TVVHĐ – Nhà văn Tô Đồng sinh năm 1963, tại quê hương Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1984 tốt nghiệp Khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã từng làm giảng viên Khoa công nghệ Học viện Nghệ thuật Nam Kinh, Biên tập viên tạp chí “Chung Sơn”, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô, Uỷ viên Ban chấp hành toàn quốc Hội Nhà văn Trung Quốc…

Nhà văn Tô Đồng

Nhà văn Tô Đồng.

Năm 1963 bắt đầu công bố tác phẩm. Năm 1990 gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc. Tác phẩm chủ yếu đã xuất bản: “Tô Đồng văn tập” (7 quyển), tiểu thuyết “Cái thứ tám là tượng đồng”, các tập tiểu thuyết “Cuộc chạy trốn năm 1934”, “Điệu múa đau lòng”, “Năm thê bảy thiếp”, v.v…

Khán giả Việt Nam đã quen thuộc nhà văn Tô Đồng qua tiểu thuyết “Năm thê bảy thiếp” (Thê thiếp thành quần) cải biên thành phim truyện nhựa “Đèn lồng đỏ treo cao” do đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu đạo diễn.

Truyện ngắn “Củ từ” của nhà văn Tô Đồng đã đăng trên tạp chí “Chung Sơn”, số 4-2007, vừa được trao Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần thứ năm (2007-2009).

Hội đồng bình chọn bình luận đánh giá tác phẩm “Củ từ”: “Đã khéo léo phát huy ưu thế của truyện ngắn, chú trọng điêu khắc tinh tế về nghệ thuật, cốt truyện tuy xấy ra từ thuở nhỏ, song đã khắc hoạ một cách tinh tế và nắm chắc xu hướng diễn biến số phận của các nhân vật ở những tầng lớp khác nhau giữa thành thị và nông thôn, trong một thời đại đặc thù, thể hiện rõ công lực độc đáo.”

***

Về nhà, cô tôi đầu tiên nhìn thấy hai con gà trống to lông màu hoa lau, chúng bị quây trong túi lưới, một con ngồi, một con đứng, nhưng xem ra đều hiền lành. Trông thấy con gà trống hoa lau lớn, cô tôi biết ngay anh họ của tôi đã về nhà rồi, cô ngắm nghía kỹ lưỡng mặt đất, song cũng chưa biết là gà biết giữ vệ sinh, hay là đói bụng nên không thể ỉa bậy được, tóm lại mặt đất vẫn rất sạch sẽ.

Cô tôi túm mào của một con gà trống xem xét một lát, nói: “Chắc không phải là gà rù, chỉ biết mang về gà trống, đã không thể hầm được, lại không thể đẻ trứng, lại còn gáy sáng làm mất giấc ngủ của mọi người nữa chứ!”

Cô tôi đi đến cạnh nhà bếp, đang định lấy gạo cho gà ăn, bèn trông thấy một cô gái lạ hoắc mặc áo sơ mi màu hoa đào đang ngồi ở ngoài sân, đang dùng mảnh sành cạo củ từ.

Cô cho rằng anh họ tôi đưa bạn gái về nhà, vừa mừng vui vừa căng thẳng, chui tọt vào trong nhà bếp như kẻ cắp, chui vào một tí, lại chạy ra ngay, tay vuốt tóc, đứng đấy hắng giọng. Cô gái gọt củ từ ngẩng đầu lên, khuôn mặt bánh mật ngước lên, vừa nhìn đã biết là con gái nông thôn. Cô ta đang ngồi trên ghế bỗng nhảy thót lên, không biết là e thẹn hay lễ phép, đang gượng cười với cô tôi. Nghe thấy cô nói một câu gì đó không rõ, chắc là tiếng địa phương, nên cô tôi không phân biệt rõ cô gái ấy gọi cô tôi là gì. Bất giác cô tôi nhíu lông mày, cô gái ấy buông thõng tay, ánh mắt nhìn khắp người cô tôi một lượt, co rúm người lại, nhút nhát nhìn vào gian phòng của anh họ tôi, đột nhiên kêu lên: “Đồng chí Tiểu Dương, đồng chí ra đây một tý, ra đây một tý đi!” Anh họ tôi ngáp ngủ chậm rãi bước ra, anh họ tôi vừa ra, thì cô gái nọ bèn cúi đầu chui vào phòng. Trông thấy cô tôi đứng ngây ra ở đấy, anh họ tôi xoa bụng cười khà, nói với cô: “Làm gì mà mẹ tròn mắt ra thế? Tưởng con dẫn bạn gái về phải không?Tư tưởng con chưa tiến bộ như vậy đâu, tìm người nông thôn làm bạn gái!” Cô tôi chờ anh họ tôi giải thích tiếp, song anh lại không giải thích, chỉ người ở trong phòng, lại chỉ tay vào hai chú gà trống hoa lau trên mặt đất, nói cho qua chuyện: “Đó là Cố Thái Tu của Cố Gia Trang, người ta gặp phiền phức, cần ở nhà ta mấy ngày, tránh tạm gió bão thôi mà!”

Bất luận chuyện của Thái Tụ uẩn khúc như thế nào, vốn lại phát sinh tại gia đình nhà cô tôi, không liên quan gìvới gia đình nhà tôi. Song, đêm hôm ấy cô tôi nhắc đến một chú gà trống hoa lau bèn nóng ruột như lửa đốt chạy đến nhà tôi, nói là cần bàn chuyện gấp với mẹ tôi. Thật ra chuyện gấp ấy chính là chuyện của Thái Tụ, gấp không đến nỗi nào, chỉ chẳng qua do cô tôi kể lại bằng một giọng như chết người ngay, nên câu chuyện trở thành gai góc thôi.

Hồi ấy tôi còn nhỏ, không biết hình thức hôn nhân đổi chác thịnh hành ở nông thôn, chỉ cần nghe rõ quan hệ trao đổi trong đó, rất giống như phương trình toán mà chúng tôi học: X+Y= X1+Y1. Anh của Thái Tụ lấy vợ, thì anh của người vợ ấy sẽ phải lấy Thái Tụ. Cô tôi nhấn mạnh người đàn ông rất nhiều tuổi, bị bệnh động kinh, khi phát bệnh đã tự cắn đứt lưỡi của mình, cho nên vẫn là người đàn ông không có lưỡi.

Nghe đến đây mẹ tôi bèn kêu tướng lên: “Làm như vậy sao được, một cô gái nết na xinh đẹp như vậy, Làm sao lại gả cho một người không có lưỡi chứ? Gia đình họ Cố không thuộc quyền Mao Chủ tịch quản lý ư? Coi nữ đồng chí như xúc vật ư, bố mẹ họ    làm chuyện hồ đồ như vậy, tổ chức Đảng không có ý kiến gì ư?”

Cô tôi nói: “Chị đừng nói thao thao như vậy nữa, tổ chức Đảng ở nông thôn đang bận học tập Đại Trại mà, bận bịu túi bụi, làm sao mà lo đến chuyện hôn nhân đổi chác như vậy được?” Cô tôi lại nói: “Phiền toái là ở chỗ gạo đã thành cơm  rồi, anh của Thái Tụ đã lấy em gái người ta về làm dâu rồi, phía Thái Tụ thì được cánh thanh niên trí thức làm công tác tư tưởng, không chịu lấy người ấy làm chồng.”

Cô tôi nhắc đến một nữ thanh niên tríthức tên là Củng Ái Hoa, nói rằng Thái Tụ vốn đã chuẩn bị vì anh cô mà hy sinh bản thân mình, song Củng Ái Hoa không đồng ý, đứng ra giúp đỡ cô ấy, còn giúp cô ấy vạch ra một phương án trốn đi rất kỹ càng chi tiết. Cô tôi một mặt nguyền rủa bố mẹ Thái Tụ lòng lang dạ sói, vìcon trai mà đẩy con gái vào trong đống lửa, mặt khác cô tôi cứ nguyền rủa Củng Ái Hoa, nói: “ Cô ta thích chơi trội hơn người, là người đầy dã tâm! Không cần cô ta xuống nông thôn, cô ta muốn xuống nông thôn, vìmuốn được lên báo chí! Xuống nông thôn rồi lại muốn tiên tiến, còn muốn lên báo chí, dùng Thái Tụ con người ta để kê cao chân cho cô ta.” Cô tôi hận tận đáy lòng nói: “Cô ta tiên tiến tôi cũng không phản đối, cô ta cứu người tôi cũng không phản đối, song cô ta không thể chỉ nhận vinh quang về mình, đẩy phiền toái rắc rối cho người khác, Đại Miêu của nhà ta không có đầu óc, nó bèn nghe theo sự sai khiến của Củng Ái Hoa, bảo nó dẫn về là nó nhận về. Chị nghĩ nhà em hẹp như thế này, lại toàn là con trai, để một người con gái ở lại trong nhà thật chẳng ra thể thống gì cả? Không cho người ta nói chuyện tầm phào ư?” Nói đến đây, cô tôi thấy mẹ tôi nhận củ từ lại không tỏ thái độ gì, cuối cùng cô nói toạc chuyện gấp ấy ra: “Nhà tôi không có chỗ kê giường cho cô ta đâu, gác nhà chị có một mình em gái út ngủ, để cho cô gái ấy ngủ trên gác với cô út  đi! Ở lại năm ngày, chỉ có năm ngày, coi như giúp đỡ tôi đi!” Cô tôi chìa bàn tay ra huơ huơ trước mặt mẹ tôi, huơ huơ mãi, cứ chờ mãi đến lúc mẹ tôi gật đầu mới chịu thôi. Cuối cùng, cô tôi thở phào nói: “Cái thằng Đại Miêu không có đầu óc nhà tôi nói rằng, nhà chúng tôi là trạm giao thông thứ nhất, còn có những trạm liên lạc, sở chỉ huy khác nữa chứ! Bọn chúng coi việc này như làm đại sự nghiệp cách mạng! Chờ đến Ngày Quốc khánh Củng Ái Hoa trả về đây, tôi sẽ thằng Đại Miêu đưa cô gái ấy đến nhà Củng Ái Hoa, tôi sẽ bảo thằng Đại Miêu rằng, nhà ta nhiều con cái thế này, làm giao thông cho chúng đã bận bịu rồi, đâu còn sức lực mà làm trạm giao thông cho người khác nữa?”

Tôi không mảy may biết một tí gì về cô gái nông thôn tên là Thái Tụ ấy, song Củng Ái Hoa mà cô tôi nhắc đến, thi tôi biết. Cô ấy và anh họ tôi là những thanh niên trí thức không giống nhau, cô ta được lãnh đạo dựng lên thành điển hình. Trong bảng tuyên truyền của trường chúng tôi có treo ảnh chân dung của cô ấy, một cô gái mắt to, hai má nhòn nhọn, trên ngực cài một bông hoa hồng lớn. Do chụp ảnh nghiêng, người hơi nghiêng, làm duyên một tí, ánh mắt cô ấy nhìn rất xa xăm, lại ngước nhìn lên, theo tôi đó là tư thế có hoài bão lý tưởng xã hội chủ nghĩa xã hội.

Trong đêm, anh họ tôi bấm đèn pin, đưa Thái Tụ và một con gà trống sang nhà tôi. Anh họ tôi giống như áp tải hai kiện hành lý, đưa hàng hoá vào kho, cắm cúi đầu chạy một mạch. Mẹ tôi đưa cho anh một rỏ chứa đầy củ từ đêm về nhà, anh vâng vâng dạ dạ, song cuối cùng rỏ lại bị anh để lại ở góc sau cổng.

Thái Tụ trở thành khách của gia đình tôi như thế đó.

Con gà trống bị nhốt trong một cái bu gà để ở góc sân, Thái Tụ và chị tôi ngủ chung với nhau trên gác. Từ trước đến nay, nhà tôi chưa từng tiếp đãi khách như vậy, không phải thân thích, song tiếp đãi lịch sự không hề thua kém người thân. Sáng sớm ngày đầu tiên, mẹ tôi trực tiếp nấu một bát canh trứng cho cô ấy, cô ấy ngập ngừng một lát, không biết làm khách như thế nào, bèn nhận lấy bát ăn một quả trứng, đột nhiên nhìn thấy ánh mắt của tôi, bỗng biết cách khách khí, đưa bát cho tôi, nói: “Em ăn đi, nhà quê chúng tôi gà đẻ nhiều trứng, nên thường xuyên ăn.” Mẹ tôi ngoài miệng đe nẹt tôi, song trong mắt lại tỏ ra khen ngợi Thái Tụ, tôi nhận ra, cho nên tôi bưng bát canh trứng ra ngoài ăn, mẹ tôi không ngăn cản tôi nữa, nói với Thái Tụ: “Hay là cháu ăn cháo đi, sáng sớm ăn cháo nhẹ nhàng nhất, dễ tiêu hoá!”

Tôi ngắm nhìn bộ dạng Thái Tụ ăn cháo, bát che kín mặt cô ấy, cô ấy không dùng đũa, tựa hồ như uống nước, nâng bát lên dốc ngược vào miệng.

“Thái Tụ cháu ăn chậm một chút, cháo còn đầy một nồi cháo lớn đấy!” Mẹ tôi nói: “Thái Tụ, đêm qua cháu ngủ có ngon không?”

Cô ấy không biết diễn đạt như người thành phố, nghĩ một lát, lắc đầu nói: “Cháu tỉnh giấc mấy lần, tại sao nửa đêm vẫn có xe lửa kêu, thuyền máy cũng kêu, cháu sợ chết khiếp!”

“Chẳng phải chị ngủ rất say đó sao? Tám giờ mới thức dậy! Em còn nghe thấy chị ngáy!” – Chị tôi ngồi cạnh liếc mắt nhìn cô ấy, làu bàu nói: “Em mới không ngủ ngon, sáu giờ đã tỉnh dậy, bởi chị nghiến răng làm cho em mất ngủ đấy!”

“Tại em thính tai, nghiến răng mà cũng làm em tỉnh giấc ư? Người nhà quê uống nước lã, trong bụng có giun, ban đêm ngủ đều nghiến răng.” Mẹ tôi ngăn chị tôi oán trách, lại hỏi Thái Tụ: “Thái Tụ! Ở quê cháu cũng tám giờ mới dậy à?”

“Gà trống chưa gáy, cháu tưởng trời chưa sáng, ở nông thôn nghe gà gáy thì dậy. Cũng lạ thật, đêm ở chỗ các bác xe lửa kêu, thuyền buồm kêu, trái lại gà trống lại không gáy.”- Chị ấy liếc nhìn ra góc sân, lẩm bẩm nói: “Gà trống cũng sợ chỗ lạ, ra thành phố đều không gáy nữa.”

“Gà trống không còn nữa!”- Mẹ tôi nói: “Bố các con vừa sáng đã đem gà giết đi rồi, đem ướp thành gà muối rồi, đến Tết ăn vừa ngon!”

Trong nhà bếp yên lặng như tờ, Thái Tụ buông bát cháo xuống, thái độ của cô ấy xem ra rất kinh ngạc, không rõ tại sao lại kinh ngạc. Thái độ ấy khiến cả nhà tôi cảm thấy khó chịu thế nào ấy. Giọng chói tai của chị tôi bèn vang lên: “Chỗ chúng tôi là khu phố vệ sinh tiên tiến, không được nuôi gà!?”

Thái Tụ lách người chạy ra góc sân, sắc mặt hơi tái đi, cô ấy liếc nhìn con gà trống trụi lông treo trên dây phơi quần áo. Dựa vào cánh cửa, cô ấy không nói gì, song tôi nhìn ra cô ấy rất buồn.

“Chỗ chúng tôi không được nuôi gà.” Mẹ tôi ngoảnh lại, vừa quan sát thái độ của Thái Tụ, vừa nói cho cô rõ: “Là con gà trống, đâu có phải con thỏ con con dê con đâu,    làm gì mà tiếc thế, gà nuôi lớn đều phải thịt mà!”

“Không phải tiếc!”- Thái Tụ lắc đầu phủ nhận, nói: “Con gà trống ấy là con gà con mà cháu lựa chọn từ trong lò ấp, rồi cháu nuôi nó lớn!”

“Thế không tiếc là gì!? Chính cháu nuôi lớn, thì càng tiếc chứ!” Mẹ tôi thử     nhìn cô ấy, nói: “Thịt thì đã thịt rồi, cũng hết cách rồi phải không?”

Thái Tụ vẫn lắc đầu, nói: “Không phải tiếc!” Mẹ tôi chờ cô ấy nói tiếp, song cô ấy không nói tiếp gì nữa, mà chỉ nói qua quýt: “Giết một con gà trống rồi cũng chỉ ăn được mấy miếng thịt, người nhà quê chúng cháu không thích ăn gà trống!”

Mẹ tôi nghe ra đó là một lời nói có ý trách móc, lại là một cô gái nông thôn đang quở trách bà, mẹ tôi hơi bị hố, bỏ mặc cô ấy rồi ra ngoài, vừa đi vừa nói: “Nhà quê các người cần nghe gà gáy, chúng tôi không cần, có đồng hồ chuông báo thức rồi, gà trống chỉ để ướp muối ăn rất rẻ!”

Lông con gà trống dầy dặn và bóng mượt bị bó tôi vặt trụi xuống, để lên tờ giấy  báo cũ phơi nắng. Thái Tụ ngồi xổm trước đống lông gà ấy, chọn lấy một sợi lông gà màu vàng, tay mân mê rồi lại đặt xuống. Cô ấy giữ lông gà để làm gì nhỉ?

Cô ấy hỏi tôi: “Làm cầu lông không? Em trai có thích đá cầu không?”

“Ai thèm đá cầu chứ? Em không phải là con gái!” Tôi bực mình nói với cô ấy: “Phơi khô bán cho trạm thu mua, lông gà có thể bán lấy tiền!”

Xét đến cùng, Thái Tụ vẫn là khách của nhà chúng tôi, bất luận cô ấy có làm mọi người vui vẻ hay không, lịch sự tiếp khách vẫn không thể thiếu. Ngày đầu tiên, chị tôi  dẫn Thái Tụ đi chơi, nói là đi dạo công viên, song Thái Tụ không thích thú công viên, lượn loáng nhoáng một vòng bèn đi ra. Thái Tụ nói ngay những cây to, ngay những hồ nước, bên hồ nước đắp hòn non bộ, trên non bộ lại dựng những ngôi đình, thế mà là công viên ư? Để thu tiền ư? Đã ra thấy mọi người đều đi vào trong công viên, Thái Tụ lại hối hận, nói với chị tôi: “Không nên ra nhanh như vậy, hơn nữa lại không đòi lại được ba hào, chi bằng đi nhiều hơn nữa trong ấy!” Chị tôi nói rằng suốt đường đi Thái Tụ cứ   sót ruột vì ba hào ấy, cho đến lúc đi qua hiệu ảnh Đông Phong, cô ấy mới quên đi điều tai hại mà công viên đem lại cho cô ấy.

Thái Tụ đứng tại cửa hiệu ảnh Đông Phong không chịu đi, ngắm nghía mãi những tấm ảnh chụp những cô gái xinh đẹp trưng bầy trong quầy. Chị tôi lại không thích thú quầy trưng bày ảnh trong hiệu ảnh, cứ phải dằn lòng dẫn cô ấy đi xem. Thái Tụ nói cô ấy chưa từng chụp ảnh, lại nghe nói chụp ảnh phải trả tiền.

Chị tôi đoán được tâm tư của cô ấy, buồn bã nói: “Mẹ tôi đưa cho tôi một đồng, nói là tiền để chiêu đãi bạn, chỉ có thể chụp ảnh cỡ 3×4, nhỏ bằng cái móng tay này thôi.”

Thái Tụ giơ ngón tay lên xem một lát, nói: “Như vậy thì nhìn không thấy, chụp cũng vô dụng, to hơn một chút có được không?”

Chị tôi nói: “Cỡ nào cũng có, chỉ có điều chị phải bỏ thêm tiền, chị có tiền không?”

Thái Tụ do dự một lát, ngắm nhìn người đi lại trên đường phố, kéo chị tôi đến sát bên mình: “Bạn che cho tôi nhé!” Cô ấy dặn chị tôi. Chị tôi bèn dùng thân thể che cho cô ấy, nghe thấy cô ấy xuýt xoa vội lần dây lưng quần, cuối cùng mò ra một cuộn tiền lẻ, quấn bằng chun.

Thái Tụ nói: “Mình có tiền! Trong bọn con gái ở Cố Gia Trang, mình có nhiều tiền nhất.”

Sở dĩ họ trở về muộn như thế, chính là bởi vì xếp hàng chụp ảnh ở hiệu ảnh Đông Phong. Những thiếu nữ chụp ảnh ở hiệu ảnh đại đa số là trang điểm, làm điệu làm dáng, lúc họ trở về vẫn bộ dạng như vậy. Thái Tụ mặc chiếc áo sơ mi hoa thêu trên nền vải mầu trắng của chị tôi, hai bím tóc dài cuộn thành như đống phân ngựa, đặt trên đỉnh đầu. Tóc của cô ấy bây giờ giống hệt tóc của chị tôi rồi, có lẽ cũng cố ý không muốn lau sạch dấu son môi được hiệu ảnh cung cấp, môi của Thái Tụ rất đỏ, trông như vừa mới từ sân khấu bước xuống, bộ dạng hơi hưng phấn, hơi e thẹn. Do không hiểu rõ ý nghĩa của ảnh mẫu, tôi nghe thấy cô ấy hỏi đi hỏi lại, có nhiều thiếu nữ chụp ảnh như vậy, hiệu ảnh có làm lẫn lộn ảnh của cô ấy với người khác không, nếu ảnh của cô ấy trả nhầm cho người khác thì làm như thế nào đây? Tại sao lại như thế được chứ? Chị tôi bị cô ấy hỏi đến mệt đến chán, trả lời không tránh khỏi cáu kỉnh: “Nói bạn bao nhiêu lần rồi, lấy ảnh ai cũng phải xem ảnh mẫu, có ai muốn lấy ảnh của người khác chứ? Bạn lại không phải   là mỹ nhân, người khác lấy ảnh của chị để làm gì nào?”

Tôi buộc phải sống chung một nhà với Thái Tụ năm ngày. Tôi không cho rằng  Thái Tụ chất phác như vậy theo bố tôi nói, cũng không cho rằng cô ấy có tâm kế như mẹ tôi bảo. Ấn tượng mà Thái Tụ để lại cho tôi trong thời gian năm ngày ấy cơ hồ như một  ẩn số. Nói ví dụ: Tôi không biết rõ cô ấy vì sao ngồi bên bàn ăn thì ăn ít như vậy, trái lại nhân lúc trong bếp không có người, lại mở lồng bàn đậy thức ăn. Giống nhe kẻ cắp, cô ấy ăn vụng củ từ sào thịt, tôi nhìn thấy hai năm rõ mười, cô ấy dùng tay gạt củ từ ra chọn lấy thịt ăn. Cô ấy ăn ngầm thức ăn không có gì là lạ, tôi cũng thường xuyên ăn vụng , nhưng cô ấy ôm lọ đường trắng của nhà tôi vào trong lòng, động tác ăn ngầm đường khiến tôi rất kinh ngạc, tôi bèn hỏi cô ấy một câu rõ to: “Chị làm gì thế?” Tôi làm cho Thái Tụ run sợ bắn người, lọ đường rơi xuống đất, lọ vỡ tan biến thành một đống mảnh thuỷ tinh vụn, nửa lọ đường vãi tung toé trắng mặt đất.

