Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà
1.
Savông đến tìm tôi thì chợ đã gần tàn.
Bước xuống từ chiếc xe ôm, thẳng một hơi tới sạp tôi cứ tưởng là một cô Miên nào đó ghé mua hàng trễ. Tóc búi cao, sà rông hoa, mắt đậm và sâu. May mà còn có giọng nói để nhận ra người đã trao đổi với tôi qua điện thoại. Một giọng Anh khá chuẩn, không lai bất kì một âm sắc Khmer nào.
-Bạn là Phan?
Ngạc nhiên, bối rối, bàn tay tôi đưa ra bắt quên mất cần phải chùi. Mấy vệt lốm đốm đen từ cái hũ mắm bò hóc rớt bể tôi đang dọn tràn sang cả những ngón tay Savông.
Định tìm một cái khăn, nhưng rồi khi quay qua, tôi sững lại.
Savông đang giơ cả bàn tay vừa bắt tay tôi lên ngang mặt. Nắng sót lại của buổi chiều làm nổi rõ những lấm chấm khuếch tròn trên màu da ngón.
Ánh mắt Savông đóng đinh lên những ngón tay.
Tôi nhìn thấy những cơ mặt đột nhiên giần giật. Tôi nhìn thấy hai cánh mũi phập phồng liên tục, liên tục như vỡ òa, như phấn khích.
Và rồi… trước khi tôi kịp hiểu chuyện gì, thình lình người khách đối diện tôi nhét cả ngón tay vào miệng mình và… mút. Cặp môi đỏ bặp lấy, nun nút say sưa. Tròng mắt đen giãn to. Và gương mặt như bừng lên một thứ ánh sáng lạ lùng.
Tự nhiên tôi có cảm giác mình đang chứng kiến một thứ nghi lễ kì dị. Khi mà người đối diện cứ lần lượt mút từ ngón tay nọ sang ngón tay kia bằng một vẻ rất tha thiết. Khi mà cái lưỡi hồng hồng trong miệng người khách cứ thò ra thụt vào, liếm láp từ đầu đến cuối những ngón tay một cách mê mải đến kì cục.
Khi mà nắng như đồng lõa với trò chơi không chút vệ sinh của đứa con gái Miên cứ nhạt dần, sẫm dần trong ngõ hẻm chứa cái chợ chỉ còn những bịch ni lông phập phù quẩn vào nắp cống.
Thành phố đang mùa cúp điện. Trong nhập nhòa, nhờn nhợt sáng chưa được thay bởi ánh đèn, trước sạp hàng tôi, ánh sáng hắt ra từ gương mặt Savông càng lạ kì, càng quái đản.
500 đô cho một chuyến đi ba ngày.
Gấp bốn lần tiền tháng tôi dạy kèm thằng công tử lớp mười hai thích nhìn ngực cô giáo hơn nhìn vào sách.
Gấp sáu lần lương bán hàng nửa buổi của tôi cho cái sạp sặc sụa mùi đường thốt nốt, mùi cá trèn, mắm bò hóc, ếch khô,…
Và 500 đô. Vừa khớp như những bánh răng hoàn hảo với khoản nợ vay sinh viên ba năm còn dồn cục của một đứa tôi đang thất nghiệp.
Nhưng 500 đô, ba ngày trời với một người đồng hành chưa chi đã thấy nhờn nhợn như Savông, liệu tôi có nên phải đắn đo khi nhận lời?
2.
Rốt cuộc thì tôi cũng ở đây. Đầu giơ ra muốn nứt toác, mặt giơ ra muốn cháy xém. 500 đô và khoản nợ không thể bắt mẹ tôi cứ còng lưng trả mãi. Tôi chỉ phải chịu đựng trong ba ngày. Đứa bạn đang kẹt dẫn tour bên Thái chỉ cần tôi thế nó trong ba ngày.
“Mày cứ dẫn nó loanh quanh chỗ quê mày. Đầy tháp Chăm ở ngoải chớ gì. Nó hơi lạ một chút… Nhưng kệ! Vừa có tiền. Vừa được một chuyến về quê chơi. Sướng quá trời!”
Đứa bạn đẩy cái chữ sướng thành một đường dài ra vẻ đầy ghen tỵ.
Chắc nó chưa từng bao giờ xách giỏ đứng miết trước cửa nhà mà không biết có nên gõ cửa hay không.
Nó tưởng tôi thích được về quê.
Về làm gì…Gương mặt mẹ vẫn lầm lụi, tiếng thở dài vẫn nặng trịch kéo xuống những ngọn khói bếp. “Mày nộp đơn xin chỗ nào nữa chưa con?”
Về làm gì… để giờ bị nắng róc đến những giọt mồ hôi cuối cùng. Những giọt mồ hôi vừa tuôn ra đã quéo lại, khô rốc đi trong lớp lớp gió. Gió không mát. Gió còn hơn cả một cái tát rát rạt. Từ bao giờ nắng gió đã thẳng tay giành những cái tát bỏng rát cho một đứa quen mùi thành phố là tôi?
Tôi dường như ngửi được cả mùi thịt da mình bốc khói khét lẹt. Tôi thậm chí nghe được bục bục vỡ ra của những mảng da mình đang chín.
Vậy mà cái nền cho tất cả, những tràng rì rầm, rì rầm cầu nguyện gì đó của Sa vông cứ lê thê dai dẳng không chịu được.
Savông có thực là một chuyên gia khảo cổ hay không?
Cái luận án cô nói. Sự khác nhau giữa kiến trúc tháp Chăm và đền thờ Campuchia. Tôi tưởng là phải tanh tách bấm máy, rồi rờ rẫm, ngắm nghía săm soi nào cấu trúc gạch, nào chất kết dính, rồi hoa văn tường, mái tháp và lủ khủ thứ khác.
Cái luận án đó có cần cô phải ngồi đồng dưới mọi chân tháp. Kệ nắng, kệ gió, kệ cả đứa giang đầu trần chóc ngóc ngồi theo bên cạnh là tôi?
Lẽ ra tôi không nên làm bộ là người nhiệt tình, đồng cảm. Lẽ ra ngay ở cái tháp đầu tiên tôi nên đứng phắt dậy, nên tuốt luốt chui vào một bóng râm, mặc kệ Sa vông với những tràng lầm rầm quái quỷ của cô ta.
Lẽ nào lại có một vị thần tháp Chăm nào đó đã nhập vào đứa con gái ngoại quốc này mỗi lần cô ta ngồi dưới một khối tháp? Nên ánh mắt mới dại đi, thê thiết. Nên thứ ánh sáng mê mải, lạ lùng đã từng làm tôi chờn chợn quay trở lại trên gương mặt. Nên sau mỗi lầm rầm dưới chân tháp, bao giờ Sa vông cũng ghé đến, áp tai thật chặt vào mảng tường tháp đỏ màu gạch. Như nghe ngóng, như lắng đợi.
Có thứ gì vọng ra từ bên trong những ngọn tháp, những khối gạch vuông vức cao vút đang trằn mình dưới ngùn ngụt nắng gió của dải đất này như tôi sao?
3.
Quả thật là có tiếng nói vọng ra từ trong tháp.
Tiếng nói không phải tôi chỉ mới nghe lần đầu. Tiếng nói không to đâu. Chỉ u u, u u như tiếng gió luồn ra từ dưới những rễ đa đang nuốt chửng đền Trapeang Ropeak. Chỉ âm âm, âm âm như tiếng dội từ bốn bức tường trong hành lang vỗ ngực của đền Ta Prohm.
Tiếng nói lúc xáo xác lên như tiếng đập của một cánh dơi lạc bầy giữa những trụ đá Angkor, lúc thầm thĩ từng nhịp, từng nhịp mà khắc khoải như tiếng kêu “cuốc cuốc” tôi đã nghe bên phù điêu Apsara của ngọn tháp Champa đầu tiên trên mảnh đất quê Phan.
