Mới đây, tờ New York Times (Mỹ) đã có bài viết với tiêu đề “Việt Nam là tâm điểm của các chương trình truyền hình tuần cuối tháng 4”. Những ngày này, truyền hình Mỹ đưa tin gì về chiến tranh Việt Nam?

Trong bài viết, New York Times đã giới thiệu một số chương trình đáng chú ý sẽ phát sóng trên màn ảnh nhỏ của Mỹ những ngày tới đây. Mỗi khi tháng 4 đến, đặc biệt vào những năm kỷ niệm chẵn như năm nay, báo chí Mỹ luôn dành sự quan tâm lớn cho chiến tranh Việt Nam.

Những chùm ảnh, những bài viết được các tờ báo lớn thực hiện với những góc nhìn chuyên sâu, nhiều chiều. Truyền hình Mỹ đương nhiên cũng “vào cuộc” đưa tin điểm nhấn trong tuần cuối tháng 4. Tuy vậy, một điều chắc chắn là không khí đưa tin trên tất cả các phương tiện truyền thông của Mỹ đều được thực hiện ở mức độ “cầm chừng”.

Người Sài Gòn xuống đường trong ngày vui chiến thắng.

Những chương trình bàn luận về chiến tranh Việt Nam đã được thực hiện và chuẩn bị lên sóng. Dù những chương trình này không phát sóng “rầm rộ”, nhưng chắc chắn có xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của Mỹ để người Mỹ thuộc mọi thế hệ không quên một trang sử “muốn quên” của chính họ.

Dịp này, truyền hình Mỹ phát lại bộ phim tài liệu “Last Days in Vietnam” (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam – 2014) của nữ đạo diễn Rory Kennedy. Bộ phim đã được đề cử ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất tại giải Oscar hồi đầu năm nay.

“Last Days in Vietnam” đã ra rạp ở Mỹ hồi năm ngoái. Bộ phim cho thấy lại hình ảnh những cuộc rút quân cuối cùng của lính Mỹ khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975.

Đoàn Quân Giải phóng khẩn trương tiến về Sài Gòn, hoàn tất công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lính Mỹ tháo chạy trong hoang mang, lo sợ, và hỗn loạn. Đó cũng chính là hình ảnh Sài Gòn trong những ngày cuối cùng trước khi được hoàn toàn giải phóng, cũng là tinh thần chủ đạo của bộ phim tài liệu.

Những gì còn lại của lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa trên một đường phố ở ngoại ô Sài Gòn. (Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/Corbis)

Bộ phim sẽ cho thấy lại một cách chi tiết nhất tình trạng hỗn loạn, bát nháo quanh những chuyến bay về nước của lính Mỹ. Cây cối trong sân bãi của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khi đó đã phải chặt bớt để máy bay có thể hạ cánh.

Thêm vào đó là một nhiệm vụ cuối cùng dành cho một biệt đội lính thủy đánh bộ của Mỹ, họ đã đốt sạch 1 triệu đô la tiền mặt, hòng gây khó dễ về mặt kinh tế cho Quân Giải phóng khi tiến về giải phóng Sài Gòn.

“Trong những ngày điên cuồng đó, có vô số những quyết định sai lầm đã được đưa ra, sự hỗn loạn hiện hữu khắp nơi” – New York Times bình luận.

Còn New York Daily News thì cho rằng “24 giờ cuối cùng của chiến tranh Việt Nam không kém ngớ ngẩn chút nào so với tất cả những năm trước đó”.

Cửa sau Đại sứ quán Mỹ (Sài Gòn) những ngày trước khi Quân Giải phóng tiến về hoàn tất công cuộc thống nhất nước nhà. (Ảnh: Jacques Teyssier)

Trước đó, ngay tại nơi này, Đại sứ quán Mỹ đã tổ chức những buổi tiệc lớn ngoài trời. (Ảnh: Jacques Teyssier)

Đạo diễn của phim – cô Rory Kennedy là con gái út của thượng nghị sĩ Robert Kennedy – em trai của Tổng thống Mỹ John Kennedy. Rory ra đời 6 tháng sau khi bác ruột bị ám sát.

Nói về “Last Days in Vietnam”, Rory cho rằng: “Chiến tranh Việt Nam đã khép lại cách đây 40 năm, nhiều trường học ở Mỹ đã không còn dạy về cuộc chiến này nữa, nhưng chúng ta – những người Mỹ – cần phải nhớ về cuộc chiến này, bởi chúng ta cần phải học được những bài học từ đó… Tôi có thể nói rằng cách tốt nhất để tránh khỏi tình huống (như đã thấy trong phim) chính là đừng gây ra chiến tranh ngay từ đầu”.

Những chuyến bay cuối cùng chở người Mỹ về nước trong những ngày cuối tháng 4/1975. (Ảnh: Dirck Halstead/Liaison)

Những chuyến bay đưa người Mỹ khẩn trương rời khỏi Việt Nam. (Ảnh: Dirck Halstead/Getty Images)

Đài PBS – đơn vị sản xuất chương trình truyền hình cấp quốc gia được tín nhiệm hàng đầu ở Mỹ, dịp này cũng đã thực hiện một số chương trình, dù không đi sâu vào cuộc chiến, nhưng cũng đủ khiến người Mỹ nhớ về một câu chuyện lịch sử ê chề.

Dịp này, PBS đã sản xuất chương trình “Kent State: The Day the ‘60s Died” (Đại học Kent State: Cái chết của thập niên 1960), tưởng nhớ về 4 sinh viên ở trường Đại học Kent State, bang Ohio, đã bị giết hại trong khi tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam hồi tháng 5/1970.

Khi Tổng thống Richard Nixon quyết định mở rộng cuộc chiến, ngay lập tức những cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra. Tại Đại học Kent State, biểu tình đã trở thành bạo lực, cảnh sát được gọi tới, và vào ngày 4/5, cảnh sát đã nổ súng.

Người dân Sài Gòn xuống phố chào đón Quân Giải phóng. (Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/Corbis)

Ngoài ra, PBS còn sản xuất “Dick Cavett’s Vietnam” (Việt Nam qua góc nhìn Dick Cavett) và “The Draft” (Chế độ quân dịch).

“The Draft” khai thác một thực trạng trong chế độ quân dịch đã diễn ra trong lịch sử Mỹ từ thời Nội chiến và vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời kỳ đầu của chiến tranh Việt Nam, phản ánh sự bất công trong xã hội Mỹ một thuở, khi người giàu có thể trả tiền để thuê người khác thay mình ra chiến trường.

“Dick Cavett’s Vietnam” với nội dung xoay quanh những clip được trích ra từ một chương trình talk show trên truyền hình, bàn về chiến tranh Việt Nam, do người dẫn chương trình Dick Cavett dẫn hồi tháng 6/1971.

Ở thời điểm này, những chính trị gia nổi tiếng của Mỹ vẫn còn rất “mạnh miệng” bàn luận công khai về chiến tranh Việt Nam trên sóng truyền hình. Những tranh luận đã thể hiện hai phe, hai tư tưởng, hai đường lối – chủ chiến và phản chiến. Những tranh cãi nảy lửa trên sóng truyền hình khi đó đã thu hút cả Tổng thống Mỹ và dư luận Mỹ.

Trước cuộc tranh luận công khai bộc lộ rõ sự đuối lý của phe chủ chiến, Tổng thống Mỹ Nixon trong một cuộc điện thoại với Tham mưu trưởng Nhà Trắng lúc bấy giờ đã phải thốt lên rằng: “Có cách nào để chúng ta có thể bắt vít tay Cavett này lại không? Tôi muốn như thế. Phải có cách nào đó chứ”.

Người dân phấn khích xuống đường hòa vào cùng đoàn quân Giải phóng. (Ảnh: Jean-Claude Labbe/Gamma-Rapho)

Trên đây là một số chương trình điểm nhấn của truyền hình Mỹ trong những ngày này, ngoài ra còn có những bản tin, những chương trình bình luận khác…

Kết lại, xin mượn lời của nữ đạo diễn Rory Kennedy, rằng chiến tranh Việt Nam đã khép lại cách đây 40 năm, nhưng tất cả nhân loại vẫn cần phải nhớ về cuộc chiến này, bởi chúng ta cần phải học được những bài học từ đó, rằng cách tốt nhất để tránh khỏi sa lầy vì chiến tranh chính là đừng gây ra chiến tranh ngay từ đầu.

Theo Bích Ngọc (Dân trí)

Exit mobile version