Tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của nhà nghiên cứu lý luận Trương Đăng Dung đã gây nên một hiệu ứng mạnh trên thi đàn thơ Việt Nam với chiều sâu suy tưởng và những thi ảnh mới lạ…

Nhà thơ Trương Đăng Dung.

PV: Anh có những kỷ niệm gì đáng nhớ liên quan đến công việc sáng tác và xuất bản thơ? Xin anh có thể tiết lộ? Anh có những bài, những dòng rất hay về tình yêu (như bài “Vật chứng” hay “Anh chiếm chỗ bóng đêm” chẳng hạn), trong đó anh bộc lộ mong muốn giữ lại được những khoảnh khắc tuyệt vời. Xin anh chia sẻ vài điều về tình yêu và thơ ca về tình yêu?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về sáng tác thơ liên quan đến bài thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” được viết tháng 4-1983, khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Budapest – Hungary. Buổi sáng hôm đó trời lạnh, tỉnh dậy trong căn phòng xa lạ, tôi cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Không chỉ cảm nhận sự xa lạ trên đất người, mà chủ yếu tôi cảm thấy lạc lõng với chính mình của hiện tại và tương lai. Lúc đó, tôi đang viết luận án và dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary cho nhà xuất bản Europa, nhưng tôi cảm thấy mình không giúp được gì cho bố mẹ và các em tôi ở quê nhà. Những ký ức về chiến tranh ùa tới. Tôi nhớ một buổi sáng mẹ tôi đã ôm bụng lăn lộn trên sân khóc không ra tiếng khi nhận được giấy báo tử cậu tôi… Tôi òa khóc, sau đó ngồi vào bàn, viết một mạch bài thơ. Đây là bài thơ hiếm hoi được tôi viết liền trong một buổi sáng.

Tôi dịch bài thơ ra tiếng Hungary và được in trang trọng trong tạp chí Új Irás (Tác phẩm mới) số tháng 10 cùng năm. Cho đến năm 2004, bài thơ này mới được in lần đầu tiên ở Việt Nam trên tạp chí “Sông Hương”. Sau đó, nhà thơ Trần Anh Thái có bài viết ngắn đầu tiên với tựa đề “Một bài thơ ám ảnh”. Tiếp đến là bài viết rất thuyết phục của Đỗ Quyên “Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh”.

Tôi làm thơ về tình yêu không chỉ để ca ngợi tình yêu. Tôi mượn tình yêu để nói về cảm thức cô đơn, thời gian và cái chết. Tôi đã cấp cho khoảnh khắc một ý nghĩa quan trọng nhằm thể hiện cảm thức thời gian trong tương quan với sự cô đơn và cái chết. Điều tôi muốn gửi gắm trong các bài thơ tình là con người không chỉ cô đơn trong không gian, mà còn cô đơn trong thời gian, khi con người trong cái khoảnh khắc hiện tại (dù đó là khoảnh khắc hạnh phúc) xa cách với quá khứ, đối diện với một tương lai bấp bênh, mờ mịt. Đây là nguyên nhân để con người cảm thấy xa lạ với chính mình của quá khứ và của tương lai. Cảm thức thời gian trong thơ tôi chịu ảnh hưởng quan niệm triết học của Martin Heidegger về thời gian tính.

PV: Trong thơ của anh, có thể thấy những hình ảnh khá tương hợp với những tác phẩm siêu thực kiểu Salvador Dali trong hội họa. Tiêu biểu là bài “Giấc mơ của Kafka” và “Những kỷ niệm tưởng tượng” với những câu thơ như “Khắp nơi/ những đôi mắt/ dính trên cổ những người không có mặt/ những tiếng kêu phát ra từ miệng những người không có cổ…”. Ở một số bài khác cũng có bóng dáng những điều phi lý và nghịch dị. Có phải anh bị ám ảnh bởi một điều gì đó như là nghịch lý của thế giới?

Anh đã nói rất trúng về các hình ảnh và cách sử dụng hình ảnh trong thơ tôi. Tôi cố gắng sử dụng cả nghệ thuật hội họa và điện ảnh vào sáng tác thơ. Chẳng hạn ở bài “Ảo ảnh” bộc lộ rất rõ thủ pháp điện ảnh.

Về hình ảnh phi lý, nói thật, sau khi dịch xong tiểu thuyết “Lâu đài” của F. Kafka sang tiếng Việt, tôi đã bị lối viết của nhà văn vĩ đại này ám ảnh. Bài “Chân trời”, nhất là bài “Giấc mơ của Kafka” là tiêu biểu nhất cho cái nhìn của tôi về một thế giới phi lý, bi hài, nơi con người ngụp lặn trong mưu sinh và đau khổ để tồn tại như một thói quen.

