– Cơm với nước, thế này mà cũng gọi là nấu cơm à!

Bà cầm đĩa cá rán lên rồi trút hết cả xuống mâm, tiện tay trút thêm cả đĩa trứng. Đĩa cá rán và đĩa trứng rán, món ăn khoái khẩu của em tôi lẫn lộn đầy kiến… rán. Chị Hoa nước mắt chảy ròng, đứng im nhẫn nhục chịu trận.

Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu thằng cu Bin không hồn nhiên la toáng lên: “Kiến, kiến, trời ơi, sao bao nhiêu kiến trong thức ăn thế này”. Tôi đã bấm vào tay nó, ra hiệu cho nó im mà nó chẳng chịu hiểu. Thằng ngốc thế không biết! Chẳng là tôi với nó ăn cơm trước để còn đi học. Chị Hoa giúp việc của nhà tôi không biết nấu nướng thế nào mà cả đĩa trứng rán, cá rán đầy kiến là kiến. Thêm món canh dưa nữa cũng nổi lềnh bềnh những kiến. Bà đang giương mục kỉnh ngồi xem phim, nghe tiếng cu Bi kêu lật đật chạy đến, đưa từng đĩa thức ăn lên sát mắt nhìn ngó chăm chú rồi… trút hết cả xuống mâm.

– Con Hoa kia! Có nấu bữa cơm thôi mà mày làm ăn thế này à?

Chị Hoa thút thít:

– Dạ, dạ, cháu xin lỗi. Chắc cháu… cái chảo lúc trưa còn mỡ, cháu lấy rán lại, chắc kiến chui vào mà cháu không biết…

– Chảo còn mỡ, nấu xong thì phải trút ra bát, đậy cẩn thận vào chứ. Dặn bao nhiêu lần rồi mà không chui vào đầu được a? Bà vẫn chưa thôi giận giữ.

Có tiếng cửa lách cách.

– Con chào mẹ. Nhà mình có chuyện gì thế ạ?

Bố về! Cu Bi thở hắt ra như trút được gánh nặng.

– Hai chị em đã ăn cơm xong chưa? Nhanh để bố còn đưa đi chứ. Ồ mà…

Câu nói của bố dừng lại lưng chừng. Nhìn mâm cơm tung tóe, bố như đoán như hiểu ra chuyện gì.

– Chị Hoa làm thức ăn… có kiến ạ – Thằng cu Bi lắp bắp.

– Kiến à, đâu đưa bố xem nào?

Bố gắp một miếng trứng cho vào miệng, nhai nuốt ngon lành.

– Chà, đang đói, được miếng trứng tỉnh cả người. Kiến thì có làm sao. Kiến không phải là  sinh vật truyền nhiễm bệnh, phải không cu Bi! Có những bộ tộc người ta còn ăn kiến ấy chứ. Chà, món kiến chiên chắc là nhiều vi chất bổ sung lắm đây. Thôi, ăn cơm đi. Bố cũng ăn luôn. Chở hai chị em đến trung tâm ngoại ngữ xong là bố còn phải đi có việc nữa. Mẹ cũng ăn luôn đi, nhà con hôm nay chắc về muộn.

Bố vừa nói, vừa ngồi vào bàn, quên cả việc rửa tay. Cu Bi biết cũng chẳng buồn nhắc. Chắc nó sợ bố đi rửa tay, chiến tranh giữa bà và chị Hoa lại xảy ra. Quả thực bố đã giải cứu cho chị Hoa một bàn thua trông thấy. Nhưng bà đâu có dễ bị bố đánh lạc hướng như vậy. Bà lầm bầm “Tôi không đói” rồi xô ghế đứng dậy, trở về phòng riêng.

– Hay cái Hoa nó là con riêng của anh thật?

– Sao em lại hồ đồ như thế. Em nói vậy không sợ con nó nghe thấy à?

– Dào ôi, có gì mà nghe thấy với chẳng không nghe thấy. Cái ý này đâu phải em nói ra. Là mẹ nói đấy chứ.

– Mẹ… em còn lạ gì tính mẹ nữa. Em biết thừa mẹ không ưa cái Hoa rồi còn gì.

