Không hề thua kém cánh mày râu, các nữ nhà văn miệt mài sáng tạo và cống hiến cho độc giả những tác phẩm truyện ma kinh dị đặc sắc. Những đứa con tinh thần của họ còn là tiếng lòng của người phụ nữ và thể hiện nữ quyền, sự bình đẳng trong xã hội.
Trong thế kỷ 19, các cây bút nữ viết truyện ma kinh dị đóng góp 70% số tác phẩm trên các tạp chí xuất bản ở Anh và Mỹ. Có thể kể đến những tên tuổi như Amelia Edwards, Mary Elizabeth Braddon, Charlotte Riddell, Mary Louisa Molesworth, Edith Wharton và E Nesbit. Và gần đây, một loại truyện kinh dị của các nữ nhà văn ra mắt độc giả đã thách thức quan niệm cho rằng những câu chuyện rùng rợn, kinh dị chỉ dành cho các đồng nghiệp nam. Truyện ma kinh dị không còn lãnh địa độc quyền của nam giới mà các nhà văn nữ bắt đầu tấn công mạnh mẽ vào mảng đề tài hấp dẫn này.
Các nhà văn nữ đang tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực viết truyện ma kinh dị vốn chỉ do nam giới độc quyền
Đó là tiểu thuyết “The Grownups” của Gillian Flynn chất chứa vô vàn bí ẩn rùng rợn, “A Ghost’s Story” của Lorna Gibb kể về một hồn ma từ thời đại Victoria hay “Rawblood” của Catriona Ward viết về một gia đình bị bóng ma ám ảnh nguyền rủa. Rồi tác phẩm “The Taxidermist’s Daughter” của Kate Mosse, “The Woman in Black” của Susan Hill, tuyển tập “100 Stories to Read with the Lights On and Ghostly” của hai nữ tác giả Louise Welch và Audrey Niffenegger.
Sự cạnh tranh với các đồng nghiệp nam của các nhà văn nữ không chỉ là đấu tranh đòi sự bình quyền nam nữ cho tác giả nữ mà mỗi tác phẩm là tiếng lòng của người phụ nữ để họ bộc lộ tâm lý, cái tôi của mình và thể hiện sự phản kháng với những định kiến cứng nhắc của xã hội về nữ giới.
“The Yellow Wallpaper” của Charlotte Perkins Gilman
Truyện kinh dị của các nữ nhà văn cũng là tiếng lòng, khắc họa sự đau đớn về tinh thần, tâm lý của của người phụ nữ. “The Yellow Wallpaper” của Charlotte Perkins Gilman (1892) là một ví dụ kinh điển nhất. Truyện kể về một người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh và được chăm sóc đặc biệt bởi người chồng của cô là bác sĩ. Trong nhiều tháng trời, cô bị buộc phải nghỉ ngơi trên giường bệnh và không có bất cứ hoạt động tinh thần, thể chất hay giao tiếp với xã hội bên ngoài, thậm chí những sở thích cá nhân của cô như vẽ tranh, viết, đọc sách cũng bị ngăn cấm.
Trong phòng cô chỉ có thứ duy nhất để cô giải trí là xé những mảnh giấy dán tường màu vàng và cùng với sự kiệt quệ về tinh thần, tâm lý cô đã phát điên thực sự và luôn tưởng tượng nhìn thấy chính mình biến thành hồn ma bị siết cổ đến chết với đôi mắt trắng dã. Và một ngày, người chồng đã ngất xỉu khi nhìn thấy vợ điên loạn xé những tờ giấy dán tường và liên tục nói những lời lảm nhảm, rùng rợn như một bóng ma.
Những người phụ nữ trong các truyện ma kinh dị dù còn sống nhưng lại giống như những bóng ma không thể tham dự vào cuộc sống. Trong “Poor Girl” (1958) của Elizabeth Taylor, những cô giúp việc, gia sư hiện lên thật cô đơn và rất dễ tổn thương. Đó là Florence, một cô gái luôn bị ám ảnh bởi một bóng ma từ tương lai là hiện thân cho tất cả những mong muốn của cô bị dồn nén lại. Bóng ma là một cô gái mặc áo dài phủ đến đầu gối, đội chiếc mũ màu xanh lá cây như màu mắt và đeo chiếc vòng cổ dài luôn đong đưa trên bộ ngực phẳng lỳ. Còn Maria Bliven, một phụ nữ độc thân trong “The Dissatisfied Soul” (1908) của Annie Trumbull Slosson đã trở thành bóng ma ngay khi còn sống chỉ vì bị xã hội định kiến là một bà cô không chồng.
Các tác giả nhấn mạnh sâu sắc khía cạnh đau đớn về tâm lý của các nhân vật nữ trong tác phẩm của mình
Truyện ma kinh dị của các tác giả nữ còn là tiếng nói đòi bình đẳng nữ quyền cho nữ giới, thể hiện sự phản kháng của họ với những định kiến xã hội. Điển hình như tác phẩm “The Readjustment” (1908) của Mary Austin. Emma Jossylin được coi là một phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc với một người chồng bình thường, đứa con trai tàn tật trong một ngôi nhà nhỏ và luôn phải gồng mình lên để gánh vác tất cả, để trở thành người vợ, người mẹ hoàn hảo. Cuộc sống bức bí khiến cô không chịu đựng nổi, phải tìm đến cái chết và 3 ngày sau khi chết, Emma trở lại.
Những nhân vật ma nữ như Emma thường nhạy cảm và với họ, cái chết chính là cách để họ thoát khỏi những định kiến, quan niệm của xã hội và giải phóng bản thân. Sau cái chết và trở thành bóng ma giúp họ rũ bỏ định kiến xã hội luôn áp đặt phụ nữ là những người vợ biết vâng lời, bà mẹ lẩm cẩm hay đứa con gái hiếu thảo.
Hay Eleanor Vance, một cô gái trẻ trong “The Haunting của Hill House” của Shirley Jackson dù bị kéo vào cuộc phiêu lưu khám phá những bí ẩn ở lâu đài ma rùng rợn, nguy hiểm chết người nhưng vẫn không từ bỏ. Cô khao khát được trở thành một nữ anh hùng như cánh mày râu, làm điều gì đó dũng cảm và cao thượng dù có thể phải đánh đổi tính mạng chứ không muốn chôn vùi tuổi trẻ của mình với công việc chỉ là cô gia sư nuôi dạy trẻ.
“The Haunting của Hill House” của Shirley Jackson được Stephen King đánh giá là một trong những tiểu thuyết kinh dị hay nhất mọi thời đại
Truyện kinh dị của các nữ nhà văn không chỉ hấp dẫn độc giả bằng cách kể chuyện lôi cuốn, tình tiết rùng rợn mà còn thấm đẫm những giá trị nhân văn. Đó là tiếng lòng của những người phụ nữ, sự đau đớn về tâm lý, tinh thần và sự phản kháng lại những định kiến lối mòn của xã hội. Và họ dù là khi sống hay trở thành bóng ma vẫn luôn mong muốn được giải phóng bản thân, được sống là chính mình và sống bình đẳng trong xã hội.
Theo Lý Nam – Dân Việt (dịch từ BBC)