Nhà văn Aditha Dissanayake sinh năm 1973, hiện còn là dịch giả và biên tập viên. Cô tốt nghiệp Trường Đại học Kelaniya và đã có 6 tác phẩm được phát hành kể từ năm 2000 đến 2013. Cô đã từng nhận được giải thưởng văn học quốc gia cho bản dịch tiếng Anh hay nhất cuốn “Thời đại của Kali” (2014).


(Minh hoạ của hoạ sỹ Đỗ Phấn)


Margaret Ferguson áp lá thư vào ngực và ngắm nhìn bầu trời xanh lấp ló qua những kẽ lá biếc của cây hồng xuân. Giống như thể những lời lẽ trong bức thư đang in đậm trên từng đám mây trắng, trên những cánh hoa cúc mềm mại và cả những cánh chim đang hót lời tỏ tình. Chàng viết: “Maggie thân yêu, anh sẽ đi tàu thủy đến Ceylon vào cuối tháng Năm. Chúng ta sẽ làm đám cưới vào tháng Sáu em nhé. Ngôi nhà ở Rajputana của anh đang cực kỳ mong đợi cô dâu đấy. Anh cũng mong đợi thế. Yêu thương của em, Henry”.

Lá thư viết ngày 8 tháng 3 năm 1873 và đề địa chỉ nhà cô M. Ferguson, Dessford Estate, Nanu Oya, Ceylon. Maggie nhìn những cây cà phê bên cạnh bờ suối đang róc rách, nơi mà rồi con sông sẽ bắt gặp ở hạ nguồn khe suối. Lá cây phô ra lốm đốm những dấu hiệu của sâu bệnh đã phá hoại mùa màng cà phê ở cả quận Nuwara Eliya. Các công nhân gọi nó là bệnh “pooche”. Cô vẫn nhớ lần anh trai John nói với cha rằng, tương lai phía trước sẽ vô cùng ảm đạm nếu như dịch bọ xanh cà phê không được kiểm soát. John muốn nhổ cà phê để thay bằng trồng chè, nhưng cha không đồng ý.

Maggie ngắm nhìn cánh bướm trắng thanh nhã và xinh đẹp như chiếc nơ kẹp tóc mà bà ngoại cô đã tặng cho mẹ khi bà vẫn còn là một cô gái nhỏ sống ở Devon, nước Anh. Chúng đang thì thầm những lời ngọt ngào với khóm cúc vàng mọc dưới gốc hồng xuân. Cô cũng dựa lưng vào thân cây và ngắm những bông hồng xuân trắng muốt rụng xuống đôi bàn chân đang đi xăng đan. “Pháo bông từ bầu trời”, cô thì thầm.

Tận sâu thẳm trái tim mình, cô biết rằng đây sẽ là những ngày cuối cùng cô còn được ngồi dưới bóng của cái cây đặc biệt này, nó đã gắn bó với cô kể từ ngày cha cô mua mảnh đất ở Nanu Oya, Ceylon rồi mỗi ngày lại trồng thêm những cây cao và rậm rạp. Cô biết rằng, mình sẽ không bao giờ còn được quay trở lại cái góc kín đáo chứa đầy những giấc mơ và niềm hy vọng, cả những bí mật mà cô thường thì thầm với dòng suối, những nụ cười mà cô sẻ chia với làn gió dịu nhẹ, những cuộc chuyện trò với hai chú sóc vừa chạy về phía cô vừa đánh hơi tìm đồ ăn. Hiếm khi cô làm cho chúng thất vọng vì trong túi áo lúc nào cũng có một chiếc bánh quy ỉu hay mấy mẩu bánh mì còn sót lại từ bữa sáng.

Cô cũng gắng tưởng tượng xem lùm cây này sẽ như thế nào trong suốt thời gian cô vắng mặt. Mười, hai mươi, ba mươi, thậm chí là hàng trăm năm sau, cây hồng xuân vẫn đứng đó, yên lặng và dịu hiền, và rồi những chắt chút chít của hai con sóc nọ sẽ chạy tới chạy lui trên những cành cà phê khẳng khiu? Một cô gái nào đó khác sẽ ngồi đây, trên phiến đá này, để ngắm nhìn bầu trời và mơ về tương lai? Rồi cô ta cũng sẽ lấy chồng và đi về một nơi xa để kiếm tìm một cuộc phiêu lưu lãng mạn?

Trí óc cô bị phân tán bởi những đám mây đang tụ lại trên bầu trời xanh. Cô thu sách vở, khăn choàng, ném những mẩu vụn bánh mì còn lại cho vợ chồng nhà sóc và rời khỏi nơi trú ẩn tạm thời. Cô nghe thấy tiếng mưa rơi trên những dòng suối lúc vội vã trở về nhà. “Tạm biệt Maggie”, cô nghĩ rằng mình đã nghe tiếng gió thì thầm bên tai như thế.

