Trước Khi Cả Một Trời Sao Tan Biến
Hoàng Chính
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần. Người đàn bà ngồi cạnh tôi bám chặt hai tay vào thành ghế, hai con mắt đảo quanh, như sợ những bánh sắt sẽ trật khỏi đường rầy lúc đoàn tàu thắng gấp. Tàu chao về phía trước, giật lùi lại phía sau, rồi ngừng hẳn. Đám hành khách đồng loạt đứng bật dậy, như bầy thú dữ trong rừng già bất chợt đánh hơi được con mồi. Những hình người rời chỗ ngồi, đi tới đi lui, nhập nhằng, hoa cả mắt. Quay sang tôi, người đàn bà ngồi cạnh tôi, tíu tít, “Có sao không ông? Mình có sắp chết không ông?”
Đoàn tàu đã ngừng, không có tiếng nổ hay tiếng động nào khả nghi nên tôi yên tâm, nói vội, “Chắc không sao đâu.”
Người đàn bà rên rỉ, “Chắc chết quá. Tôi còn bao nhiêu việc phải làm. Tôi chưa muốn chết, ông ơi.”
Tôi đứng dậy, khom lưng kéo cái va li dưới gầm ghế. Người đàn bà chộp lấy tay áo tôi, hai con mắt xớn xác, “Ông ơi, ông đi đâu vậy?”
“Không sao đâu, bà ơi,” tôi nói, và gỡ vội những ngón tay đang bấu chặt tay áo mình, xách va li, luồn lách giữa những hình người chen chúc nhau trên lối đi hẹp giữa toa tàu, bước nhanh ra cửa. Tôi nhảy đại xuống khỏi toa xe, kéo va li lầm lũi đi dọc theo đường rầy, bỏ lại mớ âm thanh hỗn độn sau lưng.
Nắng vàng nhạt trên những ngọn cây hai bên đường. Tôi bước nhanh như chạy trốn. Có tiếng lạch cạch vang đến từ phía sau. Tôi quay lại. Trong cái nhập nhoạng của buổi chiều, nhập nhòa chiếc bóng nhỏ bé của một thiếu nữ. Cái bóng nhỏ bé ấy kéo chiếc va li lách cách trên mặt đất nhấp nhô. Tôi nheo mắt nhìn cho rõ. Không phải người đàn bà ngồi cạnh tôi trên tàu. Tôi ngập ngừng một giây rồi tiếp tục rảo bước. Gió nhẹ vắt ngang vai như hỏi han. Trời sắp tối, tôi cố bước nhanh. Tôi vấp vào một hòn đá, lao đao suýt ngã.
Tôi đi miết theo đường tàu. Biết đi đâu giữa chốn hoang vu này? Cuối mùa hạ, trời còn cái nóng ong ong. Con đường hun hút trước mắt. Cây cối rậm rạp hai bên. Không chừng phải ngủ rừng. Biết vậy thì ở lại trên tàu cho xong. Nhưng ở vào hoàn cảnh tôi đi hay ở và ở nơi nào thì cũng vậy thôi. Chẳng có chỗ nào là nơi nương náu. Hơn nữa, vé tàu chỉ cho tôi một ghế ngồi hạng bình dân. Trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái nồng nặc mùi người. Tàu chạy còn có chút gió, tàu đứng chết một chỗ, ngửi hoài hơi người, nghe hoài tiếng người, nhìn hoài những hình người… chắc sẽ phát điên. Đã vậy người đàn bà ngồi kế bên không để tôi yên. Suốt lộ trình bà ta cứ quay sang tôi mà tra hỏi. Đành phải bỏ đi thôi. Ra sao thì sẽ tính sau.
Tôi rẽ vào lối mòn luồn giữa những tàng cây rậm lá. Cái bóng nhỏ bé của người thiếu nữ tất tả đi theo. Tôi làm bộ cúi xuống sửa quai xách chiếc va li, cố ý chờ. Đến khoảng lưa thưa nhà cửa và lác đác bóng người, tôi đi chậm lại. Trên con đường lổn nhổn đá vụn, thấp thoáng bóng một chiếc xe ngựa. Bóng thiếu nữ đến gần. Tôi liếc mắt nhìn. Khuôn mặt trẻ trung. Một cô gái. Cô gái ấy nhìn tôi, không nói.
Bước tới sát bên chiếc xe ngựa, tôi cao giọng hỏi người đánh xe, “Ông ơi, gần đây có nhà trọ nào không?”
“Làm gì có,” người đàn ông nói, mắt nhìn thẳng phía trước, dài theo con đường rải đầy đá vụn.
“Ông có biết chỗ nào… tôi lạnh quá!” Giọng nói run run của cô gái vang lên ngay sau lưng tôi.
“Lên xe đi,” người đánh xe hất đầu ra dấu.
Tôi quay lại nhìn cô gái. Cô ấy nhìn tôi. Có lẽ đọc được vẻ ngần ngừ của hai chúng tôi, người đánh xe gằn giọng, “Không còn xe nào khác đâu.” Trái táo ở cổ họng ông ta gồng lên như thể dưới lớp da đầy những đốm trắng nhợt nhạt kia, có một con lươn còn sống.
Tôi quẳng va li của mình vào lòng xe. Sàn gỗ kêu lên ken két. Người đàn ông quay lại trừng mắt nhìn tôi. Tôi biết mà, va li của tôi nặng vì nó chứa toàn bộ tài sản tôi gom góp được sau mấy chục năm làm người. Nặng, nhưng dù yếu đuối vợ tôi vẫn quẳng được nó ra sân sau trận cãi vã chiều hôm qua. May mà cái quai chưa đứt và những bánh xe còn nguyên vẹn. Tôi cố mỉm cười với người đánh xe. Rồi tôi nhắc dùm cái va li của cô gái lên, cố gồng cánh tay, đặt nhẹ nhàng vào lòng xe, một phần vì thói quen lịch sự với phụ nữ và cũng vì cái trừng mắt đầy tia máu của người đàn ông.
