Chuồng khỉ được đặt ở trung tâm của khu vui chơi. Công viên nhỏ thuộc một cơ quan nhỏ, nhã ý chiều lòng khách đường xa “món” sinh vật cảnh có liên quan đến công ăn việc làm chính danh của họ.
Minh họa: Đặng Hồng Quân |
Nghe đâu ông giám đốc cơ quan có tài kinh doanh và cũng có làm thơ. Thôi, chuyện thơ phú chắc gì liên quan đến mấy con khỉ dù đôi khi, bà vợ có điệu bộ phu nhân hàng tỉnh của ông ta thường trề môi vào đám thơ của chồng: “Trò khỉ!”.
Chuồng na ná kiểu chuồng của Thảo cầm viên Sài Gòn với những chấn song sơn trắng gợi cảm. Nhưng thời hiện đại, mái lợp đóng mở, phần lớn thời gian thì mái mở để lũ khỉ thấy được tán cây bên trên và trên nữa là trời xanh.
Cao và xanh, không biết Cao Xanh kia có thấy chúng bị nhốt chặt ở đây để làm trò cho thiên hạ thu tiền, bị giam hãm đến tàn đời và cuối cùng, chắc chắn sẽ trở thành món cao khỉ cũng để thu tiền lần nữa?
Chúng là sản vật nổi tiếng ngang với than trầm tích, bông tràm, ong mật và màu nước đo đỏ của những cánh rừng xa xa kia. Người nhạy cảm dễ dàng nghe thấy mùi rừng và hương rừng nhờ những làn gió hào phóng từ phía ấy.
Chúng là thứ khỉ mốc đuôi dài quen thuộc mà một đứa trẻ cũng có thể nhắm mắt vẽ ra được. Để cung cấp cho trang viên tư gia đang rất phát triển hoặc những công viên nửa tư nửa công như công viên của cơ quan này, những người săn khỉ từ lâu đã biết đầu tiên là phải làm cầu khỉ trên những con kênh giữa rừng rậm với rừng thưa.
Bắp trái được treo rải rác ở những cành thưa để khỉ mò đến trên những chiếc cầu không cần tay vịn. Ăn quen nhịn không quen, một ngày đẹp trời, chúng bị lưới của con người chụp xuống. Khỉ đầu đàn tháo vát phóng nhanh, đám khỉ mẹ với đứa con trên tay được tình mẫu tử thôi thúc cũng kịp tháo thân.
Đám khỉ lơ mơ thường làm nạn nhân. Không sao, rồi sẽ có khỉ đầu đàn, thường là vậy, bó đũa chọn cột cờ. Người ta quật những con khỉ hung hãn xuống dưới lớp lưới và bẻ răng nanh chúng. Từ rày, chúng là khỉ nhà, khỉ công viên, khỉ chỉ để khè chứ không còn lợi hại nữa.
Như đã tiên đoán, một con khỉ trẻ trông đẹp mã và to xác hơn cả trong đám khỉ mới trưởng thành nhanh chóng ra oai và trở thành thủ lĩnh. Lanh lợi, cơ bắp và hấp dẫn. Trong tất cả chắc là phải hơn những con khác ở sự độc tài, bao quát, tiềm năng, nói chung là có máu và có mánh làm lãnh đạo.
Chung quanh nó là năm con khỉ cái tơ đang thời hương sắc. Nếu chia công bằng cho những chàng khỉ trẻ lép vế hơn thì cả chuồng sẽ có năm đôi khỉ, quá đẹp. Nhưng ở đời, ai là thủ lĩnh thì cũng muốn phần nhiều, chính vì vậy mà người ta luôn tìm cách để được làm đầu lĩnh. Mà cũng có khi là do may rủi và số phận.