Thái Tụ sợ xanh xám mặt, cô ấy đứng ngây người tại chỗ, mãi không định thần lại, dậm chân thét tôi: “Cậu xem việc hay hớm mà cậu làm đấy!”

Tôi không ngờ cô ấy lại phản pháo như vậy, kêu thét lên: “Chị ăn ngầm đường là việc tốt mà chị làm ư?”

“Tôi làm gì nào? Trong lọ đường có một con ruồi bay vào, tôi bắt nó ra!” Cô ấy trấn tĩnh rất nhanh, quì xuống đất, cẩn thận hốt đường trắng vào một cái bát: “Tôi không thích ăn đường, miệng tôi cũng không thèm lắm!” Cô ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi, giọng  nói không còn kiên định nữa: “Cho dù tôi có thèm ăn, mà cậu không doạ tôi thì lọ đường cũng đâu có rơi xuống đất, cậu em cũng có trách nhiệm đấy!”

“Em không có trách nhiệm, chị đang ăn vụng đường trắng mà!”

Cô ấy không còn hoảng loạn nữa, mắt chớp chớp, nhất định là đang động não suy nghĩ đây. Mọi người chưa vào tới, cô ấy để bát đường lên giá gỗ, ánh mắt thăm dò nhìn tôi, nói: “Lọ đường này, nói là tôi không cẩn thận đánh vỡ, song cậu em không thể vu cho chị ăn vụng đường trắng, dứt khoát không được vu cho chị nhé!”

“Ai vu oan chị? Em trông thấy chị ăn vụng rồi!” Tôi đột nhiên coi khinh và căm thù cô gái nông thôn này, một câu nhận xét tàn nhẫn buột ra khỏi miệng: “Loại người như chị, chỉ đáng lấy một người đàn ông bị bệnh động kinh mà thôi!”

Thái Tụ không ngờ rằng tôi có thể nói ra một câu bạc mồm bạc miệng như vậy, cô ấy hoảng sợ trừng mắt nhìn tôi: “Ai dậy em nói câu ấy?” Tôi nhìn thấy trong con mắt của cô ấy có một tia sáng phẫn nộ, tôi dự cảm cô ấy sẽ làm động tác nguy hiểm nào đó, muốn chuồn đi cũng không kịp, từ trong cổ họng Thái Tụ hét lên một tiếng, cô ấy cúi thấp đầu, giống một con dã thú lao vào ngực tôi, tôi bỗng mất tự chủ, đít ngã bệt xuống ang nước của nhà tôi.

Đó có lẽ là một lần giao chiến chính diện duy nhất giữa tôi và Thái Tụ. Một chuyện chẳng đâu vào đâu ấy, không có thất bại cũng không có thắng lợi, mà thắng lợi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sau sự kiện lọ đường, tôi không nói chuyện với Thái Tụ nữa. Sau đấy, cô ấy chắc là hối hận, có lúc cô ấy ngả đầu vào người tôi, có lúc tôi đi học cô ấy còn ân cần vuốt phẳng phiu cổ áo cho tôi, tôi ghét cay ghét đắng bàn tay của cô ấy, bỗng hất tay cô ấy ra. Cô ta làm lành lùi sang một bên, không biết là an ủi tôi hay là tự an ủi bản thân cô ấy, nói: “Không sao, cậu nhỏ ơi, không sao!”

Tôi đương nhiên không sao cả, chỉ có điều mỗi khi đi học đi qua bảng tin tuyên truyền của nhà trường, nhìn thấy tấm ảnh của Củng Ái Hoa thì bèn nghĩ đến Thái Tụ, hễ nhớ đến Thái Tụ là tôi cảm thấy trong bảng tin tuyên truyền ấy hiện lên hình ảnh một người, đó là một người đàn ông xa lạ, không có lưỡi, sàu bọt mép, thế là bảng tin tuyên truyền bỗng u ám tối sầm lại.

Chị tôi lấy ảnh của chị và Thái Tụ về. Hai người cứ như hoạt động bí mật quan trọng vậy, nấp ở trên gác xem, tôi nghe thấy hai người ở trên ấy vừa cười vừa đùa, Tấm ảnh làm cho chị tôi thất vọng mãi mãi, chị luôn cảm thấy người chụp ảnh bêu xấu chị.Nhưng tấm ảnh cỡ 3×4 lại đem đến cho Thái Tụ vô cùng mừng rỡ, không chỉ liên quan đến dung nhan, mà có lẽ còn liên quan đến cuộc đời, tôi nhìn thấy hôm ấy Thái Tụ từ trên gác đi xuống, gương mặt bánh mật tràn đầy một niềm vui bất ngờ không gì so sánh được. Sau đấy, Thái Tụ mang theo niềm vui ấy đi vào nhà bếp gọt củ từ, chị tôi ngồi bên cạnh thay than tổ ong vào lò, chị đột nhiên nghĩ đến người đàn ông bị bệnh động kinh, ngoảnh lại hỏi Thái Tụ: “Bệnh động kinh như thế nào? Tại sao lại gọi là bệnh động kinh nhỉ?”

Thái Tụ im lặng hồi lâu, có lẽ là đang mong chờ chị tôi bỏ đi câu hỏi tổn thương đến người khác và cũng chẳng lợi gì cho mình ấy, song chị tôi chẳng những không có ý vứt bỏ, mà còn hỏi một câu còn sâu hơn: “Người bị bệnh động kinh có hay đánh người không?” Lần này, Thái Tụ không chút hàm hồ đáp: “Không đánh người, vì sao anh ấy lại đánh người chứ? Người ta không đánh anh ấy là tốt quá rồi!” Giọng nói của cô ấy nghe ra vô cùng buốt giá. “Cậu đã thấy người bị bệnh dại chưa? Rất giống như con dê bị bệnh dại ấy, ngã xuống đất, rút gân, co chân, run tay, miệng sểu nước rãi trắng.” Thái Tụ nói đến đây bỗng cười gằn một tiếng, sau đó tiếng cười trầm hẳn xuống.

Lát sau, tôi nghe thấy Thái Tụ nói trong nhà bếp: “Thực ra họ đều hồ đồ, mình lấy ai đều không sung sướng gì, lấy anh ấy, không phải mình khổ, mà cuộc đời của anh ấy càng khổ hơn.” Chị tôi nghe không hiểu ý của cô ấy, vẫn muốn hỏi đến cùng. Thái Tụ cầm mảnh sứ trong tay quăng xuống đất, bưng mặt chạy ra khỏi nhà bếp, chạy lên gác.

Tôi không còn nhớ rõ đó là ngày thứ tư hay ngày thứ năm sau khi Thái Tụ đến ở nhà tôi, chỉ nhớ rằng sẩm tối, cả gia đình tôi và Thái Tụ đang ăn cơm tối, thìcô tôi bàng hoàng chạy lại, vừa đến đã xua tay bảo Thái Tụ: “Đừng ăn nữa! Đừng ăn nữa! Mau mau  lên gác nấp đi!”

Nguyên do là Trường Thọ, anh trai của Thái Tụ đến rồi. Rõ ràng là cô tôi chưa được chuẩn bị đối phó với tình huống bất ngờ xẩy ra này, đầu tóc cô ướt đẫm mồ hôi, cô đẩy Thái Tụ lên cầu thang gác, bảo Thái Tụ: “Anh trai cháu làm tôi sợ đến chết, anh ta ngồi ở cổng nhà tôi, mang theo một vỏ bao phân hoá học, bên trong chứa một cuộn dây thừng đay to bự, anh ta muốn đến trói người đấy!”

Bố tôi đập bàn nói: “Giữa ban ngày ban mặt mang thừng đến trói người, thế thì còn phép nước gì nữa, lôi hắn đến đồn công an đi!”

