Có một dạo, tôi buồn rầu nghĩ là nó không tới.
Trường trung học thị trấn không mở cấp ba. Lên lớp mười, bọn học trò lớp chín phải khăn gói lên thành phố học.
Bọn tôi mới mười lăm tuổi, không bậc cha mẹ nào dám gửi con cái vào nhà trọ. Các phụ huynh chăm chăm gửi con vào nhà bà con hoặc nhà người quen. Phụ huynh quen biết ở đâu, con cái đi học ở đó. Theo thông lệ này, chắc chắn tôi sẽ ra Đà Nẵng, Đuôi Tôm vô Tam Kỳ, còn Miền sẽ đi học tận Phú Yên.
Hè năm đó là mùa hè buồn của tôi. Tôi rất muốn chờ tới “một ngày nào đó” như lời cậu Huân nhưng thời gian không đợi tôi.
Tôi không muốn ngồi bó gối chờ tình yêu nảy nở.
Trường vừa bế giảng, tôi đã đánh bạo rủ Miền đi chơi. Tôi không dám rủ nó đi rừng, đi suối như các cặp tình nhân trong phim, trong truyện mặc dù lòng rất muốn. Tôi rủ nó xuống nhà ông ngoại thằng Phúc. Tôi chỉ bạo được đến thế.
– Nhà ông ngoại bạn Phúc có gì mà chơi? – Miền tròn mắt nhìn tôi.
Tôi liếm môi:
– Tụi mình xuống xem hòn non bộ và cây cảnh.
Dường như thấy thế vẫn chưa đủ hấp dẫn, tôi lật đật quảng cáo:
– Xuống đó đọc sách nữa. Nhà ông Giáo Dưỡng có tủ sách lớn nhất thị trấn.
Nhỏ Miền ham đọc sách nhưng nhà nó không có sách. Ba nó chỉ thích rượu. Tôi chỉ có vài ba cuốn cậu Huân mua cho từ lâu lắm, nhỏ Miền mượn tới mượn lui đọc đến thuộc lòng. Ở lớp ngoài tôi ra, nó không chơi với ai, vì vậy nó ngại chạy lại nhập bọn với bạn bè để nghe thằng Phúc kể chuyện vào giờ chơi, chỉ đứng xa xa nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng.
Nhà ông Giáo Dưỡng ở Gò Rùa, phía dưới đường quốc lộ, cách trung tâm thị trấn khoảng sáu cây số, tôi và Miền phải đi bằng xe đạp. Tất nhiên hôm đó có cả thằng Phúc. Nhà Phúc ở ngay bến xe, khi tôi và Miền tới đã thấy nó ngồi nghển cổ đợi đằng trước hiên.
Lần đầu tiên đi chơi với Miền, lòng tôi nôn nao khó tả. Một cảm xúc lạ lùng pha trộn giữa hân hoan, thấp thỏm và bồi hồi lèn chặt trái tim tôi. Nỗi lo lắng về cuộc chia tay sắp tới bay biến đâu mất. Dĩ nhiên chen giữa hai đứa tôi trong chuyến đi là thằng Đuôi Tôm nhưng điều đó không làm suy suyển niềm vui trong lòng tôi.
Nhỏ Miền chắc cũng vui không kém. Tôi thấy mặt nó tươi tắn hơn hẳn ngày thường, trông nó cười mà tôi tưởng như nó đeo nhầm bộ mặt của ai. Trước kia, khi thằng Hướng du côn chưa rời thị trấn, nhỏ Miền suốt ngày ru rú trong nhà, nếu có đạp xe ra đường cũng chỉ để đi chợ hoặc đi công chuyện cho ba mẹ. Từ khi biết nó, tôi chưa thấy nó đi chơi bao giờ.
Hẳn đây là lần đầu của nó. Và tuyệt vời thay, người cùng đi với nó trong lần đầu đáng nhớ đó chính là tôi. Thằng Đuôi Tôm đang gò lưng đạp xe trước mặt thì không tính vô đây. Nó chỉ là cái cớ, vì nó là cháu ông Giáo Dưỡng. Hơn nữa, tôi cũng đang muốn kéo thằng Đuôi Tôm vào chuyện này. Có nó tham gia, tôi mới mạnh dạn rủ Miền đi chơi. Chỉ tôi và Miền với nhau, tôi không đủ can đảm. Có lẽ Miền cũng thế, vì năm nay chúng tôi đã lớn, đã biết ngượng ngùng, và vì ở một thị trấn nhỏ xíu và buồn tẻ như thị trấn tôi ở, bất cứ một đôi trai gái nào có tình ý với nhau cũng sẽ bị chọc ghẹo tối mày tối mặt và trở thành miếng mồi ngon cho những cuộc bàn tán bất tận sau lưng.