Phan nói với tôi, trong tiếng Việt tiếng kêu của loài chim đó có nghĩa là Tổ quốc.
Thần linh ơi! Phải chăng Người đang dùng tiếng kêu của loài chim xa lạ này để trách cứ con? Đứa con gái lạc loài mỗi lần nhìn về quê hương chỉ thấy kinh sợ, thấy đau đớn.
Không kinh sợ, không đớn đau sao được!
Những tiếng nổ kinh hoàng hơn cả tiếng sấm xé toang giấc mơ đêm bình yên trẻ con. Cổng nhà sập. Con chó nhỏ chỉ kịp ức lên một tiếng rồi ngoẹo oặt đầu. Máu ròng ròng chảy xuống từ bộ lông trắng muốt. Máu tắm lưỡi lê nhọn hoắt đang xóc bộ lông trắng giơ lên trong một màu đỏ kì dị. Gương mặt người cầm lưỡi lê cũng đỏ. Đỏ vì lấm tấm máu. Đỏ vì như thể bị trùm lên bởi một thứ ánh sáng cũng đỏ nhưng đùng đục, méo mó.
Không còn là gương mặt người tài xế thân thiện chiều chiều chở cha đi làm về cũng đều ghé vào xin ly nước.
Máu lăn lóc cùng thân xác con chó nhỏ xuống những bậc thang vẫn còn đỏ tròn, ngơ ngác. Đến nó còn không nhận ra người nó vẫn hay tíu tít quấn lấy chân.
Rồi lửa. Rồi khói. Rồi tay mẹ kéo đau điếng lao ra cửa.
Ùng ùng tuôn theo dòng người. Chạy. Đi. Rồi lại chạy. Chân không. Đầu trần. Mắt chỉ thấy nhoen nhoét những đỏ và đỏ. Tai điếc đặc trong những tiếng nổ. Và mũi nghẹt ứ mùi khói. Khói như con quái vật nuốt trường học trong cái mõm đen khổng lồ. Khói cắt đôi một chiếc xe tải lèn đầy cứng người trước mặt. Tay mẹ bịt cứng mắt. Nhưng mũi vẫn nghe được mùi thịt cháy khét rộ lên trong mùi khói.
Thần linh ơi! Mùi thịt người cháy ấy giờ vẫn còn đây ngay bên cánh mũi con. Mười lăm năm nơi xứ sở sương mù, con vẫn không thể nào ngừng được cơn nhợn ói khi trước mặt là bất cứ miếng thịt nướng nào.
Người xem! Ngày ấy quê hương đã làm gì với một đứa trẻ sáu tuổi là con.
4.
Giật nảy mình, tôi nhổm dậy và nhận ra Sa vông đang khóc. Cô khóc trong mơ. Giấc mơ gì đó ọc ạch, ú ớ những âm thanh không rõ tiếng từ cổ họng cô. Chỉ có những giọt nước mắt là xối xả tuôn xuống. Đẫm cánh mũi. Đẫm hai má. Gương mặt đẫm ướt của cô bạc đi, mỏng lét cả ánh trăng đang đổ đặc trên gối. Tôi lắc lắc vai Sa vông. Cô mở mắt. Mắt là một hố sâu đờ đẫn, ngơ ngác.
-Phan có nghe thấy mùi thịt cháy không?
Tôi nghĩ là Sa vông vẫn đang mơ. Nhưng đúng thật. Có mùi cháy. Khen khét đưa vào từ đâu đó bên ngoài không phải mùi thịt. Nó như mùi ni lông. Không. Là mùi ẩm mục sục qua lửa. Cả mùi lép bép hơi nước cố thoát ra khỏi những bề mặt đang quằn queo, cháy bùng. Cháy! Trí nhớ vụt trở về lôi tôi nhào xuống giường.
Bãi đất trống trước nhà vẫn ầng ậc trăng nửa khuya. Trăng đổ cả xuống cột khói xám đang bùng bùng chao trên một đám lửa đỏ ối một góc phía chòm mả. Cắm đầu cắm cổ, tôi chạy về phía đó.
Đây rồi. Cái con người làm buổi tối lâu rồi mới ngủ ở nhà của tôi cuối cùng cũng không yên. Cái con người cũng dự phần vào một trong những lý do khiến tôi cứ nghĩ đến chuyện về quê là ngao ngán. Chú Út tôi.
Chú đang ngồi thu lu trên một gò mả tròn ủm. Và lại đốt.
Chú đốt bao nhiêu đám cháy rồi từ lúc tôi bắt đầu biết đếm cho tới giờ, tôi cũng không nhớ nữa.
Chỉ nhớ những khốn khổ của mẹ con tôi khi cố dập ngọn lửa cứ lăm le chực tràn ra trong mùa gió. Nhớ tiếng hét hô xung phong và gương mặt lấm lem đất cát chú thò ra sau một gò mả. Cả cái dáng người vùng vẫy, cả những ngón chân bấu xuống cát cố trì lại, chống cự vòng tay ba tôi đang ghì lấy, đẩy lôi chú về phía căn nhà giữa bãi đất.
Căn nhà đó, từ khi ba tôi mất, chú Út dễ dàng gỡ khóa để thoát ra. Có khi chú còn dỡ cả luôn cánh cửa. Mẹ tối mặt với đám nho, bầy cừu, với mái nhà thiếu một người cùng chống đỡ, nên mặc kệ chú. Chỉ mệt mỏi ngồi bẹp xuống bên đám lửa chú nổi lên ngay sát sạt chuồng cừu, tay chìa ra thanh củi.
“Sẵn chú mày châm lửa đốt giùm luôn chị, luôn cháu mày đi, Út! Sống chi sống khổ, sống sở quá mà…”
Duy nhất lần đó. Trước những giọt nước mắt bải hoải, chán chường của mẹ, tôi thấy một ánh sáng tỉnh táo nhói lên trong ánh mắt chú tôi. Không tới tấp ném thêm những thứ xung quanh vào đám cháy. Cũng không chạy lòng vòng ẩn núp, la hét.
Gùng gục đầu, lẳng lặng kéo lê thanh củi mẹ tôi đưa trên đất, chú bỏ đi.
Nội tôi lúc còn sống mặc kệ những kết luận, chẩn đoán, cứ nhất định rằng chú bị ám. Không dưới chục lần bà đem chú đến các thầy cúng cả Kinh, cả Chăm để nhờ trục ra con ma đã ám theo chú từ những ngày sang đất Miên.
Ngày còn nhỏ tôi cứ thắc mắc ghê gớm. Con ma đó có sức mạnh đến cỡ nào mà biến người chú tươi rói ở một góc hình cưới ba mẹ tôi thành cái thân hình dật dờ, chưa từng thấy mở miệng cười được một lần.
Có thật là trước ngày nhập ngũ chú đã cõng tôi đi chơi vòng vòng hết xóm? Có thật là bàn tay nhỏ của tôi đã đưa lên vẫy vẫy tạm biệt lúc chú khoác ba lô trèo lên xe như nội kể?
Bàn tay tôi chỉ nhớ những cà mèn cơm nặng trịch ba bắt đem ra cho chú sau cánh cửa khóa. Lâu hơn một chút, bàn tay nhớ đã thay chú kéo lại áo thím Út. Thím Út tay xách giỏ, tay chùi nước mắt ròng ròng.
“Cả nhà mấy người gạt tui… Tưởng sao! Chồng khùng chồng điên. Chồng gì! Có mà chồng thúng, chồng mủng!”
Thím Út giật áo cái rẹt làm tôi té lăn cù xuống đất. Kệ cái dáng chấm phẩy, niềng niễng một bên của thím te tái xa dần, xa dần. Kệ tôi lồm cồm bò dậy gọi nội, kêu ba kêu mẹ om sòm, chú Út vẫn núp sau thành ghế làm một điệu bộ như đang ngắm bắn.
