Hà Anh 
Lâu nay nhiều người nghĩ Truyện Kiều chỉ hấp dẫn các văn sĩ nhưng thực tế là Truyện Kiều cũng rất gợi mở với các họa sĩ.

Minh họa Truyện Kiều cũng có… chiều dài lịch sử

Lâu nay nhiều người cứ nghĩ tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du phỏng theo tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân) chỉ dành cho những người yêu văn học, nghiên cứu văn học… nhưng bên cạnh đó, theo họa sĩ Thành Chương, Truyện Kiều còn rất mời gọi các họa sĩ.

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, khi thực hiện vẽ minh họa cho cuốn Truyện Kiều mới nhất với sự tham gia của 15 họa sĩ đương đại, dù gần như mỗi họa sĩ chỉ được chọn một bức tranh minh họa nhưng thực tế ai cũng vẽ đến 5-7 bức, đủ để thấy sự say mê và cảm hứng sáng tác tranh minh họa của các họa sĩ dành cho Truyện Kiều.

Cuốn Truyện Kiều hội tụ 15 họa sĩ đương đại vẽ minh họa vừa được ấn hành

 

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ đến nay có bao nhiêu bức vẽ minh họa cho Truyện Kiều, nhưng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ và tùy từng quan niệm của họa sĩ mà có rất nhiều tranh minh họa Truyện Kiều.Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết, không chỉ bây giờ Truyện Kiều mới mời gọi các họa sĩ mà từ khi tác phẩm ra đời đến nay, mỗi một họa sĩ lại có một cách vẽ minh họa khác nhau cho Truyện Kiều. Có họa sĩ vẽ trang phục của thời nhà Minh, có họa sĩ vẽ theo cách cảm nhận của cuộc sống đương đại.

Minh họa Chị em Thúy Kiều của họa sĩ Đặng Tiến (ảnh chụp lại từ tác phẩm)

Việc Truyện Kiều mời gọi các họa sĩ được coi là cái duyên thi họa. Nếu trong tương lai có nhiều tác phẩm để văn chương hội họa song hành với nhau thì thật là đẹp duyên- họa sĩ Thành Chương bày tỏ quan điểm.Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định Truyện Kiều rất mời gọi các họa sĩ. Mỗi thời đại đều có cách đọc riêng của mình. Có thể đọc bằng hình khối, đọc bằng màu sắc, ánh sáng. Dù mỗi tranh minh họa là minh họa trong một trường đoạn nhưng nó lại là tác phẩm đứng độc lập.

Minh họa Truyện Kiều bằng quan niệm đương đại có được chấp nhận?

Với việc “làm lại” Truyện Kiều bằng những bức tranh minh họa của 15 họa sĩ đương đại, theo quan niệm đương đại, đã có không ít ý kiến lo ngại rằng việc vẽ tranh minh họa như vậy có làm “hỏng” Truyện Kiều – một kiệt tác văn học của quá khứ không?. Họa sĩ Thành Chương cho rằng: Trước tiên, đây là tranh minh họa, không phải ảnh chụp, càng không phải là minh họa chi tiết phải tuân theo nguyên tác chữ, và việc minh họa này là mong muốn của các họa sĩ đương đại.

Họa sĩ Thành Chương nói thêm: Văn hóa muốn phát triển và đi vào đời sống thì không thể cứ khư khư giữ nguyên như ngày xưa. Riêng với văn bản gốc ngày xưa thì phải giữ, nhưng bản tranh minh họa của các họa sĩ nên coi như một văn bản thứ 2, và phải mở rộng ra. Kể các bản minh họa trước của các họa sĩ trước cũng vậy. Người ta sống tại thời đại nào, trong một bối cảnh đời sống nào, xã hội lịch sử thế nào thì nó phản ảnh luôn vào các bức tranh đó. Ở đây có họa sĩ Đặng Tiến vẽ trung thực với thời Minh khi vẽ Thúy Kiều, Thúy Vân. Thậm chí họa sĩ còn phải mở tài liệu rất kỹ để nghiên cứu trang phục thời đó. Nhưng không nhất thiết tất cả các họa sĩ phải vẽ như họa sĩ Đặng Tiến.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và họa sĩ Thành Chương (từ trái qua) chia sẻ về việc vẽ minh họa Truyện Kiều

Mục đích để Truyện Kiều tiếp tục tồn tại, phát triển và đón nhận thêm đóng góp của các họ sĩ, khiến Truyện Kiều gần gũi với thẩm mỹ hôm nay. Đây là quan niệm mới của các họa sĩ đương đại – họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.15 họa sĩ đương đại khi vẽ Truyện Kiều quan niệm vẽ minh họa ở thời đại bây giờ có sự tự do, phát triển cá nhân mỗi con người, khi dựa vào những câu thơ trong truyện Kiều anh em họa sĩ tự do sáng tác. Đây có thể coi là văn bản thứ 2 của Truyện Kiều, mang dấu ấn tạo hình của các họa sĩ, đóng góp thêm vào Truyện Kiều. Nếu tiếp tục vẽ minh họa theo sát từng câu từng chữ của truyện Kiều thì không có gì đóng góp sáng tạo cho Truyện Kiều, và đấy không phải bước tiến cho sự phát triển của nghệ thuật.

Họa sĩ- nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói thêm: Truyện Kiều là quá trình tiếng Việt hóa. Các họa sĩ căn cứ vào đời sống cụ thể đang sống và hiểu truyện kiều như thế nào thì vẽ như thế. Trước đây, Trung Quốc có in một cuốn Truyện Kiều Việt Nam dịch ngược từ chữ Nôm sang tiếng Trung Quốc hiện đại và yêu cầu các họa sĩ Việt Nam phải minh họa đúng trang phục thời Minh. Nhưng các họa sĩ Việt Nam đã không làm như thế, thậm chí có họa sĩ còn muốn vẽ cô Kiều vấn khăn vành, áo the… Vì không chấp nhận yêu cầu này nên hai bên không thống nhất và cuối cùng không làm được. Có rất nhiều quan niệm minh họa rất khác nhau. Chúng tôi quan niệm minh họa Truyện Kiều theo cách đang sống, trừ trường hợp có đơn đặt hàng đúng minh họa Truyện Kiều thời nào thì họa sĩ sẽ cân nhắc và làm theo.

Ảnh minh họa Kim Trọng trên đường tìm Kiều của Phạm Bình Chương (Ảnh chụp lại)

.Đánh giá về những bức tranh minh họa Truyện Kiều của 15 họa sĩ đương đại, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định đây là cuốn sách kỳ công, gần như các trường phái đương đại, mang hơi thở của mỹ thuật của ngày hôm nay và mang tâm thế nhìn về tác phẩm kinh điển được hội tụ. Đây là một văn bản nghiêm túc, góp phần giữ gìn bảo tồn văn hóa Việt Nam. Là người vẽ minh họa tác phẩm văn học lâu năm, họa sĩ Thành Chương cho rằng để mọi người chấp nhận minh họa như hôm nay cũng phải trải qua một chặng đường gian nan vất vả, và bây giờ minh họa văn học đã có những dấu ấn.

Tổ Quốc

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài