Một lúc nào đó, ai đó có thể viết hẳn một cuốn sách với nhan đề Các nhà văn – nhà giáo Việt Nam thời hiện đại. Nhưng thiết nghĩ, đó là một công việc dài lâu và công phu, nếu làm được, đấy là hạnh phúc cho độc giả ngày nay trong một xã hội học tập. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết vừa phải này, chúng tôi chỉ “tiếp cận” một số nhà văn – nhà giáo viết truyện ngắn tiêu biểu có điều kiện quen biết. Bảy nhà văn hiện diện trong bài viết của chúng tôi là một sự lựa chọn, nếu có thể nói là, hoàn toàn ngẫu nhiên (có cả sự ngẫu hứng). Mong bạn đọc gần xa rộng lòng chia sẻ.

Ma Văn Kháng (sinh 1936): Nhà văn đã nhận các giải thưởng danh giá và cao quý – Giải thưởng văn học Đông Nam Á (1988), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012).  Nhà văn Ma Văn Kháng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1963), công tác trong ngành giáo dục 13 năm (vừa đứng lớp vừa làm quản lí ở tỉnh Lào Cai). Đến nay dù tuổi đã cao, dù kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng cái chất nhà giáo vẫn đậm đặc trong ông từ tác phong làm việc, phong cách sống và viết – ấy là sự ưu ái, điềm đạm, hòa nhã và tinh tế. Và phải nói thêm một đặc điểm này nữa luôn bứt phá nhưng cũng luôn chuẩn mực. Đấy là phẩm tính của một nhà giáo – nhà văn tài năng. Tính đến năm 2013, nhà văn đã sở hữu 11 tập truyện ngắn (tập truyện mới nhất là Mùa thu đảo chiều, 2012). Nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng neo lại được trong kí ức người đọc như Ngày đẹp trời, Heo may gió lộng, Một chiều giông gió, Hoa gạo đỏ, Thầy Khiển, Trái chín mùa thu, Mùa thu đảo chiều. Cái đẹp trong văn chương/truyện ngắn Ma Văn Kháng là cái đẹp của sự sống sinh sôi nẩy nở, của tất cả những ham muốn bình dị trong con người để sống được với chính mình, là mình. Văn Ma Văn Kháng có sự trau chuốt kĩ lưỡng, không bóng bảy nhưng vẫn lấp lánh, đôi khi “thô nháp” mà ngẫm kĩ vẫn “thanh”. Độc giả hình dung về Ma Văn Kháng là hình dung về một cây bút đủ tự tin, tự tại với phong cách cổ điển mang nhiều đột phá. Thầy Khiển là một truyện ngắn hay của nhà văn Ma Văn Kháng đã khắc họa được chân dung của một người thầy suốt đời vì sự nghiệp “trồng người”.

Nguyễn Huy Thiệp (sinh 1950): Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1972), có thâm niên 10 năm dạy học ở Tây Bắc. Đó chính là quãng thời gian nhà văn tương lai nung nấu, ấp ủ những ý đồ sáng tác lớn, để sau đó khi trở về Hà Nội, vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX, ông bắt tay vào sáng tác truyện ngắn. Ngay sau khi truyện ngắn Tướng về hưu xuất hiện, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến bằng con mắt xanh đã tiên lượng “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn viết truyện ngắn tài năng, nhưng đồng thời cũng là một hiện tượng văn học phức tạp nhất trong văn học đương đại Việt Nam. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có cách hình dung thú vị về Nguyễn Huy Thiệp, như là một hiện tượng văn học hi hữu, “hai lần kì lạ”. Chúng tôi riêng thích chùm truyện ngắn (10 truyện), với nhan đề chung Những ngọn gió Hua Tát. Phong cách Nguyễn Huy Thiệp, nếu có thể nói, rất đa diện: lúc thì như một nhà hiện thực nghiêm nhặt, lúc thì như một nhà lãng mạn cuối mùa, lúc thì như một nhà chiêm tinh nghiệp dư. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp găm được vào trí nhớ độc giả là Tướng về hưu, Sang sông, Những bài học nông thôn, Không có vua, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ. Đặc biệt giàu chất “đường rừng” là chùm 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát. Cái dấu ấn của một thầy giáo viết văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, theo chúng tôi, có lẽ in đậm trong những truyện nghiêng về phong cách trữ tình (Chút thoáng Xuân Hương, Chảy đi sông ơi, Muối của rừng, Thương nhớ đồng quê, Những ngọn gió Hua Tát). Có hai lần, Nguyễn Huy Thiệp viết trực diện về hình ảnh người thầy – truyện Sang sôngThương nhớ đồng quê. Trong truyện thứ hai có hẳn phần Chuyện ông giáo Quỳ: “Ông giáo Quỳ dạy cấp một, tính thương người, hay đọc sách từ nhỏ. Lớn lên cha mẹ đi hỏi vợ cho, ông giáo Quỳ bảo: “Cô đừng lấy tôi rồi khổ một đời”. Người kia bảo “Khổ cũng lấy”. Ông giáo Quỳ bảo: “Lấy tôi thì đừng sợ nghèo là một, đừng sợ nhục là hai, đừng ghen tuông là ba, phải trọng liêm sỉ là bốn”. Người kia bảo: “Biết trọng liêm sỉ thì ba việc trước là thường”. Hai vợ chồng lấy nhau ăn ở tâm đắc”. Cuộc đời thầy giáo Quỳ về sau có phần lận đận vì tính “gàn” (dạy trẻ con mà không chịu dạy theo sách giáo khoa, cứ tục ngữ ca dao mà dạy). Dù sao đi chăng nữa thì ông giáo Quỳ vẫn là một hình ảnh tiêu biểu cho người thầy giáo có phẩm hạnh và có cái tiết tháo của kẻ sĩ hiện đại.

Võ Thị Xuân Hà (sinh 1959): Từng có mười năm (1978 -1988) dạy toán cấp 2 (THCS). Tính đến năm 2013 đã công bố 12 tập truyện ngắn (tập truyện đầu tay Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, 1992). Nhưng quả thực độc giả chỉ bắt đầu chú ý đến Võ Thị Xuân Hà từ Lúa hát (1994) – một truyện có một cấu tứ hay: “Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và Đức Phật từ bi của họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ”. Hóa ra, hạnh phúc của con người trên cõi trần này là vô cùng mong manh, dễ vỡ. Phải chăng không có những cuộc đời hạnh phúc, mà chỉ có những giây phút hạnh phúc?! Trong những lời bình về truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, chúng tôi tâm đắc với ý, cho rằng, “sự biến ảo” làm nên màu sắc của nhà văn này, người đã sớm biết đầu tư chiều sâu và dài lâu cho “thể loại nhỏ”. Chúng tôi có trong tay tập truyện ngắn gần đây nhất Vàng son thạch thủy khí (2012) của chị với 13 truyện (mà sao chị không kiêng con số 13 nhỉ?), thiết nghĩ, đánh dấu độ chín của cây bút nữ này, có thể nói là thuộc số ít “trụ hạng” được với truyện ngắn. Chúng tôi có cảm giác nguồn lực truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà lúc nào cũng dồi dào, hình như chỉ có viết chị mới giải phóng được năng lượng sống lúc nào cũng như đầy ứa, tràn trề.

Y Ban (sinh 1961): Tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1982). Từng là giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Nam Định, Trường Đại học Y Thái Bình (từ 1982 -1989). Tính đến năm 2013, chị đã sở hữu 11 tập truyện ngắn. Y Ban từng đoạt giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn 1989 -1990 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (với hai truyện Bức thư gửi mẹ Âu CơChuyện một người đàn bà). Nhân vật chính trong truyện ngắn Y Ban chủ yếu là nữ, với mọi thân phận, mọi cung bậc tình cảm, cảnh ngộ. Nhưng tất cả đều tỏ rõ sức sống mãnh liệt của người phụ nữ, ý thức được quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc của mình trong xã hội hiện đại. Có những truyện Y Ban viết, đọc đau xé lòng (như I am đàn bà), tuy nhiên có nhiều cộng hưởng và dư ba đối với độc giả. Phong cách nghệ thuật của Y Ban, nếu có thể ví von, thì nhiều “Xuân Hương tính”. Y Ban là nhà văn có nhiều độc giả bởi văn của chị giàu chất đời, thiết thân với người phụ nữ trong nhiều vấn đề sinh tồn. Giọng giễu nhại quyết liệt và sâu cay của Y Ban đôi khi động chạm đến những vấn đề đời sống được coi là nhạy cảm. Nhưng tấm lòng của người viết thì rõ ràng là vằng vặc tình thương yêu, nhiệt huyết bảo vệ hạnh phúc chân chính của phụ nữ.

Phạm Duy Nghĩa (sinh 1973): Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (1996), nhận học vị tiến sĩ văn học năm 2010 tại Viện Văn học. Từ năm 1996 đến 2007 là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Hiện là Trưởng Ban Lí luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là một nhà văn – nhà giáo thành danh cả trong sáng tác và nghiên cứu (anh là tác giả của 2 chuyên luận Nhà văn Nguyễn Minh Châu và cảm hứng nhân văn, 2006; Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi, 2012). Phạm Duy Nghĩa đoạt giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Có lẽ, theo chúng tôi, giải thưởng này là một bước ngoặt trong nghiệp văn và đời sống của anh. Nhờ nó mà anh đã thay đổi không gian sống, thay đổi nghề nghiệp. Phạm Duy Nghĩa viết ít, nhưng chắc chắn, tính đến năm 2013, anh chỉ mới công bố 4 tập truyện ngắn. Trong bài Khu vườn văn của Phạm Duy Nghĩa (in trên báo Văn nghệ Trẻ năm 2010), chúng tôi đã có dịp nêu những nhận xét về truyện ngắn của tác giả: cách viết hướng nội (“tìm vào nội tâm”), gia tăng yếu tố trữ tình, hình thức thể loại nhiều “biến tấu”. Những truyện ngắn hay của Phạm Duy Nghĩa viết về người thầy (cô), về nghề dạy học thường ngân rung những tình cảm trân trọng đối với những con người cao quý, hi sinh thầm lặng trong xã hội (kiểu như Cơn mưa hoa mận trắng). Văn Phạm Duy Nghĩa chất chứa sự đằm thắm, đắm đuối với đời, với người, đặc biệt với cảnh (nhiều độc giả thích câu nói nổi tiếng của anh: “Cảm giác không viết được khi bên mình không có cây xanh!”).

Uông Triều (sinh 1977): Từng là giáo viên dạy tiếng Anh trường trung học phổ thông ở Quảng Ninh, nhờ viết văn mà được “tuyển mộ” về Tạp chí Văn nghệ Quân đội – một địa chỉ văn chương có uy tín của cả nước. Điều độc giả chú ý ở cây bút truyện ngắn trẻ này là mối quan tâm đặc biệt (có người nói là đến độ “si mê”) về lịch sử. Đây là một nét rất đáng chú ý khi chúng tôi thấy không ít người viết trẻ hiện nay đang tìm về cội nguồn, truyền thống dân tộc (có thể thấy rất rõ trong sáng tác truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương, Vũ Thanh Lịch, Phùng Hy, Uông Triều…). Năm 2010, Uông Triều trình làng tập truyện ngắn đầu tay Đôi mắt Đông Hoàng (gồm 11 truyện), chủ yếu viết về lịch sử. Anh tham gia Cuộc thi truyện ngắn 2011- 2012 của báo Văn nghệ, tuy không được giải cao, nhưng độc giả lại kì vọng nhiều vào cây bút truyện ngắn có nội lực này. Vừa sáng tác truyện ngắn, Uông Triều vừa say mê nghiên cứu văn hóa truyền thống. Dường như nghiên cứu bổ trợ cho sáng tác, và sáng tác càng kích thích nghiên cứu.

