/// Tranh: Đỗ Hoàng Tường

Tranh: Đỗ Hoàng Tường

Phúc xộc vào nhà khi tôi vẫn còn nằm trên giường. Nhìn vẻ mặt tươi hơn hớn của nó, tôi hé mắt hỏi, vẫn còn ngái ngủ:

– Chuyện gì mà sáng sớm đã om sòm vậy mày?

Phúc đá vào chân giường:
– Dậy đi! Trường mình sắp mở lớp mười. Năm học tới tụi mình khỏi đi đâu hết.
Cú đá của Phúc nhẹ hều. Chính câu nói của nó mới làm tôi bật dậy. Tôi tròn xoe mắt, bán tín bán nghi:
– Thật không đó mày?
– Thật. Trừ mày ra, cả thị trấn đứa nào cũng biết!
Phúc toét miệng khoe:
– Tối nay ba tao nấu cháo gà ăn mừng.
Như vậy Phúc khỏi đi Tam Kỳ, tôi khỏi ra Đà Nẵng, nhỏ Miền khỏi vào Phú Yên. Con cái đi học xa, ngoài nỗi buồn xa con, các bậc phụ huynh còn phải bạc tóc lo chuyện tiền nong. Dù ở nhà bà con, không tốn tiền ở vẫn phải phụ thêm tiền ăn uống. Bây giờ trường trung học thị trấn bất ngờ mở lớp mười, ba thằng Phúc mổ gà nấu cháo là phải rồi.
– Ba mày có mời ba tao không? – Tôi leo xuống khỏi giường, nheo mắt hỏi.
– Có. – Phúc nhe răng cười – Còn tao mời mày.
– Vậy mới là bạn tốt chứ. – Tôi xỏ dép, đập tay lên vai Phúc – Rồi mai mốt ba tao nấu cháo vịt ăn mừng, nhà tao sẽ mời lại nhà mày!
So với bạn bè cùng lớp, niềm vui trong lòng tôi còn nhân lên gấp nhiều lần. Thời gian qua, trong đầu tôi lúc nào cũng chập chờn những hình ảnh chia tay. Bây giờ tôi và Miền lại tiếp tục ở bên nhau, tôi có cảm giác mình vừa được sinh ra lần nữa.
Trong thế giới vừa được tái sinh đó, sung sướng nhất là không có bóng dáng đe dọa của Hướng chen giữa hai đứa tôi. Chưa kể sau một mùa hè nhiều thay đổi, nhỏ Miền lúc này đã trở thành một con người hoàn toàn khác: vui vẻ hơn, cởi mở hơn và nhất là siêng đi với tôi xuống nhà ông Giáo Dưỡng hơn.
Chỉ có chút buồn nho nhỏ: tôi vẫn chưa nói được với Miền là tôi thích nó. Thích ghê lắm. Thích đến mức tôi thường xuyên nghĩ ngợi vẩn vơ và ước gì được cầm tay nó một lần như lời xúi giục của thằng Phúc hôm nào. Bây giờ tôi nhận ra Phúc xúi đúng chứ không xúi bậy.
oOo
Lên lớp mười, ba đứa tôi chọn cùng một khối, tiếp tục học chung một lớp và tôi lại có dịp ngồi cạnh nhỏ Miền như năm ngoái.
Thực ra hồi cấp hai tuy ngồi cạnh nhau, tôi và Miền chẳng trò chuyện gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng đứa này quay sang đứa kia hỏi mượn thứ gì đó. “Cho mình mượn cây compa”, một đứa nói và đứa kia lặng lẽ chìa ra cây compa. Vẽ vòng tròn xong, đứa này lại làm thinh đưa trả và đứa kia im lìm cầm lấy.
Hồi đó, ở lớp Miền hoàn toàn khép kín. Suốt buổi học, nó lặng lẽ dán người lên chỗ ngồi. Năm nay như có một cô gái nào đó ngồi vào chỗ của nó. Miền nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, đã thấy nắng về trên gương mặt mùa đông của nó. Rõ ràng, từ khi thằng Hướng bỏ nhà ra đi, mối quan hệ giữa Miền và đám bạn học đã tốt lên rất nhiều.
Những ngày đó, tiếng đập cánh của lũ chim trong vườn ổi đã không còn buồn chán với tôi. Tôi ra vườn, sung sướng lắng tai nghe tiếng ong bay và đi rình bắt chuồn chuồn đậu trên nhành ớt. Tôi như quay lại tuổi lên mười. Nhiều lúc chẳng có lý do gì rõ rệt, tôi cũng nhoẻn miệng cười.
Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy tôi yêu thị trấn lạ lùng. Vì trường thị trấn mở lớp mười cho tôi và Miền tiếp tục được ngồi cạnh nhau trong giờ học. Vì thị trấn có Gò Rùa để hai đứa tôi có dịp đạp xe bên nhau ríu rít chuyện trò.
Một ngày, tôi ngạc nhiên thấy nhỏ Miền gục đầu xuống bàn trong giờ học.
Tôi chạm khẽ tay nó, lo lắng:
– Mệt hả, Miền?
Nhưng ngay lập tức tôi phát giác nó đang đọc một cuốn sách giấu trong hộc bàn.
– Coi chừng cô giáo thấy!
Tôi nói, và khi Miền gấp sách lại, tôi nhìn thấy ba chữ Trà hoa nữ ở ngoài bìa sách bên cạnh hình vẽ một người con gái tóc nâu. Đây là cuốn truyện trong tủ sách nhà ông ngoại thằng Phúc, tôi đã từng đọc qua.
Tôi ngớ ra mất một lúc, không hiểu tại sao Miền có cuốn truyện trong tay trong khi ông Giáo Dưỡng nổi tiếng khó tính, xưa nay không bao giờ cho bọn học trò mượn sách về nhà.
– Ở đâu Miền có cuốn này vậy? – Tôi tò mò hỏi.
– Phúc cho mượn.
Giờ ra về, tôi lại gần Phúc:
– Ông ngoại mày lúc này dễ tính quá há, Đuôi Tôm?
– Là sao?
Tôi khịt mũi:
– Quyển Trà hoa nữ đó.
– À, quyển đó là tao lén ông ngoại tao lấy cho nhỏ Miền mượn.
– Mày tốt với nó quá há.
– Bạn bè mà.
Tôi nhún vai:
– Tao cũng bạn mày mà có bao giờ mày lén lấy sách cho tao mượn đâu.
– Mày là con trai. Mày ở chơi nhà ông tao từ sáng đến tối tha hồ đọc. – Phúc xoa cằm, thanh minh – Nhỏ Miền là con gái, nó đâu có ở chơi lâu như mày được.
Giải thích của Phúc chí lý quá. Nếu tôi là Phúc, chắc tôi cũng lén lấy sách của ông mình cho Miền mượn. Ai lại bắt nhỏ bạn chạy tới chạy lui cả chục lượt chỉ để đọc cho xong một cuốn sách.
Ngực tôi đã thôi chèn đá. Ngực tôi nhẹ hẫng. Và tôi bâng quơ hỏi:
– Mày cho nó mượn hôm nào vậy?
– Hôm qua.
Tôi dán mắt vào mặt Phúc:
– Hôm qua nó ghé nhà ông mày hả?
– Ừ.
Phúc gật đầu. “Ừ” xong, nó ngoảnh mặt ngó đi chỗ khác. Còn tôi, tự nhiên tôi đâm ra bần thần. Như vậy hôm qua nhỏ Miền đi một mình đến nhà ông Giáo Dưỡng. Nó không buồn đi chung với tôi như những ngày trước nữa.
Tôi hỏi, giọng buồn thiu:
– Sao nó biết hôm qua mày ở nhà ông mày mà tới mượn sách?
Phúc không trả lời câu hỏi của tôi. Có thể vì lúc đó nó đã về tới nhà, chuẩn bị quẹo vào cổng. Có thể khi tôi hỏi câu đó, một chiếc xe lam đậu chỗ bến xe nổ máy ầm ĩ nên nó không nghe thấy.
oOo
Tôi không bao giờ nghĩ có một ngày mây đen sẽ kéo ngang qua tình bạn của chúng tôi. Phúc là đứa bạn thân duy nhất của tôi ở thị trấn, cả khi lên trường lẫn lúc về nhà. Nó là đứa gan dạ, có máu hào hiệp, giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Vì bênh tôi, nó từng đánh nhau với thằng Lẹ và thằng Cu Em, những đứa to con hơn nó gấp bội. Thằng Hướng du côn cả thị trấn đều kiềng mặt, vậy mà để trả thù giùm tôi, Phúc liều lĩnh dùng ná thun phục kích thằng này, chẳng kể gì đến an nguy của bản thân.
Nó là đứa duy nhất tôi tâm sự chuyện tôi thích nhỏ Miền. Và nó từng hăng hái bày mưu tính kế cho tôi.
Vậy mà bây giờ nó giấu tôi chuyện nhỏ Miền hẹn với nó xuống Gò Rùa. Nó cũng giấu cả chuyện nó lén cho Miền mượn sách.
Một mình đạp xe trên đường về, tôi nghe đầu mình ong ong như có ai vừa thả vào đó một mớ chong chóng. Đầu tôi quay tít mù. Tôi tự đặt cho mình vô số câu hỏi và tôi loay hoay tìm cách tự trả lời. Rằng nhỏ Miền hẹn thằng Phúc đến nhà ông Giáo Dưỡng để mượn sách là chuyện bình thường. Chuyện cỏn con như thế, chẳng lẽ lúc nào nó cũng rủ tôi đi chung. Chắc Miền sợ làm phiền tôi nên chọn cách đi một mình đó thôi. Thằng Phúc có lẽ thấy chuyện đó không có gì quan trọng nên không nói cho tôi biết. Cũng có thể nó định nói nhưng rồi đến phút chót nó lại không nhớ ra. Tôi cũng vậy thôi. Xưa nay, có những chuyện tôi định kể cho Phúc nghe, đến khi gặp nó tôi lại quên béng. Ờ, có vậy mà tôi cũng quýnh lên.
Nghĩ ngợi một hồi, lòng tôi dần dần bình tĩnh trở lại. Phúc là đứa có máu anh hùng, chắc nó không bao giờ phản bạn. Chỉ tại tôi đa nghi. Tôi giống ông Tào Tháo trong truyện Tam Quốc, gặp ai cũng nghi ngờ. Nghi ngờ và hãm hại cả những người tử tế với mình. Tôi tệ ghê!
9

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cậu bé nặn một con kiến to như vậy. Chỉ vì nó muốn giúp bạn nó biết con kiến là như thế nào.
Vài ngày sau nó kể với tôi khi Cỏ May rờ rẫm con kiến bằng đất sét của nó, cô bé đã kêu lên kinh ngạc:
– Con kiến to như thế này sao?
– Không. – Nó cười – Con kiến này lớn gấp tỉ lần con kiến thật.
Cỏ May lại hỏi, những ngón tay không ngừng bò quanh con kiến:
– Nó có sáu chân và hai cái râu phải không?
– Ờ.
– Vậy là nó thua ông ngoại mình. Ông mình có tới cả ngàn sợi râu lận.
Cậu bé bảo tôi, Cỏ May vẫn có những giấc mơ giống như nó và các bạn nó. Nhưng trong những giấc mơ của Cỏ May không hề có màu sắc và hình ảnh.
Một lần Cỏ May nói:
– Tối hôm qua mình mơ thấy mình về nhà.
– Bạn mơ thấy ba mẹ bạn sao?
– Ờ.
– Họ như thế nào?
– Mình không biết. Mình không nhìn thấy ba mẹ mình.
– Thế sao bạn biết bạn về nhà?
– Mình nghe tiếng ba mẹ mình lao xao trò chuyện. Tiếng của bà ngoại mình rên rẩm vì cái chân đau. Và tiếng con Vện sủa đâu đây. Cả tiếng mưa trên mái lá nữa.
Cỏ May học ở trường dành cho trẻ em khiếm thị. Cô bé ở lại trong trường.
Nó chỉ gặp Cỏ May vào cuối tuần khi cô về nhà.
Những hôm về nhà Cỏ May lại nằm mơ thấy mình ở trường.
Lần này thì nó biết rồi. Nó nói:
– Trong giấc mơ bạn nghe thấy tiếng thầy cô giảng bài và tiếng bạn bè hò reo đùa nghịch phải không?
oOo
Trong tám năm rời xa thị trấn, tôi cũng nhiều lần nằm mơ thấy tôi trở về.
