Nguyễn Toàn Thắng thuộc thế hệ tác giả 7X, được trang bị những kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ… một cách hệ thống, bài bản qua các giảng đường đại học. Hiện anh công tác tại Tạp chí Nhà văn. Nguyễn Toàn Thắng đã in cuốn truyện dài “Chuyện tình chàng bán loa”, được tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2011 cho chùm truyện ngắn. VanVN.Net trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Bé Tơn vào lớp Một” của anh nhân dịp năm học mới đang đến gần.


Tác giả Nguyễn Toàn Thẳng (Ảnh: Hữu Việt)

Bé Tơn đã học xong mẫu giáo, chỉ còn ít tháng nữa là vào lớp Một. Tên thật bé là Nhân, tên ở nhà mới là Tơn. Mẹ bé đã mất cả đêm mới nghĩ ra cái tên ở nhà đó cho bé. Đặt là Tí là Tèo thì không sang, còn những tên đẹp như Tôm, như Bin thì lại sợ trùng với trẻ con hàng xóm. Nên mẹ bé – một nhân viên văn phòng được trả lương bằng đôla – mới đặt tên cho bé trùng với tên của cựu Tổng thống Mỹ, Clintơn. Thế nhưng cuối cùng vì dài dòng quá nên mọi người chỉ gọi bé là bé Tơn…

Lúc đầu mẹ bé không hài lòng lắm, tên gì mà cứ Lơn Tơn Mơn, quê một cục, trái hẳn với dự định ban đầu, nhưng nghe mãi cũng thấy quen tai. Bố của bé – phó phòng của một tập đoàn chuyên kinh doanh chất tẩy rửa công nghiệp – lại thích, bởi tên này vừa dân tộc vừa hiện đại.

Có điều kiện nên bé Tơn được học trường mẫu giáo quốc tế. Giáo viên đều là người nước ngoài, trừ một số giáo viên dạy những môn liên quan đến tiếng mẹ đẻ. Bé được học tiếng Anh, được chơi các trò chơi IQ, được học vẽ, học hát học múa. Tuy rằng hơi tốn một chút, nhưng cả bố và mẹ bé đều hài lòng lắm. Họ đã cố công làm giàu, nhưng chưa đạt được đến độ sang. Bố bé luôn tự vấn mình tại sao đến giờ này thỉnh thoảng vẫn nói e nờ thành e lờ, còn mẹ bé thì đôi khi mất ngủ vì trong cuộc họp công ty lại khiến mọi người chụm tay vào miệng chỉ bởi những từ có vần em được phát âm thành iem. Cho nên, cả bố và mẹ bé đều hạ quyết tâm cho bé theo học trường quốc tế ngay từ tuổi mẫu giáo. Có như vậy, tiếng Anh mới ngấm vào người bé sớm hơn, cách tư duy mới cũng được bé tiếp thu sớm hơn. Ngày đầu tiên đi học về, thấy bé dõng dạc vỗ ngực nói: “My name is Ton” mà mẹ bé mừng đến chảy cả nước mắt. Rồi đến lượt bố bé cười vang nhà khi bé chỉ thẳng tay vào mặt mà nói: “This is a papa”. Phải thế chứ, đúng là người Tây dạy có khác, chứ đâu như cô giáo Anh văn trường làng, dạy cả năm mà học sinh giỏi nhất cũng chỉ đếm được từ một đến mười.

Chỉ có mẹ bé thỉnh thoảng hơi xót ruột khi đến kỳ đóng tiền. Thì bố bé gạt phắt đi:

– Mẹ Tơn ạ, cùng lắm bằng mấy bữa ăn nhà hàng chứ bao nhiêu. Anh vất vả để con mình sau này thành đạt, thì đâu có đáng gì.

