(Nhà văn Lỗ Tấn – Ảnh: Internet)
Tôi tự cảm thấy cuộc nói chuyện của tôi không thể đem lại cho các bạn điều gì bổ ích hoặc thú vị, bởi vì quả thật, tôi không biết gì cả. Nhưng thoái thác, chần chừ quá lâu rồi, cuối cùng không thể không đến đây nói vài câu. 

Tôi thấy hiện nay, trong tiếng hò hét của những người đòi hỏi giới văn nghệ, có thể nói mãnh liệt nhất là đòi hỏi thiên tài xuất hiện. Rõ ràng cái đó có thể chứng tỏ hai điều: một là Trung Quốc hiện nay không có thiên tài nào, hai là mọi người đã chán ngấy cái nền văn nghệ hiện nay rồi. Thế thì, có thiên tài hay không? Có lẽ có chăng, nhưng chúng ta đây và nhiều người khác nữa không ai thấy. Nếu chỉ căn cứ vào chỗ mắt thấy tai nghe, thì có thể nói là không có; chẳng những thiên tài mà cả quần chúng làm cho thiên tài xuất hiện nữa. 

Thiên tài không phải là con quái vật tự nó sinh ra, tự nó trưởng thành, ở chốn đồng hoang, rừng rậm, mà là quần chúng có thể làm cho thiên tài xuất hiện, đẻ ra và nuôi nấng cho nên không có quần chúng đó thì không thể có thiên tài được. Có một lần, Napôlêông đi qua dãy núi Anpơ [1] nói: “Ta còn cao hơn cả núi Anpơ!”. Hùng vĩ bao nhiêu! Có điều không nên quên rằng sau lưng ông ta, có bao nhiêu là binh lính; không có họ, nhất định ông ta sẽ bị kẻ địch bên kia núi bắt sống hoặc đuổi chạy trở về rồi; hành động, ngôn ngữ của ông ta sẽ không nằm trong giới hạn của sự anh hùng nữa, mà phải quy cho là của con người điên. Cho nên, tôi nghĩ rằng, trước khi đòi hỏi thiên tài xuất hiện, hãy nên đòi hỏi có một quần chúng có thể làm cho thiên tài xuất hiện đã. Ví như muốn có cây to, muốn xem hoa đẹp, thì nhất định phải có đất tốt; không có đất, thì không có hoa và cây nhiều. Hoa và cây, không có đất không được; khác nào Napôlêông, không có binh lính giỏi không được. 

Thế nhưng, dư luận và xu thế của xã hội hiện nay, thì một mặt cố nhiên đòi hỏi thiên tài, nhưng mặt khác lại muốn cho thiên tài diệt vong, đến đám đất sửa soạn cho thiên tài xuất hiện cũng định phá đi nốt. Hãy cử một vài thí dụ. 

Một là “chỉnh lý quốc cố” [2] . Từ sau khi trào lưu tư tưởng mới tràn đến Trung Quốc, thật ra nó có mạnh mẽ gì đâu, nhưng có một số cụ già, lại có cả thanh niên nữa, đã mất hồn mất vía, đứng ra bàn về quốc cố. Họ nói: “Trung Quốc có bao nhiêu cái hay, cái đẹp đều không chỉnh lý, bảo tồn, lại đi cầu cái mới, thật là hư đốn chẳng khác gì ruồng bỏ di sản của tổ tiên”. Cái lối đem tổ tiên ra mà nói như thế tất nhiên là uy nghiêm lắm, nhưng tôi thì không tin rằng khi cái áo khoác ngoài cũ nát chưa giặt giũ cho sạch và thay đi được, há lại không thể may một cái áo khoác ngoài mới hay sao? Lấy tình trạng hiện nay mà nói, ai muốn làm gì cứ tùy tiện, các cụ muốn chỉnh lý quốc cố tất nhiên cứ việc đến cửa sổ hướng nam vùi đầu mà đọc những chồng sách chết đi; còn như thanh niên, họ có những học vấn sống và nền nghệ thuật mới của họ, ai làm việc người nấy, cũng chẳng phương hại gì. Nhưng vác cái lá cờ đó mà đi hiệu triệu người khác, thì thế là muốn Trung Quốc vĩnh viễn cách tuyệt với thế giới rồi. Nếu cho rằng ai cũng phải như thế, không thế không được, thì lại càng hết sức hoang đường. Chúng ta tán gẫu với người buôn đồ cổ, tất nhiên ông ta khoe đồ cổ của ông ta đẹp như thế này, thế nọ, nhưng ông ta quyết không hề chửi nhà hoạ sĩ, bác nông dân, bác công nhân… rằng họ quên mất tổ tiên! Quả thật người buôn đồ cổ nọ thông minh hơn nhiều nhà quốc học lắm! Hai là “sùng bái sáng tác” [3] . Nhìn bề ngoài, tựa hồ như cũng ăn khớp với việc đòi hỏi thiên tài. Kỳ thực không phải. Trong tinh thần đó, có hàm ý bài xích những tư tưởng từ ngoài vào, những tình điệu của các nước khác, cho nên cũng có thể làm cho Trung Quốc cách tuyệt với trào lưu thế giới. Đã có nhiều người chán không muốn nghe những tên Tônxtôi, Tuôcghêniep, Đôxtôiepski rồi, nhưng tác phẩm của họ đã có cuốn nào dịch ra tiếng Trung Quốc đâu? Tầm con mắt tù túng, chỉ nhìn được những việc trong nước, nghe nói đến Pie, Jôn thì đã chán rồi, nhất định phải Trương Tam, Lý Tứ [4] mới được, thế là nhà sáng tác xuất hiện. Nói thực thì những tác phẩm tốt cũng không khỏi có lấy ít tinh thần và kỹ thuật ở tác phẩm nước ngoài. Lời văn có thể hay ho, nhưng nội dung tư tưởng thường không bằng các tác phẩm dịch được, thậm chí, còn muốn thêm vào một ít tư tưởng truyền thống cho nó thích hợp với khẩu vị người Trung Quốc. Nhưng người đọc lại bị nó ràng buộc, thế là tầm con mắt dần dần bị thu hẹp lại, cơ hồ co rút vào trong khuôn sáo cũ. Tác giả và độc giả làm nhân quả cho nhau, bài xích những trào lưu khác, đề cao quốc tuý, làm sao mà thiên tài xuất hiện được? Dù cho có xuất hiện nữa, cũng khó lòng sống. 

