/// Tranh: Đỗ Hoàng Tường

Thằng Phúc chỉ cao hơn tôi chút xíu. So với Lẹ và Cu Em, nó lép hơn hẳn về sức vóc.

Ở lớp, Phúc là đứa ít nói, vì vậy chẳng gây gổ với ai. Kể cả khi bạn bè gọi nó là Đuôi Tôm (vì tóc sau gáy nó khi mọc dài ra bao giờ cũng có một chỏm nhọn chĩa xuống ngay chính giữa – dân gian vẫn gọi là tóc đuôi tôm), nó chỉ nhe răng cười. Tôi chưa thấy nó đánh nhau với ai bao giờ.

– Mày ngon quá hả, Đuôi Tôm? – Tôi vừa xán lại chỗ đám đông, đã nghe tiếng Cu Em gầm gừ.

– Tao chẳng ngon gì cả. – Phúc nhún vai – Nhưng tao không thích trò giá họa cho người khác.

Cu Em hừ mũi:

– Chuyện thằng Vinh còm thì liên quan gì tới mày?

– Lằng nhằng với nó làm gì! – Lẹ phun nước bọt – Cho nó biết thế nào là lễ độ đi!

Nói xong, Lẹ nhào tới thoi vào mặt Phúc.

Phúc nhanh mắt né được nhưng lập tức lãnh nguyên một cú đá của Cu Em vào mông.

Phúc chúi nhủi về phía trước, chưa kịp gượng lại đã bị Lẹ đá “bộp” một cú vào be sườn.

Tôi giật bắn một cái như thể chính tôi trúng đòn của Lẹ. Trong khi tôi nhấp nhổm không biết nên liều mạng xông vào trợ lực với Phúc hay chạy đi báo thầy giám thị, trận đấu đã đột ngột xoay chiều.

Nhận liền hai cú đá, Phúc vẫn không hề tỏ ra sợ hãi, mặc dù tôi biết nó rất đau. Nó quay người lại, thấy Cu Em đang xông tới, liền liều lĩnh lao đầu vào bụng đối phương.

Bất ngờ lãnh nguyên cú húc, Cu Em té bật ngửa ra đất, ôm bụng rên như bộng:

– Ối, dập mật tao rồi!

Phúc cũng ngã lăn ra sau cú húc. Nó đang lồm cồm bò dậy, thấy Lẹ co chân định đá vào đầu mình, liền vốc một nắm cát tung vào mặt Lẹ.

Phúc đánh nhau không theo sách vở. Vì vậy, đối phương khó có thể đề phòng. Giống như Cu Em, Lẹ bị cát bay vào mắt, bụm mặt thét be be:

– Chơi trò gì hèn vậy mày?

Phúc nhếch môi:

– Đâu có hèn bằng trò hai đánh một!

Tiếng trống vào lớp đột ngột vang lên kết thúc trận chiến mà tôi tin là Lẹ và Cu Em không muốn kéo dài mặc dù khi vào lớp tôi thấy hai đứa nó vẫn nhìn Phúc bằng ánh mắt hậm hực.

Riêng tôi, sau lần đó tôi nể thằng Đuôi Tôm quá. So với tôi, Phúc chẳng to con hơn mấy tí. Nhưng Phúc làm được những điều tôi không làm được. Nó sẵn sàng giải oan cho tôi trước mặt thằng Hướng và không ngại choảng nhau với tụi thằng Lẹ. Nó không cần ăn nhiều và hì hục kéo xà đơn cho to khỏe vẫn đủ lì lợm để đánh nhau với những đứa mạnh hơn nó.

Tôi không chơi thân với Phúc, dù ba nó chơi thân với ba tôi và thỉnh thoảng vẫn chở nó qua nhà tôi trong những lần ông đi nhậu. Nhưng từ khi chứng kiến cảnh nó gan dạ đương đầu với Lẹ và Cu Em, đã thế còn khiến hai đứa này chùn tay, tôi sướng râm ran trong bụng, có cảm giác tôi đã trả được thù dù là trả thù bằng tay người khác.

Trưa đó, tôi lân la lại gần Phúc trên đường về.

– Cảm ơn mày nghe, Đuôi Tôm. – Tôi nói.

– Chuyện hôm qua hả?

– Ừ. Hôm qua nếu mày không lên tiếng, chắc tao nhừ xương với thằng Hướng.

Phúc khịt mũi:

– Tao ghét trò bẩn của tụi thằng Lẹ.

Tôi thú thật:

– Tao cũng ghét nhưng tao không dám chống lại hai đứa nó. Mày anh hùng thật đấy!

Lần này Phúc không nói gì. Nó đong đưa chiếc cặp sách trên tay như để che giấu sự ngượng ngập. Chắc xưa nay nó chưa nghe ai khen nó là anh hùng.

Tôi lại nhìn nó, liếm môi:

– Mà mày cũng gan thật! Dám một chọi hai!

– Tao chỉ làm theo lời ông tao dạy.

Ông ngoại của Phúc là ông Giáo Dưỡng. Ông mở lớp dạy học trò tại nhà. Ông chỉ dạy học ba tháng hè, chín tháng còn lại ông đóng cửa ngồi nhà chơi hoa cá cảnh. Ông Giáo Dưỡng dạy giỏi đến mức hè năm nào học trò cũng kéo tới ùn ùn. Nhà trường vừa bế giảng là phụ huynh trong làng thi nhau lùa con vào lớp hè của ông như người ta lùa vịt vào chuồng.

Hè năm ngoái tôi cũng học ông nhưng học nửa chừng thì bị đuổi do đánh nhau trong lớp.

Tôi nhìn Phúc, ngạc nhiên:

– Ông mày dạy mày đánh nhau à?

– Không. Ông tao chỉ bảo sống trên đời điều quan trọng nhất là không biết sợ.

oOo

Sau lần đó, tôi với thằng Phúc tự dưng thân nhau.

Nhà nó nằm ngay bến xe Hà Lam, cách trường học chừng tám trăm mét. Nhà tôi cất ngay giữa vườn ổi của ba tôi ở xóm Trong, cách trường học khoảng bốn cây số.

Kể từ khi chơi với nhau, sáng nào tôi cũng ôm cặp ghé nhà Phúc, rủ nó đi học. Giờ ra chơi, tôi lôi ổi và muối ớt trong cặp ra, hai đứa cùng ăn.

Tan trường, hai đứa lại cặp kè ra về.

Kể từ khi tôi và Phúc trở thành một cặp khăng khít, tụi thằng Lẹ và Cu Em không còn dám bắt nạt tôi nữa.

Ba Phúc làm thợ hồ. Mẹ nó mất sớm nên tôi và nó càng có lý do để thân nhau vì mẹ tôi cũng mất sớm. Nhưng nó hơn tôi là nó còn ông ngoại.

Nhà ông ngoại nó có một cái tủ chứa đầy sách. Tôi chưa thấy nhà ai có nhiều sách như vậy. Tủ lắp kính, có ổ khóa, phải có chìa mới mở được. Cái chìa khóa đó, luôn nằm trong túi áo ông ngoại nó.

Ông Giáo Dưỡng rất quý sách, vì vậy giữ sách rất kỹ. Tới nhà ông chơi, tôi thấy ông có hai cuốn sổ. Một cuốn chép thư mục sách trong tủ, cả vị trí từng cuốn, để khi cần cuốn sách nào là ông tìm thấy ngay. Cuốn thứ hai là sổ cho mượn. Người trong thị trấn tới mượn sách, ông ghi cẩn thận tên sách, tên người mượn và cả ngày giờ mượn. Người mượn ký tên vô ô trống phía sau. Khi nào trả, lại ghi ngày giờ và ký tên vô ô “đã trả”.

Phúc bảo:

– Ông tao làm như vậy để khỏi mất sách. Quá nhiều người mượn, nếu không ghi chép tỉ mỉ như vậy, ông tao chẳng nhớ nổi người nào mượn cuốn nào, ai đã trả ai chưa trả.

Ông Giáo Dưỡng chỉ cho người lớn mượn sách. Trẻ con đừng hòng rớ vào. Dưới cái nhìn của ông, trẻ con là chúa ẩu, chúa nghịch, sách mượn về không thất lạc cũng hư hỏng, nhem nhuốc.

Chỉ có tôi là ngoại lệ. Vì tôi là bạn cháu ông. Nhưng ông không cho tôi đem sách về nhà. Mỗi lần theo thằng Phúc tới chơi nhà ông ngoại nó, muốn đọc sách tôi phải ngồi lì trên ghế hoặc nằm dài trên phản đến tối mịt để đọc cho xong, sau đó đặt ngay ngắn cuốn sách vào tủ trước khi ra về.

Phúc đọc được nhiều sách, tôi cũng được hưởng lợi.

Tới trường, cứ đến giờ ra chơi là nó rủ rê bạn bè sau ra hè nghe nó kể chuyện. Nó kể chuyện Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra thái tử đến thám tử Sơ-lốc Hôm, thanh tra Gia-ve, truyện nào cũng hấp dẫn. Phúc lại có tài kể chuyện nên tụi bạn mê tơi, ngồi học mà đứa nào đứa nấy cứ ngóng tiếng trống ra chơi để tót ra sau hè nghe Phúc kể tiếp chuyện hôm trước.

Phúc kể chuyện miễn phí khoảng một tuần. Tới ngày thứ tám, đang kể nửa chừng nó bỗng than khát nước.

– Để tao chạy vô phòng giáo viên rót nước cho mày uống. – Một đứa sốt sắng.

Nhưng thằng này vừa dợm chân, Phúc đã cản:

– Giờ tao thèm cà rem à.

– Cái gì? – Cả chục cái miệng nhao nhao – Cà rem á?

Phúc gợi ý trắng trợn:

– Ừ. Tụi mày hùn tiền mua cho tao hai cây cà rem, tao kể tiếp cho nghe!

– Đồ tham lam! Một mình mày mà ăn tới hai cây hả, Đuôi Tôm?

– Tao một cây, thằng Vinh còm một cây.

– Thằng Vinh còm thì dính gì vào đây?

– Nó là trợ thủ của tao. Chỗ nào tao quên thì nó nhắc.

Phúc không bịa. Kể chuyện với tụi bạn, đôi lúc nó đột ngột quay sang tôi:

– Ê, Vinh còm! Con gái của cô Phăng-tin tên gì hả mày?

– Cô-dét. – Tôi hớn hở vọt miệng.

Hoặc:

– Thiết Phiến Công Chúa có cái quạt gì quạt một phát núi lửa tắt ngóm, tự nhiên tao quên mất!

– Quạt Ba Tiêu.

Tôi không chỉ nhắc. Thỉnh thoảng Phúc nhờ tôi kể chuyện thay cho nó. Tôi đọc không ít truyện trong tủ sách của ông nó nên mặc dù kể chuyện không hay bằng Phúc, tôi vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu của tụi bạn những hôm Phúc lười hoặc nghỉ học.

Nhưng ngay cả như vậy, tôi thấy tôi cũng không có lý do chính đáng để vòi cà rem của những đứa thích nghe chuyện. Chẳng qua tôi và Phúc là đôi bạn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi nên nó không muốn chén cà rem một mình.

Tiết ra chơi của học sinh trung học kéo dài mười lăm phút. Mỗi ngày chỉ kể có một mẩu ngắn ngủn, với kho sách khổng lồ của ông ngoại nó, thằng Phúc kể cả đời cũng không hết.

Thị trấn tôi ở dạo đó không có nổi một nhà sách còm. Trẻ con muốn đọc sách phải đổi sách cho nhau. Nhưng nhà đứa nào cũng lèo tèo dăm ba quyển. Thế là muốn nghe chuyện, tụi bạn phải bấm bụng hùn tiền mua quà cống nạp cho Phúc.

Đó là lý do từ năm lớp bảy đến năm lớp chín, hai đứa tôi tha hồ chén cà rem (danh mục vòi vĩnh của Phúc sau đó còn được bổ sung thêm kẹo kéo, xá xị, bánh mì chả…) như những ông hoàng con.

3

Cậu bé làm quen với tôi như thế, hết sức giản dị.

Từ hôm đó, tôi và nó thường gặp nhau vào mỗi buổi chiều, khi gió bắt đầu thổi mạnh hơn, cỏ xào xạc hơn và những đám mây trôi nhanh như bị kéo tuột qua bầu trời. Tuy ve đã bắt đầu râm ran trên những ngọn cây, mùa hè vẫn chưa đến và buổi sáng nó vẫn phải cắp sách đến trường.

Nó thích nằm ngửa trên cỏ ngắm bầu trời. Nó có thể nằm như thế hàng giờ.

Nó nói:

– Nằm như thế này con có thể nhìn thấy mây bay. Và những cánh chim nữa.

Tôi nói:

– Chú không nằm lâu như con được. Chú chỉ nằm một chốc thôi. Cỏ đâm vào lưng ngứa lắm.

Nó cười:

– Sao con chẳng thấy ngứa ngáy gì cả.

Mắt nó mơ màng:

– Luôn luôn có những cánh chim bay trên đầu chúng ta chú ạ. Nhưng nếu từ sáng đến tối chúng ta không một lần ngước mắt lên chúng ta sẽ không nhìn thấy chúng.

– Thì có sao đâu!

– Thì giống như là trên trái đất không hề có loài chim. Giống như chúng ta sống mà không có chim bay bên cạnh.

Có lẽ nó nói đúng. Ví dụ như nó vẫn sống trên cõi đời nhưng nếu tôi chưa từng gặp nó thì tôi sẽ không biết là có nó ở đâu đó.

oOo

Nó rất thích đọc sách. Bao giờ tôi cũng thấy nó lận theo người một cuốn sách nào đó. Nghịch chán, nó lại lôi sách ra đọc.

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy nó nằm sấp trên cỏ, khuỷu tay chống lên nền đất, hai bàn tay bưng cằm, mắt say sưa dõi theo những con chữ trên trang sách đang mở trước mặt.

– Ai viết ra những cuốn sách này hở chú?

Tôi chỉ tay vào tên tác giả trên bìa sách:

– Ông này nè. Người ta gọi ông ấy là nhà văn.

– Thế nhà văn khác người bình thường như thế nào?

– Họ cũng như mọi người thôi. Giống như chú và con.

– Thế mà con nghĩ họ có hai cái đầu. Nếu chỉ có một cái đầu thì cái đầu đó chắc phải rất to. Như vậy họ mới chứa được nhiều câu chuyện đến thế.

Nó mơ mộng:

– Lớn lên con cũng sẽ cố viết được những câu chuyện như thế này. Con sẽ viết về những chuyến phiêu lưu và những cậu bé gan dạ.

Tôi tán thành:

– Chú tin con sẽ làm được. Nhưng để trở thành nhà văn, bây giờ con phải là cậu bé ngoan, biết vâng lời ba mẹ và thầy cô, chăm học và phải bớt nghịch đi.

Nó có vẻ suy tư sau câu nói của tôi.

– Nếu nghe theo lời chú, con sẽ không bao giờ trở thành nhà văn được nữa.

– Tại sao?

– Nếu con là cậu bé ngoan, chăm học, bớt nghịch, lúc nào cũng vâng lời ba mẹ và thầy cô thì lớn lên con chẳng có gì để viết ra. Vì nó chẳng có gì hấp dẫn.

oOo

Cậu bé làm tôi nhớ đến tuổi thơ của mình. Hồi đó, nhờ tủ sách của ông ngoại tôi, tôi trở thành đứa trẻ đọc được nhiều sách nhất trong thị trấn.

Và tôi đã tận dụng ưu thế đó để kiếm ăn một thời gian dài. Cà rem, bánh mì chả, kẹo kéo, xá xị, bánh tai heo…, thèm thứ gì tôi chỉ hô lên một tiếng là tụi bạn lật đật dâng tới tận miệng. Chỉ để được nghển cổ nghe tôi kể chuyện. Bây giờ nhớ lại, tôi không rõ đó chỉ là trò nghịch ngợm trẻ con hay là ngay từ bé tôi đã mang trong người bản tính ích kỷ mà không tự biết.

Cùng hưởng lợi với tôi có thằng Vinh còm. Nhưng thằng này vừa mút cà rem vừa ăn bánh mì vừa áy náy:

– Giống bóc lột quá mày!

– Gì mà bóc lột! – Tôi bực mình – Mình kể chuyện cho tụi nó nghe, tụi nó trả công cho mình là công bằng rồi!

– Nhưng…

Tôi đập tay lên vai Vinh còm:

– Nhưng gì mà nhưng. Tao kể chuyện khô hết nước miếng, phải có cái gì cho vào miệng để… tái tạo lại nước miếng chứ!

Vinh còm là bạn thân của tôi. Suốt những năm cấp hai, tôi chỉ chơi duy nhất với một mình nó. Chúng tôi chia sẻ với nhau đủ chuyện trên đời: chuyện học tập, những buồn vui trong cuộc sống, kể cả những mơ ước tương lai – những mơ ước vĩ đại, ngây ngô và buồn cười.

Chỉ có một chuyện Vinh còm giữ riêng trong lòng. Đó là chuyện nó thích nhỏ Miền.

Nhỏ Miền là đứa con gái xinh xắn. Da nó không trắng bằng những đứa con gái khác. Da nó màu bánh mật nhưng bù lại nó có đôi má bầu bĩnh và đôi mắt to. Nhỏ Miền có hàm răng trắng nhưng nó ít khi cười. Có lẽ do nó không có bạn, vì đứa nào cũng sợ thằng Hướng anh nó. Thằng Hướng lớn tuổi hơn bọn học trò chúng tôi, to con, bỏ học từ năm lớp tám, suốt ngày lêu lổng và đặc biệt là rất thích gây chuyện đánh nhau.

Vinh còm là tấm gương tày liếp. Ở lớp, chỉ có nó trò chuyện với nhỏ Miền, một phần do nó ngồi cạnh Miền, phần khác do nó thích con nhỏ này. Vinh còm cho nhỏ Miền mượn tập, mượn bút chì màu, mượn compa. Hôm nào con nhỏ này nghỉ học, hôm sau nó è cổ ra chép bài giùm. Thế nhưng nó lại bị thằng Hướng cho ăn đòn khá thường xuyên. Vinh còm cầm hộp bút chì màu lò dò đến nhà nhỏ Miền để cho con nhỏ này mượn, bị Hướng xông ra đập cho một gậy vì tưởng nó mò đến tán tỉnh em gái mình. Nhỏ Miền qua nhà nó để trả tập, thằng Hướng cũng lén lút đi theo để rồi cho nó một gậy khác vì tưởng nó hẹn hò với nhỏ Miền khi bắt gặp Vinh còm đứng chờ em gái mình chỗ bờ rào.

Những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều lần nhưng mãi khi lên lớp chín tôi mới biết. Tôi chỉ tận mắt chứng kiến lần nhỏ Miền bỏ học về nhà vì bị thằng Lẹ và thằng Cu Em trêu chọc, Vinh còm sốt sắng xách cặp của nhỏ Miền về giùm, bị thằng Hướng đón đường đập cho một gậy muốn xụi vai vì tưởng nó là thủ phạm bắt nạt em gái mình. Lần đó nếu không có tôi, chắc Vinh còm te tua.

Vinh còm tốt với nhỏ Miền như vậy còn bị thằng Hướng hành hung, huống gì những đứa khác. Nghĩ vậy, không đứa nào trong lớp muốn dây dưa với con nhỏ này.

Năm lớp chín, có lần thấy Vinh còm đi cà nhắc đến lớp, tôi tròn mắt:

– Mày bị sao vậy? Chó cắn à?

– Tao bị té.

– Xạo đi mày! Lớn lồng ngồng rồi mà té?

Tôi xáp lại, vén ống quần nó lên xem, thấy bàn chân phải nó bầm tím.

– Ối! Sao ghê vậy mày?

– Tao đá phải cục gạch trước cổng chợ. – Vinh còm bối rối giải thích.

– Sao lúc nãy mày bảo mày bị té?

– Đá xong rồi mới té. – Vinh còm lại nói, chẳng thuyết phục được tôi chút xíu nào.

– Tao không tin. Có đá phải cục gạch thì chân mày cũng chẳng bầm dập như thế này.

Tôi nhìn lên mặt nó, phát hiện gò má trái nó hơi sưng, liền lay vai nó:

– Mày nói thật đi! Mày vừa đánh nhau với đứa nào phải không?

– Không phải là đánh nhau. – Vinh còm ấp úng – Chỉ có nó đánh tao thôi!

– Đứa nào vậy? Thằng Lẹ phải không?

Vinh còm lắc đầu.

– Vậy là thằng Cu Em?

Vinh còm lắc đầu lần thứ hai.

– Vậy chứ đứa nào?

– Thằng Hướng. – Vinh còm ngần ngừ đáp.

Tôi nhíu mày:

– Thằng Hướng anh nhỏ Miền hả? Sao nó đánh mày?

Tôi nghe Vinh còm kể mà bụng tức sôi. Nó ra cầu Hà Kiều chơi, tình cờ gặp nhỏ Miền đi thăm bà con ở xóm Trong về. Nhỏ Miền nhờ nó lội xuống bàu hái giùm một đóa hoa sen. Hoa sen nở tuốt giữa bàu, Vinh còm hái được cho nhỏ Miền, đầu cổ quần áo đã ướt nhẹp. Đã vậy, khi nó leo lên bờ đưa hoa cho nhỏ Miền, thằng Hướng ở đâu bất chợt trờ tới.

Nó nhặt cục gạch xáng mạnh vào chân Vinh còm khiến thằng này đau xuống xỉu. Chưa hết, Hướng còn xông tới cho Vinh còm một thoi như trời giáng vào mặt, bất chấp nhỏ Miền khóc lóc ôm ngang bụng thằng anh kéo lại.

Hóa ra Vinh còm bị thằng Hướng gây sự không chỉ một, hai lần. Từ năm lớp bảy đến nay, Vinh còm ăn đòn của Hướng khá nhiều. Toàn tai bay vạ gió. Chỉ vì nó chơi với nhỏ Miền.

Trước nay Vinh còm vẫn không hé môi với ai về những tai nạn của mình. Nhưng trong buổi sáng đầy gió đó, Vinh còm bùi ngùi dốc lòng với tôi, chuyện này kéo chuyện kia, giọng điệu rầu rầu nghe buồn chết được. Có lẽ những trận đòn oan gánh chịu lâu ngày đã tích tụ trong lòng nó như một quả bóng bơm căng, chỉ cần chích một mũi kim là bao nhiêu dồn nén lập tức tuôn ra.

Tôi há hốc miệng ra nghe, hai tay nắm chặt, ngực tức nghẹn.

Khi Vinh còm kể dứt, tôi đứng phắt dậy, răng nghiến trèo trẹo:

– Tao sẽ trả thù giùm mày!

– Đừng! – Vinh còm lộ vẻ hoảng hốt.

– Mày đừng cản tao! – Tôi hầm hầm – Tao sẽ cho nó biết tay!

– Mày không đánh lại nó đâu. – Vinh còm giật tay tôi, giọng lo lắng – Hơn nữa, tao cũng không muốn trả thù!

Mặc cho Vinh còm năn nỉ, tôi hất tay nó ra và quay lưng bỏ đi một mạch. (Còn tiếp)
Nguyễn Nhật Ánh – theo Thanh niên
Exit mobile version