Nhà thơ Nga Alleksandr Blok (1880-1921
Blok hằng tâm niệm rằng, người nghệ sĩ “cần phải nhìn một cách chân thực, mà nhìn trung thực về mặt nghệ thuật có nghĩa là nhìn về tương lai”. Chính Blok đã nhìn thực tại như thế. Càng gần đến thời điểm hoàn thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhà thơ càng hiểu rõ hơn những mặt cơ bản của đời sống xã hội nước Nga.
Mùa hè năm 1917, Blok dự Đại hội lần thứ nhất các Xôviết công nhân và binh sĩ, sau đó tham gia Hội nghị đại biểu giới trí thức văn nghệ họp ở Cung điện Smolnưi. Không khí hào hùng của những ngày sôi động chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Petrograd rồi những ngày nổ ra Cách mạng Tháng Mười đã truyền cho nhà thơ cảm hứng cao độ phải ghi lại một cái gì đó rất đặc trưng cho thực tại nước Nga lúc bấy giờ. Cách mạng Tháng Mười thực sự là nguồn thơ ca mới khiến nhà thơ nhận ra đang có những con người mới hình thành trong cách mạng. Blok đã nhìn thấy sự thật của cách mạng Tháng Mười, nhìn thấy lẽ phải của lịch sử, nhìn thấy sức mạnh của chủ nghĩa tập thể: “Cách mạng là tôi – không phải một mình tôi mà là chúng tôi. Bọn phản động – đó là sự lẻ loi, sự bất tài” (Nhật kí đầu năm 1918). Những yếu tố xúc tác tinh thần ấy đã khiến Blok viết một mạch hoàn thành một kiệt tác về cách mạng Tháng Mười Nga – trường ca “Mười hai” vào tháng Giêng năm 1918. Và, mặc dù Blok là một con người rất nghiêm khắc với bản thân, nhưng khi hoàn thành bản trường ca, ông đã rất tâm đắc, nhà thơ tự đánh giá mình: “Hôm nay tôi – thiên tài”.
Rõ ràng chỉ sau cách mạng Tháng Mười với trường ca Mười hai, Blok mới có thể biểu thị một cách rõ ràng thái độ của mình đối với bạo lực cách mạng. Đó chính là lý do chủ yếu khiến ngòi bút của nhà thơ không ngần ngại ngợi ca cách mạng xã hội chủ nghĩa với sức mạnh bạo lực một ngày bằng hai mươi năm và đã viết nên trường ca trác tuyệt Mười hai.
Trường ca này miêu tả Petrograd vào đầu tháng Giêng 1918. Hình hài bản trường ca đã hiển hiện trên bản nháp. Bão tuyết dữ dội tượng trưng cho cách mạng. Hình tượng trận gió, cơn giông, cơn rét thấu xương – những hình tượng mà Blok ưa thích nhất và thường dùng khi muốn truyền đạt cảm xúc tràn đầy của mình về cuộc sống hoặc tâm trạng chờ đợi những biến cố phi thường.
Những hình tượng gió, bão tuyết, cơn rét thấu xương người đọc đã gặp trong những thi phẩm trước đó của Blok, như trong chùm thơ Gió hát những điều gì (1913) hoặc trong bài thơ Trái tim trần thế dù tê lạnh (1914): “Trái tim trần thế dù tê lạnh/ Ta ưỡn ngực lên đón giá băng”. Cách mạng Tháng Hai 1917 nổ ra và không lâu sau đó, Blok hiểu ra cuộc cách nạng này chỉ là lừa dối nhân dân. Bởi vậy đến trường ca Mười hai không phải ngẫu nhiên Blok lại dùng hình tượng trận gió cuốn để mở đầu bản trường ca. Hình tượng đó cũng xuyên suốt bản trường ca, đồng hành với mọi ý nghĩ của nhà thơ trong những ngày cách mạng dữ dội.
Blok đã kể về công việc sáng tác bản trường ca như sau: “trong và sau khi kết thúc Mười hai mấy ngày liền, tôi cảm thấy về mặt thể xác và thính giác, có tiếng ầm ầm rất lớn quanh tôi – đó là tiếng ầm liên tục nối tiếp nhau (hẳn đó là tiếng ầm của sự đổ vỡ thế giới cũ)” (Ghi chép Mười hai, 1920). Và đây là khổ thơ mở đầu bản trường ca:
Chiều tối và đen/ Tuyết mù trắng/ Gió cuốn, gió cuốn!/ Người không đứng vững trên đôi chân/ Gió cuốn, gió cuốn/ Trên khắp cả cõi trần! (Thúy Toàn dịch)
Hình tượng gió cuốn như một biểu tượng mạnh mẽ cuốn phăng đi thế giới cũ được tiếp nhận như sự miêu tả trực tiếp cuộc sống – đó chính là thời tiết có gió nổi và bão tuyết xảy ra trong tháng Giêng 1918, đồng thời cũng là biểu tượng cơn gió của cuộc đại cách mạng. Trận gió cuốn đi, xô ngã nhào những kẻ đại diện thế giới cũ thối nát, từ những cha cố, những tên tư sản, thằng cha văn sĩ đến những cô tiểu thư, gái điếm. Gió cuốn bứt đi, cuốn phăng đi tấm khẩu hiệu chăng trên dây cáp: Tất cả chính quyền về tay Hội đồng lập pháp*. Trong đêm trường gió cuốn và bão tuyết chỉ có mười hai đội viên cận vệ đỏ quả cảm của Đội tuần tra cách mạng là vững bước đi với gương mặt đanh thép. Họ là những người con của nước Nga được cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nông nâng dậy từ dưới đáy của xã hội. Họ bước đi với sức mạnh tự phát, bị lôi cuốn bởi ý tưởng của thế giới mới và họ hùng dũng bước đi với tư thế của những chủ nhân mới của đất nước.
Xuyên qua màn đêm tối và bão tuyết, ưỡn ngực đón lấy giá băng, họ bước đi lên phía trước quyết đánh đuổi con chó hoang cụp đuôi lầm lũi – biểu tượng cho thế giới cũ. Họ sẵn sàng đón nhận mọi điều hướng về lá cờ đỏ thắm trước mắt, cùng tiến bước dưới lá cờ đỏ dẫn đầu đoàn quân.
Hãy giữ vững bước đi cách mạng!
Blok hình dung trong tâm tưởng khí thế của đoàn quân cách mạng, và nhà thơ muốn nhắc đi nhắc lại điệp khúc Hãy giữ vững bước đi cách mạng! trong ngày lễ lịch sử kỉ niệm một năm cách mạng Tháng Mười. Người đọc nghe thấy bước đi rầm rập của đoàn quân và cả hơi thở cách mạng, tiếng vọng nhiều giọng của những tháng ngày cách mạng căng thẳng, tiếng ầm ầm giữa những phố cách mạng. Blok đã sử dụng những phương tiện rất khác nhau như khẩu hiệu cách mạng, ca dao của người lính để đạt được điều đó. Bằng cách đó, Blok đã đưa vào trường ca những gương mặt khác nhau trong các tầng lớp nhân dân bằng cách này hay cách khác đã tham gia cách mạng.
Còn mười hai chiến sĩ cận vệ mà Blok miêu tả là ai? Họ chính là “những người nghèo đói, rách rưới” thuộc tầng lớp dân nghèo thành phố bị cuốn hút vào phong trào sôi động, họ cầm súng trong tay xuống đường chống lại kẻ thù từ bao đời nay. Họ chưa phải là đội quân tiên tiến của công nhân cách mạng, trong số họ còn có những người trên lưng áo còn có quân át (ám chỉ những người bị án tù khổ sai trước đây trên lưng áo có khâu mẩu vải quân át màu đỏ hoặc vàng). Về mặt nghệ thuật, nhà thơ đã miêu tả rất thành công những con người mà nhà thơ đã nhìn thấy (mười hai người) với những dòng thơ vô cùng tươi sáng và đầy sức thuyết phục. Tư tưởng của trường ca trong phần ngợi ca đội tuần tra cách mạng là hoàn toàn đúng: nhà thơ muốn nhấn mạnh niềm khao khát tự do và cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân đã biến những con người “khố rách áo ôm” trở thành anh hùng.
