Phạm Thanh Thúy

Cây bút Phạm Thanh Thúy.

Nghe đồn rằng trên núi ấy, vào mùa đông, hoa dã quỳ nở vàng khắp các ngọn đồi. Nhưng rất hiếm có người may mắn được chiêm ngưỡng. Bởi miền đất của hoa vàng ấy thuộc về một gia tộc bí ẩn.

Họ đã từ lâu sống tách biệt khỏi thế giới văn minh. Dĩ nhiên, họ không kết hôn. Gia tộc đó vì thế cứ lặng lẽ lụi tàn. Đồn rằng người đàn ông quyền lực nhất gia tộc ấy ôm một mối hận tình khủng khiếp, đến mức tự triệt tiêu huyết thống của mình trong đau khổ, lặng lẽ.

Nếu đến được đỉnh núi đối diện, sẽ thấy một ngôi làng nhỏ hoang tàn phô những bức tường xám xanh lạnh lẽo trong màu sương khói. Cả một thung lũng và những ngọn đồi nhỏ đều chìm trong bảng lảng khói sương, và chúng chỉ thực sự được tỏa sáng khi mùa hoa dã quỳ nở…

Có một lần, khi còn trẻ, tôi và Hiên cũng đã từng cùng nhau lên núi ấy, với quyết tâm chiêm ngưỡng thung lũng hoa vàng. Đó là một ngày mùa đông, trời rất trong, mây rất trắng, nắng rất vàng, nhưng lạnh vô cùng. Chúng tôi vin theo con đường cong vênh chạy từ chân núi lên cao và vào sâu trong những dãy núi quanh năm phủ sương mờ. Âm thanh làm xáo động không gian tĩnh lặng có lẽ chỉ tiếng động cơ xe máy ì ì leo dốc, và tiếng từng cuộn lá khô bị bánh xe cuốn tung lên, rồi hoảng hốt rơi lả tả.

Vào càng sâu, rừng tỏa hơi càng lạnh, không một ngọn gió nào làm đung đưa những chiếc lá cây, cứ như thể tất cả đã đóng băng, đã hóa đá. Thung lũng hoa vàng càng tìm càng mất hút. Chúng tôi lạc lối giữa một khu rừng mênh mông với nhiều ngả rẽ. Ở cuối một con đường có ngôi nhà hoang đã tróc hết mái, chỉ còn trơ mấy bức tường lạnh lẽo, cây cối và dây leo đan chằng chịt, vẻ cổ quái thâm u.

… Tôi xốc lại chiếc balô màu tro tàn trên vai, để nó chắc chắn không bị tuột trôi khi tôi đổ đèo. Lúc này là cuối mùa hạ, khi lũ ve sầu trong thành phố đã hóa kiếp từ lâu, mà cả khu rừng chìm đắm trong mớ âm thanh bất tận của ve sầu núi.

Con đường lên núi vắng thưa người. Trên đỉnh núi có một ngôi đền, nghe nói rất thiêng, cầu gì được nấy. Chẳng là gần đây ban quản lý khu rừng đón được tâm lý người ta, nên gieo dã quỳ dọc suốt con đường. Hai năm trước Hiên khoe ảnh chụp với dã quỳ cùng người tình ở đâu đó trên những khúc quanh này. Người tình của Hiên, một gã râu chỉ một chỏm ở cằm, trông chẳng đẹp tí nào, và còn gợi cảm giác đểu đểu.

Tôi ghen ư? Làm gì có. Tôi và Hiên đã ly hôn năm năm rồi. Năm năm sau cuộc ly hôn, Hiên đã kịp cặp với chừng ba, bốn gã người tình, già hơn, trẻ hơn, cùng tuổi và đủ các kiểu người trong xã hội. Hiên đã buông mình trôi theo cái nàng gọi là dòng chảy cuộc đời.

Một năm trước, gã người tình râu chỏm của Hiên chủ động liên hệ với tôi. Gã nói Hiên rất cần tôi, đúng hơn, nàng cần sự có mặt của hai đứa trẻ sinh đôi mà nàng đã dứt ruột sinh ra. Hai đứa sống với tôi. Khi ra tòa, nàng từ chối quyền nuôi con. Nàng nói, sinh ra chúng là một sai lầm, sai lầm lớn nhất của đời nàng.

Một năm trước Hiên phát hiện mình bị ung thư, giai đoạn cuối. Tôi cũng không biết người ta đã làm gì với việc chữa chạy, khi khuôn mặt nàng trở nên biến dạng khủng khiếp. Như là nhiều năm trước tôi chưa từng biết gì về vụ ngoại tình đầu tiên của nàng với gã trưởng phòng nơi nàng làm việc.

… Giữa lưng chừng núi là một ngả rẽ, một tiếp tục đi lên cao hơn, tới ngôi đền mà người ta thường kéo nhau đến cầu nguyện, một hun hút ẩn trong sự xùm xòa của những tán cây rừng từ trên cao rủ xuống. Đó chính là con đường mà tôi và Hiên đã đi lạc lần đầu tiên khi chúng tôi mang giấc mộng chìm đắm trong thung lũng hoa dã quỳ vàng rực. Cuối con đường ấy không còn con đường nào khác, chỉ có một ngôi nhà hoang lạnh lẽo không hiểu tại sao lại được xây ở đó, và cũng không hiểu tại sao lại bị bỏ hoang tàn. Mười bảy năm rồi, có thể ngôi nhà hoang đã hoàn toàn mục nát.

Tôi dừng xe, tay phải vô thức xốc lại quai chiếc ba lô màu tro tàn, như sợ nó mỏi mệt và tụt ra khỏi bờ vai. Hôm nay là lần cuối cùng tôi và Hiên trở lại con đường này. Tôi biết, từ sâu tận cõi mê nào đó, Hiên còn một chút luyến tiếc mối tình đầu lắm đắm say mà cũng nhiều lầm lỗi của nàng, là tôi.

Tin Hiên ngoại tình đến với tôi rất nhẹ nhàng, như cách người ta thưởng thức tô phở sáng nhàn tản, dẫu trong bụng đói cồn cào sau nhiều giờ rời xa bữa tối. Hiên dửng dưng thừa nhận chuyện với anh chàng trưởng phòng, và đã không còn khao khát tôi từ lâu.

Khi đó, nếu tỉnh táo hơn, có lẽ tôi đã không hỏi nàng trong đau đớn: “Tại sao thế? Em yêu anh cơ mà?”

Hiên ngồi ghé lên thành cửa sổ, ngoái nhìn xuống dòng người hối hả chạy đi chạy lại như những con kiến cần cù đang khuân thức ăn về tổ ấm của chúng. Nàng nhả từng chữ: “Em yêu anh. Nhưng em còn yêu anh ấy hơn anh. Khi gặp anh ấy, em mới nhận ra chúng em sinh ra là để thuộc về nhau”.

Sống với nhau mười năm. Tôi đã tưởng mình chỉ còn một mục đích duy nhất trên đời là vì Hiên và các con mình. Ơn giời là chúng giống tôi, như ba giọt nước. Hiên vì thế mà mai mỉa: “Em khác nào đẻ thuê cho anh”.

Lẽ ra tôi phải sớm nhận thấy dấu hiệu của sự phản bội ở câu nói đó. Khi một người phụ nữ sinh con cho người mình yêu, cô ta đã không thể nhẫn tâm nói những lời như thế.

Gã râu chỏm, có lẽ cũng là một người tốt, khi không nỡ phũ phàng rũ bỏ Hiên lúc nàng bệnh tật. Xét cho cùng, gã và nàng cũng chỉ nhân ngãi đắp đổi, chẳng thể ràng buộc nhau bởi cái nghĩa vụ của hôn nhân. Nghe nói vợ gã chết lâu rồi. Gã cô đơn.

Xét cho cùng, con người rất bội bạc. Họ bội bạc với chính bản thân họ. Họ rất nhanh quên những đau thương, cũng rất nhanh quên hạnh phúc. Ngày hôm sau họ hạnh phúc hơn ngày hôm trước, thì ngày hôm trước chẳng có nghĩa lý gì với họ hết.

… “Hiên chết rồi!”. Khi gã râu chỏm gọi cho tôi, chỉ một câu cộc lốc như vậy, tôi không nghe thấy có tiếng rơi của những mảnh vụn vỡ nào, dù nhỏ thôi, ở quanh mình. Trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng. Chỉ là đang giữa mùa hè, bầy ve sầu ra rả bên dưới chân tòa nhà, trong những chỏm cây xanh thẫm.

Nhưng chính thế mà tôi nhớ đến cái ngày trời xanh mây trắng nắng vàng nhưng buốt lạnh của mùa đông mười bảy năm trước tôi và Hiên đã từng bên nhau, khi chúng tôi leo núi để thỏa lòng ngắm thung lũng hoa dã quỳ vàng rực.

… Con đường dẫn vào ngôi nhà hoang đã không đến nỗi âm u mịt mù như mười bảy năm trước tôi từng gặp. Bây giờ người ta cũng gieo dã quỳ dọc bên đường, và nghe nói ngôi nhà hoang đã trở thành một điểm đến du lịch cho những ai ưa những mộng mơ pha trộn chút ma mị ảo huyền. Tôi để chiếc xe trôi theo con đường đang úm một mùa hoa vàng rực ấy. Hiên đã chết rồi. Trong cô độc, và có khi chỉ gã râu chỏm ở bên. Cuối cùng, có thể gã mới là kẻ sinh ra để thuộc về nàng, mãi mãi.

Tôi đã từng muốn đưa Hiên trở lại nơi này, không phải vì còn nhớ thương Hiên. Cũng như tôi không còn tồn tại trong trái tim nàng, nàng cũng đã bước ra khỏi những vướng bận cuộc đời tôi. Tôi chỉ muốn được cùng nàng biết điều mà tuổi trẻ của chúng tôi từng ấp ủ, về thung lũng hoa dã quỳ, về người đàn ông hận tình đã giam cầm cả gia đình trong một thung lũng buồn thương u tối.

Ngôi nhà hoang đúng là đã trở thành điểm đến du lịch, mặc dù nó vẫn tiếp tục đổ nát, không đũa thần kỳ diệu nào cứu được. Một nhóm thanh niên đang rổn rảng ăn uống và ngả ngớn chụp ảnh.

Có một con đường nhỏ phù đầy lá khô bên hông của ngôi nhà. Tôi lặng lẽ đi theo con đường mòn đó. Một quãng dài, khi chỉ còn nghe tiếng bước chân mình trên lá, tôi sững người trước một thung lũng xanh ngát đột ngột mở ra trước mặt. Dã quỳ phủ dày chạt, vẫn chưa mùa hoa nở, nhưng lác đác vài bông trái mùa như những mặt trời bé bỏng rơi rụng xuống ngàn xanh.

Chẳng có ngôi làng với những bức tường xám lạnh hoang tàn nào ở đó, hoặc nếu có, chúng đã bị cỏ cây nhấn chìm tự lâu rồi. Mười bảy năm trước, nếu tôi và Hiên chịu nhấn thêm vài bước chân, chúng tôi đã thấy thung lũng hoa vàng.

Nhưng chẳng để làm gì nữa. Tôi mở ba lô lấy chiếc lọ nhỏ đựng một thứ tro tàn xám lạnh. Tro tàn của hạnh phúc trôi khỏi tay tôi, theo gió tan vào thung lũng…

Phạm Thanh Thúy (tên thật Phạm Thị Thúy) sinh ngày 17.3.1979. Tốt nghiệp Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2013, hiện công tác tại Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Chị là một trong những cây bút trẻ đang được chú ý.

 

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version