– Vâng, tại em là phụ nữ mà – Mẹ bé thỏ thẻ – Thôi để em tiết kiệm cũng được, từ giờ em không dùng hàng Channel nữa, chuyển sang dùng hàng Hugo hay Hermes cho nó rẻ hơn mà vẫn giữ được tiếng là dùng hàng hiệu. Tuy như thế có khi em mất danh hiệu sành điệu dùng hàng hiệu do bọn công ty nó đặt, nhưng không sao, con cái là quan trọng nhất.

– Vớ vẩn nào – Bố bé gạt đi – Anh vất vả là cũng còn để cho em nữa đấy, em không được phép thua bố con thằng nào hết.

Mẹ bé ôn tồn:

– Anh còn nói kiểu đó thì bao giờ sang được đây, anh phải nói khác đi, bóng bẩy hơn, hình ảnh hơn chứ.

– Ok người đẹp – Bố bé cười, vậy anh nói nhé – Không papa and children nào được phép qua mặt vợ của anh.

Mẹ bé mỉm cười hài lòng:

– Thế mới sang anh nhỉ.

Một chiến dịch tìm trường cho bé Tơn được tiến hành với quy mô rộng khắp và đầy chiều sâu. Cả ngày, mẹ bé lên mạng, vào các diễn đàn dành cho phụ nữ để tìm hiểu, để xem các trường được đánh giá, được review như thế nào. Khi đã tìm được trường, bố mẹ bé gửi niềm hy vọng mang tên ở nhà là Tơn ấy sang nhà ông bà nội. Đúng mười một giờ đêm là xuất phát. Đến nơi, hai vợ chồng trẻ không tin vào mắt mình nữa. Đã đông kín người. Đã ùn tắc cả một góc phố. Nhanh như cắt, bố bé xuống xe: “Em đánh xe ra bãi, để anh vào, chả gì ngày còn nhỏ anh cũng là siêu sao trèo tường trốn vé xem phim”. Không đợi cho vợ nói thêm câu nào, bố bé len vào. Một vài người lầu bầu. Kệ. Miễn sao mình mua được hồ sơ cho thế hệ tương lai. Nghĩ vậy nên chàng phó phòng trẻ hào hứng lắm. Lại len được hai người nữa, bỏ lại sau lưng tiếng càu nhàu của họ. Trâu chậm uống nước đục, có giỏi thì chen đi, bố bé tự đắc, vừa tự đắc vừa phải gồng mình lên chống chọi lại làn sóng người đang ùa đằng sau lưng.

Bỗng bố bé ngã lăn ra đất. Mặt cắm xuống. Một người đè lên. Rồi hai người đè lên. Cùng lúc, cánh cống trường đổ sập xuống… Nhưng không, anh đã kịp vùng dậy, chàng phó phòng định lao vào lần nữa. Nhưng rồi dừng lại, bởi chàng nhìn thấy một vị phụ huynh đã bị đạp ra khi cố len vào.

Bố bé thất thểu đi ra. Không ngẩng mặt lên. Phí cả một đêm xếp hàng mà công cốc. Bỗng nghe thấy tiếng gọi của mẹ bé:

– Anh ơi, em xong rồi – Vừa nói mẹ bé vừa vẫy vẫy tờ đăng ký lên.

– Sao em mua được? – Bố bé lắp bắp.

Mẹ bé cười:

– Em quên không nói cho anh, việc gì mình phải xếp hàng, đông như thế này chắc chắn là có cò có phe. Em cứ đứng đây là có người đến hỏi em mua không. Nó bán có một trăm ngàn thôi anh ạ.

Đến văn phòng kể chuyện đã mua được hồ sơ cho bé Tơn vào lớp một trường điểm, đồng nghiệp thán phục mẹ bé lắm. Có người còn bảo:

– Nhất chị rồi đấy, vợ chồng đều thành đạt, con cái được học trường điểm sau này dễ thi được học bổng đi du học lắm đấy.

Mẹ bé thấy hả hê trong lòng. Bỗng một nữ nhân viên – luôn là đối thủ về sự sành điệu so với mẹ bé – cười lắc đầu:

– Bạn ạ, trước kia thì đúng là trường con bạn đăng ký là nhất, giờ chỉ là nhì thôi. Tớ mới phát hiện được trường này, trên cả tuyệt vời luôn. Giáo viên trăm phần trăm ngoại quốc, hiệu trưởng nghe đâu là giáo sư hàng đầu quốc tế – Lại nói tiếp – phòng học đẹp như tranh vẽ, lại có quan hệ với nhiều đại học danh tiếng, tiêu chuẩn khó lắm đấy. Phụ huynh phải chứng minh được thu nhập từ năm mươi ngàn đô một năm trở lên mới được đăng ký. Nhà tớ thì thu nhập cũng thường thôi, may có ông xã quen với vợ ông giáo sư, bà ấy là giám đốc, còn ông chồng là hiệu trưởng, nên mới được nhận đấy. Nghe đâu ca sỹ L cũng cho con theo học ở trường này, vừa rồi mới lớp ba mà đã được đi du lịch châu Âu vì thành tích học tập tốt.

Nghe đến đó, mặt mẹ bé sầm lại. Kiểu gì cũng phải cho con học trường này, kẻo không sau này lại mất điểm.

Chàng phó phòng gật đầu ngay tắp lự khi nghe tâm sự của vợ: “Hy sinh đời papa, củng cố đời children”. Đó là châm ngôn mới của chàng. Hai vợ chồng tra số điện thoại của bà giám đốc trên mạng, đường hoàng xin hẹn một buổi. Tưởng bà sẽ cành cao mà từ chối, ai dè bà cho một cái hẹn ở văn phòng. “Đúng là lấy chồng Tây có khác, lịch sự quá anh nhỉ” – Mẹ bé bảo. Bố bé gật đầu: “Tây mà lị”.

Mẹ bé, nhanh như cắt, đặt một phong bì lên trên bàn ngay khi vào phòng bà giám đốc. Ngay lập tức, bà bảo mẹ bé cất tiền đi, bởi đây là trường tiên tiến, không bao giờ nhận phong bì của phụ huynh. Điều này vừa làm tổn hại uy tín nhà trường, vừa làm các cháu có suy nghĩ xấu. Bà ôn tồn nói: “Việc cháu bé có được nhận vào trường hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực của cháu, bởi chúng tôi khuyến khích các cháu có suy nghĩ độc lập và tư duy ngay từ nhỏ”. Thật ra thì bà lấy tiền của phụ huynh làm gì, có đáng bao nhiêu đâu so với số tiền học phí hàng năm mà một gia đình công chức nghe qua có khả năng sẽ ngất lịm nếu thần kinh không vững. Bố mẹ bé mừng lắm, ra khỏi phòng mà chưa hết lâng lâng. Mẹ bé cười: “Thế mới là trường chứ, đến bảo vệ cũng là người ngoại quốc” – Vừa nói, mẹ bé vừa chỉ tay về phía cổng. Bố bé gật đầu, chỉ băn khoăn sao Tây mà lại lùn như vậy.