Tôi còn một lý do thầm kín khác: Nếu ba đứa tôi chơi với nhau, tôi có thể nhờ Phúc thăm dò tình cảm của Miền giùm tôi.
Tôi còn nhớ ngày hôm đó trời tháng sáu trong vắt và xanh vời vợi, hương cỏ mật thơm lừng trong nắng ban mai và chim hót véo von trên những ngọn tre cao dọc đường xuống Gò Rùa. Thực tình tôi cũng không rõ cảnh vật trong buổi sáng mùa hè đó đẹp như thế thật, hay đó là do niềm vui trong lòng tôi, với những lý do hoàn toàn cá nhân, đã tráng lên thiên nhiên một lớp sơn lung linh mộng mị. Chỉ tiếc một điều hôm đó Miền ra về sớm quá.
Trước nay tôi thường đến chơi nhà ông ngoại thằng Phúc vào ngày chủ nhật để được đọc sách từ sáng đến chiều tối vì ông Giáo Dưỡng không cho trẻ con mượn sách về nhà. Trưa, Phúc xúc hai tô cơm đem ra trước hiên, hai đứa ngồi trên ghế xích đu vừa ăn vừa tiếp tục đọc sách hoặc tưng bừng tán dóc.
Nhỏ Miền là con gái nên nó không dám bỏ nhà đi suốt ngày như tôi. Mặt trời lên ngang ngọn tre trước sân là nó đòi về. Khác với bọn con trai lêu lổng chúng tôi, nó còn phải quét nhà, nấu cơm và thỉnh thoảng làm cái chuyện nó không thích chút nào là chạy lên quán bà Vọng mua rượu cho ba nó.
oOo
Ba tôi và ba thằng Phúc ngày nào cũng cùng nhau chén chú chén anh dưới bóng chiều nhạt nắng. Bóng tối mon men từ ngoài bờ rào bò vào tới tận trong nhà, cả hai vẫn ngồi uống tì tì. Nhưng tôi chưa thấy hai người gây gổ hoặc đánh nhau với ai bao giờ. Cũng chẳng một lần to tiếng, chỉ có tiếng trò chuyện rì rầm, hôm nào ngồi cạnh là tôi buồn ngủ muốn díp mắt lại.
Chỉ có ông Sáu Thôi hễ rượu vào là ầm ĩ. Đặc biệt hôm nào lên quán bà Vọng, ông cũng say khướt và sớm muộn gì cũng vật nhau huỳnh huỵch với ông Đường ngoài đường quốc lộ.
– Sao ông Sáu Thôi và ông Đường cứ đánh nhau hoài hả cậu?
Có lần không kềm được, tôi hỏi cậu Huân. Những chuyện như thế này, tôi không dám hỏi ba tôi. Tôi cũng không dám nói với cậu Huân tôi đang thích con gái ông Sáu Thôi.
Cậu Huân sống với bà ngoại tôi trong làng Phô Thị, cách nhà tôi khoảng hai mươi cây số nhưng chuyện gì xảy ra ở thị trấn cậu cũng biết. Cậu là con út của ngoại tôi. Xét về tuổi tác cậu không cách xa tôi nhiều lắm nên so với những người bà con khác, cậu gần gũi với tôi nhất và tôi cũng hay tâm sự với cậu nhất. Cũng có thể vì mẹ tôi mất sớm nên cậu dồn tình thương cho tôi nhiều hơn những đứa cháu khác.
Cậu Huân đáp:
– Tại mấy ổng say rượu.
– Ba con cũng hay uống rượu.
– Ba con uống rượu nhưng ba con không say.
Tôi chép miệng:
– Hồi chiều con thấy ông Sáu Thôi và ông Đường vật nhau và té lăn từ đường quốc lộ xuống vạt ruộng cạnh bến xe thị trấn.
Tôi nghe tiếng cậu Huân thở dài:
– Hai ông đó ngày nào cũng vậy.
– Con thấy quần áo đầu cổ hai ông lấm lem. Nhìn dơ dáy kinh khủng. – Tôi nói, bụng chợt nhói một cái khi nghĩ đến nhỏ Miền. Ba nó vậy, chắc nó rầu rĩ lắm.
Ông Sáu Thôi và ông Đường gần như chiều nào cũng gây sự với nhau chỗ bến xe thị trấn. Đơn giản vì chỗ đó có quán rượu của bà Vọng.
Quán rượu bà Vọng cạnh bến xe, chếch về phía trường trung học, chỉ bán rượu trắng với các thứ mồi nhậu bình dân như khô mực, đậu phộng rang, ổi dầm nhưng chiều nào cũng đông khách. Thị trấn nghèo chẳng có gì giải trí, cánh đàn ông sau một ngày làm việc vất vả, giải khuây bằng cách mò tới quán bà Vọng.
Thực ra quán bà Vọng là quán bún giò heo, rượu chỉ là bán kèm, nhưng từ năm giờ chiều trở đi khách uống rượu lại đông hơn khách ăn bún.
Bà Vọng buôn bán lâu ngày, quen mặt khách. Nhác thấy ông Đường bước vô, còn đang loay hoay kiếm ghế ngồi, bà đã sai thằng con, tức thằng Lẹ học chung lớp với tôi, đem ra xị rượu trắng và con khô mực đặt trước mặt ông.
Lát sau, thằng Lẹ lại lặp lại động tác đó khi ông Sáu Thôi thò mái tóc quen thuộc cắt theo kiểu ba phân chỗ ngách cửa.
Tôi đã chứng kiến cảnh này nhiều lần, vì ba tôi thường sai tôi đi mua rượu chỗ quán bà Vọng. Thông thường, ông Sáu Thôi và ông Đường không xông vào nhau ngay. Mỗi ông một góc, người tới sau cố tình ngồi thật xa người tới trước. Khách ghé vô lai rai, một chốc đã lấp đầy các dãy bàn, hai ông chỉ thấp thoáng thấy nhau qua mớ đầu cổ lúc nhúc. Mà thoạt đầu hai ông cũng chẳng buồn nhìn nhau, người này xem người kia như một thứ ruồi nhặng không đáng quan tâm.
Nhưng khách quen ở quán bà Vọng đều biết đó chỉ là sự im lặng trước cơn giông, những màn hay nhất còn ở phía sau. Và người ta chờ đợi, hồi hộp và nôn nao như khán giả ngồi chờ kịch kéo màn.
Trăm lần như một, ông Sáu Thôi bao giờ cũng là người gây sự trước, không hẳn ông hiếu chiến hơn mà vì ông say nhanh hơn ông Đường. Khi say có lẽ ông thấy cái mặt nào cũng đáng ghét, nhất là cái mặt đó gắn trên cổ ông Đường.
Lần nào cũng vậy, sau ba tợp rượu mặt ông Sáu Thôi đã đỏ bừng bừng. Thế là ông lè nhè chửi đổng:
– Đúng là đồ chẳng ra gì!
Ai cũng biết ông cạnh khóe ông Đường. Ngay cả ông Đường cũng biết ông Sáu Thôi chửi mình nhưng ông không nói gì. Đơn giản là ông uống chưa đủ nhiều.
– Đồ ti tiện! – Ông Sáu Thôi tiếp tục phỉ nhổ đối phương.
Sau “đồ ti tiện” tới “đồ sâu bọ” và hàng lô hàng lốc những lời sỉ nhục khác. Đến khi ông Sáu Thôi kết thúc màn lăng mạ bằng câu “quân giết người” thì ông Đường đứng phắt dậy.
Gọi là kết thúc vì câu mắng “quân giết người” quá nặng, quá trầm trọng và vì lúc đó ông Đường đã nốc đến ly rượu thứ mười, hơi men đã đủ mạnh để dựng ông dậy.
– Ông nói ai vậy, ông kia? – Ông Đường quay gương mặt đỏ gay sang phía ông Sáu Thôi, gầm gừ, cằm bạnh ra, chỉ thiếu chiếc bờm là ông giống hệt sư tử.
Ông Sáu Thôi lừ lừ nhìn đối phương, giọng khinh khỉnh:
– Ai có tật thì giật mình thôi! Tôi cần gì phải nói thẳng toẹt ra!
– Ông muốn gì? – Ông Đường thu nắm đấm, môi mím chặt.
Bị khiêu khích, ông Sáu Thôi vung tay chỉ thẳng vào mặt ông Đường, không buồn xưng hô lịch sự nữa:
– Tao muốn vặn cổ mày!
Ông Đường bước ra cửa, cao giọng thách thức:
– Ông ngon thì ra đây! Tôi và ông đánh tay đôi, xem ai vặn cổ ai cho biết!
Chỉ đợi có vậy, ông Sáu Thôi bật lên khỏi ghế.
Bà Vọng thấy cả hai kéo ra đường, liền lật đật chạy theo:
– Ê, mấy ông chưa trả tiền rượu!
– Mai trả!
Ông Sáu Thôi quay đầu đáp gọn lỏn rồi rảo bước theo ông Đường.
Vở hài kịch này bao giờ cũng bắt đầu như thế, lần nào cũng giống hệt nhau từ lời thoại đến động tác.
Ông Đường kéo theo ông Sáu Thôi. Ông Sáu Thôi kéo theo những người khác. Thực khách rùng rùng chồm đầu qua cửa. Vài người chạy tuốt ra sân đứng xem như xem hát. Đám con nít chẳng mấy chốc bu quanh hai nhà đấu vật, miệng hò reo đầy hứng khởi.
Hai ông ôm nhau trì níu, kéo áo, siết cổ. Và vì hai đấu sĩ đều say khướt, đi đứng bình thường đã không vững, nên cả hai nhanh chóng ngã ra đường để rồi tiếp tục dính vào nhau, lăn lê bò toài, tóc tai quần áo nát nhầu, bê bết bụi.
Cuộc chiến chỉ kết thúc khi cả hai ông hoặc một trong hai ông té lăn xuống vạt ruộng bên đường quốc lộ, lóp ngóp hoài không leo lên nổi, chỉ biết chôn chân dưới bùn chửi vống lên, hoặc khi nhỏ Miền xuất hiện mếu máo dìu ba nó về.
Còn tôi mỗi lần bắt gặp nhỏ Miền trong tình huống oái oăm đó, lòng tôi luôn thắt lại như có ai vò và bao giờ tôi cũng cố giấu mặt sau lưng đám đông để nó không nhìn thấy tôi.
7
Có lần tôi bắt gặp cậu bé đang nặn một con kiến bằng đất sét moi được từ mép nước.
Hồi bằng tuổi nó, tôi cũng thích trò moi đất sét nặn tượng. Tôi và lũ bạn thi nhau nặn hình người, nặn con chó, con gà, con ngựa, con voi.
Chúng tôi nặn bất cứ con vật nào chúng tôi nghĩ ra. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào nặn con kiến, chỉ vì con kiến bé đến mức không đứa nào nhớ đến nó khi cần tìm kiếm một hình ảnh để nặn tượng.
– Con nặn con ong à? – Tôi hỏi, chỉ nghĩ được đến thế.
– Không, đây là con kiến. – Nó đáp, vẫn cắm cúi miết các ngón tay quanh mẩu đất.
– Con kiến? – Tôi nhướn mắt – Con kiến to bằng con chuột kia à?
– Đó là con cố ý nặn một con kiến thật to. – Nó trả lời tôi trong khi vẫn chăm chút vân vê cái bụng con kiến, cố vo cho thật tròn.
Tôi không hỏi nữa để cho nó tập trung.
Một lát, nó ngẩng đầu nhìn tôi:
– Đã giống con kiến chưa chú?
Tôi nghiêng đầu săm soi con kiến của nó, thậm chí tôi phải nheo một bên mắt như người bị chói nắng. Chưa bao giờ tôi trông thấy một con kiến to như vậy nên tôi có cảm giác là lạ.
Tôi không chắc là tôi biết về loài kiến nhiều hơn nó. Đã lâu rồi tôi không còn lấy lá tre bắc cầu cho đàn kiến leo qua vũng nước nhỏ – trò chơi mà một thời tôi rất ưa thích. Dĩ nhiên thời đó đã qua lâu rồi và bây giờ tôi không nhớ có phải con kiến có cái đầu và cái bụng to gần bằng nhau như con kiến trước mặt tôi hay không. Tôi chỉ biết kiến là một loại côn trùng có sáu chân.
– Con kiến này tám chân à? – Tôi tặc lưỡi hỏi.
– Nó chỉ có sáu chân thôi. Còn kia là hai cái râu đó chú.
Cậu bé đặt con kiến trên một mảnh gỗ nhỏ và đem phơi ở ngoài vườn.
Trong khi ngồi bên cạnh cậu bé chờ cho đất sét khô, tôi ngập ngừng hỏi:
– Đây là bài tập môn thủ công của lớp con phải không?
– Không ạ.
– Thế sao con không nặn những con vật dễ hơn như con ngựa hay con bò chẳng hạn?
– Con nặn cho bạn con.
– Bạn con thích kiến à?
– Bạn con chưa nhìn thấy con kiến bao giờ.
oOo
Bạn nó tên Cỏ May, một cô bé bị mù ngay từ khi vừa lọt lòng.
Nó bảo thế giới của bạn nó là một thế giới hoàn toàn khác biệt với mọi người.
– Làm sao bạn phân biệt được ngày và đêm? – Nó tò mò hỏi Cỏ May khi cả hai đã thân nhau.
– Khi nào trời nóng và nhiều tiếng động thì đó là ban ngày. Còn khi trời mát và chung quanh yên tĩnh thì đó là ban đêm. – Cỏ May đáp, giản dị.
– Bạn biết các bông hoa không? – Nó hỏi, vì nó rất yêu các bông hoa.
– Mình chỉ nhận ra một vài loài hoa thật thơm thôi. Như hoa bưởi chẳng hạn.
Nó biết hoa bưởi. Hoa bưởi thường nở rộ vào tháng ba, kết thành chùm trắng muốt, có hương thơm dìu dịu, nhưng nếu hít nhiều quá dễ thấy đầu óc say say. Nó khoe tôi mấy đứa con gái trong lớp nó rất thích kết hoa bưởi làm vòng đeo tay.
– Bạn có biết con chó không?
– Biết chứ. Nhà mình có nuôi một con chó. Lần đầu tiên nghe tiếng sủa của con Vện, mình hỏi ngoại đó là con gì hả ngoại? Ngoại bảo con chó và ẵm nó lại cho mình vuốt ve. Nhờ vậy mình biết con chó có lông, có bốn chân và một cái đuôi.
Trong khi nó đang ngẩn ngơ trước tiết lộ của bạn, Cỏ May vui vẻ khoe:
– Mình cũng biết con mèo, con gà, con vịt.
Thình lình nó hỏi:
– Thế bạn có biết con kiến không?
– Con kiến thì mình không biết, dù mình từng bị kiến cắn. Vì con kiến quá bé nên mình không sờ vào nó được.
Nó định hỏi Cỏ May có phải nếu bạn không sờ được vào vật gì tức là xem như chưa biết vật đó hay không nhưng rồi nó ngần ngại. Nó nhắm mắt lại, thử hình dung mình là Cỏ May nhưng ngay lập tức nó biết là không thể. Nó đã thu cả thế giới vào trong trí nhớ nên ngay cả khi không nhìn thấy gì thì nó vẫn thuộc về thế giới của những người sáng mắt. Cỏ May lại khác. Cô như thuộc về một giống nòi khác, với những kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ với nó.
Như đọc được ý nghĩ trong đầu nó, Cỏ May nói:
– Nếu mình chưa từng chạm vào bạn thì đối với mình bạn chỉ là một tiếng nói.
oOo
Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy nhỏ Miền. Nó học chung lớp với tôi. Đối với tôi, dĩ nhiên Miền không phải là “một tiếng nói”. Nhưng tôi chưa bao giờ xem nó là bạn, chẳng hiểu tại sao. Có lẽ trong tâm trí tôi, và trong tâm trí những đứa khác chắc cũng thế, nhỏ Miền chỉ được nhớ đến với tư cách em gái của thằng Hướng hơn là một bạn học bình thường.
Một thời gian dài, Hướng là hung thần của bọn trẻ con trong thị trấn. Nỗi sợ hãi do Hướng gây ra lớn đến mức trở thành nỗi ám ảnh thường trực của bọn tôi và những gì gắn với nó đều trở thành nguy hiểm.
Trừ Vinh còm ra, không đứa nào trong lớp trò chuyện với Miền và bọn tôi chẳng băn khoăn gì về chuyện đó.
Khi biết Vinh còm thích nhỏ Miền, tôi không hề ngạc nhiên, còn sốt sắng bày cho nó cách tỏ tình, mặc dù tôi không hiểu Vinh còm thích con nhỏ này ở điểm gì. Tất nhiên có hàng trăm lý do để một đứa con trai thích một đứa con gái. Những cuốn sách trong tủ của ông tôi mách với tôi như thế. Dù vậy, để thích một đứa chán ngắt như nhỏ Miền, tôi không tìm thấy một lý do nào hết.
Nhưng đến hôm tôi dẫn hai đứa nó về nhà ông tôi chơi, có dịp ngắm nhỏ Miền lâu lâu một chút, tôi chợt nhận ra con nhỏ này là đứa con gái có duyên ngầm mặc dù làn da nó hơi ngăm ngăm. Ở lớp, nhỏ Miền có vẻ ủ rũ, hầu như không bao giờ cười nhưng hôm đó nó vui vẻ và cười nhiều hơn thường ngày, nhờ vậy tôi phát hiện nó có hàm răng trắng ơi là trắng. Hai chiếc răng cửa của nó hơi to nhưng chẳng hề gì. Xét về mặt thẩm mỹ, hai chiếc răng đó càng giúp nó duyên dáng hơn vì trông nó giống hệt một con thỏ con.
Vinh còm thích con nhỏ này là đúng rồi! Tôi nhủ thầm trong bụng và một chốc sau tôi càng thấy đó là chân lý khi nhìn nhỏ Miền sà vào tủ sách của ông tôi với vẻ háo hức của bọn trẻ con sà vào hàng bánh kẹo.
Tôi chơi thân với Vinh còm một phần vì nó là đứa mê truyện giống như tôi. Từ ngày mẹ tôi mất, tôi thường lê la ở nhà ông ngoại tôi và suốt ngày đánh bạn với tủ sách của ông.
Tôi không nghĩ nhỏ Miền có đam mê tương tự. Vì con của một ông bố say xỉn và em của một thằng du côn thì không gợi lên điều gì liên quan tới sách. Sở thích của tôi và Vinh còm, nhỏ Miền có vẻ không dính líu vào. Nhưng hôm đó tôi bắt gặp mình tò mò quan sát vẻ rạng rỡ trên gương mặt bầu bĩnh của nó. Hơn cả niềm vui, điều toát ra trong đôi mắt long lanh của nhỏ Miền khi nó rón rén sờ tay lên từng gáy sách gần như là sự thành kính. Hình ảnh đó làm tôi ngạc nhiên kinh khủng và tôi bắt đầu nghĩ về nó khác đi.
Sau lần đó, nhỏ Miền còn đến nhà ông tôi nhiều lần nữa. Dĩ nhiên, lúc nào cũng ba đứa cặp kè với nhau. Và lần nào nó cũng ra về sớm dù mùa hè đã tới từ lâu và chúng tôi không còn phải đến lớp mỗi ngày nữa.
8
Tôi cứ ngỡ mùa hè năm đó sẽ là một chuỗi ngày buồn đối với tôi khi tiếng ve râm ran trên các tàng cây như tấu lên khúc nhạc giã từ.
Tiếng chim uể oải đập cánh, tiếng ong bay trong vườn ổi ban trưa những ngày này nghe buồn tẻ làm sao. Nắng hè hừng hực khiến cỏ trong vườn khô đi và đổi sang màu lông chuột, mỗi khi đặt chân lên tôi nghe tiếng lào xạo dưới chân và âm thanh đó khiến cảm giác sắp sửa đi xa trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Những chuyến đi với nhỏ Miền xuống nhà ông ngoại thằng Phúc giúp tôi khuây khỏa được phần nào nhưng không che lấp được nỗi buồn chia ly sắp tới. Thậm chí, càng gần gũi với nó, nỗi buồn trong lòng tôi càng được tô đậm hơn.
Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là trống vắng. Tôi thường xuyên nghe những tiếng thở dài ngân lên từ đáy lòng tôi.
Tôi chỉ thôi buồn khi một sớm mai chưa kịp mở mắt đã nghe tiếng thằng Phúc oang oang ngoài cửa:
– Vinh còm ơi! Có tin vui ơi là vui nè mày! (Còn tiếp)
Nguyễn Nhật Ánh – Thanh niên