Truyện dài dù không phải là thể loại văn học mới nhưng đã và đang được các cây bút trẻ, độc giả và một số đơn vị làm sách chú ý. Vậy tại sao truyện dài lại có sức hút và ưu thế như vậy?

Nở rộ tác phẩm văn học Truyện dài

Truyện dài là một khái niệm thường được cho là nằm giữa giữa tiểu thuyết và truyện ngắn. Về độ dài, truyện dài có dung lượng chữ lớn hơn truyện ngắn khoảng 4-6 lần nhưng cũng kém vài lần so với độ đồ sộ của tiểu thuyết.

Tại các cuộc thi văn chương của một số đơn vị chuyên về văn nghệ như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam… truyện dài ít khi là hình thức được lựa chọn, đa phần là truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.

Một cuộc thi dành cho các cây bút trẻ, gần như sớm nhất chấp nhận thể loại truyện dài song song với truyện ngắn là cuộc thi Văn học tuổi 20, hiện giờ đã là lần thứ 5. Qua vài cuộc thi, nhìn từ kết quả và những tác phẩm được in sách có thể thấy truyện dài ngày càng áp đảo và chiếm được giải thưởng cao.

Nếu ở cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần thứ 3 có 8 cuốn sách được giải thì truyện dài và truyện ngắn có số lượng bằng nhau; 4 – 4. Sang đến cuộc thi lần thứ 4, với 9 cuốn sách được giải thì chỉ có 3 cuốn là tập truyện ngắn, còn 6 cuốn là truyện dài, truyện vừa, tiểu thuyết. Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 tuy chưa có kết quả chính thức cuối cùng nhưng đã có 18 cuốn sách được in và ra mắt độc giả thì có đến 13 cuốn thuộc thể loại truyện dài. Trong số ba cuộc thi kể trên, cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3, thứ 4 đã có kết quả và giải cao nhất đều thuộc thể loại… không phải truyện ngắn.

Cuộc thi văn học tuổi 20 lần 4 bên cạnh cách gọi tác phẩm truyện dài còn có tiểu thuyết, mặc dù dung lượng cũng chỉ trên dưới 200 trang, ví dụ như gọi tác phẩm Biển của Trương Anh Quốc là tiểu thuyết với 284 trang, tiểu thuyết Những giao diện ẩn của Thiên Ngân có 116 trang, tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn có 150 trang… Vậy nhưng, tại cuộc thi lần thứ 5 đã và đang vào giai đoạn chờ kết quả cuối cùng thì tất cả các tác phẩm “không phải truyện ngắn” đều được gọi tên chung là truyện dài, dù có tác phẩm đạt đến số trang 546 như Urem – Người đang mơ của Phạm Bá Diệp, hay một loạt tác phẩm trên 200 trang như Anh đã đợi em từng ngày của Nguyễn Thị Thanh Bình, Ở trọ Sài Gòn của Nguyễn Hoàng Vũ…

Lấy dẫn chứng từ ba cuộc thi liên tiếp gần đây đủ để thấy truyện dài đã và đang được các cây bút trẻ đầu tư và ít nhiều khẳng định chất lượng. Mặc dù Ban tổ chức cho rằng, các cuốn sách được in ra chưa chắc đã được giải. Hơn nữa, chưa có thống kê trong số các tác phẩm gửi tham dự cuộc thi có bao nhiêu phần trăm là truyện ngắn, bao nhiêu phần trăm là truyện dài, truyện ngắn hay truyện dài áp đảo về số lương?… Nhưng rõ ràng, những cuốn sách được xuất bản, ít nhất cũng phải có chất lượng ở một mức nào đó thì Nhà xuất bản mới quyết định đầu tư, in thành sách.

Cùng với cuộc thi lâu năm như Văn học tuổi 20, mới đây đơn vị làm sách tư nhân Quảng Văn cũng phát động cuộc thi văn học dành cho các cây bút trẻ ở thể loại truyện dài với tên gọi Giải thưởng Đoàn Thị Điểm. Mặc dù cuộc thi có nhiều giới hạn về đề tài – chỉ viết về phụ nữ, giới hạn về thể loại – chỉ nhận tác phẩm là truyện dài, tiểu thuyết với dung lượng không quá 200 trang A4, thời gian cuộc thi chỉ kéo dài từ tháng 3 – hết tháng 11… nhưng cho đến nay, theo thông tin từ Ban tổ chức đã có khoảng 30 – 40 bản thảo gửi về dự thi. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng đã có gần 40 bản thảo tham dự ở thể loại truyện dài, chưa xét về chất lượng ra sao, nhìn vào số lượng cũng khiến một số người quan tâm đến văn chương khá ngạc nhiên. Hoá ra có rất nhiều cây bút mặn mà thể loại truyện dài.

