Trúc Thiên
Tuổi trẻ online
1.
Má đi chợ về, chưa vào nhà đã nghe tiếng: – Bé Tư, mày biết hông?
Minh họa: KIM DUẨN
Như một thói quen đều đặn mỗi ngày, con nhỏ vẫn cặm cụi bên bàn máy may, đầu chẳng ngẩng lên, nhưng vẫn nghe rõ chuyện má kể:
Thằng Tú xóm trên cạo cái đầu trọc lóc rồi bây. Mấy bà ngoài chợ xì xào nó bị điên chữ đó. Gì chứ mấy cái điên chữ là khó bề cứu nổi.
Nghe đâu học cao gì lắm, hai ba cái bằng lận, hồi đó đi dạy cái trường nằm ngay ngã ba Rãi Quạt, rồi hổng biết mần sao mà nghỉ dạy.
Chuyển qua hội văn nghệ tỉnh làm ngót đâu chừng bốn năm, giờ về nhà ở không. Bận nó mới về ngơ ngáo, xanh như tàu lá, nhà nó chạy chữa thầy bà dữ trời mà có được đâu.
Tội hen! Đâu nó bằng tuổi thằng hai Tài nhà mình, cũng hơn ba mươi chứ ít gì. Xót quá bây à!
Má phẩy cái nón lá, ngồi cạnh bậc thềm gạch nung đỏ mà nghỉ mệt.
Sớm tinh mơ, khi mấy cái loa của xã còn phát mấy bài nhạc quê hương, chưa kịp vào bản tin sáng là bà lại quẩy cái giỏ đệm đi chợ.
Cái nết đi chợ sớm, đãi bôi từng cọng rau, mớ cá thành thói quen cũ kỹ của mấy bà mấy dì ở xóm Cầu Long Hậu từ bao đời nay.
Gặp nhau giữa buổi chợ, ngoài chuyện mua bán đổi chác thì còn đủ thứ chuyện hỉ nộ ái ố được mấy bà mấy dì đem ra mổ xẻ, lắm khi chuyện nhà người ta chưa tỏ nhưng ngoài ngõ mấy bà mấy dì đã tường.
Già cả, rỗi rãi sau những vụ mùa vườn tược lại túm tụm mà thủ thỉ, bàn tán bao nhiêu là chuyện trên trời dưới đất, chuyện làng chuyện xóm. Nên mỗi bận má đi chợ về, con bé Tư luôn được phổ cập.
Con nhỏ suốt ngày ở nhà may vá, đồ khách đặt mần không kịp, lấy đâu ra thời gian mà ngồi lê chuyện nọ chuyện kia. Tất tần tật chuyện nó biết là nhờ má đi chợ về thôi.
Kể ra con nhỏ cũng cắc cớ, mấy bữa má đi chợ về, bắt chéo chân ngồi lên cái võng, chưa kịp nói gì là nó đã mớm lời hỏi coi nay má đi chợ có gì hay ho kể đặng nó biết.
Thế là cơ man nào chuyện từ miệt đẩu đâu nó còn không định hình nổi cho đến chuyện gần kề cạnh nhà mới phát hiện ra.
Bận má kể chuyện bà Tám cô đơn bán tạp hóa ở đầu cầu, nay tự nhiên rước đâu ông nào dìa ở chung rồi giới thiệu làm chồng.
Thiên hạ rần rần ì xèo dữ dằn. Mà nghĩ lại cũng tội đúng hông con. Phận gái mười hai bến nước, dù trong dù đục, dù quá lứa lỡ thì, có đờn ông bên cạnh hú hí đặng bề ổn yên. Thấy thương hen bây.
Cái này ông bà mình nói duyên muộn đó. Nói đoạn, má quay qua nhìn con bé Tư rồi chặc lưỡi cái tạch. Mày là khổ rồi, ở với tao suốt coi như là chết duyên nghen. Mà biết đâu chừng mày cũng duyên muộn.