Những biến cố kinh ngạc hàm chứa ý nghĩa đổi đời cho bộ mặt nước Nga xưa mà cách mạng Tháng Mười đem lại gây một ấn tượng rất mạnh đối với Blok, khiến nhà thơ nghĩ đến tính thiêng liêng cao cả, chí thiện của cách mạng. Hình tượng chúa Giêsu vụt đến, và Blok như chộp lấy để đưa vào đoạn kết bản trường ca.
Chính Blok hiểu rõ hình tượng chúa Giêsu xa lạ với bản trường ca, nhưng lúc này Blok không thể tìm ra một hình tượng nào khác. Blok nói: “Tôi cũng không thích đoạn kết của Mười hai. Tôi muốn đoạn kết khác cơ. Khi viết xong, chính tôi cũng ngạc nhiên: Tại sao lại Crít? Có lẽ nào là Crít? Nhưng càng dõi vào tôi lại càng thấy Crít rõ hơn. Và lúc bấy giờ tôi liền đặt bút ghi lại cho riêng mình: Rất tiếc là Crít. Rất tiếc chính là Crít ”*. Người đọc hiểu rằng, trong thâm tâm Blok muốn thể hiện tính thiêng liêng, chí thiện của cách mạng, ngoài hình tượng chúa Giesu – Crít, Blok không thể tìm ra hình tượng khác để nói lên điều kì diệu cao cả mà cách mạng đem lại cho quần chúng nhân dân. Đó chính là lí do Blok chỉ có thể chọn hình tượng Crít để thể hiện tính công bằng và lẽ phải của sự nghiệp mà mười hai chiến sĩ cận vệ – những môn đồ của chính nghĩa thiêng liêng đang chống lại những điều phi nghĩa và những thế lực đen tối. Có thể nói, Blok đã hiểu được trong tâm thức người dân Nga có truyền thống văn hóa lâu đời hơn 1000 năm gắn bó với Cơ đốc giáo, nên đấng thiêng liêng cao cả đối với họ không ai khác ngoài Giesu – Crít. Ở vào thời điểm Blok sáng tác trường ca Mười hai, hình tượng Crít mà Blok đã chọn là một hình tượng đẹp đẽ, anh linh và chí thiện có sức lôi cuốn hàng triệu con tim hướng về và đi theo cách mạng qua tấm gương sáng của cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Là “một nhà thơ chân chính – vốn ở ý trời” (M. Gorki) Blok đã cảm nhận cuộc cách mạng Tháng Mười như sự phá tung các thời đại, như sự bắt đầu một kỷ nguyên mới ở nước Nga và trong lịch sử nhân loại. Đây là cái cơ bản nhất để khẳng định trường ca Mười hai của Aleksandr Blok là một kiệt tác ngợi ca cách mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Bolsevich với nhịp thơ hào hùng, âm điệu thơ hân hoan, sảng khoái. Mười haiđã vẽ lại một cách thành công bầu không khí đổi đời ở nước Nga do làn gió cách mạng thổi tới.
Mười hai xứng đáng là đỉnh cao chói lọi trong sáng tác của Aleksandr Blok, người đã viết những lời cháy bỏng tự con tim để nói về cách mạng: “Bằng tất cả thân thể, tất cả trái tim, tất cả nhận thức – hãy lắng nghe cách mạng” (Trí thức và cách mạng, 9 tháng Giêng năm 1918).
_______________________
* Hội đồng lập pháp (Utsreditelnoe sobranie) – cơ quan quốc dân đại biểu được chuẩn bị sau cách mạng Tháng Hai 1917. Trong Hội đồng lập pháp đã hình thành một đa số phản cách mạng, từ chối chấp nhận những Sắc lệnh của chính quyền Xôviết. Bởi vậy, đêm 19 rạng ngày 29 tháng Giêng năm 1918, Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga thông qua sắc lệnh giải thể Hội đồng lập pháp.
* Theo K. Tsukovski. Những năm cuối cùng của Blok. “Bút kí những người mơ mộng”, 1922, No 6, tr. 160 (chữ Nga).
Nguyễn Xuân Hoà – Nguồn Văn nghệ số 46/2016 (Vanvn.net)