Bí thư đảng ủy xã họp trên huyện về, sau khi triển khai các quyết nghị của cấp trên, nhẹ nhàng nói: Có một việc các đồng chí lưu ý. Không biết sao sau trận chúng ta diệt đồn đồi Cầy, trong đồn thu được giấy tờ ghi có đặc tình tên K trong nội bộ ta. Rằng K vẫn an toàn và sẽ vào sâu tổ chức… Đồng chí bí thư huyện ủy yêu cầu xem lại cậu Kim. Rằng sao Kim đánh bao nhiêu trận vẫn không có vết thương nào trên người. Rằng khi Kim cầm quân ít người chết, đáng suy nghĩ…

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Gã cười như cuộc đùa, rằng làm sao cháu biết. Đạn né cháu chứ làm sao cháu né đạn?
Bí thư xã nói buồn:
– Chú không biết sao có thông tin đó hay tờ giấy đó, vì bí thư huyện cũng không đưa cho coi. Nhưng cháu tạm nghỉ một thời gian. Việc xã đội giờ để Cấn lo.

Cấn là xã đội phó. Gã điếng người. Thì ra không phải chuyện đùa. Lãnh đạo nghi ngờ gã là đặc tình của địch. Sao có chuyện này? Chẳng lẽ đánh giặc giỏi, không bị thương, du kích ít chết là tội? Gã rời cuộc họp lòng như dao cứa. Gã tuôn chạy trong rừng. Gã hực lên như con thú trúng thương…

Gã đi tìm chú Sáu, người dẫn dắt gã theo cách mạng từ năm mười sáu tuổi. Gã khóc:
– Chú có cách gì giúp cháu?

Chú Sáu buồn bã nói:
– Chú thương mầy quá con ơi! Giờ phải thật bình tĩnh. Hay là… cháu thử chuyển địa bàn?

– Chú ơi! Làm thế khác nào thừa nhận việc cháu bị nghi ngờ là đúng. Thậm chí mọi người có thể nghĩ cháu đầu hàng theo địch…

Ông già cơ sở ngồi lặng không nói gì thêm. Ông nhớ lại đứa trẻ hư là Kim ngày xưa ưa chọc ghẹo mọi người, những trò ma lanh, láu cá của gã làm ông chú ý. Một lần ông vừa hỏi vừa khích “Mầy dám cưa bom không?” Hắn đáp tỉnh queo  “Ngán gì chú!” Và Kim được ông hướng dẫn tỉ mỉ cách cưa bom sao cho không nổ. Thời này du kích đâu có mấy vũ khí. Khối TNT lèn chặt vào thùng, thêm cái kíp nổ là có thể đánh xe tăng và đám lính đi càn. Đánh xong là chạy. Cứ trẩn quanh bụi bờ, chuồng heo chuồng bò là thoát.

Rồi gã được vào đội du kích địa phương. Đánh giặc rất lì và mưu trí. Trí phán đoán của gã cũng tốt. Thấy cách triển khai của địch, gã biết chúng sẽ tấn công kiểu gì. Ở hầm bí mật gã biết đặt thứ gì trên lỗ thông hơi để chó không ngửi thấy hơi người. Thùng đạn đại liên của Mĩ thành chỗ vệ sinh an toàn trong hầm, xong đậy kín mít. Ai chết cứ chết, cái lì lợm thính nhạy của gã giúp gã đánh nhau bao nhiêu trận mà vẫn sống nhăn.

Dần dần gã thành xã đội trưởng. Gã rất có mạng cầm quân, du kích thời gã chết ít hơn trước nhiều. Một lần, dùng CKC gã bắn rơi hai chiếc trực thăng. Số là khi ba chiếc chuẩn bị đổ quân, gã rình gần đấy nhắm vào thằng giặc lái bóp có.  Chiếc trực thăng mất lái bay loạng quạng rồi đâm vào chiếc bên cạnh, cả hai cùng bốc cháy. Chiếc còn lại điên cuồng vây đuổi gã bằng những tràng đạn đại liên lóc chóc. Gã nép vào đống rơm, xoay quanh né hướng nó. Chiếc trực thăng bay vòng truy kích thỉnh thoảng cũng nhận ra vài đường đạn nguy hiểm của gã nên bay bốc lên cao dạt ra xa. Lần đó gã được thưởng huân chương, đi báo cáo điển hình. Trong đoàn lên khu, gã gặp Tần, cô gái xã bên mới thoát li làm văn thư huyện.