Mặc con bé Tư giãy nảy nũng nịu, má vẫn cười khục khặc đi tuốt xuống nhà sau mần bữa cơm trưa.
2
– Má nè
Con bé Tư gọi má bằng giọng thủ thỉ, khi bà vừa mới mở chiếc cổng tre vào nhà sau buổi chợ sớm thường ngày.
Bà đặt cái giỏ đệm xuống nền nhà, tay mở dây lạt buộc bó điên điển vàng ươm. Má đừng nói anh Tú vậy tội nghiệp ảnh nghen.
Ảnh cạo đầu là do bị bệnh đó. Dì Bảy vừa qua đặt vài bộ đồ cho ảnh, dì khóc, nói ảnh bị ung thư giai đoạn cuối, chớ có điên chữ gì đâu. Ảnh hiền ngoan, lại là người học cao nhất nhà, à nhất xóm mình luôn ấy chứ.
Giờ ảnh về đây dưỡng bệnh, mà chắc không khỏi. Ảnh là nhà văn đó nha má, xuất bản mấy cuốn sách rồi. Dì Bảy nói giờ còn bao nhiêu sức lực, bao nhiêu đam mê ảnh trút vào hết những câu chữ. Giỏi quá trời má hen.
– Ờ! Má đáp gọn lỏn mà ánh nhìn xa xăm theo giàn sử quân tử đang mùa ra bông ngập rào – Thằng Tú đó bằng tuổi hai Tài của nhà mình.
Sao nó lận đận vậy ta. Mà cũng là một kiếp nhân sinh, phước hay nghiệp đâu biết được. Để chiều tao quỡn việc nhà tao qua chơi với chị Bảy coi. Nay mình ăn canh bông điên điển nghen bé Tư. Mùa này nước nổi, điên điển tràn bờ, mà má không gả mày xa đâu, lỡ may…
3
Má lại đi chợ về, lần này cái giỏ đệm chỏng chơ trên nền gạch, tay má run run lần cái cột hiên mà ngồi xuống. Bé Tư thấy lạ, chạy vội tới đỡ.
Mắt má ngấn nước: Mày kêu thằng hai Tài về gấp, sớm má đi chợ sao nghe cô Dung bên tư pháp huyện nói nó chuẩn bị đi nước ngoài gì đó, nghe nói đi luôn, nó đi cùng đợt với con cô Dung. Cổ nói qua bển là không có về nữa đâu nghen bé Tư.
Sao má hông biết gì ráo trọi. Con bé Tư ngơ ngác, lần cái điện thoại bấm số hai Tài.
Sẩm tối hai Tài về, má nằm ngoài võng đợi từ chiều. Hai Tài quăng cái balô xuống nền gạch, nói: Con làm hồ sơ đi du học, đâu có đi luôn, con giấu má sợ má lo, với phần sợ không được nhận. Chớ sao dám qua mặt má.
Học xong con về mà. Thèm canh bông điên điển của má thí mồ, hông bỏ được. Ờ, riết rồi mày đi nước ngoài mà tao ra ngoài chợ mới biết. Mình gốc rạ chân quê thì phải biết đường về nghen con.
Bây lớn già cái đầu rồi, má chỉ sợ chỉ lo chứ không hờn không trách. Sợ đường đời quá nhiều gai góc, rồi lo chốn xa xôi ai chăm sóc đỡ nâng. Tuổi này, càng lớn, càng sống xa quê, càng buồn trong lòng con ơi…
4
Sớm tinh sương, má lại ra chợ, lựa mớ bông điên điển, mớ cá lăng về nấu cho hai Tài. Nay không thấy dì Bảy đâu, hỏi ra mới hay đêm qua thằng Tú mất rồi.
Cả chợ giờ mới biết nó bị ung thư giai đoạn cuối. Định bụng xong buổi chợ, mấy bà mấy dì xúm về mà phụ đám. Má quầy quả đi nhanh riết về. Buổi chợ nay tan sớm hơn lệ thường…
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài