Tôi gặp gã, lão thợ săn bặm trợn. Suýt nữa tôi chết giấc khi nhìn thấy gã. Đầu tóc bù xù, râu quai nón che khuất miệng, đôi tay đầy vết đồi mồi với lông lá dài tua tủa. Gã lăm lăm cây súng trên tay, tất nhiên là hướng về phía tôi. Lúc ấy tôi đứng núp sau thân cây.
Đoàn người đi cùng tôi đã vào hang động, họ lục lọi trong ấy, tìm thứ mình thích. Tôi không thích xuống dưới mặt đất, dù đó là hang động hay chăng thì đối với tôi nó là phần âm đầy chết chóc. Nhưng chọn ở lại trên mặt đất để gặp gã thì cũng chẳng hơn thua gì. Thấy gã như thấy cái chết đến gần. Tôi nhìn khắp người mình, không đến nỗi để gã nhầm lẫn tôi với con thú nào đấy. Dường như sự tự trấn an này chẳng hiệu quả gì so với thực tế, cây súng đang chĩa về phía tôi, gã nhích từng bước một, tay rê cò. Đoằng, tiếng súng chói tai. Tôi rớt xuống bên gốc cây, toàn thân tê lạnh. Tôi sờ áo mình rồi đưa tay lên trước mặt, bàn tay tôi đỏ ối. Gã bắn tôi thật ư? Tôi giống một con thú thật hay chính gã là con thú biết cầm súng. Điều quái đản gì đang xảy ra với tôi, ở ngay cánh rừng này. Nước mắt tôi tràn qua mang tai, vài phút nữa tôi sẽ chết và hoặc gã, hoặc bạn bè tôi sẽ xử lý cái xác của tôi theo ý họ. Thật lạ, tôi muốn nói đến cái chết khi bị bắn. Thông thường nó sẽ đau đớn lắm. Nhưng tôi chỉ nghe lạnh, có chút sợ hãi nhưng rất nhẹ nhàng, đa phần là thắc mắc, vì sao gã lại hạ sát tôi? Tôi nhắm mắt lại, nghe có nước giọt từ trên cây xuống mặt. Vừa tanh nồng vừa mặn chát. Tôi đưa tay vuốt mặt, không phải nước, đó là máu. Trên cây, con vượn to tướng cố níu tay vào cành, lúc sau nó rớt xuống ngay chỗ tôi.
Gã kéo phắt người tôi sang một bên, con vượn rớt oạch xuống nền đất, mồm hộc máu. Tôi rú lên, âm thanh đó tôi không nghĩ là của tôi, nó giống phép thế cho tiếng kêu của con vượn trước lúc chết. Sau đó, tôi không còn nói được bất cứ câu nào. Chỉ ngồi lặng im như tượng đá cho đến khi bạn bè bắt gặp tôi. Họ thay nhau hỏi, toàn những câu liên quan đến vụ việc xảy ra. Tôi rất muốn nói cho họ biết nhưng không thể, phần vì tôi không muốn, nó sẽ là chuyện hoang đường và họ tha hồ thêu dệt thêm, lúc ấy “mớ” chuyện này sẽ trở nên rối rắm. Họ dẫn tôi về, chuyến đi chưa được một nửa đã phải chấm dứt. Tôi vào viện, không có bất cứ vết thương nào. Bác sĩ bảo tôi bị sang chấn tinh thần, tôi viết lên ngay bìa hồ sơ bệnh án “tôi ổn, hãy để tôi về nhà, tôi chỉ tạm thời không nói được…”. Yêu cầu của tôi không được chấp nhận, tôi được giữ lại bệnh viện để điều trị tâm thần.
Bác sĩ của tôi, ba mươi tuổi, tên Sin. Anh ta có gương mặt điển trai nhưng ánh mắt lại có nỗi đau như trên mặt đức Chúa trời. Sin là người lai. Sáng anh dành thời gian trò chuyện với tôi chừng một giờ đồng hồ, chiều cũng thế. Tôi viết lên giấy “tôi ổn, hãy để tôi về nhà”. Sin mỉm cười, anh ấy bảo tôi cần ở đây một thời gian như thế sẽ tốt hơn. Tôi đồng ý, nếu không chấp thuận thì cũng thế thôi. Họ sẽ báo tình hình của tôi với gia đình, tôi lại không thích điều ấy. Yêu cầu duy nhất mà tôi đươc chấp thuận là chuyện tôi nằm viện người thân tôi không ai được biết. Sau hai tuần tình trạng không cải thiện được thì thông báo, đây là thời gian đi du lịch của tôi.
Tôi đã mơ về gã. Vẫn hình ảnh hung tợn, tay gã lăm lăm cây súng về phía tôi. Nhưng tôi không còn sợ nữa. Ngay cả trong mơ, con vượn cái trố mắt nhìn tôi, kiểu như gã muốn bắn tôi nhưng phát hiện thấy nó nên gã chuyển hướng. Con vượn cái nhe răng oán hận, nó cố trườn đến cắn tôi. Một lần nữa gã bồi thêm mấy phát đạn, người nó giãy nảy lên rồi rớt xuống. Tôi thay con vượn kêu lên hoang dại. Sin tiêm cho tôi liều thuốc an thần. Trong hỗn độn hình ảnh con vượn, về gã thợ săn, về người bác sĩ tôi chợt nhận ra một điều gì đấy, về mối liên hệ giữa động vật với con người, nhất là tôi và con vượn cái, giữa gã và bác sĩ. Tôi linh cảm thế. Ngày sau tôi vẽ chân dung gã thợ săn lên khổ giấy A4 rồi đưa cho bác sĩ. Anh ta nhìn tôi hồi lâu.
– Cô vẽ tôi ư? Không phải chứ, tôi đâu đến mức giống con thú trong bức tranh này.
Tôi vẽ bức tranh về con vượn cái, bác sĩ lại nhăn mặt.
– Cô đấy ư, cô cũng không phải là thú.
– Thế ai là thú? Tôi viết lên giấy, bức tranh đầu tiên tôi vẽ gã thợ săn, sao Sin nhận ra mình trong đó, hay tâm địa của anh có phần của loài thú. Sin lắc đầu nhìn tôi. Tôi nhận ra được một người trong bức tranh của cô, đấy là bố tôi.
– Thế bố anh đâu? Tôi viết vội lên giấy.
– Làm sao tôi biết được, ông ấy tham chiến ở chiến trường Việt Nam, giờ thì ở trời Tây, tôi nghĩ thế.
– Sao anh nhận ra trong bức vẽ là anh, là ông ta?
– Những thứ rất mịt mù, hung tợn, rất thú tính.
– Thú tính của anh là gì?
– Là khi gặp cô, cô vẽ nó lên giấy và cô sát hại tôi bằng ánh mắt đó.
– Tôi xin lỗi, nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp bố anh…
– Sao cơ?
– Đúng thế, tại động Brai.
– Động Brai?
– Anh không biết về nó? Đó là hang động tuyệt đẹp nhưng chưa ai chú ý tới, chỉ dân phượt mới đến đây. Nó cách thành phố gần 200 km về hướng Tây. Trước nó là nơi trú ẩn của nhiều binh sĩ từ hai phía.
Bác sĩ thở dài.
– Tiếng súng đã lắng xuống từ rất lâu. Tôi không thích những người họa sĩ vẽ cảnh chết chóc. Anh ta nói thế rồi đi, tôi cười. Anh ta quay trở lại nghiêng đầu nhìn tôi.
– Sắp hết thời hạn hai tuần, nếu cô không nói được trở lại thì chúng tôi sẽ thông báo tình hình cho người thân của cô được biết. Mà kỳ lạ thật đấy, bạn bè cô không thấy ai đến thăm. Họ đã tách cô ra khỏi cộng đồng rồi chăng? Cô có nghĩ đến điều này không? Cái cộng đồng bạn bè của cô ấy.