Mọi người đều cảm thấy phẫn nộ với chiếc dây thừng ấy, phẫn nộ qua đi rồi lại hốt hoảng, xét đến cùng là chuyện gia đình của nhà người ta, không dễ đối xử với anh ta đâu.

Mẹ tôi nói với cô: “Nó nhận ra số nhà mà đến, hay là đã ngồi ngoài cổng nhà tôi rồi?”

Cô tôi ngoài miệng phủ nhận khả năng ấy, song trong lòng vô cùng lo lắng, trán  cô vã mồ hôi vì cuống lên, vội lấy khăn bông lau mồ hôi, đột nhiên trong con mắt bốc ra ngọn lửa oán hận: “Củng Ái Hoa! Tất cả rắc rối là do mày đấy!” Cô tôi gào lên: “Nó là người tốt, cái gì cũng ôm vào người, thiên hạ đâu có chuyện ngon xơi như vậy, bất kể nó có về nhà hay không, ngày mai tôi sẽ đưa Thái Tụ đến nhà nó, Trường Thọ biết nhà tôi, tôi biết nhà nó!”

Mọi người chưa ai tỏ thái độ. Bố tôi ra hiệu cho cô tôi hạ thấp giọng xuống, không để Thái Tụ ở trên gác nghe thấy, cô tôi hạ thấp giọng, song do quá oán giận, cô tôi nói: “Không sợ nó nghe thấy, không là người thân, không phải bạn bè, chúng ta đối xử với nó không chê vào đâu được rồi!”

Đường phố Hương Xuân Thụ đương yên lành bỗng dưng nổi gió bão, mẹ tôi bảo tôi ra ngoài cổng xem sao, bên ngoài có người không, con chó vàng lớn của nhà ông thợ rèn đối diện đang ngồi ở cổng nhà tôi, tôi nhìn ra phía đông phố, xa xa trông thấy bóng người vây tròn cổng nhà cô tôi. Cũng không biết là mắt tôi hoa lên hay là quá mẫn cảm, tôi vẫn nhìn thấy những người đứng ở đấy chỉ chỏ về phía nhà tôi.

Chờ tôi trở về trong phòng, cô tôi đã quyết định, cô phải lập tức di chuyển Thái Tụ ra khỏi nhà tôi. “Mọi người đã thay tôi tiếp đãi cô ấy mấy ngày rồi, không thể lại để  liên luỵ đến nhà anh chị nữa!” Cô tôi nói: “Người nhà quê chẳng hiểu lý lẽ gì cả, nhỡ anh cô ấy đến gây sự, làm chuyện gì bất ngờ, tôi không chẳng biết nói gì với nhà anh chị nữa!”

Mẹ tôi hỏi: “Bây giờ đưa đến nhà Củng Ái Hoa chứ? Chẳng phải Củng Ái Hoa đã về rồi sao?” Cô tôi nói: “Đêm dài lắm mộng, miệng lưỡi của bà Thiệu Hưng và cô Tiền, tôi cũng không an tâm. Sớm muộn cũng phải đưa đến, chẳng thà bây giờ đưa đến, Củng Ái Hoa không có nhà thì sợ gì nào? Đều là cha mẹ chịu trận thay con cái mà, tôi không lòng lang dạ sói, mà phải công bằng, nên đến lượt cha mẹ Củng Ái Hoa chứa chấp Thái Tụ chứ!”

Cô tôi đẩy xe đạp của bố tôi ra sân, cô muốn trực tiếp chở Thái Tụ đến nhà Củng Ái Hoa ở ngõ Tiểu Liễu, cô không đi cũng không được, chỉ có cô biết nhà của Củng Ái Hoa. Mẹ tôi và cô bàn bạc nên đi xe theo con đường nào, làm thế nào có thể vòng qua cổng nhà cô tôi, mà vẫn che mắt được thiên hạ, hai bà nhất trí cho rằng từ nhà máy gia công dầu mỡ xuyên qua ngõ Tiểu Liễu là con đường khoa học nhất. Để ổn thoả hơn, mẹ tôi còn lấy ra bộ quần áo lao động màu xanh, chuẩn bị cho Thái Tụ mặc.

Sau đó, tôi nghe thấy cô tôi gọi tên Thái Tụ đang ở trong thang gác: “Thái Tụ ơi! Thái Tụ ơi! Xuống đi!” Cô tôi nói: “Chúng ta đến nhà Củng Ái Hoa!”

Trên gác không có tiếng đáp. Cô tôi lại gọi với lên gác: “Thái Tụ, Thái Tụ xuống đi! Đến nhà Củng Ái Hoa an toàn nhất, anh cô không tìm thấy cô đâu.”

Thái Tu im lặng khiến cho mọi người tụm lại trong thang gác, đầu mọi người đều lo lắng nhìn lên trên gác. Mẹ tôi nói: “Thái Tụ, không phải chúng ta sợ chuyện gì, mà   vì tốt cho cháu, anh cháu mang dây thừng đến, chúng bay làm gì là chuyện anh em ruột thịt, đều là chuyện gia đình, chúng ta xen vào không dễ gì!”

Cô tôi xem ra rất cuống quít, cô dùng khoá xe đập gõ gõ vào thang gác: “Thái Tụ, cháu xuống nhanh lên, anh cháu sẽ lập tức đến, anh ta đến thìcháu cũng chạy không   thoát đâu, chúng ta đành phải trơ mắt nhìn anh ta trói cháu đem về quê thôi.”

Cô tôi càng cuống lên bèn lên tiếng như dỗ dành trẻ con, cô không chĩa mũi dùi  vào Củng Ái Hoa, trái lại thổi phồng những ưu điểm của gia đình Củng Ái Hoa cho Thái Tụ yên tâm: “Nhà Củng Ái Hoa ở trong ngõ nhỏ có nhiều chỗ ngoặt quanh co, anh cháu  tìm không ra đâu!” Cô tôi lại nói: “Bên cạnh nhà Củng Ái Hoa lại có đồn công an, cô ấy lại là nhân vật tiên tiến, anh cháu dám đến nhà cô ấy gây náo loạn, thì đồn công an sẽ  trói anh ta lại!”

Thái Tụ mặt xanh mày xám xuống khỏi gác. Cũng không biết cô ấy có khóc hay không, cô ấy cứ cúi mặt xuống, tỏ thái độ nghiêm trang sau khi bị làm nhục, cũng có thể nói là thái độ nhẹ nhàng sau khi bi thương được gỡ bỏ, tôi chú ý thấy cằm của cô ấy ươn ướt. Thái Tụ xách túi du lịch tự làm lấy bằng da màu xám, chầm chậm bước xuống, đến bậc cuối cùng của thang gác, tôi nhìn thấy cô ấy đột nhiên quăng túi du lịch, ôm bụng, ngồi bệt xuống bậc thang gác.

Chị tôi chạy đến dìu cô ấy: “ Thái Tụ, chị đau bụng phải không?”

Đầu tiên Thái Tụ gật đầu, sau trông thấy mẹ tôi đã giở bộ quần áo lao động màu xám ra, cô ấy lại lắc đầu, đẩy chị tôi ra, tự đứng lên, đứng yên như tượng gỗ. Mẹ, cô và chị tôi ba chân bốn cẳng mặc quần áo lao động cho Thái Tụ.

Chị tôi ngắm nghía Thái Tụ: “Thái Tụ, chị đến soi gương đi, chị không giống chị nữa rồi!”

Kiến nghị của chị tôi bị mẹ tôi và cô tôi cùng lên tiếng phản đối: “Con còn bày vẽ chuyện gì nữa, bây giờ là lúc nào rồi, mà còn bụng dạ soi gương nữa chứ?”

Thái Tụ mặc quần áo lao động rồi vẫn là Thái Tụ, cô ấy không nói ra, bạn sẽ không biết trong lòng cô ấy đang nghĩ gì đâu. Sau đó Thái Tụ đi theo xe đạp của cô tôi, chúng tôi đi theo họ, mấy người cẩn thận đi ra phố. Nhìn ra phía đông phố, đống người tụ tập ở cổng nhà cô tôi ngày càng nhiều, chứng tỏ nguy cơ bị lộ bímật càng lớn hơn.

