối bỏ nhau từ từ trong sự lặng lẽ đầy đau đớn mà không ai tự cho rằng mình có lỗi. Nhưng cái kết của truyện ngắn mới là nỗi đau, còn hơn cả nỗi đau, là sự nghiệt ngã tàn nhẫn của số phận con người trong cái ngôi nhà ai nhìn qua cứ ngỡ là hạnh phúc nhưng đã từ lâu chỉ là “nhà hoang”. Tôi không được đọc nhiều ở Tru Sa, ngoài vài truyện ngắn của anh in trên LĐCT, nhưng luôn tin rằng anh có thể còn đi tiếp trên con đường văn học…
Y Trang


(Minh hoạ của hoạ sĩ Đỗ Phấn)




– Có lẽ phải đưa mẹ về quê! Ở thế này mệt mỏi lắm! – Anh nói.

– Ấy dại! Ở quê có còn ai đâu, mới cả đưa mẹ về bà lại kể lể cho đám nhà quê đó thì bẽ mặt – Anh nói.

– Anh tính thế nào thì tính chứ ở thế này không được đâu!



Để sau đợt hàng này gom tiền xây thêm tầng 4. Vợ chồng mình ở tầng hai, thằng Duy ở tầng 3, thế là yên chuyện.

Anh cười khì khì, anh tiếp tục xem vô tuyến. Cô vợ thở dài, cô cầm lấy tập kịch bản quan trọng mà cuối tuần đã bắt đầu bấm máy ra đọc. Phòng của cô nằm dưới phòng bà mẹ chồng, trần nhà lại tương đối mỏng nên bà làm gì cô đều nghe rõ. Cô diễn viên xinh đẹp không thể chịu được tính cách khắt khe của bà mẹ chồng khó tính, cái khăn, cái áo hay thậm chí cái cốc uống nước dù đã cũ, hỏng nhưng bà vẫn một mực giữ lại và dù cô có cãi tới đâu, thậm chí len lén lúc bà cụ lên phòng để ném tất cả vào sọt rác thì sáng sớm hôm sau cô vẫn thấy nó ở một nơi nào đó trong căn phòng. Cô và mẹ chồng cãi nhau với đủ mọi lý do. Mọi cử động của cô đều bị bà nhòm ngó, chỉ cần cô sơ xẩy làm hỏng chuyện gì là ngay lập tức bà cụ xuất hiện và sau vài lời phê bình là cả một bài giáo huấn cổ hủ mà bà luôn nói rằng “đạo làm dâu phải hiểu”.



Thằng Duy học lớp 8, nó và bà nội cũng chẳng hợp nhau. Hễ bà ôm lấy nó thì nó lại lè lưỡi nói: “Bà nội hôi rình”. Rồi thì nó phủi đít, chạy tót xuống nhà và vùi mình hàng giờ vào trò games. Bà không bảo được nó.



Chuyện gì trong ngôi nhà này hễ có chút xíu đả động tới bà cụ hom hem đấy là cô lại thấy khó chịu. Chồng cô bảnh trai và có ánh mắt phong tình nên cô không muốn thuê người làm. Giúp việc trẻ cô không an tâm còn người già thì cô rất hãi. Cô cáng đáng hết việc nhà, chỉ cần xong vai diễn là cô tất tưởi chạy về nhà, lo chu toàn mọi chuyện trong gia đình. Riêng chủ nhật cô xin nghỉ để quét dọn nhà cửa. Cô chưa lần nào làm anh phải cau mày, nhưng bà cụ khó tính kia thì có.


Có lần bà mẹ chồng đánh đổ bô nước tiểu cất trong gầm giường xuống sàn nhà, bà với tiếng gọi cô với giọng khẩn khoản và khi tức tốc chạy lên thì một mùi khó chịu ộc lên khiến cô buồn nôn. “Lau cho mẹ nhé! Mẹ nhỡ tay”. Cô bịt mũi, mùi khăm khẳm của nước tiểu để lâu ngày bốc sặc sụa khắp căn phòng. Cô oẹ một cái rồi chạy xuống buồng dưới, lát sau cô đi lên và cùng với sự cau có anh dọn hết tất cả.


Anh nói:

– Nhà có buồng vệ sinh riêng sao mẹ không dùng?

– Tao quen ở quê thế rồi! Con dâu gì mới nhờ chút việc đã bĩu môi rồi, rõ là…

– Thôi, lần sau mẹ nhớ vào nhà vệ sinh nhé!

Anh chẳng nói gì, hôm sau lén lén lúc bà cụ ra ngoài đem cái bô vứt đi. Bà biết nhưng cũng đành im lặng, từ hôm đó trở đi bà giận anh ra mặt.



Năm sau, thằng Duy lớp chín. Ngoài đi học nó vẫn chỉ chơi games. Anh xây thêm tầng nữa, bà dọn lên tầng trên và côi cút trên đó. Nhưng dù là thế thì việc giáp mặt nhau vẫn khiến cô khó xử. Hằng tuần cô vẫn phải lên đó quét dọn và lần nào mùi bã trầu, rác và mùi khăm khắm của nhà vệ sinh lâu ngày không dội cũng khiến cô khó chịu. Cô đeo khẩu trang, cầm chổi quét còn ánh mắt thì thỉnh thoảng cứ nhìn bà cụ như kẻ thù.



Bà nội bị đau gan cấp tính, bệnh rất nặng. Anh phải mua đủ thứ thuốc về. Bà uống nhưng mọi thứ chẳng thể khôi phục được sức khoẻ đang ngày một héo mòn. Bà ngày càng gầy, khuôn mặt co lại như quả dừa khô, các nếp nhăn ngày một nhiều, đi chuệnh choạng như người say. Đôi lúc bà ho ra đờm và lần nào bà cũng cuống quýt nhổ trên sàn nhà.


Những bãi đờm đặc sệt dính nhơn nhớp khắp nơi làm cô cảm thấy khó chịu, cô nói khéo để chồng đưa bà cụ về quê nhưng không được. Bà phàn nàn về đủ mọi chuyện trong nhà, chỉ có thằng Duy là dám hỗn công khai với bà. Có hôm bà nhờ nó đấm lưng, nó ậm ờ rồi đấm vài cái thật mạnh khiến sống lưng của bà như sụm xuống, rồi khi bà ngã xuống nó chuồn thẳng. Cô trách con vài câu rồi bảo: “Mày mà còn tới gần bà nội là tao đánh tuốt xác”. Thằng Duy “dạ” một tiếng rồi tót vào phòng.

Bà nội nằm liệt giường, không cử động được. Chứng xơ gan ngày càng nặng và việc phẫu thuật lại trở thành vấn đề nan giải.



– Hay đưa bà vào viện đi!

– Chỉ sợ bà không đồng ý.



– Ôi dào! Anh đặt một suất ở bệnh viện bác sỹ Triệu. Trọn gói luôn. Vợ chồng mình bận bịu, còn chuyện học hành của thằng Duy nữa. Cứ đưa bà vào viện, khi nào khoẻ thì đón về.

Cô có chuyến lưu diễn ở nước ngoài nên phải vắng nhà một thời gian, anh cũng lo cho chuyến hàng sắp tới nên việc đưa bà cụ vào bệnh viện trở thành biện pháp cấp bách. Bà liệt phải nằm một chỗ nhưng khi hai vợ chồng vào trình bày chuyện chuyển vào viện bà có thể nhìn thấy vẻ mừng rỡ của cô con dâu. “Ắt hẳn đây là ý kiến của nó, nó muốn tống mình ra khỏi nhà”. Bà lườm cô cho tới lúc cô ra khỏi phòng. “Lát nữa bác sỹ sẽ tới đón bà, chúng con phải đi rồi”. Cánh cửa được đóng chặt lại, ra khỏi phòng cô bảo: “Nhẹ cả người anh nhỉ”.



Cô vào phòng thằng Duy, lấy cái phong bì dày cộm đưa cho nó rồi bảo: “Lát bác sỹ đến con đưa cái này cho ông ấy”. Thằng Duy không ngoảnh lại, nó dán mắt vào màn vi tính chăm chú như đang khảo cứu công trình khoa học. “Mẹ và bố vắng nhà một thời gian, việc học hành ăn uống con tự lo lấy. Đồ ăn đầy trong tủ không cần mua đâu”. Cô lấy trong túi ra hai triệu, đặt ở mép bàn, bảo: “Cầm lấy đóng tiền học… Làm gì thì làm”. Thằng Duy không nói gì, những con quái thú với đủ mọi hình thù vẫn cuốn hút nó hơn.



Bà nội nằm trên phòng, bà cố gượng dậy nhưng không được. Từ ngày lên thành phố bà đâm ra lười nhác. Sự nuông chiều của con trai không khiến bà vui chút nào, vật chất đầy đủ vẫn khiến bà cảm thấy thiếu thốn. Bà định gọi thằng Duy lên trò chuyện cho đỡ buồn nhưng ý nghĩ vừa mới manh nha đã lập tức biến mất. Bà thở dài, hai tay đặt lên bụng, bà cố ru mình vào giấc ngủ.



Lát sau bà nghe thấy tiếng bấm chuông, bác sỹ đã tới, vậy là thời gian tới đây bà lại phải nằm trong căn phòng xa lạ nồng nặc thuốc sát trùng.



***



Căn phòng lâu ngày không có ai quét dọn trở nên bừa bãi và luộm thuộm. Thật chẳng rõ thằng Duy bày biện kiểu gì mà nhà cửa tan hoang như một bãi rác. Vỏ bánh, vỏ kẹo, mỳ tôm, hộp cơm nằm la liệt khắp nơi trong phòng, mùi xú uế quện đặc sệt. Chẳng hiểu số tiền thằng Duy đã làm gì mà hai tuần đã hết nhẵn. Nhưng dù sao thì cô vẫn cảm thấy vui vì bà cụ ít ra là tạm thời không còn làm phiền cô. Hôm sau chồng cô sẽ về và để tạo sự bất ngờ cô quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ. Sau bộ phim cô được nghỉ hai tuần. Thời gian này thậm chí vợ chồng cô có thể cùng đi du lịch, bởi cũng lâu rồi khong được xả hơi cùng nhau…



Cô quét dọn cẩn thận tất cả ngóc ngách trong căn nhà, dĩ nhiên là trừ tầng tư của bà nội. Trước khi bà tới bệnh viện căn phòng đấy đã được cô quét dọn cẩn thận. Thằng Duy thì chẳng bao giờ lên đó nên chắc việc quét dọn cũng không cần. Hôm sau anh về và sau bữa lẩu thịnh soạn hai người vào phòng. Hai người quấn chặt lấy nhau như đôi trăn kỳ động dục. Chưa lần nào họ quan hệ thỏa thuê đến thế!



Anh định mua ít thức ăn vào viện thăm bà nhưng cô gạt đi. Cô nói: “Không cần đâu, mình đã đưa ngần ấy tiền cho ông Triệu, ông ấy là người biết chuyện, chắc chắn sẽ chăm lo chu đáo”. Anh ậm ừ nghe theo. Rồi anh nhìn thằng Duy, nó đang lục lọi đống bim bim ở tủ lạnh để mang lên phòng. “Hay mai đi học về con ghé thăm bà nội đi”. Thằng Duy sững người lại, mặt tái đi rất nhanh, những gói bim bim được gom thành đống trước ngực rơi lẹp bẹp dưới đất. Cô vỗ mạnh vào vai anh rồi nói: “Con nó còn phải học, thời gian đâu mà…”. Anh định nói thêm vài câu thì cô đã cười xoà rồi lấy lý do phải đọc kịch bản để đuổi thằng Duy lên lầu. Rồi điện thoại cầm tay của anh reo vang. “Tôi là Triệu, bác sỹ của bệnh viện… Thành thật xin lỗi anh hôm trước nhận lời anh tôi đưa xe tới đón bà cụ nhưng bấm chuông không ai mở cửa. Tôi định điện để hẹn lại thì có người ở viện bảo có một ca phẫu thuật cần có sự giúp đỡ của tôi. Sau đó tôi cũng bận quá nên không báo lại. Xin lỗi anh, chiều nay tôi tới đón bà cụ được chứ?”.



Anh hoảng hồn, hỏi lại thì vẫn chỉ nhận được lời xin lỗi vu vơ. Anh chợt nhớ tới đống thẻ Võ lâm có mệnh giá 500 mà thằng Duy cất ở ngăn tủ phòng riêng. Anh không lạ gì, thằng Duy trước giờ chưa có thói quen tiết kiệm… Anh lao lên phòng bà và khi cánh cửa được mở ra thì mùi xú uế bốc ra nồng nặc, căn phòng tối âm âm. Anh nín thở, mò mẫm tìm công tắc đèn.



Căn phòng bật sáng, mùi hôi thối chùm lấy căn phòng như bàn tay người khổng lồ. Bụi ẩm mốc, trong không gian ngột ngạt đó anh nghe thấy tiếng vo ve của loài ruồi. Tấm rèm màu trắng đặt ở cửa sổ đã chuyển màu cháo lòng và khi nhìn về phía chiếc giường toàn thân anh co rúm như con mèo bị nhúng nước, hai con mắt mờ đục lồi ra, chiếc chìa khoá bé con con trượt khỏi bàn tay.



Mùi xú uế ngày một nồng. Bóng đèn kêu “tách” một tiếng rồi từng chùm sáng nhạt dần. Những con ruồi bay quanh chiếc giường. Chúng vo ve bài bản như một cuộc diễu binh.

(Truyện ngắn của Tru Sa)

Báo Lao động Cuối tuần

Exit mobile version