Ngoài Mạc Ngôn, nhiều nhà văn tài năng Trung Quốc chắc chắn sẽ thành công hơn nếu được độc giả quốc tế đón nhận. Điều này phụ thuộc vào các dịch giả giỏi.
Trung Quốc có khoảng 60.000 dịch giả, trong đó có 10.000 người làm việc liên quan đến dịch thuật văn học. Tuy vậy, theo China Press và Publishing Journal, số người có khả năng dịch tiếng Trung Quốc ra các ngôn ngữ khác chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng số này.
Với sự giúp đỡ của Dự án dịch thuật và xuất bản các tác phẩm văn hóa Trung Quốc (the Project for Translation and Publication of Chinese Cultural Works), khoảng 373 cuốn sách dịch ra 6 ngôn ngữ đã được xuất bản ở 9 quốc gia và các vùng lãnh thổ trong 3 năm qua.
Chiến thắng của Mạc Ngôn khơi dậy ước mơ vươn ra toàn cầu của các tác giả Trung Quốc.
Nhiều tiểu thuyết Trung Quốc đã giành được các giải thưởng hàng đầu và được chào đón nồng nhiệt ở Trung Quốc nhưng vẫn bị chậm trễ trong việc xuất bản ra nước ngoài, vì thiếu dịch giả giỏi.
Ví dụ về tiểu thuyết Thụ Hoạt của Diêm Liên Khoa. Mặc dù đã ký hợp đồng bản quyền với các nhà xuất bản đến từ Nhật Bản, Pháp, Italy và Anh từ cuối năm 2004, cho đến nay chưa có bản dịch nào được thực hiện vì không tìm được dịch giả phù hợp.
Nền tảng văn hóa đa dạng và lịch sử phong phú khắc sâu trong văn học Trung Quốc đòi hỏi ở các dịch giả sự hiểu biết sâu sắc chứ không chỉ kỹ năng chuyển ngữ. Nhiều dịch giả phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng giữa việc trung thành với nguyên văn và sự sáng tạo trong ngôn ngữ bản dịch.
Việc dịch tác phẩm văn học Trung Quốc sang ngôn ngữ khác vừa khó vừa mệt mỏi, mà cũng chỉ được trả công thấp. Rất nhiều người đã phải từ bỏ đam mê dịch thuật vì lý do kinh tế.
Thông thường, dịch giả chỉ kiếm được chưa đến 70 nhân dân tệ (khoảng 230 nghìn đồng) khi dịch 1.000 chữ Trung Quốc, một ngày trung bình một dịch giả kinh nghiệm có thể dịch 5.000 chữ.
Theo Huang Youyi, phó chủ tịch hiệp hội dịch giả Trung Quốc, thông thường, những dịch giả thiếu kinh nghiệm sẽ tập hợp nhau lại thành một nhóm làm việc theo kiểu “dây chuyền lắp ráp” dịch thuật chỉ để đáp ứng kịp hạn xuất bản, với mức thù lao rẻ. Những mô hình này thường tạo ra các bản dịch chất lượng kém.
Mặc dù 57 trường đại học Trung Quốc đã có chuyên ngành dịch thuật, các lớp học chuyên ngành dịch thuật văn học Trung Quốc vẫn hiếm. Các sinh viên phàn nàn về việc thiếu sự đào tạo chuyên sâu về dịch thuật các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc. Thay vào đó, các lớp học chỉ tập trung vào nghiên cứu tác phẩm cổ điển đã được dịch. Theo các chuyên gia, các trường cần cung cấp nhiều hơn nữa giáo trình văn hóa đặc thù có liên quan đến văn học, văn xuôi, thơ ca, tiểu thuyết và kịch.
Đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành dịch thuật, nhiều người đã từ bỏ dịch văn học để làm việc khác với mức lương được trả cao hơn.
Nguồn: Vnexpress