PV: Nhưng đồng thời, trong thơ anh, có những đau đáu với những khổ đau về chiến tranh, về cường quyền, về những cái xấu, sự tàn ác của con người và thời cuộc, về những bức tường đang ngăn cách con người với nhau. Anh viết về “những người dị dạng/ dang tay đòi hái mặt trời”, những “chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí/ trên nóc toa là trẻ nhỏ người già”. Và anh dặn con “bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con”. Xin anh chia sẻ về trách nhiệm của nhà thơ với đời sống?

Đã làm người thì ai cũng phải có trách nhiệm với cuộc sống, huống chi các nhà thơ. Tuy nhiên, thơ chỉ giúp được cho con người theo cách của thơ. Thơ chỉ có ích cho con người khi nói về con người một cách trung thực, theo cách nói của thơ!

PV: Là một người được đào tạo bài bản về nghiên cứu lý luận văn chương, nhưng qua thơ, có thể thấy dường như trong anh còn có một con người khác – con người sống với những cảm xúc và ẩn ức phi lý trí. Anh nói sao về điều này? Anh có nghĩ nhà thơ là những người chủ yếu sống bằng cảm xúc?

Tôi vẫn thường nói rằng, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện; lý luận phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ, còn nhà thơ thì khám phá, giãi bày cái thế giới bên trong của chính mình. Cả hai đều cần đến tâm hồn và trí tuệ. Không thể nói nhà thơ chỉ sống bằng cảm xúc. Quá trình nghiên cứu lý luận văn học cũng là quá trình học tập của tôi. Các sự kiện của đời sống chỉ mới cho chúng ta các dữ liệu. Nhưng chúng ta nhìn thấy gì từ các sự kiện và làm thế nào để đưa các thông điệp đó vào thơ lại là một đòi hỏi khác, cao hơn nhiều. Tôi không hề thấy có mâu thuẫn giữa con người làm lý luận và con người làm thơ. Tôi cần thơ như một diễn ngôn khác có khả năng thể hiện được một cách phong phú, đa diện hơn cái tôi chủ thể trong những cảm nhận tinh tế về kiếp người.

PV: Con người sáng tác bay bổng và cảm xúc trong anh có gì mâu thuẫn, đối chọi với con người lý luận có phần cứng nhắc và lý trí? Cũng có thể đặt vấn đề thế này: Khi nào thì anh viết lý luận phê bình, và anh sáng tác khi nào?

Tôi có thể lên kế hoạch cho một công trình nghiên cứu khoa học, nhưng tôi không thể làm như thế với sáng tác thơ. Có thể ví nhà thơ cũng giống như người đi săn, anh ta phải luôn trong tư thế rình con mồi.

PV: Là người sáng tác lâu năm (nhưng ít công bố), đồng thời là nhà nghiên cứu lý luận văn chương, anh có nhận xét gì về sự chuyển động của thơ ca trong những năm gần đây? Nhất là những khuynh hướng mới?

Tôi thấy văn học nước nhà đang vận động và có những nỗ lực đáng ghi nhận. Chúng ta nên để cho mọi khuynh hướng sáng tác được thể hiện, cũng như cần chấp nhận sự xuất hiện của các nhóm độc giả với những yêu cầu khác nhau về nghệ thuật. Đã qua rồi cái thời cả nước chỉ biết và thích một vài nhà thơ hoặc một khuynh hướng sáng tác duy nhất.

PV: Anh vẫn tiếp tục làm thơ chứ? Và người ta có quyền đặt câu hỏi: Liệu có còn một Trương Đăng Dung văn xuôi, đang âm thầm sáng tác, chưa công bố?

Tôi tiếp tục làm thơ nếu vẫn “bắt được thơ”. Tuy nhiên, tôi không muốn nói trước về dự định sáng tác, dù là về thơ hay văn xuôi.

PV: Xin cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe và có thêm nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực sáng tác.

Lê Anh Hoài (thực hiện)

PGS.TS Trương Đăng Dung tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary. Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Hungary. Làm việc tại Viện Văn học từ 1978 đến nay. Trước khi nghỉ quản lý anh giữ cương vị Phó Viện trưởng. Bên cạnh nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận văn học quan trọng, anh còn dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary, (1984); Đứa trẻ mồ côi (tiểu thuyết Moricz Zigmond, 1987); Lâu đài (tiểu thuyết F.Kafka, 1998); Thằng điên và quỷ sứ (tiểu thuyết Sarkadi Imre, 2000).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: vanvn.net.