Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tại chân núi Bắc Hàn, 9/2005

 

Cuối buổi hoc sáng thứ 6, cô giáo người Hàn chào chúng tôi để về nghỉ ba ngày liền dịp tết Trung thu. Cô cho biết sau mấy ngày nghỉ, trường có tham dự thi đấu bóng đá và tổ chức party.

Chúng tôi cùng cúi người khoảng 15 độ để chào tạm biệt cô:

An Nyoung Hi Ga Se Yo!

Làm như mình là chủ nhà tại cái lớp học trên tầng ba của tòa nhà mười tầng, sáng choang mọi thứ thiết bị phục vụ học tập hiện đại, một trong mười mấy tòa của trường Korea University do tập đoàn Samsung bảo trợ này.

Được nghỉ những ba ngày, cả lớp thấy nhẹ nhõm hẳn.

Lớp gồm 6 nhà văn và nhà thơ từ ba nước đến: Việt Nam, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi sang đến đây hầu như tất cả chưa nghĩ đến việc phải học thực sự cái thứ tiếng chỉ mới nghe nói đã thấy ngại kinh khủng. Tưởng trong chương trình tuy sẽ học tiếng Hàn, nhưng mà là học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, kiểu “ngoại giao”, hay “giao lưu văn hóa”. Trước khi đi Hàn, tôi gặp nhà văn Kim Nam in sang Việt Nam. Anh cho tôi một cuốn từ điển Hàn-Việt nhỏ xíu. May tôi có bọc theo. Buổi đầu ra mắt tại trường Korea University (thuộc Seoul) cũng khá long trọng. Có chụp ảnh lưu niệm với thầy cô. Ăn tiệc ngoài quán. Lúc đó, mọi  người mới biết cái tình huống hi hữu sau: Trong đoàn có một nhà văn Mông Cổ (chuyên viết lời cho nhạc) biết tiếng Hàn, anh dịch cho nhà thơ cùng đoàn. Nhà thơ này biết tiếng Nga, lại dịch sang cho nhà thơ Khánh Chi. Khánh Chi (vốn học ở Nga 7 năm) dịch lại cho tôi. Các thầy cô giáo cười thích thú vì trò dịch bắc cầu này. Ở trong nước, nghe tin này, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Phan Thị Vàng Anh và các nhà văn ở Ban Sáng tác được trận cười.

Nhưng cuối cùng không thể lười được, tôi đành cũng phải căng tai, cố nhớ ra những từ tiếng Anh để lâu không ôn lại của mình mà giao tiếp với mọi người. Hầu như mọi giao dịch, sinh hoạt đều phải dùng tiếng Anh. Không có tiếng Anh cũng không thể theo học cái lớp học đặc biệt này, vì cô giáo dùng tiếng Anh (phát âm kiểu Hàn) để dạy, giải nghĩa từ mới tháng đầu tiên. Sáng tháng thứ 2, thứ 3… thì dạy tiếng Hàn bằng tiếng Hàn. Ôi trời, thật là một thử thách kinh hoàng.

Vậy nên được chùng lại nghỉ ngơi ba ngày, chúng tôi tươi tỉnh hẳn.

*

6 nhà văn 3 nước cùng cô Hyeon Jeong (Viện Dịch thuật Hàn Quốc)

“Khổ thân” cho Hyeon Jeong.

Năm nay Hyeon Jeong mới hai mươi tám tuổi. Hồi chưa sang đây, nghe chị Đào Kim Hoa, Phó trưởng Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam gọi là “bà”, tôi cứ ngỡ ra sân bay đón mình là một “bà” bệ vệ, trắng trẻo và quan nghiêm vì được ướp loài sâm Hàn Quốc kỳ diệu. Nhưng nhìn cô gái giơ cao hàng chữ “Võ Thị Xuân Hà” thì tôi lập tức nhẹ hẳn người. Một người trẻ như thế, sáng bừng linh hoạt như thế, hẳn sẽ chia sẻ được với nhà văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giao trách nhiệm cho tôi làm Trưởng đoàn cái đoàn có hai người này. Đi chuyến này mà không hoàn thành nhiệm vụ, làm mất uy tín của các nhà văn Việt Nam thì “bỉ” lắm.

Than ôi, người ta đi nước ngoài được giao lưu tham quan, xe đưa xe đón, phiên dịch này nọ. Mình đi ghép đoàn, chỉ có “tiếng Anh” làm phương tiện ngoại giao. Cả đời loay hoay với tiếng Việt còn chả xong…!

Từ hôm sang đến giờ, mỗi lần gặp Hyeon Jeong là tôi lại thấy có cảm tình hơn với cô, một cô gái nếu nói đẹp thì chưa, nhưng thật dễ thương, nước da trắng mịn như nhung, có cái dáng khom khom cần mẫn của người trí thức Hàn.

Lẽ ra được nghỉ trung thu thì trưa thứ bảy cô phải đi đón chúng tôi ở “Chungmuro Station in Orange Line 3 & Blue Line 4”, theo email cô gửi đến, để đưa chúng tôi đi tham quan tại Namsangol Traditional Village, một ngôi làng văn hoá ở Seoul. Thế nên tôi mới nói “khổ thân” cô.

Trời đổ mưa từ sáng sớm. Nhìn thấy tôi không có dù, cô loay hoay sợ tôi ngấm thứ nước mưa hóa học trên bầu trời Hàn Quốc. Họ bảo nếu ngấm thứ nước mưa ấy, tóc sẽ rụng. Hàn Quốc là một nước công nghiệp, mưa cũng là mưa ngấm hệ quả công nghiệp.

Giải quyết xong chuyện dù, chúng tôi chạy bộ để đến những bến chuyển subway.

Làng văn hoá ngập trong mưa trung thu.

Nhưng ở đây mọi thứ vẫn đang được chuẩn bị tấp nập. Mọi ngườì kéo đến mỗi lúc mỗi đông, để xem tục làm các loại bánh cổ truyền Triều Tiên, trực tiếp nặn bánh để cho vào lò hấp; uống thử rượu dân tộc Hàn được làm theo kiểu rất lạ: lò lửa đốt bằng củi nóng rực ở dưới, phía trên là một cục nước đá to đặt trên cái nắp đậy và người ta trát kín bằng một thứ bột men rượu; xem hát dân tộc; dạo quanh các nếp nhà cổ, để như nghe vẳng đâu đây những lời kể thì thầm của loài hoa Chin-tal-le*:

Hai bên đồi đầy hoa

Chin-tal-le đẹp quá,

Hái hoa em dâng tặng,

Rắc đường anh đi qua…

Khi anh đã chán chường

Bỏ em mà rời xa

Lòng em, dù khắc khoải.

Cũng không khóc đâu mà.

(Thơ Kim Sô Uâl)

Có thể đó cũng là lời của những bài hát mà dàn ca nhạc dân tộc trình bày trong nếp nhà tựa như nhà sàn ở Việt Nam. Mọi người dẫn theo con trẻ, và nhiều cụ già kéo đến nghe say sưa y như ở nhà ta nghe hát quan họ, chèo, hay cải lương vậy. Những diễn viên không còn mấy trẻ, nhưng hát say sưa và truyền cảm đến nỗi dù không hiểu họ đang ca hát điều gì, nhiều người nước ngoài vẫn chăm chú nghe. Tôi nghĩ rằng loài hoa Chin-tal-le đang kể câu chuyện đời mình.

Những chú cá vàng to bự đẫm mình bao hoài niệm tung tăng dưới lòng hồ. Một đàn bồ câu mắt ngọc tung cánh trên mái nhà cổ.

Chúng tôi ném xuống giếng nước trong vắt những đồng won cầu may để kết thúc buổi tham quan của mình vào cuối chiều.

*

Đêm rằm mười bốn (ta) trung thu ở Hàn Quốc trời vẫn mưa to. Nhiệt độ vẫn đang ở mức 27độ. Các cửa hàng hầu như đều đóng cửa sớm.

Hai chúng tôi tách đoàn, bước chân vào một cửa hàng bán đồ dùng và thức ăn cho chó & mèo. Một người đàn ông trẻ vừa mới ôm một con mèo vào cửa hàng tìm mua một chiếc túi du lịch – chuồng. Anh nói muốn đưa chú miu về thăm gia đình ở tận Bu-san nhân dịp tết Trung thu. Anh vừa nói tiếng Hàn, vừa giải thích cho chúng tôi hiểu bằng thứ tiếng Anh pha âm giọng Hàn, rất khó nghe ra anh đang nói gì. Nhưng vào thời gian này, tôi và nhà thơ Khánh Chi đều đã có thể đoán ra ý của người đối thoại.

Tìm được chiếc chuồng ưng ý, trả tiền rồi thấy người đàn ông vẫn có vẻ mừng lắm. Ngay lập tức anh mở túi, đẩy chú miu xinh xắn vào và đóng khóa, mỉm cười cám ơn ông chủ:

Gam Sa Ham Ni Da!

Hai chúng tôi cùng bập bẹ bắt chước cái giọng “Gam Sa Ham Ni Da!” (cảm ơn) của người đàn ông Hàn lịch thiệp.

Chúng tôi xem mấy thứ dùng trang điểm cho con cún ở nhà của mình. Dường như ông chủ hơi sốt ruột, mắt liếc đồng hồ, nhưng vẫn niềm nở một cách tất bật với hai vị khách cuối cùng trong ngày. Hai chị em mỗi người tìm được một thứ để khi gần về sẽ mua làm quà cho cún. Tôi tìm được cái vòng cổ để đeo xích bằng da lộn màu xanh có hoa văn khá đẹp. Giá 7000 won, tức là bằng khoảng 111.000 đồng Việt.

Ông chủ hàng tận tình hỏi:

Ne, Moo Eeo Sil Do Wa Deu Ril Kka Yo? (Tôi có thể giúp được gì cho bạn?)

Tôi lắc đầu mỉm cười, lúng túng bằng thứ tiếng Anh bỏ lâu không ôn lại:

No, thank you!

Rồi chúng tôi đành “mất lịch sự” bỏ ra khỏi cửa hàng mà không kịp nhớ ra lời hẹn bằng tiếng Anh, rằng một ngày gần đây chúng tôi sẽ quay lại mua kỷ niệm một vật gì đó tại cửa hàng của ông; mà lại thực hành luôn mấy từ vừa học buổi sáng hôm qua tại trường Korea University, dù chưa đúng ngữ cảnh:

Jwe Song Ham Ni Da! (Xin lỗi, rất tiếc…!)

Gần như tất cả các cửa hàng đều chuẩn bị đóng cửa. Mưa vẫn tầm tã. Giá không có mưa, chắc sẽ vui hơn nhiều.

Những bà những cô và cả những cô bé cậu bé mặc trang phục dân tộc ríu rít đi cùng nhau ra ngôi chùa ở mé bên phải trường Korea University.

Chúng tôi đi theo họ ra chùa. Dĩ nhiên là chúng tôi chỉ đi theo phía sau, chứ không dám nhập vào cùng đoàn vì cách biệt nhau về ngôn ngữ. Định bụng họ đi đâu mình đi đấy, nếu có thể đi theo được.

Thế là đến chùa.

Không thể đọc được tên chùa, chỉ biết đây có lẽ là một ngôi chùa mới được xây cách độ chục năm. Mọi thứ còn mới tinh coong. Gỗ sàn sáng bóng. Những chiếc gối quỳ to vuông xếp từng chồng cao ngất. Cũng Đức Phật Tổ từ bi, Đức Như Lai đức độ, cùng nhiều đức phật khác mà tôi không thể nhớ được kỹ về từng vị. Tất cả các vị ngự cùng hàng ngàn các tượng Phật nhỏ xíu trên đàn, gương mặt sáng rỡ trong lập lòe ánh nến. Một sư ông đang tụng bài tụng tiếng Hàn.

Tôi vào quỳ trước những ban thờ. Rồi tìm thấy những cái hòm gỗ đựng tiền phúng của thập tử chúng sinh, bỏ vào mỗi thùng một đồng xu 100 won.

“Lạy Đức Phật từ bi. Con là… Chúng con đến từ Việt Nam, cầu mong được Đức Phật từ bi ngự trên khắp thế gian ban cho đất nước con và chúng con sức mạnh…”

Tôi thầm nghĩ, nếu Đức Ngài có hiện lên mà hỏi: “Con thích ta ban cho sức mạnh gì?”; có lẽ điều đầu tiên tôi xin sẽ là:”Cho dân tộc con sức mạnh chống lại tệ tham nhũng, tệ ăn bớt xi măng sắt thép, để xây được những hệ thống subway như Seoul, để không ai bước xuống tàu điện ngầm lại chỉ sợ sập hầm”.

Ngày Trung thu mà lại nói đến chuyện subway-tàu điện ngầm? Có vẻ gì đó khập khiễng quá!

Nhưng Trung thu là một lễ tết cổ truyền của một dân tộc. Là nét văn hoá truyền thống của dân tộc đó. Còn subway là một biểu hiện văn minh đô thị. Cả hai tồn tại song song sẽ là bài toán cộng ra nền kinh tế vững mạnh, sẽ tiến tới trở thành cường quốc. Sẽ và sẽ… Chắc chẳng ai trong số những trí thức Việt là không biết điều này, kể cả sinh viên, du học sinh…

Rời khỏi nhà chùa, trời vẫn mưa nặng hạt.

Khánh Chi bật dù, tôi chúi đầu vào đi ké. Bên này không thấy ai mặc áo mưa. Mọi người đều dùng dù để che nắng, mưa, dù mưa có to đến mấy. Họ cũng chỉ đi một quãng ngắn trên đường phố rồi lại chui xuống những tầng ngầm để đi subway. Hoặc bước vào những chiếc xe hơi gia đình sang trọng.

Ở nhà mình, không mặc áo mưa mà chỉ che dù đi dạo dưới mưa, e chỉ có dân chơi Đà Lạt ngày xưa là chuộng.

Chúng tôi đi dưới mưa. Lắng nghe Seoul đón trung thu.

Sự tưng bừng náo nhiệt chìm sâu trong những nếp nhà trong cái thành phố tuyệt đẹp giờ này đang đầm ấm và tận hưởng.

Nhớ nhà.

Trong một cái phòng nghỉ nhỏ xíu chừng bốn mét vuông, không tủ lạnh, không rest-room khép kín, tôi và Khánh Chi đón trung thu ở Seoul bằng một cốc trà đào và một miếng bánh dẻo mang từ nhà sang.

– Crimson House, Jeagi-Dong, tháng 9/2005 –

 

 

*Chin-tal-le: loài cây mọc tự nhiên khắp nơi ở Hàn Quốc, có thể sống ở nơi đất cằn cỗi. Mùa xuân, nở hoa sớm nhất, lá mọc sau khi hoa nở, báo hiệu mùa xuân. Là loài cây tượng trưng cho tính chịu đựng, hy sinh, chịu kham chịu khổ của người phụ nữ Hàn Quốc.

Exit mobile version