Không kể những cuộc thi tạo cảm hứng cho người sáng tác với sức hấp dẫn của danh tiếng và vật chất, trên thị trường sách, những tác phẩm gắn mác truyện dài, khổ 13x20cm, hoặc bé hơn có số lượng trang từ 150 – 200 trang cũng xuất hiện ngày một nhiều, được độc giả trẻ ưa thích và trở thành cuộc cạnh tranh lành mạnh với truyên ngắn, tiểu thuyết hiện nay.

Tại sao lại là Truyện dài?

Theo dõi thông tin về cuộc thi văn học tuổi 20, độc giả có cảm giác, mặc dù Ban tổ chức đưa ra thể lệ bao gồm cả truyện ngắn nhưng dường như truyện ngắn bị lép vế, không phải là mục đích kiếm tìm chính của Ban tổ chức, không phải “gu” của Ban tổ chức. Tất nhiên, đấy chỉ là cảm giác, mà cảm giác thì có thể đúng, có thể sai. Hoặc, một lý do đơn giản nhất, sâu xa nhất là tại cuộc thi này, những tác phẩm truyên ngắn thực sự có chất lượng kém hơn tác phẩm truyện dài.

Truyện dài, khó hay dễ viết? Bất cứ thể loại nào, dù truyện ngắn, truyện dài hay tiểu thuyết muốn viết hay, không lẫn với tác giả nào đều không dễ. Nhưng ở mỗi thể loại, đều có nguyên tắc riêng. Viết truyện dài tác giả phải huy động số động chữ, chi tiết, các tình huống… khá rộng để tác phẩm “có chuyện”, hợp lý, hấp dẫn và gửi gắm được điều muốn nói đến độc giả. Nếu so một truyện dài và 6 truyện ngắn thì rất khó để nói viết cái nào dễ hơn. Đầu tư viết truyện dài như làm mâm cỗ dựa trên nguyên liệu chính là một thứ, người nấu phải biết chế biến, gia giảm làm ra nhiều món hợp lý, không trùng lặp… Còn viết 6 truyện ngắn thì đúng là mâm cỗ 6 món độc lập.

Tuy nhiên, độc giả trẻ hiện nay có xu hướng thích đọc một câu chuyện đầu cuối với nhiều cung bậc, có thăng trầm, gay cấn, lãng mạn… trước những số phận nhân vật chính – phụ với dung lượng chữ không ngắn và quá dài.

Về phía tác giả, truyện dài là một cuộc thử sức mới, đầy hưng phấn, hăm hở, có thể sử dụng một số phương pháp nghệ thuật mình ấp ủ mà nhiều khi truyện ngắn hạn chế chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, người viết phải tư duy rộng hơn so với truyện ngắn. Viết truyện dài có thể xem là bước đệm quan trọng để tương lai tác giả đặt bút viết tiểu thuyết.

Về phía ban tổ chức, đồng thời là những người làm sách thì quan niệm, truyện dài “vừa sức” với tác giả trẻ. Hơn nữa, với mỗi tác giả đặt bút viết truyện dài và đạt chất lượng thì sẽ có một đầu sách xuất bản. Vì thế, sau mỗi cuộc thi ban tổ chức sẽ mang đến cho độc giả nhiều đầu sách mới. Đây vừa là một phát hiện, một khích lệ đáng kể cho người cầm bút trẻ.

Một nguyên nhân nữa, thuộc về “hậu cuộc thi” được đơn vị làm sách Quảng Văn tiết lộ, hi vọng tác phẩm truyện dài sẽ được các đài truyền hình biết đến, mua lại và chuyển thể thành phim. Hiện nay, nguồn kịch bản phim truyền hình, nhất là dành cho giới trẻ rất thiếu. Nếu được như vậy thì tất cả đều có lợi; cuộc thi gây tiếng vang, có hiệu ứng tốt, đơn vị tổ chức được biết đến nhiều hơn, làm tiền đề cho những cuộc thi về sau, tác giả cũng được thêm nhuận bút. Mà nhuận bút tác phẩm nếu được chuyển thể thành phim cũng rất đáng kể.

Ngay sau khi khởi động cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V, Nhà xuất bản Trẻ đã ký kết hợp tác với kênh truyền hình Today VT về việc chuyển thể những tác phẩm chất lượng và phù hợp thành phim truyền hình.

Có lẽ, vì những lý do trên mà truyện dài đang được xem là mảnh đất khai thác đầy tiềm năng. Và biết đâu, trong tương lai các cây bút trẻ sẽ dành nhiều trang viết của mình hơn nữa cho thể loại truyện dài.

 


Hiền Nguyễn

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version