Thật sự lúc đó tôi đã ước trên tay mình cũng có một thứ gì để bắn. Tôi sẽ bắn cho lăn quay, cho tan tành, cho nát vụn con ma đang ám lấy chú tôi.
Con ma làm nội tôi khóc đến mờ mắt, làm ba tôi mệt mỏi, mẹ tôi chán ngán. Con ma làm tôi cứ lẫn lộn giữa ngần ngại, ghét ghét rồi lại sờ sợ chú.
Và con ma cho đến tận lúc này tôi biết vẫn còn đó, ngay bên trong chú.
Đám lửa chú đốt trên gò mả không lớn, cũng không gần thứ gì để có thể sợ cháy lan. Hớt hải, bực bội tôi đã xẹp xuống gần phân nửa lúc nhận ra điều ấy khi lên đến gần chòm mả. Bước chân tôi chùng hẳn, chậm lại. Trong bóng lửa rừng rực đỏ, chú tôi đang ngồi đó. Bóng thun lại. Thu lu. Ngơ ngác.
Tiếng chân người vang lên bên cạnh làm tôi sực nhớ đến Savông. Cô đang bên cạnh tôi không biết từ lúc nào. Tóc xõa tung. Mắt vẫn còn chưa hết đờ đẫn, hết nhìn chú tôi sang nhìn ánh lửa.
Gương mặt này, ánh mắt này…. Đứa con gái gốc Miên kì quặc tôi phải theo tháp tùng hành trình tới những ngọn tháp này. Trong cô ta lẽ nào cũng có một con ma như chú tôi sao?
5.
Người đàn ông đó đã từng đến đất nước tôi. Không. Chỉ là đất nước cũ của tôi. Tôi mang quốc tịch Anh. Những người tôi gọi là cha, là mẹ, họ nói tiếng Anh. Họ, những con người tốt bụng đón tôi về từ cái trại tị nạn có những mái lều tạm bợ cứ xô nhau đổ trong phành phạch gió từ những cánh quạt trực thăng mang cờ chữ thập. Họ nói rằng sẽ tập cho tôi quên.
15 năm. Tôi quên hết. Quên cách chắp tay chào. Quên vị mắm bò hóc. Quên màu sà rông. Quên tiếng nói.
Giá mà có thể quên luôn mùi thịt cháy. Giá mà quên được buổi chiều đền thờ trời bỗng vằn vện những luồng mây đỏ quạch.
Rõ ràng đã có những luồng mây như thế bay phía trước tôi, kéo tôi theo cái bóng xiêu xiêu đổ dài trên đất của người đàn ông. Rõ ràng tôi đã đi theo những luồng mây. Mũi bỗng nghẹt mùi cháy. Mắt bỗng mờ mịt đỏ là đỏ.
Nhưng tại sao giờ tôi lại ở đây. Dưới chân ngọn núi như được chất bằng trăm ngàn khối đá. Xung quanh tôi. Chỉ đá là đá. Không có Phan. Không có cả cái bóng người liêu xiêu chỉ mới vừa thấy đó.
Bên trên tôi, trên những bậc đá chìa ra uốn vòng thành một chuỗi thang, trơ trọi đổ xuống trong bóng chiều một ngọn tháp. Phan sao không nhắc với tôi có một tháp Chăm ngay gần cạnh nhà cô. Hay chính cô cũng sợ sự lạnh lẽo toát ra từ những đổ nát, hoang tàn ở nơi này?
Tôi không sợ. Những bậc thang đá càng rút ngắn, ngắn dần thì cảm giác thân thuộc không hiểu từ đâu lại càng ập đến rõ dần.
Ngỡ ngàng. Tôi nhìn màu gạch đỏ bầm lỗ chỗ những vết thâm sì. Nhìn cổng vòm gãy cúp chỉ còn một nửa. Bệ tượng đá trống không, lõm xuống.
Ngôi đền nằm lọt thỏm giữa cánh rừng cắt ngang con đường ra trại tị nạn. Ngôi đền có cái hốc khoét rỗng dưới một bệ thờ nhìn ra là thấy những luồng mây màu đỏ quạch.