“Đi nhanh lên!” Thái Tụ hình như được mọi người chúng tôi nhấc lên ghế đèo hàng sau xe đạp. Thái Tụ ngồi lên xe đạp, tôi mới biết cô ấy như người mất hồn, ấy là vìtấm ảnh.

“Tấm ảnh!” Cô ấy đột nhiên ngoái đầu lại nói to với chị tôi: “Ảnh của tôi, chị làm thế nào mà gửi cho tôi?”

Tối hôm ấy, Trường Thọ quả nhiên đến cổng nhà tôi. Anh ta gõ cổng, gõ cổng không có người ra mở cổng, anh ta nắm tay đấm vào cổng, vừa đấm cổng vừa gào toáng lên: “Thái Tụ! Mày ra đây cho tao, đồ chết tiệt kia!”

Sau đó mẹ tôi ra mở cổng, không phải để cho anh ta vào, mà để bố tôi đi gọi người đến chi viện.

Bố tôi lẳng lặng túm lấy cái vỏ bao tải phân hoá học lên, liếc nhìn sợi dây thừng để bên trong bao tải, cười khẩy một tiếng: “Cậu còn mang dây thừng đến trói người à? Chưa biết sợi dây thừng này cuối cùng sẽ trói ai đây!”

Lúc tôi từ trên giường bò dậy, thì đoàn người theo bố tôi đã đến. Một đoàn người toàn đàn ông, có ông già, đến làm công tác thuyết phục, còn có mấy người là bạn của anh họ tôi, một tay anh chị trông như lưu manh người to béo vạm vỡ. Vừa trông thấy đã biết họ đến để làm gì rồi. Tay anh chị kéo Trường Tho ra khỏi cổng, vừa kéo vừa chửi anh ta: “Mi, một lão nhà quê, đã bán em gái như xúc vật, lại còn dám đến đây gây sự à? Loại người như mày, nên mua một miếng đậu phụ mà tự đập đầu chết cho rảnh!”

Trường Thọ thấp người, nhưng lại to khoẻ, thân thể anh ta bị nhấc ra khỏi cổng  nhà tôi, rất nhanh lại ngoan cố xông vào: “Thái Tụ, Thái Tụ, con chết tiệt ra đây cho tao!”

Anh ta bị đè nghiến xuống đất, song một tay cố bám lấy cánh cổng nhà tôi, muốn toài vào bên trong, không đếm xỉa tới sự chửi bới lăng nhục của người khác, cũng không phản bác, chỉ một mực réo tên của em gái. Ánh đèn nhập nhoạng buổi hoàng hôn chiếu  vào mặt của anh ta, có thể phát hiện ra mặt của anh ta rất giống Thái Tụ, mặt vuông, mũi tẹt, mắt lại rất sáng.

Cuộc hỗn chiến này diễn ra khá lâu, cuối cùng Trường Thọ im lặng, không im lặng cũng không được, tay anh chị thấy dải rút quần của anh ta rơi xuống, bèn kéo tụt quần của anh ta xuống ngang đùi, đe nẹt nói: “Mày còn gây sự thì sẽ cứ để như thế này dẫn đến đồn công an, mày sẽ bị bắt về tội lưu manh!”

Trường Thọ cố sống cố chết kéo quần của mình lên, cuối cùng im lặng.

Tay anh chị không dừng lại, họ đẩy đi kéo lại Trường Thọ, rồi lại bắt đầu mắng chửi anh ta: “Không lấy được vợ thì thôi, người nhà quê chúng mày nuôi nhiều lợn như thế, chăn nhiều dê như thế sao không biết làm lợn mẹ, làm dê mẹ thương con, mà lại gả em gái ruột thịt cho người bị bệnh động kinh chứ?”

Rồi họ ném trả dải rút quần cho Trường Thọ: “Mày dùng dải rút quần tự treo cổ mình mà chết quách đi!”

Trường Thọ không cãi lại, ánh mắt lẩn tránh tay anh chị và mấy chàng trai nọ, tựa hồ những lời mắng chửi của họ đều là những sự thật. Anh ta cũng không nghe những lời giáo dục chính trị và giáo dục đạo đức của những cụ già đối với anh ta, tựa hồ như họ đang tự giáo dục bản thân họ. Anh ta ngồi bệt trên mặt đất, một chiếc dép bị ai đó đá đi đâu mất, Trường Thọ gạt từng cái chân của người khác, tìm chiếc giầy Giải Phóng kia của anh ta. Chiếc giầy ấy ở ngay phía sau bố tôi, Trường Tho nhoài người đi nhặt chiếc giầy ấy, tay anh chị nhanh tay nhanh mắt hơn, liền nhặt lấy, quăng ra chỗ rất xa: “Đi nhặt đi! Nhặt xong không được quay trở lại!”

Tay anh chị đẩy Trường Thọ một cái, bảo: “Đi về phía đông, đến bến xe hơi đường dài, trời sáng là có chuyến xe chạy, mày từ đâu đến thì cút về nơi ấy cho khuất mắt chúng tao!”

Xem ra chiếc giầy nọ rất quan trọng đối với Trường Thọ. Chúng tôi nhìn thấy Trường Thọ đứng bên cạnh tay anh chị, phẫn nộ trừng mắt lườm bọn họ, tay anh chị nói: “Mày trừng mắt nhìn chúng tao làm gì nào? Giầy Giải Phóng vừa bẩn vừa hôi, mày không mau mau đến nhặt đi, thì chó nó tưởng là cứt sẽ ăn mất đấy!”

Trường Thọ thử đẩy tay anh chị một cái, tay anh chị nhăn nhở cười: “Mày còn dám đẩy ông à, mày không muốn uống rượu mời lại muốn uông rượu phạt à, gây sự nữa tao sẽ quang cả người mày đi chứ, mày tin hay không tin nào?”

Trường Thọ đi nhặt chiếc giầy nọ, anh ta bước đi hơi tập tễnh, hơi giống bị đau khớp vậy. Chúng tôi nhìn anh ta đi lượm giầy. Bố tôi hơi không yên tâm, nói với tay anh chị: “Cậu doạ anh ta như vậy là đủ rồi, làm sao còn hành hạ anh ta như vậy nữa?” Tay anh chị nói: “Hạng người nhà quê ấy, cần phải chuyên chính vô sản, không chuyên chính được nó, chờ nó trở lại sẽ doạ nó tiếp!” Mọi người đều tưởng Trường Thọ nhặt được giầy sẽ trở lại, nhưng vượt ngoài dự đoán của mọi người, Trường Thọ chỉ dừng lại ở chỗ xa một lát, dừng một lát rồi đi về hướng đông thật. Anh ta đi rất chậm, một bóng người thấp bé, chậm chạp di động dưới ánh đèn đường phố Hương Xuân Thụ. Mọi người đều cho rằng Trường Thọ bị thuần phục rồi, đột nhiên một tiếng kêu thê thảm chói tai lại nổ tung từ xa xa: “Thái Tụ! Thái Tụ! Đồ chết tiệt mày ra đây!”

Anh ta lại bắt đầu réo tên của em gái mình, lúc này là tiếng kêu dọc theo đường phố giữa đêm khuya, cho nên tiếng kêu nghe rờn rợn, kèm theo tiếng vọng từ thinh không, tôi nhớ rất rõ, từ rất xa có thể vẫn nghe thấy tiếng kêu nấc nghẹn của Trường Thọ, sau những tiếng nấc nghẹn ngào khiến mọi người đồng tình, lại là tiếng kêu rờn rợn ấy: “Thái Tụ! Thái Tụ! Đồ chết tiệt mày ra đây, cùng tao về nhà đi!”

Mấy ngày sau, chị tôi đem ảnh đến ngõ Tiểu Liễu. Vất vả lắm chị mới tìm ra nhà của Củng Ái Hoa, song không nhìn thấy Củng Ái Hoa, cũng không nhìn thấy Thái Tụ, chỉ nhìn thấy bà của Củng Ái Hoa, qua cửa sổ nhà bếp.

Bà của Củng Ái Hoa cũng đang cạo vỏ củ từ ở trong nhà bếp. Chị tôi nói chị vừa nhận ra đó là củ từ mang từ Cố Gia Trang đến, mòng mọng, tròn tròn, đuôi màu phấn hồng. Nhìn thấy củ từ của Cố Gia Trang tức là nhìn thấy người từ Cố Gia Trang đến. Nhưng, chị tôi không thể gọi Củng Ái Hoa từ trên tầng xuống. Bà của Củng Ái Hoa tóc bạc trắng đầu, có lẽ là bà gìa đã lẩn thẩn, có lẽ không lẩn thẩn vẫn còn thông minh tinh tường.

Từ ngoài cửa sổ, chị tôi nhìn vào bên trong, bà lão lặng lẽ chăm chú nhìn ra bên ngoài, theo dõi cẩn mật chị tôi, khi chị tôi gọi tên của Củng Ái Hoa, bà già ấy mới lập cập đứng dậy: “Đừng gọi to như thế! Hàng xóm có người đi làm ca đêm bây giờ còn đang ngủ đấy!” Cách cửa sổ, bà già vội vàng xua tay nhắc chị tôi: “Củng Ái Hoa không  có nhà, nó rất bận, lại vừa đi lên tỉnh họp rồi!”

Chị tôi nói chị nhìn thấy mặt một cô gái tóc ngắn chạy qua cửa sổ trên lầu, chị tôi nghi đó là Củng Ái Hoa, hơn nữa trên chiếc giá phơi quần áo kê trên gác có một chiếc nịt vú màu hồng mà những phụ nữ trẻ thường mặc, vẫn còn đang nhỏ nước, điều ấy càng làm cho chị tôi nghi ngờ hơn. Chị tôi không biết vì sao Củng Ái Hoa lại không có nhà như vậy. Chị tôi đành phải hỏi bà già về tình hình của Thái Tụ, bà già càng cảnh giác hơn, bà già hỏi chị tôi: “Cô là ai? Từ đâu đến?” Câu hỏi đơn giản như vậy thôi mà làm cho chị tôi khó xử, chị tôi không nói rõ chị là ai, cơn giận nổi lên, chị tôi bèn quăng tấm ảnh của Thái Tụ lên mặt chiếc bàn ở gần cửa sổ: “Cháu không rỗi hơi lo việc của người khác, cháu là người đến trả ảnh!” Đã ném ảnh vào rồi, chị tôi vẫn chưa an tâm, lùi lại thềm cửa sổ, thò tay vào ngăn bà già, lấy lại một tấm ảnh từ trong bao giấy nhỏ ra, nói: “Người ta chụp được tấm ảnh này không dễ dàng đâu, thái độ của gia đình cụ như thế này khiến cháu không yên tâm, xin giữ lại một tấm ảnh cho cô ấy vậy!”

Sắp ra về, chị tôi mới nghe được tin tức cuối cùng về Thái Tụ. Tin này do bà của Củng Ái Hoa tiết lộ, bà già tỏ ra nửa tin nửa ngờ về chuyện của Thái Tụ, hoặc giả nói bà già hoàn toàn hiểu nhầm vai trò của Củng Ái Hoa với sự kiện này.

Từ trong cửa sổ nói vọng ra, bà già phê bình chị tôi rằng: “Các người không nên coi Ái Hoa nhà ta như cái bia đỡ đạn, chuyện phiền phức gìcũng tìm nó. Chuyện hôn nhân của con gái nhà người ta cũng yêu cầu nó lo liệu ư? Các người không có lòng tốt, thấy Ái Hoa tiên tiến, cố ý làm ảnh hưởng đến nó!”

Chị tôi bị bà già phê bình đến vò đầu bứt tai, đứng tại chỗ trơ mắt nhìn bà cụ, bà cụ giận dữ ném đuôi củ từ ra, nói: “Cháu đừng trợn mắt nhìn ta, chuyện của cô gái nhà quê ấy không thuộc phận sự giải quyết của Ái Hoa nhà ta, thuộc về Hội Liên hiệp phụ nữ giải quyết, cháu cầm tìm cô ta thì đến Hội Liên hiệp phụ nữ mà tìm!”

Tin về Thái Tụ đi đến Hội Liên hiệp phụ nữ là do chị tôi đem về.

Sau này, chúng tôi biết Thái Tụ đúng là có đến phòng làm việc của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Do bố của Củng Ái Hoa dẫn cô ấy đi, ông ấy cũng là cán bộ cơ quan, hiểu biết tường tận nhất cơ quan nào giải quyết vấn đề gì, đơn vị cấp trên nào chủ quản đơn vị cấp dưới nào. Song, rất rõ ràng, Hội Liên hiệp phụ nữ chỗ chúng tôi nhất thời không có cách nào giải quyết nổi chuyện rắc rối của Thái Tụ. Bố của Củng Ái Hoa bảo Thái Tụ trực tiếp phản ánh tường tận tình hình của cô ấy với cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ, vì ông ấy lo phải đi làm. Ông ấy còn vẽ cho Thái Tụ một tấm bản đồ đường về nhà mình, bảo cô ấy tự tìm đường về nhà.

Họ nói Thái Tụ hôm ấy ngồi ở trong trụ sở của Hội Liên hiệp phụ nữ, ngồi trong thời gian rất dài, cũng nói trong thời gian rất dài, người bên cạnh đều không biết cô ấy đang nói chuyện của mình, tưởng như cô ấy miêu tả một vụ hôn nhân của một người khác vậy. Sau đó, cô ấy bị dẫn ra khỏi trụ sở, song cô không ra, cô ấy cứ im lặng ngồi trên một chiếc ghế băng dài, nghe một đôi nam nữ đòi ly hôn đang kể tội nhau, bới móc bí mật đời tư của nhau ở ngoài hành lang, cô ấy còn tới khuyên bên nữ mấy câu, khuyên gì người khác cũng nghe không hiểu.

Sau đấy, khi cơ quan hội liên hiệp phụ nữ hết giờ làm việc, chị em cán bộ đều ra về, một chị cán bộ ở phòng tiếp dân đi qua cầu Sư Tử sắt, trông thấy cô gái từ Cố Gia Trang tới ấy đang ngồi ở dưới gầm cầu Sư Tử sắt, vừa uống nước chè nóng giá một hào một cốc, vừa ngó đông nhìn tây xem tấm bản đồ vẽ trên giấy viết thư nọ. Chị cán bộ lên  thuyền buôn gạo đậu ở dưới gầm cầu mua một bao gạo, lúc từ thuyền đi lên về nhà, liếc nhìn quán nước, vẫn thấy Thái Tụ ngồi ở đấy, song nỗi bi thương của Thái Tụ đã giống như ánh bình minh nhô lên xoá mờ đi, Thái Tụ bưng chén chè mà khóc, Thái Tụ  nhìn những người qua lại trên cầu Sư Tử sắt mà khóc, người chủ quán trà và những người đi đường nhiệt tâm đều xúm quanh Thái Tụ, họ cho rằng cô gái nhà quê này đang khóc vì  lá thư nọ, nhưng tờ giấy viết thư được mở ra, những người nhiệt tâm ấy nhìn thấy một tấm bản đồ đơn giản vẽ nguệch ngoạc bằng bút bi. Chị cán bộ phụ nữ ấy do dự một lát, cuối cùng vẫn vội vàng về nhà nấu cơm tối, bởi vì chị ấy nghe thấy có người nhiệt tâm đứng lên nói: “Ngõ Tiểu Liễu ư? Cô cần đến ngõ Tiểu Liễu ư? Tôi biết, tôi dẫn cô đến đấy!”

Hiện tại chúng tôi đều biết, sau đấy người nhiệt tâm ấy đâu có dẫn Thái Tụ trở về nhà Củng Ái Hoa. Đây là một kết cục khiến mọi người không thể hiểu nổi, cho đến bây giời, những người có liên quan đến chuyện này vẫn còn đang tranh luận, người dẫn đường ấy cuối cùng là ai? Cuối cùng ông ta dẫn Thái Tụ đi đến đâu mất rồi. Sau đó Trường Thọ không tìm thấy em gái, anh ta gây náo loạn ở nhà Củng Ái Hoa hai ngày, không thấy bóng dáng của Thái Tụ, Củng Ái Hoa trước sau cũng không lộ diện, trái lại người của đồn công an tới, chiểu theo những văn bản hữu quan, họ cưỡng bức áp tải Trường Thọ đến bến xe khách đường dài, tống anh ta về quê.

Phía chúng tôi sau này không có ai trông thấy Thái Tụ nữa, chị tôi có một hôm trở về nói với mẹ tôi, chị nhìn thấy một cáo thị tìm người dán ở dưới gầm cầu Sư Tử sắt, cần tìm Thái Tụ.

Mẹ tôi nói: “Thái Tụ mất tích rồi, đương nhiên phải dán cáo thị!” Song chị tôi oà khóc, vừa khóc vừa gào: “Ôi tấm ảnh ấy, tấm ảnh!”

Mẹ tôi bỗng hiểu ra, hiểu ra rồi mặt   tái xám tái xanh, nói: “Bây giờ mày lại biết khóc à? tại mày dắt nó đi chơi, mày lại cứ dắt nó đi chụp ảnh, tại sao cứ phải chụp tấm ảnh ấy chứ? Vì sao nào? Chụp tấm ảnh ấy chụp để làm gì? Hử? Hử?”

Mẹ tôi xúc động vặn hỏi chị tôi, cũng như tự hỏi mình đến phát khóc lên. Kết quả mà hai mẹ con suy diễn theo lô-gích thật trầm trọng, chị tôi thoát không khỏi can hệ, vì vậy mẹ tôi về đạo nghĩa chịu áp lực nặng nề. Nhằm giảm bớt áp lực, mẹ tôi tất nhiên phải trách hỏi cô tôi. Kết quả cuối cùng có thể nghĩ ra, mẹ tôi và cô tôi cắt đứt quan hệ đi lại, hai gia đình chúng tôi ở gần nhau như vậy, ở trên một phố Hương Xuân Thụ, cô tôi   là em ruột của bố tôi, bố tôi là anh ruột của cô tôi, nhưng hai gia đình chúng tôi lại cắt đứt quan hệ đi lại như thế.

Thái Tụ sau đấy lên một chiếc thuyền buôn củ từ, trở về Cố Gia Trang. Tin này là xác thực, bởi vì vậy, nên khiến gia đình nhà tôi và gia đình cô tôi đều mững rỡ một phen. Chỉ có điều trong mấy ngày bặt tin Thái Tụ, cuối cùng cô ấy sống ở đâu, sống như thế nào, sống cùng với ai, những chi tiết này trước sau vẫn là một nghi án không có đầu mối, đại gia đình chúng tôi không rõ một tí nào.

Anh họ tôi nói sau này Thái Tụ thực hiện lời hứa của gia đình, đã lấy người đàn ông trung niên bị bệnh động kinh ấy.

Khi về nhà nghỉ Tết nguyên đán, anh họ tôi còn nói cuộc hôn nhân của họ không tồi, anh đã trông thấy Thái Tụ và chồng cô ấy đi chợ, vợ mua gà con, chồng mua cuốc xẻng, trên đường một người đi trước một người đi sau.

Đến ngày Tết Lao động quốc tế 1-5 trở về, anh họ tôi không chịu nhắc đến cái tên Thái Tụ nữa, hỏi mãi mới được tin khiến mọi người kinh hoàng: Thái Tụ uống thuốc sâu tự sát.

Anh họ tôi nói, Thái Tụ chết rất có kế hoạch, cô ấy phun thuốc trừ sâu trong vườn rau, phun xong thuốc trừ sâu, người khác nhìn thấy cô ấy cầm cốc nhựa ngồi ở trong vườn, đều ngỡ cô ấy đang uống nước, bèn hỏi: “ Thái Tụ, vừa nhìn thấy chị uống nước, tại sao lại uống nữa?” Thái Tụ nói: “Hôm nay trời nóng quá, khát đến chết người!” Thái Tụ uống nửa cốc thuốc trừ sâu trước mặt mọi người.

Bên nhà cô tôi, bên nhà tôi đều choáng váng bởi tin này. Anh tôi nói lảng sang  những tiếng đồn ở nông thôn, có người nói khi Thái Tụ chết có khả năng đã có mang, mọi người đều nghi đứa bé trong bụng Thái Tụ là con hoang, không phải con của người đàn ông bị bệnh động kinh.

Cô tôi lập tức gào lên: “Bệnh động kinh không ảnh hưởng gì đến sinh đẻ, không phải con của anh ta thìlà của ai chứ?”

Sau đó mọi người đều im lặng. Nhớ lại quảng thời gian Thái Tụ mất tích, nhớ lại  cô ấy mang một bí mật trở về Cố Gia Trang, bỗng không ai dám nói gì nữa. Mỗi người đều cố che dấu nội tâm hoảng loạn của mình, song không che đậy được thái độ mang vẻ phạm tội của mình.

Sau đó, cô tôi bỗng đứng dậy, nói một câu khiến mọi người được giải thoát, cô tôi nói rằng: “Tự vấn lòng mình, chúng ta không có lỗi, không hổ thẹn với Thái Tụ , Thái Tụ số nó khổ, chẳng trách người khác được! Nếu có trách là trách Củng Ái Hoa, chẳng phải cô ta gây ra rắc rối này ư? Thái Tụ cũng không đáng rơi vào kết cục bi thảm như vậy!”

Dân cư ở khu phố Hương Xuân Thụ này có thói quen để ảnh của người thân bạn  bè ở dưới tấm kính phủ trên mặt bàn. Tấm ảnh của Thái Tụ luôn luôn được đặt ở phía dưới tấm kính mặt bàn của nhà tôi, thường ngày trên vị trí ấy đặt một lộ hoa giấy, lọ hoa giấy ấy suốt năm che lên tấm ảnh của Thái Tụ, như che đậy một bí mật đời tư, không nỡ bỏ đi, cũng không muốn để lộ ra.

Chúng tôi có cuộc sống thường nhật bình thường tẻ nhạt mà bận bịu nặng nề, ai  còn vô cớ nhớ đến một cô gái nông thôn ở Cố Gia Trang chứ? Chúng tôi cơ hồ đã quên bẵng Thái Tụ rồi.

Cho mãi đến năm ấy chuyển nhà, khi tôi và chị tôi dọn dẹp những tấm ảnh để dưới tấm kính mặt bàn, đột nhiên nhìn thấy tấm ảnh của Thái Tụ, nhất thời chúng tôi đều không nhớ ra người trong tám ảnh là ai, tôi cố gắng cẩn thận bóc tấm ảnh đã dán chặt vào tấm kính, lẩm bẩm tự hỏi: “Người nào nhỉ, mặt sao quen thế?”

Chị tôi đột nhiên kêu lên: “Là Thái Tụ đấy! Tại sao ảnh của chị ấy còn để ở dưới này nhỉ?”

Thế là, tôi nhớ đến Thái Tụ, chẳng hiểu vì sao, nhơ đến Thái Tụ là tôi lại nhớ đến củ từ. Hồi nhỏ tôi không thích ăn củ từ, nhưng củ từ sào thịt tôi lại thích ăn. Bây giờ đã đến tuổi trung niên, tôi không ăn củ từ, củ từ sào thịt cũng không ăn nữa.

Vũ Phong Tạo (giới thiệu và dịch)

(Theo sách báo Trung Quốc)