Đoàn công tác lên đảo được cán bộ, chiến sĩ ra tận bến xuồng đón tiếp. Những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi thắm đượm tình cảm đồng chí, anh em. Đồng chí đảo Trưởng đảo Cô Lin dẫn đồng chí Triệu Tài Vinh, Trưởng Đoàn công tác số 14 cùng các đại biểu đi thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ… Nếu chưa đến đảo chìm thì chưa hiểu được về đảo và cũng chưa hiểu được tình cảm và cuộc sống của các chiến sĩ ở đây… Ngày họ đối mặt với nắng cháy, gió biển rát mặt và sóng biển ầm ào.

Trường Sa – Hạt máu của Tổ quốc

Bút ký

Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc. Đặc biệt đối với quần đảo Trường Sa thân yêu còn nhiều khó khăn, gian khổ, thách thức, kẻ thù luôm dòm ngó là một nhiệm vụ lớn lao và trách nhiệm cao cả đã đ­ược Đảng, Nhà n­ước ta từ nhiều năm qua dành cho Trường  Sa sự quan tâm đúng mức, thể hiện bằng chủ tr­ương, chính sách và các nghị quyết; đồng thời luôn đ­ược sự quan tâm trong trái tim của mỗi ngư­ời dân Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài.
Thật may mắn cho chúng tôi, trong những ngày tháng 5-2012, được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải Quân, Đoàn công tác số 14 gồm các tỉnh: Hà Giang, Kiên Giang, Hải D­­ương, Học Viện CSND, Công ty Đoàn tàu không số… do đồng chí Triệu Tài Vinh, uỷ viên Trung ư­­ơng Đảng, Bí thư­­ Tỉnh Hà Giang làm Trưởng Đoàn đi thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa tỉnh Kháng Hoà, với tổng số gần 190 đại biểu. Sau 2 ngày hai đêm từ cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác số 14 trên tàu HQ 996 Hải quân đã vượt bao sóng gió ra quần đảo Trường Sa. Tất cả những ng­ười có mặt trên tàu, (trừ cán bộ chiến sĩ vùng 4 và vùng 2 Hải quân), còn lại đều lần đầu ra quần đảo Trường Sa.

Các chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương
Sức sống ở đảo Sinh Tồn

