Trong dự kiến hoạt động năm 2013 của Hội Nhà văn TPHCM có một điểm nhấn quan trọng là tổ chức tọa đàm, hỗ trợ hội viên xây dựng và phát triển “văn học trên báo chí”. Đây không phải khái niệm mới, tuy nhiên nhiều năm gần đây, báo chí đặc biệt là nhật báo đang ngày càng xa cách với văn học.

Văn học trên báo – càng hiện đại càng xa nhau

Tại rất nhiều cuộc hội thảo, trao đổi về văn học, các nhà văn đều than thở rằng, các tờ nhật báo thường lạnh nhạt với văn chương. Chẳng còn mấy tờ báo có mục thơ, truyện ngắn. Giờ chỉ còn tìm thấy ở các tờ báo tuần, tháng… Văn học đã vậy, lý luận phê bình còn xa cách hơn khi chỉ có thể xuất hiện ở một vài tờ báo chuyên ngành, mất dạng hoàn toàn ở các tờ báo phổ biến.


Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ hai, từ trái sang) cùng các nhà văn đoạt giải thưởng cuộc thi

Phía nhà báo cũng có lý lẽ của họ, nhà báo Phạm Đức Hải, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, trong một hội thảo lý luận phê bình đã than phiền rằng, các nhà lý luận hiện nay viết không phải để đăng báo! Bài viết nào cũng dài trên 3.000 – 4.000 chữ, đăng lên hết cả một hoặc vài trang báo thì nhật báo nào đăng nổi.

Đó cũng là vấn đề của các thể loại văn học khác, truyện ngắn một thời được coi là sản phẩm văn học hiệu quả nhất cho báo chí, nay cũng dần bị xa lánh. Lý do có nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là “quá dài”.

Theo nhà văn Lê Văn Thảo, một trong những cây bút truyện ngắn lão làng của Việt Nam, truyện ngắn thông thường ít nhất phải 3.000 chữ trở lên mới tạm ổn. Báo chí hiện đại đòi hỏi đa dạng thông tin, một trang báo phải dành rất nhiều chỗ để đăng đủ loại thông tin khác nhau, diện tích cho sáng tác văn học ngày càng thu hẹp.

Nhận thấy tình hình đó, nhiều cơ quan báo chí cũng đã tìm cách vực dậy văn học bằng các hình thức sáng tác, thể hiện mới, giới hạn số chữ như truyện cực ngắn, siêu ngắn, 100 chữ…

Truyện ngắn trở lại

Trong bối cảnh đó, việc Báo SGGP tổ chức cuộc thi truyện ngắn trên báo nhận được sự chú ý của nhiều người.

Nhớ lại ngày phát động cuộc thi, nhà văn Trần Văn Tuấn kể: “Là đơn vị báo chí tổ chức cuộc thi, tôi và anh Trần Thế Tuyển (khi đó là Tổng Biên tập Báo SGGP) đều cho rằng, cuộc thi phải gắn với hoạt động báo chí. Chính vì thế, cuộc thi tập trung vào việc làm sao để có được những tác phẩm vừa mang tính văn học vừa phù hợp với việc đăng tải trên báo, đặc biệt trên tờ nhật báo như SGGP”.

Chính vì thế, cuộc thi truyện ngắn do Báo SGGP và Hội Nhà văn TP phát động lại có những yêu cầu vừa rộng vừa chặt. Rộng ở đề tài “Con người và cuộc sống hôm nay”, quả thật đây là đề tài gần như bao trùm mọi hoạt động trong cuộc sống, từ thành thị đến nông thôn, trong nước đến quốc tế, tích cực đến tiêu cực… Thế nhưng, cuộc thi này lại có điều khoản như nhà văn Lê Văn Thảo cho biết: Làm khó người viết truyện ngắn khi giới hạn số chữ chỉ tối đa 1.700, vừa đủ để đăng báo. “Đó là một cuộc thử nghiệm khả năng cô đọng từ tư tưởng đến nghệ thuật của các tác giả, đáp ứng nhu cầu chung của văn học trên báo chí hiện nay”, nhà văn Lê Văn Thảo nhận xét.

Và cuộc thi khép lại với 2 giải nhì (không có giải nhất) khá bất ngờ cho 2 tác giả thuộc 2 thế hệ cách khá xa nhau là nhà văn Trần Kim Trắc (SN 1929) và nhà văn Trương Anh Quốc (SN 1976).

Bên cạnh giá trị nghệ thuật thì 2 tác phẩm này được đánh giá cao ở khả năng cô đọng ngôn từ. Như nhận xét của ban giám khảo, các tác giả đoạt giải hầu hết đều là người có kinh nghiệm viết báo, chính thói quen viết ngắn đáp ứng nhu cầu báo chí đã góp phần giúp người viết cô đọng hơn trong sáng tác truyện ngắn.

Cuộc thi truyện ngắn của Báo SGGP đã khép lại, nhưng từ thành công của cuộc thi này, những người tổ chức, Hội Nhà văn TP đang nung nấu một ý tưởng mới: tổ chức cuộc thi viết phê bình trên báo. Có thể, với những cuộc thi như vậy sẽ đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống qua công cụ báo chí, một trong những phương tiện truyền thông phổ biến nhất hiện nay. Từ đó góp phần nâng cao đời sống văn học, văn hóa đọc của người dân. Thi viết phê bình trên báo sẽ sát sườn với đời sống văn học và hẳn cũng vô cùng hấp dẫn.

Nguồn: sggp.org.vn