Văn Thành Lê sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, hiện sống tại Bà Rịa, làm việc tại Vũng Tàu. “Không biết đâu mà lần” (Nxb Trẻ phát hành tháng 6/2014) là cuốn sách thứ 6 của anh, được mở đầu bằng những dòng tự bạch: “Vẫn là chuyện trường – chuyện lớp, chuyện dạy – chuyện học, chuyện thầy – chuyện trò. Tôi mon men bước vào lãnh địa này với ý nghĩ muốn “hâm nóng lại những gì đã nguội” theo cách của riêng mình. Từ góc nhìn của riêng mình. Từ rung cảm của riêng mình. Và cuối cùng, từ cách kể của riêng mình… Tôi chỉ dám chắc chắn rằng, những gì tôi viết ra trong tác phẩm đều là những điều, hoặc mắt tôi đã thấy, hoặc tai tôi đã nghe, hoặc đồng thời vừa mắt tôi thấy vừa tai tôi nghe. Tôi đã nói thật. Ít nhất là với suy nghĩ và trăn trở của mình.” VanVN.Net trân trọng giới thiệu hai chương đầu trích từ tác phẩm “Không biết đâu mà lần”.

Một

Thật. Không biết đâu mà lần.

Ông bà đúc kết thế. Câu nói cửa miệng mỗi người bao đời nay thế. Đúng cứ như chưa bao giờ… sai. Dẫu là thời nào, ở đâu, và làm gì. Chí ít Anh cũng đang lẩm bẩm câu ấy, như thầy mo xứ Mường lẩm bẩm để hô hào những thế lực siêu nhiên về quanh mình nhằm biến những cái vô hình không thể thành những cái hữu hình có thể. Tất nhiên, biến được hay không lại là chuyện khác, đấy là chuyện của thầy mo chứ không phải của tác giả chuẩn bị kể câu chuyện dưới đây.

Thì đấy. Anh chưa từng nghĩ có một ngày mình sẽ nhảy dù đổ bộ vào mảnh đất phương Nam xa lơ xa lắc, trước giờ chỉ nhìn thấy loáng thoáng trên bản đồ trong những tiết Địa lý ngồi học thì ít ngoáy đít quay sau quay trước thì nhiều hồi tuổi hoa niên mộng trắng trong, lòng trong trắng thuở nào.

Cú tiếp đất như mơ. Đến giờ Anh vẫn còn ngác ngơ. An toàn. Là nói theo góc nhìn bảo toàn tính mạng. Chứ trầy xước thể chất hay tinh thần thì còn dài dài. Đường dài lắm nỗi đi rồi mới hay. Phải từ từ mới rõ được. Lâu mau còn phụ thuộc nhiều thứ khác nữa. Có những thứ chưa kịp định dạng là gì cũng nên.

Tốt nghiệp đại học, bái bai bốn năm sinh viên với nhiều nông nỗi và bồng bột, cả lớn thêm lên sau những dại dột, Anh hồ hởi hân hoan háo hức hừng hực đi về miền đất mẹ, như câu chữ hoa văn mà vài người học đòi sính chữ thường hay nói. Phần Anh bập bẹ ngọng cũng bắt chước theo ít nhiều mong mỗi khi cất lời mồm miệng được thể sang hơn. Rồi đây nhé, Anh ưỡn ngực hít thật sâu thật dài, dài và sâu như tiếng tù và thúc chó đi săn, để tung hết sức trẻ hai hai với năm năm kinh nghiệm bẻ gãy sừng trâu ra. Này thì kiến thiết quê hương bản quán. Này thì đâu có việc là ta cứ đi. Này thì tuổi trẻ xá gì gian nan. Này thì sức ta căng tràn. Này thì gian khó cản bàn chân ta. Qua. Qua hết. Giẫm lên mà đi. Đè lên mà bước tới. Không bước tới cũng phải trườn tới được. Anh rưng rức râm ran rạo rực. Ngỡ mọi sự vẽ ra trước mắt, giản đơn như đánh đáo chơi khăng, như nhảy dây trốn tìm và trò trận giả, hả hê cười phô hàm răng sún tuổi thơ mơ mộng hảo huyền.

Khổ nỗi không phải vậy. Đây là chiến trận thật. Không giống trận giả của tuổi mục đồng lấm lem bùn đất. Trận tuyến tìm việc trộn cùng thứ thật giả giả thật, lẫn lộn như thóc pha cát pha đậu đỏ đậu đen mà cô Tấm phải nhặt trong truyện cổ tích. Khác là chuyện của Anh không phải cổ tích, nó là thời cổ phiếu có tính cổ quái. Anh phân vân không biết nhặt những thứ gì.

Chỉ tiêu công chức lèo tèo như bèo tấm mùa hạn các cụ trên cao đã om hết, nhỏ xuống được vài giọt, như nước mắm chưng cất kiểu thủ công xưa xửa xừa xưa nửa tháng chưa được một chai sáu lăm, thì ưu tiên con em gia đình chính sách. Lộn lẫn chính sách, thêm lần nữa, thật và giả. Đấy. Nhiều cụ một ngày đẹp trời ngủ dậy bỗng thành thương binh vì… sâu răng, vì chấn thương do bị… đánh ghen. “Mọi con đường đều dẫn tới thành Roma.” Hay “Con đường nào rồi cũng về La Mã.” Đại khái thế, câu ngạn ngữ ra đời cách đây gần hai ngàn năm. Và bây giờ là “Mọi chấn thương vụn vặt thời bình đều có thể dẫn tới… thương binh.” Nếu không thương binh bệnh binh thì phải chạy linh tinh. Giá hét cao ngút trời. Những gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền. Đâu đâu cũng thấy chạy. Người người chạy. Nhà nhà chạy. Đất nước cần lao vươn vai chạy. Chạy nước rút. Chạy marathon từ trước đó. Như thể chạy là truyền thống là bản sắc. Vậy mà, oái oăm làm sao, trớ trêu thế nào đấy, thật không thể hiểu được, môn điền kinh của nước nhà chỉ lon ton quẫy đạp luẩn quẩn ở vùng đặc biệt trũng Seagame chứ nhất định đấu trường Asiad và Olimpic vẫn là… mơ về nơi xa lắm.

Ở cổng các cơ quan, trong mỗi phòng ban, trên khuôn mặt các sếp nắm vai trò tuyển dụng công chức, dù không công khai ngôn thuận danh chính mực đen giấy trắng, nhưng ai ai cũng thấy mập mờ đầy ám khí u uẩn ẩn hiện nguyên tắc tuyển người “Thứ nhất quan hệ. Thứ nhì tiền tệ. Thứ ba hậu duệ. Thứ tư trí tuệ”, hoặc dị bản là “Thứ nhất tiền tệ. Thứ nhì hậu duệ. Thứ ba đồ đệ. Thứ tư trí tuệ”, hoặc dị bản nữa là “Thứ nhất hậu duệ. Thứ nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư trí tuệ”. Với những thứ liệt kê ở ngoặc kép trên, Anh chỉ tự tin mỗi trí tuệ của mình. Ít nhất cũng tàm tạm đủ dùng, và không sợ bố con thằng nào, nói như khẩu khí của các tay anh chị, nếu xếp hàng đấu tay bo. Nhưng chiếu theo các nguyên tắc trên, trí tuệ chỉ đáng xách dép hoặc kê mông hoặc trang trí cho quan hệ, tiền tệ, hậu duệ và đồ đệ, toàn những thứ cao sang sáng chói bần cố nông như Anh không thể có được.

Anh ngồi trơ mắt ếch nhìn số ít người lướt qua mặt mình đi làm mỗi ngày. Thấy đời, ôi chao là lãng xẹt, lãng nhách, lãng đãng quá chừng.

Năm học mới bắt đầu hơn ba tháng, Anh vẫn đi ra đi vào quanh nhà. Hết bỏ tay túi quần đi vào đi ra đến đi ra đi vào túi quần bỏ tay. Không bỏ tay túi quần thì khoanh tay trước ngực. Không khoanh tay trước ngực thì chắp tay sau lưng. Như ông cụ non. Mà sự thật là, tình hình kéo dài ra có khi Anh lên chức cụ sớm. Chẳng non nước gì nữa. Râu cuống quýt dài ra. Ria hùng hổ mọc thêm. Sau mỗi đêm miên man dài như thuở hồng hoang loài người. Cụ thể hồng hoang cỡ nào, như thời vượn người hay thời người vượn hay thời người tối cổ Néanderthal hay thời người hiện đại Cro – Magnon,… thì không chắc lắm!

Nhà chỉ vài sào ruộng, đất vườn bé tin hít bằng vài khoanh mông trâu gầy đói cỏ mùa đông, bố bảo: “Có việc gì đâu mà làm, tao đánh rắm cái là xong”. Vậy là thành người thừa. Người thừa của gia đình. Anh ra trường như thành người thừa. Có cảm giác chân tay cũng thừa ra với chính mình. Người ta vẫn rêu rao mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình là tế bào thì mỗi con người, như Anh, là phần tử cấu trúc nên tế bào ấy. Vậy mà Anh thừa ra tế bào vẫn sống, xã hội chẳng suy suyễn gì. Có khi nào Anh là phần tử thừa, thừa như ruột thừa trong cơ thể, như núm vú của đàn ông, có cũng được không có cũng chẳng sao, cắt phăng đi vẫn chẳng mảy may ảnh hưởng gì. Anh nghĩ rồi tự kết luận, điêu, thế mà điêu. Người đời ngoa ngoắt thật chứ chẳng đùa.

*

Trời khỏa thân vào thu đẹp như thiếu nữ trong những bức tranh thời Phục hưng của Michelangelo, Leonardo da Vinci, Raphael, Tiziano Vecelli…, đậm đà nuột nà nền nã đã mắt. Nhưng Anh dửng dưng. Thờ ơ và ơ hờ. Mặc chim hót trên cao. Mặc bướm bay dưới thấp. Mặc chuồn chuồn liệng lúc thấp lúc cao. Mặc gió lắt lay. Mặc mây xanh mây trắng loay hoay chuyển mình. Anh thấy mình cứ ù lì đi. Như lạc đà lười trên sa mạc mùa thu rảnh rỗi.

Cạnh bên, nhà hàng xóm bật đài hát oang oang, như đa số một làng quê bất kỳ, luôn có một nhà sắm bộ loa đài vang, rền, nền, nẩy với những tình khúc nhạc vàng nhạc đỏ nhạc xanh nhạc mới lọt lòng chưa kịp phân loại xếp sân, đá nhau lẫn lộn chan chát như lời mẹ chồng nàng dâu xung khắc ở đâu đó. Từ “Anh không chết đâu anh. Người anh hùng mũ đỏ tên Đương…” đến “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em. Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm…”, lại nhảy phắt sang “Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao…” rồi “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Phải. Anh chẳng biết làm gì cho Tổ quốc hôm nay, ngoài việc đi ra đuổi con gà, đi vào đá con chó, đi ngang nhăn nhó với con mèo…

Đùng cái, cậu bạn cùng lớp thời đại học bật đèn xanh. “Trong này còn một xuất, có vào không?” Như chết đuối vớ được cọc. Như buồn ngủ gặp chiếu manh. Như ánh sáng lóe lên cuối đường hầm. Như sau cơn mưa trời lại sáng. Anh gật đầu không cần suy tính đặt xuống hay nâng lên vòng vo tam quốc chí. Ừ thì Nam tiến. Mất gì của bọ. Khi trên răng dưới cát tút bugi thì đâu có đường là ta cứ đi, có phá đường mở lối cũng cứ đi.

Có khi Anh phá đường mở lối thật. Nhà đã có ai ở phía xa xôi ấy đâu. Kể ra mung lung phết. Mung lung như gió thổi qua thung. Ở hai đầu nỗi nhớ chứ ít gì. Nói ra khéo ông bà bố mẹ xa xót. Nhưng không đi thì làm gì, ở đâu? Thời buổi này đứng yên đã đồng nghĩa với việc thụt lùi.

Anh đi. Lầm lũi và nhẹ nhàng. Không cờ dong trống dập. Không khua chiêng gõ mõ. Hàng xóm không ai biết. Bạn bè chẳng ai hay. Biết và hay để làm gì? Đã thấy nơi ấy là hoa hồng hay ổ gà ổ voi lầy lội cứt trâu cứt bò mà rống tướng lên. Tốt nhất ngậm tăm mà bước. Đeo khẩu trang bịt miệng mà đi. Ổn ổn rồi báo tin sau cũng chưa muộn.

Anh quăng mình và ba lô lên chiếc xe cà rịch cà tàng vào thời điểm thị trấn miền trung du nhá nhem mặt người. Mặt Anh cũng nhá nhem, vô tư lự. Rồi dặt dìu, nhưng mùa xuân chưa kịp theo én về, mới xuống đến thành phố, bác tài bóp còi pim pim đánh thức dậy. Một tay dụi mắt một tay che miệng ngáp theo phản xạ, hai tai Anh nghe: “Nhà xe vô cùng xin lỗi, ít khách quá nên xe không thể chạy tiếp được. Chạy nữa chỉ còn cách xe phải đổ nước lã – Nghe đâu có ông thầy lớn lớn ở một trường đại học to to ôm mộng cho xe chạy bằng nước lã, chọc vấy ra để báo chí bu vào tung hô, nhưng chẳng đâu vào đâu đã bỏ của chạy lấy người ra làm một chức to đùng ở Bộ Học rồi – Vậy nên xe phải sang khách.”

Thì sang. Đã lầm lũi đi kiểu gì cũng chiều. Anh tiếp tục quăng mình và ba lô lên xe khách khác, vẫn dạng cà tàng cà rịch. Nếu xe trước là tập 1, xe này đáng là tập 2, đủ điều kiện xếp hạng… di tích, đưa vào bảo tàng ngành giao thông vận tải, nếu có. Bản thân xe còn chạy, chính nó đã như bảo tàng di động.

Ngồi trong “bảo tàng di động”, Anh thấy chị Hằng và chú Cuội méo xệch vì trăng đầu tháng còn quá non nớt. Giấc ngủ chập chờn trộn cùng tiếng gầm rú của xe, khói bụi của đường, và mùi người tha phương cầu thực lẫn tha nhân cầu lộc. Đến đêm thứ hai giấc ngủ của Anh không còn được ở mức chập chờn nữa. Mà là rờn rợn.

Xe leo đèo. Bò như ốc sên trên miệng vại. Con ốc sên uể oải kiệt sức như vừa xong một cuộc giao hoan nên bò như là một cực hình, như là một việc làm quá sức, như một cuộc thách thức mà nó chưa từng trải. Binh… inh… nh… h. “Ốc sên” khựng lại. Rồi rướn lên. Như say. Như hụt hơi. Như đuối sức. Dềnh dàng và dặt dẹo. “Không lẽ xe rạn lốp nổ săm? Nổ săm giữa đèo có mà bỏ mẹ!” Anh nghĩ và Anh lại tự phỉ thui mồm mình. Anh cố trấn an mình. Căng mắt nhìn ra ngoài. Trời âm u đen mờ mờ le lói vài ngôi sao cô đơn còn tán tỉnh nhau lúc quá giờ giới nghiêm. Tự nhiên thấy mình nhỏ nhoi hơn cả những gì được dùng để so sánh đối chứng với từ… nhỏ nhoi. Vèo xuống dưới vực đen ngòm kia là xong. Như vào hố đen vũ trụ. Tựa lông hồng bay vào hư không.

Lên đến đỉnh đèo mới biết xe nổ săm thật. May là bánh đôi nên cố lết được. Mất nửa giờ cho nhà xe lấy hồn về nhập xác và lấy săm mới về nhập lốp, con ốc sên mới có thể trườn xuống phía bên kia.

*

Hôm sau mảnh đất phương Nam chào anh bằng bộ ba “nắng vàng, biển xanh và anh”. Anh trong ngoặc kép là cậu bạn. Cậu bạn tên Kha. Ra trường Kha có quý nhân lôi vào Nam từ đầu năm học nên mọi thứ Kha đã thuộc nằm lòng như người… ở trỏng.

Chưa bao giờ Anh nghĩ Kha lại là người kiếm việc cho mình. Thật. Không biết đâu mà lần.

Kha đón anh ở bến xe.

– Mới hai ngày hai đêm mà râu ria mày mọc tưng bừng quá. Đi. Đi thôi. Vậy là ngon rồi. Về chỗ tao. Mọi thứ mai tính.

– Thêm hai ngày nữa có khi mông tao mọc mụn luôn chứ râu ria nhằm nhò gì. Anh nói rồi cười, rồi nhảy lên sau xe Kha.

“Chỗ tao” là căn nhà trọ đường vào vòng vèo lượn lờ ngoặt phải ngoặt trái  liên tục một hồi mới tới, nếu tính từ trục đường xương sống của thành phố. Căn phòng không rộng lắm nhưng vẫn có giường có bếp có nhà vệ sinh và bộ bàn ghế cùng bảng để dạy thêm ngoài giờ, môn Hóa chứ không phải môn Sinh, còn nham nhở với công thức phân biệt các loại rượu, rượu no và rượu không no, rượu đơn chức và rượu đa chức. Ngập ngụa trong rượu. Bề bộn, tùng phèo mọi thứ như phòng ở dã chiến, dạy và học dã chiến.

– Hề hề – Kha cười – Tạm thời thế đã. Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu.

Đồng ý! Ở bao nhiêu. Cao một mét sáu lăm, đúng chuẩn chiều cao nam giới dân tộc dù tuổi thơ toàn khoai độn cơm với cơm độn khoai, sắn chở cơm với cơm chở sắn, xem như hồng phúc của nhà vẫn còn. Nếu mặc cả thêm chân vòng kiềng thì thêm được vài phân nữa, chẳng bỏ bèn gì, diện tích chiếm chỗ chẳng là bao.

Từ phòng tắm bước ra. Anh như người trở về từ lòng đất. Gột rửa hết được bụi bặm đường xe. Nghĩa là đã tút tát xong phần… nước gỗ.

– Đi. Đi làm vài li nhiệt liệt chào mừng.

Quán nhậu cách phòng trọ vài phút xe máy với tốc độ… lừng khừng.

Bãi đất trống rộng. Khoảng gần 30 bàn. Đông như mối chạy loạn. Ồn ào náo nhiệt. Chạy bàn lao vào lao ra chạy ngang chạy dọc như con thoi, thoăn thoắt. Già trẻ lớn bé chìa vé số mời, vui như hội. Ai ai cũng nói có số đẹp, hi vọng sẽ đem niềm vui đến cho mọi người. Khổ thế. Nếu có niềm vui thật, phát lộc phát vui thật người ta có bán đi dễ dàng vậy không, hay lại phát rồ phát điên lao vào giành giật? Thêm hai anh chàng có điệu bộ xăng pha nhớt lẫn dầu diezen hát những bài não nùng phục vụ các thượng đế, tưởng chừng bảy nốt nhạc vui đô rê mi fa sol la si ngấm vào tận đĩa mồi, chén nước chấm, ly bia. Để ít phút sau đến từng bàn, lúc thì nói giọng basso lúc thì baritone, khi thì tenor khi thì contralto, lúc lại mezzo-soprano lúc lại soprano, với nội dung: “Xin lỗi anh Hai chị Ba, em xin có vài lời. Đây là kẹo kéo càng kéo càng dài càng nhai càng ngọt, ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Cô nào chồng bỏ chồng chê. Ăn cây kẹo kéo chồng mê, chồng về. Anh nào vợ dỗi bỏ bê. Ăn cây kẹo kéo vợ phê, vợ về. Kẹo kéo ăn béo đỏ da. Thuốc tây thuốc ta thua xa kẹo kéo. Xin kính mời anh chị.” Người gật kẻ lắc. Anh thấy náo nhiệt và vui vui, như mùa thu tháng Tám năm nào mà sách vở phim ảnh hàng năm vẫn nhắc.

Anh và Kha hồn ai người ấy giữ, chai ai người ấy uống, vừa hết hai chai thì bàn bên có các thể loại giọng, bật volume miệng maximum kéo từng dây câu sáu câu tám than thân trách phận về thời buổi này kiếm việc khó khăn. Dù không để ý nhưng bàn sát bàn, gần quá gần, kiểu môi hở răng lạnh. Tai Anh lại vừa ngoáy hết ba cây bông ngoáy tai lúc tắm xong nên nghe rõ như nghe câu chuyện cảnh giác đêm khuya những đêm tối trời thanh vắng đến rợn người.

Giọng đùng đục đậm đặc của anh chàng quần trắng áo đen: Đầu đường Xây Dựng bơm xe/ Cuối đường Kinh Tế bàn chè đậu đen/ Ngoại Thương mời khách ăn kem/ Các anh Nhạc Viện thổi kèn đám ma/ Ngân Hàng ngồi dập đô la/ In giấy vàng mã sống qua từng ngày/ Sư Phạm trước tính làm thầy/ Giờ thay kế toán hàng ngày tính lô.

Cô nàng quần đen áo trắng ngồi cạnh hò dô tiếp sức: Điện Lực chẳng dám bô bô/ Giờ đang lầm lũi phụ hồ trên cao/ Lập trình chả hiểu thế nào/ Mở hàng trà đá thuốc lào… cho vui/ Nông Nghiệp đến hỏi ngậm ngùi/ “Số em chắc chỉ tiến lùi theo trâu”/ Nhìn quanh Thương Mại đi đâu?/ Hóa ra là đã nhảy tàu đi buôn…

Phía đối diện, anh chàng giọng khê khê nồng nồng như mùi bả hèm cháy, tăng tốc: Ngoại Ngữ vẻ mặt thoáng buồn/ Đang ngồi viết sớ, kiêm luôn bói bài/ Báo Chí buôn bán ve chai/ Giao Thông đi chở thuê ngoài Đồng Xuân/ Bách Khoa có gặp đôi lần/ Buôn đồ điện hỏng, kiếm cân dây đồng/ Mỹ Thuật thì bận chổng mông/ Đục khắc bia mộ, chờ mong lên đời.

Cô nàng giọng chua như nước sấu đầu mùa vừa qua bão lớn về đích một cách hoàn hảo: Mỏ Địa Chất mới hỡi ôi/ Sáng thồ hai sọt chào mời mua than/ Thủy Sản công việc an nhàn/ Chiều cân mớ cá cuối làng ngồi rao…/ Hàng Hải ngồi gác chân cao/ Mơ ngày trúng số mua tàu ra khơi/ Bác sĩ, Y tá có thời/ Học xong về huyện được mời chích heo…

Thánh thật – Anh nghĩ – Tên nào rảnh rỗi ngồi nặn ra bài vè hay đáo để. Có lẽ cũng là một tên… thất nghiệp. Ít ra Anh đã thoát được nghề… tính lô giành cho anh Sư phạm như bài vè trên.

Ông Bút Tre còn sống có khi phải vái lấy vái để tay nào nghĩ ra được bài này – Kha nghĩ – rồi quăng bút về nhà trồng tre vì đã có truyền nhân hậu sinh khả úy xuất hiện nhận ấn kiếm truyền ngôi làm thủ lĩnh thơ ca dân gian đương đại còn gì.

Cuộc nhậu tàn. Trăng treo lửng lơ lờ đờ như chú Cuội đang say. Hay có khi Anh say? Gió phương Nam hào phóng lồng lộng.

Thật. Không biết đâu mà lần.

Tác giả Văn Thành Lê

Hai

Buổi sáng.

Trời đẹp.

Anh tỉnh giấc. Nếu tối trước tắm xong như từ lòng đất trở về, thì ngủ dậy Anh thấy mình như vừa trở về từ thế giới bên kia của bên kia. Ngủ say như chết đi sống lại hai lần. Như thể báo thù hai đêm dật dờ trên chuyến xe đường dài.

– Xong hết chưa? Giờ đi kiếm gì ăn rồi lên trường phát cho hoành tráng.

Kha nói khi Anh chuẩn bị rót ly nước lọc thứ ba. Anh để ý đến ly nước hơn là lên trường kiểu gì cho hoành tráng? Cuộc nhậu đêm qua làm Anh khát nước. Nước vào miệng như trôi tuột xuống bàng quang. Cổ họng ráo hoảnh. Uống bao nhiêu nước vào vẫn cứ thấy thiếu.

– Vào trường, xem có nhà tập thể cho giáo viên thì tính toán luôn. Chứ đi đi về về không được tiện lắm. Nhất là mùa mưa.

Anh nói với Kha. Trong lúc tay đang ngắt những lá rau húng bỏ vào tô bún.

– Ừ. Để xem thế nào đã. Kha trả lời, khi đã xong miếng thứ hai.

Từ lúc xong miếng thứ hai đến khi “Để xem thế nào đã” được cũng mất non buổi sáng.

Hóa ra ngôi trường Anh đến không phải ở thành phố. Mà là huyện. Cuối huyện. Đồng nghĩa với giáp thành phố. Từ trung tâm thành phố ra cỡ gần mười cây số. Không quá xa. Vì đường lớn thênh thang, chỉ sợ không có xe để chạy, hoặc có xe thì sợ không có xăng để chạy.

Ngôi trường nằm sừng sững giữa những cánh đồng rau.

– Vùng này là xứ sở của rau – Kha giới thiệu – Xanh quanh năm. Mướt mắt. Nhìn là thấy màu hi vọng, màu sự sống. Còn thực hư thế nào tao không biết. Nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy.

Ừ. Xanh. Mơn mởn. Căng tràn nhựa sống. Không biết liệu có toàn thân căng tràn thuốc kích thích. Mà thuốc sinh trưởng đại nhảy vọt. Mà hóa chất nồng nặc đậm đà bản sắc dân tộc.

Thầy phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tiếp Anh và Kha. Bắt tay. Cười. Mời nước. Cười. Ân cần và niềm nở. Nhẹ nhàng và chu đáo.

– Nhà trường đã nhận được quyết định của Sở về trường hợp của em. Rất tiếc hôm nay hiệu trưởng có cuộc họp ở Sở nên có gì mình sẽ trao đổi với em. Thế này nhé. Tuần sau sẽ bắt đầu đứng lớp. Là bắt đầu vào học kỳ II của năm học. Giờ đang thi học kỳ I. Thời khóa biểu cuối tuần sẽ xếp lại. Giờ em đang ở đâu? Ổn định được chỗ ở chưa?

– Dạ. Em đang ở tạm chỗ bạn trong thành phố. Anh nói và nhìn qua Kha.

– Trường có nhà công vụ, cách đây khoảng cây số rưỡi. Nếu em có nhu cầu thì nhà trường sẽ sắp xếp.

Được lời như cởi tấm lòng. Còn mong gì hơn nữa. Anh trả lời ngay như thể sợ gợi ý của thầy phó hiệu trưởng rơi đi mất.

– Dạ. Được vậy thì tốt quá ạ.

– Đây! Mới nói là thấy ngay. Long, Long ơi. Thầy phó hiệu trưởng gọi với ra hành lang, nơi có một người vừa đi qua.

– Thầy gọi em? Người được gọi tên Long quay lại phòng.

– Long vào đi. Mình nhờ chút. Giới thiệu với hai em đây là thầy Long, giáo viên Vật Lý, hiện ở trong khu tập thể trường, và cũng là trưởng khu tập thể.

Long chủ động bắt tay Anh và Kha. Cái bắt tay chắc nịch kiểu có cường độ dòng điện mạnh.

Sau một hồi bắt chuyện, làm quen, thầy phó hiệu trưởng chốt lại câu cuối cùng:

– Long hết tiết rồi phải không? Giờ đưa hai bạn về khu tập thể xem qua, nếu bạn đồng ý thì Long sắp xếp phòng cho bạn luôn nhé.

*

Long chạy xe trước. Anh và Kha chạy xe theo sau. Lại luồn lách qua những cánh đồng rau. Hành. Ngò gai. Hẹ. Cải củ. Cải bắp. Su hào. Húng chó. Diếp cá. Tía tô… Những vườn rau vuông vắn như bao diêm. Giữa những “bao diêm” lớn lớn có những ngôi nhà be bé làm tạm lợp mái lá, là nơi để dụng cụ canh tác, phân bón và máy tưới nước. Xen giữa màu xanh của rau là những con người quần quật mặt cắm sát đất phao câu vươn trời cao, cao mãi.

Kha dừng xe đột ngột sau xe Long, Anh nhận ra ngôi nhà trước mặt là khu tập thể. Vẫn là những vườn rau xung quanh. Một vài người đứng ngồi dọc hành lang. Anh nghĩ, chắc là thầy cô đây. Anh và Kha chào, cùng lời giới thiệu kèm theo của Long.

Cảm giác đầu tiên là, khu tập thể tồn tại kiểu cha chung không ai khóc. Cỏ mọc lút từ mép cổng vào mép khuôn viên sân. Dây phơi đồ dọc theo hành lang phất phơ quần đùi áo may ô, áo cánh áo lá, quần con quần bố quần mẹ của nam và nữ. Màu sắc phong phú sặc sỡ. Phấp phới tung bay.

Long dẫn Anh vào phòng đầu tiên, nói: “Đây là phòng mình. Cả khu có năm phòng, mỗi phòng rộng ba mươi mét vuông, có vê kép xê riêng từng phòng. Hiện khu tập thể có mười giáo viên, năm giáo viên nữ hai phòng cuối, năm giáo viên nam ở ba phòng đầu. Mình ở một mình, nếu cậu có nhu cầu thì vào ở cùng với mình luôn.”

Anh dạ dạ vâng vâng, cảm ơn cảm kích cảm động với Long nhiệt tình và gần gũi.

– Phải đầu tuần sau em mới chính thức dạy, nếu được thì cuối tuần em chuyển đồ vào.

– Nếu cậu vào, mình sẽ lên trường mượn bộ bàn ghế về, cho hẳn cậu đặt bàn bên cửa sổ.

Long nói và chỉ tay. Theo tay Long là cửa sổ chính diện, có tàng cây trứng cá chĩa thẳng vào tận cửa sổ gió phe phẩy cành như con mụ hàng cá phe phẩy quạt đuổi ruồi.

– Dạ. Anh trả lời.

– À, mà đầu năm có mấy em mới về đấy. Cũng được phết. Đang ở phòng cuối. Cậu về nhanh tay hớt lấy một em cho nó ngoạn mục. Mà đã có người yêu chưa?

– Dạ, em chưa?

– Trông mặt mũi thế này mà chưa cũng hơi vô lý? Nội thất có hỏng hóc gì không đấy?

Anh và Kha cùng cười. Anh nói:

– Anh cứ vui tính. Con gái giờ yêu kiều nhiều nhưng cũng yêu quái lắm. Phải có cơ chúng mới gật, như cơ ngơi hoặc trong diện cơ cấu, không có hai thứ ấy thì ít nhất phải có cơ bắp. Em đến cơ bắp cũng thua thì gái nào thèm nhìn.

– Cậu lại vơ đũa cả nắm. Thời buổi này, nhìn đàn ông ra đàn ông là chị em nó tự bu vào thôi. Con gái sợ nhất khoản lẫn lộn giới tính. Thế giới đang bị nữ hóa đi thì phải. Đúng là kỷ nguyên của chị em. Các tổ chức kêu gọi bình đẳng với nữ giới chắc hả hê lắm, vì khối đàn ông giờ cũng muốn làm đàn bà.

Long nói và cười.

– Đây nhé, nồi niêu xoong chảo đây. Bếp ga đây. Đủ cả, nhưng ở một mình nên mình lười, góp gạo thổi cơm chung với hai phòng bên, ăn uống ở đây cũng đơn giản. Nói chung là anh em sống được chắc cậu không chết.

– Ở đây anh em đoàn kết và vui là chính. Nhưng nếu ai thích yên tĩnh thì có vẻ không hợp lắm. Khu tập thể nó cũng như xóm trọ hồi sinh viên. Khác chăng là ít trò lố hơn tí, ít tự nhiên chủ nghĩa hơn tí, vì xung quanh phụ huynh học sinh vẫn qua lại vẫn thầy thầy cô cô nên không dám lố cực đại. Phòng hơi bẩn nhỉ. Con trai mà.

Sau ba từ “con trai mà”, Anh thấy mạng nhện dăng mắc khắp phòng, như thể phòng này nhện là chủ nhân chứ không phải Long.

Tự dưng Anh nhớ đến những khu nhà trọ sinh viên. Thời ấy hào hùng và căng tràn những kỷ niệm.

*

Năm nhất. Xóm trọ Anh nằm chót vót trên đỉnh con dốc cao nhất thành phố. Mỗi lần đi học lao xe xuôi dốc mát lạnh dựng tóc gáy. Khi ngược dốc đạp muốn dựng lông chân. Mệ chủ xóm trọ thương lũ sinh viên các Anh như thương con mọn. Có gì cũng chia. Có gì cũng phân phát. Ngày vài ba bận. Chia đầu xóm tới cuối xóm như phát chẩn. Mỗi tội mệ cấm tiệt không cho con gái vào xóm, bất kể với lý do gì, dù là gái đẹp hay gái xấu, dù là đầu gấu hay tiểu thư, dù là thiếu nữ hay sồn sồn hai nách hai con.

Đến bây giờ Anh vẫn không hiểu sao mệ lại căm hờn lại giục căm hờn với con gái như vậy. Có ngày mưa nhàn rỗi cả xóm ngồi tán láo đưa trường hợp vô lý cực đoan của mệ ra tìm nguyên do nguyên cớ, mãi vẫn không tài nào có kết luận chắc chắn.

– Có khi hồi trước mệ bị cô nào đó cướp chồng thành đơn độc lủi thủi lẳng lặng nửa đời còm cõi căm hờn.

– Hay là do con trai mệ bị vợ hành lên hành xuống quăng quật bòn rút hết tiền rồi bỏ lại cái xác lạc hồn vượt biên đi theo trai khác sang tận nửa vòng trái đất rẻ tầng mây bên kia ăn sung mặc sướng không một lần đoái hoài chồng con. Vậy nên mệ ác cảm với đàn bà con gái.

– Có khi…

– Có khi…

– Có khi…

– Hay là…

– Hay là…

– Hay là…

Rất nhiều những… có khi và… hay là.

Là giả thuyết vậy. Đoán già đoán non vậy. Chắc chắn một điều cô nào vô tình không biết chỉ cần đến cổng gọi ai đó trong xóm là mệ chửi như lật ngược gia phả dậy mà chửi, lên trầm xuống bổng, nhấn nha nhấn nhá nhả từng từ thuần thục mướt mát hơn ối ca sĩ chỉ chực lăn lê bò trườn rống lên trên sân khấu, như tiếng rống của trâu bị đâm trong lễ hội đâm trâu ăn mừng chiến thắng ăn mừng mùa màng bội thu hay có sự kiện quan trọng gì đó của các dân tộc Tây Nguyên bazan đất đỏ với trập trùng núi bập bùng mây và bềnh bồng sương, rồi hét giá cát – sê một buổi hơn cả đời nông dân cày cấy đổ mồ hôi hoa mắt chóng mặt bây giờ.

Năm hai. Anh xuống núi, xóm trọ ngay mép sông, mỗi mùa mưa như quê em mùa nước nổi. Mưa chán chê ê hề rồi tạnh mà nước vẫn dâng. Đầu tối nước dâng vào phòng mới chớm chân thoáng chốc nửa đêm đã chớm… chim. Đục mái tôn ngồi vắt vẻo mái nhà vừa nhai mì tôm sống vừa ngắm trăng và ngắm rác rưởi phều phào phập phồng tham quan xóm trọ. Đâu đó có tiếng sáo tiếng guitar não nề câu gái trộn cùng tiếng mèo kêu chuột chạy chó tru. Anh và lũ con trai giả giọng lồng tiếng phim Hồng Kong, Đài Loan kể chuyện ma. “Đêm hôm đó, Đào về nhà, trong lòng bực tức vì đánh con đề 89 mà nó lại về 90…” Được lúc, sợ quá, cả đám lại rú lên ôm chầm lấy nhau kêu oái oái thiếu trượt chân lăn từ mái nhà bum bũm xuống nước đang kiên trì lì lợm dâng cao. Chờ mãi vẫn chưa hết đêm thì quay ra vỗ đùi khen tiên sư lão già Aitmatov ở mãi xứ Kyrgyzstan rất nhiều núi đồi và thảo nguyên với cây phong, sếu, lạc đà, chó(1) lại có thể nghĩ ra được cụm từ hay thế, một ngày dài hơn thế kỷ.

Xóm trọ thứ ba có ba dãy nhà thành hình tam giác. Chui vào xóm như lạc vào mê cung bùng nhùng kiến trúc chắp vá đầu thừa đuôi thẹo. Không thể biết đầu ông chủ nhà chuyên cởi trần bụng phệ miệng nói không kịp để lên da non nghĩ gì mà cho xây xóm trọ kiểu này. Trong tam giác vàng ấy thi thoảng lại có vài vụ chí chóe lên xuống như đồ thị giá vàng. Chị bán xôi mồi chài anh thợ điện. Anh thợ điện âm mưu tiện chị cắt tóc. Con em học nghệ thuật tí tởn điên điên cuồng cuồng lao tâm khổ tứ với cu em học báo chí. Dí nhau loạn xà ngầu. Năm bữa nửa tháng lại có cảnh cãi vả – hòa giải – đoàn kết – thương yêu. Bốn bảy hai tám ngày lại có cảnh tốc váy – tung quyền – văng tục – bắt tay – ôm chầm nức nở. Đủ mọi sắc thái biểu cảm, như cả xã hội bị bùa mê thuốc lú phù phép hô biến thu nhỏ thành xóm trọ, bé tí ti mà gì cũng có.

Những cảnh sinh viên, sau khi ra trường tưởng đã trôi tuột đi, đơn giản nhẹ nhàng khoan khoái như một cơn tháo dạ, nào ngờ gặp khu tập thể giáo viên nó lại dội về trong Anh.

– Thôi. Kiểu này không ở khu tập thể được mày ạ. Trên đường về Kha nói với Anh.

– Hay cứ về ở chỗ tao. Xa tí nhưng tự do tự nhiên tự tại. Ở tập thể, chiều chiều nhậu, nói chuyện vặt, đánh bài. Có mà xụi lơ. Không hợp với mày.

Vẫn là Kha, phát tín hiệu định vị chỗ ở cho Anh.

Anh nghe thấy cũng phải.

Trường ở ngoại ô. Khu tập thể ở ngoại ô của ngoại ô. Quay đâu cũng xanh ngắt một màu rau. Nghĩ đến cảnh sáng lên lớp chiều lập hội bài chung tiền tối nhậu có khi ba bảy hai mươi ngày rưỡi Anh không trụ được. Người lại xanh như rau, đến một ngày nào đó ai thấy lại tưởng người là thực vật, khỏi cần ăn, chỉ phơi nắng tự quang hợp cũng sống khỏe re thì…

Thật. Không biết đâu mà lần.

———————————–

(1): Aimatov là nhà văn người Kyrgyzstan (Liên Xô cũ) nổi tiếng với những sáng tác về quê hương ông, như: Truyện núi đồi và thảo nguyên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Mắt lạc đà, Sếu đầu mùa, Con chó khoang chạy trên bờ biển, Một ngày dài hơn thế kỷ v.v…



Văn Thành Lê

Nguồn: vanvn.net