Mối lương duyên của gã với Tần đánh dấu bằng lần Tần đi giao công văn về xã. Khi qua bốt kiểm tra bị thằng địa phương quân phát hiện. Tần cải trang không kĩ, cô gái nó từng cợt nhả trêu ghẹo đã “thoát li” hơn năm ở ngay trước mặt. Nó ớ người rồi tính xông lại chụp. Cô bỏ chạy. Gã tình cờ có mặt vắt một cú đá ngang hông tận lực, thằng lính ngã văng mấy mét rồi nằm la ư ử. Gã nắm tay cô kéo chạy ra sau vườn, ngang bờ mương, vào lùm, xuống hầm bí mật.
Trong căn hầm chật hẹp, hơi thở cô và gã gần nhau đến mức khơi gợi. Gã xấu hổ cố nghiêng người quay đi. Nhưng càng né hương đàn bà con gái càng quyện nồng. Cấp trên cứ nhắc mãi chuyện “ba khoan”, không bao giờ gã quên. Nhưng giờ gã không thể thực hiện ba bốn khoan gì đó… Gã biết sống nay chết mai. Đánh giặc ngày đêm, gặp là đánh, bao máu đã đổ, bao bạn bè người thân, không thân ngã xuống…

Đã quyết, gã quay sang ôm cô chứ không cố né nữa. Ôm đơn giản nhất như thằng trai lần đầu. Bạo liệt, vụng về. Cô để nguyên cho gã ôm. Như hàm ơn người đã cứu mình. Hơi thở cô không đều nhịp. Hơi gã cũng càng lạc nhịp, cuống cuồng làm những gì cần làm. Gã đã là đàn ông. Những lần sau gã nghe cô nói hôm đó cũng là lần cô thành đàn bà. Cô không hối tiếc, rằng cô để ý và nể phục gã từ lâu, người lính đánh giặc giỏi và sức lực. Thà cô thành đàn bà với gã còn hơn với thủ trưởng bí thư huyện ủy. Cô nể sợ cấp trên nhưng coi thường ông, miệng leo lẻo “ba khoan” mà chỉ rình rập kiếm cớ tạo cơ hội làm chuyện hủ hóa, không cần biết những người phụ nữ bị ép nghĩ gì. Sự tủi nhục đeo đẳng suốt đời họ ra sao.

Cô cự tuyệt ông ta.
Bí thư biết chuyện cô và Kim nhiều lần quấn quýt nhau.

*
*    *

Xa đồng đội, xa cơ sở, gã suốt ngày lang thang, luồn lách trên rừng như con thú hoang. Nhiều lần đói phải moi củ mì ăn. Mấy chỗ lấy tiếp tế đã thưa dần. Chắc bị áp lực, cảnh báo nào đó người ta chuyển chỗ.

Nhiều lần gã có cảm giác bị săn đuổi. Vài bóng người quẩn quanh. Vài âm thanh khua động. Cách du kích bám địch gã từng làm, hướng dẫn đội làm. Giờ như nhằm vào gã. Cái hang đá gã phát hiện làm chỗ trú thân vài lần gã có cảm giác những vật dụng xáo trộn. Mấy bộ đồ lính, mấy thứ vũ khí của địch gã thu được, cái còn cái hết đạn, ít đồ ăn dự trữ… có vẻ đã bị xem xét. Có thể sự căng thẳng đánh lừa gã. Gã nghĩ riết rồi mụ mị, không thể nhớ đồ vật có xáo trộn, có bị lục soát không? Nhưng mấy tiếng động khẽ khàng không phải tiếng thú rừng vài lần trong đêm khiến gã cầm chặt cây AR.15 hướng về phía cửa hang suốt đêm không ngủ. Nhiều đêm không ngủ.

Gã dần đuối sức. Không phải chuyện ăn. Gã cảnh giác. Có thể một viên đạn đâu đó nhắm vào gã. Gã là người, người thú, nên gã sợ. Đeo bám là bản năng của gã, giờ ám gã. Rồi cảm giác bị săn đuổi vẫn cứ dai dẳng lặp lại như trêu ngươi, thách thức. Gã điên người nghĩ tới cảnh mèo vờn chuột, gã không sợ rúm ró như con chuột nhắt kia trong nanh vuốt. Chết là cùng chứ gì. Nhưng gã bỗng nhận ra cái thính nhạy bản năng cứ lạnh lùng cảnh báo vào mỗi đêm không ngủ, trong thâm u rừng khuya. Rừng núi vốn là nhà của du kích lúc giặc càn giờ không còn an toàn. Gã không sợ chết nhưng sợi lạnh cứ chạy dọc sống lưng. Gã nghiến răng ngồi ôm cứng cây súng chờ sáng…

Thật lâu, địa chỉ cũ có mấy món quen, cà pháo và mắm ruốc. Tần đã chờ chứ không để lại mấy món đồ như mọi khi. Gã ăn uống xong, cô ngồi dậy, sửa lại áo quần, vén tóc, ri rỉ khóc như tiếng dế:
– Anh ráng giữ mình, em thương anh đứt ruột mà chẳng biết làm sao… Em bị điều lên cơ quan tỉnh. Chắc không còn cơ hội gặp lại… Ráng sống đến hết chiến tranh. Em chỉ có mình anh thôi!

Gã hực lên khô khốc:
– Anh không thể nữa rồi!
Trong ánh đèn dù từ đồn giặc hắt vàng vọt, Tần nhìn thấy mắt gã long lên man dại. Sẽ chẳng còn những lần gặp và đổ ập vào nhau nồng nàn nữa. Những lần gã và cô si mê tận hưởng…

Khu rừng tuyệt đối yên tĩnh.

*
*    *

Rồi rộ lên chuyện cách đánh cải trang, trong dân, trong lính, trong các cơ quan cách mạng. Chỉ một người đánh. Xuất quỷ nhập thần. Hắn xuất hiện, khi thì trang phục cảnh sát, khi biệt động quân… Như lần gần đây nhất hắn phì phèo thuốc lá, tay xách cây AR.15 trễ nãi, khinh khỉnh hỏi thằng lính gác trên chòi canh:
– Đù má, chiến hữu cho hỏi thăm, xóm Thiện Chánh đi đường nào? Đơn vị mới tới chưa rành đường.

Thằng lính nhiệt tình hướng dẫn. Nó chưa nói hết hướng đi đã gục xuống bởi một viên đạn điệu nghệ hướng lên đúng tầm. Hắn lao nhanh vào đồn, giờ ngủ trưa bọn lính trong các phòng miên man giấc. Đứa nào ngóc đầu lên khỏi võng hay vùng dậy là dính đạn. Hắn thoát đi chớp nhoáng không để lại dấu vết. Đồn nhỏ Nước Mặn chết sáu lính, bị thương ba.

Chơi hết lính ta hắn chơi lính Mĩ. Cái thằng Mĩ một mình men theo bờ biển hoang vắng, giữa trưa. Hắn ngắm và bóp cò. Thằng Mĩ lảo đảo ngã xuống nhưng vẫn kịp xoay khẩu AR 15 hướng về hắn nhả một tràng liên thanh. May hắn kịp ngã ập xuống đụn cát. Sự chủ quan về tài xạ kích của hắn suýt trả giá. Phải mấy phát nữa hắn mới hạ được thằng Mĩ. Kiểm tra túi nó có tờ trăm đô xanh, chắc mới đổi được từ tiền đô đỏ cung cấp nội bộ để lén ra dân tìm mua bạch phiến. Ba thằng Mĩ nữa đội hình tam giác từ đồn Rừng cách đó hai cây số tới, thấy chiến hữu nằm chết xoay trở lăn lê một vùng cát thì hết sự sợ hãi ngó quanh. Không có ai quanh vùng trập trùng đụn cát và dứa dại.