Chiến dịch luyện cho bé kỹ năng thi vào trường hạng nhất ấy bắt đầu từ môn Văn. Chàng phó phòng bảo: “Để chắc ăn, tốt nhất mời một nhà thơ đến luyện cho con mình”. Cô nhân viên văn phòng hăm hở đồng ý. Một nhà thơ nổi tiếng trên mạng được mời đến. Nhà thơ tuyên bố: “Nếu cháu học tôi, anh chị cứ yên tâm đi”. Mà yên tâm thật. Chỉ hai ngày bé Tơn đã làm được thơ lục bát: “Cỏ non xanh rợn bờ đê/ Bò ăn thong thả no nê về chuồng”. Ba ngày nữa bé đã làm được: “Có một lần đi chơi/ Em thò chân xuống biển/ Một con chim chiền chiện/ Thả xuống một cành hoa”. Bố mẹ bé hài lòng lắm. Nhà thơ bảo: “Chưa đâu, mấy thể loại này tuy hay nhưng cũ quá, cổ lỗ quá, chờ tôi mấy ngày nữa”. Đúng hẹn, bé dõng dạc đọc trước mặt bố mẹ: “Tôi buồn, ôi tôi buồn, tôi buồn đến tê tái khi con cào cào bay lên mang theo ký ức về một đêm mưa mất điện”. Mẹ bé vỗ tay vang trời: “Ôi con tôi! Con tôi giỏi quá, thôi giỏi thế là dừng con nhé kẻo mẹ mất con, vì mẹ nghe nói thần đồng thường hay bị Giời gọi về”. Nhà thơ thì bảo: “Anh chị nên cho cháu theo con đường văn chương, kẻo phí đi một tài năng”. Mẹ bé bảo: “Thôi, nhà văn thì tuy có nổi tiếng thật nhưng lại nghèo”. Nhà thơ có vẻ tự ái, nhưng nhìn thấy phong bì trong tay mẹ bé, lại thôi.

Sau môn Văn là đến Âm nhạc. Ở mẫu giáo, bé Tơn đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi hát tiếng Anh toàn trường, nên không đáng lo lắm. Nhưng mẹ bé vẫn phòng ngừa khả năng bé thua kém bạn bè nên đã mời đến một nhạc sĩ – tất nhiên cũng do trên mạng có nhiều bài báo và review tốt. Nghe bé Tơn xướng âm xong, nhạc sĩ hài lòng lắm: “Cháu bé quả là thiên tài, anh chị ạ, cảm thụ âm nhạc rất tốt. Tuy nhiên phong cách biểu diễn chưa đạt”. Thế là cả tuần ròng rã, bé Tơn được dạy cách cầm micro sao cho chuyên nghiệp, rồi ném micro từ tay nọ sang tay kia, mắt nhìn khán giả ra sao, cúi chào thế nào: “Tơn mà thi Đồ-Rê-Mí thì ít nhất là giải khuyến khích” – Nhạc sĩ nói. Chàng phó phòng xua tay: “Thôi, để con tôi yên tâm học hành đã, sau này theo nghiệp cầm ca cũng chưa muộn”.

Thấy bé Tơn vất vả quá, ông bà nội sang chơi càu nhàu. Ông nội nói:

– Ngày xưa tao có bắt bố nó học thêm học nếm gì đâu mà giờ cũng nên người.

Bố bé cười:

– Đúng là suy nghĩ của thế hệ xưa. Con hỏi ông nhé, ngày xưa con không có điều kiện nên mới chỉ là cán bộ cấp phòng, chứ nếu con có điều kiện như cháu ông bà bây giờ chắc con đã là Tổng giám đốc.

Mẹ bé bảo:

– Ông đừng xưng tao mày rồi sau này cháu nó lại bắt chước thì mất hay. Ý con đã quyết, ông bà đừng can thiệp, con con để con dạy. Ngày xưa ông bà có để cho người khác dạy con không. Chúng con làm thế cũng vì tương lai của bé Tơn.

Bà nội bé gật đầu, ra chiều hiểu hết, bởi tai bà đã nghễnh ngãng hai ba năm nay. Ông nội thở dài, đang đứng lên lại ngồi xuống.

Phải học nhiều, bé Tơn sinh ra cáu gắt. Bé không chịu học môn Kiến thức xã hội. Lo lắng vì kỳ thi đã đến gần, mẹ bé thủ thỉ:

– Con cố học đi rồi muốn gì mẹ cũng chiều.

Bé Tơn bảo:

– Nếu con học môn này mẹ phải mua Ipad mới nhất cho con.

Mẹ bé thở phào nhẹ nhõm:

– Tưởng gì, chứ có mười mấy triệu, chưa bằng một phần tháng lương của bố bé.

Thế là từ lúc đó, bé Tơn học nhanh lắm, trả lời câu hỏi trí tuệ nhanh như cắt. Mẹ bé giở sách ra hỏi: “Giữa trời và đất là gì”. Bé đáp dõng dạc: “là chữ và”. Ông nội ngồi bên cạnh hỏi: “Cháu nói trống không thế à?”. Mẹ bé bảo: “Ở trường Tây họ dạy như vậy, đơn giản chỉ I và You”. Ông nội lại hằm hằm đứng lên đi ra. Mẹ bé lắc đầu, ông già rồi khó tính quá. Mẹ bé lại hỏi câu khó hơn: “Khi tôi gọi tên anh, anh đã không còn ở đấy nữa”. Bé đáp nhanh: “Sự im lặng”. Bố bé cười vang, thế này con mình thi đậu là cái chắc. Bố bé hỏi: “Thế giờ bố đố con, hai đầu thối ở giữa ngọt là gì”? Bé Tơn ngơ ngác, rồi bảo: “Câu này không có trong sách”. Mẹ bé cũng bảo: “Làm gì có cái gì như thế”. Bố bé cười: “Cả nhà nghe nhé. Đó là ông gánh phân mồm nhai kẹo, chả hai đầu quang gánh thì thối, ở giữa ngọt thì là cái gì”. Mẹ bé lắc đầu: “Anh cứ thế thảo nào không sang lên được”!

Càng gần đến kỳ thi bé Tơn càng hay cáu kỉnh. Hơi một chút là lăn ra giữa nhà, hơi một chút là gào lên. Tất nhiên, mẹ bé không thiếu cách dỗ dành: “Bé Tơn ngoan nhé, mai mẹ đưa đi ăn KFC. Cố lên Tơn nhé, ngày kia đi Vincom sắm đồ, mẹ mua cho bé một túi đồ chơi to đùng”. Bé Tơn nghe xong lại tươi tỉnh như chưa có gì xảy ra. Bé lại ngân nga đọc: “Tôi buồn, ôi tôi buồn, tôi buồn đến tê tái khi con cào cào bay lên mang theo ký ức về một đêm mưa mất điện”. Mẹ bé bảo: “Con ngâm thơ hay quá, mẹ nghe mà nở từng khúc ruột”. Bé phấn khích, bảo mẹ là tối nay con sẽ thức để làm bài thơ về con mèo đã qua đời. Mẹ bé gật gù. Đúng là trời không phụ lòng người có công.

Trước ngày thi, cả nhà bé Tơn mất ngủ. Mẹ bé liên tục hỏi xem bé thuộc bài này không, quên bài kia không. Bố bé thì bảo: “Nuôi binh ba năm dùng một ngày, con hãy cố lên”. Bé Tơn giương đôi mắt lờ đờ lên mà nhắc lại như cái máy: “Con sẽ cố gắng”. Cẩn thận hơn, mẹ bé còn bắt bé đi ngủ đúng giờ đẹp, hợp cả vận lẫn mệnh của bé.

Sáng sớm, bố bé đã thức dậy, rồi hò reo cả nhà cùng dậy theo. Phải mất gần một tiếng sau bé Tơn mới tỉnh ngủ. Bố bé cằn nhằn: “Lẽ ra để con nó nghỉ một ngày”. Mẹ bé lừ mắt: “Trẻ con là hay quên, nên em phải ép con học những ngày cuối”. Chắc cô nhân viên văn phòng lấy kinh nghiệm từ bản thân.

Bé Tơn hoàn thành các bài thi một cách xuất sắc. Bé ngâm thơ do chính mình sáng tác, cover lại một ca khúc nổi tiếng của vua nhạc Pop đã quá cố. Ban lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô giáo ồ lên sung sướng pha chút ngạc nhiên. Bố mẹ bé thì khỏi phải bàn, mừng lắm lắm. Mừng y như ngày trước nàng nhân viên kiếm được hoàng tử của đời mình, hay y như hôm chàng nhân viên quèn được lên chức phó phòng.

Bố bé đi ra, khẽ hỏi bà giám đốc là con tôi đã đỗ chưa. Bà lắc đầu, bảo là còn vòng cuối. Bố bé thấy hơi lo, bởi càng về sau, các bé càng tỏ rõ tài năng. Con mình đã tài, mà con người khác lại càng không thua kém. Có bé hát được bằng tiếng Nhật – chắc do sinh ra lúc bố mẹ làm nghiên cứu sinh bên xứ hoa anh đào, có bé biểu diễn ảo thuật, có bé thì thuyết trình hùng hồn bằng tiếng Italia về việc tại sao một ngày phải đánh răng hai lần. Mẹ bé ngồi mà tiếc rẻ, giá như mình bớt cho con đi chơi Vincom thì giờ có lẽ bé Tơn đã làm được nhiều tiết mục hay hơn.

Đúng là trường điểm. Các thông báo điểm trúng tuyển của nhà trường cũng rất tế nhị. Bà giám đốc gọi từng phụ huynh vào. Đến lượt bố mẹ bé Tơn, bà bắt đầu thông báo bằng hai chữ sorry nói bằng âm chuẩn quốc tế rằng: “Rất tiếc, cháu nhà mình cũng có tiềm năng, nhưng chúng tôi đành phải loại”. “Tại sao?” – Mẹ bé Tơn thảng thốt. “Vâng! – Bà giám đốc điềm tĩnh – Cháu đúng là không tồi, nhưng vì cháu gầy và vêu vao quá, sợ không đủ sức theo học, hơn nữa, nếu để cháu học trong trường sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng tôi. Một bộ óc thông minh phải nằm trong một thân thể khỏe mạnh”. “Không còn cách nào thưa bà” – Bố bé hỏi. “Tôi rất tiếc, có lẽ năm sau anh chị cho cháu thi vào lớp Hai vậy, có điều cháu học một năm ở ngoài, khó có thể theo kịp”.

Chàng phó phòng và cô nhân viên văn phòng lặng lẽ ra về. Một đêm trắng. Hai người đều lặng im. Đến nửa đêm, bé Tơn lên cơn sốt. Miệng lẩm bẩm: “Ký ức đã qua đời, con cóc già gặm tiềm thức”. Hai vợ chồng hối hả gọi xe chở đến bệnh viện quốc tế sang trọng và uy tín nhất thành phố, bởi họ đều có tiêu chuẩn bảo hiểm ở đó.

Đến sáng, ông bác sĩ có mái tóc bạc như cước, nói bằng tiếng Việt lơ lớ rằng, cháu đang bị suy nhược cơ thể: “Ông bà phải lo chế độ dinh dưỡng, ăn nghỉ cho cháu thật khoa học”. Hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm, ngày trước khi lo thi cử, họ cũng đều bị ốm rồi khỏi, không lo lắm. Ông bác sĩ nói tiếp: “Nhưng tôi lo nhất là cháu đang có dấu hiệu trầm cảm và thần kinh không ổn định, ông bà nên đưa cháu đi khám bác sĩ tâm thần”. Mẹ bé hỏi: “Bác sĩ có nhầm không, bởi tôi thấy bác sĩ là người nước ngoài”. Ông bác sĩ bảo: “Không, vốn từ của tôi đủ để phân biệt giữa tâm lý và tâm thần”.

Hai vợ chồng nhìn nhau, rồi đứng lên, nhìn vào cánh cửa kính. Trên giường bệnh, bé Tơn nhăn mặt, miệng lẩm bẩm cái gì đó, rồi lại nhe răng cười.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version