Di Li (sinh 1978): Hiện là giáo viên tiếng Anh của Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hà Nội. Di Li là một cây bút đa năng, tung hoành trong các lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, dịch thuật. Tính đến năm 2013, Di Li đã sở hữu 6 tập truyện ngắn. Di Li đã thể hiện rất rõ chất người, chất văn trong truyện ngắn. Nhiều yếu tố đan xen: trữ tình, tâm lí, kì ảo, trinh thám. Ai đó nói vui “Di Li là người hào hiệp”, là “Người đàn bà đẹp viết văn”. Không sai! Di Li có nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ. Truyện của Di Li không nhiều “sex” (nếu có viết cũng vừa độ), không “triết lí vặt”, tính chất giải trí rất rõ (nhưng không rơi vào thực dụng). Chúng tôi nghĩ, văn chương của Di Li rất hợp với thị hiếu của độc giả ngày nay, nhất là lớp trẻ, vì tính năng động, mới lạ, đa chiều, cởi mở của nghệ thuật ngôn từ.

*

*     *

Có lẽ phải nói đến ba cô giáo có truyện ngắn tham dự cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần này. Như thế, chúng tôi nghĩ, mới công bằng. Số 3 là một con số khá thú vị. Võ Diệu Thanh (cô giáo dạy mỹ thuật trường Tiểu học C – Chợ Vàm – Phú Tân, An Giang) là tác giả của 4 tập truyện ngắn (Lời thề đá, Cô gái ngỗ ngược, Gạt nước mắt đi và 17 cây số đường ma). Tháng mười vừa qua, từ An Giang xa xôi, Võ Diệu Thanh đã ra Hà Nội để tham dự buổi giới thiệu tiểu thuyết mới của mình Lần đầu thấy trăng do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Độc giả phía Bắc có dịp tiếp xúc với một nhà văn đậm chất Nam Bộ. Cây bút truyện ngắn thứ hai là Tống Ngọc Hân (từng học trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ, hiện sống ở Lào Cai), đã công bố 3 tập truyện ngắn (Khu vườn yên tĩnh, Sợi dây diều, Đêm không bóng tối), chị đang là tác giả văn xuôi trẻ tiêu biểu nhất của tỉnh Lào Cai hiện nay. Cây bút thứ ba, Tống Phú Sa (dạy lịch sử ở trường THPT Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh) ngoài công việc lên lớp, chị dồn tình yêu cho văn chương và truyện ngắn. Trong thư gửi chúng tôi, chị chia sẻ đang chuẩn bị cho “đứa con tinh thần” đầu tiên của mình ra đời (một tập truyện ngắn, theo sự hình dung của chúng tôi, khi trình làng sẽ có nhiều độc giả). Dù có người vẫn kiên trì đứng lớp, dù có người vì một lí do nào đó chuyển sang nghề khác, thì tựu trung, trong lòng họ ngọn lửa tình yêu nghề dạy học không bao giờ nguôi ngoai. Những truyện ngắn xinh xắn như Mây không bay về trời của Tống Ngọc Hân, Cô Khang của Tống Phú Sa, Mùi vị trần ai của Võ Diệu Thanh được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội gần đây, cùng với truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch, Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Minh Hiếu (trong số này có những người cũng từng là cô giáo) gây men cho niềm tin vào những ngôi vị cao của mùa giải truyện ngắn 2013 – 2014, sẽ là nữ!? Chúng tôi nghĩ, niềm tin này có căn cứ, khó bác bỏ vì như ai đó nói “Văn chương Việt Nam mang gương mặt nữ”

Hà Nội, đầu tháng 11 năm 2013

Nguồn: vannghequandoi