Hồ Việt Khuê
Quán Hương Giang bán nhiều món ăn, từ điểm tâm đến hai bữa chính, phần lớn thực khách là những người định cư trong vùng vài mươi năm nay, họ đến quán để tìm hương vị cũ của những món ăn ưa thích chốn quê nhà.
Minh họa: KIM DUẨN
Vào những sáng hiu hiu mát, cả chục chiếc bàn đặt ngoài hiên không còn trống chỗ vì khách thích ngồi ngoài hiên cho ánh nắng ban mai tắm gội lên mặt, lên tóc.
Bên cốc cà phê nguội lạnh, họ tán gẫu đủ thứ chuyện mà đêm qua họ đọc được trên mạng Internet, có câu chuyện xảy ra trong cộng đồng nhập cư, nhiều nhất là những câu chuyện xảy ra ở nơi chốn mà họ đã rời đi.
Họ rôm rả phân tích, bình luận những tin tức, sự kiện xảy ra ở quê cũ, thường với tinh thần hài hước và châm biếm.
Thỉnh thoảng trong số họ, có người vừa về quê thăm bà con, cung cấp một số đề tài mới để tán gẫu. Có vài người già ngồi đến trưa, lái xe về nhà, dùng bữa, đánh một giấc rồi xế chiều trở lại quán.
Họ có nhu cầu gặp gỡ những người cùng thích thú nhai một ổ bánh mì thịt, ăn ngon lành một đĩa cơm tấm có miếng thịt cốc lết nướng thơm lựng hay khoái trá húp một bát phở nổi váng nước béo…
Buổi chiều thường có nhiều gió chạy quanh những con đường rộng rãi với hai hàng cây thẳng tắp và cách quãng đều đặn trên hai bên lề đường.
Gió mang tiếng ru trầm đều buồn nản lọc qua những tầng lá thấp lướt trên những ô cửa kính đóng kín, châm kim nhọn vào mọi vật di chuyển trên đường, nên những người khách ngồi ngoài hiên quán Hương Giang vào buổi sáng rút vào một góc bên trong.
Đời sống của những người nhập cư về già ở đây thanh bình, nhàn tản trôi đi chậm chạp; chỉ thỉnh thoảng khuấy động bởi một đám cưới hay một đám tiễn biệt người qua đời.
Ông bà chủ quán Hương Giang có một đứa cháu ngoại sáu tuổi, cháu trai, cháu và mẹ ở chung với ông bà.
Cha cháu là dân bản xứ làm việc xa nhà non ngàn cây số, hàng tháng trời mới về thăm vợ con một lần. Thằng bé mang hai dòng máu, gần gũi với ông bà và những người cùng màu da, tiếng nói nên nó nói rất sõi tiếng mẹ đẻ.
Ngoài lúc phải đến trường học, nó có rất nhiều thời gian ở quán Hương Giang, ngồi bên ông ngoại nó nơi quầy thu ngân, hí hoáy với trò chơi trên cái iPad.
Chủ quán Hương Giang xấp xỉ bảy mươi, gương mặt khắc khổ, thùng thình trong chiếc áo lạnh quá khổ không che giấu được vóc dáng gầy còm.
Mỗi sáng, ông rời nhà rất sớm, đến quán bật lò hầm nồi xương nấu nước lèo; rồi vợ, mẹ thằng bé và nhân viên phục vụ mới đến chuẩn bị đón khách. Sau đó, việc chính của ông là thu tiền và phân loại giấy bạc, tiền xu cho vào các ô riêng.
Lúc vắng khách, ông chỉ cho thằng bé xem tranh ảnh, những tranh ảnh đồng lúa chín vàng, con sông có chiếc thuyền lững lờ, con bò gặm cỏ bờ đê, đàn gà bươi gốc chuối, mái chùa cong cong… mà ông lấy trên mạng Internet.
Ông muốn trong trí óc trẻ thơ của cháu có chút khái niệm về cội rễ của nó. Thằng bé thích thú lắm, liến thoắng hỏi luôn miệng. Mấy hôm rày ông còn nợ thằng bé một câu hỏi.
Đó là chuyện con cá Rồng. Năm năm trước, ông mua về nuôi lúc con cá mới bằng ngón tay cái, dài hơn một tấc.
Cá nhỏ cỡ đó mà nuôi trong lồng kính chữ nhật dài tám tấc, ngang bốn tấc thì cả đàn cá bơi lội cũng còn thoải mái huống chi chỉ có một con. Nhưng nó mau lớn quá, mà cũng phải thôi vì nó ăn toàn thịt heo thịt bò, dù là thịt vớt ra từ các tô phở của khách bỏ lại.
Mãi khi thằng bé chỉ tay vào con Rồng, nói: “Nó dài như vậy, to như vậy mà cái chuồng kính nhỏ như vậy thì làm sao đủ không khí cho nó thở, làm sao cho nó bơi đi chơi được?”.
Lúc này, ông mới để ý thấy con Rồng chỉ đứng yên hay nhúc tới nhích lui chớ nó không quay đầu lại được nữa, dù các vi và đuôi vẫn phe phẩy không ngừng.
Trời bỗng nổi gió dữ dội. Ở vùng này, thỉnh thoảng có những đêm gió gào rú mãnh liệt, càn quét trên những mái nhà, vòm cây, chạy dài suốt con đường.
Đầu đêm, bên chiếc bàn ăn trong căn nhà cách quán nửa giờ lái xe là thời khắc ấm cúng nhất của vợ chồng chủ quán Hương Giang sau một ngày tất bật, nhưng đêm nay, hai vợ chồng to tiếng với nhau.
Người vợ đòi dẹp cái lồng kính, bán con Rồng cho tiệm cá kiểng vừa được tiền vừa thừa chỗ đặt thêm bàn ghế cho khách, khi ông đề nghị sắm cái lồng kính to hơn. Người vợ giận dỗi đã lên giường sớm, người chồng ngồi lặng lẽ đến tận khuya chỉ để nghe tiếng gió hú.
“Báo cáo! Cho xin chút gió”. Nhiều lần trong một buổi trưa, đám người ở trần quần đùi lại la to như vậy.
Phòng chật, mái lợp tôn, trần thấp, chỉ chừa một ô thông gió nhỏ lại nhốt mấy chục người trong đó nên canh trưa, khí nóng từ mái tôn dội xuống, cộng với hơi người bốc lên làm thiếu không khí để thở khiến nhiều người bị ngất xỉu.
Chủ quán Hương Giang ngày đó tưởng chừng đã mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Con Rồng nhúc tới nhích lui, quạt vi quạt đuôi không ngừng chắc là đang thở hổn hển.
Lẽ nào ông phản bội lại những bài học về tình yêu thiên nhiên, vật nuôi mà ông cố gắng truyền đạt cho đứa cháu thiếu quê hương qua những hình ảnh sinh động hiền hòa.
Ông mường tượng ánh mắt hân hoan của thằng cháu khi nhìn con cá Rồng lượn lờ thoải mái…
TTO
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài