Nó đang ngồi ăn với thằng bạn thân trong quán phở, chẳng biết có một lực hút nào đó ghê gớm khiến nó phải nhìn ra ngoài. Lẽ nào là cô ấy… Trái tim nó như nhảy múa trong lồng ngực. Đôi đũa từ tay nó rơi xuống dưới nền xi măng khô khốc.
– Tao vừa nhìn thấy mẹ của thằng Tuấn An, hình như nó… – Bạn hỏi.
– Nó bị điên ngày càng nặng đúng không?
– Vậy là mày đã nhìn thấy.
– Ừ. Thôi ăn đi, rồi còn đi chơi hội xuân, hát đối đáp giao duyên – Nó giục bạn.
*
Hơn ba mươi, nó vẫn chưa lấy được vợ. Ké Khụ, bố nó luôn mồm than với anh em gần xa “Anh em chúng nó đều đã yên bề gia thất cả rồi. Chỉ còn thằng Khởi không hiểu sao chưa lấy được vợ. Người ta cho pet slư (giờ, ngày, tháng, năm sinh) của bọn con gái về đấy, nhưng xem chẳng có cái mệnh nào hợp. Bác bá xem ở bản còn đứa nào thì tâu (se duyên) về cho nó cho ò Khụ này được nhờ”. Khụ than với bá Làn, con chị gái Khụ. “Ở làng bá còn có một người, để bá hỏi cho”. Bà Làn nói. Đúng phiên chợ Thung Huê sau bà Làn đã đem pet slư về cho Khụ. Khụ tức tốc đem sổ mệnh của gia đình cùng tờ mệnh bằng giấy đỏ của Phấn – cô gái ấy đến thầy xem. Xem kỹ, thầy chỉ nói “lấy được”, khiến ké Khụ vui nở từng khúc ruột. Tiền, gạo nếp nhà không đủ, lợn trong chuồng còn chưa thành lợn quay. Không có thì ta đi vay, mượn của anh em hàng xóm mỗi người năm, mười cân gạo nếp, rồi sẽ trả dần trong những mùa vụ sau. Cưới được vợ cho thằng Khởi, ông bà Khụ hết trách nhiệm lớn của người làm cha mẹ.
Ngày cưới của nó cũng như rất nhiều lễ cưới. Nó thấy những tay chỉ trỏ, nhưng không nghe được câu nào vì tiếng loa đài, tiếng cười nói ồn ào. Lại có tiếng lày cọ ở gian nhà dưới, súng bắn vào đây, tiếng nổ cũng chỉ như cái pháo tép. Làm lễ xong, nó cùng vợ đi mời rượu các mâm để nhận những lời chúc phúc.
Nhưng ngày vui chóng tàn. Phấn là con vợ lười, đỏng đảnh, bị chồng nhắc thì giận hờn liền bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Khởi cứ dăm ba ngày lại đến đón vợ, xin lỗi bố mẹ vợ, xin lỗi cả vợ, dù không hề có lỗi. Có lần vào mùa vụ vợ nó chưa chịu theo nó về. Nó cùng bố mẹ xuống lang (gầm nhà sàn) đào xới phân tơi xốp, gánh phân ra nương xa. Vợ nó ngồi trên nhà nói cười với thằng Sử. Sớm dậy nó quảy đôi thùng ra mỏ gánh nước, về đến nhà vợ nó vẫn chưa ra khỏi buồng. “Ông bà Hinh thật có phúc khi có được một thằng rể chăm làm. Cứ như rể là vợ, vợ là rể vậy”. Khởi nghe người làng khen như vậy nó không hiểu thâm ý.
Có lần nó đã khóc ở nhà vợ, khi vợ cương quyết không theo nó về. Nó kể cho thằng bạn thân nghe. Bực mình bạn nói nó là kẻ vô dụng. “Mày đã làm xấu mặt bọn đàn ông con trai của cả làng Kỉnh này rồi. Mày cứ để vợ mày làm như thế, rồi có ngày nó lên ngồi ngay trên đầu mày đấy”. Nhiều lúc nó tự hỏi nó có đáng mặt một thằng đàn ông hay không? Nó tự hứa với lòng mình sẽ phải cương quyết hơn trong mọi công việc. Nhưng rồi nó lại chịu thua khi nhìn vào thằng con trai đang tuổi ăn học. Nó không muốn con nó xa mẹ, hay xấu hơn là phải mất mẹ. Nhưng nó càng níu kéo thì vợ nó càng đi xa ngoài tầm kiểm soát. Như sợi dây cao su khi đầu kia trọng lực quá nặng nó sẽ không thể co về mà sẽ đứt.