Tôi lại cười, chẳng quan tâm đến điều ấy. Ở đây có khối thứ thú vị, những bệnh nhân nói chuyện không đầu không cuối, họ cười nhiều hơn là khóc. Tôi nhận ra một điều, cười quá mức cũng được mang vào bệnh viện và bị quy kết đó là tâm thần. Tôi không nói được cũng được xem là tâm thần, tôi vẽ tranh cũng được cho là hạ sát bác sĩ. Chẳng biết phải làm thế nào, tôi ngồi rảnh rang, giữa trưa tôi nhớ tiếng súng của gã. Tôi ngủ một mạch cho đến chiều. Lúc tôi tỉnh dậy đã thấy bên mình một gói quà, đó toàn là hoa quả rừng, có cả cái đuôi con vượn cái. Tôi cầm nó run cầm cập rồi lại rú lên hung tợn. Sin đến vội vàng, liều thuốc được truyền vào cơ thể, giấc ngủ lại đến nhưng tôi không thể không cảm nhận những thay đổi trong cơ thể mình. Có người nào đó đằn lên cơ thể tôi, ướt át, đam mê, từng mạch máu rần rật thức tỉnh tôi. Tôi nhận ra Sin, và tôi. Hai người trên giường bệnh, anh ta có vẻ bất cần khi tôi phát hiện ra. Tôi vẽ, thêm một bức tranh về anh ta, bên cạnh là bệnh nhân, hai người họ xoắn lấy nhau rạo rực. Và một con vượn cái cầm súng chĩa thẳng vào hai người. Xem bức tranh xong, Sin bảo:
– Con vượn cái nó sẽ bắn cô vì ghen tị. Tôi đã làm điều ấy với cô, vì cô quá gợi cảm. Tôi không đẹp như bức tranh này. Anh ta định vò nát bức tranh, tôi dành lại và viết vội một dòng bên dưới.
– Tôi không trách cứ anh và anh đừng nghĩ đó là bức tranh đẹp. Tôi không vẽ anh, đây là người tặng quà cho tôi. Gói quà có cái đuôi vượn.
– Hắn ư, gã thợ săn bẩn thỉu đó? Chúng tôi bất lực với gã nên gói quà mới được đặt lên đầu giường của cô. Gã đã bị Công an tóm rồi.
– Vì sao? Vì thăm bệnh nhân ư?
– Gã không có giấy tờ tùy thân lại sử dụng vũ khí trái phép, một khẩu AK đã cũ nhưng vẫn còn tốt chán…
– Ai điện thoại cho cảnh sát?
– Là tôi.
– Đó là bố của anh.
– Cô điên rồi, tôi là con người, gã là con thú.
– Không, tôi nghĩ đó là bố của anh.
Tôi ra viện, vẫn câm lặng một thời gian dài. Bố mẹ đến và mang tôi về. Công việc ở công ty gián đoạn, tôi nằm nhà. Tôi ngủ và chơi trò giấc mơ cùng với bức tranh, với tiếng súng và gã thợ săn. Sáng nay mẹ đưa cho tôi tờ báo có in hình gã. Tôi hỏi mẹ, tiếng nói trở lại với tôi đầy tự nhiên.
– Mẹ đọc chưa?
– Rồi, gã người rừng, hơn bốn chục năm lẩn trốn khi chiến tranh kết thúc.
– Gã lẫn trốn ư? Cơ sở nào nói lên điều đó?
– Mẹ không thấy có lời nói nào của gã, đó là suy đoán của nhà báo. Từ khi bị bắt đến thời điểm này gã không nói gì.
Tôi tìm gặp Sin. Anh ta cầm tờ báo nhìn tôi nghi vấn. Chẳng biết Sin nghĩ gì, về lần ăn nằm với tôi ở bệnh viện hay gã thợ săn trên mặt báo. Kết thúc công việc vào buổi chiều, Sin gặp tôi rồi hai người cùng đến trại giam. Gã thợ săn mỉm cười, tôi không rõ nụ cười đó dành cho ai. Sin trò chuyện với gã thợ săn bằng mấy câu tiếng Anh, tôi không rành thứ ngôn ngữ này lắm, chỉ dịch được mấy từ có liên quan đến chiến tranh, gia đình, con cái. Có cái tên Việt mà tôi nghe được “Thy”. Gã thợ săn gật đầu rồi nước mắt chảy ra. Chúng tôi trở về, dọc đường đi Sin chẳng nói gì, anh ta lái xe trả tôi về nhà, lúc tôi xuống xe Sin nói.
– Cảm ơn cô.
– Vì cái gì?
– Đấy là bố tôi, mẹ tôi tên là Thy, bà ấy chết rồi, ông ấy đã ở lại rừng nơi hai người hẹn sẽ gặp nhau.
Xe lăn bánh. Tiếng súng, khói lửa chiến tranh và tình yêu của gã thợ săn cùng người đàn bà tên Thy. Tôi không vẽ được bức tranh về điều ấy, tôi cũng chẳng kể với ai về câu chuyện này. Hôm nay tôi ngồi viết nó ra, bằng niềm tin của mình. Ở đâu thì cũng có tình yêu và hạnh phúc khi con người ta hy vọng và đợi chờ nhau.
Hoàng Hải Lâm
Nguồn: Lao Động cuối tuần
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài