Lê Văn Thảo là nhà văn Nam Bộ thứ thiệt. Ông có khả năng vô thường. khi nhìn thấu ruột gan nhân vật Nam Bộ trong truyện của mình, vốn thường được thiết lập trên những tình huống rặt đồng quê miền Đồng bằng sông Cửu Long.

Thăm chồng là lựa chọn tình huống truyện vừa bất ngờ vừa tinh tế của lối viết Lê Văn Thảo. Một phụ nữ trẻ Nam Bộ, tay bồng con thơ, tay xách lồng gà, đi “thất thơ” dặm dài đường đất tìm thăm chồng. Cuộc đi đầy thách thức, hiểm nguy, nhân vật phát lộ bằng hết cái vẻ đẹp trung hậu, kiên cường của tính cách phụ nữ Nam Bộ. Điều quan trọng nhất, qua truyện ngắn này thấy được sự phát hiện độc đáo và sự sáng tạo nghệ thuật đẳng cấp của nhà văn, ấy là bản chất con người Việt Nam nói chung là bao dung, độ lượng đầy tình người dù có thể ở hai phía chiến tuyến…

LĐCT chọn truyện ngắn này của Lê Văn Thảo để tưởng nhớ cuộc đời và tài năng văn học của ông. Chúng ta đều hiểu rằng, ông là nhà văn Nam Bộ, và cũng là nhà văn vượt xa ranh giới vùng miền, là nhà văn quốc gia, nhà văn của bạn đọc cả nước.

LĐCT

họa sĩ Lê Thiết Cương

Trên đường đi kháng chiến tôi thường gặp cảnh những người vợ lặn lội đi thăm chồng, những chị phụ nữ vợ bộ đội nên còn rất trẻ, nhà ở vùng giặc chiếm phải vượt qua bao nhiêu vành đai, đồn bót mới ra được tới vùng giải phóng. Rồi cứ thế tay bồng con, tay xách giỏ, chị đi bất cứ nơi đâu nghe tin có đơn vị chồng ở đó. Nhưng bộ đội chân đi vạn dặm, mặt trận mở ra khắp bốn phương trời chị biết tìm đâu để gặp được chồng? Chị cứ đi, đi mãi, cho đến lúc đứa con nhuốm bịnh, hoặc bom đạn ác liệt cản đường chị mới quay trở về, lúc đi cũng như lúc về không lúc nào chị tỏ vẻ thất vọng cả, cảnh ấy cứ theo nhịp độ ác liệt của cuộc chiến mỗi lúc một tăng thêm lên.
Mới đây thôi tôi gặp cảnh một chị phụ nữ đi thăm chồng như vậy.
Tôi ngồi trong chiếc quán bên đường. Trời nắng gắt. Cánh đồng trước mặt nông dân đang làm mùa. Trên trời mấy chiếc trực thăng Mỹ đang bay rột rẹt tới lui. Trong quán ngoài tôi và cô chủ quán còn có một bà lão hay luôn miệng rầy rà kể cực kể khổ, và một bác nông dân có tật nói mấy câu đầu nghiêm chỉnh nhưng câu cuối hết sức bông lơn, vui đùa.
Bác nông dân chỉ mấy chiếc trực thăng trên trời nói:
– Nghĩ mình đánh với thằng Mỹ trận này cũng ghê gớm thật! Nó thì “văn minh kỹ thuật” như vậy, còn mình thì… (Bác ừ à cái gì trong miệng rồi đưa tay chỉ dáng người còm nhom của tôi) như vậy đó – Lại ừ à một lúc nữa rồi bác nghiêm giọng nói tiếp – Cho nên mình không có lòng đoàn kết thương yêu nhau không đánh nổi thằng Mỹ một ngày chớ đừng nói đã đánh mười năm nay – Rồi liếc nhìn chị chủ quán, bác bắt đầu bông lơn – Như chút nữa đây lính Mỹ có bất ngờ đổ quân xuống trước sân kia, chị chủ quán thế nào cũng cầm chổi xông ra đánh chúng để cứu bà con mình.
Chị chủ quán vừa lau dọn bàn ghế vừa kêu lên:
– Thôi thôi, tôi nhát lắm! Tôi sợ lắm! Hồi mùa lúa vừa rồi tôi đụng một trận thiếu điều một đứng tim chết. Có hai anh cán bộ đi ngang ghé vào quán uống nước chưa kịp cạn ly liền có đám trực thăng sà xuống đổ quân ngay trước mặt, tôi quýnh quá chỉ còn biết cách kêu hai anh vô núp trong buồng rồi chạy ra tìm cách cười giỡn với tụi lính Mỹ. Hôm đó tôi nói cười đến mỏi cả miệng, chúng thì nói tiếng Mỹ tôi thì nói tiếng Việt vậy mà tôi cứ nói không hiểu sao tụi lính Mỹ vẫn chịu nghe cả mấy tiếng đồng hồ như vậy cho đến lúc trực thăng lại sà xuống đón chúng đi. Thật hú hồn hú vía!
Bà lão tiếp lời:
– Nhát gan cái gì, nó đánh mình thì mình đánh nó chớ khoanh tay chờ chết hay sao? Còn như chú Hai này nói sự đoàn kết gì đó tôi không biết chú nói chữ nghĩa chi cho rườm rà vậy. Tôi chỉ biết nói thế này: Mình cùng cực khổ sống chết với nhau đã nhiều, người dưng nước lã cũng biến thành cật ruột như người đi cùng thuyền giờ chỉ còn biết sống chết với nhau nữa thôi – Câu cuối cùng bà nói với giọng nạt nộ, rồi sẵn đó bà nạt luôn tôi – Còn thằng bộ đội này mày đi đâu giữa ban ngày ban mặt như vầy? Muốn giỡn mặt với thằng Mỹ hả? Có công tác gấp cũng phải đi ban đêm con à, tụi bây có bề gì…
Bà còn định than vãn rầy rà thêm nữa bỗng chị chủ quán che tay nhìn ra ngoài rồi kêu lên:
– Ôi có cô nào đi thất thơ kìa! Lại còn bồng con nhỏ nữa. Tội nghiệp quá!
Bà lão cũng nhìn ra được dịp rầy rà:
– Sao cứ đi tìm chuyện cực chuyện khổ hoài vậy không biết!
Chị chủ quán kêu:
– Vô đây nghỉ uống ly nước đi cô Hai ơi!
Một chị phụ nữ còn trẻ bận bộ đồ bà ba đen khăn trùm mặt kín mít vai đeo túi xách tay bồng con nhỏ tay xách chiếc lồng gà lớn bước vào quán. Chị chủ quán đon đả kéo ghế mời. Vẫn xách chiếc lồng gà lúng túng một lúc chị tìm chỗ đặt nó xuống, chiếc lồng gà quá cỡ chạo rạo một con gà mẹ và một bầy gà con. Rồi chị ngồi xuống ghế tháo chiếc khăn lau mặt để lộ khuôn mặt còn trẻ đến nỗi nếu không có đứa nhỏ bồng trên tay tưởng chị còn con gái. Nhưng bộ đồ bà ba đen chị bận thì lầm bụi, coi dầu dãi, nhiều chỗ bị rách được vá lại sơ sài, chị mệt mỏi mỉm cười chào mọi người rồi lặng lẽ đưa mắt nhìn ra ngoài đồng, như muốn tìm kiếm cái gì.
Chị chủ quán bưng đến cho chị một ly nước chanh, giành bồng lấy đứa nhỏ:
– Uống miếng nước cho khỏe đi cô Hai! Đưa đứa nhỏ đây! Ôi cháu tôi dễ thương quá! Nó còn cười nữa kìa, nó cười kìa cô bác ơi!
Bà lão rầy rà:
– Cười cái gì, mặt mày nó đỏ lơ đỏ lửng kia kìa! Sao mà cực khổ quá vậy hả cháu?
Bác nông dân thì đoán già đoán non:
– Coi mặt thằng nhỏ này tôi đoán ba nó là bộ đội, phải vậy không cô Hai?
Chị chủ quán kéo ghế ngồi sát vào chị phụ nữ:
– Phải vậy không cô Hai, có phải “ông thầy bói” kia đoán đúng không?
Chị phụ nữ đáp nhẹ như hơi thở:
– Dạ phải!
Với sự nhạy cảm của người phụ nữ chị chủ quán như đoán ra điều gì đó, khẽ thở dài. Chúng tôi cũng không nói gì. Hồi lâu chị chủ quán hạ thấp giọng hỏi tiếp:
– Bây giờ cô Hai đi đâu vậy?
Chị phụ nữ kéo khăn che một bên mặt đáp khẽ:
– Em đi thăm chồng em… cho cha con thằng Chiếu gặp nhau… Từ hồi sanh nó tới giờ anh ấy đã gặp nó đâu. Cực lắm chị ơi, em ra đi tới nay đã ngót năm trời rồi, lặn lội cùng trời hết, chịu cực chịu khổ không biết là bao mà không biết chút tin tức gì về chồng em cả…
– Cô Hai chắc không phải người vùng này?
– Em ở tuốt dưới sông Hậu. Đó chị thử tính coi từ đó em đi vòng xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, lên tới Bến Tre, Mỹ Tho rồi lên tới vùng Đồng Tháp Mười này. Cách nay hơn tháng em qua kinh Chợ Gạo bị tụi thuyền bay Mỹ bắn chìm xuồng cũng may em bồng thằng Chiếu lội vào bờ được, chiếc lồng gà cũng không sao. Lúc ra đi em chỉ xách theo con gà thôi, tưởng gặp chồng em liền, em làm thịt gà nấu cháo cho chồng em ăn, nào ngờ cứ phải đi mãi, qua xã này con gà đẻ, tới xã kia con gà ấp, tới xã kế nữa ổ trứng nở thành bầy gà con…
– Cô Hai có biết hòm thư, hoặc phiên hiệu đơn vị chồng cô không?
– Em không biết, em quê mùa lắm chị ơi. Từ nhỏ tới lớn em chỉ ở làng có đi ra khỏi nhà lần nào đâu. Em cũng đâu biết xứ sở mình rộng lớn, đường sá đi hoài không hết như thế này. Và bộ đội thì trùng điệp đi đâu cũng thấy có đơn vị đang chuẩn bị chiến đấu nhưng lại không thấy chồng em đâu cả.
Bà lão hỏi:
– Chồng cháu đi bộ đội mẹ con cháu ở với ba má cháu hay ở với ông bà nội thằng Chiếu?
– Dạ, cháu ở với ba má cháu.
– Ờ, vậy cũng được.
– Tới giờ cháu cũng không biết nhà ông bà nội thằng Chiếu ở đâu.
– Ủa, sao lạ vậy ?
Chị phụ nữ e thẹn càng khép kín vạt áo hơn:
– Dạ, tại cháu và chồng cháu chỉ ăn ở với nhau có mấy tháng. Anh ấy cùng đơn vị hành quân qua làng, chúng cháu quen nhau, cưới nhau rồi anh ấy lại hành quân đi…
Không ai nói gì hết. Chị chủ quán càng ôm siết đứa nhỏ hơn, bà lão chắc lưỡi chép miệng một mình, còn bác nông dân thì nói lầm rầm: “Phải rồi, thời chiến mà, trai gái thương nhau…”. Rồi trái với lệ thường bác không nói thêm câu đùa nào nữa.
Lát sau bà lão cất tiếng an ủi:
– Thôi cháu đến được đây cũng là may rồi, tình hình “bình định” như vầy khó ai đi đứng được trót lọt. Giờ cháu chỉ còn việc tìm gặp chồng cháu để cha con thằng Chiếu gặp mặt nhau nữa thôi.
Chị phụ nữ khóc sụt sịt:
– Dạ, cháu cũng nghĩ như vậy. Hôm ra đi vừa ra khỏi xã cháu bị tụi lính ngụy giữ lại tưởng không có cách gì đi được.
– Ủa, té ra cháu cũng bị tụi lính bắt giữ hả? Rồi cháu nói sao chúng cho đi?
– Cháu không nói gì cả, cháu chỉ cự chúng thôi.
Cô chủ quán xen vào:
– Cô Hai cự mà chúng cho đi à?
– Chuyện dài lắm chị à.
– Thì cô Hai kể vắn tắt thôi cho bà con đây biết tụi lính dưới đó như thế nào.
– Thì cũng vậy thôi, chúng ăn ở ngay trong nhà mình, mọi chuyện đi đứng của mình chúng đều để mắt tới. Ngồi ăn cơm làm rớt chiếc đũa chúng đã trợn mắt ngó mình rồi. Nói chuyện không dám nói lớn tiếng, lỡ ho một tiếng hoảng sợ ngó dáo dác sợ chúng nói mình làm mật hiệu, ám hiệu gì. Chuyện em đi thăm chồng em em đã bàn với má em từ lâu nhưng phải đợi đến đợt tụi lính có đợt học tập tập trung em mới khăn gói lên đường đi được. Mình đi thăm chồng mình mà lén lút như đi ăn trộm. Đồ đạc cũng không dám mang gì nhiều, chỉ có mấy bộ quần áo của thằng Chiếu với con gà. Nhà chỉ có mẹ con em với ba má em, vậy ai biết chuyện em ra đi? Em vừa bước ra tới ngõ đã thấy chiếc xe Jeep thắng cái “két” trước mặt, thằng lính thò đầu ra nói “anh Ba” gì đó của nó muốn “mời” em lên đồn “để nói chuyện”. Em biết là em bị bắt rồi nên cứ đi theo chúng, chiếc xe Jeep đưa mẹ con em thẳng về chợ huyện, con gà cũng cùng đi, tới một khu nhà không rõ đồn bót hay trụ sở gì của bọn chúng, tên lính đưa mẹ con em vào một căn phòng nhỏ bảo cứ ở đó rồi khóa trái cửa lại. Căn phòng bài trí rất đẹp mắt, lót gạch bông trắng lốp nhưng không có giường chiếu chi cả, tối đến hai mẹ con em phải trải khăn nằm dưới gạch lạnh ngắt. Một ngày rồi hai ngày vẫn không thấy chúng hỏi han gì tới. Chỉ có bác đầu bếp già đem cơm cho mẹ con em thấy cảnh em thương tình hỏi vì sao bị bắt, em nói em đi thăm chồng em khiến bác lắc đầu không hiểu ra sao.
Tới ngày thứ ba, trời chưa sáng rõ tên lính hôm trước đến gõ cửa kêu em đi. Thằng Chiếu suốt hai ngày bị lạnh, lạ nhà không ngủ được, mới vừa chợp mắt một chút đã bị xốc dậy hoảng sợ khóc thét lên, em dỗ nó con đi thăm ba con có gì đâu rồi đi theo tên lính, tới một phòng đèn điện sáng choang, bắt em ngồi chờ đó. Một hồi cánh cửa phía sau chiếc tủ xịch mở, một đám tụi cán bộ bình định kéo vào ngồi vây chung quanh em, mỗi đứa ăn bận một kiểu, dân không ra dân, lính không ra lính, miệng đứa nào cũng thè lè điều thuốc coi rất kỳ dị. Thằng Chiếu cứ tấm tức khóc hoài em phải giấu đầu nó trong vạt áo. Trên đầu một chiếc quạt máy lớn bằng cái nia cứ quạt xành xạch gió thổi lạnh thấu xương. Chưa chi em đã thấy rối trong bụng rồi.
Thằng bận đồ đen – em đoán là thằng chỉ huy – kéo ghế ngồi xổm trước mặt em bắt đầu tra hỏi:
– Xin cô cho biết cô đi đâu khỏi xã mà không thấy báo bung gì cả? Cô bí mật đi làm chuyện gì, hoặc đi gặp ai chăng?
Em tìm cách chối quanh, khai tên cha mẹ, kể lể cuộc sống khó khăn… Nhưng tên bình định ranh ma đã ngắt lời em:
– Ừ, nói chung ai cũng khó khăn, chiến tranh mà… Nhưng tôi muốn hỏi mục đích chuyến đi của cô kia. Cô đi làm chuyện gì? Cô muốn gặp ai?
Em định tìm cách chối quanh nữa nhưng vừa lúc đó thằng Chiếu lại bật khóc. Nó khóc tức tửi rất đáng thương vì bị em giấu đầu sau vạt áo. Em thấy tủi thân quá chừng. Mẹ con em đã làm gì phải chịu cực nhục như vầy? Thằng Chiếu đi thăm ba nó, em đi thăm chồng em thì làm gì nên tội ? Vừa sợ vừa giận hóa liều em đáp:
– Không, tôi không đi làm gì cả!
– Vậy cô đi gặp ai?
– Tôi đi thăm chồng tôi.
Tên bình định ngồi xổm tới nữa mắt sáng rỡ như mèo nhìn thấy chuột:
– A, vậy chồng cô là…
– Chồng tôi là bộ đội giải phóng.
Em đáp phứt như vậy, nghĩ bụng có muốn ra sao thì ra, rồi quay ra lo dỗ thằng Chiếu. Bọn chúng sau khi nghe em đáp vậy lấy làm đắc ý lắm quay ra bàn tán xì xào với nhau rồi kéo nhau qua phòng bên để mẹ con em ở lại với chiếc quạt lạnh ngắt. Ở phòng bên em nghe tiếng chúng cãi cọ nhau, tiếng giày đi tới đi lui lạo xạo em biết còn chưa yên được với chúng. Sau đó cửa lại xịch mở chúng lại ùa vào mỗi đứa lại thè lè điếu thuốc mới. Thằng bận đồ đen lại ngồi xổm trước mặt em tra hỏi nữa:
– Vậy cô nhận là đi thăm chồng, và chồng là Việt cộng?
– Phải.
– Chồng cô cũng là người huyện này?
– Không.
– Vậy là người ở xa… Chắc là bộ đội hành quân đi qua đây… Cô có thể cho biết trường hợp cô gặp chồng cô như thế nào không?
Em làm thinh. Không phải em sợ, nhưng em không muốn đem chuyện riêng của vợ chồng em nói cho chúng biết. Tên bình định thấy vậy thì cười khẽ nói tiếp:
– Phải, cô có quyền không nói, đó là chuyện riêng của cô.
Cả chuyện cô đi thăm chồng cũng vậy, chuyện đó hoàn toàn riêng tư. Nhưng chuyện bình định xã này là chuyện của chúng tôi, chúng tôi không thể để người của xã đang bình định đi gặp người của Việt cộng được. Chồng cô dù sao cũng là người đang cầm súng bắn lại chúng tôi. Người ta sẽ nghĩ về chúng tôi ra sao? Cấp trên sẽ nhận xét chúng tôi như thế nào?
Một đứa khác xen vào, giọng cộc lốc:
– Còn nghĩ gì nữa, để cô ấy đi gặp chồng mình cũng giải tán mẹ cái xã bình định này rồi cạo đầu đi tù thôi.
Chúng nhao nhao lên, rồi tên bận đồ đen lại nói:
– Giờ cô tính sao, quay trở về hay tiếp tục đi gặp chồng để gây khó dễ cho chúng tôi?
Thằng Chiếu lại khóc nữa. Mấy hôm rày ngủ dưới gạch nó đã nhuốm bịnh, người ốm xọp đi ngó thấy, không biết đau chỗ nào mà cứ giãy lên từng cơn. Em nhìn con mà không cầm được nước mắt. “Phải trở về thôi, cốt sao đưa thằng Chiếu ra khỏi được chỗ này”. Nghĩ vậy rồi em xốc thằng Chiếu đứng dậy nói:
– Thôi mấy ông biểu sao tôi nghe vậy, tôi là người dân xã bình định chỉ biết nghe lời mấy ông thôi.
Rồi em đứng chờ chúng mở cửa em về phòng lấy đồ xách con gà ra về, em sẽ chẳng đi được tới đây kể lại chuyện này nếu sau đó không có một thằng nói chọt vào một câu. Chính thằng nói câu cộc lốc khi nãy, thằng mặt nhọn như mặt chuột, em chưa kịp quay đi nó đã lên giọng mát mẻ nói:
– Không biết xã này hết đàn ông rồi hay sao lại đi lấy thằng Việt cộng cho cực thân vậy không biết.
Em nghe nó nói vậy tay chân phát run lên. Trời ơi, tới chuyện em lấy chồng nó cũng xía vô được. Em quay phắt trở vào ngồi phịch xuống ghế. Bọn chúng thấy vậy ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau nhưng em không còn sợ gì nữa. Nó đã nói vậy em phải nói cho nó biết, cái thằng mặt nhọn ấy, em nhìn thẳng vào mặt nó nói không cho đứa nào xen vào:
– Ông nói chi câu độc địa vậy, tôi tuy nông dân quê mùa chuyện lớn chi tôi không biết chớ chuyện lấy chồng thì tôi phải biết. Là gái tôi biết phải lấy ai làm chồng. Ông nói vậy là do ông không biết tôi gặp chồng tôi ra sao chúng tôi yêu thương nhau như thế nào…
Rồi không còn e ngại thẹn thùng gì nữa em kể hết cho chúng nghe chuyện chồng em cùng đơn vị về xã em đánh giặc, chúng em gặp nhau thương yêu nhau kể cả chuyện hôm chồng em ra đi, trời mưa như trút nước, em thấy thương quá đội mưa chạy theo… Em còn nói cả chuyện chồng em cầm tay em lúc chia tay nói: “Anh đi đánh giặc mau để về giúp em giúp má làm ruộng làm nương…”. Em kể hết rồi em bồng thằng Chiếu đứng dậy chờ cho chúng bắt em đi đâu thì bắt.
Nhưng chúng không bắt em. Thằng bận đồ đen em tính là thằng dữ nhứt không hiểu sao bỗng đâm tư lự ngồi cúi đầu một lúc rồi đứng dậy khoác tay kêu cả bọn ra ngoài. Rồi lát sau thằng lính bước vào dẫn em ra ngoài cửa, đưa em gói đồ và con gà nói:
– “Anh Ba” nói chị muốn đi đâu thì đi, đi về nhà hay đi thăm chồng tùy ý.
Em ra tới cửa thấy tên bận đồ đen chợt đi ngang qua đứng lại nhìn em một lúc rồi nhếch mép cười nói:
– Chúc cô đi gặp được chồng… cho êm đẹp…
Rồi nó đi rướn qua mặt em, mặt hầm hầm, không biết đang nghĩ gì. Nhưng em không cần biết nó nghĩ gì, em đi thăm chồng em chẳng tội vạ gì nên em cứ đi.

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1.10.1939 tại Long An. Ông học Khoa Toán – Đại học Khoa học Sài Gòn, thoát ly vào chiến khu chống Mỹ năm 1962, bắt đầu viết văn từ năm 1965. Nhà văn Lê Văn Thảo nguyên là Phó Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá 7 (2005 – 2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khoá 4 và 5 (2000 – 2010), Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM. Ông đã từ trần lúc 1h sáng ngày 21.10.2016. Giải thưởng văn học: – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 và 2003. – Giải thưởng ASEAN năm 2006 với tiểu thuyết “Cơn giông”. – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012

Nguồn: Lao động cuối tuần

Exit mobile version