Rồi vợ nó bỏ đi theo người đàn ông khác. Ngày nào nó cũng gọi điện cho vợ một hai cuộc. Nó chỉ muốn hỏi vợ một câu “Mày có còn nhớ, thương thằng Tuấn An không?” Nhưng vợ nó hoặc không bắt máy hoặc cho người đàn ông xa lạ nghe máy. Nó chưa kịp nói thì người đàn ông kia đã thao thao bất tuyệt. “Anh không biết chăm sóc vợ thì để tôi chăm sóc cho. Tôi cảnh báo anh đừng suốt ngày gọi điện cho cô ấy. Từ giờ hãy để chúng tôi yên”. Nó thấy đầu óc quay cuồng, đất trời chao đảo. Hồi lâu nó định thần lại: “Mày là đồ dùng của thừa. Báu gì. Tao biếu đấy. Mày chỉ là thằng “giữa đường gặp cánh hoa rơi, hai tay hứng lấy cũ người mới ta”. Mày…” Nó còn định nói thêm nhiều câu độc hơn nữa. Nhưng bên kia đã ngắt kết nối tự bao giờ.
Nhiều lúc nó nghĩ, vợ nó bỏ đi chưa chắc đã phải vì nó. Vợ nó bỏ đi tại cha mẹ nó không biết chiều con dâu.
– Mày đừng có mà láo. Đừng thấy vợ bỏ đi là quy tội cho những người xung quanh. Tao đã bảo với mày bao nhiêu lần, rằng con vợ mày cái đuôi của nó còn dài hơn cả hồ ly, hễ thấy trai là tí tớn lên ngay. Những hôm mày không có nhà nửa đêm nó vẫn nói chuyện điện thoại với trai, nhiều câu nói của nó tao nghe mà thấy ngượng. Tao đã nói với mày rồi. Nhưng nào mày có nghe. Giờ thì thấy chưa? Loại đàn bà đó bỏ đi mà không nhớ thương đến con cái thì mày cũng không nên tiếc làm gì. – Ké Khụ nói.
– Nhưng tôi không thể nuôi con một mình được?
– Sao không nuôi được? Thiên hạ người ta vẫn gà trống nuôi con đấy thôi. Mà nói thiên hạ làm gì cho xa xôi. Ngay ở cái làng này thôi đã có hai ba người nuôi con một mình rồi.
Phấn đang nằm trong vòng tay của gã đàn ông xa lạ. Khởi nghĩ, cái của thằng đó nhất định to hơn, dài hơn của nó nên vợ nó mới bỏ đi theo. Được rồi Phấn ạ. Mày đã không nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, không nghĩ đến con cái thì tao sẽ bất nghĩa với mày. Nhất định mày sẽ phải trả giá…
*
– Mai mày có đi chợ không? Nó hỏi Phính.
– Hôm nào tao chẳng đi chợ. Không đi lấy gì về ăn.
– Mai mày kiếm cho tao một con cá chép.
– Mày muốn con như thế nào.
– Tầm nửa cân độ xuống là được. Nhưng phải còn sống.
– Bày đặt, sống hay chết rồi cũng rán lên, nấu lẩu.
– Không. Mày cố lấy cho tao cá sống nhé. Hết bao nhiêu tiền về tao trả.
Phính lấy làm lạ. Năm nay nhà Khởi bắt đầu cúng Táo quân về trời sao? Nhưng còn hơn tuần nữa mới đến hai ba tháng chạp mà.
Nó thả con cá xuống cái cang ốt (dụng cụ đựng nước tựa như cái vại) đậy nắp kỹ càng. Nó mở chiếc hòm gỗ ra để lấy tám chữ tượng trưng số mệnh của Phấn gấp tư lại cho vào một cái túi nilon màu trắng hơ qua ngọn nến để bịt lại. Ba lớp nhựa đảm bảo nước sẽ không thể thấm làm ướt tan tờ giấy mệnh màu đỏ được. Nó tháo chiếc cần câu được giắt dưới mái ngói xuống lấy sợi dây cước cuộn tròn lại cho vào túi quần. Giờ nó cầm cái xô màu xanh đi đến cái cang ốt vớt con cá chép đổ vào cái xô xách ra bờ sông. Đến nơi nó rút cái kim trong túi ra xỏ vào đuôi con cá chép. Trên đó có tám chữ của vợ. Nó cắm cái cột to bằng ngón tay cái cao nửa thân người xuống đất, đầu trên buộc ba bông lúa nếp. Dưới chân là cây kéo bằng gỗ hai lưỡi nó cứa vào cột, một thanh kiếm gỗ dài bằng gang tay đặt ngang cây kéo chỉ về hướng núi Khao Đán. Xong đâu đấy nó mới rút bật lửa từ trong túi quần, châm ba nén hương, gỡ những đồng tiền cắt từ giấy bản ra. Nó bắt đầu bài chú mà ông thầy dạy cho nó. “Con xin cúi lạy thần sông. Con xin vái thần núi Khao Đán. Con quỳ trước sơn thần thổ địa. Cây có rễ khỏe mới có tán lá tươi xanh che mát cho con người, sông có nguồn trong con người uống không bị mắc bệnh. Bản thân con không muốn làm ác với bất kỳ ai. Nhưng người ta, con vợ con đã làm ác với con. Trăm lần con muốn điều hay, nghìn lần con muốn điều tốt. Vạn lần con không muốn gieo cái ác. Bởi con biết gieo cái ác rồi sẽ nhận được quả ác. Nhưng hôm nay con phải làm ác với người mà một thời đắp chung tấm chăn, ăn chung một nồi, mở chung một cánh cửa sớm tối. Con buộc tám chữ của nó vào đuôi thần cá chép. Khi nào con cá chép vẫy đuôi, người đó sẽ phải nhảy điên như con cá vùng vẫy dưới dòng nước. Chừng nào tám chữ chưa được lấy lại, khi nào lời nguyền chưa được thu hồi thì người đó sẽ không bao giờ khỏi điên”. Nó khấn xong hai tay nâng con cá thả xuống dòng sông sâu trong xanh. Nó quay bước về nhà, bóng tối đã đẩy sau lưng. Trên núi Khao Đán tiếng con sóc giục người cài then cửa nghe vội vã. Trên cây nghiến cổ thụ, con cú già cũng bắt đầu cú cú nghe rờn rợn. Tiếng rúc của nó làm đôi chân của người thợ săn cũng phải chùn khi bước vào rừng. Hôm nay con cú rúc sớm hơn mọi ngày thì phải. Tiếng rúc của nó thả vào không gian đập vào vách đá Khao Đán dội lại, âm thanh bị khuếch tán hồi về nghe như tiếng mèo hoang trên núi động đực. Nó không dám ngoảnh mặt nhìn lại, nó sợ có ai đó nhìn thấy nó vừa làm một việc ác.
Đêm nằm nghe thấy những tiếng cú rúc, tiếng con lăm củm vọng về từ trên núi Khao Đán làm nó giật mình. Thỉnh thoảng lại có cả tiếng con báng (cú mèo) cười sằng sặc nghe rợn tóc gáy. Mỗi lần báng kêu trong làng sẽ có người chết. Ngày còn vợ nằm bên cạnh nó không sợ những thứ âm thanh ghê gớm đó. Nhưng giờ nó cảm thấy sợ hãi. Nhất là sau phiên chợ người ta nói vợ nó đã phát điên. Ngày tung tăng nhảy nhót như một đứa trẻ, quần áo rách không đủ che những chỗ cần phải giấu. Mái tóc đen dài được vợ chăm chút mượt bóng, giờ xác xơ, rối như tổ quạ. Gặp người là cười hỉ hả, tiện đâu ngủ đấy. Có người nói với nó vợ nó dắt tay thằng Thèn điên đi lên hang trên núi Cẩu Chủa Cheng Phùa, rồi chẳng ai nhìn thấy nữa. Có người nói vợ nó và Thèn điên đã biến thành một đôi vượn suốt ngày đu cây, đuổi nhau, đùa giỡn trên những mỏm đá tai mèo. Có người đi lên núi bỗng chạy về mặt biến sắc khi thấy một đôi vượn to chưa từng có. Hình như chúng biết nói vài câu tiếng người. Và chúng không có dấu hiệu sợ người. “Thế màu lông chúng ra sao? Đen hay đốm?” Người kia nói “Sợ quá không còn để ý nữa”.
Những câu chuyện đều đến tai nó. Nó chỉ muốn cho vợ một bài học. Nhưng sao lời nguyền quá độc địa, hại vợ nó không còn biết đâu là nhà, hại vợ nó biến thành loài thú vượn? Khi cầu khấn trong thâm tâm nó chỉ muốn thằng đàn ông đó biết vợ nó là người đàn bà không bình thường mà từ bỏ. Vợ nó về nhà mẹ đẻ, nó sẽ hóa giải lời nguyền rồi đón vợ về ở cùng có vợ có chồng, có con có mẹ. Một gia đình lại êm ấm như xưa. Nhưng tất cả đã không như nó mong đợi. Ra chợ ai cũng nói “Con Phấn là vợ thằng La Minh Khởi làng Kháo Đan. Ngày xưa con đó đẹp người, tính tốt thế mà bị điên. Đúng là hồng nhan bạc phận”. Thằng Tuấn An đi học cũng bị lũ bạn trêu vì có người mẹ điên hóa vượn sống cùng Thèn khùng trên núi. Rồi mẹ nó sẽ đẻ ra những con vượn người. Thằng con xấu hổ quá không dám đi học. Khởi phải lên báo cáo nhà trường có biện pháp ngăn những lời đồn để con tiếp tục đến trường…
Vợ bỏ đi gần năm trời, cũng ngần ấy thời gian nó nhịn sinh hoạt. Gặp những người đàn bà sớm góa bụa thân hình trẻ phơi phới, khiến nó cảm thân toàn thân như có hàng vạn con lửa đang cắn xé. Thằng con trong người nó trỗi dậy, nó không muốn người ta nhìn thấy nên lúc nào tay nó cũng đút túi quần. Nó cầm cái của nợ sang một bên, nó rút tay khỏi túi quần rồi nhưng cái thứ đó vẫn cộm lên. Thành thử người ta tưởng nó đang đút một cái chuối trâu trong túi quần. Loại chuối nhà nó trồng nhiều, mùa nào cũng có buồng chín. Nó khao khát được làm tình với những người đàn bà sớm góa chồng. Nó đã từng ngủ với Chiêm, khi cô nhờ nó đến sửa bảng điện.
Nó hét vào không gian tĩnh lặng. Thầy cúng nghe nó phân trần tỏ ra thông cảm. Ngày đó thầy đã khuyên nó không nên hại người. Giờ nó muốn phá bỏ lời nguyền, thầy có thể truyền cho nó bài chú hóa giải. Bài chú có rồi, nhưng bây giờ làm sao lấy lại tám chữ đang đính vào đuôi con cá chép? Con sông Bắc Vọng dài đến ba chục cây số, nhiều vực sâu, hang ngầm. Mấy tháng trôi qua, bao trận lũ làm ngập sông ngập suối, không biết con cá đang ở chỗ nào? Giăng lưới bao giờ mới bắt được con cá. Nó không thể đổ thuốc độc làm con sông chết. “Phải bắt được con cá còn sống, đem con cá tới đây ta sẽ làm phép gỡ lấy mệnh trên mình nó”. Thầy nói với nó như thế.
– Có cách nào khá hơn không thầy? Nó hỏi thầy Hượu.
– Cách ư? Có đấy, nhưng mà khó lắm đấy.
– Khó con cũng làm.
*
Thầy viết giờ ngày sinh tháng đẻ của nó vào tờ giấy màu xanh, dùng ấn triện lên trên bản mệnh. Thầy bảo nó đem lá mệnh được dán sẵn đem buộc trên cây nghiến cổ thụ vào đêm rằm sau khi gà đã lên chuồng. Nơi khởi nguồn của dòng sông Bắc Vọng. Thầy dặn nó trước khi đem mệnh của nó treo lên trên cành cây, nó phải ra bờ sông làm lễ tạ thu hồi tám chữ mệnh của vợ đem về nhà thầy. Trước khi làm việc này nó phải nói với người đáng tin cậy nhất nơi treo cái mệnh của nó, sau này còn biết lên đó gỡ xuống hóa giải. Nó phải buộc lá bùa trước khi con cú rúc lên từng hồi. Nhưng từ nhà thầy, ra bờ sông – nơi trước đây nó phát lời nguyền độc – về đến bản Kỉnh của nó, gà đã lên chuồng từ lâu. Nó chưa kịp nói với ai về cái mệnh của nó. Nó đi thẳng lên nơi có cây nghiến cổ thụ. Nó bám cành cây mà lên. Nó lựa một cành cây chắc chắn buộc tờ mệnh vào. Nó vừa buộc miệng vừa lẩm nhẩm “Oan có đầu, nợ có chủ. Con đã trót phát lời nguyền độc ác để hại người thân của con. Nay con xin chịu phạt thay vợ. Mong thần linh chứng giám. Cúi xin thần linh hãy để vợ con trở lại thành người bình thường”. Nó nói xong thì châm ba nén hương đốt và buộc vào cành cây có treo tám chữ mệnh. Làm xong nó theo cành cây leo về phía mỏm đá lớn. Trăng đã nhô lên khỏi dãy núi Khao Đán. Từ trên nó nhìn thấy con sông Bắc Vọng một vệt xám chảy dài về phía đông. Trên mặt sông lấp lóa ánh trăng, một người phụ nữ đang tắm. Khoảng cách xa mờ ảo bởi màn sương mỏng, nhưng nó có thể hình dung người phụ nữ này có một thân hình đẹp tựa tiên sa. Nhưng chỉ trong chốc lát bóng người phụ nữ đã biến mất vào khoảng không mênh mông, để lại dòng sông buồn vắng lặng. Người đó là vợ nó ư? Con người ta trở về thực tại bao giờ cũng muốn rửa sạch những vết nhơ không đáng có. Nó đang lâng lâng trong tưởng tượng thì từ phía mặt sông, đoạn chảy qua chân núi có một bóng người cao lớn cưỡi con cá vàng bay lên khỏi mặt nước bay về phía cây cổ thụ. Luồng sáng đó đến chỗ đặt bàn hương án hoán đổi trên ngọn cây thì biến mất. Nó nghĩ đó là con ma của dòng sông. Con ma đó theo lệnh của thần sông đã đem cá chép trở về giải thoát cho vợ khỏi kiếp điên đọa đày. Giá như đêm nay nó chưa phát điên, ngày mai đến phiên chợ Thung Huê nó muốn biết tin về vợ nó. Nó muốn được nhìn thấy vợ nó bình an trở về từ trên núi Cẩu Chủa Cheng Phùa trước khi thay vợ trả báo ứng. Song nó vừa rời khỏi mỏm đá đi xuống mươi bước chân, tiếng con cú già thành tinh đã rúc lên cu cu cu. Nó cảm thấy đầu óc choáng váng, đôi chân nó đang giẫm trên con đường đầy đá tảng mà cứ như đang đi trên mây. “Ta phải về nhà”, mồm nó lảm nhảm. Con cú già rúc cu cu. Song bước chân nghiêng ngả của nó lại đi về phía bờ sông. Đi mãi. Nó đi tìm người trên con sông dài vô tận. Người vợ được giải thoát cũng đang đi tìm nó…
Truyện ngắn của Nông Quốc Lập mở đầu thật thà, càng về sau càng phát triển sang lối huyền hoặc. Để rồi, tất cả những huyền hoặc ấy đều chỉ ngưng đọng lại ở cái tình. Tình yêu? Tình vợ chồng? Hay tình gì? Không quan trọng. Chỉ biết cái tình ấy lớn, và rất đáng cảm động, có thể làm rung động cả thánh thần. Câu chuyện được diễn ngôn thông qua những địa danh, vật dụng của dân tộc bản địa. Điều này đưa người đọc đi xa hơn trong sự thú vị nhận thức.Nông Quốc Lập, tên thật Nông Văn Lập, anh tốt nghiệp Báo chí. Hiện đang sống và viết tự do tại Cao Bằng.
L.A.H
Truyện ngắn của Nông Quốc Lập
Nguồn: Tiền phong
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài