Trở lại cả sự trong trẻo của tuổi học trò trong câu chữ giản dị, những đoạn kể chuyện gọn gàng, sinh động với diễn biến tâm lý khá phong phú của các nhân vật, cùng những đoạn miêu tả cảnh vật khiến người đọc hình dung thấy đẹp như bức tranh.


Cuốn truyện dài “Hoa dại” (NXB Kim Đồng, tháng 10-2016) của nhà văn Lê Phương Liên trở lại, tái bản có chỉnh sửa sau lần in đầu tiên cách đây đã hơn 20 năm. Và dường như, cuốn sách còn gợi nhớ về ấn tượng xôn xao một thời, khi những “Hoa học trò”, “Mực tím”… “lên ngôi”. Thời mà những trang viết, những lời tâm sự, những câu chuyện hết sức phong phú về học trò, của học trò được “bay” trên báo chí. Chúng khiến cho “người lớn” nhận ra rõ hơn trước mắt họ là cả một thế giới rộng lớn, đa màu sắc, nhiều rung cảm, hồn nhiên và thánh thiện của tuổi học trò. Một thế giới trên con đường tuổi thơ, mong manh, vụng dại, tươi trẻ, những ước mơ, hoài bão nảy nở, tính cách con người được hình thành rõ nét hơn. Một thế giới mà nghĩ về nó, người ta không thể coi thường cho rằng chỉ là những chuyện con trẻ.

Như lời bộc bạch cuối sách, nhà văn Lê Phương Liên viết cuốn sách này dựa trên câu chuyện có thật do một cô bé là nhân vật trong sách kể lại, nay cô bé ấy đã thành luật sư. Đời sống thực luôn ẩn chứa nhiều điều lạ lùng, những ngẫu nhiên kỳ diệu, những hoàn cảnh đặc biệt. Để từ đó, nhà văn thẩm thấu vào trang viết của mình: Chàng trai trẻ bỗng một ngày giúp cứu sống người phụ nữ đã chăm sóc mình trong quãng thời gian chỉ được ít tháng tuổi sau khi mẹ qua đời trong bom đạn. Những người cùng làm việc nghĩa, nuôi lấy đứa trẻ mồ côi, bặt tin nhau cho đến ngày gặp lại khi đã sống ở gần nhau rất lâu mà không biết…

Và ở cuốn sách nhỏ “Hoa dại”, những chi tiết của câu chuyện thực ấy hiện lên qua cái nhìn thân ái của nhà văn với tuổi trẻ. Không phải như băn khoăn đâu đó ngoài đời, hay như một số nhân vật phụ huynh trong chuyện, lo lắng về suy nghĩ, hành động của con em mình ở tuổi đang chuẩn bị và bắt đầu đặt chân lên ngưỡng cửa cuộc đời. Mà nhà văn gửi lòng quý mến, thái độ tôn trọng của mình đến các bạn trẻ. Trong câu chuyện này, tuổi trẻ đó là các em học sinh thiếu niên, thanh niên. Họ vẫn giữ nét hồn nhiên của tuổi thơ, nét hiền lành dễ mến của tuổi học trò một thời, nhưng trước mắt họ cũng đang đặt ra những câu hỏi về ý thức trưởng thành của bản thân, ý thức trách nhiệm đối với gia đình, những nguyên tắc ứng xử cần trang bị trong môi trường học đường và ngoài xã hội…

Những trang viết còn cho thấy niềm tin chân thành của tác giả vào suy nghĩ, hành động tuổi trẻ. Kể cả khi họ có những việc làm nào đó hơi vội vã, hơi bột phát thì người viết cuốn sách này vẫn… ngầm “bênh”. Vì nó xuất phát từ trái tim nhân hậu và tình cảm chân thành muốn giúp đỡ người khác. Chàng sinh viên y khoa đã lấy trộm của bố nuôi và mẹ kế số tiền lớn để lo phẫu thuật cho một người mẹ đang lâm vào tình thế hiểm nghèo. Có thể gây sửng sốt, bàng hoàng cho những người mất tiền, nhưng cuối cùng, mọi khúc mắc đã được giải quyết tốt đẹp. Cậu học trò con nhà khá giả, quen được nuông chiều, hay trêu chọc, dọa ma các bạn gái cùng lớp. Nhưng qua những tình huống bất ngờ, qua cả biến cố gia đình, đã có nhiều điều thay đổi và tình cảm trìu mến, chan hòa giữa các cô cậu học trò được nhóm lên.

Câu chuyện dài về những người bạn trẻ được thể hiện sinh động qua từng phần nhỏ: Trò dọa ma, câu chuyện kể lại gốc gác, chuyến đi tìm câu hỏi từ quá khứ, cuộc phẫu thuật, cuộc thi học sinh thanh lịch… Tác giả khéo léo lồng ghép suy nghĩ, tâm trạng của các nhân vật vào những sự việc nối tiếp nhau của câu chuyện, khiến cho nội dung chuyện ngắn gọn, dung dị nhưng truyền tải được nhiều điểm nhìn. Và mỗi nhân vật lại thể hiện được nét đáng yêu, đáng mến của mình. Bởi thế, mỗi con người trong truyện, như một cánh hoa tươi, một chiếc lá mới, một vạt mây, một cánh gió… góp nên bức tranh chuyển động của cuộc sống. Ở đó có buồn thương, lo toan, có băn khoăn lứa tuổi hay những dằn vặt bản thân và cả sự náo nức với những xao xuyến đầu đời… Nhưng tất cả luôn hướng về những gam màu sáng trong, tốt đẹp.

Và cũng không phải kết thúc câu chuyện mới có hậu. Mà thường xuyên qua mỗi sự việc, mỗi trang viết, các nhân vật cũng luôn làm đẹp đời sống bằng nét đẹp trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử và niềm thương mến, ý thức sẻ chia từ trái tim mình. Người viết bài này thêm hiểu vì sao đến nay, ở tuổi lên bà, nhà văn Lê Phương Liên với nhiều trang viết hay cho tuổi thơ, vẫn thường gọi các bạn, xưng tôi một cách thân mật và bình đẳng. Có lẽ nhà văn là một trong những người hiểu rõ nhất rằng, trong tuổi thơ, trong tuổi trẻ luôn có những con đường cỏ hoa, những khoảng không gian và những tòa lâu đài khiến tất cả mọi người, kể cả những ai đã đi qua cũng phải ngỡ ngàng.

DƯƠNG XUÂN – Nhân dân