Thành xe hơi cao, chiếc quần jean bó sát làm cô gái leo lên một cách vất vả. Cánh tay cô vươn cao, níu lấy thành xe, làm chiếc áo thun co lên, để hở ra khoảng da bụng trắng xanh. Tôi muốn đưa tay đỡ dùm cô ấy lên xe, nhưng không biết đặt tay vào chỗ nào. Nên tôi đứng yên, chờ. Con ngựa già phơi những xương sườn vênh vẹo. Cái đuôi phất phơ quẫy đập như thể đang đuổi ruồi, đuổi muỗi.
Chiếc xe lọc cọc lăn bánh trên đường đất lởm chởm những ổ gà và rải rác đá vụn. Có lẽ gần đây có núi đá nơi người ta đập đá chuyển đi nơi khác để xây cất một công trình nào đó. Tôi muốn hỏi người đánh xe chuyện ấy nhưng thấy ông ta cau có, và luôn miệng mắng nhiếc con ngựa nên thôi.
Cô gái ngồi dựa lưng vào thành xe, đối mặt với tôi nhưng cả hai chúng tôi đều tránh nhìn nhau. Bánh xe gỗ lọt ổ gà xô chúng tôi nghiêng ngả trong lòng xe. Những bụi cây đan cành thành hàng dọc hai bên đường. Thỉnh thoảng một luồng gió nhẹ vắt lên mặt tôi chút man mát, dịu dàng và thoang thoảng mùi tanh cộc cằn của bùn đất.
Cô gái co người, suýt soa chà hai bàn tay vào nhau. “Lạnh quá!” Tiếng thì thầm của cô lẫn vào tiếng gió.
“Gió sông đấy.” Người đánh xe ngựa nói trống. Tôi ngạc nhiên bởi cô gái nói nhỏ vậy mà ông ta cũng nghe ra được.
“Ở gần đây có sông à?” Tôi hỏi.
Người đánh xe không trả lời. Ông ta tiếp tục mắng con ngựa lười biếng.
Đến một chân dốc, chiếc xe tụt lại, tôi nhảy xuống vịn tay vào thành xe đẩy tiếp. Lên tới đỉnh dốc, xe tuột xuống. Con ngựa rảo bước theo đà, móng đề gõ xuống mặt đường nghe rộn ràng như tiếng mõ một ngôi chùa có chú tiểu ngủ gục vừa giật mình thức giấc. Chiếc xe vùn vụt lao dốc. Tôi chạy theo hụt hơi. Hai bắp chân nhức buốt. Tôi đứng sựng lại. Bầy muỗi đói vi vu trên mặt. Xe ngựa chờ tôi ở chân dốc. Tôi ỳ ạch leo lên.
Con đường càng lúc càng hẹp, cây cối hai bên đường đan sát vào nhau như vách tường tối ám. Đến khúc đường viền một bờ nước đen ngòm, người đánh xe hối thúc chúng tôi xuống.
“Tôi phải về cho kịp giờ,” ông ta nói. “Tối rồi, ngu gì mà lẩn quẩn ở bến sông này.” Rồi ông ta chỉ vào con ngựa đang phì phò thở, “Mắt nó kém. Đi một hồi có mà lao xuống sông.”
“Nhưng quanh đây có chỗ trọ không?” Tôi hỏi vội khi kéo cái va li của cô gái, đặt xuống đất.
Người đàn ông hừ lên một tiếng và hất cái đầu lưa thưa những tóc về phía những lùm cây rậm rạp.
Tôi nhảy xuống đường, lóng ngóng chờ cô gái. Bàn chân cô vừa chạm đất là ông ta đã giật dây cương cho con ngựa lóc cóc đếm bước. Tôi gọi với theo, “Hết bao nhiêu tiền, ông ơi!” Người đàn ông khoác tay. Tôi tần ngần nhìn theo. Cô gái đứng co ro bên chiếc va li. Tôi nhìn cô ta. Cô ta nhìn tôi. Hai chúng tôi không nói gì với nhau. Tôi quay lưng, xách va li, đi về phía có ánh đèn le lói sau những rặng cây rậm lá. Cô gái lặng lẽ đi theo. Chúng tôi quanh quẩn mãi mới tìm ra một tòa nhà có nhiều tầng, với những vách tường gạch sần sùi, mốc meo, nhưng có vẻ bề thế hơn những túp nhà o ép chung quanh. Và là nơi duy nhất có ánh đèn. Chắc đây là cái quán trọ mà người đánh xe muốn dẫn chúng tôi đến. Tôi nhớ vẻ ngần ngại của ông ta khi chỉ cho chúng tôi chỗ này. Xe ngựa cách chúng tôi một quãng xa, ông ta còn nói vọng lại, “Coi chừng đấy!”
Tòa nhà ở khuất sau khu đất nhô ra ngoài lòng sông nơi lau sậy um tùm. Tôi cần chỗ nghỉ qua đêm. Đẹp hay xấu không cần biết. Mệt lắm rồi. Rã rời cả hồn lẫn xác.
Tôi liếc trộm cô gái. Hoàn cảnh đẩy đưa. Tôi nghĩ vậy. Cùng chuyến tàu, cùng gặp nạn, cùng bỏ tàu tìm chỗ nghỉ qua đêm. Bạn đồng hành bất đắc dĩ. Không nói ra nhưng trong đầu tôi, và có lẽ cả cô ấy đều hiểu là sẽ thuê hai phòng riêng biệt.
Trước quầy tiếp tân, chúng tôi nhìn nhau, từ lúc rời bỏ toa tàu và suốt lộ trình dằn xóc trên xe ngựa, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhìn nhau mà không nói như thế. Cuối mùa hạ. Cái oi bức còn hậm hực trong không khí. Ánh đèn vàng vọt. Bây giờ tôi mới nhìn rõ mặt cô gái. Cặp mắt kiếng gài trên mái tóc. Vầng trán chữ nhật đầy nét bướng bỉnh. Sống mũi cao. Cái miệng nhỏ và xinh.
Tôi muốn nói một câu gì đó nhưng nghĩ không ra.
Câu hỏi lớn xoáy trôn ốc trong đầu. Mình sẽ sắp xếp chỗ ở tối nay như thế nào. Nếu quán trọ chỉ còn một phòng thì không biết phải làm sao. Tôi nhìn cô ấy. Bây giờ tôi lại nhận thêm ra rằng cô ấy có đôi mắt đẹp. Tôi nghĩ nếu chỉ còn một phòng thì tôi sẽ chung phòng với cô ấy. Cô ấy ít nói – hay chẳng bao giờ nói – và xinh xắn. Chung phòng với một cô gái như thế, dù chưa quen, cũng là điều thú vị.
Chúng tôi kéo lê những bước nặng nề trên lớp thảm dày lót hành lang. Không có ai ở bàn tiếp tân. Cả hai chúng tôi cùng đưa tay ra một lượt định bấm cái chuông nhỏ trên mặt quầy. Hai cánh tay ngừng lại cùng một lúc. Bốn con mắt nhìn nhau. Tôi rụt tay lại, nhìn những ngón thuôn khều ra tiếng kính coong trong vắt. Tiếp viên là một người đàn bà đứng tuổi. Những nếp nhăn hình nan quạt ở đuôi mắt dãn ra khi bà ta nhìn chúng tôi. Con mắt đầy dấu hỏi.
“Chúng tôi cần…” tôi lắp bắp.
Bà tiếp viên nhìn tôi. Tôi nhìn sang cô ấy, rồi quay lại bà ta, bắt gặp cái mụn ruồi thịt trên khóe môi. Cái mụn ruồi rung rinh nhảy múa. Cô ấy nhìn tôi. Tôi lại nhìn cô ấy. Rồi cô ấy lẩm bẩm, “Lạnh quá! Chúng tôi cần phòng…”
Cô ấy không nói là một hay hai phòng. Nên tôi cũng lặng thinh.
“Ai chỉ đường cho ông bà lại đây vậy?” người đàn bà hỏi, ánh mắt nghi hoặc lướt lên cô ấy rồi đọng lại trên mặt tôi.
“Người đánh xe ngựa,” tôi nhanh miệng, nói.
Người đàn bà tròn mắt nhìn tôi. Rồi khẽ nhún vai, khinh khỉnh, “Việc gì phải nói dối như thế.”
Tôi ngỡ ngàng nhìn những nếp nhăn ở hai bên đuôi mắt người đàn bà, rồi quay sang cô ấy. Tôi không hiểu người đàn bà mắng mỏ tôi hay nhiếc móc người đàn ông đánh xe ngựa. Tôi muốn cô gái xác định với người đàn bà này là tôi không nói dối.
Nhưng cô ấy không về phe với tôi. “Chúng tôi cần hai phòng,” cô ấy nói, không nhìn tôi.
Tôi vội gật đầu. Vậy là hai phòng. Không còn gì phải băn khoăn.
“Phải có lò sưởi mới được, tôi lạnh lắm!” Cô gái thì thào.
“Tôi cho anh chị hai phòng kế bên nhau,” bà tiếp viên nói, giọng khàn đục. “Có cửa thông qua nhau.” Chúng tôi nhìn nhau, không nói. “Nhưng chị có thể khóa cửa ấy lại,” người đàn bà nhìn cô ấy, nói như trấn an. Tôi liếc cô ấy, bắt gặp cô ấy nhìn trộm tôi. Cái nhìn lướt qua thật nhanh. Rồi cô ấy ngước nhìn bức tranh treo trên tường. Tháp Eiffel vắt vẻo cạnh dòng sông uốn khúc. Nhất định là sông Seine. Tôi nghĩ vậy.
“Phòng mười hai và mười bốn,” người đàn bà nói nhanh, tay vung vẩy sợi dây buộc vào hai chìa khóa. Tôi ngạc nhiên, hai phòng nói là kế bên nhau, sao lại cách nhau một con số, nhưng rồi nhận ngay ra rằng người ta tránh con số mười ba.
“Ai muốn phòng mười bốn?” Người đàn bà hỏi, mắt nhìn tôi đăm đăm.
Tôi còn đang ngập ngừng thì cô ấy đã đưa tay đón lấy chìa khóa phòng mười bốn.
“Có thang máy không,” tôi hỏi, mắt liếc hai cái va li.
“Có,” người đàn bà nói. Mắt tôi sáng lên, tôi biết vậy, bởi căn phòng bỗng dưng như vừa được bật thêm một ngọn đèn. Tôi ngại xách hai cái va li leo ba dẫy thang lầu cũ kỹ và ẩm mốc. Nhưng người đàn bà làm tắt phụt những ngọn đèn ảo tưởng trong tôi. “Thang máy hư rồi.” Bà ta nói, giọng lạnh băng.
“Sao vậy?” tôi hỏi.
“Hư rồi,” bà tiếp viên sẳng giọng. “Thang bộ ở đầu kia. Với lại chỉ có ba tầng lầu.”
Những ngón tay mập mạp chỉ về phía cuối hành lang.
Chúng tôi nhìn nhau. Có lẽ những ý nghĩ trong đầu cô ấy giống hệt cái mớ nhùng nhằng trong đầu tôi. Cô ấy gỡ cặp mắt kính ra khỏi mái tóc. Những sợi tóc xõa xuống trán. Tôi nhìn thấy những sợi tóc chẻ ra ở ngọn. Những sợi tóc màu nâu lẫn vào những sợi tóc màu đen. Tự dưng tôi muốn hỏi màu tóc tự nhiên của cô ấy là đen hay nâu. Nhưng tôi lặng thinh. Và tôi tự hỏi tại sao ánh đèn vàng vọt từ chiếc bóng tròn trên trần nhà lại soi rõ những sợi tóc chẻ đôi của cô gái như thế. Tôi biết mình không có duyên ăn nói, hơn nữa tôi với cô ấy có quen biết gì nhau đâu. Đi cùng chuyến tàu, cùng chuyến xe thổ mộ, và hoàn cảnh đưa đẩy phải vào chung một quán trọ. Chỉ có vậy thôi.
Đi qua chỗ cửa thang máy, tôi đứng lại nhìn. Cánh cửa đóng kín. Tôi thử bấm nút. Nhưng ánh đèn không sáng lên như những thang máy tôi vẫn dùng ở cái thành phố mà tôi vừa bỏ đi. Tôi nhìn cô ấy, khẽ lắc đầu. Cô ấy nhìn tôi, đôi con mắt nâu. Rồi cô ấy cũng lắc đầu và co người suýt soa, “Lạnh quá!”
Tôi ngạc nhiên nhìn cô ấy. Mọi cánh cửa tòa nhà đều đóng chặt. Hành lang bít bùng và nóng nực. Ban nãy tôi đã phải cởi bớt nút áo cổ cho bớt nóng, vậy mà cô gái này luôn miệng than lạnh.
Chúng tôi hì hạch xách va li leo lên sáu mươi mấy bậc thang. Những thanh gỗ cót két dưới từng bước chân. Lên được tới lầu ba, tôi đứng lại thở dốc, và chờ. Cô ấy đứng lại ở nửa chừng thang lầu, hai bàn tay trắng muốt đè lên ngực. Tôi bỏ va li của mình lại đó, bước vội xuống, xách dùm va li của cô ấy. Va li của cô ấy nhẹ tênh. Cô ấy lên tới, tôi nhìn cô ấy, muốn hỏi một câu nhưng không biết nói gì. Chúng tôi đi về phía phòng cô ấy trước. Dù còn xa lạ nhưng tôi vẫn muốn biết chắc mọi chuyện với cô ấy đâu vào đó an toàn rồi thì tôi mới yên lòng về phòng mình. Con số 14 vẽ nguyệch ngoạc trên khung cửa đập vào mắt tôi.
Tôi đón chiếc chìa từ tay cô gái, gài sâu vào lỗ khóa. Ngọ ngoạy tới lui vẫn không mở được. Tôi lúng túng quay lại nhìn cô, lắc đầu. Cô gái tròn mắt nhìn tôi. Cô bước tới, đón chiếc chìa khóa từ tay tôi. Tôi đứng tránh qua một bên. Thoáng hương nhẹ nhàng như mùi của tóc lẫn trong mùi da thịt tẩm chút mồ hôi và đẫm bụi đường lâng lâng không khí. Cô mím môi vặn. Cánh cửa mở hé. Cô tránh qua một bên. Tôi ngượng ngùng đẩy cửa bước vào. Cô ấy lặng lẽ theo sau. Căn phòng tối đen. Tôi rờ rẫm vách tường tìm chỗ mở công tắc đèn. Anh đèn vàng vọt thắp lên soi căn phòng lờ mờ những đồ đạc.
“Có người,” tôi nói.
Cô gái lặng thinh.
Tôi đứng sựng tại chỗ. Một cái va li đen đúa dường như vương đầy bùn đất nằm trên nền nhà, trên quai xách có sợi dây vải màu tím thắt thành hình chiếc nơ. Hai chiếc dép xẹp quai màu đỏ quăng bừa trên lối vào, một chiếc giày cao gót màu đỏ nằm lăn lóc cạnh chân giường. Trên giường còn bừa bộn một chiếc áo ngực ren màu đỏ và những vớ lót còn cuốn lại ở một đầu.
Tôi quay lại nói với cô ấy, “Lộn phòng rồi. Có người ở đây.”
Cô ấy tròn mắt nhìn tôi. Chúng tôi bước ra ngoài, đóng sập cánh cửa. Âm thanh vang động dãy hành lang lờ mờ ánh đèn.
“Chờ đây nhé,” tôi nói, và tôi bảo cô ấy rằng tôi sẽ phải đi xuống nói với người ta là đã lộn phòng rồi.
Cô ấy rì rầm, “Không ở một mình đâu, sợ lắm.” Lần đầu tiên cô gái nói một câu đầy âm sắc và ướp đầy nữ tính.
Tôi gật đầu. Tôi không muốn cô ấy phải kéo hành lý đi lên đi xuống, nhưng cũng không muốn bỏ cô ấy lại đây một mình.
Chúng tôi kéo lê va li dọc hành lang. Lớp thảm lót hành lang đã xác xơ và mỏng dính. Bánh xe của va li của tôi vướng vào một chỗ rách trên mặt thảm, giật ngược chiếc va li đang ngon trớn. Cô ấy đứng sựng lại, chờ.
Tôi đẩy lùi cái va li cho bánh xe gỡ khỏi chỗ rách trên thảm. Cô ấy chờ tôi kéo va li đi trước và lặng lẽ theo sau. Đến trước thang máy, cô ấy tần ngần đứng lại. Rồi nhanh tay bấm nút. Cô ấy cũng có cái tò mò giống như tôi. Người ta đã bảo thang máy hư rồi mà vẫn cứ muốn thử. Tôi nhếch một khóe cười, thầm nghĩ, Còn lâu. Nhưng ánh đèn sáng lên. Tôi đứng sựng lại, chờ. Tôi quay qua nhìn cô ấy. Khóe môi cô ấy nhếch lên. Hình như đó là một nụ cười chưa nở trọn. Nhưng hai con mắt không cười. Tuy nhiên tôi cũng cười theo. Tôi thấy cái cười của mình gượng gạo. Cái cười của cô ấy tự nhiên và duyên dáng.
“Vậy mà cái bà kia dám nói thang máy hư,” tôi gợi chuyện. Cô gái lặng thinh. Tôi tiếp, “Làm sao có thể lộn phòng như vậy được nhỉ.”