Phnom Penh, Angkor, Sambor Prei Kuk,…Theo tiếng nói ám lấy tôi từ khi đặt chân trở lại sau 15 năm, tôi đã đi tìm nó. Cứ tưởng mất hút rồi, trong lõng bõng trí nhớ tôi, trong nuốt chửng không thương tiếc của những khu rừng nhiệt đới. Vậy mà giờ nó lại ở đây…
Không nghe thấy tiếng nói. Tai tôi áp sâu thật sâu vào tường tháp, vẫn không nghe tiếng nói. Tiếng nói đã dắt díu tôi từ đền tháp này sang đền tháp khác, từ màu đá sa thạch sang màu gạch. Âm thanh đã gần giống như một người bạn ấy, đâu rồi?
Chỉ có mùi thịt cháy bỗng xộc ra từ bức tường gạch lởm chởm tôi đang áp mặt. Thụp người, tôi trốn sau bệ tượng trống không.
Tượng lăn lóc khắp nơi. Mình tượng. Mặt tượng. Chỏm đầu tượng. Không mảnh tượng nào là không mang vết đạn. Đạn chi chít. Đạn xăm vỡ nát những tảng đá. Ông già co ro cuối góc kẹt lảm nhảm những lời như tiếng hát.
“Linga gãy tét. Vishnu nát mặt. Siva cụt đầu. Thần linh về cõi chết. Người về đâu…Về đâu…”
Cha bịt chặt miệng ông già. Lời hát càng to. Hai người đàn ông nữa xúm vào đè ông xuống đất, lời hát vẫn to. Những bóng áo đen chờn vờn đổ trước cái hốc, lời hát vẫn cất lên giữa hoảng loạn, xô đẩy, rúm ró. Rồi im bặt. Những tràng súng xé tai chấm dứt mọi âm thanh.
Lưỡi mặn chát, tanh òm những dòng liên tục bắn lên mặt, rơi xuống mắt. Tay nhờn nhợt những nhẫy ướt, nhớp nháp. Mắt không còn nhoèn nhoẹt đỏ là đỏ như buổi chạy khỏi thành phố nữa. Mắt là một màn đen.
Không thấy mẹ. Không thấy ba. Chỉ cảm giác bị đè xuống, chồng lên.
Ngộp. Cơn ngộp chặn ngang hơi thở. Lồng ngực muốn vỡ tung. Miệng cố há hốc, cố tìm không khí. Ngáp. Ngáp. Trong vô vọng. Trong điên cuồng.
– Cô bé! Cô bé! Tỉnh lại! Cháu có sao không?
Mở choàng mắt. Tôi nghe lồng ngực mình được bung ra, giải thoát.
Không còn cơn mù lòa nữa. Trước tôi là gương mặt một người đàn ông. Là chú của Phan. Không phải. Là gương mặt người lính áo xanh đã moi được đứa bé gái thoi thóp ra khỏi cái hốc đền thờ chỉ còn máu và những khối thịt.
Ánh mắt lo lắng vui mừng của chú. Bàn tay đầy mùi khói súng mà vẫn rất ấm lau mặt cho tôi của chú.
Tôi chộp nhanh lấy bàn tay.
-Chú là chú bộ đội đó, phải không?
Người có bàn tay bị tôi giữ chặt nhìn tôi. Ánh nhìn vừa quen vừa lạ. Ánh nhìn rõ ràng có một thoáng lóe lên ấm áp giữa đờ đẫn, ngơ ngác.
-Chú là người đã cứu cháu, đúng không?
Sững sờ, tôi nhận ra mình đang hét lên bằng thứ tiếng tôi tưởng quên mất lâu rồi.
Người đàn ông giật lại bàn tay. Làu bàu gì đó trong cổ họng, vẫn xiêu xiêu từng bước, ông đi dần về phía những bậc thang xuống tháp.
Là ảnh ảo hay là thực? Là kí ức nhập nhòa đưa tôi vào hoang tưởng hay người chú của Phan, ông ta có lay gọi tôi bằng thứ tiếng quê hương tôi.
Người đàn ông điên đó, ông ta phải là người lính Việt Nam trong kí ức tôi không?
Chiến tranh! Thần linh hỡi. Hóa ra đâu phải chỉ những tâm hồn yếu đuối non nớt mới mang đầy thương tích. Nạn nhân hay anh hùng. Người chiến thắng hay thua cuộc. Thần linh ơi. Thì cả thể xác lẫn linh hồn đều bị ám khói đen từ cuộc chiến ấy mất rồi. Ngọn khói lắc lay cho đến hết một đời…
6.
Savông đột ngột ngừng hành trình khi chuyến đi còn hẳn một ngày. Tôi đã phải trả lời hơn chục cuộc điện thoại từ con bạn sau đó về lí do làm mất của nó một mối khách quá ngon lành.
Mà cái lí do ấy, thực ra tôi có biết gì đâu.
Không dưng mất hút đâu đó cả buổi chiều, lúc về, Savông nói với tôi rằng cô muốn kết thúc hành trình.
“Tôi đã tìm được thứ cần tìm…” – Savông trầm ngâm nhìn ra bên ngoài cửa kính xe.
Thứ Savông cần tìm là gì? Tôi không nghĩ nó là tư liệu nào đó cho luận án nghiên cứu của cô ấy. Nhiều lần tôi muốn hỏi Savông nhưng rồi lại thôi. Không hiểu sao tôi cứ thấy ngần ngại sao đó với Savông như hệt với chú Út tôi, dù thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trao đổi email.
Savông đã thanh toán đủ 500 đô cho tôi dù bỏ dở hành trình. Tôi đã trả hết nợ vay đi học. Cũng đã kiếm được một việc làm để khi về nhà có thể mạnh dạn gõ cửa gọi mẹ.
Có một chuyện lạ là hằng tháng tôi còn nhận được vào tài khoản mình 100 đô, mà tin nhắn báo Có chỉ duy nhất một nội dung: Nhờ chuyển cựu binh Lê Văn Út.
Nghĩ là một đồng đội cũ nào đó hoặc một Quỹ cựu chiến binh gửi ủng hộ chú thuốc men, tôi cũng không tìm hiểu đến cùng nguồn gửi.
Cho đến một ngày, lúc chán nản chuyển tới chuyển lui giữa các kênh phim chán ngắt, thình lình trên màn hình ti vi trước tôi xuất hiện gương mặt của Savông.
Cô đang ở một căn phòng bệnh viện. Chương trình đang phát là một buổi nói chuyện trị liệu tâm lý cho các bệnh nhân mà nhìn hàng chữ chạy dưới góc màn hình tôi biết họ bị hội chứng chiến tranh. Tôi thấy Savông ngồi giữa những mái đầu có hoa râm, có bạc trắng. Cô là người thực hiện trị liệu. Lần lượt nắm từng bàn tay già nua, cô chăm chú lắng nghe những câu chuyện của họ. Có lúc cô còn khóc. Lần thứ hai tôi thấy những giọt nước mắt cô. Những giọt nước không thảng thốt, không mỏng lét như trong đêm giật mình vì những ú ớ tôi lay vai cô. Máy quay lấy ngay cận một giọt nước mắt. Nó tròn đầy. Nhẹ nhàng, nó lăn xuống gương mặt không còn u uẩn, lạ kì của Savông như được thanh tẩy, được giải thoát.
Tự nhiên tôi lại hình dung ra gương mặt đờ đẫn của chú tôi đang ngước nhìn lên màn hình ti vi. Tôi thấy ánh mắt đùng đục của chú giãn ra, thấy khóe miệng chú nhẹ nhõm vuột ra cái cười được cảm thông, được chia sẻ.
Chụp điện thoại, tôi bấm số gọi về nhà…
N.T.K.H
(đăng lại từ Vanvn.net)