(Dân trí) – Truyện ngắn Thank You for the Light của đại văn hào người Mĩ, Francis Scott Fitzgerald (1896-1940), tác giả cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) đã chính thức được công bố sau gần một thế kỷ nằm trong quên lãng.
Francis Scott Fitzgerald
Thank You for the Light là một truyện ngắn được sáng tác năm 1936 với phong cách viết pha trộn giữa thực và ảo, tạo nên một thế giới mông lung, mơ hồ trong tác phẩm. Có lẽ đó cũng là dụng ý của tác giả để cuộc sống được nhìn qua lăng kính của người phụ nữ nghiện thuốc lá: “cuộc đời nhìn qua khói thuốc”. Tên tác phẩm cũng có nhiều ẩn ý: Light vừa là lửa, vừa có thể hiểu là ánh sáng, nên tựa đề có thể dịch theo nghĩa đen ra là: Cám ơn vì chút lửa, nhưng thực sự nhân vật chính ở đoạn cuối không tìm được ngọn lửa nào để châm thuốc nên ta cũng có thể hiểu là Cám ơn vì ánh sáng.
Câu chuyện kể một goá phụ phải lao động vất vả, cuộc sống của cô buồn chán và tẻ nhạt, không có một phương tiện giải trí nào như sách truyện hay phim ảnh, cô cũng không có người thân, họ hàng ở bên để chia sẻ nên đành chiến đấu với nỗi cô đơn và tìm niềm vui bằng điếu thuốc.
Người phụ nữ đó càng ngày hút thuốc càng nhiều để giải toả những căng thẳng và xoa dịu những rắc rối cô gặp phải trong cuộc sống. Tuy vậy, xã hội đương thời có cái nhìn rất khắt khe đối với những người phụ nữ hút thuốc. Ban đầu hút ít thì không sao, nhưng khi hút nhiều, cô thực sự trở thành “cái gai trong mắt” những người xung quanh. Thói quen xấu này khiến cô khốn khổ ở nơi làm việc, khi gặp gỡ làm quen những người đàn ông mới, họ cũng thường nhìn chằm chằm vào hai ngón tay đang giữ điếu thuốc phả khói của cô. Về sau, cô phải trốn chui trốn lủi mỗi khi muốn hút một điếu.
Đã có lần vì yêu một người đàn ông mà cô quyết tâm bỏ thuốc, nhưng trong cơn thèm thuốc cực độ, cô tạt vào một nhà thờ, nghĩ rằng, trong nhà thờ có nhiều khói đèn dầu và nến thì một chút khói thuốc nào ai nhận ra nhưng tệ thay, nhà thờ mà cô ghé vào đã chuyển sang dùng bóng đèn điện. Tuy vậy, trong bóng tối lờ mờ, cô vẫn muốn hút một điếu thuốc, sờ vào trong túi tìm diêm thì chẳng còn một que, cô bước lên phía bàn thờ Chúa vì nghĩ ở đó chắc phải có nến nhưng cũng không có nốt. Một người trông coi nhà thờ cầm ngọn đèn dầu đến bên cô và hỏi có phải cô tới để cầu nguyện không, cô nói phải, người đó quay đi với ngọn đèn dầu lay lắt, còn cô quỳ sụp xuống và cầu nguyện cho số phận mình dù trước nay, cô không phải một tín đồ Thiên Chúa giáo.
Ban đầu khi tác phẩm này được gửi tới cho tờ New Yorker năm 1936, nhà xuất bản đã từ chối cho đăng truyện vì nội dung của Thank You for the Light có đề cập tới nhà thờ, mà chủ đề tôn giáo là rất nhạy cảm trong xã hội lúc bấy giờ.
Tới tháng 6/2012, cháu gái của nhà văn tìm thấy bản thảo của truyện ngắn và lại gửi tới tờ New Yorker. Lần này, ban biên tập dã dành một chỗ trang trọng trên mặt báo để ra mắt tác phẩm đã bị quên lãng trong suốt 76 năm qua.
Theo các nhà phê bình đánh giá, tác phẩm này của Fitzgerald đã thể hiện được những nét chính trong đời sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ, đặc biệt là cái nhìn khắt khe và cuộc sống vất vả của phụ nữ.
Một trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của Fitzgerald là cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại), xuất bản năm 1925. Đã nhiều lần tác phẩm này được chuyển thể thành phim hoặc các vở nhạc kịch, phiên bản The Great Gatsby mới nhất do Baz Luhrmann đạo diễn và nam tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio đóng vai chính sẽ ra mắt tại Mĩ vào tháng 12 này.
Theo NewYorker