Cô ấy khẽ lắc đầu và rùng mình suýt soa. Những sợi tóc rũ xuống trán. Một lọn tóc lúc lắc trên vai.
Cửa thang máy mở. Một người đàn bà bước ra. Chiếc áo sơ mi màu đỏ xẻ sâu xuống trước ngực. Cố không nhìn nhưng tôi cũng bắt được cái mụn ruồi tròn như hạt đậu trên vòm cong ngực bên trái người đàn bà. Cô ấy đứng tránh qua một bên nhường lối. Người đàn bà lướt qua bỏ lại mùi nước hoa nồng đậm. Chúng tôi bước vào thang máy. Chúng tôi nhìn nhau. Tôi lại mỉm cười. Cô ấy cũng cười. Khoe những chiếc răng trắng đều.
Chúng tôi đứng cạnh nhau trước quầy. Lần này nỗi bực dọc trong lòng xui tôi nhanh tay bấm chuông.
“Thang máy chạy được rồi,” tôi nhanh miệng nói khi bà tiếp tân ra tới.
Người đàn bà nhún vai, khẽ lắc đầu. Nhưng không thèm nói gì hết.
“Phòng ấy có người,” tôi nói.
“Ông có chắc không,” người đàn bà tròn mắt, hỏi.
“Có người,” cô ấy tiếp lời tôi.
“Làm sao anh chị biết có người?” Bà tiếp viên nhìn tôi, rồi nhìn sang cô ấy, ánh mắt nghi hoặc.
“Có người thật mà. Chính mắt tôi thấy đồ đạc bừa bãi trong phòng,” tôi quả quyết.
“Có hai chiếc dép, một chiếc giầy cao gót màu đỏ với một cái va li,” cô ấy tiếp lời tôi.
Tôi gật đầu, thán phục trí nhớ về những chi tiết của cô ấy.
“Nếu có người thì bạn đâu có chìa khóa mà mở cửa phòng,” bà nhân viên nói.
“Mở được mới thấy có đồ bên trong,” tôi nói.
Bà nhân viên lắc đầu, “Để tôi lên cùng với mấy người.”
Ba chúng tôi lại lục tục đi về phía cầu thang.
Tôi sựng lại trước cửa thang máy, kỳ kèo, “Thang máy đi được mà.”
Người đàn bà gắt, “Tôi đã bảo thang máy không dùng được. Ở đâu đến đây mà lại rành hơn tôi vậy?”
“Chúng tôi mới xuống bằng thang máy,” tôi nói, và sấn tới trước, bấm nút gọi thang máy. Nhưng ánh đèn không sáng lên như khi cô ấy bấm ban nãy.
Người đàn bà lắc đầu. Chúng tôi đành đi theo bà ta về phía cầu thang. Lại hơn sáu mươi bậc thang.
Ba người, hai va li lạch lạch, lạch cạch. Bà nhân viên vùn vụt bước đi. Tôi với cô ấy lục đục theo sau. Bánh xe va li của cô ấy vướng vào chỗ thảm bị rách, đúng ngay chỗ va li tôi bị mắc ban nãy. Cả hai chúng tôi hồng hộc thở khi lên đến cửa phòng số 14.
Tôi đưa chìa khóa cho người đàn bà, hăm hở chờ bà ta sáng mắt ra. Chỉ một vòng xoay, và cánh cửa mở ra. Người đàn bà bước nhanh vào phòng, với tay bật công tác điện. Ánh sáng chan hòa căn phòng. Không phải ánh đèn vàng vọt ban nãy. Tôi bỏ va li ngoài cửa, nhanh chân bước vào. Căn phòng trống trơn.
Tôi quay lại nhìn cô ấy. Hai mắt mở lớn, cô ấy thì thầm, “Không muốn phòng này nữa đâu.”
Tôi nhìn bà nhân viên. “Rõ ràng có một cái va li nằm ngay chỗ này.” Tôi chỉ xuống thảm ngay chỗ đứng của người đàn bà.
Người đàn bà nhún vai. Cô ấy nhìn tôi. Màu nâu đôi con mắt đặm lên dưới ánh đèn vàng.
Máu nghĩa hiệp trong tôi sùng sục sôi, trào ra thành cái xua tay quả quyết, “Vậy mình đổi phòng cho nhau cũng được.” Tôi nói, dẫu trong lòng chấp chới lo âu. Bởi tôi nhớ rõ lắm chỗ người đàn bà này đang đứng mới vài phút trước là cái va li đen đúa còn vương đầy bùn đất. Và cạnh cái chân giường kia có rõ ràng một chiếc giầy cao gót màu đỏ nằm chỏng chơ trên thảm.
“Không ở một mình đâu, sợ lắm,” cô ấy nói bằng tiếng Việt.
“Cô ấy nói gì vậy?” Người đàn bà hỏi tôi.
Cô gái chuyển ngay sang tiếng Anh. “Không ở một mình đâu. Sợ lắm.”
Có chút gì đó như thoáng reo vui rộn ràng trong đầu tôi. Nhưng tôi cố giữ vẻ lạnh lùng trên nét mặt.
“Chẳng sao cả,” người đàn bà nhún vai nói. “Miễn sao trả tiền đủ cho hai phòng.”
“Đâu có được,” tôi kỳ kèo. “Một phòng thì trả tiền một phòng.”
Cô gái đưa tay cản tôi lại, “Không sao, để tôi trả.”