Nhưng đáng kể nhất là vụ thằng cảnh sát trưởng từ quán bar đi ra, vào xe jeep với mấy đứa tùy tùng mặc sơ vin như dân công chức. Hắn dán ria, mang kính,  tay đút túi quần, miệng phì phèo Pall Mall không đầu lọc thơm dậy đến cạnh chiếc xe vừa đề máy. “Mấy anh cho hỏi thăm, ông Tấn buôn vải của thị trấn nhà gần ngã ba đây sao tôi tìm mãi không thấy?” Thằng lái xe vừa vừa đưa tay chỉ ngôi nhà lầu đối diện hắn liền thảy nhanh quả lựu đạn vào trong xe rồi biến. Tiếng nổ bùng lên. Đạn trên cao bắn ghìm xuống. Hắn không ngờ trên nhà có khẩu đại liên bí mật bảo vệ vòng ngoài trụ sở quận lị cách đó mấy trăm mét. Đạn cứ cày, hắn cứ chạy rồi ngoặt sau ngôi nhà nhỏ, tiếp nối là vườn bưởi và cánh đồng.

Ở cái vùng được mệnh danh là “đất thánh của Việt Cộng” này bắt đầu xuất hiện những trận đánh kì lạ vậy. Chỉ một kẻ tiến hành. Luôn bất ngờ. Giữa ban ngày ban mặt với cách sắm vai khác nhau. Bọn lính, bọn cán bộ xã, quận sợ xanh mặt. Thằng xã trưởng phải đổi địa điểm ngủ đêm với bồ nhí, vậy mà bỗng đâu một thằng quần đùi, áo cũ nhảy vào tận buồng tay lăm lăm khẩu K54. Thằng xã trưởng chưa kịp lật gối lấy khẩu Colt 45 đã gục xuống, ngực trần lỗ thủng ri rỉ vài sợi máu. Con bồ há mồm cứng đờ không thể kéo cái mền che người lõa lồ, mắt trợn tròn nhìn vào tờ giấy ghi nguệch ngoạc “Cách mạng tử hình kẻ gây tội ác với nhân dân!”

*
*    *

Cơ quan tỉnh ủy của Tần trên núi Bà phải chuyển địa điểm. Thông tin bí thư huyện ủy Tuy Phước chiêu hồi khiến mọi người choáng váng. Vùng trắng khu đông có xã chỉ còn bộ khung bí thư, chủ tịch, xã đội trưởng, chủ tịch hội phụ nữ… Xã trắng, lại điều người từ xã khác, huyện khác về. Không thể trắng! Ai cũng thuộc lòng câu “Khu đông gạo trắng nước trong/ ai đi đến đó đừng mong trở về”. Cánh đồng quanh núi Bà giờ không gạo trắng nước trong đâu mà chỉ toàn cỏ dại điểm vài ngôi nhà sạt lở vì bom đạn. Tịnh không bóng người.

Ai cũng biết bí thư Trần Quang Vinh sắp bị kiểm điểm chuyện kinh tài, chuyện hủ hóa. Chủ tịch hội phụ nữ huyện đã báo cáo lên tỉnh dịp đi họp. Báo rõ từng chuyện.

“Tôi là Trần Quang Vinh bí thư huyện ủy Tuy Phước, tôi đã về với chính nghĩa quốc gia. Các cán binh Việt Cộng hãy ra hàng để sớm nhận được sự khoan hồng của chính phủ…” Trực thăng rải truyền đơn, phát loa rè rè bay qua xóm làng, quanh các triền núi. Pháo dập tơi bời những nơi nghi là cơ quan các cấp. Quân địch khẩn cấp lùng sục những địa điểm được khai báo.

