Trương Ái Linh
Tôi là một cô gái kỳ quặc, ngay từ nhỏ đã được mọi người cho là thiên tài, ngoài khai thác mình trở thành thiên tài ra không còn mục đích sống khác nữa. Thế nhưng, khi mà màu sắc cuồng tưởng của tuổi thơ phai nhạt dần đi, thì tôi phát hiện ngoài giấc mơ thiên tài của mình ra không có một thứ gì sất—hết thảy chỉ là những khuyết điểm kỳ quặc. Người đời tha thứ cho cái tính sơ cuồng của RichardWagner(Nhà soạn nhạc Đức 1813-1883), thế nhưng họ sẽ không tha thứ cho tôi.
Cộng thêm một chút quảng bá mang hình thức của Mỹ, có lẽ tôi được cho là Thần đồng. Năm mới 3 tuổi tôi đã có thể đọc thuộc lòng thơ Đường. Tôi còn nhớ mình lắc la lắc lư đứng trước mặt một cụ ông từng sống trong thời Mãn Thanh ngồi trên chiếc ghế mây cổ đời nhà Thanh mà ngâm câu “Con hát biết chi hờn mất nước, cách sông còn hát Hậu Ðình Hoa”, tôi thấy những giọt nước mắt của cụ lăn xuống. Năm lên bảy tuổi, tôi sáng tác tiểu thuyết đầu tay, chuyện kể về tấn bi kịch của một gia đình. Hễ gặp phải chữ viết có nhiều nét phức tạp, là tôi thường chạy đi hỏi bác đầu bếp viết như thế nào. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi viết về một cô gái tự tử vì bị thất tình. Mẹ tôi phê bình rằng: Nếu cô ta tự tử thì không đời nào lại đáp tàu hỏa từ Thượng Hải đến Tây Hồ để gieo mình xuống nước, thế nhưng bởi vì tôi muốn lấy Tây Hồ làm bối cảnh, cuối cùng vẫn cứ cố chấp giữ lại một chút phần miêu tả này.
Thượng Hải ngày xưa
Tôi chỉ có cuốn tiểu thuyết “Tây Du Ký ” và rất ít sách đồng thoại, thế nhưng tư tưởng của tôi lại không bị gò bó bởi những cuốn sách đó. Năm lên tám tuổi tôi từng thử viết một cuốn tiểu thuyết không tưởng tựa như Utopia, có tên là “Bản làng vui vẻ”. Người trong bản làng vui vẻ này là dân tộc cao nguyên hiếu chiến, bởi chiến thắng người Mèo có công, Hoàng đế Trung Quốc lúc bấy giờ đặc biệt miễn trưng thu thuế cho họ, và để họ có quyền tự trị. Cho nên bản làng vui vẻ là một đại gia đình cách biệt với thế giới bên ngoài, tự canh tự dệt, giữ gìn nguyên sơ nền văn hóa hoạt bát của thời đại bộ lạc. Tôi cố tình khâu những quyển vở viết bài tập lại với nhau, dự định sáng tác một cuốn tiểu thuyết có tầm cỡ, thế nhưng không bao lâu, tôi lại cảm thấy mất hứng đối với đề tài vĩ đại này. Cho đến nay tôi vẫn cất giữ nhiều bức tranh minh họa, giới thiệu loại hình phục vụ xã hội lý tưởng này, những tranh về trang trí nội thất, kể cả thư viện, “phòng luyện võ”, cửa hàng bán socola, vườn hoa trên nóc nhà. Nhà hàng công cộng là một ngôi đình ở giữa đầm sen. Tôi không còn nhớ trong đình có rạp xem phim và và xã hội chủ nghĩa hay không— tuy thiếu hai thứ văn minh đó, nhưng dân làng vẫn sống rất vui vẻ.
Năm lên chín tuổi, tôi do dự không biết nên lựa chọn âm nhạc hay là hội họa để làm sự nghiệp suốt đời của mình. Sau khi xem bộ phim kể về một họa sĩ nghèo nàn đói khổ, tôi khóc sướt mướt, thế là quyết định làm một nghệ sỹ chơi đàn piano, đánh đàn trong phòng hoà nhạc sang trọng hoành tráng.
Tôi hết sức nhạy cảm đối với những từ ngữ màu sắc, nốt nhạc. Khi tôi chơi đàn piano, tôi tưởng tượng cá tính khác nhau của tám nốt nhạc, chúng mặc những bộ trang phục và đội mũ màu sắc sỡ cầm tay nhau mà nhảy múa. Tôi tập viết văn chương, thích sử dụng những từ ngữ mang màu sắc đậm nồng, có âm điệu rắn chắc. Ví dụ như những từ “xám ngọc châu”, “hoàng hôn”, “uyển diệu”, “huy hoàng”, “u sầu”, cho nên hay bị phạm lỗi xếp đầy từ ngữ khi viết lách. Cho mãi đến nay, tôi vẫn thích thú đọc tiểu thuyết “Liêu trai chí dị” và những bài viết về thời trang Pari lòe loẹt, chỉ vì chúng có những từ ngữ thu hút tôi.
Ở trường học tôi được phát triển tự do. Lòng tự tin của tôi ngày một trở nên cứng rắn, cho đến năm tôi 16 tuổi, mẹ tôi từ Pháp trở về, mẹ cho tôi biết những nghiên cứu về con gái mình cách đây đã nhiều năm như “mẹ ân hận đã chăm sóc con quá chu đáo khi con mắc bệnh thương hàn”, mẹ nói với tôi rằng “Mẹ thà trông con chết, chứ không muốn nhìn thấy con sống mà lúc nào cũng phải chịu đau khổ”.
Tôi phát hiện mình không biết gọt vỏ táo. Qua cố gắng rất lâu rồi tôi mới biết vá bi-tất rách. Tôi sợ đi hiệu cắt tóc, sợ gặp khách lạ, sợ người thợ may đo kích thước người tôi. Nhiều người thử dạy tôi đan lát, nhưng không một ai thành công cả. Tôi sống trong một căn buồng đã hai năm, vậy mà hỏi tôi chuông điện phòng ở đâu mà tôi vẫn cứ ngơ ngác. Ngày nào tôi cũng ngồi xích lô đi bệnh viện để tiêm, liên tiếp đã ba tháng rồi mà tôi vẫn cứ không nhận ra đường đi. Nói chung thì, trong xã hội hiện thực, tôi chẳng khác nào là thứ bỏ đi.
Mẹ dành cho tôi hai năm để tôi thích ứng với môi trường sống. Mẹ dạy tôi nấu ăn; dạy tôi giặt quần áo bằng bột giặt; Hướng dẫn tôi tư thế đi đứng; Dạy tôi biết nhìn sắc mặt của người khác; Nhắc nhở tôi sau khi bật đèn rồi phải kéo rèm che cửa sổ; Soi gương phải nghiên cứu thần thái trên mặt mình; Nếu như không có chất rí rỏm bẩm sinh thì chớ có nói đùa.
Về những kiến thức thông thường trong cư xử với con người và sự vật, thì sự biểu hiện của tôi quá ngờ nghệch. Kế hoạch hai năm của mẹ là một cuộc thí nghiệm thất bại. Ngoài sự mất cân bằng trong tư tưởng của tôi, sự cảnh cáo nặng nề và đau khổ của mẹ không hề mang lại chút ảnh hưởng gì cho tôi cả.
Về nghệ thuật trong sinh hoạt, có một phần không phải là tôi không lãnh hội được. Tôi biết trông “thất nguyệt sảo vân”, tức dải ngân hà như thế nào, khi nghe anh lính trẻ Scotlen thổi kèn túi, tôi liền ngắm cảnh chiếc ghế mây trong làn gió thổi, ăn lạc ngâm muối, thưởng thức cảnh ánh đèn nê-ông trong màn đêm mưa rơi, giơ tay từ cửa sổ ô-tô công cộng hai tầng để hái chiếc lá đang đung đưa. Trong trường hợp không có sự giao tiếp giữa người với người, trong lòng tôi tràn đầy niềm hân hoan của sự sống. Thế nhưng ngày nào mà tôi vẫn chưa khắc phục được những nỗi phiền não bị gặm nhấm như vậy, thì sự sống như một chiếc áo choàng sang trọng, bò đầy những chấy rận.