Bố đã vứt bỏ những đồ vật nặng, những chiếc cốc thuỷ tinh, đồng hồ vốn được treo trên góc tường, ngay cả một cây bút chì mà ông cũng cố giấu kỹ. Ông sợ tôi nghĩ quẩn, hay nói đúng hơn là ông đang xoá đi những dấu vết tội lỗi của mình.

Hằng ngày, tôi ngồi trên xe lăn và nhìn qua ô cửa sổ với những thanh sắt đan nhau, sơn màu xanh lá. Ngoài kia là ánh sáng, là non núi trùng điệp, những áng mây xoay vần. Tôi không trách cứ bố, tôi chỉ trách mình. Nhưng thực sự sống trong căn phòng này nhàm chán vô cùng, bố không dám để lại cho tôi bất kỳ cuốn sách nào. Ông nói: “Gáy sách cũng có thể dùng làm vũ khí giết người”. Thế giới năm năm qua của tôi chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường.

1. Tuổi thơ

Nghe nói sinh nhật lúc một tuổi của tôi, bố thấy con gái mình chọn cây bút máy trong số những đồ vật mà ông bày ra và đã nói một câu:

– Con đang gặp nguy hiểm.

Mẹ kể lại điều này, với vẻ mặt mỉa mai chua chát, chú thêm: “Thằng bố mày cũng từng lận đận cả đời với giấy bút”. Hồi nhỏ, tôi sống ở thành phố, thường chạy đi chơi khắp hang cùng ngõ hẻm trên chính đôi chân của mình. Phải, tôi đã từng có một đôi chân lành lặn, và khoẻ mạnh nữa. Mẹ thường bảo: “Mày cứ như con bướm ma ấy, đi đến đâu cũng thấy được dấu chân”.

Tôi không biết bướm ma là con gì, tôi nghĩ nó hẳn là hiện thân cho một sinh vật đáng sợ vào đó. Vậy nên suốt ấu thơ, tôi thường chạy đi chơi với đôi chân và nỗi sợ hãi loài bướm ấy.

Quan hệ giữa bố và mẹ không được êm thấm. Bố thường về muộn, đôi lúc mẹ cũng đi làm và ngủ qua đêm ở công ty, họ ít khi gặp mặt nhau.

Chín tuổi, tôi có thể đếm được số lần mình được ăn cơm cùng gia đình trong tháng: Chưa quá năm ngón tay. Mẹ mang về cho bố một khoản lợi nhuận kếch xù, giúp duy trì cuộc sống sung túc. Thế nên bố có thể cho qua những lần mẹ váy xiêm xúng xính bước xuống từ một chiếc xe con đời mới nào đó. Bố như cái bóng trong nhà.

Năm mười tuổi, tôi thôi chạy đi chơi. Cũng thôi sợ những con bướm ma khổng lồ với các vệt hoa văn xanh sậm trên đôi cánh bự phấn. Thay vào đó, tôi ghé vào tiệm tạp hoá, mua đủ loại bánh kẹo xanh đỏ bằng tiền tiêu vặt của mình, sau đó phân phát hết cho mấy đứa bạn học cùng lớp. Tôi ngày càng mua nhiều hơn, những món đắt tiền hơn, nhưng lại có cảm giác ghê tởm với chúng vô cùng, thậm chí ngay cả khi xách chiếc túi ni – lông đựng đầy bánh, tôi phải nín thở lại hoặc ngoảnh mặt ra chỗ khác.

Một lần mẹ nhìn thấy cảnh đó, bà len lén quay đi. Còn tôi thì hỉ hả trong lòng vì khiến mẹ chột dạ và cho rằng từ rày bà sẽ không theo những người đàn ông lạ qua đêm nữa.

Trong bữa cơm hiếm hoi năm tôi mười một tuổi, mẹ bảo: “Mệt quá…”. Tôi không để ý đến bà nữa. Vậy là mẹ đứng lên thu dọn chồng bát đĩa và đi vào bếp. Tôi về phòng đọc nốt cuốn tiểu thuyết dở dang.

Năm mười hai tuổi, mẹ tôi treo mình lủng lẳng ngoài sân, hai tay thõng xuống. Tôi ngước mắt nhìn và hỏi: “Mẹ chơi trò này có vui không?”. Tôi đã dành ra cả đời để hỏi bà câu này, qua lớp kính quan tài, qua bức ảnh gia đình ngày một cũ úa. Bố bảo càng lớn trông tôi càng giống mẹ. Dần dà, tôi hỏi mẹ qua tấm gương trong nhà tắm: “Mẹ chơi trò này có vui không?”

