(Trong phóng sự có sử dụng nhật ký Trường Sa của nhà văn Võ Thị Xuân Hà)

Nhật ký của nhà văn Lê Vũ Trường Giang:
“Đất liền đang dần lùi xa. Đại dương mênh mông chờ phía trước. Sóng điện thoại đang yếu dần. Viết đôi lời vội. Một lời chào ra khơi.
Những người lính Hải quân trên đảo Đá Lớn lãng mạn và kiêu hùng giữa ngàn khơi sóng gió. Chúng tôi nghe các anh hát như lời của bao thế hệ quân nhân nơi đảo xa ngày đêm hiên ngang canh giữ phần đất thiêng liêng của Tổ quốc:
“Cùng với bao chàng trai ra nơi ấy
Ngăn sóng gió biên thùy
nơi ấy là Trường Sa…”

3h sáng, tàu HQ-571 thả neo tại khu vực đảo Song Tử Tây sau chuyến hải trình 2 ngày. Đây là đảo đầu tiên đoàn công tác lên thăm và làm việc. Tôi lặng ngắm bình minh khi đảo còn chưa thức giấc. Trong ánh sáng huyền hoặc, đảo như một khối thiêng của dân tộc kiên cường trên sóng nước Biển Đông. 6h sáng, tàu bắt đầu thả xuồng. Từng chuyến xuồng một lần lượt đưa thủ trưởng đoàn công tác, các đại biểu và hàng quà vào đảo.
Sóng chênh chao. Nắng bắt đầu rực rỡ. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên đảo đã ra cầu tàu đón đoàn công tác từ bao giờ. Gương mặt ai cũng hiện lên nụ cười, những cái bắt tay, những cái ôm thân thiết tự bao giờ.
Sự sống bất khuất trên đảo xanh đang dần hồi sinh sau cơn bão dữ 2021. Tiếng chào cờ, khúc quân hành rạng bừng ngày mới.
Xin chào Song Tử Tây!
Biệt đội D2 chào đảo Sinh Tồn.
Đây là một trong những đảo nổi gần với các đảo bị chiếm đóng như Ga Ven, Gạc Ma, Huy Gơ và thường xuyên bị lực lượng chiếm đóng này quấy rối, khiêu khích.
Sinh Tồn như chính tên hòn đảo mang, đã vượt qua những cơn phong ba, bão táp, luôn kiên cường, giữ vững chủ quyền quốc gia. Ở đó có những con người “sinh tồn” cùng với đảo như anh Đảo trưởng đã 17 tháng không về nhà, tận lực bảo vệ từng tấc đất biển đảo quê hương.
Mỗi lần theo xuồng CQ vào đảo là mỗi cảm giác khác nhau. Là đảo nổi với cụm xanh ngát nhô lên giữa lòng đại dương. Là đảo chìm với những công trình được xây lên từ mặt nước chơ vơ..”
(Tháng 5 năm 2022)

Nhật ký của nhà văn Võ Thị Xuân Hà:
“Từ chỗ tàu neo để lên được đảo không hề đơn giản. Thường tàu neo lại trên biển cách đảo chừng một vài hải lý. Các xuồng CQ được đưa ra. Mỗi xuồng có 2 đến 3 thuyền viên vừa giữ xuồng vừa đón khách xuống. Trên tàu lại 2 đến 3 thuyền viên nữa vừa giúp khách mặc áo phao, vừa cầm hộ túi xách ba lô máy ảnh… Sóng đánh dập dềnh. Gặp khi sóng yên bể lặng còn đỡ. Khi sóng lên xuống dập dồn, xuồng CQ cũng bị nhồi lên nhồi xuống hàng vài mét. Khách bước từ thang dây thả từ tàu xuống xuồng, không nhằm đúng khi xuồng nhô lên đón đúng bước chân mà cứ rụt rè sợ hãi, có khi bị hụt chân mà ngã xuống, hoặc bị mạn xuồng đập dập chân.
Khi xuống được xuồng rồi, ngồi yên vị trên xuồng thì có thể ngắm biển một cách trực diện. Biển đập sóng oàm oạp bên mạn xuồng. Những tia nước có thể làm ướt máy ảnh nếu không giữ cẩn thận. Nhưng đó là lúc chúng tôi được tiếp cận với sóng nước trùng khơi một cách trực diện nhất, đáng sợ nhất và cũng lý thú nhất. Con người thật nhỏ bé giữa biển khơi. Trên là mặt trời thiêu rọi. Dưới là trùng trùng khơi xanh bí ẩn và mịt mờ…”
(Tháng 5 năm 2014)

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

Võ Thị Xuân Hà
Cầm Kỳ
Nàng Thê

Email: vtxh2022@gmail.com
Zalo & hotline: 0393 996 018

Exit mobile version