Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton khi sang thăm VN tháng 11-2000 và phó Tổng thống Joe Biden mới đây khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nẩy Kiều để nói về quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Những tác phẩm của Nguyễn Du được trưng bày tại hội thảo – Ảnh: V.V.TUÂN |
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, ngày 8-8, tại Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.
BTC cho biết, đã có hơn 100 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế gửi đến tham dự hội thảo, tập trung vào hai vấn đề lớn: cuộc đời, di sản của Nguyễn Du, nhìn từ trong và ngoài quốc gia; Truyện Kiều, những phương thức diễn dịch và chuyển hóa.
Trong đó, các tham luận bàn về “Truyện Kiều” chiếm quá nửa tổng số tham luận, nên BTC đã chia ra hai tiểu ban thảo luận theo hai chủ đề song song ở hai hội trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, khẳng định, mặc dù việc dịch thơ ca nói chung và Truyện Kiều nói riêng quả là “thiên nan vạn nan”, nhưng Truyện Kiều ngày càng được đến với nhiều độc giả ở nhiều nước trên thế giới.
Ông đưa ra dẫn chứng, thơ Nguyễn Du ngày nay được sử dụng trong ngoại giao như một nét văn hóa, đó là việc cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton khi sang thăm VN tháng 11-2000 và phó Tổng thống Joe Biden mới đây khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều lẩy Kiều để nói về quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” và “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
“Thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với những thăng trầm của lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc VN” – GS. TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Theo V.V.Tuấn – Tuổi trẻ online