Lúc còn sống, mẹ chia sẻ phần nào kinh tế và gánh nặng gia đình. Bà mất, chẳng để lại chút gì tài sản thừa kế từ nhà đẻ. Bố uống rượu và đôi khi lại lẩm bẩm, rằng mẹ không tôn trọng cuộc hôn nhân này, rằng mẹ không yêu ông. Ông đã quên mất sợi dây liên kết là tôi. Dường như với bố, tôi không nên sinh ra trên đời này, hoặc giả có sinh ra thì cũng chỉ là một vật thể vô hình mà thôi.

*

Bố thường ra ngoài vào lúc năm giờ sáng và trở về nhà sau mười giờ đêm, bố làm việc không biết mệt và liên tục tăng ca. Trong hai năm chật vật mưu sinh, tôi chỉ gặp bố một lần, dù sống chung một căn nhà, cùng nhau chăm nom con mèo đã trên mười tuổi ho hen và sắp chết bệnh già.

Đó là một đêm rằm, trời vẩn đục bởi những gợn mây che lấp. Tôi chỉ mong có một kẽ nứt nào đó trên cao để cho ánh nguyệt có thể lọt xuống, nhưng cả đêm đó, toàn bộ bầu trời vẫn âm u.

Khi ấy, phòng tôi không trống trải như bây giờ, có một cái bàn viết ngay cạnh cửa sổ, góc phòng kê một kệ sách lớn cao chạm trần chất đầy các loại sách vở từ tiểu thuyết đến khảo cứu văn hoá, lịch sử. Bốn bức tường màu xanh nhạt có gắn những tờ giấy ghi chép các ý tưởng chính vụt tới trong cuốn tiểu thuyết mà tôi đam mê, đang viết. Thế nên bố thường cảnh giác với việc tôi vùi mình trong căn phòng khoá trái.

Bố về nhà sớm. Tôi nghe thấy tiếng đạp cửa ở dưới tầng một, song vẫn ngồi yên một chỗ, ánh đèn bàn vàng ấm đủ để nhìn ngắm những con chữ đang giăng hàng trên các trang bản thảo.

Một con bướm ma lượn vòng trên không rồi đậu xuống nơi đầu của cây bút. Tôi toan đuổi nó đi nhưng lại chần chừ. Nghe nói bướm ma là linh hồn của một người nào đó chưa được hoàn thành tâm nguyện mà hoá thành.

Hay là mẹ? Tôi lắc đầu. Mẹ sẽ không trở lại tìm tôi, nhớ nhung con cái không nằm trong những điều tạo nên con người bà.

Tiếng động dưới nhà ngày một lớn: Loảng xoảng; bình bịch; leng keng… Bước chân bố nện lộp cộp trên sàn, hẳn ông không tháo giày. Tôi nhắm mắt lại lắng nghe. A, ông đang say rượu, bước chân không còn vững nữa rồi mà lan can thì không được chắc chắn.

Cánh bướm ma bay vụt lên đậu sát góc tường nơi trần nhà, trân trân nhìn xuống.

– Mày cũng thấy đúng không? – Tôi ngước mắt hỏi nó, song con bướm ma vẫn chẳng trả lời. Tôi bật cười: “Đến mày cũng bỏ rơi tao”.

Bố đang bám chặt lấy lan can cầu thang, các ngón chân thô lần lần lên từng bậc đá. Tôi có ảo giác bố là một con thạch sùng bị thương. Loài vật này ẩn nấp trong bóng tối, hễ màn đêm buông xuống, nó sẽ tìm tới những nơi có ánh sáng để ăn côn trùng. Nhưng liệu một con thạch sùng có gặm được loài bướm ma khổng lồ hay không nhỉ?
Bố nhìn thấy tôi, gục gặc bước lên. Tôi vẫn đứng im. “Mày là cái gì mà dám chống đối lại tao?” – bố gầm gè. Ông loạng choạng đến gần tôi, lặp lại câu đó một lần nữa. Mùi rượu nồng xộc phả vào mặt, vào mũi tôi. Bố cúi thấp xuống, rồi đưa tay lên giữ chặt lấy đầu tôi. Tôi không lảng tránh. Bố bảo: “Cô trở lại căn nhà này để làm gì? Làm gì?”. Tôi cũng không hiểu được, năm xưa khi mẹ đồng ý lấy bố, bà đã từng hối hận hay chưa?

Bầu trời âm u vẩn đục. Bố nắm cánh tay tôi và liệng xuống cầu thang. Tôi không rõ mình đã lăn bao nhiêu vòng. Tôi mất đi cảm giác đau đớn từ lâu lắm rồi. Tôi không còn biết đau nữa.

Tôi đã ngủ rất lâu, mơ một giấc mơ thật dài. Trong mơ, tôi thấy bố biến thành con thạch sùng khổng lồ, còn mẹ là con bướm ma với bốn chấm xanh tô điểm trên đôi cánh. Con thạch sùng rượt bắt mồi của mình, cuối cùng nhai nát nó trong miệng. Từng cánh, từng cánh bướm dần bị xé vụn, chỉ còn lại chút phấn thừa phiêu tán trong không trung.

2. Căn phòng

Sau khi tỉnh dậy và trở thành một kẻ tàn phế, tôi được tiêm một liều thuốc, thiếp đi trên xe. Bố không về nhà, ông đưa tôi đến Thung Lũng. Bố trốn khỏi nơi mình thuộc về.

Căn nhà mới của chúng tôi vốn bị bỏ hoang phế đã lâu, những đám cây vảy ốc bám chặt lên bốn bức tường nhuộm thêm màu nước mưa lưu cữu, cây chết khô trong sân làm cho khung cảnh trở nên tang thương, hoang dại hơn bao giờ hết. Nơi chỉ có bố. Thêm tôi nữa. Căn nhà có hai bóng ma.

Bố bế tôi từ xe lăn, đặt lên giường, đôi chân tôi mềm nhũn không có cảm giác. Và ông – như con thạch sùng – chạy biến vào bóng tối.

Kể từ đêm đó, tôi không còn nhìn thấy một con bướm ma nào nữa. Cứ như chúng đã diệt vong, cứ như con bướm ma cuối cùng đã bị thạch sùng ăn trong giấc mộng ấy.

Bây giờ, bố làm tất cả các công việc, ngay cả tắm rửa cho tôi, cho dù tôi đã ngoài hai mươi tuổi, đã có cảm giác gờn gợn ghê sợ với ông. Nhưng ông không dám để tôi một mình, ông sợ tôi sẽ đập vỡ tấm gương trong nhà tắm để tự vẫn. Tôi bảo: “Con sẽ không học theo mẹ, nên bố đừng theo dõi con nữa, con thực sự thấy rất ghê sợ”.

Bố lắc đầu. Tôi gặng nhắc lại, rằng sẽ chẳng bao giờ bỏ cuộc sớm đến thế, cho dù cảm giác bất lực của kẻ tàn phế vẫn hành hạ mình. Tôi không muốn giống mẹ, tôi yêu bà và cũng hận bà nữa. Bố bảo:

– Đấy chỉ là tâm lý của con. Đều do con! Nếu con cản bố lại.…

Ông nói xong và giật mình, ông không muốn nhắc điều này với tôi, ông không muốn đổ vấy trách nhiệm cho tôi.

– Con có thể cản bố được không? – Tôi hỏi lại.

Không khí phảng phất những bụi phấn từ các cánh bướm li ti.

Tôi nhìn bố ngồi thu lu nơi góc giường, ông cúi đầu như đứa trẻ bị mắng vì phạm lỗi.

3. Hướng sáng

Cuối xuân, Thung Lũng ngập tràn những cánh bướm xanh mới nứt kén, chúng tụ thành từng nhóm đông đúc rải rác khắp từ con đường lên núi đến khe suối cạnh chân đồi.

Bố tới thành phố được hai hôm, việc sinh hoạt của tôi ngày một khó khăn. Tôi đói lả, dù ông vẫn nấu và trữ thực phẩm trong nhà. Dường như ông chỉ làm cho hoàn thành trách nhiệm trong khi tôi không thể xuống được cầu thang để vào nhà bếp. Căn phòng trống, chỉ có tiếng gió lùa qua khung cửa sổ, hun hút… nỗi cô độc. Rốt cùng thì tôi còn tồn tại vì lẽ gì đây?

Tay mèo già gào lên những âm thanh man dại. Nó đói, tôi cũng vậy. Nhưng chí ít, nó tự do. “Mày cứ như con bướm ma ấy!”, câu nói của mẹ chợt văng vẳng bên tai tôi. Kể từ cái đêm đó, tôi chẳng còn trông thấy một con bướm ma nào nữa.

Tôi chống vào đôi tay vịn của xe, gượng đứng lên, chỉ là đôi chân liệt không đỡ nổi trọng lượng cơ thể, nó nhũn ra nhệu nhã như bún thừa. Tôi lập tức ngã xuống đất, hông đập mạnh khiến toàn bộ thân trên tê rần song hai chân vẫn trân trân nằm đó, chừng như đang giễu nhại chủ nhân.

Đối diện với tôi là cánh cửa phòng đang mở. Con mèo già vẫn gào dưới nhà. Ánh sáng rọi vào đôi bàn tay tôi, ấm áp. Tôi chống tay, lê dần ra ngoài. Giá như có một sợi dây, một cái cây ở đây… Tôi lắc đầu thật mạnh vì suy nghĩ đó, tôi cũng sẽ không học theo mẹ, không chạy trốn như bố.

Những bậc thang tưởng chừng như kéo đến vô tận. Và tôi giật mình khi bỗng ước rằng bố sẽ ở mãi thành phố, có như thế thì tôi mới thoát khỏi đây một cách an toàn.

Xuống dưới chân cầu thang, mồ hôi nhễ hại làm lưng áo bết dính. Nhìn sang bên là bộ bàn ghế dị dạng mà bố đóng từ cái cây chết ngoài sân. Ở đây thừa mứa thời gian nên ông buộc phải làm lụng để giết đi ngày tháng. Trên bàn đặt một cốc cà phê lâu ngày két vành nâu bên mép cốc, mùi thuốc lá nồng đậm toả trong không gian. Bố bỏ rượu kể từ ngày ông đẩy con gái xuống cầu thang, ông sám hối nhưng có thể trả lại đôi chân cho tôi chăng?

Con mèo già “ngoao” một tiếng khàn khàn. Tôi chợt tỉnh lại, nó lần ra dụi đầu vào chân vào lưng chủ. Tôi nhấc con mèo đặt vào lòng, mắt nó đầy dử híp chặt lại, lông trên mình rụng từng mảng để lộ lớp da trắng hếu, toàn thân gầy xọp chỉ còn da bọc xương. Bố bẵng mảng việc chăm sóc nó, còn tôi thì chăm sóc mình cũng không xong, đâu thể đeo theo một sinh mạng nữa.

Một tia nắng cố gắng len lỏi qua những tấm rèm rọi vào con nhện đang ngủ quên trên bàn, được sưởi ấm, nó giật mình duỗi chân rồi chạy biến đi. Tôi thả con mèo xuống, tay bám vào tường và lê từng tấc. Cửa chính không khoá. Cả Thung Lũng chỉ có mấy nhà sinh sống, muốn tìm một tên trộm cũng khó. Muốn tìm một người giúp chăm sóc tôi càng khó.…

Tôi lắc đầu thật mạnh, tôi không cần người khác.

Tôi đẩy mạnh cánh cửa. Ánh nắng ngập tràn ập vào. Con mèo già gào lên một tiếng mãn nguyện rồi phóng ra ngoài, để lại trên bàn tay tôi một vết cào nho nhỏ rỉ máu. Tôi chợt biết rằng mình là một sinh vật hướng sáng, chỉ một chốc chìm trong phòng tối đã khiến bản thân kiệt quệ sinh lực.

Mình không giống bố, không giống mẹ, mình không thuộc về những khe nứt và bóng tối.

Mùi cỏ thơm dâng ngập. Những cụm mây trắng khẽ trôi. Tôi vịn vào tảng đá lớn, dần dần đứng lên. Không có điều gì là con người không làm được. Tôi luôn tin thế.

Cuối cùng, tôi đã có thể đứng. Tôi dang hai tay giữ thăng bằng. Nhưng rồi, chân tôi cứ nhũn ra, nó chẳng thể nào trụ vững được. Tâm trí đâu thể đánh lạc hướng cơ thể.…

Hốt nhiên, các cánh bướm xanh của cả thung lũng bay vụt lên, kết thành một bức tranh lớn. Tôi nhận ra nơi mình vừa ngã xuống có một toán bướm đang đậu. Nền trời, mây vần vũ, các cánh điệp nương náu ở ngôi nhà hoang mang một lúc lâu, rồi đậu trở lại. Chúng bám trên tay, trên tóc và trên đôi chân đã tàn phế của tôi.

Bươm bướm là loại sinh vật hướng sáng. Một xấp giấy, một cây bút ngay lúc này. Tôi nhắm mắt lại. Bỗng vụt hiện con bướm ma khổng lồ, bốn chấm xanh nơi cánh, trong ký ức tôi.

Tác giả: Phạm Thị Thuý Quỳnh

Nguồn: Lao Động cuối tuần