***

Khi nhìn thấy phiến đá dưới gốc cây hồng xuân, Dinu quyết định phải nghỉ chân một lát. Cô đã đi bộ gần nửa tiếng đồng hồ kể từ lúc rời khỏi căn nhà của bác cô sau bữa sáng để đi dạo trên đồi. Bác Upali là giám đốc công ty Bất động sản Dessford. Đây là lần đầu tiên Dinu được đến một nơi ở thiên đường trên những quả đồi như thế này. Cô đang có kỳ nghỉ cuối tuần ngắn ngủi cùng với các anh chị em họ sau khi tạm phép công việc tám tiếng ở nhà băng, nơi cô vừa đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc.

Dán mắt vào chập chùng những cánh đồng chè trải dài trước mặt như một chiếc bánh ngọt khổng lồ được bao phủ bởi lớp kem xanh nhạt, Dinu ước gì có ai đó ở bên cạnh để chia sẻ phong cảnh tuyệt đẹp này. Cô rút máy điện thoại trong túi và tự hỏi liệu có nên gửi một tin nhắn cho Imasha, đồng nghiệp và là người bạn thân nhất của cô hay không. Nhưng Imasha lại vừa cãi cọ với anh chồng chưa cưới nên Dinu biết rằng, điều duy nhất mà bạn cô muốn giãi bày bây giờ là những sai lầm của Danushke nếu như bắt được tin nhắn của Dinu. Cô cũng chắc em gái mình giờ còn đang bận rộn với ba đứa trẻ con nên không hơi sức đâu mà trả lời tin nhắn của Dinu. Cuối cùng, Dinu quyết định sẽ gửi tin nhắn cho người đầu tiên trong danh bạ của cô: Ông Amarawansa, một trong những khách hàng thân thiết, đồng thời đã trở thành một người bạn của cô kể từ bữa cô giúp ông ta chuyển tiền trong tài khoản tiết kiệm đến một tài khoản đặc biệt dành cho những nhân vật cao cấp để được hưởng lãi cao hơn. Cho đến giờ cô chưa bao giờ gửi tin nhắn cho ông bởi nghĩ ông cũng quá già để đọc tin hay nhắn tin. Nhưng dù sao cô vẫn quyết định gửi một cái tin. Tốt hơn là nên chia sẻ quang cảnh đẹp đẽ này với một ai đó cho dù họ thậm chí còn không buồn đọc tin của cô nữa.

“Tôi đang ngồi dưới gốc cây hồng xuân. Bầu trời thì xanh lơ như một chiếc quần jean vậy”. Dinu gửi tin nhắn rồi mỉm cười một mình. Cô nhét lại điện thoại vào túi và nhìn lên những đám mây, bắt đầu giấc mơ ban ngày về việc làm thế nào tiết kiệm đủ tiền để đi vòng quanh thế giới, một ngày nào đó bằng chính công sức của cô.

“Bíp. Bíp”. Cô suýt nhảy dựng lên khi nhận ra điện thoại báo tin nhắn. Một tin nhắn của ông Amarawansa.

“Bầu trời ở đây cũng xanh như thế” – ông ta đáp lại.

Ánh mắt cô bất chợt chạm phải một phiến đá chỉ cách cây hồng xuân có vài bước chân. Để chắc chắn rằng ông Amarawansa đúng là đã đọc tin nhắn vừa gửi của cô, Dinu lại gõ tiếp: “Tôi vừa nhìn thấy một phiến đá có tạc chữ”.

“Trên đó viết gì vậy?”.

“Khó đọc quá”, Dinu hồi đáp.

Cô nhìn chăm chú vào những ký tự đã bị nắng mưa bào mòn theo thời gian.

“Tưởng nhớ Maggie thân yêu của chúng ta. Margaret Ferguson St. Dalmas sinh ngày 8 tháng 4 năm 1852, kết hôn với ông Henry Gersham St. Dalmas ngày 10 tháng 6 năm 1874”. Cô đọc to thành tiếng. “Yên nghỉ tại Ulwar, Rajputana, ngày 21 tháng 9 năm 1879”.

Hai con sóc dừng cuộc chuyện trò ríu rít của chúng và yên lặng lắng nghe. Dòng suối ngừng chảy trong chốc lát. Chỉ còn tiếng gió nhẹ nhàng luồn qua những kẽ lá hồng xuân, giống như một bài hát vừa cất lên câu chuyện buồn nhưng lạ lùng. Dinu nhìn thấy những bông hồng xuân trắng muốt rơi lả tả xuống nền đất, rụng đầy xuống đôi dép cao su và chiếc quần jean của cô. Chúng giống một thứ gì đó cô đã từng nhìn thấy trước đây mà tức thời chưa thể gọi tên.

Cô nhận ra ngôi mộ đó hẳn là của một cô gái đã từng sống ở nông trại chè này trong quãng thời gian những người Anh phát quang đất đai để trồng cà phê rồi sau đó là chè. Có vẻ như Maggie chỉ được biết đến đời sống hôn nhân có 5 năm thôi. Maggie có hạnh phúc ở Rajputana với tư cách là bà St. Dalmas không? Dinu tự hỏi. Liệu Maggie có nhớ nhà không? Maggie tội nghiệp. Cô thở dài.

Cô nhớ lại cuộc trò chuyện với ông Amarawansa trong một lần đến thăm nhà băng mới đây.

“Đã đến lúc cô phải ổn định rồi cô gái trẻ ạ”. Ông bảo cô bằng một giọng đầy ý nghĩa. Thấy cô chỉ mỉm cười, ông nói thêm: “Tôi cũng có một cậu cháu trai. Một anh chàng rất thông minh. Là giảng viên. Nhưng cũng giống như cô ấy, cậu ta dường như không muốn kết hôn. Sở thích duy nhất của nó là thiên nhiên hoang dã”. Dinu sau đó đã phải thay đổi chủ đề và hỏi thăm căn bệnh viêm khớp của vợ ông ta liệu đã đỡ hơn chưa.

“Bíp. Bíp”. Một tin nhắn khác từ ông Amarawansa.

“Nếu cô ngồi dưới gốc cây hồng xuân thì hẳn là phải có rất nhiều hoa trắng rơi xuống đất”. Dinu nhìn chằm chằm vào tin nhắn, không thể tin nổi vào mắt mình. Cô nhận ra rằng mọi thứ mà mình vẫn nghĩ về ông Amarawansa từ trước đến giờ là sai hết. Ông ta không chỉ đọc được tin nhắn của cô mà còn gửi lại được và ngay lúc này, dường như còn có thể chụp lại hết quang cảnh xung quanh Dinu rõ đến từng chi tiết.

“Có đúng không?” – ông ta vẫn kiên trì.

“Đúng”.

Dinu nhận ra rằng bầu trời không còn xanh nữa. Trông nó như thể sắp đổ mưa vào bất cứ lúc nào. Ngay khi cô bắt đầu chuẩn bị rời khỏi cây hồng xuân thì điện thoại lại bắt đầu đổ chuông. Là ông Amarawansa.

“Xin chào”.

“Dinu à?”. Không phải giọng ông Amarawansa.

“Ai thế?”. Trong phút chốc cô trở nên sợ hãi.

“Bình tĩnh đã nào”. Cô cảm nhận được nụ cười ở đầu dây bên kia. “Bác tôi đang đi siêu thị nhưng lại để quên điện thoại ở nhà. Khi thấy cô gửi tin nhắn cho bác, tôi nghĩ mình nên đại diện bác để trả lời”.

“Ôi”, Dinu không biết phải nói gì nữa.

“Tôi là cháu trai bác Amarawansa. Tôi đến để trông bác gái trong lúc chờ bác trai đi chợ về”.

“Ồ…”.

“Lúc gửi tin nhắn cô nói nhiều hơn kia mà”.

“Là tại vì tôi cứ nghĩ anh là bác Amarawansa”.

“Tôi không phải bác tôi. Và đừng nói Ồ nữa nhé”.

“Ồ… ý tôi là… anh là cậu cháu phát rồ lên vì thiên nhiên hoang dã ấy à?”.

“Thế còn cô có phải là cô gái ở nhà băng quyết định không bao giờ lấy chồng không đấy?”.

Dinu cười phá lên và nhận ra đầu dây bên kia cũng đang cười. Nhưng sau đó vài hạt mưa đã rớt xuống tay cô.

“Tôi phải chạy đây. Trời bắt đầu mưa rồi”.

“Ok. Chạy đi. Và…”.

“Gì cơ?”.

“Lúc nào đó tôi có thể gọi lại cho cô được không?”.

“Trời đang mưa rồi”, Dinu nói. “Tôi phải đi thôi. Gặp lại anh sau nhé”.

Khi cô bước thật nhẹ lên những cánh hoa trắng muốt để tránh không giẫm nát chúng, cô chợt nhận ra rằng cái suối hoa ban nãy đã gợi nhắc đến cái gì. Pháo bông.

DI LI dịch từ tiếng Anh – Lao động cuối tuần

Exit mobile version