Con khỉ đầu chuồng ở đây nức tiếng hơn nó tưởng. Một khi cánh đàn ông đàn bà mê say và bàn tán thì tiếng tăm của nó lan xa nhiều nơi. Và lút trên salon da ở bên trong tòa công sở, ông giám đốc có làm thơ phấn chấn không thôi khi chứng kiến chuồng khỉ của công viên thường xuyên đàn ông đàn bà xúm đen xúm đỏ.
Thực ra trò của con khỉ đầu lĩnh ở đây cũng “người ta thường tình”. Nó ghen. Dưới tầm kiểm soát của nó có tới năm con khỉ tơ mà nó vẫn ghen. Nó ghen nhất bởi một con khỉ có cái dáng đi mềm mại, đánh mông đều và có cái ức người đời gọi là phồn thực.
Điều hay nhất, con khỉ ấy có ánh mắt rất buồn, rất chậm rãi, rất nội tâm. Ăn nhau ở chỗ buồn một cách sâu sắc ấy, cái mà con người gọi phức tạp, sự hấp dẫn của thứ đàn bà phức tạp.
Những du khách đến sau cầm lên những que lá dừa của những người vừa rời đi vương đầy chân lồng sắt. Gần lồng khỉ là những cây dừa bẹ và lá sẵn. Họ dùng cái que lá đó để ghẹo đám khỉ, vì họ không dám dùng tay.
Ghẹo những con khỉ khác, gian chuồng chỉ rùng rùng, ghẹo đúng con khỉ hồng nhan thì lập tức đất trời náo động. Con khỉ chồng phóng tới ngay và con khỉ tơ bị lôi vào thanh sắt giữa chuồng hoặc bị đưa sang phía khác.
Nhưng phía ấy cũng đã có những gã đàn ông thích đùa. Con khỉ chồng lại lôi con khỉ vợ đi sang chỗ khác. Cứ vậy, ghẹo và hú rít cho đến lúc con người tớn tác trước khi cả lũ khỉ tớn tác, loạn xị. Hết đường tránh, con khỉ chồng kẹp chặt con khỉ vợ vào nách, bắt đầu đấm, cấu túi bụi. Đàn ông cười hô hố, đàn bà thích thú kêu lên: “Khỉ bạo hành khỉ bạo hành, khỉ ghen đâu khác gì mấy ông, há?”.
Con khỉ chồng vừa đấm vợ vừa nhe răng khè: “Chẳng có gì đáng cười trong chuyện này cả!”. Nhưng con người không quan tâm, con người lâu nay đã biến đổi, con người ưa bạo lực, vì vậy, nếu mụ hàng xóm có tru tréo bởi bị bạo hành, họ cũng để mặc, huống chi đây được xem bạo hành mà tiền vé thì không đáng kể!
Cuối cùng con khỉ chồng thấm mệt. Con khỉ hồng nhan thoát ra như một tấm giẻ ép mình trên lưng chừng lồng sắt, ngoảnh nhìn phập phồng đức ông độc tài của nó và các đức ông đùa dai ở bên ngoài.
Những cái que lá tiếp tục rung rung: “Em mốc ơi, em đuôi dài, em lẳng lơ ơi!”. Một màn ghen dậy sóng nữa. Trẻ gái cuống quýt níu tay mẹ đòi rời đi, trẻ trai thì gầm mặt xuống: “Con không thích đâu, không thích đâu”. May cho những gia đình có những đứa trẻ thiên lương như vậy.
Nhưng một đám người vừa rời đi, hể hả và tiếc rẻ ngoảnh lại, thì cũng có ngay một tốp mới trám vào. Cao và xanh, trời trên kia thấy gì? Trời không cho chút phẫn nộ nào. Nhưng sao bảo trời có mắt?
Con khỉ giập bầm ấy sẽ sống được bao lâu nữa bởi những trận đòn có con người cổ vũ? Đành tặc lưỡi, kiếp người còn chẳng ai đoái hoài nói gì kiếp khỉ!
Dạ Ngân – TTO