– Không ưa? Em hỏi anh, ai mà ưa được nó cơ chứ. Mắt mũi thì kèm nhà kèm nhèm. Làm ăn thì chớt nhả, sai gì làm nấy, chẳng bao giờ tự giác được việc gì. Từ hôm nó lên đây, nhà cửa cứ rối tung cả lên.

– Thì anh chẳng bảo với em là đợi một vài tháng nữa, anh sẽ xin cho nó đi làm công nhân. Cả anh và em đều bận. Mẹ thì già rồi không giúp được gì. Nhờ cái Hoa giúp việc cho nhà mình một thời gian…

– Giúp việc! Với tiêu chí người giúp việc thì em không bao giờ chọn cái Hoa.

– Con bé chưa quen thì mình bảo ban nó, làm gì mà em cứ phải mặt nặng mặt nhẹ với nó thế…

– Tôi mặt nặng mặt nhẹ ấy à! Anh nói tôi như vậy chứ gì?

Oa, mẹ đã xưng “tôi” với bố rồi, hứa hẹn một trận cãi vã đây. Tôi chẳng buồn nghe nữa. Còn một đống bài tập cuối tuần phải giải quyết. Việc bố mẹ xích mích cũng bình thường như cân đường hộp sữa ấy mà, nhất là từ hôm chị Hoa lên đây. Công bằng mà nói thì tài nội trợ của chị Hoa chẳng khéo léo gì. Chị đã ở nhà tôi hai tháng rồi mà bữa nào cũng vậy, hôm thì bà kêu rau chị luộc sống, hôm thì kêu canh mặn, hôm thì… Đồ dùng trong nhà, cái gì chị cũng lạ, cũng phải hỏi cách sử dụng. Nào lò vi sóng bật thế nào, chế độ quay chế độ nướng ra sao, rồi máy giặt rồi bếp từ vân vân và vân vân… Dạy cho chị hai ba lần mà chị vẫn quên. Hôm vừa rồi, chẳng hiểu sao chị tuột tay làm vỡ cái nồi thủy tinh, khiến cho bộ nồi cô Hạnh gửi từ bên Nhật về biếu bà khuyết mất một chiếc. Bà tiếc hùi hụi. Và tất nhiên, bà cho chị một bài học dài đến mười lăm phút. Chị Hoa ngồi im chịu trận, mặt cứ ngây ra. Buồn cười.

Không hiểu sao bà lại không ưa chị Hoa, chưa nói rằng bà ghét. Tất nhiên điều này ảnh hưởng không tốt tới mẹ rồi! Bà nói với mẹ rằng bố và mẹ chị Hoa ngày xưa… yêu nhau. Tôi hỏi lại bố, bố rất ngạc nhiên, vặn tôi rằng có thực con nghe bà nói như thế không. Tôi bảo thực. Bố có vẻ buồn lắm. Bố bảo bà nói thế không đúng đâu, con đừng tin. Tôi hỏi thế tại sao bà lại ghét chị Hoa. Bố bảo bố cũng chẳng rõ, hình như ngày trước bà chị Hoa và bà có mâu thuẫn chi chi đó, chuyện người lớn, con biết vậy thôi. Bố bảo hoàn cảnh chị Hoa đáng thương. Nhà mình với nhà chị ấy cũng có đôi chút họ hàng xa. Thôi mình giúp được việc gì thì giúp cho người ta con ạ. Bà già rồi. Người già khó tính. Rồi bố sẽ tác động dần dần để bà hiểu. Thế còn mẹ, mẹ đang nghi chị Hoa là con riêng của bố mà! Ôi, con nghe thấy bố mẹ tranh luận à? Đừng để tâm con ạ. Mẹ nói vậy thôi nhưng bụng dạ mẹ chẳng nghĩ vậy đâu. Bố biết bố hiểu mẹ con mà.

Bố dặn tôi phải thân thiết với chị Hoa. Chị ấy chỉ hơn con vài tuổi thôi, giống như chị gái vậy. Đừng xa lánh chị kẻo chị tủi. Ngày xưa, khi bố còn nhỏ, trong một lần đi tát cá, bố bị cảm, ngã sấp xuống mặt bùn. Chính mẹ chị Hoa đã cõng bố về nhà, rồi còn chạy đôn chạy đáo đi kiếm gừng và rượu đánh gió cho bố, trong khi bà hốt hoảng kêu khóc ầm ĩ. Tôi gặng “Thế có đúng là sau này mẹ chị Hoa yêu bố không?”. Mẹ chị Hoa hơn tuổi bố, là phận con nhà nghèo, quá lứa lỡ thì con ạ. Tội nghiệp. Mải công mải việc, bố cũng quên bẵng bác ấy. Hôm rồi về làng, bố tình cờ gặp lại. Bác ấy thì già rồi, chị Hoa lại chẳng sắc sảo khôn ngoan như người ta nên hoàn cảnh khó khăn lắm. Chị Hoa phụ giúp việc cho nhà mình cũng là cách để mẹ con chị ấy có thêm thu nhập con ạ. Để hôm nào rảnh rảnh, bố sẽ đưa chị ra viện mắt khám xem sao, chứ mắt mủi lem kem thế thì xin việc ở đâu được. Rồi sau còn chồng con nữa chứ. Mà bố nói cho con thêm chi tiết này để con thông cảm hơn với bà nhé. Bà mình và bà ngoại chị Hoa vốn là “tình địch” của nhau đấy. Thời trẻ, cả hai đều yêu ông. Con đừng cười nhé. Già mà vẫn còn ghen tuông vớ vẩn thế đấy, nghi kị thế đấy. Người già bao giờ cũng có phần trẻ con trong đó, con ạ.

Hi hi, bố bao giờ cũng dí dỏm như thế, nhưng những điều bố nói tôi nhớ rất nhanh. Thực ra tôi đâu có ghét bỏ gì chị Hoa. Từ hôm có chị, tôi không phải đảm nhận việc rửa bát – một công việc mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi cũng chẳng phải lo tắm rửa cho cu Bi, hay gấp chăn gấp màn… Chị Hoa làm hết. Chị còn rất quan tâm đến tôi đấy nhé. Bằng chứng là mỗi lần mẹ mua hoa về cắm, bao giờ chị cũng lựa ra một bông đẹp nhất mang lên phòng cho tôi. Lọ hoa xinh xinh ở bàn học trông thú vị, hay hay, khiến tôi hào hứng với việc học hơn thì phải. Tôi chẳng hề biết là chị ấy rất thích rất yêu hoa. Còn bà, mỗi lần nhìn thấy chị nâng niu những bông hoa, bà nhăn mặt, vẻ không được thoải mái lắm. Có lần tôi còn nghe bà lầm bầm bảo chị là đồ nhà quê, sĩ rởm. Tôi chỉ thấy buồn cười và thương bà. Rõ là bà rất khó chịu với chị Hoa. Cũng may là chị không cắm hoa trong phòng chị, nếu không thì…

Những lúc rảnh, tôi hay đọc sách cho chị Hoa nghe. Và để “trả công”tôi, chị kể nhiều chuyện ở quê mà tôi không biết, chuyện cắt lúa ra làm sao, chuyện tát cá thế nào. Kể cả chuyện người ta diệt ốc bươu vàng, chị mang về nhà nấu canh chuối đậu thơm nức. Qua lời chị, tôi thấy món gì ở quê cũng ngon, cái gì ở quê cũng hứa hẹn để khám phá. Chỉ có điều, kể chuyện quê xong, mắt chị Hoa lại rân rấn nước. Tôi hỏi chị nhớ nhà à? Chị bảo không, là tại mắt chị quáng gà nên vậy. Tôi tin sái cổ.

Cũng có lần, vô tình tạt qua phòng chị, tôi thấy chị ngồi im, hai bàn tay khum khum như nắm như giữ một thứ gì quý lắm ở bên trong. Hai cánh mũi của chị phập phồng, hít hà, còn đôi mắt quáng gà thì nhìn đi tận đẩu tận đâu. Tôi hỏi chị có cái gì trong tay đấy? Chị giật mình, mặt đỏ bừng, lật đật đứng dậy giấu “bảo bối” đi.

Mà nói cho cùng thì chị Hoa cũng chẳng có gì ấn tượng với tôi lắm. Chị không xinh xắn, chưa nói là rất quê mùa. Chị chẳng khéo léo, chưa nói là vụng về. Được mỗi một tính tốt là hiền lành và chịu nhịn. Nhiều lúc tôi và cu Bi có tỏ vẻ bắt nạt chị một chút thì chị cứ đần ra, trông tội nghiệp ghê! Sự có mặt của chị cũng đã quen thuộc với tôi và cu Bi và phần nào, cả với mẹ. Có chị, mẹ được thong thả hơn, bớt đi bao nhiêu thời gian dành cho dọn dẹp, cơm nước. Bố thì chẳng nói rồi. Bố vốn dễ tính, lại đi suốt ngày. Vả lại, bố cũng rất quan tâm tới hoàn cảnh của chị.

Nhưng rồi chị Hoa nhất định đòi về, không ở nhà tôi nữa, cho dù bố và cả mẹ cố giữ chị. “Nếu cháu không muốn ở đây, cô sẽ tìm cho cháu một chỗ làm khác”. “Cháu cảm ơn cô, nhưng cháu chỉ muốn về nhà mà thôi. Cô cho phép cháu về”. “Cháu đừng giận bà. Người già đôi khi khó tính chứ bà cũng không có tâm địa nào” . “Không, cháu không giận bà. Cháu chỉ muốn về nhà thôi chứ cháu không giận bà”. Nghe câu này, bà đang ngồi ở salon liền đứng phắt dậy, mặt sa sầm, buông một câu mát mẻ “Tử tế quá. Ta chẳng thèm!” rồi thủng thẳng đi lên cầu thang.

Chẳng là hôm qua, thằng cu Bi đòi ăn khoai tây chiên. Muốn khoai ngon thì phải đổ nhiều dầu ăn, mà dầu ăn thì phải thật sôi. Vốn hậu đậu, lại thêm đôi mắt quáng gà, nên khi đổ khoai vào chảo, chị vụng về thế nào làm mỡ vung tung tóe. Bà đứng gần đấy, bị mỡ bắn vào mắt, vào mặt. Tức mình, bà cầm cả bình nước nóng ném vào chị. May mà chị nhanh chân tránh kịp. Tủi thân, chị khóc suốt. Đến hôm sau, chị gói ghém quần áo đòi về quê.

Tôi và bố tiễn chị ra ga. Lúc chuẩn bị lên tàu, chị dúi vào tay tôi một gói nhỏ, đôi mắt quáng gà rân rấn nước. Tàu rời ga, tôi mới mở ra xem. Một cái túi vải nhỏ nhỏ xinh xinh. Đường chỉ khâu không được thẳng, mũi kim xiên xẹo lúc to lúc nhỏ. Trong chiếc túi ấy là những bông hoa khô, tỏa mùi thơm thoang thoảng, ngai ngái. Tôi chợt nhớ tới lọ hoa xinh xinh chị thường đặt trên bàn học của tôi, nhớ cả lần bắt gặp chị trong phòng đang khum khum hai bàn tay, cánh mũi nhỏ rung rung hít hà, đôi mắt quáng gà rưng rưng…

– Bố, mình tính sao bây giờ hả bố?

– Ừ, để bố nghĩ đã con ạ. Có thể cuối tuần bố sẽ về quê.

– Nhưng sao bố bảo bố phải đi công tác?

– Ừ, thì công tác. Nhưng bây giờ việc ấy không còn quan trọng nữa. Bận bịu công việc là lý do để người ta chối bỏ trách nhiệm của mình. Bố phải làm một việc, dẫu muộn. Đó là trả ơn người đã cứu mình con ạ.

– Nhưng bố định làm gì? Chị Hoa không lên giúp việc cho nhà mình nữa đâu. Con hiểu tính chị ấy.

– Ừ, bố đã quá đơn giản khi nghĩ rằng giúp chị ấy có một công việc là trả được ơn cũ. Trong chuyện này, người đáng trách phải là bố. Bố sẽ bắt đầu lại con ạ.

Chưa bao giờ tôi thấy gương mặt bố nghiêm nghị và khó gần đến như vậy. Từ hôm qua đến hôm nay, bố như già đi thì phải. Hẳn bố đã suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đã xảy ra. Chị Hoa tội nghiệp của tôi! Chuyến tàu đưa chị Hoa trở về nhà đã đi xa lắm rồi mà bố con tôi vẫn chưa rời ga. Một làn gió lạnh lướt qua. Tôi hơi rùng mình, giữ chặt chiếc túi trong hai bàn tay khum khum, sợ mùi thơm hiếm hoi của những bông hoa khô bay đi mất.

Anh Thư – Văn học quê nhà