Vậy là hai chúng tôi ở chung phòng. Phòng mười hai. Dù sao con số này cũng dễ chịu hơn số mười ba trá hình thành mười bốn. Cô ấy lặng im vẻ cam chịu. Vào phòng rồi, tôi cẩn thận mở cả những ngăn tủ để kiểm soát. Nhưng tất cả trống trơn.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu vênh vẹo, nhìn quanh. Lúc cô ấy mở va li, lấy đồ, tôi giật mình khi thấy cái nơ vải màu tím buộc ở quai xách. Cô ấy lấy ra bộ đồ ngủ và đôi dép xẹp có quai màu đỏ. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi nhớ mình có thấy đôi dép quai đỏ ở đâu đó. Nhưng tôi nghĩ mãi không ra. Hình như thấy ở người đàn bà ngồi cạnh tôi trên tàu, cái bà luôn miệng hỏi mình có chết không hở ông.
Đêm. Chúng tôi ôm bụng đói để ngủ. Tôi nhường cô ấy chiếc giường có tấm nệm mỏng và những lò so cót két khi cô ấy ghé lên ngồi mém ở cạnh giường. Tôi nằm co trên chiếc ghế dài không đủ chỗ duỗi chân.
Giấc ngủ chập chờn. Tôi bị đánh thức mấy lần vì tiếng kéo bàn kéo ghế lịch kịch ở phòng kế bên. Tôi mở mắt nhìn. Tôi vạch màn cửa sổ. Những con đom đóm lập lòe quanh những bụi cây tối đen bên dưới. Tôi trở về chiếc ghế dài, co người như con sâu và vật vờ giấc ngủ.
Rồi tôi giật mình. Chập chờn mãi mới nhớ ra mình đang ở trọ. Tôi nghểnh cổ nhìn về phía chiếc giường ở góc phòng. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ, chiếc giường trống trơn. Tôi đoán cô ấy vào nhà vệ sinh. Tôi nằm xuống, vu vơ nhìn cái trần nhà lồi lõm. Tôi chờ nghe tiếng cô ấy giật nước, nhưng chờ hoài không thấy, tôi lại ngủ thiếp đi. Tiếng giật nước cầu vọng sang từ phòng kế bên làm tôi giật mình. Chắc chủ quán trọ đã cho ai khác thuê phòng. Ngày mai tôi sẽ bảo cô ấy đòi lại tiền. Dù không ở nhưng đã trả tiền thì đó là phòng của chúng tôi. Có lẽ một người nào đó đi cùng chuyến tàu với chúng tôi và tìm đến nơi này. Ngày mai gặp họ tôi sẽ hỏi thăm xem chuyện gì xảy ra cho chuyến tàu. Tôi bây giờ tứ cố vô thân. Ai cũng có thể nhận ngay làm bạn. Vợ quăng va li đuổi, tôi thành người tự do. Cô gái nào tôi cũng có thể ôm chầm lấy thì thầm vào tai họ những câu ngọt ngào. Và tôi nghĩ đến cô ấy. Đêm đầu tiên chung phòng trọ với một người đàn bà chẳng phải người yêu, cũng không phải vợ. Cảm giác lạ lùng. Đêm thứ nhất trong đời. Sẽ còn chăng những đêm thứ nhì, thứ ba? Ý nghĩ quấn lấy nhau trong đầu. Nếu bây giờ tôi lăn vào giường cô ấy thì sao nhỉ. Hẳn sẽ ấm áp hơn nằm sofa một mình giữa đêm cuối mùa hạ trong một quán trọ gần một bờ sông hoang dã. Tôi đã ngủ trên chiếc sa lông cũ kỹ phòng khách nhà tôi hơn hai tháng rồi. Tôi nhớ da diết hơi ấm và cái mềm mại đầy quyến rũ của chốn vun cao, của vùng trũng thấp trên thân thể người nữ. Ý nghĩ làm tôi khó chịu. Da thịt tôi nổi gai. Tôi lăn qua phải, nhìn cái vũng tối đen của căn phòng, rồi lăn qua trái nhìn chằm chặp vào lưng ghế xám tối. Mùi hôi mốc thoang thoảng không gian. Cảm giác lạ lẫm khi hình dung có một người đàn bà nằm cách tôi không tới hai bước chân, trong căn phòng lờ mờ ánh sáng từ bóng đèn ngủ cắm ở góc tường làm tim tôi rối nhịp. Tôi bò dậy, bước tới bên cửa sổ. Chân trần cào trên mặt thảm sần sùi. Tôi dán mắt vào những đốm xanh đỏ lập lòe. Lâu lắm không nhìn thấy những con đóm đóm. Những đốm sáng chập chờn lượn trong vũng tối. Thuở nhỏ, tôi hay bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh. Chẳng biết để làm gì. Những con đom đóm nhập nhòa bóng đêm thời thơ ấu.
“Đẹp quá!” Câu nói nhẹ như tiếng thì thầm làm tôi giật bắn người. Cô gái đứng sau lưng tôi từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Hai con mắt long lanh trong bóng tối. Tôi bần thần đứng tránh qua một bên. Cô vạch tấm màn cửa, bước tới, đứng dựa thành cửa sổ, sát bên tôi. Tôi hít được chút hương dịu dàng. Mùi da thịt thiếu nữ hay thoáng hương đêm, tôi không cách chi phân biệt được.
“Lạnh quá, không ngủ được,” cô nói nhỏ.
Cái nóng cuối mùa hạ vẫn còn gay gắt, căn phòng lại luôn đóng cửa mà lúc nào cô ấy cũng than lạnh. Nhưng tôi cũng hùa theo, “Tôi cũng vậy.”
Tôi nhìn những đốm sáng lập lòe trên tấm màn đen thẫm của đêm bên dưới, “Nhiều đom đóm quá.”
“Bờ sông ở dưới đó,” cô thì thầm. “Nước lạnh buốt.” Cô nói và khẽ rùng mình, khoanh vòng cánh tay trước ngực.
“Ông đánh xe ngựa cũng nói vậy,” tôi nói.
“Có chiếc cầu gỗ thật đẹp,” cô nói.
Tôi quay sang nhìn cô, ngạc nhiên, “Sao cô biết?”
Cô nhìn tôi. Không có câu trả lời. Hay là cô đang nói bằng mắt mà tôi đọc không ra. Tại bóng tối hay tại đầu óc tôi u tối tôi cũng không biết nữa. Cô thì thầm, “Chiếc cầu gỗ ấy…”
Tôi thắc mắc, “Chiếc cầu gỗ ấy có gì lạ?”
Vẫn không có câu trả lời. Chúng tôi đứng, lặng im, sát bên nhau, ở một nơi xa lạ, trong bóng tối. Giữa cái quạnh vắng của đêm, tôi nghe được cả tiếng thở của người con gái.
“Không biết trên tàu giờ này ra sao rồi,” tôi nói, cố lấp cái khoảng trống ngượng ngùng.
“Cũng vậy thôi,” cô lẩm bẩm cái câu tối nghĩa.
“Chắc có chiếc cầu bị gẫy,” tôi đoán mò.
“Chiếc cầu bắc ngang con sông ngoài kia.” Cô chỉ ngón tay vào bóng đêm trước mặt.
“Nếu vậy thì tàu mình ngừng đúng lúc.”
“Không có ai chết oan,” cô nói. Im lặng một lúc. Tiếng côn trùng nghe chợt xa chợt gần. Giọng cô thì thầm, “Không ai chết oan.” Lại im lặng, rồi cô tiếp, “Nhưng mình có sắp chết không?”
Tôi giật mình, quay sang nhìn cô. Nhìn gần, dẫu bóng tối loang loang, tôi vẫn thấy rõ nét một khuôn mặt đẹp. Khuôn mặt ấy mỉm cười, “Cái bà ngồi cạnh ông hay nói câu ấy, nhớ không?”
Tôi lại giật mình. Và tôi nhớ ngay ra người hành khách ngồi cạnh tôi, cái người níu áo tôi trên toa tàu lúc tôi kéo cái va li ra khỏi gầm ghế.
“Ông có sợ chết không?” Cô gái lại hỏi.
Tôi không tìm ngay được câu trả lời bởi đầu óc tôi bấn loạn. Làm sao cô gái này biết rõ cái câu người đàn bà ngồi cạnh tôi trên tàu vẫn nói. Trừ khi cô ngồi hàng ghế ngay sau lưng chúng tôi. Nhưng suốt đoạn đường trên tàu tôi chẳng có lần nào trông thấy cô. Khuôn mặt xinh xắn này, chỉ thoáng thấy thôi, cũng khó lòng quên được.
“Thôi, ngủ đi, mai còn…” Tôi nói, và ngưng ngang. Ngày mai tôi sẽ phải làm gì? Tôi có gì để làm? Rồi tôi sẽ đi đâu? Toàn những câu hỏi không tìm ra câu trả lời.
“Ngày mai…” Tôi hạ giọng.
Cô thì thầm, “Ngày mai…”
Tôi chờ cô nói hết câu. Nhưng cô không nói gì thêm. Chúng tôi trở về chỗ của mình. Chiếc giường rên kẽo kẹt khi cô trở mình. Tôi co quắp trên sofa. Tôi nhắm mắt hình dung thân hình mỏng (và mềm) nằm co như con tôm trên chiếc giường với tấm nệm mỏng, và chăn gối cũ kỹ. Rồi tôi chìm dần vào giấc ngủ.
Nửa khuya, tiếng cửa mở đánh thức tôi dậy. Tôi chống tay, ngểnh cổ, xoáy con mắt vào bóng đêm. Chiếc giường trống trải. Cái gối và mảnh chăn bông xô lệch. Tôi đứng dậy, bật đèn sáng, nhìn quanh. Va li của cô ấy vẫn nằm cạnh va li của tôi. Chắc cô ấy xuống văn phòng tìm mua thứ gì đó ăn đỡ. Tôi nghĩ thế bởi tôi đang cồn cào cơn đói. Tôi luồn tay vào va li của mình, lấy ra cuốn sách đọc dở dang. Trong khi chờ cô ấy đem thức ăn lên, tôi sẽ đọc truyện. Dưới ánh đèn vàng, những nhân vật níu kéo nhau bước ra từ trang sách. Cuốn tiểu thuyết tôi đọc hoài không xong. Cũng vì những chuyện không vui ở nhà biết bao lâu nay làm xáo trộn đầu óc.
Đang lẩn quẩn với những nút thắt của câu chuyện, tôi giật mình vì tiếng động bên ngoài khung cửa. Tôi bỏ vội cuốn truyện xuống ghế, ngểnh cổ nhìn. Cánh cửa bật mở, cái bóng nhập nhòe của cô gái lọt vào.
“Tắt đèn đi!” Cô nói.
“Chuyện gì…” Tôi lắp bắp.
Cô bước nhanh tới vách tường, gạt nút công tác điện. Bóng tối ùa về.
“Ông coi nè.” Từ trong bóng tối, cô thở ra giọng reo vui.
Có tiếng loạt soạt của bao ny lông và bỗng dưng trên cái nền đen đặc quánh của căn phòng tỏa ra vô số những đốm sáng xanh, đỏ, vàng lập lòe.
Tôi nín thở. Những đốm sáng xanh, đỏ, vàng ấy tản ra trong khoảng không gian chật hẹp của căn phòng.
“Đẹp không?” Cô nói.
Tôi thở ra, “Đẹp, thật đẹp. Nhưng mà…”
“Những ước mơ đủ sắc màu, ông thấy không?”
Những đốm sáng tôi thấy phía dưới khu vườn. Bầy đom đóm lập lòe chớp tắt như những vì sao bé nhỏ. Trong thoáng giây, cả một vùng ký ức dạt về. Những con đom đóm bay tỏa ra khắp phòng. Trên cái nền đen thẫm của bầu trời những vì sao lấp lánh, những vì sao trôi dạt trong không gian vô tận.
“Đẹp không ông? Đẹp không?” Giọng thì thầm của cô gái mơ hồ như vọng về từ cõi xa xăm nào đó.
Tôi ngẩn người dõi mắt vào bóng tối. Cả một thời thơ ấu tôi nhập nhòe trước mắt. Những lần xe lỡ chuyến, bơ vơ ở một nơi xa lạ, tôi phiêu bạt trên những con tàu mà không hình dung ra được nơi mình sẽ đến, những ước mơ tuổi nhỏ, những khao khát thiếu thời, những hẹn hò lấp lánh tin vui, tất cả mọi thứ chấp chới, nhập nhòe trong cái tĩnh lặng của đêm. Và mơ hồ nghe như đâu đây véo von tiếng sáo trúc. Tôi mê hay tỉnh tôi không còn biết được. Một vì sao lướt qua trước mặt tôi. Vô số những vì sao khác chập chờn trôi nổi bồng bềnh. Tôi chìm sâu vào vũng chiêm bao. Tôi ngây ngất. Chưa bao giờ tôi được sống trong cái thế giới ảo huyền đầy mộng mị như thế. Ông có bao giờ ước mơ đi lạc vào xứ sở thần tiên không. Giọng cô gái mơ hồ giữa những đốm sáng xanh, đỏ, vàng, tím lập lòe chập chờn bay trong vũng đêm ươm đầy ma mị. Ông có bao giờ tin có một thế giới song song với thế giới mình đang sống không? Tôi không chắc. Tôi ngập ngừng câu trả lời bởi trong tôi đang quá đỗi hoang mang. Ông có bao giờ nghĩ hai thế giới song song tưởng như không bao giờ gặp nhau lại có thể tan lẫn vào nhau không. Có lẽ, có thể… Tôi lẩm bẩm. Nếu như có người rủ ông bước sang một thế giới song song khác, ông có đi không. Tôi đưa tay vuốt nhẹ đốm sáng màu xanh vừa đậu xuống trên trán gây cảm giác nhột nhạt. Đốm sáng ấy bay lên cao, vờn quanh đốm sáng màu vàng. Hai đốm quyện quanh nhau. Đôi đom đóm quay cuồng luân vũ. Cô nói chuyện như nhà khoa học giả tưởng, tôi nói nhỏ. Không, ông à, có thật đấy. Cô nói cái gì có thật. Một thế giới song song. Tôi nghĩ đến những phim tài liệu về vật lý lý thuyết một thời quyến rũ tôi, về những không gian đa chiều. Nhưng cô gái này, cái người từ chiều đến giờ không hề nói trọn vẹn một câu, lại bỗng dưng nói không ngừng như người thuyết minh lưu loát, khi màn hình đang trình chiếu đoạn phim chập chờn hàng trăm con đom đóm, thắp thành muôn ngàn vì sao trong không gian chật hẹp căn phòng số 12 của hai chúng tôi. Ông có bao giờ yêu ai đến mù lòa chưa. Cô gái nói tiếp. Tôi nghĩ đến người đàn bà tôi đã chung sống gần hai chục năm. Em từng yêu một người, em đã từng nếm mùi lừa đảo, và em ngã vào thế giới song song. Cô nói tiếp, vẫn cái giọng thì thào. Tôi bối rối, lặng thinh. Tôi không thể hình dung ra điều gì đang xảy ra trong đầu cô gái này. Tôi không hiểu làm cách nào cô dẫn lối được cho hàng trăm con đom đóm từ khu vườn dưới kia, vào khiêu vũ trong căn phòng chật hẹp này. Tôi cảm nhận được cái nặng nề của hai mí mắt mình. Cơn buồn ngủ dán tôi vào lưng ghế. Giọng nói của cô lắng xuống, chìm dần vào tiếng rì rầm của núi rừng, tiếng rì rào của sóng biển, tiếng róc rách của dòng sông. Ông có bao giờ bị lừa gạt trong tình yêu không. Đầu óc tôi nặng nề, hôn ám. Tôi cố nhớ xem mình có khi nào bị phụ tình. Những hình ảnh thiếu nữ chồng chập trong trí nhớ. Tôi không nhận ra được người nào. Ông đã bao giờ phản bội ai chưa. Giọng nói cô mơ hồ như khói, như sương. Tôi nghe lòng mình xoắn lại. Khi bị phản bội, người ta dễ dàng bước chân qua một thế giới song song, bởi thế giới này không có gì cho mình lưu luyến. Cô nói tiếp. Em đã từng bị phản bội. Tiếng thì thầm dập dềnh xa xa gần gần. Và bàn tay nào đó mát lạnh chạm vào cánh tay trần của tôi. Tiếng thở hay tiếng gió. Nghe như giọng nói của một người con gái, “Nước sông lạnh quá. Nằm sát vào, cho em nằm với.”
Tôi buông rơi cuốn truyện xuống thảm, ngoan ngoãn nghiêng người nằm ép sát vào lưng chiếc sofa cũ kỹ.
Thân thể nào đó lạnh băng, nhưng mềm mại, run rẩy dán cứng vào tôi. Thoang thoảng hương da thịt lẫn vào chút gì đó như mùi tanh của bùn đất.
“Ngủ đi, ngủ đi trước khi những vì sao này tan biến.” Ai đó thì thầm bên tai tôi. Tiếng thầm tan vào tiếng sáo trúc nỉ non, tiếng gió núi rì rầm, tiếng sóng biển rì rào, và tiếng nước sông róc rách. Tôi dạt về thơ ấu. Tôi nhào vào con sóng bán đảo quê hương năm lên chín. Tôi nằm trên bãi cát nghe sóng vờn những đầu ngón chân. Tôi rơi vào con sóng cuồn cuộn chiếc xuồng máy lướt qua thả trên dòng sông thành phố tuổi nhỏ. Tôi chìm dần vào giấc ngủ lạnh buốt giữa một trời đầy sao. Những vì sao có cánh, những vì sao lập lòe trong không gian tĩnh lặng phòng số 12 căn nhà trọ không biết được xây nên từ thế kỷ nào.