Bộ sưu tập kỷ vật văn hóa dân tộc Ê Đê của gia đình cố NSND Y Moan Ênuôl gồm 16 nhóm hiện vật gồm: ghế kpa dài 9,5m, ghế chủ, trống, chiêng, bộ công cụ, gùi có chân, ghế bên bếp lửa và nhiều hiện vật khác… sẽ lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề về Tây Nguyên, do Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhân lễ hội “Tháng 3 – Mùa con ong đi lấy mật”.


Bộ sưu tập kỷ vật văn hóa dân tộc Ê Đê của gia đình cố NSND Y Moan gồm 16 nhóm hiện vật sẽ lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề về Tây Nguyên



NSND Y Moan tên đầy đủ là Y Moan Ênuôl (sinh ngày 6-9-1957). Ông sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng ngay vì có niềm say mê ca hát từ nhỏ nên ông đã lựa chọn âm nhạc làm sự nghiệp theo đuổi suốt đời mình.

Con đường tiếp xúc âm nhạc chuyên nghiệp của ông càng trở nên rộng mở khi ông ra Bắc và học tại Nhạc viện Hà Nội, được người thầy là nhạc sĩ Nguyễn Cường phát hiện tài năng và bồi dưỡng. Thành công nối tiếp thành công, với tài năng của mình, ông được sang tu nghiệp tại Bulgaria, Đức, Nga, Rumania…


Năm 1981, Sở Văn hóa thông tin Đăk Lăk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường đến Đăk Lăk để sáng tác các ca khúc cho tỉnh và đây được coi là một bước ngoặt lớn đưa sự nghiệp của Y Moan lên đến đỉnh cao. Những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường được ông thể hiện rất thành công như Ly cà phê Ban Mê, Anh muốn sống bên em trọn đời… Y Moan được nhiều người ví như giọng ca huyền thoại của Tây Nguyên.


“Tháng 3 – Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn” sẽ là một chuỗi các hoạt động đặc sắc giới thiệu các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên diễn ra từ ngày 25 đến  27-3 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Chương trình này sẽ có sự tham dự của hơn 135 đồng bào dân tộc của 8 dân tộc đến từ 7 tỉnh tham gia, trong đó có 5 tỉnh vùng Tây Nguyên: M’Nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê Đê (Đắk Lắk), Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An).


“Tháng 3 – Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn” sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, cho du khách được trải nghiệm một không gian Tây Nguyên đại ngàn hũng vĩ vừa gần gũi, vừa xa xôi ngay ở Hà Nội: Ngày văn hóa “Tây Nguyên đại ngàn”; chương trình đạp xe “Vì tình yêu Tây Nguyên”; diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; ngày hội bắn nỏ; trưng bày, giới thiệu những sản phẩm được chế tác từ núi rừng Tây Nguyên, những người giữ lửa Tây Nguyên; lễ hội, tri thức dân gian; dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian…


Du khách đến đây còn có thể dự các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, do chính các già làng thực hành, như:  Lễ cúng cổng bon (buôn) làng dân tộc M’Nông; Lễ mừng nhà rông mới dân tộc Giẻ Triêng; Lễ cầu mưa và mừng mùa dân tộc Ê Đê; Lễ tạ ơn Yang đất Yang rừng dân tộc Mạ; Đám cưới của dân tộc Gia Rai; Lễ mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng; cùng những đêm kể Khan (hát kể, diễn xướng sử thi) được diễn xướng bởi các nghệ nhân dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk.


Đặc biệt, tối 25-3, nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) sẽ lần đầu tiên trình diễn kể Khan độc đáo của đồng bào Ê Đê tại không gian nhà dài làng dân tộc Ê Đê, khu Làng Dân tộc II, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội.


MAI AN

Exit mobile version