Quần chúng mà có thái độ như thế thì là tro bụi, chứ không phải là đất, và trên thứ tro bụi đó, không thể nào có gỗ tốt, hoa thơm. 

Lại có cái lối phê bình ác ý cũng như thế. Đã từ lâu người ta mong mỏi có những nhà phê bình; đến bây giờ có một số nhà phê bình ra đời rồi. Đáng tiếc, trong bọn họ có khá nhiều kẻ là nhà “bất bình” chứ không phải là nhà phê bình. Tác phẩm vừa đến tay đã hằm hằm mài mực, hạ ngay một câu kết luận rất là sáng suốt: “Chà, non nớt quá! Trung Quốc cần có thiên tài!”. Về sau thì ngay những người không phải là nhà phê bình cũng kêu như vậy, nghe người ta kêu thì kêu. Kỳ thực, dù là thiên tài đi nữa, thì khi lọt lòng cũng khóc một tiếng như bất cứ đứa trẻ bình thường nào khác, chứ quyết không phải là đã làm ra được một bài thơ hay ngay đâu! Vì non nớt, rồi cứ nhè vào đầu mà đập, thì có thể chết khô ngay. Tôi mắt trông thấy có mấy nhà văn bị họ chửi cho đến nỗi run bắn lên. Những nhà văn đó tất nhiên không phải là thiên tài rồi, nhưng tôi mong rằng dù họ tầm thường đi nữa, cũng nên để lại. 

Các nhà phê bình ác ý cho ngựa phóng trên đám mạ non, tất nhiên như thế khoái lắm; nhưng đám mạ non kia lại bị thiệt, những cây mạ bình thường cũng như những cây mạ thiên tài. Non nớt đối với già giặn, cũng như trẻ con đối với người già, chẳng có gì là nhục hết. Tác phẩm cũng thế, mới đầu thì non nớt, không cho là nhục được. Bởi vì nếu không bị dập vùi thì nó lớn lên, thành thục, già giặn. Chỉ có suy yếu, hủ bại thì mới không có thuốc cứu chữa mà thôi! Tôi cho rằng bất cứ người non nớt hay già giặn, nếu như óc non nớt, thì đều nói ra những điều non nớt cả. Chỉ vì mình muốn nói thì nói, nói rồi, hơn nữa, in ra rồi, thế là việc mình xong; đối với bất cứ lời phê bình nào, dù phất ngọn cờ gì cũng mặc kệ, không thèm đếm xỉa. 

Ngay các bạn ngồi đây, tôi đoán cũng đến chín phần mười muốn có thiên tài xuất hiện. Nhưng tình hình như thế đấy, không những thiên tài xuất hiện không được, mà đất bồi dưỡng thiên tài cũng không có. Tôi nghĩ thiên tài phần lớn là trời cho; chỉ đất bồi dưỡng thiên tài thì tựa hồ mọi người đều có thể làm ra được. Làm đất cho có công hiệu, bức thiết hơn là đòi hỏi thiên tài. Bằng không thì dù có thiên tài hàng ngàn hàng vạn, cũng không thể phát triển được, bởi vì không có đất, và sẽ trở thành như một đĩa rau giá mà thôi! 

Làm đất là phải mở rộng tinh thần ra, tức là tiếp thu trào lưu mới, thoát khỏi cái sáo cũ, để có thể dung nạp, hiểu thấu những thiên tài sẽ xuất hiện. Lại phải không ngại làm những công việc tầm thường, tức là sáng tác được thì tất nhiên cứ sáng tác, bằng không thì dịch, giới thiệu, thưởng thức, đọc xem, tiêu khiển, đều được cả. Lấy văn nghệ để mà tiêu khiển, nói ra tựa hồ như hơi buồn cười, nhưng rút cục vẫn còn hơn là vùi dập nó. 

Tất nhiên không thể so sánh đất với thiên tài được, nhưng không phải là người hết sức kiên trì chịu đựng gian khổ thì không dễ gì mà làm đất được. Có điều, việc là do người làm, như thế còn chắc chắn hơn là ngồi đợi thiên tài trời phú cho. Chỗ đó là chỗ vĩ đại của đất; và cũng chính là chỗ có nhiều hy vọng. Vả lại cũng sẽ được đền bù. Thí dụ, hoa đẹp sẽ từ trong đất nở ra, người xem cố nhiên là được nhìn ngắm, thích thú đã đành, mà đất cũng được nhìn ngắm thích thú, chứ không nhất thiết chỉ có bản thân hoa mới vui mừng hớn hở – giá thử đất cũng có linh hồn. 

Tháng giêng năm 1924

(Đây là bài nói chuyện ở Hội Ái hữu trường trung học trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh ngày 17 tháng 1 năm 1924, sau có đăng lại trên tờ phụ trương báo Thần kinhvới một đoạn tiểu dẫn của tác giả như sau: “Anh Phục Viên: Hôm nay xem lại bài nói chuyện ở trường trung học trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh hồi tháng giêng, thấy cái sinh mệnh của nó tựa hồ như đang còn, cho nên tôi sửa chữa lại; gửi anh để đăng báo. Đêm 22, Lỗ Tấn”. Về sau, đăng trong tập Nấm mồ


[1]Alpes: dãy núi giữa hai nước Pháp và Ý; năm 1800, Napôlêông khi tiến quân sang Ý tác chiến với quân đội Nga, đã vượt qua dãy núi này.
[2]Chỉnh lý quốc cố: một phong trào do Hồ Thích đề xướng. Năm 1919, Hồ Thích đã đưa ra chủ trương “Hãy nghiên cứu sâu vấn đề, và ít nói đến chủ nghĩa”. Sau đó thì đưa ra chủ trương “chỉnh lý quốc cố” (1919), “đi vào phòng nghiên cứu” (cũng năm 1919), “không nên tham gia các “phong trào cứu quốc” (1925), hòng ngăn trở các nhà trí thức và thanh niên học sinh tham gia đấu tranh cách mạng. Đối với những chủ trương đó của Hồ Thích, hồi bấy giờ ông Lý Đại Chiêu và nhiều nhà macxit khác đã phê phán kịch liệt. Lỗ Tấn cũng là một trong những người lên tiếng phản đối. Trong bài này, ông nhằm chống lại một số luận điệu của những kẻ phụ hoạ Hồ Thích đưa ra.
[3]Sở dĩ Lỗ Tấn nói đến việc “sùng bái sáng tác” là vì hồi bấy giờ có dư luận xem thường các tác phẩm dịch. Theo bài “Chúc mừng việc giao lưu văn hoá giữa Liên Xô và Trung Quốc” viết năm 1932, thì Lỗ Tấn nhân đọc bài “Luận về thơ” của Quách Mạt Nhược viết năm 1920 mà đưa ra những ý kiến nói trong bài diễn thuyết trên. Quách Mạt Nhược hồi đó nói như sau: “Tôi cảm thấy các nhân sĩ trong nước chỉ chú trọng đến bà mối mà không chú ý đến người con gái, chỉ chú trọng đến phiên dịch mà không chú trọng đến việc sáng tác”. Nhưng Quách Mạt Nhược nói câu đó chính là vì hồi bấy giờ trên tờ Học đăng xuất bản ở Thượng Hải, ở trang nhất thì lại đăng một truyện dịch. Kỳ thực, Quách Mạt Nhược cũng là người rất chú trọng việc phiên dịch. Chính ông đã dịch một số tác phẩm của Gơt, Sile, Tônxtôi… Đây là một sự hiểu lầm.
[4]Người Trung Quốc nói Trương Tam, Lý Tứ cũng như ta nói anh X, anh Y.
Dịch: Trương Chính
Nguồn: Lỗ Tấn, Tạp văn, Trương Chính giới thiệu và tuyển dịch, tr. 205-209, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Exit mobile version