Tôi thấy ba tôi chở tôi vào vườn ổi của ông Năm Khoa những chiều lộng gió, cỏ lông chông bay suốt quãng đường dài. Tôi thấy tôi và thằng Vinh còm giành nhau giã muối ớt trong chiếc cối đá ở gian bếp nhà nó. Mải giành nhau, chẳng đứa nào chịu chạy đi thắp đèn nên tôi và nó nhiều lúc thét be be vì bị chày nện vào tay. Tôi thấy những bức tường quét vôi vàng của ngôi trường trung học, thấy hàng dương liễu thướt tha dọc bờ rào, thấy cả cảnh tôi ngồi giữa đám bạn trong giờ chơi gân cổ ra kể chuyện để được trả công bằng cà rem, xá xị, bánh mì.
Và cuối cùng, bao giờ tôi cũng thấy Miền.
Tôi nhớ dạo giữa năm lớp mười, Miền thường xuyên ghé nhà ông ngoại tôi. Có hôm nó đi với Vinh còm, nhưng càng về sau tôi có cảm giác nó thích chạy xe một mình hơn. Dĩ nhiên, hôm nào Miền định ghé nhà ông tôi, nó phải báo cho tôi biết trước để tôi chạy về Gò Rùa đón nó.
Tôi thấy những chuyện đó rất đỗi bình thường và tôi chẳng nghĩ ngợi gì cho đến ngày Vinh còm hỏi tôi về quyển Trà hoa nữ tôi cho nhỏ Miền mượn trước đó. Thoạt đầu, tôi thản nhiên giải thích cho Vinh còm biết tại sao tôi lén lấy sách của ông tôi cho nhỏ Miền mượn, thậm chí tôi cảm thấy tự hào về hành động nghĩa hiệp đó của mình, nhưng đến khi Vinh còm dồn dập hỏi tới thì tôi bắt đầu nhận ra tình thế khó xử của mình, nhất là cái cách Vinh còm nhìn tôi chăm chăm khiến tôi đâm ra hoang mang. Trong một lúc tôi có cảm giác mình đã làm một chuyện gì đó mờ ám.
Tối hôm đó, tôi mở mắt thao láo nhìn lên đỉnh mùng, tự hỏi có phải mình đã làm gì sai. Vinh còm là bạn thân của tôi. Trong lớp nó là đứa duy nhất dám trò chuyện với nhỏ Miền, bất chấp vì mối giao tình này nó bị thằng Hướng cho ăn đòn khá thường xuyên. Sau này tôi biết sở dĩ Vinh còm cắn răng chịu trận chỉ vì nó thích nhỏ Miền, nhưng khả năng chịu đựng phi thường của nó khiến tôi khâm phục.
Tôi không nghĩ Vinh còm thích nhỏ Miền ngay từ năm lớp bảy. Lúc đó có lẽ thấy bạn bè chẳng ai chơi với Miền, Vinh còm động lòng. Nó quan tâm đến Miền, chỉ muốn cho nhỏ bạn mình vui. Tôi đoán chỉ khi lên lớp chín, Vinh còm mới nhận ra nó thích nhỏ Miền thật. Còn hơn cả thích, thậm chí đã có thể gọi là yêu, khi Vinh còm ngượng ngùng thổ lộ với tôi khi nào lớn lên nó sẽ cưới nhỏ Miền làm vợ.
Nhưng đó chỉ là mộng ước của Vinh còm. Còn về phía nhỏ Miền, tôi ngờ rằng nó chẳng hề nghĩ ngợi sâu xa. Chắc chắn nó xem Vinh còm là bạn, tất nhiên hơn cả bạn thông thường – là người bạn tốt nhất của nó. Nhưng nó có thích Vinh còm như Vinh còm thích nó hay không thì tôi không rõ.
Tôi cũng không rõ nhỏ Miền có biết thằng Vinh thích nó hay không nữa. (À, lên cấp ba thì Vinh còm đã hết còm rồi, nên từ đây tôi sẽ gọi nó là Vinh). Vì vậy, tôi mới bày cho Vinh cách tỏ tình. Tôi xui nó nắm tay Miền lúc cả bọn chen nhau xem phim trước cổng chợ. Nếu Miền cũng thích Vinh, nó sẽ để yên tay nó trong tay Vinh, có khi nó sẽ xúc động nắm chặt tay thằng này. Như những đứa con trai con gái trong những cuốn truyện tôi từng đọc.
Nhưng Vinh đã không nghe tôi. Trong mắt tôi, nó mãi mãi là đứa con trai nhút nhát, nhẫn nại và âm thầm chịu đựng. Có ai đó bảo người nhút nhát trước con gái là người lương thiện. Và tình yêu nhút nhát là tình yêu chân thành. Nhưng con gái có thích người lương thiện và tình yêu chân thành đó hay không thì tôi chưa đủ từng trải để nhận xét.
Để đi tìm câu trả lời cho mình, và cũng để giúp Vinh, nhất là để ánh mắt thăm dò đầy nghi hoặc của nó không ám ảnh tôi nữa, tôi quyết định nói chuyện với Miền.
Tôi biết sẽ không dễ dàng chút nào khi mở miệng nói chuyện tình cảm với một đứa con gái, dù đó không phải là chuyện của mình, nhưng tôi không ngờ nó khó khăn đến thế.
Tôi lượn lờ quanh nhỏ Miền gần suốt buổi sáng, khi nó đến nhà ông tôi trả cuốn Trà hoa nữ và mượn cuốn sách khác. Nó lên nhà trên, tôi lên nhà trên. Nó xuống nhà dưới, tôi xuống nhà dưới. Đã vài lần tôi hắng giọng để tự trấn an, tin rằng sau khi làm vậy miệng lưỡi tôi sẽ trơn tru hơn nhưng khi nhỏ Miền nhìn tôi ra ý hỏi thì tôi lại ấp úng nói lảng qua chuyện khác.
Chỉ đến khi Miền dắt xe chuẩn bị ra về thì tôi biết mình không thể chần chừ được nữa. Tôi bước lại gần nó, cố ra vẻ thản nhiên:
– Miền nè.
– Gì hở Phúc?
– Có chuyện này nè.
– Chuyện gì vậy?
– Ở trong lớp mình ấy mà.
– Trong lớp mình sao? – Lần này tôi thấy đôi lông mày Miền nhướn lên. Nó vừa hỏi vừa xoáy mắt vào mặt tôi, chắc nó lấy làm lạ trước lối nói chuyện lòng vòng của tôi.
Ngay cả tôi, tôi cũng thấy tôi không giống mọi hôm chút nào và phát hiện đó khiến tôi gần như nổi điên lên với chính mình.
Tôi nói nhanh:
– Có một bạn trong lớp đang thích Miền đó.
Câu quan trọng đó, lẽ ra tôi phải nói chậm từng tiếng để chắc chắn nội dung của nó ngấm được vào vỏ não của người nghe nhưng đang bực mình nên tôi nói như gió. Tôi phun ra câu nói đó thì đúng hơn.
Nhưng nói được câu khó nói đó rồi, tôi lại bắt đầu lo lắng. Tôi kín đáo và hồi hộp quan sát nét mặt Miền. Tôi nghĩ chắc nó sẽ vô cùng sửng sốt hoặc vô cùng thẹn thùng. Cũng có thể nó sẽ giận dữ. Hoặc cả ba.
Nhưng chẳng có gì giống như tôi nghĩ. Phản ứng của Miền hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của tôi.
– Vậy hở? – Nó buột miệng, giọng nhẹ như ru, vừa giống như ngạc nhiên vừa giống như muốn nói đó là chuyện cả thế giới ai cũng biết rồi.
– Ừ. – Tôi ngập ngừng đáp, đột ngột cảm thấy thiếu tự tin.
Giọng Miền thoảng bên tai tôi:
– Miền cũng vậy.
Tôi chớp mắt:
– Cũng vậy là sao?
– Là Miền cũng đang thích bạn đó. – Miền nói, tôi thấy có cái gì giống như nụ cười trôi qua môi nó nhưng tôi cũng không chắc có đúng là nó đang mỉm cười thật không.
Tôi đang định hỏi lại bạn đó là ai, có phải là thằng Vinh không thì Miền đã vội vàng leo lên xe chạy mất. Trông nó như người đang chạy trốn. (Còn tiếp)
Nguyễn Nhật Ánh – Thanh niên