Chiều ngày 4/12/2013, tại “Nhà Trung tâm Các nhà văn” mang tên A. Phadeev, số 53 Phố Balsaia Nhikitxkaia ở thủ đô Matxcơva (LB Nga), đã diễn ra Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập (1933-2013) Trường Viết Văn mang tên Macxim Gorki
Tham gia buổi Lễ, có Ban lãnh đạo Nhà trường, các Giáo sư, Giảng viên và đông đảo các nhà thơ, nhà văn từng là cựu sinh viên của Trường qua các thời kỳ, các đại biểu các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cơ quan Văn học Nghệ thuật và các Hãng truyền thông Nga và quốc tế… Ba Hiệu trưởng của trường từ 1987 đến nay cùng có mặt trên Chủ tịch Đoàn là các nhà văn: E.Xidorov, X.Exin, B.Taraxov.
Thư chúc mừng Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường của Tổng thống LB Nga Putin, Thủ tướng Metvedev, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã được đọc trang trọng đọc tại Lễ kỷ niệm. Một số Hội nhà văn của các quốc gia từng có mối quan hệ gắn bó với Nhà trường như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Bulgari, Ucraina… cũng gửi Thư chúc mừng.
Trường Viết Văn Gorki tọa lạc tại số nhà 25 đường Tverxkoi Bulvar và mặt sau là nhà số 16 đường Balshaia Bronaia, Matxcơva, được thành lập vào năm 1933 theo sáng kiến của nhà văn Nga Xô-viết Macxim Gorki và năm 1936 thì mang tên của chính nhà văn này. Từ năm 1942, trường đào tạo cả hệ chính quy và tại chức. Từ năm 1953 trường tổ chức các khóa đào tạo văn học chính quy với trình độ đại học. Năm 1983, trường được trao tặng Huân chương Hữu nghị các dân tộc và từ năm 1992 trực thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học LB Nga. Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Nga và Liên Xô cũ đã được đào tạo dưới nhiều hình thức ở trường, trong số đó phải kể đến những tên tuổi như N. Axeev, K.Pautovxki, K.Phedin, K. Ximonov, L.Osanhin, Ch.Aimatov, E.Đolmatovxki, R.Gamzatov, Iu.Bondarev, Rozhdestvenski, N.Rubtsov…; nhiều người trong số họ đã trở thành giảng viên của trường. Những năm cuối thế kỷ 20, sinh viên nhiều nước như Bulgari, Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Cu Ba, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đã được gửi đến học tập tại trường.
Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Nga, Liên Xô cũ và quốc tế đã được đào tạo tại ngôi nhà này của trường Viết văn Gorki.
Nhiều nhà văn, nhà thơ của Việt Nam từng được đào tạo dưới các hình thức khác nhau ở trường Viết văn Gooc-ki, cả chính quy hệ 5 năm, lớp cao cấp 2 năm… lẫn hình thức bồi dưỡng ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng… Trong số đó có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Chu, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Khánh Chi, Nguyễn Đình Chiến… Các nhà thơ, nhà văn học Khóa chính quy cuối cùng sau khi Liên Xô giải thể là: Châu Hồng Thủy, Thùy Linh, Vũ Xuân Hương, Hàm Anh (Phan Thanh Thủy), Nguyễn Chiến Thắng.
Các cựu sinh viên Việt Nam của trường tham dự lễ kỷ niệm năm nay, có nhà thơ Châu Hồng Thủy – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga; nhà thơ Hàm Anh – Học Viện Ngoại giao Việt Nam; dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền – Biên tập viên Đài Tiếng nói nước Nga; cùng các đại diện các cơ quan truyền thông Việt Nam tại LB Nga như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam. Nhà thơ Hàm Anh thay mặt các cựu sinh viên Việt Nam và Khoa Sáng tác Lý luận Văn học của Trường Đại học Văn hóa Việt Nam (đơn vị có mối quan hệ mật thiết với Trường Gorki từ nhiều năm nay) đã phát biểu chào mừng và trao tặng Nhà trường bức tranh Hoa sen. Thư chúc mừng của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và của Khoa Sáng tác Lý luận phê bình Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đã được Hiệu trưởng Nhà trường Boris Taraxov trang trọng giới thiệu tại lễ kỷ niệm.
Từ trái sang: Các nhà văn: Anatoli Kim, Hàm Anh, Boris Taraxov (Hiệu trưởng), Châu Hồng Thủy trong ngày lễ.
Nhân dịp này, Trường Viết văn Gorki cũng đã tổ chức “Phectival Văn học”. Từ ngày 2 đến 4/12, gồm: Hội thảo quốc tế với chủ đề “Trường Viết văn Gorki trong lịch sử đất nước và Văn học nước nhà”, Nhà thơ Hàm Anh tham gia Hội thảo này với bài “Trường Viết văn Gorki đã đem lại những gì cho tôi”; PGS.TS Phạm Vĩnh Cư sang thỉnh giảng ở Trường Viết văn Gorki, không có điều kiện ở lại tham gia Lễ kỷ niệm, nhưng có gửi đến Hội thảo tham luận “Trường Viết văn Gorki với Văn học Việt Nam”, được Hiệu trưởng B. Taraxov giới thiệu tóm tắt nội dung; Hội thảo về Tạp chí Argamax của nước cộng hòa tự trị Tatarstan; Hội thảo về “Những trang Taruskie trong thế kỷ 21” (tên của Almanax Văn học Nghệ thuật được xuất bản định kỳ tại Kaluga – LB Nga từ năm 1961); Hội nghị Bàn tròn “Văn học của thế kỷ mới: từ sáng tạo đến công nghệ”; sôi nổi nhất là “Festival thơ” giữa sinh viên đã tốt nghiệp cùng giảng viên các thế hệ của Nhà trường…
Nguồn: vanvn.net