Tần chửa. Gần tháng trời bị vây ráp của lính Đại Hàn và Sư 22 phối hợp, cơ quan tỉnh ủy phải mưu trí lắm mới thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Hàng chục người ra hàng vì biết không trụ nổi. Tần bụng chửa cùng một số người ăn mãi sung, lá sộp qua bữa. Có lúc trong khi di chuyển, cô thấy một bãi sáng sáng, cúi hít thử biết có mùi mì, bụm hết bỏ vào túi. Ổn định chỗ ở trong hang xong cô mang thứ đó xuống suối rửa, ngồi nhai nuốt chút bột ấy. Cô nghĩ tới cái thai trong bụng. Có lúc trước hang chỉ có lá dang mà không thể đi xa hơn. Vì bọn Đại Hàn rất lì, phụ#c kích ngày đêm. Ăn lá dang vài ngày ai cũng ỉa chảy. Đàn ông đàn bà cũng chỉ né sau khối đá rồi trật quần re re…

Vậy mà khi kẻ địch nghĩ chiến dịch “lật đá tìm cộng sản” đã hoàn thành trăm phần trăm rồi rút quân, Tần vẫn sống. Cô sinh trong hang đứa con trai to hơn bắp tay chút xíu, vàng rớt oe oe. Dúm gạo sống được nhiều người thay nhau nhai nhuyễn, sú vào miệng nó chóp chép.

*
*    *

Khi nghe tiếng trực thăng lạch xạch gã ra khỏi hang. Hang gã giờ ngoài bì gạo, hũ mắm ép lấy từ đồng bào còn thật nhiều súng đạn, quần áo các kiểu. Gã chạy ra đồi tranh đón đầu máy bay. Nó kia. Gã xả liên thanh. Liên thanh chứ không phát một như CKC. Ở đây không có dân, pháo dập chẳng chết ai. Chiếc đi đầu bất ngờ găm đầu xuống. Gã đứng trơ giữa đồi tranh lia đạn vào chiếc thứ hai. Nó bắn trả. Gã lắp băng đạn thứ hai nhằm nó. Nhưng rồi gã gục xuống không đau đớn. Gã biết nếu đánh trận này sẽ không thoát được.

Lơ mơ gã thấy Tần. Khóc. Nồng nàn. Cười vuốt ve đầy yêu thương. Gã sung sướng chìm sâu trong thinh lặng của khu rừng.

Dân quanh vùng thấy chiếc trực thăng chúi xuống trong lẹt rẹt tiếng đạn. Mấy tiếng sau có một chiếc CH47 hạ xuống đồi tranh câu chiếc trực thăng bị bắn hạ đi. Xã đội cử người lên xem xét tình hình. Họ nhận ra Kim…

*
*    *

Cuối bảy nhăm Tần dắt con trai về xã. Chú Sáu cà nhắc vì mảnh pháo cắt đứt gân chân dẫn hai mẹ con lên đồi cùng dạo quanh bìa rừng kiếm một mô đất lùm lùm như mộ. Không ai chắc chắn cả. Cỏ mọc ken dày. Cũng không nhớ chính xác bên cây gáo, cây săng lẻ hay cây cầy tỏa bóng chỗ kia.

– Ba con là một anh hùng.
Đứa nhỏ vái lạy mênh mông theo mẹ nó.
Chú Sáu đứng trân khóc không thành tiếng.

*
*    *

Không ai chắc người một mình đánh trận thời chiến là Kim. Cũng không cơ quan nào của tỉnh tổ chức các trận đánh ấy. Nhưng Kim chết trên đồi tranh, được du kích chôn và việc trực thăng bị bắn hạ là thật. Họ cũng tìm ra hang núi gần đó với lỉnh kỉnh bao thứ như của một trung đội.

Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/2016

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

Exit mobile version