… Không biết cái tên đảo Sinh Tồn có từ bao giờ, nhưng khiến cho nhiều người được nghe đã thấy tính nhân văn như chính cái đảo nhỏ bé này đang từng ngày tồn tại và phát triển.
Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 15 hải lý về phía Tây. Là đảo nhỏ nằm trên nền san hô ngập nước, đảo Sinh Tồn là một trong ba xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Từ ngoài biển nhìn vào đảo Sinh Tồn chạy dài theo hướng Đông – Tây, như một nét bút vẽ trên màu xanh của biển trời bao la. Đảo Sinh Tồn do địa lý và khí hậu thuận lợi nên có dân đến ở sinh sống từ lâu. Đảo có các công trình dân sự, văn hoá tâm linh như: Chùa, trạm khí tượng thuỷ văn nằm trong hệ thống khí tượng thuỷ văn quốc gia và thế giới. Đất trên đảo là cát san hô…
Đảo trưởng đảo Sinh Tồn dẫn chúng tôi đi thăm các công trình xây dựng trên đảo. Cũng giống như những đảo nổi, sự sống ở đảo được thể hiện qua màu xanh của cây cối và con người. Đặc biệt đến thăm các hộ dân trên đảo, chúng tôi thật sự vui mừng khi bà con đón chúng tôi trong tình cảm thương yêu như người anh em đi xa về. Tay bắt mặt mừng. Giọng Nam giọng Bắc pha trộn một niềm tin yêu. Biết chúng tôi ở miền Bắc tận Lũng Cú Hà Giang nơi đỉnh đầu Tổ quốc đến thăm, bà con rươm rướm nước mắt. Một người dân nói: Hà Giang xa lắm ở tận cực Bắc biên cương Tổ quốc, tôi chỉ được biết qua ti vi. Bây giờ được gặp các anh, chị Hà Giang bằng da bằng thịt. Các anh chị đã không quản ngại khó khăn gian khổ, vượt hàng ngàn cây số ra thăm đảo, thăm bà con. Chúng tôi thật cảm động. Hà Giang có biên giới phía Bắc, Trường Sa có chủ quyền biển đảo trên biển Đông. Hà Giang là tỉnh còn nghèo. Thế mới biết cả nước vì Trường Sa thân yêu.
Tìm hiểu về đời sống ở đảo, chúng tôi được biết, bà con ở đây là công dân của tỉnh Khánh Hòa, tình nguyện ra xây dựng đảo. Trên gương mặt người nào cũng lộ ra niềm vui và nói: Đảng, Nhà nước quan tâm lắm. Bà con chúng tôi ở đây đời sống khá tốt, bộ đội giúp đỡ nhiều, như: Được khám chữa bệnh. Con em được đi học. Mọi người có việc làm. Hàng ngày chồng đi biển, vợ làm việc trên đảo. Chị em vào tổ chức Hội phụ nữ . Nam giới sinh hoạt tổ dân quân. Đảo có chùa, là nơi chúng tôi đến để tâm niệm cho cuộc sống bình an của mọi người trên đảo, cho đất nước được yên bình, cho thế giới hoà bình không có xung đột chiến tranh…
Trên đảo chỉ có 3 loài cây sống tồn tại đó là cây bàng quả vuông, cây phong ba và muống biển. Bộ đội ở đảo đã làm cho đảo trở thành màu xanh của sự sống bằng đánh đổi mồ hôi, nước mắt và chấp nhận cả sự hy sinh để bảo vệ và phát triển biển đảo. Bên cạnh những người lính là những người dân ở đảo, họ đã vượt lên tất cả của sự khắc nghiệt của thiên nhiên… để tăng gia, chăn nuôi gieo trồng… Họ sống như người lính đảo, sống bằng tình yêu đảo như yêu chính quê hương của họ trong đất liền. Điều đó đã giúp họ vươn lên như cây phong ba trên đảo giữa biển khơi, càng gió bão cây càng lên xanh tốt. Bởi họ hiểu biển đảo là Tổ Quốc. Dù có phải hy sinh họ cũng sẵn sàng như những người lính đảo.
Đi thăm và tặng quà quân và dân trên đảo, thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Trưởng Đoàn chăm chú lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và  bà con,  mong rằng cán bộ, chiến sĩ và bà con tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, củng cố niền tin, xây dựng biển đảo ngày càng vững mạnh.
Tổ quốc là lẽ sống
Sau hơn 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, con tàu lướt sóng đưa chúng tôi tới đảo Cô Lin. Hơn 8 giờ sáng, tàu thả neo, hạ xuồng đưa Đoàn công tác vào thăm cán bộ chiến sĩ đảo. Cô Lin là một đảo chìm, nhỏ nhưng chiến công lại vang dội với khí phách anh hùng của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của nước ngoài. Đảo cách đảo Sinh Tồn chừng 9 hải lý về phía Tây – Nam; cách bãi đá Gạc Ma (Hiện giờ nước ngoài đang chiếm giữ khoảng 1,9 hải lý) và cách bãi đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía Tây – Tây – Nam. Khi thuỷ triều lên, đảo chìm trong nước. Thủy triều rút, đảo chỉ còn lại vài hòn đá mồ côi… Khí hậu thủy văn ở Cô Lin mang đặc trưng khí hậu ở quần đảo Trường Sa, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Đảo có nhiều chim sinh sống, đặc biệt là cò và một số loài chim dư cư theo mùa. Xung quanh đảo có nhiều loài cá quí như : cá chim, thu, ngừ và một số loài hải sâm.  Mùa biển lặng tàu thuyền ngư dân ta đến đông đúc. Là đảo chìm, từ nhiều năm qua đã được Đảng, Nhà Nước và nhân dân cả nước quan tâm, xây dựng lại cơ sở vật chất bằng nhà lâu bền, bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho bộ đội và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Đoàn công tác lên đảo được cán bộ, chiến sĩ ra tận bến xuồng đón tiếp. Những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi thắm đượm tình cảm đồng chí, anh em. Đồng chí đảo Trưởng đảo Cô Lin dẫn đồng chí Triệu Tài Vinh, Trưởng Đoàn công tác số 14 cùng các đại biểu đi thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ… Nếu chưa đến đảo chìm thì chưa hiểu được về đảo và cũng chưa hiểu được tình cảm và cuộc sống của các chiến sĩ ở đây… Ngày họ đối mặt với nắng cháy, gió biển rát mặt và sóng biển ầm ào. Nhưng ở đây lại có một tập thể gắn bó và thương yêu nhau như một gia đình. Nói về ý nghĩa và vai trò, vị trí của biển đảo, đúng như đồng chí Triệu Tài Vinh, Trưởng Đoàn công tác số 14 nói với cán bộ chiến sĩ đảo: Đảo nhỏ nhưng trách nhiệm lớn. Ở đây cán bộ chiến sĩ  đã gắn kết với nhau như một khối, cùng làm, cùng chung niềm vui, cùng chia sẻ khó khăn; không có cái gì là của riêng ai cả. Họ sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tại đảo Cô Lin, chúng tôi được nghe đồng chí đại tá Đỗ Minh Thái, Phó tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân kể rằng: Ngày 14-3-1988, cán bộ và chiến sĩ hải quân ta neo đậu 3 tàu vận tải cùng anh em công binh đang xây dựng công trình trên bãi đá Gạc Ma chủ quyền của Việt Nam, thì bị phía “nước ngoài” chủ động tấn công vào tàu của ta. Các chiến sĩ hải quân ta kiên trì thông báo và giải thích, ngăn chặn không cho họ cướp đảo. Nhưng phía “nước ngoài” không dừng lại mà cho quân nổ súng tiến vào cướp đảo. Cán bộ chiến sĩ ta bắt buộc phải tự vệ và đã chiến đấu ác liệt với họ. Thuyền trưởng một tàu của ta tuy bị thương và con tàu cũng đã bị địch bắn thủng nhiều chỗ, ông hạ lệnh cho anh em lái tàu tăng hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin giữ đảo không cho lọt vào tay quân nước ngoài. Sĩ quan thiếu úy trẻ Trần Văn Phương được lệnh chỉ huy bộ đội chốt giữ đá Gạc Ma, đã bình tĩnh, thực hiện đúng đối sách, cùng lực lượng đóng giữ đảo khôn khéo, dũng cảm, kiên quyết chống lại, ôm chặt lá quốc kỳ, biểu tượng của chủ quyền Tổ Quốc trên đảo… Trong cuộc chiến đấu một mất một còn không cân sức đó “nước ngoài” đã nổ súng vào đồng chí Trần Văn Phương, Anh đã anh dũng hy sinh, máu thịt của Anh đã quyện chặt với mảnh đất tiền tiêu của Tổ Quốc. Tất cả 64 cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh trên biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
Đoàn công tác chúng tôi chiều ấy đã neo tàu sát đảo Cô Lin, nơi xác chiếc tàu của ta còn cắm đó, như một khẳng định chủ quyền biển đảo của ta là không thể chối cãi và là bằng chứng về lòng dũng cảm quyết hy sinh bảo vệ biển đảo Việt Nam. Để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ Quốc, Đoàn chúng tôi kính cẩn làm lễ thắp hương tưởng niệm, thả vòng hoa xuống biển. Trời đang yên bỗng nổi sóng gió. Từng đợt sóng xô vỗ mạn tàu. Lễ được thả xuống trước, vòng hoa thả xuống sau, nhưng lễ và vòng hoa được sóng biển đưa đi cứ thế quyện vào nhau. Tất cả chúng tôi có cảm giác như có một điều gì đó tâm linh: Các chiến sĩ đã về. Và như có tiếng nói: Biển đảo của Tổ Quốc dù chỉ là giọt nước mặn, một hạt cát san hô, dù phải hy sinh để bảo vệ giữ gìn trọn vẹn thì đó là Hạnh Phúc. Trường Sa – hạt máu của Tổ Quốc ta.

Đ.Q.V

Nguồn tin: TCNV 10-2012

Exit mobile version